Announcement

Collapse
No announcement yet.

đời mẹ

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • đời mẹ

    Mẹ nằm đó. Một khuôn mặt Á châu phúc hậu. Dù 81 năm đã trôi qua với thời gian dài sống trong gian khổ, tác động của thời gian và đời sống lam lũ vẫn không làm mất đi nét đẹp thời trẻ của mẹ. Lúc nầy mẹ đang sống bên cạnh 3 người con và các cháu, thế hệ đầu tiên sinh ra trên đất Mỹ. Ở miền Trung Tây nước Hoa Kỳ đất rộng người thưa nầy mà được ba người con sống quây quần và thay phiên nhau chăm sóc là điều cực hiếm, dù đó là gia đình Việt Nam với truyền thống gia đình và tình mẫu tử vẫn còn được bảo tồn khá kỹ.

    Lúc nhỏ mẹ sống trong gia đình, luôn được cha mẹ bảo bọc, rồi đi lấy chồng, một sĩ quan có thu nhập cao, có tiền thuê người giúp việc nên mẹ chỉ biết quản lý việc nhà và nuôi dạy 4 đứa con.

    Khi lập gia đình, mẹ chỉ biết chồng mình là một sĩ quan cấp bậc không cao lắm nhưng đãm nhiệm một chức vụ gì đó quan trọng nên quân đội phái hẵn một xe jeep và tài xế đưa đón hằng ngày. Với mẹ, việc chồng không phải ra chiến trường, không phải lo sống nay, chết mai đã là quý lắm rồi. Rồi một ngày ông về nhà nói được quân đội phái làm tùy viên cho một tòa đại sứ ở nước ngoài. Mẹ chuẩn bị hành trang cho chồng công tác nước ngoài dài hạn. Ông vì việc nước vắng nhà biền biệt. Những lần ông về phép gia đình thật vui. Các con có quà và quần áo đẹp, còn mẹ là những nữ trang đắt tiền. Xe jeep với tài xế chờ sẵn để đưa gia đình đi chơi khắp nơi Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định: chợ Sài Gòn, Thảo Cầm Viên, thương xá Tax, trường đua Phú Thọ, ăn bò 7 món Ánh Hồng ở Phú Nhuận, ăn nem Thủ Đức, đêm đi nhà hàng nổi Mỹ Cảnh. Sau những ngày đầu 30/4/1975 đầy lo lắng, người chồng trở về. Gia đình sum họp được vài hôm thì mẹ phải chuẩn bị vật dụng và thức phẩm “mười ngày ăn” cho chồng đi học cãi tạo tập trung. Chồng vợ lại chia ly.

    Trong các cuộc họp tổ dân phố, có lần có cả đại diện phường khóm dự, gia đình mẹ được thông báo thuộc diện phải hồi hương vì trong nhà không có lao động có chuyên môn để được ở lại xây dựng thành phố!

    Sau nhiều lần được động viên hồi hương mẹ phải chấp hành, phải nuốt nước mắt rời bỏ căn nhà khang trang thân yêu, gom góp số tư trang, vòng vàng cùng đàn con 4 đứa và một ít vật dụng cần thiết leo lên xe tải hồi hương, một tỉnh gần cực nam tổ quốc.

    Rời khỏi thành phố vài mươi kí lô mét xe gặp một trạm kiểm soát. Tờ giấy giới thiệu hồi hương khiến nhân viên trạm kiểm soát làm việc kỹ hơn. Và họ dễ dàng tìm thấy chiếc tráp chứa mấy mươi lượng vàng cùng số nữ trang của mẹ. Dù mẹ đã khóc, đã van xin nhưng chiếc tráp với toàn bộ số vàng và tư trang vẫn bị nhân viên trạm kiểm soát giữ, đối lại họ trao cho mẹ tờ biên nhận tạm giữ tài sản ghi trên tờ giấy học trò và chữ ký của một anh Tư, anh Năm nào đó nhưng không ghi họ tên.

    Mất toàn bộ tài sản quý, thậm chí số tiền trong túi không đủ cho chi phí chuyến đi, mẹ ngậm ngùi đề nghị tài xế quay xe trở lại nơi xuất phát. Đã chứng kiến toàn bộ sự việc, người tài xế nhanh chóng cho xe quay lại thành phố, trở lại nơi đã xuất phát mà không nỡ lấy của mẹ một đồng.

