Announcement

Collapse
No announcement yet.

Du lịch Huế- động Thiên Đường- Đà Nẵng- Hội An- Bà Nà (Phần 1)

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Du lịch Huế- động Thiên Đường- Đà Nẵng- Hội An- Bà Nà (Phần 1)

    Tết này, công ty không cho đi du lịch, nên tôi phải tự túc mua tour (hu! hu!).

    Năm nay công chức được nghỉ tết đến 9 ngày, do đó, hơn 1 tháng trước tết hầu hết các tour đã hết vé và còn rất ít chọn lựa. Tour Tết có giá cao hơn: thường ngày là 8 triệu nhưng nay phải trả 10 triệu cho tour 5 ngày: Huế- Động Thiên Đường- Đà Nẵng-Hội An- Bà Nà.

    Tôi ra sân bay trước 2 tiếng để check in đi Huế, khởi hành lúc 2:40 chiều.

    Sau đó được báo là chuyến bay delay đến 3:05PM.

    Sắp đến giờ bay, mọi người đứng sắp hàng tại cổng để ra máy bay, đứng đến hơn 3:00 PM cũng không thấy cho lên máy bay, mọi người mỏi chân quá ngồi bệt xuống sàn tại nơi xếp hàng. Đúng là “VN air-lie” chứ không phải “Sorry Airline” như người ta thường nói (vì delay hoài nên không thèm báo và không thèm nói “sorry” luôn! – Xin xem thêm bài của… người khác: http://nguyenvantuan.net/misc/9-misc...hong-quoc-gia-)

    Đến 4:40PM máy bay mới cất cánh và xuống sân bay Huế lúc 5:50PM. Mọi người sang xe trung chuyển. Chờ một hồi đầy khách, xe mới lăn bánh và chạy khoảng 15 mét là đến cửa sân bay. Trời! Lúc nãy đi bộ là tới nơi lâu rồi!

    Mất cả nửa ngày để bay có 1 giờ. Vậy là hết 1 ngày đầu tiên của tour du lịch.

    Tối hôm đó, đoàn du lịch đi nghe ca nhạc Huế trên sông Hương, nhưng mấy anh nhóm tôi đã có lần đi rồi nên không đi nữa và nói rằng mấy “mệ” ấy “sồn sồn” không hà! (Hôm sau tôi mới biêt là toàn mấy “O” trẻ đẹp trình diễn! Tức quá!)

    Sáng hôm sau đoàn khởi hành đi Quảng Bình để đến động Thiên Đường, cách Huế 220 km.

    Xe đi ngang Quảng Trị, vùng đất nổi tiếng về chiến tranh.

    Sáng mùng 3 Tết mà không thấy không khí Tết đâu.

    Khoảng 20 nhà mới thấy một nhà có chậu Cúc chưng trước thềm. Dân chúng có vẻ sống tiết kiệm và căn cơ.[/align]

    Thành cổ Quảng Trị:

    Thành cổ Quảng Trị nằm giữa trung tâm thị xã Quảng Trị, có trước thời vua Minh Mạng.

    Tại nơi đây đã có trận đánh lớn vào "mùa hè đỏ lửa" năm 1972, giữa lực lượng của Quân đội Nhân dân Việt Nam với Quân lực Việt Nam Cộng hòa có sự yểm trợ của quân đội Mỹ. Trận chiến kéo dài trong suốt 81 ngày đêm, Việt Nam Cộng hòa đã thành công trong việc tái chiếm lại Thành cổ.

    Đây là một trận đánh hao tổn về sức người và của cho cả hai bên. Người ta kể lại rằng máu chảy đỏ cả sông và xác người nghẽn cả dòng nước.

    Sau chiến dịch này, toàn bộ Thành Cổ gần như bị san phẳng, sau này được tôn tạo để làm di tích vào thập niên 90. Thành Cổ được người dân trong vùng xem là "Đất Tâm Linh" vì nơi đây bất cứ tấc đất nào cũng có bom đạn và máu xương các binh sĩ hai bên.

    Sông Bến Hải và cầu Hiền Lương


    Xe chạy qua sông Bến Hải bằng cây cầu mới, nhìn sang phía Đông là cây cầu Hiền Lương phục chế

    (vì đã bị đánh sập vào năm 1967), là ranh giới chia cắt Việt Nam trong 21 năm (1954-1975).

    Năm 1954, Sông Bến Hải ở vĩ tuyến 17 được chọn làm ranh giới. Việc chia thành hai vùng quân sự này chỉ có giá trị trong vòng hai năm (từ năm 1954 đến năm 1956). Nhưng năm 1956, cuộc tổng tuyển cử đã không tổ chức, cho nên sông Bến Hải tiếp tục chia cắt đất nước và làm ly tán nhiều gia đình ở hai miền Việt Nam trong suốt 21 năm.

    Ngày nay, ở bờ Nam sông Bến Hải có một tượng đài với tên gọi: "Khát vọng thống nhất non sông". Tượng đài có hình dáng của một thiếu phụ đang đứng, phía sau là tàu dừa nước cách điệu, nhìn về phía Bắc, mong nhớ chồng và người thân đi tập kết.

