Năm nay, cả nước Pháp quay về quá khứ, ngoài đường bày bán đủ thứ đồ kỷ niệm Cách mạng, T-Shirt, gạt tàn cho đến Champagne. Logo chính thức của Ủy ban Kỷ niệm là ba con chim liền cánh xanh trắng đỏ, tôi không biết rõ do ai vẽ nhưng mà coi giống nét của Folon (Nếu tôi không lầm Folon người Bỉ, giải Goncourt 87 cũng người Bỉ, nước Pháp dạo này rộng lượng với họ hàng nghèo ở Wallonie). Nhìn về quá khứ, ai chẳng biết Paris lịch sử từng khúc đường nhưng từ Mỹ sang, lạ nhất là những cái tân tiến của Paris.
Sao lại có thể có chuyện đó được, Paris cổ kính, Paris văn hóa này kia ai cũng nhận nhưng Paris làm sao tân tiến được. Tân tiến về thời trang, về thẩm mỹ, về lối sống tôi không nói. Tôi muốn nói Paris có nhiều cái tân tiến về kỹ thuật, về vật chất trong đời sống hàng ngày mà ở Mỹ sang phải lạ. Nó nhỏ nhặt thôi, nép mình trong cuộc sống, ở đây có lẽ chẳng ai để ý, có lẽ phải đi xa về mới nhận được ra. Không lẽ lại mở đầu mục hiện đại của thành phố bằng cái này nhưng thôi tôi cứ nói vì đây là cái người du khách dễ gặp nhất và có lúc cần dùng. Cái cầu công cộng. Cầu tiêu công cộng ở Paris thường ở trạm métro lớn hay có, ở trong có cả đánh giày (cireur) cho nên người Việt hai, ba mươi năm trước ưa lịch sự dùng chữ “đi xia”. Kính lão đắc thọ, tôi xin nói về cái cổ kính trước. Cầu công cộng thuộc quyền cai quản của RATP ở Place Madeleine vẫn còn được giữ nguyên như vào lúc đầu thế kỷ. Ghế da, cửa sổ vernis, gạch lót hoa, kính chạm 1905 đã đành, quảng cáo trên tường cũng thuộc vào thời đó, bồn sứ, vòi nước, tất cả đều din như trong Viện Bảo tàng. Thuộc vào loại gìn giữ thế này chỉ còn có hai cái (cái kia ở Royal) nhưng rải rác các métro vẫn còn nhiều nơi mở cửa tuy là có ảnh hưởng của tám thập niên thay đổi. Trong những cầu này, thường có một bà lớn tuổi, áo đen, tóc búi, kính lão ngồi đan áo để trông coi. Nhân vật dame-pipi này rất Pháp, cũng như nhân vật concierge giữ nhà ở Paris. Giá ấn định là hai quan hai mươi, bạn nhớ để lại tiền lẻ. Ở các hàng quán có hạng, nhiều khi vào cầu cũng có bóng dáng các bà này, dĩ nhiên trong quán đâu có bắt trả tiền thêm về mục này nhưng thấy Dame-Pipi là phải “tip” dù miễn phí hay là có giá ấn định do thị xã đặt ra. Các bà này không còn bao nhiêu mà hình như không ai kế nghiệp cả nên càng ngày càng ít đi. Cầu công cộng giờ phải hiện đại hóa, bớt tốn kém nhân công cho nên Jean Claude Decaux xuất hiện.
