Announcement

Collapse
No announcement yet.

Một ngày trên trạm không gian quốc tế - Huy Lâm

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Một ngày trên trạm không gian quốc tế - Huy Lâm


    Năm 2009, Trạm Không gian Quốc tế đang trong giai đoạn cuối hoàn tất công việc xây dựng sau hơn một thập niên, các phi hành gia làm việc bên nửa phần thuộc Mỹ cuối cùng đã có những căn phòng riêng của họ. Nói là phòng riêng nhưng thật ra chỉ là bốn ô nhỏ bằng cỡ những phòng vệ sinh trên máy bay. Đó là nơi các phi hành gia dùng để ngủ, trong một không gian mà họ có thể đóng cánh cửa lại và có được ít giờ riêng tư và im lặng, một ít giờ không phải nhìn, phải đụng tới những máy truyền tin, máy thu hình hoặc phải nghe những chỉ thị từ trung tâm điều khiển dưới mặt đất. Mỗi căn phòng đó được bọc bằng một thứ như là vải màu trắng và được trang bị một túi ngủ được gắn vào bức tường bên trong căn phòng bé tí đó. Khi một phi hành gia chuẩn bị đi ngủ, anh ta chỉ việc chui vào túi ngủ đó.

    Nhưng tư thế ngủ như thế nào cũng là một thử thách lớn. Vấn đề ở đây là khi phi hành gia đó ngủ, anh ta muốn cho hai tay vào trong túi hay để chúng ra bên ngoài. Nếu để hai tay ra bên ngoài, chúng sẽ lơ lửng trong không gian vì nơi đây không có trọng lực, và thường là đôi tay đó đưa thẳng ra ngoài, làm cho người phi hành gia đang ngủ trông giống như một nghệ sĩ múa ballet trong một tư thế hết sức kỳ cục.

    Các chuyến bay ra ngoài không gian không còn được người Mỹ chú ý như trước nữa mặc dù chương trình thám hiểm không gian đạt được nhiều thành quả to lớn. Trong một thập niên qua, nước Mỹ là quốc gia có những hoạt động ngoài không gian đều đặn và thường xuyên nhất. Mỗi ngày như thế có hàng nửa tá phi hành gia, đàn ông có, đàn bà có, và thường thì có ít nhất hai người Mỹ, sống và làm việc ở ngoài quỹ đạo của trái đất, và đã liên tục như thế kể từ cuối năm 2000. Trung tâm điều khiển (Mission Control) ở Houston có thể nói là không bao giờ ngủ, và trong một góc của màn ảnh video khổng lồ tại đây, một chiếc đồng hồ đều đặn đếm ngày giờ trạm không gian đã liên tục có sự hiện diện của người làm việc trên đó. Hiện nay con số đã vượt quá 5.200 ngày.

    Trạm không gian quốc tế là một thành tựu kỹ thuật kỳ diệu, nhưng với sự hiểu biết của người bình thường như chúng ta thì dường như nó chỉ biết bay vòng vòng quanh quỹ đạo trái đất – và cứ mỗi 92 phút là một lần chứng kiến mặt trời mọc. Những nghiên cứu khoa học trên trạm không gian đến nay vẫn chưa gặt hái được những thành quả có tính khai phá, và cuộc sống mỗi ngày trên đó lại thiếu sức hấp dẫn như trong những truyện du hành không gian chúng ta từng đọc. Thế nên cũng đừng nên trách khi nó gần như bị người đời quên lãng.

    Nhưng không vì thế mà chúng ta gạt bỏ qua những đóng góp của các phi hành gia và trạm không gian này: chỉ nội những chi tiết và thử thách của một ngày sống và làm việc ngoài không gian cũng là điều kỳ lạ và thích thú, khám phá được nhiều điều bí mật và mang lại những kinh nghiệm giá trị cho những người bay ra ngoài không gian sau này. Đến nay, trạm không gian đã bay quanh trái đất hơn 82.000 lần và chỉ việc làm này thôi đã là điều không ai ngờ nổi, thậm chí ngay đến cơ quan NASA dường như cũng không hề nhắm tới từ những ngày đầu.

