Mây Tím - NOLA
T làm lạc mất hình cuả chuyến đi NOLA, nên không có hình để minh hoạ cho bài viết này.
Bạn đọc chắc phải trợn mắt ngó lại cái tưạ đề quái chiêu này trước khi đọc coi T viết cái gì đây.
Một Chúa Nhật đẹp trời, T nhận được điện thoại cuả Cẩm Vân - người bạn cùng phòng nội trú ở ĐHSPKT năm xưa sau hơn 20 năm bặt tin. Trong lớp Vân lớn hơn tụi T mấy tuổi nhưng không cho gọi bằng chị, chỉ kêu tên thôi cho thân mật. Ngược dòng thời gian, T rời VN năm 1981, Vân đến Mỹ 1993, nàng điện thoại cho T hay đang định cư ở New Orleans - Louisianna (LA). Sau đó, T qua New Orleans gặp Vân, rồi thỉnh thoảng Vân và T gọi điện thoại thăm nhau, được vài lần đến khi số điện thoại cuả Vân có chủ khác, bạn bè mất tin nhau từ đó. Cách đây vài tháng, nhờ Kim Liên tìm ra Vân, nên nàng mới liên lạc được với bạn bè cùng lớp. Nàng vui lắm, rối rít rủ T qua New Orleans chơi. Thế là một tuần cuối tháng hai, Liên Ninh Trúc và chị Hoà qua New Orleans để gặp Vân. Chiều thứ Sáu, HT đi làm rồi lái xe xuống nhà Ninh ngủ để hôm sau đi NOLA (New Orleans - Louisianna). Anh Phăng chị Hòa tháp tùng theo vào giờ chót, chứ ban đầu không có rủ chị đi. Chị trách T:
- Sao đi mà không rủ Hoà?
Tính T đi đâu ít khi nào rủ rê ai. Anh Nguyên nói:
- Nếu chị muốn đi thì xe cuả anh có 9 chổ ngồi.
Chị duả lại liền:
- Nè, nổ vưà vưà thôi, xe nào mà có tới 9 chổ.
Chừng lên xe, thấy mới tin, xe đò Trường Nguyên mới mua được vài tháng, 9 chổ ngồi, có ‘seat belt’ đầy đủ. Anh Hoàng nói:
- Kỳ này mình đi xe tổng thống.’ (Suburban bành ki, đen thui, kính xe ‘tint’ xám xịt, bình xăng 30 gallons đổ mệt xiủ….)
Anh Nguyên thông báo:
- Sáng mai khởi hành lúc 5 giờ nha bà con.
Tối đó chắc Ninh cho T uống trà Thái Đức, quá nưả đêm mà cứ lục đa lục đục, vừa chợp mắt được chút xiú đã nghe bên ngoài lao xao, nhìn đồng hồ, Trời ạ, mới 4 giờ, Ninh và chị Hoà pha cà-phê và làm thức ăn sáng cho mọi người. Thế là lóp ngóp bò dậy đánh răng rưả mặt, dù còn đang buồn ngủ muốn chết. Đến hẹn lại lên, trời còn tối thui đã nghe tiếng bác tài oang oang ngoài ngỏ. Năm giờ rưỡi, xe bon bon ra xa lộ nhắm hướng NOLA trực chỉ. Từ Houston TX tới New Orleans LA cở 6 tiếng xe, sẽ qua những thành phố như Lake Charles, Lafayette, Baton Rouge rồi mới tới New Orleans, coi như đi hết chiều ngang cuả tiểu bang LA. Trước ngày đi, dự báo thời tiết mưa te tua, nhưng may sao hôm đó trời chỉ u ám chứ không ướt át.
