Announcement

Collapse
No announcement yet.

HỒI ỨC về QUÊ HƯƠNG CHIẾN TRANH (1/3 and 2/3 )

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • HỒI ỨC về QUÊ HƯƠNG CHIẾN TRANH (1/3 and 2/3 )

    Loạt hồi ức nầy gồm 3 bài

    Bài 1:

    CHUYẾN XE CUỐI NĂM

    Lúc ấy đất nước đang chiến tranh mà ba tôi lại làm công chức ở tỉnh Phước Long (PL), một tỉnh nhỏ miền Đông cạnh chiến khu D, nên ba mẹ gửi chị em chúng tôi về nhà ngoại ở Vĩnh Long (VL) học. Mỗi cuối năm mẹ lại về Sài Gòn mua thêm chút ít bánh mứt, bổ sung hương vị xuân bên cạnh phần nhu yếu khô khan vẫn ăn hàng ngày do tổng cục tiếp tế chở bằng máy bay lên bán, cũng như về VL đón chị em tôi lên PL ăn tết sum họp.

    Bình thường để đi PL phải theo quốc lộ 13 đến Bình Dương, lên Bến Cát, khi đến ngã ba Chơn Thành đi thẳng lên Thuận Lợi, Đồng Xoài để đến tỉnh lỵ Phước Bình. Những năm chiến tranh chưa ác liệt người dân có thể đi xe đò Bửu Hiệp, có nhà xe trên đường Lê Lai, bên hông ga xe lửa Sài Gòn lên PL.

    Cuối năm đó chiến tranh ác liệt lắm. Đường 13 bị đánh phá liên tục: cầu sập, đường chỗ thì bị đào, chỗ bị đấp mô. Muốn lên PL lúc ấy phải đi đường vòng: đến ngã ba Chơn Thành thì quẹo trái lên thị xã An Lộc (Bình Long), sang Lộc Ninh rồi đi dọc biên giới Việt – Miên theo hướng bắc để lên PL, và cũng không có xe đò mà phải đi xe cải tiến vừa chở người, vừa chở hàng. Hành khách xe này chủ yếu là bạn hàng vì người có chức, quyền không dám đi.

    Thành phần khách đi xe hôm ấy hơi đặc biệt, đa số là mấy bà vợ công chức. Mấy bà cùng nhau về Sài Gòn mua sắm tết rồi hẹn ngày, đặt chỗ trước để đi cùng chuyến lên cho có bạn đỡ sợ, và cũng vì đi phi cơ không chở được nhiều hàng. Khi xe đang chạy trên con đường trải đá đỏ ngoằn ngoèo giữa rừng, lúc nầy đã cách Lộc Ninh khoảng 20 km, gần biên giới Việt – Miên thì có hai người ra đón xe. Đó là hai anh giải phóng. Một anh cầm cây súng trường mòn vẹt báng, anh kia tay xách ngược một con khỉ đang còn rỉ máu. Xe dừng lại, anh lơ nhảy xuống tiếp xúc, không khí trên xe căng thẳng. Hai anh muốn bán con khỉ. Khách đi xe không ai muốn mua. Họ sợ chân bước không nổi làm sao mua bán? Mà trên xe người và hàng đã chật cứng lấy đâu chỗ chứa con khỉ nhe răng trắng ởn, máu me tùm lum? Bế tắc.

    Hai anh giải phóng cần tiền để mua thuốc lá hút, nếu có nhiều tiền thì mua đồng hồ Seiko hay Titoni đeo ở cổ tay, và lý tưởng là mua được cái đài (radio transistor) nhỏ, loại một hay hai band chạy bằng pin rồi may thêm cái bao đeo lủng lẳng dưới nách. Chuyến xe này là cơ hội duy nhất trong ngày cho hai anh kiếm tiền. Khó có cơ hội thứ hai để bán con khỉ vốn khó khăn lắm hai anh mới bắn được, và Mặt Trận lại nghiêm cấm xin tiền hay nhũng nhiễu dân. Thế dằng co trên mặt đất không giải quyết được thì giải pháp đến từ trên trời.