    Trạm không gian quốc tế được xem như một tiền đồn ngoài đó và chỉ riêng kích thước của nó cũng đủ làm ngay chính những phi hành gia là những người góp công xây dựng nên cũng phải choáng ngợp. Từ cạnh của tấm kiếng thu năng lượng mặt trời đến cạnh của tấm kiếng bên kia là chiều dài của một sân bóng đá. Trạm không gian nặng gần 1 triệu cân Anh (450.000 kg), và những tấm kính mặt trời chiếm một diện tích hơn một mẫu tây. Bên trong lòng khoang của nó có thể chứa được một căn nhà sáu phòng ngủ, lớn hơn 10 lần so với kích thước lòng khoang của phi thuyền con thoi. Lòng khoang lớn tới độ trong những năm đầu khi nhóm làm việc chỉ có ba người, các phi hành gia thường làm việc cả ngày mà không hề đụng mặt nhau, ngoại trừ giờ ăn cơm. Mà quả thật, trạm không gian lớn đến độ mắt thường của chúng ta có thể nhìn thấy vệt bay của nó ngang qua bầu trời đêm khi nó bay qua đầu chúng ta.

    Trạm không gian là một sự hợp tác chung: một nửa của Mỹ, một nửa của Nga, và mỗi quốc gia điều hành phần riêng của mình (với bên phía Mỹ còn có sự hợp tác từ Canada, Nhật Bản và Âu châu, và thường có một phi hành gia là khách mời từ một trong những nơi trên). Trách nhiệm đường bay và hoạt động hạ tầng của trạm không gian được chia sẻ chung, và vai trò chỉ huy trạm được luân phiên thay đổi giữa Mỹ và Nga. Trong một ngày làm việc, các phi hành gia Nga và Mỹ làm việc trong khu vực riêng của họ. Nhưng nhóm làm việc cũng thường gặp nhau trong bữa ăn và họp mặt tán gẫu sau giờ làm.

    Là một phi thuyền, mà cũng là một phòng thí nghiệm, và là một nơi để ở, trạm không gian được so sánh như một con tàu. Nó mang phong cách riêng của nó, sức quyến rũ và kiểu cách của riêng nó. Các phi hành gia đến rồi đi, mang theo lối sinh hoạt của riêng họ, nhưng chính trạm không gian cũng tự tạo ra một bản sắc và nhịp độ riêng biệt. Nó có một hệ thống tái chế nước dùng tinh vi hơn bất kỳ hệ thống nào trên mặt đất. Một phi hành gia pha một ly nước cam dùng cho bữa điểm tâm vào sáng thứ Hai và tiểu tiện vào buổi trưa cùng ngày có thể dùng lại cùng thứ nước ấy, đã được lọc sạch, để pha một ly nước cam khác vào ngày thứ Năm. Đến nay, trên trạm không gian vẫn chưa có một tủ lạnh hay một tủ đá (hiện chỉ có một tủ đá dành riêng cho những thí nghiệm khoa học), và trong khi thực phẩm nay đã dễ ăn hơn so với 20 năm trước, phần lớn vẫn là thực phẩm đóng hộp hay được đóng gói. Đôi ba tháng lại có một chuyến bay từ trái đất lên mang theo ít cam tươi thì ngày hôm đó là một ngày vui không thể tả.

    Để duy trì sự hoạt động của trạm không gian cũng không rẻ chút nào. Thậm chí với những ước tính thấp nhất, chi phí để trả cho mỗi giờ bay của trạm không gian là $350.000, thế nên thời gian làm việc của phi hành gia trên đó là rất mắc mỏ – và điều đó giải thích vì sao mỗi phi hành gia đều có một thời khóa biểu làm việc khôg ngừng nghỉ: Một ngày làm việc của phi hành gia thường bắt đầu từ 7:30 sáng và kéo dài cho tới 7:00 tối. Họ được nghỉ cuối tuần, nhưng ngày thứ Bảy được dành để làm những công việc dọn dẹp vệ sinh – rất cần thiết, nhưng chắc hẳn đó không phải là một công việc thích thú – và nhiều khi kéo dài qua tới ngày Chủ nhật.