Ở Baton Rouge có chị Mai Hương 76KNC, định ghé thăm chị, nhưng sáng đó chị đang trên megabus đi Houston, coi như trớt quớt, chưa có duyên tới nhà chị. Khoảng 10 giờ tới Baton Rouge, đây là thủ phủ cuả tiểu bang Louisianna. Baton Rouge là tiếng Pháp ‘Cây ba ton màu đỏ’ The Red Stick. Toà nhà lập pháp nằm bên dòng sông Mississippi. LA capitol building cao sừng sững như tháp chuông của các trường đại học. Từ tầng 27 – observation deck, bạn thấy tàu bè, xà lang di chuyển tấp nập trên sông. Toà nhà lập pháp này cao nhất xứ so với các capitol building cuả các tiểu bang khác nhưng về mỹ thuật thì không có nét đặc sắc.
Bạn biết không, cách đây mấy trăm năm, tiểu bang Louisianna nằm trong Louisianna Territory là thuộc điạ cuả Pháp. Lúc đó là thời cuả Jefferson, vị tổng thống thứ Ba cuả Hoa Kỳ. Jefferson muốn mua chủ quyền cuả hải cảng New Orleans do nhìn thấy sự thuận lợi về kinh tế , nhưng Nã Phá Luân cần tiền vì đang chiến tranh với Anh, lại thấy vùng đất rộng lớn hoang sơ này quá xa với mẫu quốc, không biết có cơm cháo được gì không, nên thay vì chỉ bán New Orleans với giá 10 triệu đô, Tây nói: ‘Trả thêm 5 triệu nưã thì lấy hết Louisianna Territory.’ Mỹ lúc đó còn nghèo rớt mùng tơi nhưng thấy giá bán rẻ mạt , tính ra có ba bốn xu một mẫu đất nên bấm bụng mua luôn. Louisianna Territory chạy dài từ vịnh Mễ Tây Cơ tới Canada, gồm mười mấy tiểu bang sau này cuả Mỹ.
Rời Baton Rouge, tụi T đổi tuyến đường chút xiú để đi trên cây cầu đã có một thời được coi là dài nhất thế giới. Cầu này được xây từ đầu thế kỷ trước, bắc trên hồ Pontchartrain, dài 24 dặm, có hai chiều, mỗi chiều hai lane. Nếu đi từ Bắc xuống Nam để vô New Orleans (Southbound) thì trả 5 đô tiền qua cầu, nếu đi chiều ngược lại thì khỏi trả tiền. Đi trên cầu không thấy đất đai bờ bến gì cả vì cái hồ này khá rộng. Cầu xây thấp lè tè gần mặt nước vì hồ tuy rộng mênh mông nhưng cạn sệt, sâu chừng vài chục feet nên không có tàu lớn đi trên hồ này. T thấy thành cầu cũng thấp chủm, nếu chẳng may xe cộ tông nhau, dám có xe rớt xuống nước như chơi.
Sau nưả tiếng qua cầu thì tới New Orleans và tới nhà Vân lúc hai giờ chiều. Chủ nhà thấy xe tổng thống quẹo vô đậu trên drive way nhà mình nên chạy ra coi. Xe đò tắt máy, khách lục tục bước xuống, hai, ba, bốn….sáu, bảy…uả sao mà nhiều dữ vậy. Chỉ báo cho Vân biết có 6 mạng, ngày chót trước khi đi mới có thêm anh Phăng chị Hoà. Chị Hoà đủng đỉnh bước ra, Vân hơi ngờ ngợ rồi nhận ra ngay. Còn anh Thọ, dông vô bếp, nổi lưả lên, luộc thêm hai tô phở nưã. Tụi T hỏi thăm anh chủ nhà chuyện này, chuyện kia mà chẳng thấy anh đếm xiả gì tới đám thực khách ồn ào này, chỉ cắm cúi luộc phở. Vân tới kế bên anh, ong óng giới thiệu từng người thì anh cười toe, tay bắt mặt mừng. HT gặp anh cách đây hơn 20 năm, vợ chồng Vân mới qua Mỹ vài năm, còn ốm nhom, giờ anh đã tuổi cổ lai hy, hưu trí được vài năm nay, có da có thịt hơn xưa, và có lẻ vì anh có lối sống giống anh H: 'ông điếc bà đui' nên coi bộ yêu đời lắm, nhưng riết rồi lộng giả thành chân nên bây giờ phải có người thông dịch lại. Còn Vân, nàng vẫn thế, còn đi làm cho hảng bánh nổi tiếng ở New Orleans (Doberge). Chủ nhà đãi khách món phở rất vưà miệng.