    Cuộc chiến âm thanh

    Những năm 1954-1964 là giai đoạn của cuộc chiến bằng âm thanh đã diễn ra ở 2 bên bờ Hiền Lương căng thẳng và quyết liệt giữa hai phe đối lập.

    Lúc đầu, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cho xây dựng một hệ thống loa phóng thanh được phân bố thành 5 cụm trong chiều dài 1.500m ở bờ Bắc, mỗi cụm gồm 24 loa có công suất 25W.

    Sau những ngày phát sóng đầu tiên, hệ thống loa phóng thanh này không thể át được các loa do Tây Đức, Úc cung cấp phát với âm thanh lớn hơn của chính quyền Việt Nam Cộng hoà. Chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tăng thêm 8 loa có công suất 50W và 1 loa có công suất 250W được viện trợ từ Liên Xô.

    Sau đó, một giàn loa của Mỹ với công suất của mỗi loa lên tới hàng trăm oát được chuyển đến và đặt tại bờ Nam sông Bến Hải. Ngay lập tức, chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lắp đặt chiếc loa có công suất 500W với đường kính rộng đến 1,7m và bổ sung thêm 20 loa của Liên Xô, tiếng loa có thể truyền xa hơn 10km.


    2 loa công suất 500W có đường kính rộng 1,7m tại Nhà trưng bày Vĩ tuyến 17

    Cuộc "đấu khẩu" giữa hai phía qua hệ thống loa là những lời tuyên truyền chính trị chỉ trích đối phương. Mỗi ngày buổi phát thanh kéo dài 14-15 tiếng đồng hồ, có khi phát vào lúc 1 - 2 giờ sáng, mở hết công suất làm người dân cả hai bờ đều nghe thấy!.

    Tội nghiệp người dân Quảng Trị! họ không thể đi nơi khác sinh sống chắc vì bán đất cũng… không có ai mua!.

    Sau khi chạy trên quốc lộ 1, qua 2 di tích lịch sử trên thì xe rẽ sang đường Hồ Chí Minh để đến Quãng Bình. Đường tốt hơn, nhưng vắng hơn, nếu xe hư chắc phải chịu cảnh nằm đường.

    Động Thiên Đường


    Đến vườn quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng, đồi núi chập chùng với những thửa ruộng chật hẹp nằm dưới chân núi.



    Vùng núi Kẻ Bàng

    Động Thiên Đường được ông “vua hang động” Hồ Khanh phát hiện năm 2005 (ông này cũng phát hiện ra hang Sơn Đoong, chưa đưa vào khai thác), sau đó Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh đi khảo sát và năm 2010 họ công bố hang này có tổng chiều dài là 31 km, dài nhất châu Á.

    Ông Hồ Khanh được thưởng 600.000 đồng và… chấm hết!

    Người ta nói động là một cái máy lạnh khổng lồ vì nhiệt độ trong hang luôn ở 17->20 °C. Nhưng vì phải leo lên 522 bậc đá (tương đương với 25 tầng lầu) để lên đến cửa động, rồi lại bước xuống 300 bậc thang gỗ để xuống đáy hang nên mồ hôi du khách ướt đẫm và không thấy mát mẻ nữa (Híc!).

    Trước khi vào động, mọi người tập trung lại nghỉ mệt và nghe hướng dẫn viên giới thiệu về động Thiên đường.


    Cửa vào động rất nhỏ, chỉ đủ cho 2 người tránh nhau.

    Tuy nhiên, ngay sau khi bước qua cửa động, xuống bậc thang gỗ: một khung cảnh hùng vĩ, tráng lệ lập tức mở rộng ra trước mắt.

    Bên trong là những khối thạch nhũ với những hình thù kỳ dị, tha hồ cho mọi người tưởng tượng: Phật Bà, Đức Mẹ, con lân, con cóc, nhà rông….


    Con người khi vào hang cảm thấy thật nhỏ bé trước cảnh quan thiên nhiên kỳ vỹ.


    Có thạch nhũ giống nhà rông


    giống cột chống trời.


    Tháp Liên Hoa.

    Có một hình thạch nhũ khá kỳ lạ được đặt tên là tháp Liên hoa (hoa sen). Hầu hết các thạch nhũ đều có chiều rũ từ trên xuống, còn ở bông sen đá này lại có những cánh hoa hướng lên phía trên, như là những giọt nước bắn lên rồi đông cứng lại.

    Ánh sáng ở đây được bố trí là ánh sáng trắng giúp khách tham quan có thể quan sát được màu sắc nguyên thủy của thạch nhũ.


    Có 1 nơi là ánh sáng đỏ. Lêu lêu!

    Tập đoàn Trường Thịnh được phép khai thác du lịch trong 50 năm và cũng chỉ làm cầu thang tham quan cho 1 km đầu tiên, còn 30km hang động nữa chưa khám phá, vẫn còn chứa những điều kỳ thú khác.

    Đường trở về mất 5 giờ đồng hồ, nên gần 8 giờ tối đoàn mới về đến Huế.

    Sáng hôm sau đoàn viếng Kinh thành Huế.

    (Xin xem tiếp phần 2)
Working...
X