Thầy cô và các bạn mến,
Ngày đầu tập làm văn KD được mọi người trong gia đình ĐHSPKT-TĐ khuyến khích nhiều. Nhất là các anh chị trong ban biên tập thường nhận xét là vui lắm, cứ tiếp tục đi D. Anh Thiện Toản thì lo sửa lỗi chính tả, chấm câu cho D. Sau này khi KD quen dần không mệt mỏi vì bị chuột tha mất chữ nữa thì KD lại có duyên với anh Hùng, không biết nên gọi là duyên gì? D tạm cho là 'duyên Bắc kỳ' vì trong bài viết của KD có lúc viết như đang kể chuyện với người kề bên nên có đôi câu D viết tắt không rõ nghĩa. Anh Hùng cũng là Bắc kỳ nên hiểu ý D và đã giúp chỉnh sửa cho câu văn rõ nghĩa hơn, nhờ vậy người đọc hiểu ngay KD muốn nói gì.
Mỗi bài viết KD đều được sự ủng hộ, khích lệ của toàn thể anh chị em trong GĐ ĐHSPKT-TĐ và để đáp lại những nâng đỡ của anh, chị, KD sẽ tiếp tục cố gắng viết cho đến lúc mắt mỏi tay mòn.
''Anh em xum họp một nhà, bao là tốt đẹp bao là sướng vui''.
Hôm nay KD lại học thêm được món gỏi càng cua nữa. Ngày xưa ở trường chỉ ăn rau càng cua chấm mắm kho quẹt (nước mắm kho kẹo) của các chị bạn Vĩnh Long như Hồng Nhung, Đinh Ngọc Dung, chị Hương Cò, chị Út ... Ngày nào mà hái được mớ rau càng cua thêm vào cho bữa 'canh toàn quốc' thì yên trí ngày đó tạm đủ chất bổ dưỡng rồi nên vui lắm NL ơi.
Thắc mắc của anh Cường sao oái oăm quá (nội hay nói thế). Ngày xưa KD cũng thắc mắc với bà nội, thì được trả lời là khi mới di cư, người trong Nam gọi cây này là cây bông súng. Những cây khác thì gọi là cây điên điển, cây so đũa, bè lục bình. Khi cây nở hoa thì hoa của nó được người miền Nam gọi là bông điên điển, bông lục bình, bông so đũa. Người Bắc thì gọi là hoa điên điển, hoa lục bình, hoa so đũa, riêng bông súng thì gọi là hoa bông súng vì ngoài Bắc có cây bông vải, khi nó nở hoa thì hoa của nó gọi là hoa bông vải. Đó là cách giải thích của bà nội mà sau này cả bầy cháu đứa nào cũng gọi như vậy để được cười rúc rích.
Loài hoa này không gọi là bông đạn vì nó không có hạt cho trẻ con chơi bắn nhau, càng không được gọi hoa lềnh bềnh vì nó có rễ không trôi lềnh bềnh như bè lục bình. Nhưng nếu gọi là hoa kèn thì cũng sai nốt vì nó mọc ở dưới nước, lõi bị tắc nước thổi không ra tiếng lấy gì mà gọi là kèn cơ chứ?
Ở miền sông nước, trẻ con thường rủ nhau ra ngoài kênh, rạch chơi. Khi những viên sỏi chọi nhau rớt xuống nước "bùm", "bùm", văng vẳng nghe như tiếng súng từ con lạch bên kia. Cứ mỗi một viên sỏi, nước lại tung lên một ít như nhụy hoa rồi lan thành vòng gợn sóng nhẹ như cánh hoa thật, tùy theo hòn đất lớn hay bé thì sẽ có hoa to hay nhỏ. Tới mùa hoa nở, hoa súng nước của bầy trẻ chơi bắn nhau đẹp lung linh như bóng hoa thật in trên nước, cả vùng nở toàn hoa súng. KD nghĩ như vậy có đúng không?
Anh Hùng à, sao cho 2 đứa có 2 cái bánh mà hỏi khó quá. Giải thích theo ngữ học thì KD phải gọi về VN cầu cứu bác Ba thôi, vậy cho D giải thích theo dung nhan của bánh nhé. KD nghe nói con lợn đẻ ở ngoài Bắc, con heo sanh ở trong Nam.
Loại bánh này cứ một lớp nguyên bột sần sật, rồi lại đến lớp đậu xanh lại mềm mềm.
- Màu xanh của lớp da bánh phải là màu xanh lấy từ lá dứa thơm. Khi giã lá vắt lấy nước trộn vô bột rồi đem hấp chín, mặt da bóng nhưng bên trong vẫn có những sợi màu li ti, lợn cợn không thể hoà tan vào bột. Đó là màu tự nhiên, bánh ngon phải có lớp da lợn cợn.
- Khi ăn bánh, lưỡi cho ta cảm giác không tan đều vì lớp đậu mềm tan nhanh còn lớp da sần sật tan chậm hơn nên nghĩ nó lợn cợn trong miệng. Nếu lớp da bánh mà mềm là bánh không đạt tiêu chuẩn.
Da bánh cần 2 điểm lợn cợn gọi tắt là da lợn, khi người Bắc vào Nam thì quen chữ 'lợn' lại thấy nó có lớp da và lớp thịt nên gọi là 'bánh da lợn'. Mình cũng có loại bánh khác gọi là 'bánh tai heo', như vậy da thì phải là da lợn còn tai thì phải là tai heo, cách dùng từ ngữ như thế này KD thấy công bằng cho cả Bắc lẫn Nam.
KD ăn một cái bánh thấy như vậy, còn cái nữa thì của NL. Nếu KD mà nói trúng, đừng quên quà của D nhé.
Thân ái
KimDung
Comment