Announcement

Collapse
No announcement yet.

Màu Son

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Màu Son



    Màu Son



    Món xôi gấc là món xôi thường được dùng trong dịp cưới hỏi, lễ Tết. Màu đỏ ngả sang cam của nếp đẹp gọi mời như đôi môi mọng nàng dâu mới.

    Nấu xôi gấc đối với phần đông phụ nữ Việt Nam, và nhất là con gái miền quê, nơi những giàn gấc che rợp góc sân, che mát bờ giếng, là một món xôi đơn giản bắt buộc phải biết, giống như phải biết nấu xôi đậu xanh, đậu đen, đậu phọng.

    Xôi đậu cứ đong một nếp, nửa đậu, rồi sau đó tuỳ theo đậu mà cách nấu có hơi khác nhau một chút , nhưng nếp thì nhất định phải ngâm ít nhất bốn tiếng, để khi đồ (hấp) hạt xôi mềm dẻo không bị cứng.

    Nấu xôi gấc cầu kỳ hơn, lựa được trái gấc chín đỏ trên cành, chín chưa đến nỗi nứt da, chỉ vừa đủ khi giơ tay vói hái, trái đã ngoan ngoãn ngả vào tay. Người ta bổ trái gấc làm đôi, múc hết thịt gấc, dầy khoảng gần nửa lóng tay, màu vàng ngà, cùng phần hạt được bọc bằng lớp lụa màu đỏ thẫm vào tô, có sẵn tí rượu đế thơm lừng mùi gạo trong ấy, rồi dùng thìa đánh tan đánh nhuyễn thịt và vỏ lụa bọc chung quanh hạt, cho thành hỗn hợp màu đỏ cam. Rượu là chất xúc tác làm cho gấc tươm màu au đỏ khiến chõ (xửng) xôi đẹp lạ lùng, không mầu nào sánh được.

    Đã có gấc ngon, cần thêm nếp tóc (hạt dài), để hạt xôi thanh mảnh, duyên dáng bóng ngời, nhất là trong những đám cưới sang trọng, người ta không đơm xôi ra đĩa, mà dùng khuôn đóng xôi gấc thành hình chữ hỉ, lộc, thọ, phước. Nếp ngỗng hạt tròn xoay, không lột tả được nét sắc xảo của mẫu chữ khắc trên thớ gỗ.

    Nói đến vị, thì sau khi nếp được ngâm mềm, để ráo, cô nàng xốc gấc vào, rắc tí muối ươm vị mặn mà, thêm muỗng mỡ gà khiến gấc ngậy thơm. Đến khi xôi chín, ngậm miếng xôi vào miệng, mặc lưỡi ẵm bồng miếng chả quế, răng đã cắn ngập, nhai chậm chạp cho vị xôi vị quế tan lẫn vào nhau, đê mê mải miết. Nếu chẳng như thế, ai thèm dùng xôi gấc vào việc cưới xin nhau? Khi đồ xôi, những hạt gấc để ghé sang một bên chõ, những hạt gấc đen bóng, có khấc đều đặn chung quanh, biến thành món trang sức thật đặc biệt cho đĩa xôi xinh đẹp, từ trong ra ngoài.

    Xôi gấc từ miền Bắc chỉ có thế, khi vào đến trong Nam được thêm nước cốt dừa. Lúc ngâm nếp, thay vì bằng nước lạnh bà nội trợ dùng nước cốt dừa. Vị béo của dừa được nếp ngậm vào, làm óng ánh đĩa xôi, vài muỗng đường trộn vào xôi sau khi xôi đã chín làm xôi có thêm vị ngọt ngào bình dị phương nam.

    Long đong phận gấc, cùng người Việt tha hương , xôi gấc được nấu bằng màu thức ăn . Ngâm nếp với nước có pha 2 phần màu đỏ, một phần màu vàng qua đêm. Trộn nếp với muối , đem hấp. Khi nếp gần chín, rưới nước cốt dừa hộp có pha đường lên nếp và hấp tiếp. Thay hột gấc bằng táo tầu.

    Sau gần 30 năm , người Việt tha hương thấy lại những trái gấc Việt Nam. Mầu của trái gấc đông lạnh cho ra đĩa xôi gấc màu cam tai tái, nếu không cho thêm phẩm màu vào trợ giúp. Trái tươi được trồng cho ra dĩa xôi màu trăng trắng, vị không thơm béo như trái gấc ngày xưa.

    Có lẽ trái gấc uống nước biển đông đã quen, nay cần thời gian để làm quen với nước biển tây để màu đỏ thắm lại chăng?