Sau khi no nê, thấy mới 4 giờ, chị Hoà đề nghị ra French Quarter (downtown New Orleans) để coi nó ra làm sao. Ở đây có ‘Café du Monde’ nổi tiếng với món bánh tiêu (beignet), mở cưả 24/24 mà lúc nào cũng có người xếp hàng dài ngoằn để vô ăn. Quán nằm bên bờ sông, khách vưà ăn vưà ngắm cảnh tàu bè trên nước, vưà coi nghệ sĩ chưa gặp thời trình diễn bên đường. Lần đầu T tới NOLA, Vân dẫn T ra đây, sáng Chủ Nhật mùa Đông còn sớm và lạnh lẽo, cô bồi bàn người Việt chạy tới hỏi: ‘Bánh tiêu không, chị? Hai đưá con nhà T gật đầu cái cụp. Hôm nay, mới dằn bụng tô phở nên không ngó ngàng gì tới bánh tiêu nưã. Đường phố trong French Quarter nhỏ hẹp, những căn nhà nhỏ có lan can phiá trước, những cô gái trẻ ỏng ẹo trên đó chọc ghẹo khách qua đường. NOLA có ngày lễ hội nổi tiếng - Mardi Gras (tiếng Tây) tiếng Anh là Fat Tuesday. Người ta mừng Mardi Gras trước ngày thứ Tư lễ Tro, thiên hạ vui chơi xả dàn trước khi hãm mình vào mùa Chay. Họ đeo mặt nạ, đứng trên lầu, ném chuổi xuống người đi đường, ca muá coi rộn ràng lắm. Downtown ở đâu cũng hợp với tuổi trẻ, chứ lưá tuổi cuả mình bây giờ không có hứng thú gì để lang thang bát phố vì ai nấy chân cẳng rệu rạo hết trơn rồi, có đi chỉ vì tò mò thôi. Trời sụp tối tụi T lên xe đò về nhà nói chuyện vui hơn.
Bạn cũ gặp lại, người kể chuyện này, kẻ kể chuyện kia. Chị Hoà nhắc má cuả Vân: năm 78 đi Dalat, chị và mấy người em bị mất tiền, không mướn được khách sạn, may nhờ có điạ chỉ nhà Vân, má Vân cho ở mấy hôm. Năm đó, tụi T cũng được Vân rủ lên Dalat chơi, ở nhà Vân gần tuần lễ. Đó là một ngôi nhà khang trang có cưả sổ bằng kính. Buổi sáng, sau vài bậc thang lên lầu ở góc nhà, nhìn qua khung cưả, sương mai giăng mờ trên núi đồi Dalat, cảnh đẹp và thơ làm T nhớ mãi. Mỗi lần má Vân vô Sài Gòn là đem quà Dalat khoai lang mật, chuối sấy…. tụi T được ăn ké.
Vân nhắc chuyện lần qua trước cuả T. Lúc đó Vân qua Mỹ mới vài năm, còn ở khu Việt Nam có tên là làng Versailles. Hồi đó, T có đọc cuốn sách ‘Chợ Chồm Hổm’, viết về làng Versailles ở New Orleans nên hỏi:
- Vân ở đây có biết Chợ Chồm Hổm không?
- Nhà Vân ở trên chợ Chồm Hổm nè.
- Mai mình đi coi chợ được không?
- Người ta mới họp chợ sáng nay rồi, chỉ có ngày thứ Bảy thôi, mấy ngày kia không có chợ.
Đó là khu ‘apartment’ nhiều phòng, Vân mướn một phòng ở trên lầu. Mỗi sáng thứ Bảy, những bà cụ người Bắc tụ lại ở sân cuả apartment để bán rau cải trồng ở vườn nhà cho những người Việt sống quây quần trong xóm đạo này. Có dịp bạn tìm đọc ‘Chợ Chồm Hổm’ cuả Nguyễn Kỳ Phong, đó là cuốn tiểu thuyết phóng sự xã hội, rất hay, viết về những mảnh đời tị nạn cuả người Việt tại New Orleans vào buổi ban đầu trên xứ Mỹ.