    Khi phi hành gia còn trong phi thuyền, trung tâm điều khiển dưới đất luôn đánh thức phi hành đoàn bằng một bản nhạc để bắt đầu một ngày mới. Bản nhạc đánh thức đó là một truyền thống mang nhiều ý nghĩa, mặc dù chỉ là hình thức, có từ thời chương trình không gian Gemini vào thập niên 1960. Riêng trạm không gian quốc tế được xem như một tiền đồn lưu động nên nó cũng được giữ tính cách độc lập. Do đó, trung tâm điều khiển bên dưới không đánh thức phi hành gia vào mỗi buổi sáng. Các phi hành gia này thường tự động dậy trong những phòng ngủ tí hon của họ trước khi nối liên lạc với Houston, sau đó bắt đầu một ngày làm việc bằng cuộc điện đàm với trung tâm kiểm soát mở đầu bằng câu: “Houston, đây là Trạm Không gian Quốc tế. Chào buổi sáng.” Họ kết thúc một ngày làm việc cũng bằng một cuộc điện đàm như thế vào buổi tối. Khi các phi hành gia chuẩn bị đi nghỉ, họ sẽ bay lơ lửng xuyên qua lòng của trạm không gian, tắt hết các bóng đèn và đóng màn cửa sổ, để khi ngủ họ không bị chói mắt bởi những cảnh bình minh xuất hiện cứ mỗi 92 phút. Trung tâm điều khiển bên dưới thường không liên lạc với trạm không gian trong những giờ nghỉ.

    Mặc dù các phi hành gia sống và làm việc trên trạm không gian, họ không thật sự bay hay điều khiển nó. Tất cả được làm từ Houston và Moscow. Trung tâm điều khiển theo dõi vị trí của trạm không gian và điều chỉnh nó khi cần thiết. Trung tâm điều khiển cũng theo dõi tất cả mọi hệ thống trên đó – từ hệ thống điện, hệ thống hỗ trợ sự sống, đến hệ thống liên lạc. Ở bên dưới còn có một đội ngũ đông đảo hỗ trợ cho trạm không gian – với hơn 1.000 chuyên viên cho mỗi phi hành gia ở bên ngoài. Trong khi các phi hành gia bắt đầu một ngày làm việc, nhịp độ làm việc của một ngày được vạch rõ bởi các chuyên viên làm việc dưới đất. Mỗi một phút trong một ngày làm việc của mỗi phi hành gia được chỉ dẫn cặn kẽ trên từng ô vuông của trang giấy dành cho từng công việc riêng biệt. Nói như thế thì người ta mới hiểu chỉ nội công việc sắp xếp thời khóa biểu làm việc cho các phi hành gia bên phía Mỹ ở trên trạm không gian phải cần tới 50 nhân viên toàn thời gian.

    Các phi hành gia là những người có học lực cao và năng động mà rốt cuộc phải làm liên tục hết công việc này đến công việc kia cả ngày, có những việc thích thú và đòi hỏi trình độ (như làm nghiên cứu chung với các khoa học gia bên dưới), nhưng cũng có những việc dễ làm nản lòng (như phải ghi mã số những vật dụng cho vào thùng rác trước khi đem đi đốt). Không ai lại nộp đơn xin được bay lên không gian để làm công việc đổ thùng nước tiểu hay thay cái lọc không khí. Nhưng đó là tất cả những công việc đòi hỏi của một phi hành gia. Nói các khác, có thể coi các phi hành gia không hơn gì những kỹ thuật viên có tay nghề cao.

    Như trạm không gian đang hoạt động hiện nay, với một nhóm ba phi hành gia bên phía Mỹ, gần ba phần tư công việc của phi hành gia mỗi ngày là chỉ để bảo trì trạm và giữ sức khỏe tốt đừng để bị ốm đau.

    Mặc dù chỉ làm phần lớn những công việc lặt vặt như thế nhưng để xin được một chỗ trên trạm không gian không phải là chuyện dễ. Trong mỗi đợt tuyển phi hành gia, cơ quan NASA nhận được khoảng hơn 6.000 đơn và họ chỉ chọn khoảng 10 người, một tỉ lệ rất nhỏ. Thế nên, được trở thành một phi hành gia là mơ ước của nhiều người, và cho đến nay mới có khoảng 450 người trên thế giới được chính thức là phi hành gia, còn ít hơn con số tỉ phú. Thế nên, nếu phải làm công việc quét rác, dọn dẹp trên trạm không gian mà được một chuyến bay có một không hai đó thì cũng xứng đáng.

Working...
X