Cái ông này ở Bolsa cũng là chỗ quen biết. Bạn có để ý cái trạm xe buýt che mưa gió mới đặt dạo này ở Nam Cali? Hai mặt kính, một cái mái và quan trọng nhất, một phía hông dành riêng cho quảng cáo (có hình ca sĩ Ngọc Lan đang mơ màng). Nó là cái Abribus Decaux giống hệt những cái Abribus Decaux ở Pháp, ở Bỉ, ở Thụy Sĩ, ở Ðại Hàn gì đó. Ông này xách cặp đến một thành phố, hỏi hội đồng thị xã có muốn chỗ trú ẩn cho người đợi xe buýt hay không, ông đặt cho free. Ông chỉ cần lấy tiền quảng cáo, nếu khó khăn chưa chịu thì ông đặt thêm cái bảng hiệu chỉ đường, cả bản đồ thành phố nữa, bản đồ thành phố ông đặt một mặt, mặt kia ông quảng cáo. Muốn dân chúng khỏi vất rác ra đường, ông cho không thùng rác, thùng rác của ông cũng có quảng cáo ở trên. Gì ông cũng tặng hết, ông chỉ tính thân chủ của ông tiền quảng cáo, thành phố nào chẳng chịu, thế là ông giàu. Ghế đá công viên, bản đồ chỉ đường ông làm xong, giờ ông quay sang cầu tiêu. Cái cầu Decaux dĩ nhiên cũng có quảng cáo. Ði ở đường bạn có thấy nó bằng xi măng trang nhã, loại đúc sẵn, màu vàng nhạt, to hơn cái tủ đựng quần áo một tí. Nó một chỗ ngồi (tôi muốn nói, nó đặt riêng ra từng đơn vị một), cửa ra vào bóng loáng như sắt máy bay. Quảng cáo có lẽ không đủ lời, bạn phải bỏ vào một quan vào cạnh cửa nhưng một quan này đáng đồng tiền bát gạo. Cửa sắt tự động thụt vào, đèn ở trong bật sáng, nhạc êm dịu nổi lên, bạn bước vào, cửa tự động đóng lại. Bên trong ấm cúng, quạt thì hút hơi thoáng khí, quạt lại phà hơi nóng điều hòa. Mà sạch thì không thể nào chê được tại vì cả cái sàn bạn đang đứng, cả cái bồn, cả cái phòng đến ngang người, một khi bạn đi ra sẽ tự động quay ngược xuống để mà tẩy uế hoàn toàn bằng máy với thuốc sát trùng như trong car-wash. Vệ sinh như thế còn hơn nhà thương nhưng chỉ phiền một cái, lỡ máy mát lên cơn điên lúc mình đang ở trong sập cả nửa phòng xuống xịt nước kỳ cọ thì mình làm sao? Thì mình chết, vậy thôi. Có một người mất mạng rồi, một em bé gái vì cân không đủ nặng, cầu tưởng là không có người. Ở ngoài có đề cẩn thận, đừng bao giờ để con nít vào một mình cả, biết đọc cũng có lợi. Còn máy điên lên thì tôi chưa nghe nói, chẳng qua chuyện này cũng như đang đi xe hơi tự nhiên chân ga rú lên vậy như nhãn Audi người ta đồn một dạo, xe nó điên thì cũng... chết chứ biết sao. Không phải vì thế mà không ai đi cầu máy Decaux nếu bạn là con người cầu tiến. Chẳng ai ngăn được sự phát triển, dù muốn dù không.