Tối đó, Vân lấy cây khoá tay lái để khóa xe cuả T.
- Xe cũ rồi, Vân à. Mà T đã khoá xe rồi.
- Phải khoá thêm chứ không thôi mất xe. Xe mình khoá hẳn hoi mà sáng ra thấy một ông đen xì nằm ngủ trong đó, thấy mình tới, họ lừ đừ chui ra, trả xe lại cho mình đi làm.
Người Việt mới qua Mỹ toàn ở những khu trời ơi đất hỡi như vậy nên T hiểu và để cho Vân đi khoá xe.
Vân ở làng Versailles được vài năm rồi dời nhà về Kenner ở tới bây giờ. Do lần dời nhà này mà Vân để lạc số điện thoại cuả T nên mất liên lạc nhau là vậy. Làng Versailles là khu VN nằm phiá Đông cuả New Orleans, còn Kenner nằm phiá Tây, muốn đi chợ VN thì mất khoảng tiếng xe. Nhà vưà đủ cho hai vợ chồng, ít bạn bè nên hôm nay gánh hát Sóng Vang tới đóng đô làm Vân lo lắng. Tối đó, chắc nàng ngủ không yên. Sáng sớm, T còn mơ màng thấy Ninh thức dậy, bước ra khỏi phòng là Vân canh me nhào ra hỏi:
- Ninh có biết xài máy pha cà-phê, không?
- Không. Mà đâu có sao, chút mấy ảnh làm được mà.
- Vậy thôi Ninh vô đi.
Một hồi tới phiên T dậy, Vân mở cưả phòng chạy ra hỏi liền:
- T có biết xài máy pha cà-phê, không?
- Không. Chút nưã anh H làm cho, Vân hơi đâu lo mấy chuyện đó.
Vân lại lặng lẽ vô phòng mình lại. Mấy cái máy cưa làm việc cật lực tối qua ở phòng khách nhà Vân nên sáng nay lo cuốn gói sớm, ra sân nói chuyện, trong khi bà chủ cứ thấp tha thấp thỏm không biết chút nưã làm sao mà pha cà-phê cho mấy ông cưa gỗ này. Cái máy cà-phê, người ta cho từ thời bão Katrina tới giờ cả chục năm, chưa xài bao giờ, nay có đông người mới lấy ra mà không biết xài. Không sao, gánh hát Sóng Vang mở hàng một bình cà-phê tổ chảng, mấy vĩ bánh croissant trước khi từ giã vợ chồng Vân, hẹn ngày tái nạm.
Trên đường về xe đò tấp vô Lake Charles cho bà con đóng tiền điện. Nếu bạn đã từng đến Las Vegas thì Lake Charles không nghiã lý gì, chỉ có hai sòng bài nhỏ xíu kế bên nhau: Golden Nugget và L’Auberge.
Đường New Orleans tới Houston, anh Hoàng và anh Nguyên mỗi người cưa một nưả. Anh Hoàng lái phiá LA, anh Nguyên gặm phiá TX. Khi đi gặp bạn thì vui nên không thấy đường dài, bác tài hôm nay đã oải nên than: ‘Lái hoài mà sao cứ thăm thẳm chiều trôi thế này.’ Gần tới nhà, khoẻ rồi, bác ghé vào quán bún bò cuả bạn mà bác khoe là có chung vốn mấy năm nay, đãi khách đi xe mỗi người tô bún cho no bụng rồi mới cho xe về bến. Hôm nay bác chung vốn nhiều hơn mọi ngày. Cám ơn vợ chồng bác tài rất nhiều. Chị Hòa và T cũng từ giã anh Khanh và Ninh, ai về nhà nấy. Cám ơn tất cả và hẹn gặp lại.
~ 0 ~
Comment