    Trên trời tiếng máy bay trực thăng bay đến mỗi lúc một gần. Không đợi ai bảo, những người ngồi gần cửa và anh lơ người lôi, người đẩy hai anh giải phóng té dúi dụi vào xe. Bác tài lập tức nổ máy cho xe chạy sau khi không biết moi từ đâu ra lá cờ vàng treo trên nóc cabin. Có ai đó la hoảng, “Còn ló cẳng!” Đám đông lập tức chuyển dịch để lấy chỗ lôi hai anh cho nằm gọn trong thùng xe. Chiếc trực thăng cán gáo bay đến. Ác nỗi nó không bay vụt đi như lúc đến mà bay chầm chậm bên trên. Người ngồi trên xe có thể nghe tiếng cánh quạt trực thăng chém gió phần phật trên đầu. Trực thăng vẫn bay, xe vẫn chạy nhưng giờ có thêm hai hành khách bất đắc dĩ.


    Ảnh trực thăng cán gáo (photo from internet)

    Không khí căng thẳng, không ai dám ho hay nói một lời nào. Xe vẫn chạy nhưng đến khúc quẹo thì điều tồi tệ nhất hiện ra. Phía trước, cách khoảng cây số là một đồn lính với những lô cốt và lá cờ bay phất phới trên nóc đồn. Bây giờ là lúc gay go thật sự: Trên đầu trực thăng vũ trang, trước mặt là đồn lính với những lỗ châu mai đen ngòm hăm dọa, trong xe là hai anh giải phóng với khẩu súng trường. Cứ đà nầy khi xe chạy vào đến đồn thì người ngồi trên xe chết chắc! Thế là tùy nghi mỗi người một cách: ai có đạo đọc kinh, người không biết làm gì thì co rúm người lại, nín thở… chịu trận, bác tài nhanh trí giảm ga cho xe chạy chậm, thật chậm, từng mét như rùa bò nhưng đồn lính mỗi lúc cứ một gần trước mặt, trên trời tiếng cánh quạt trực thăng chém gió phần phật, còn 2 anh giải phóng cứ rọ rại không yên. Đột ngột xe sụp ổ gà, hành khách nháo nhào, những tiếng “Chúa ơi!” “Phật ơi!” thảng thốt nhưng nhanh chóng im bặt. Trên xe im lặng bao trùm, hành khách không ai mặt còn chút máu, nín thở, ngồi im chịu trận.

    Đột ngột trực thăng bay vụt đi (có thể là do thấy xe đã đến gần đồn). Bác tài chỉ chờ có thế lập tức tấp xe vào lề đường. Hành khách cũng ngay lập tức đẩy hai anh ra khỏi xe và có lẽ hai anh cũng không khách khí mà lập tức lũi ngay vào rừng. Xe rồ ga chạy. Hành khách chỉ thở phào nhẹ nhõm khi xe chạy ngang đồn, được người lính đứng gác ở đó vẫy tay chào. Hình như tết năm đó là tết Mậu Thân.

    [hr]

    Bài 2

    KHÔNG THỂ NÀO QUÊN

    Mùa đông đó Vĩnh Long khá lạnh. Đã cận tết Kỷ Dậu 1969. Năm ấy nước ta mới nhập giống củ cải trắng Đài Loan. Giống hoa màu mới nhập nầy phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của Vĩnh Long và được sự chăm sóc của người dân nên sinh trưởng tốt, cho củ màu trắng, thật to, suông, dài 4 – 5 tấc.



    Chợ Cá, Vĩnh Long (photo from internet)

    Lúc ấy khoảng 4 giờ sáng. Những ngọc đèn đường vàng vọt chiếu ánh sáng yếu ớt qua đám sương trắng từ sông cái thổi vào mang theo khí lạnh. Dưới ánh sáng yếu ớt ấy người ta vẫn có thể thấy những sinh hoạt tấp nập của một cái chợ dù lúc này chưa đông người. Hôm nay hàng về nhiều, gần như phủ kín sân trước chợ Cá những đống màu trắng cao gần bằng đầu người. Bất chấp cái lạnh, những người phu hối hả khuân những cần xé đầy ắp củ cải từ đám ghe đậu dưới bến sông mờ mờ trong tối. Tiếng thở hổn hểnh của người khuân vác nặng, người mua, người bán lúi húi bên đống cải chất cao chọn lựa, mặc cả, trao đổi râm ran. Bất chợt một loạt 12 tiếng nổ vang lên; 11 cơn địa chấn, 11 trận bão lửa, và một cột nước cao hàng chục mét dưới sông. Sau đó là sự im lặng; im lặng tuyệt đối, im lặng của chết chóc. Đèn đường vàng giờ mờ hơn do sương mù dầy hơn và đã chuyển thành màu xám do hòa quyện với khói súng. Không khí nồng nặc mùi thuốc súng. Sân trước chợ giờ mang màu trắng, trắng toát. Đây đó, điểm trên nền trắng là những bệt màu đỏ, đỏ thẩm. Một sự tương phản rợn người. Không một bóng người. Không một chuyển động. Một bức tĩnh vật tuyệt hảo.