Paris là thành phố nhỏ hẹp, mà hình như số chó cư ngụ nội thành đông chẳng kém số người, thành thử ra, di chuyển trên hè phố, bạn thấy ngay vấn đề. Chó đã là chó thì làm sao biết đọc quảng cáo nên vấn đề này ông Decaux không buồn giải quyết. Giờ người ta đang bàn chuyện biên phạt chủ nhân nếu con vật trung thành không chịu đi xuống rãnh (Ở Paris, vỉa hè ngay phía dưới có rãnh nước chảy mang vào cống). Trong khi chờ đợi luật lệ được ban hành, thị xã Paris dùng một biệt đoàn moto lưu động để đáp ứng với tình thế này. Cái cảnh này, nếu bạn gặp được, cũng bõ cái vé máy bay để sang Tây. Moto dùng vào việc này thuộc loại đặc biệt, cồng kềnh nhưng đẹp mắt, coi như trong phim khoa học giả tưởng tự hành tinh nào xuống. Người lái, có khi là một cô kiều diễm tóc vàng cân đối, giống như là Sigourney Weaver trong phim “Alien”, mặc đồ phi hành gia trắng toát đội nón, coi còn oai gấp mấy phi công chiến đấu cơ. Gặp người và máy này rà rà trên vỉa hè, thấy ở đâu có bãi thì thắng lại. Ðằng sau moto máy hạ xuống, hút ngay tang vật, còn quét rửa vài cái bằng chổi theo sự điều khiển của space captain điềm nhiên ngồi đàng trước vặn nút. Tôi đi đây đi đó cũng nhiều rồi, chưa ở đâu tôi gặp được một cái cảnh phải trắng mắt ra mà theo dõi như thế. Tôi không dám nói là người lái loại moto này được tuyển theo nhan sắc nhưng họ bận quần áo đẹp, Paris là thành phố đẹp, vỉa hè cũng đẹp và cái cô tôi chứng kiến lần đó lại cũng đẹp nữa. Bấy nhiêu cái đẹp đó hợp lại để khai trừ cái bẩn, không phải là cảnh đáng coi sao. Tân kỳ đã đành, mà đẹp nữa, tôi nhấn mạnh, tôi mà nói láo thì bị loại moto này cán chết. Người đi du lịch ưa nói ngoa nhưng mà tôi nói thật, tôi thề thốt. Ðàn bà đẹp, mặc quần áo đẹp, lái xe đẹp, điều khiển máy hót phân chó thì tất cả các thị trấn trong đời tôi đi qua, chỉ có ở Paris.
Paris, nhân viên nhà nước cầu kỳ, các cô biên phạt thì mặc quần áo Givenchy, cảnh sát thì vài năm nay mới thay đổi sắc phục, giờ mang đồ Pierre Balmain (nhưng vẫn đeo súng ngắn Manurhin). Tây mà, họ ưa chải chuốt. Nhưng chuyện tân kỳ của tôi nó không phải chỉ ở những chuyện cặn bã. Người Pháp, chẳng hạn, là người xài tiền nhựa nhiều nhất thế giới. Về mặt này, các ngân hàng thống nhất, Visa hoặc Master và vào đâu bạn cũng mua bán được, ngay trong các siêu thị thực phẩm. Giấy tính tiền chạy từ két ra có hai bản sẵn, bạn ký ngay vào còn cái thẻ, good hay không good, máy cũng biết nốt, khỏi lật sách ra dò số lôi thôi. Mà cần cash thì ở đâu cũng có máy phát tiền, máy khắp nước chung một hệ thống dù ngân quỹ của bạn thuộc nhà băng nào bạn cũng lấy ra được ở bất cứ máy nào, chẳng phải nhìn xem có thuộc Cirrus hay là Star-System của thẻ mình không. Tiền nhựa, chẳng có gì lạ, tôi chỉ nói là ở bên Tây nó thông dụng hơn ở Mỹ. Nhất là, một loại tiền nhựa mà Mỹ không dùng, là tiền nhựa điện thoại. Trước đây, các cột điện thoại ở Pháp hư lên hư xuống, du đãng thiếu tiền cắc ưa chiếu cố đến khiến ngày nay, nếu không có sẵn cái thẻ trong túi không tài nào bạn gọi phone được. Thẻ này không thuộc loại phone-card tính trên số điện thoại của bạn. Nó cũng có nhưng cái thẻ tôi nói là cái thẻ trừ tiền chứ không phải thẻ cộng. Thẻ cộng đã đành, nó như con ma xó, bạn xài bao nhiêu nó cộng thêm dần dần. Thẻ trừ ngược lại, nó có giới hạn, bạn ra đầu đường mua một cái thẻ điện thoại 120 đơn vị, cỡ 14 USD. Mỗi lần gọi đi đâu, bạn đút vào máy, nói càng lâu nó càng trừ. Gọi viễn liên cho đào, nhìn nó nhẩy mà thích mắt, tắc $13.75, $13.50, $13.25 v.v... sắp hết nó chớp đèn ngoắc bạn để báo động, hết, bạn vứt nó đi mua cái khác. Có tỉnh bên Tây đang thí nghiệm loại thẻ này vào việc ăn chơi mua bán. Mấy trăm cửa hàng trong tỉnh đều có gắn máy để đọc, bạn đến nhà băng mua cái thẻ 500 USD, 300 USD gì đó, đi đâu cứ việc móc ra tiêu, nếu lẻ tẻ dăm ba đồng thì không cần code, mua sắm nhiều thì phải bấm số bí mật của mình. Hết tiền, cạn thẻ, bạn vào ngân hàng nạp tiền lại, dùng được tiếp. Dùng thế cash, nó không phải là thẻ tín dụng mà là tiền mặt loại gọn gàng.
