Announcement

Collapse
No announcement yet.

Thanh Thúy - Tiếng Hát Liêu Trai

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Thanh Thúy - Tiếng Hát Liêu Trai

    Thanh Thúy - Tiếng Hát Liêu Trai



    Thanh Thúy, tên là Nguyễn Thị Thanh Thúy, một nữ danh ca nổi tiếng của miền Nam Việt Nam. Giọng ca được mệnh danh là "Tiếng Hát Liêu Trai". Thanh Thúy sinh năm 1943 tại Thừa Thiên Huế, trong một gia đình có năm chị em, nhưng chỉ có mình bà là ca sĩ và người em tên Thanh Châu thỉnh thoảng cũng đi hát. Vì lý do gia cảnh, vì mẹ bị bệnh nan y, nên gia đình Thanh Thúy từ Huế đưa mẹ vào Sài Gòn chữa trị và thuê một căn nhà nhỏ trong con hẻm trên đường Cao Thắng.

    Để mưu sinh và kiếm thêm tiền phụ vào việc thuốc thang cho mẹ, Thanh Thúy bắt đầu đi hát từ khi mới được 16 tuổi (1959), với chất giọng trầm ấm hơi khàn, lối phát âm nhả chữ rất riêng và đầy cảm xúc, sâu lắng, nghẹn ngào và nức nở, với dáng dấp mảnh mai và mái tóc dài buông lơi trên đôi vai gầy trong tà áo dài, Thanh Thúy có thể được coi như là một trong những nữ ca sĩ gây được nhiều tiếng vang nhất trong làng âm nhạc Việt Nam trong suốt thập niên 1960 và đã ngự trị trên các làn sóng phát thanh cũng như truyền hình tại miền Nam Việt Nam và trở thành một ngôi sao trên các sân khấu Đại nhạc hội cũng như phòng trà.

    Nghe Thanh Thúy hát, dường như Thanh Thúy đang kể, đang tự sự và kéo lê những cuộc tình, những kỷ niệm, những mảnh đời trĩu buồn vào lòng của đêm. Thanh Thúy là hiện thân của âm nhạc phòng trà ngày xưa và cũng là huyền thoại đầu tiên của các diva nhạc vàng thuở ấy. Nhưng nếu có một so sánh duy nhất về tiếng hát Thanh Thúy, thì đó là những giọt mưa rớt xuống từ trời cao, từng giọt, từng giọt đau buốt nhưng cũng mê đắm ngọt ngào, ảo ảnh. Giọng trầm nhưng càng nghe lại càng thấy như những sợi tơ âm thanh, dệt mãi dệt mãi thành tấm rèm đêm hư ảo lệ đời. Trong âm nhạc Việt Nam chưa từng có ai có giọng hát đặc biệt như vậy, không lẫn với bất cứ ca sỹ nào và cũng không ai bắt chước theo nổi.

    Ngày đó Thanh Thúy hay hát ở các phòng trà Văn Cảnh, Văn Hoa, Arc En Ciel… và theo như lời chị tâm sự trong một băng nhạc thì phòng trà đầu tiên chị hát Đức Quỳnh (Văn Hoa) trên đường Cao Thắng (Bây giờ là rạp Thăng Long).

    Tháng 11 năm 1961, tài tử điện ảnh kiêm đạo diễn Nguyễn Long thực hiện cuốn phim "Thúy Đã Đi Rồi" nói về bà, ca khúc nhạc phim do nhạc sĩ Y Vân sáng tác và do ca sĩ Hùng Cường trình bày. Ngoài bộ phim này, hình ảnh Thanh Thúy còn xuất hiện trên sân khấu kịch và truyền hình. Các nghệ sĩ Kim Cương, Bích Thủy, Xuân Dung... đều đã đóng vai Thanh Thúy.

    Năm 1962, Thanh Thúy được bầu chọn là Hoa hậu Nghệ sĩ, đồng thời là “Nữ ca sĩ ăn khách nhất” suốt 3 năm liền.

