Announcement

Collapse
No announcement yet.

Bác Sĩ Gà - Phần I

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Bác Sĩ Gà - Phần I


    Không biết các anh chị có những kỷ niêm vui, buồn nào của mình trong những ngày mới chân ướt chân ráo ra nhận nhiệm sở? Riêng tôi đã có rất nhiều kỷ niệm cười ra nước mắt mà mãi đến hôm nay mới dám kể lại.

    Chắc các bạn đã biết nguyên nhân đưa tôi đến với ngành gà, đi làm chứ không đi dạy như nhiều bạn khác. Ngày ra trường các bạn tôi ai cũng hí hửng cầm giấy ra trường và nhận nhiệm sở, riêng tôi chưa biết mình sẽ về đâu? Muốn đi dạy nhưng không có tên trong danh sách về Sở Giáo Dục, một phần có lẽ tôi không là Đoàn Viên, ở đây xin mở ngoặc kép kể cho các bạn nghe một chuyện nhỏ. Chẳng là anh Bí Thư Chi Đoàn đã đề nghị tôi đi học lớp Cảm Tình Đoàn, buổi lễ Bế mạc con nhỏ tôi hứng chí hát ngay bài “Đảng đã cho ta sáng mắt sáng lòng”. Ai hát bài này thì không sao chứ tôi hát là người ta nghĩ tôi có ý nghĩ khác, có lẽ vì vậy mà tôi không được kết nạp vì tư tưởng còn tiêu cực. Mà thật, sáng quá đi chứ bạn, ba tôi đi HTCT, gia đình tôi bỗng nhiên thay đổi đến 180 độ. Má tôi phải buôn gánh bán bưng để lo cho gia đình, thời buổi “bao cấp kinh qua giai đoạn quá độ tiến thẳng lên XHCN” người ta gọi những người như má là “con buôn”. Nhiều khi đi học bị nhiễm tư tưởng mới hồi nào không hay, về nhà nói chuyện bị mẹ tôi la cho một trận, “con nói ai là con buôn, mẹ mày là con buôn mới nuôi mày ăn học đến ngày hôm nay”, tôi biết lỗi nín khe, không dám hó hé gì nữa cả.

    Với lý lịch như vậy nên ra trường không được đi dạy, buồn quá. Thấy tôi đứng khóc trước cửa, mẹ tôi nói “Thương con quá mà không biết làm sao, hay con cứ ở nhà Mợ nuôi.” Trời ơi làm sao tôi chịu nổi, bao năm trời cố công đèn sách, bây giờ không lẽ ở nhà làm ”nhà báo” để mẹ tôi nuôi mãi hay sao? Nếu không có nhiệm sở ở thành phố, có lẽ tôi phải làm đơn xin lên dạy ở trường Nông Lâm Súc, Bảo Lộc vậy. Lúc đó ba tôi cũng đang phải đi “kinh tế mới” trên Lâm Đồng.

    Trong cái rủi lại có cái may, một hôm tà tà đạp xe lên trường lại gặp chị Huệ đệ tử ruột của Bác Sĩ Chính, được giữ lại trường. Chị hỏi tôi ”Ngọc Lan có nhiệm sở chưa?”, tôi lắc đầu. May sao chị nói lại chuyện này với thầy Chính và thầy đã viết thư giới thiệu đến những nơi tôi đã đi thực tập để làm luận án ra trường. Với uy tín của thầy và tôi lại là học trò chuyên ngành “gà” của thầy, nên 3 nơi tôi đến xin họ đều nhận, đó là Công Ty Chăn Nuôi trực thuộc Thành Phố, Trại Gà Tam Bình và Trung Tâm Giống Gia cầm trực thuộc Trung Ương. Thầy bảo tôi chọn về làm việc ở Trung Tâm Giống Gia Cầm, 20 Xô Viết Nghệ Tĩnh.

    Ngày đến nhận nhiệm sở ở đây, phòng Kỹ Thuật định điều tôi về trại gà giống chuyên đẻ trứng Minh Tâm ở Lái Thiêu vì họ nghĩ tôi ở Thủ Đức nên đi qua Lái Thiêu sẽ gần hơn. Nhưng mới đến tham quan trại gà Hồng Sanh trung tâm giống gà thịt, thì chú Trưởng Trại phán ngay một câu “Con nhỏ này có 2 con mắt to tròn giống con gái tao, thôi mày ở đây làm với chú đi”. Thế là theo lời đề nghị của chú Trưởng Trại tôi về làm ở trại gà Hồng Sanh ở Dĩ An, huyện Thuận An, tỉnh Sông Bé.