Thế thì đã có gì tân tiến, lợi ích thế nào tôi không biết nhưng vào nhà ai tôi cũng thấy có một cái điện thoại có màn hình và bàn phím như là một cái máy vi tính bé. Ðường dây điện thoại bên Pháp thuộc độc quyền chính phủ (Bưu điện) nên việc nối điện thoại vào với điện toán áp dụng rất dễ. Cái máy, nhà Bưu điện cho không, nếu muốn có máy in thì phải bỏ tiền thêm. Áp dụng của nó y như là áp dụng vi tính vậy, chỉ khác chỗ là nó tập trung hóa được. Bạn có thể “gọi” giữ chỗ xem xiếc, tìm địa chỉ nhân tình cũ (đánh tên lên màn ảnh, nó tìm hộ như mình xem niêm giám, ôi, những tên nhân tình cũ xanh xanh trên màn ảnh...), coi giờ máy bay vớ vẩn. Nhưng nó lan rộng ra trăm ngàn dịch vụ, thí dụ bạn làm business nó giữ sổ kế toán cho bạn được, nó khai thuế hộ, bạn gửi thư sang Bồ Ðào Nha, đánh vào bằng tiếng Pháp nó dịch ra ngay bằng tiếng Bồ, tiếng Ðức, tiếng quái quỷ gì khác, dịch qua dịch lại chớp mắt tuy là dịch dở. Và cái mà người ta ưa dùng nhất, là nó... kiếm bồ cho mình. Kiếm bồ cho mình thì nó chưa tự động được (nghĩa là kiếm nhân tình cũ không ra, máy chưa tự động hỏi bạn bè, thế nào, muốn kiếm nhân tình mới không?) Kiếm nhân tình, cho đến giờ này, con người còn phải chủ động, dù là bồ cũ hay bồ mới (bồ cũ nhiều khi cần chủ động nhiều hơn nữa). Bạn có quyền lựa các tiết mục, có những số tìm bạn mặc đồ da, tay cầm roi, có những số để tìm bạn mặc đồ trắng, tay cầm hoa, tùy sở thích. Bạn có thể đăng rao vặt và mở “hộp thư” trên máy bằng bí số (Z 28 chẳng hạn), ngày hôm sau mở máy check “hộp thư” coi có ai trả lời không. Bạn có thể đối thoại thẳng với người lạ (Z 28 gọi Mèo Xiêm), bạn có thể ỡm ờ tay cầm lá cây mà ngắt ngắt hay bạn bạo dạn hơn mà phơi bày những ý đồ rực rỡ (tôi không thích chữ đen tối vì tôi thấy những chuyện này tôi sáng mắt ra chứ ít khi nào nhắm mắt lại) trong đầu. Thích lắm, muốn nói thêm gì thì nói, cũng như phone hồng nghe thẳng tiếng nhau ở bên Pháp này không đắt khách, chỉ có Minitel Hồng phải viết ra lên màn hình lại chạy. Z 28 gọi Cọp Thái, nếu tâm đầu ý hợp mình hẹn nhau đi chơi cuối tuần. “Tôi với nàng quen nhau qua Minitel” mươi năm nữa có lẽ trở thành một trường hợp thông dụng. Như ngày hôm nay học cùng trường, làm cùng sở, gặp ở nhà người quen, đám cưới, party. Minitel có thể áp dụng vào nhiều việc đúng đắn, chắc chắn rồi, vô số kể. Nhưng ngoài đường tôi ít thấy quảng cáo những dịch vụ này. Năm nay đã bớt, phong trào Minitel Hồng dường như mệt mỏi, phải lấy lại hơi nhưng vẫn còn những tấm biển có cô ngực trần tóc vàng 3615 ULLA (3615 là mã số đầu tương đương như 976 ở Cali), có cô đít nhỏng tóc đen 3615 BRIGITTE. Phong trào này cách đây hai ba năm làm nhiều người Mỹ sang đây phát sợ, chẳng hiểu chuyện gì sao đàn bà nhồng nhộng đầy bích chương đường phố. Không bán sú-cheng, không bán sì-líp, không bán nghỉ mát mà cứ vẫn phơi bày. Người Mỹ đâu có Minitel.