    Trở về chốn cũ sau chưa đầy một ngày, nghe được sự việc xảy ra trên đường hồi hương của gia đình mẹ, phường khóm đành cho gia đình vào ở một trong những căn nhà bỏ trống do chủ của nó cũng đã tự nguyện hồi hương, vì căn nhà khang trang của mẹ nay đã có chủ mới. Cũng không thể nói nơi ở mới là nhà vì nhà phải có nóc, có cửa, còn “căn nhà” nầy người ta đã gỡ đi những gì có thể gỡ: mái tole, cánh cửa…

    Những ngày tiếp theo là những ngày gian khổ mưu sinh. Từ một cô nữ sinh, rồi làm vợ sĩ quan, rồi sinh con, nuôi dạy con… mẹ hoàn toàn không được trang bị kiến thức về một ngành nghề nào để có thể mưu sinh cho cả 5 người trong giai đoạn khó khăn đó của đất nước. Sau vài lần buôn bán thất bại, lúc nghe tin phường thành lập tổ vệ sinh dân lập mẹ xin vào làm, mẹ được giao một khu vực để hàng ngày đẩy chiếc xe 3 bánh đến từng nhà thu gom rác và chuyển về nơi tập trung. Mẹ hy vọng việc “làm”nầy dù dơ bẩn nhưng là việc duy nhất mẹ có thể làm và chúng mang lại thu nhập đủ sống cho cả nhà!

    Từ địa vị vợ sĩ quan, nhà có người giúp việc, đi lại bằng xe jeep có tài xế, giờ hàng ngày phải đẩy xe đến tận nhà hàng xóm thu gom rác. Mấy tháng đầu làm công việc ấy, mỗi lần đẩy xe đi làm trong lòng mẹ lại có một trận đấu tranh tư tưởng quyết liệt. Nhưng là mẹ của bốn đứa con mẹ phải làm công việc dơ bẩn ấy; “phải làm để kiếm sống và nuôi con,” mẹ luôn nhắc nhở bản thân. Thế là mẹ cuối mặt, kéo sụp nón lá xuống che, ra sức đẩy xe. Che mặt để khỏi nhìn thấy ngôi nhà thân yêu nay thêm phần bề thế vì được chủ mới xây thêm tường rào cao, cổng to, rộng. Che mặt để khỏi nhìn thấy những người quen với cái nhìn thương hại vì mẹ đang phải làm công việc dơ bẩn, vì thương hại là loại tình cảm mà mẹ ghét nhất. Cậu con trai lớn, lúc nầy đã mười mấy tuổi, ngoài giờ học cậu lại giúp mẹ đẩy xe rác. Hành động của đứa con hiếu khiến mẹ càng thêm quyết tâm.

    Với cậu con lớn, thấy được hoàn cảnh khó khăn của gia đình, chứng kiến sự hy sinh, dấn thân của mẹ, và là người có ý chí nên cậu quyết chí học tập. Cậu học thật giỏi, đậu vào đại học sư phạm ngành vật lý với số điểm gần gấp đôi so với những bạn cũng trúng tuyển vào học nhưng thuộc diện ưu tiên.

    Lúc nầy mẹ có hai mối bận tâm: Mẹ lo cho chồng không biết đang ở nơi nào, khỏe mạnh ra sao nơi học tập, một nơi xa xôi nào đó phía bắc mà địa chỉ liên lạc là mấy con số vô cảm của một hòm thư, một năm được trao đổi thư từ vài lần vào những dịp lễ, tết. Mối ưu tư thứ nhì là đứa con trai út tuổi mới lớn, đứa con lớn lên trong bần hàn, khốn khó nên hận gia đình, hận xã hội, thái độ đầy bất mãn, ương ngạnh. Lo con hư, mẹ đã nói hết lời, từ nhẹ đến nặng, có khi là nói trong nước mắt nhưng thằng con vẫn trơ trơ. Anh, chị mà nói thêm vào phụ mẹ thì thằng nhỏ lại càng phản ứng mạnh.