    GUERNICA, tranh PICASSO (photo from internet)


    Tôi vẫn tiếc cho bản thân không có khiếu vẽ và đã không chịu học vẽ để có thể vẽ lại, lưu lại cảnh ấy. Một bức họa, theo tôi nghĩ, sẽ đơn giản, dễ hiểu hơn bức Guernica của Picasso, nhưng thông điệp mà nó chuyển tải không kém phần mạnh mẽ. Mà thôi, những gì mà người thuộc thế hệ trước tôi và thế hệ tôi phải chứng kiến, phải thấy đã là quá nhiều, quá đủ. Cần gì phải lưu lại?



  • #2
    Guernica là một khu phố thuộc tỉnh Biscay, xứ Basque. Vào một ngày tháng Tư năm 1937, máy bay Đức quốc xã, đã đến dội bom và gây nên cảnh cửa nát nhà tan ở đây. Được tin quê nhà bị tàn phá, họa sĩ Pablo Picasso đã sáng tác Guernica như một tuyên cáo lên án tội ác chiến tranh. Họa phẩm lừng danh này đã được triển lãm ở nhiều nơi trên thế giới và đã thu hút được sự chú ý của rất nhiều người đến cuộc nội chiến đang diễn ra tại Tây Ban Nha.

    Ký ức "không thể nào quên" đã được diễn đạt một cách xúc tích và ngắn gọn nhưng mạnh mẽ như gióng lên một tiếng chuông. Một khoảng không gian cũng đã được người viết bỏ ngỏ để bạn đọc suy ngẫm và hồi tưởng về những đau thương trong những tháng ngày chiến tranh còn ngự trị trên khắp nẻo quê hương.

    Trước đây ai cũng khóc vì chiến tranh, sau đó vẫn còn nhiều người phải khóc ... cho hòa bình.

    Cám ơn anh Long.

    Comment


    • #3
      [img]https://www.historytoday.com/sites/default/files/features/Tet_background.jpg

      [/img]



      Đa số các bạn trên diễn đàn đều vào lứa tuổi đã một thời lớn lên trong chiến tranh ở Việt nam cũng như những ngày ngưng tiếng súng trên quê hương: Tết Mậu Thân, Mùa Hè Đỏ Lửa 1972, Hiệp Định Paris 1973, rồi đến ngày 30/04.

      Mặc dù lớn lên ở Saigon xinh đẹp yên bình, nhưng ở tuổi thiếu niên đã sớm nếm được đầy đủ mùi vị chiến tranh trong những ngày Tết Mậu Thân. Gia đình ở quân 6 nên phải chạy tị nạn trong những ngày sau Tết khi các khu vực ven đô quận 6, quận 8, quận 11 bị bao phủ dày đặc bởi khói lửa chiến tranh. Chứng kiến cảnh chiến tranh khốc liệt, những chiếc trực thăng bay quần trên đầu bắn từng loạt đạn rocket vang trời, nhà cửa trong khu vực bị cháy tang thương, nhìn những xác người trúng đạn nằm chết co queo trên đường phố, hay lo lắng cùng gia đình bỏ chạy khu chiến để đến tị nạn ở trại tạm cư trong Bệnh Viện Chợ Rẫy, cũng như những cảm xúc khi gặp gỡ những đoàn quân của cả hai phía đang di chuyến…Tất cả những trải nghiệm chiến tranh đó không thể nào quên!!





      Những gì còn lại (Nhìn từ cầu Bình Tiên, Quận 6 vài ngày sau Tết Mậu Thân - hình trên Net)


      Cảm ơn Long đã đem luồng gió mát đến với diễn đàn qua những bài viết chân thực, gần gũi, gợi nhớ nhiều kỷ niệm.

      Tình thân,

      4


      Best wishes,

      Comment

      Working...
      X