Nghiên cứu mới cho thấy lạc đà non dưới 4 tuổi có thể là tác nhân chính trong lây truyền virus Mers.
Một nhóm chuyên gia quốc tế đã xem xét các bằng chứng về lây nhiễm trong hơn 800 con lạc đà một bướu. Họ phát hiện ra là hơn 90% số đó mang bệnh Mers (Middle East Respiratory Syndrome) từ trước 2 tuổi và virus lan truyền trong lạc đà non nhanh hơn trong lạc đà nhiều tuổi.
Các khoa học gia cho rằng thay đổi trong cách thức chăn nuôi có thể giúp giảm lây nhiễm Mers cho người. Nghiên cứu này được đăng trong tạp chí chuyên ngành Các bệnh Lây nhiễm mới.
Trường hợp lây virus Mers coronavirus cho người đầu tiên được ghi nhận hồi tháng 6/2012, nhưng có thể đã xuất hiện từ trước đó mà không biết. Tới nay đã có hơn 1.100 ca và hơn 400 người tử vong.
Bệnh này được phát hiện ở 25 nước tại châu Âu, châu Á và châu Phi, nhưng Ảrập Saudi là nước có nhiều bệnh nhân nhất.
Tiếp xúc với người
Các nhà nghiên cứu tập trung vào các loại vật nuôi có tiếp xúc với người nhiều nhất tại Trung Đông: ngựa, bò, cừu, dê, và lạc đà.
Lạc đà một bướu có kháng thể nhận biết được protein của virus Mers, bằng chứng của sự lây nhiễm trong quá khứ. Các loại động vật khác không có kháng thể này.
Các khoa học gia cũng xem xét mẫu phẩm lấy từ lạc đà ở các nơi khác. Họ thấy rằng lạc đà ở châu Phi và Trung Đông đã mắc bệnh Mers từ nhiều năm nay. Virus lây lan rộng rãi một phần cũng vì thông thương giữa khu vực Sừng châu Phi và bán đảo Ảrập.
Trong nghiên cứu mới ra, các nhà khoa học từ Bonn, Hong Kong và Dubai, đã tìm hiểu bệnh phẩm từ 900 con lạc đà hiện đang được nuôi ở Dubai.
Đại đa số các mẫu lấy từ lạc đà dưới 2 tuổi có chứa kháng thể Mers, cho thấy virus này lây lan rộng trong động vật non. Đặc biệt, ở lạc đà dưới 4 tuổi, tốc độ lây lan vô cùng lớn và do vậy là đe dọa lớn cho loài người. Tuy nhiên virus lây nhiễm thế nào từ lạc đà sang người thì vẫn còn là ẩn số.