    Thời gian trôi qua. Chồng mẹ vẫn biền biệt nơi cãi tạo, cậu con lớn ra trường được phân công về dạy tại một trường cấp 3 ven đô. Cô con gái kế học y tá, ra trường được vào làm tại một bệnh viện thành phố. Các con đề nghị mẹ thôi làm cho tổ vệ sinh, để chúng xin cho mẹ vào làm y công tại một bệnh viện phụ sản. Những sản phụ nào may mắn gặp mẹ, được mẹ phục vụ ít nhiều cũng vơi bớt nỗi đau vượt cạn bởi thái độ vui vẻ, nét mặt dịu hiền, cách ăn nói nhẹ nhàng, lịch sự.

    Chồng mẹ sau hơn 10 năm học tập được cho về. Dù ông không khỏe mạnh nhưng gia đình lại được đoàn tụ, và cũng kịp lúc để ông lên tiếng, uốn nắn cậu con nhỏ.

    Lúc nầy chương trình HO đang được thực hiện, gia đình mẹ đủ điều kiện tham gia. Phải mất mấy năm chờ đợi gia đình mới được lên phi cơ sang Mỹ bắt đầu cuộc sống mới. Mọi việc phải làm lại từ đầu: Phải học nói, học cách sống, các con mẹ phải đi học lại, nhưng lần nầy có khác biệt lớn là có đủ 6 thành viên và tất cả đều có thể làm việc.

    Với những gì đã trải qua ở Việt Nam, những gian khổ bước đầu của người nhập cư nước Mỹ không là trở ngại lớn với mọi thành viên gia đình mẹ. Khi được chồng hỏi thích sống nơi nào trên đất Mỹ xa lạ nầy, mẹ đã nói thích sống nơi nào yên bình nhất, và chồng mẹ đã chọn sống tại một bang miền trung Tây nước Mỹ. Quả thật như vậy, cuộc sống ở một bang miền trung Tây rất yên bình dù hiếm khi gặp đồng hương Việt Nam để được nói tiếng Việt. Các con chịu khó học hành nên ba đứa lớn đều thành đạt và có việc làm ổn định. Chúng lập gia đình và sinh cho mẹ những đứa cháu, thế hệ đầu tiên của gia đình sinh ra trên đất Mỹ. Thằng út vẫn là mối lo của mẹ. Sau vài năm sống chung gia đình, khi đã có “đủ lông, đủ cánh” nó nói thành phố mẹ đang ở không có việc làm thích hợp nên chuyển đi nhiều nơi, nay đang sống ở một bang miền Đông, và lâu lâu có về thăm mẹ. Giờ nó đã lớn nên mẹ không lo nó hư nhưng mẹ lo không biết nó sống thế nào, rồi còn lập gia đình, cưới vợ, sinh con. Nhưng dù thế nào thì vẫn khác hơn nhiều so với nỗi lo lúc ở Việt Nam: Trời mưa lo nhà dột, đêm lên giường ngủ mà trong lòng lo không biết làm sao ngày mai có tiền mua được lít gạo nấu cho năm mẹ con ăn.

    Mẹ giờ luống tuổi. Các con đề nghị mẹ ở nhà vui bên các cháu. Mấy đứa nhỏ được cha mẹ chúng khuyến khích nói tiếng Việt ở nhà, nhưng nghe chúng nói thứ tiếng Việt lơ lớ vì quên bỏ dấu mẹ nghe cũng vui tai. Còn khi chúng ríu rít nói với nhau bằng tiếng Anh thì 10 chữ may ra mẹ nghe được 1. Rồi đến một hôm mẹ không nhớ đứa cháu nào tên là Tommy, đứa nào tên Suzy!

    Đang chìm trong giấc ngủ đột nhiên mẹ cảm thấy có ánh sáng chói chan chiếu vào mắt, chói như ánh nắng giữa trưa trên ruộng muối quê nhà. Mẹ cảm nhận được vị mặn cùng cảm giác nhờn nhờn, rít rít của nước muối trên da thịt… Bây giờ trước mặt mẹ là một màu xanh, xanh ngát của đồng lúa trải dài. Thật dài, dài mút tầm mắt. Thân lúa đong đưa từng đợt theo gió tạo hình sóng biển. Vị mặn muối quê hương thật đượm. Gió đồng quê hương thật mát. Cây lúa quê hương màu xanh biếc. Một màu xanh biếc kéo dài, thật dài.


    Click image for larger version

Name:	44972105_503690260147317_405023791199027200_n.jpg
Views:	21
Size:	247.0 KB
ID:	21406

    Nguyễn Hoàng Long 72KNN

    Ảnh của Facebooker Trí Phạm

Working...
X