    Sau 30 tháng 4 năm 1975, Thanh Thúy sang định cư tại Hoa Kỳ và vẫn tiếp tục đi hát cho các trung tâm băng nhạc tại hải ngoại cũng như trung tâm băng đĩa của chính bà. Bà từng lập gia đình với một sĩ quan không quân của Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Hiện nay bà chủ yếu tham gia các hoạt động từ thiện.

    Giọng ca Thanh Thúy trước 1975 được gọi là “Huyền thoại không bao giờ lặp lại”, và hình ảnh của Thanh Thúy được coi như “người tình trong mộng của nhiều thế hệ”. Nhà thơ Nguyên Sa viết: "Thanh Thúy là nữ ca sĩ được ngợi ca nhiều nhất trong văn, trong thơ. Thi sĩ Hoàng Trúc Ly, nhà văn Mai Thảo, nhà thơ Viên Linh, nhà văn Tuấn Huy…. Bởi vì Thanh Thúy chính là người yêu trong mộng của cả một thế hệ, trong đó có những nhà văn, nhà thơ ….". Tiếng hát Thanh Thúy đã từng được nhà văn Mai Thảo mệnh danh là "Tiếng hát lúc 0 giờ"; giáo sư triết học Nguyễn Văn Trung thì gọi bà là "Tiếng hát liêu trai"; nhạc sĩ Tuấn Huy gọi là "Tiếng sầu ru khuya". Nhà thơ Hoàng Trúc Ly đã viết bài thơ "Từ Em Tiếng Hát Lên Trời". Nhiều nhạc sĩ, thi sĩ sáng tác ca khúc, bài thơ để dành tặng riêng cho Thanh Thúy, như Trịnh Công Sơn viết bản nhạc đầu tay “Ướt Mi” và "Thương Một Người", Tôn Thất Lập sáng tác "Tiếng Hát Về Khuya", Anh Bằng sáng tác ca khúc "Tiếng Ca U Hoài", Y Vân với " Thúy Đã Đi Rồi ", và rất nhiều sáng tác của Trúc Phương đều lấy cảm hứng từ tình cảm của ông dành cho Thanh Thúy.

    Trong đêm nhạc tại nhà hàng Mỹ Cảnh, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết một mảnh giấy nhỏ đề nghị Thanh Thúy hát bài Giọt Mưa Thu của Đặng Thế Phong. Thanh Thúy nhỏ nhẹ cám ơn, rồi cất tiếng hát. Khi hát do có tâm sự riêng, nghe đâu cha cô vừa mất trước đó vài tháng và mẹ cô bị lao phổi đang trong tình trạng trầm trọng. Cô đã không kiềm chế được cảm xúc, cứ để cho tình cảm tràn đầy, cô vừa hát vừa khóc… Sau khi quay về Huế, có lẽ vào một đêm mưa, cơn mưa của Huế, nhạc sỹ TCS đã nhớ lại những giòng nước mắt lăn dài trên má của cô ca sĩ trẻ với số phận bất hạnh, đã viết ra như không kiềm giữ được.

    Buồn ơi trong đêm thâu

    Ôm ấp giùm ta nhé

    Người em thương mưa ngâu

    Hay khóc sầu nhân thế

    Tình ta đêm về có ấm

    từng cơn mưa em chưa …


    (Ướt Mi)

    Bài hát Ướt Mi được giới trẻ miền Nam đón nhận nồng nhiệt vào những năm 1959-1960, đặc biệt khán giả Nhật Bản cũng rất thích bản nhạc này, một phần do dàn nhạc giao hưởng của Nhật đã thu và trình diễn. Với âm điệu đó, ngôn từ đó hình như anh đã nói thay họ những gì trong cái góc riêng tư, sâu kín nhất mà họ không thể nói được. Nhật Bản bi lệ trong âm nhạc nên thích Ướt mi là điều dễ hiểu. Năm 1959, một lần nữa, Sơn viết ca khúc "Thương Một Người" như để chia sẻ trên đôi vai cô ca sĩ trẻ sớm gánh chịu nỗi nhọc nhằn.
Working...
X