Mỗi độ xuân về, ngắm nhìn sắc hồng mai anh đào lung linh trên khắp các nẻo phố núi Đà Lạt, mà lòng cảm thấy rạo rực một ước vọng.
Nhà nghiên cứu về Đà Lạt Nguyễn Văn Uông luôn phủ nhận giả thiết cho rằng mai anh đào được du nhập từ Nhật Bản. Còn nhà “Đà Lạt học” Nguyễn Hữu Tranh (73 tuổi), một người sinh ra tại đây, là kỹ sư nông học, có nhiều năm nghiên cứu về vùng đất này thì phân tích: “Mai anh đào mang những đặc tính của thực vật miền ôn đới, mùa thu cây trút lá, sau đó nghỉ đông trơ cành khẳng khiu, đến mùa xuân nở hoa rực rỡ”. Ông Tranh khẳng định, mai anh đào hoàn toàn khác anh đào của Nhật Bản. Sở dĩ có sự “ngộ nhận” là vì năm 1964, hàng chục cây anh đào Nhật Bản được trồng ven hồ Xuân Hương nhưng do nhiệt độ Đà Lạt còn cao, độ ẩm lại thấp, sương mù ít nên chúng không sống nổi.
Cố kỹ sư Lương Văn Sáu, Trưởng ty Nông vụ tỉnh Tuyên Đức (Lâm Đồng ngày nay) từng khẳng định mai anh đào là cây bản địa mọc hoang trong một vài cánh rừng xung quanh Đà Lạt. Điều này được ông Nguyễn Thái Hai (82 tuổi, sinh tại Đà Lạt) minh chứng cụ thể trong cuốn sách Ông Nguyễn Thái Hiến và ngành trồng rau Đà Lạt mới xuất bản. Theo ông Hai, cây mai anh đào do ông Nguyễn Thái Hiến (bố ông Hai), một giám thị lục lộ, phát hiện tại khu rừng quanh ấp Tân Lạc (khu dân cư gần Bến xe liên tỉnh Đà Lạt ngày nay). Cuối thập niên 20 của thế kỷ trước, trong lúc khai phá vườn riêng ở ấp Tân Lạc, ông Hiến thấy những cây mai rừng có hoa sắc tím hồng đẹp lộng lẫy nên đề nghị người Pháp cho trồng dọc các con đường. Sau thời gian trồng thử nghiệm, năm 1935 ông Hiến chính thức trồng mai anh đào dọc tuyến đường từ cầu Ông Đạo (hồ Xuân Hương) lên rạp chiếu bóng Hòa Bình, và kéo dài đến rạp Ngọc Lan. Theo ông Hai, ca từ: “Ai lên xứ hoa đào đừng quên bước lần theo đường hoa/Hoa bay đến bên người ngại ngần rồi hoa theo chân ai” - trong nhạc phẩm Ai lên xứ hoa đào của nhạc sĩ Hoàng Nguyên - lấy cảm hứng từ những con đường mai anh đào mà ông Hiến đã trồng.
Trong 3 năm gần đây, Đà Lạt đã trồng mới trên 3.000 cây mai anh đào quanh hồ Xuân Hương và nhiều con đường khác trong thành phố. Tại khu du lịch hồ Tuyền Lâm đã trồng được 50 ha mai anh đào. Đặc biệt, con đường dẫn vào khu du lịch Thung lũng Tình yêu vừa được mang tên Mai Anh Đào.
Ở Nhật Bản, hằng năm có lễ hội hoa anh đào thu hút hàng triệu du khách khắp thế giới đến tham dự, tại sao Đà Lạt không tổ chức “Lễ hội mai anh đào” để thu hút du khách thập phương đến thưởng lãm vẻ kiêu sa của loài hoa này?
Theo TNO
Nhà nghiên cứu về Đà Lạt Nguyễn Văn Uông luôn phủ nhận giả thiết cho rằng mai anh đào được du nhập từ Nhật Bản. Còn nhà “Đà Lạt học” Nguyễn Hữu Tranh (73 tuổi), một người sinh ra tại đây, là kỹ sư nông học, có nhiều năm nghiên cứu về vùng đất này thì phân tích: “Mai anh đào mang những đặc tính của thực vật miền ôn đới, mùa thu cây trút lá, sau đó nghỉ đông trơ cành khẳng khiu, đến mùa xuân nở hoa rực rỡ”. Ông Tranh khẳng định, mai anh đào hoàn toàn khác anh đào của Nhật Bản. Sở dĩ có sự “ngộ nhận” là vì năm 1964, hàng chục cây anh đào Nhật Bản được trồng ven hồ Xuân Hương nhưng do nhiệt độ Đà Lạt còn cao, độ ẩm lại thấp, sương mù ít nên chúng không sống nổi.
Cố kỹ sư Lương Văn Sáu, Trưởng ty Nông vụ tỉnh Tuyên Đức (Lâm Đồng ngày nay) từng khẳng định mai anh đào là cây bản địa mọc hoang trong một vài cánh rừng xung quanh Đà Lạt. Điều này được ông Nguyễn Thái Hai (82 tuổi, sinh tại Đà Lạt) minh chứng cụ thể trong cuốn sách Ông Nguyễn Thái Hiến và ngành trồng rau Đà Lạt mới xuất bản. Theo ông Hai, cây mai anh đào do ông Nguyễn Thái Hiến (bố ông Hai), một giám thị lục lộ, phát hiện tại khu rừng quanh ấp Tân Lạc (khu dân cư gần Bến xe liên tỉnh Đà Lạt ngày nay). Cuối thập niên 20 của thế kỷ trước, trong lúc khai phá vườn riêng ở ấp Tân Lạc, ông Hiến thấy những cây mai rừng có hoa sắc tím hồng đẹp lộng lẫy nên đề nghị người Pháp cho trồng dọc các con đường. Sau thời gian trồng thử nghiệm, năm 1935 ông Hiến chính thức trồng mai anh đào dọc tuyến đường từ cầu Ông Đạo (hồ Xuân Hương) lên rạp chiếu bóng Hòa Bình, và kéo dài đến rạp Ngọc Lan. Theo ông Hai, ca từ: “Ai lên xứ hoa đào đừng quên bước lần theo đường hoa/Hoa bay đến bên người ngại ngần rồi hoa theo chân ai” - trong nhạc phẩm Ai lên xứ hoa đào của nhạc sĩ Hoàng Nguyên - lấy cảm hứng từ những con đường mai anh đào mà ông Hiến đã trồng.
Trong 3 năm gần đây, Đà Lạt đã trồng mới trên 3.000 cây mai anh đào quanh hồ Xuân Hương và nhiều con đường khác trong thành phố. Tại khu du lịch hồ Tuyền Lâm đã trồng được 50 ha mai anh đào. Đặc biệt, con đường dẫn vào khu du lịch Thung lũng Tình yêu vừa được mang tên Mai Anh Đào.
Ở Nhật Bản, hằng năm có lễ hội hoa anh đào thu hút hàng triệu du khách khắp thế giới đến tham dự, tại sao Đà Lạt không tổ chức “Lễ hội mai anh đào” để thu hút du khách thập phương đến thưởng lãm vẻ kiêu sa của loài hoa này?
Theo TNO