Cái màn ảnh nhỏ hấp dẫn như vậy, ở Pháp đi đâu tôi cũng thấy màn ảnh. Màn ảnh computer, màn ảnh vidéo. Hệ thống métro cũng có cáp TV riêng bày khắp nơi để đợi tàu đỡ buồn, coi nhảy hát, coi khí tượng, coi tin ngắn. Tiệm sách, tiệm nhạc, tiệm café, cá ngựa gì cũng vậy, màn ảnh bày la liệt, dĩ nhiên mỗi nơi một chủ đề, tiệm nhạc thì để vidéo clip, bấm nút mà lựa chọn được, tiệm cá ngựa thì để kết quả cuộc đua trực tiếp truyền hình. Cớ gì người ta cũng mang TV ra chắn lối được, cái đề chữ, cái để hình làm như không có nó thì không sống nổi. Chả vậy mà chữ “câblé” (bắt giây) dạo này đồng nghĩa với “thời trang”. Ngay cả cái việc chỉ đường bạn cũng không cần nhờ anh cảnh sát hay cô đầm tốt bụng nữa. Ở các lối ra vào nơi phương tiện chuyên chở công cộng người ta để một thằng Situ là xong. Anh này màu xám xịt, cũng có màn hình (bằng LCD), cũng có keyboard. Bạn đánh vào cái địa điểm mà bạn muốn đến, số bao nhiêu, đường gì. Chàng sẽ hỏi bạn muốn dùng tàu điện, xe buýt, cả hai, cách nào nhanh nhất hay cách nào ít phải đi bộ nhất, tùy ý bạn chọn lựa. Bấm nút lựa xong, Situ vừa rè rè làm việc vừa tử tế “Xin lỗi, làm ơn đợi chút”. Ðộ ba mươi giây sau, chàng nhả ra một tờ giấy in mực hai màu đen đỏ cẩn thận, cặn kẽ từng chỉ dẫn. Lấy hướng A, xuống trạm B ra lối C, quẹo tay phải độ bao nhiêu thước thì đến, tất cả mất chừng X phút. Tôi tò mò hỏi thử, nhà địa chỉ người yêu dạo trước ra mà tra hỏi. Bằng đủ cách, cách nhanh nhất, cách ít phải đi bộ nhất, bằng tàu điện, bằng xe buýt, bằng cả hai cộng lại. Năm phút sau tôi lần mần cầm cả năm tờ giấy chỉ đường ở trên tay do anh Situ trao tặng. Tôi xin lỗi lại là đã làm phiền máy. Tại hỏi chơi cho biết chứ người yêu cũ, có cách nào mà đến được và hiện đại thì hiện đại, Situ không tài nào chỉ nổi. Tình nhân mới, may ra còn nhờ máy Minitel được chứ tình nhân đã cũ rồi thì máy nào cũng phải chịu thua.