    Đọc đâu đó có người bảo nấu xôi gấc cho thêm đậu xanh. Gấc khóc nức nở: “Xin đừng , phận em đã đủ long đong."

    Nhưng khi đọc công thức nấu xôi “vò gấc” cầu kỳ của một người bạn, tôi tự hỏi phụ nữ khéo léo trong bếp có được phần thưởng gì chăng ngoài câu khen: “khéo quá.”

    “Vụng xôi xéo, khéo xôi vò.” Vụng cũng một đĩa xôi, khéo cũng một đĩa xôi, chọn vợ cho con trai, các cụ chọn con gái khéo. Nhìn từ cách rót trà, đến cách bưng tách mời khách. Bà mẹ có con gái khéo, cũng khéo léo khoe con: “Bánh cháu nó làm, xôi cháu nó nấu.”

    Nấu xôi vò khó để được khen khéo, từng hạt rời nhau, đậu xanh bọc vừa đủ cho màu vàng của đậu ẩn vào hạt nếp, như duyên thầm chúm chím nụ cười đầu, của người con gái tặng cho chàng trai đến nhà xem mắt. Hòa cả xôi gấc cùng xôi vò phải công phu tỉ mỉ đến đâu?

    Nhuộm hạt nếp bằng màu son của gấc, phơi cho nếp ráo hết nước để có thể vò cùng đậu xanh đã hấp chín xay nhuyễn - nắm chặt - thái mỏng – xóc nếp và đậu trong vài muỗng mỡ gà, hay dầu ăn, sau đó mới đồ (hấp) xôi. Trõ (xửng) hấp, nước phải thật xôi, để cái thìa vào nồi nước, tiếng kêu leng keng nhè nhẹ của thìa cho biết: “nước còn chưa cạn,” như trong gia đình đôi khi có những tiếng cằn nhằn, cửi nhưởi cho biết: “tình còn thắm, chưa phai.” Nắm từng nắm nếp nhẹ nhàng xếp vào chung quanh trõ, để khoảng trống ở giữa nồi cho hơi nước bốc lên, đủ hấp chín hạt nếp màu son có màu vàng óng ánh của đậu.

    Chỉ diễn tả thôi đã thấy bao nhiêu công phu, tẩn mẩn của người con gái khéo léo việc bếp núc.

    Trả lời cho câu tôi hỏi: “Được gì không ?” là nguồn gốc tại sao và từ đâu có món xôi vò nhuộm gấc. Nhận trầu cau cưới hỏi xong, về nhà “họ,” thuyền đã đậu bến, cầm đã trao tay thì biết mình chỉ là “phận lẽ.”

    Ngày nào “họ” kề bên gấc nồng xôi thẫm đỏ, những hạt nếp âu yếm quấn lấy nhau.

    Ngày nào “họ” về bên ấy, vò hạt nếp vào đậu, ngậm nhấm nỗi lòng đau, để những hạt xôi nếp son xỉn buồn rời rạc. Từng hạt xôi vò-gấc, là hạt lệ long lanh cô đơn thiếu phụ một thời.

    Tôi chưa nấu thử nồi xôi vò gấc, biết chuyện não lòng nên cũng chẳng muốn thử làm gì.

    Chẳng muốn con gái học thêm chi khéo, nấu được nồi cơm, kho được trách cá, nêm được tộ canh đã đủ giữ bữa cơm gia đình hạnh phúc. Mà hạnh phúc có thật hay không, đâu chỉ căn cứ vào đĩa xôi hay mâm cơm nhỉ?

    Anh thở dài: “Lại đặt câu hỏi?”



  • #2

    I love 'xôi gấc'

    Comment


    • #3
      Không cần biết cái hình này từ đâu ra, nhưng nó đạt tiêu chuẩn xôi gấc đó quý vị! (Không cần hình thức trình bày)

      - Hột nếp còn nguyên, không bị nát. Ở đây, thường thì bà con hay mua nếp hột tròn để tránh thấy xôi bị nát, vì bị nát là không khéo. Chè đậu trắng, bánh tét, bánh chưng gì cũng vậy.

      - Màu sắc thì cũng OK, không cần biết thật - giả!
      :coffee:

      Comment


      • #4
        Cám ơn hình minh họa xôi gấc - chị Hồng Nhung viết đúng ơi là đúng - đồ xôi sao cho ngon là một nghệ thuật .

        Hôm đám cưới của cháu mình - nấu xôi mời khách mà bị không khéo - nhưng thôi đâu cần khéo nữa làm chị chỉ cần đẹp và ngon nhất là không độc vì hóa chất .

        Comment

        Working...
        X