    Những ngày đầu đi làm thật vất vả, sáng phải dậy thật sớm đạp xe đạp mini từ nhà đến chỗ làm cũng hơn tiếng đồng hồ. Nhưng tôi lại cảm thấy thoải mái như tập thể dục mỗi buổi sáng, đường xá vắng tanh và không khí trong lành, mình ta cỡi con ngựa sắt tung hoành khắp nơi. Đường ta ta cứ đi, không còn phải lo bài vở, học hành thi cử gì nữa, sướng làm sao đâu. Trưa thì được các chị nhà bếp dọn riêng mâm cơm cho cô Kỹ Sư với cái đùi gà và tô canh chua, ngon ơi là ngon. Suốt cuộc đời sinh viên cực khổ nằm đất ăn bo bo, nay mới tận hưởng thành quả từ những cố gắng của mình. Thấy mấy người công nhân vào nhà ăn kêu lên ”Trời, hôm nay lại ăn thịt gà nữa hả?” Tôi ngạc nhiên vô cùng, ăn thịt gà mà chê ư? Người ta không có mà ăn, mình có thịt gà ăn mà chê. Sau này tôi mới hiểu, thì ra làm ở trại gà ngày nào cũng “được” ăn gà chết, trứng bể. Ăn riết công nhân phát sợ, chỉ muốn đem đổi hay bán đi để mua cá, mắm về ăn đổi bữa cho đỡ ngán. Ngày đầu đến trại gà, được chú Trưởng Trại giới thiệu với chị Tổ Trưởng Tổ Chăn Nuôi Gà và được tham quan chuồng, trại cũng như làm quen với các công nhân. Lần đầu gặp gỡ, các công nhân trẻ tuổi (khoảng từ 18 đến 25) đều có vẻ ngạc nhiên sao tôi trẻ quá và con gái mà cũng là kỹ sư? Hôm đó có xe chở giao cám gà tới trại, tôi ra nhận hàng thì gặp ngay chú hàng xóm cạnh nhà lại là tài xế. Chú được giới thiệu tôi là Kỹ Sư mới về trại gà và cũng là người sẽ ký nhận lô thực phẩm ông vừa giao. Chiều về đến nhà, đã nghe cả xóm rêu rao, con gái mà là Kỹ Sư hả? Hồi giờ những người ở xóm tôi họ chưa nghe và chưa biết tôi học gì? Bây giờ nghe chú tài xế về nói họ lại càng ngạc nhiên hơn.

    Lượm trứng gà

    Thời gian đầu mới về trại, chú Trưởng Trại phân công cho tôi lượm trứng chung với công nhân để học hỏi kinh nghiệm. Tôi nghe họ nói đùa “Chú bảo em lựa con gà mái nào đẻ nhiều giao cho bạn chú, mà em ghét ông đó lắm. Em bắt con gà mái không đẻ cho ổng?” Tôi cảm thấy ngac nhiên vì làm sao biết được con nào đẻ nhiều? Con nào không đẻ? Lý thuyết tôi có học từ sách vở nhưng thực tế thì phải học từ công nhân thôi. “Vạn sự khởi đầu nan” mà, từ từ rồi sẽ hiểu vì tôi quan niệm rằng “Bất cứ người nào tôi gặp cũng có cái gì đó để cho mình học”.

    Tôi xin nói sơ về Trại Gà Giống Hồng Sanh. Đây là Trung tâm Gà Giống chuyên sản xuất gà Thịt ở miền Nam, ngoài Bắc thì có trại gà Tam Đảo ở Ba Vì. Gà giống nhập từ Cuba, có chuyên gia qua hướng dẫn cách chăn nuôi và thuốc men, thực phẩm và làm công tác giống … Trại chia làm 3 khu riêng biệt:

    Khu A: Trại gà con (từ ngày 1 - 56 ngày tuổi) có 10 dãy chuồng, mỗi dãy 10 ô, mỗi ô chuồng nuôi 500 con. Mỗi một trại do 2 công nhân đảm trách.

    Khu B: Trại gà lớn gà bắt đầu ghép trống, mái, gà bắt đầu đẻ trứng. Cũng 13 dãy chuồng, 10 dãy 10 ô chuồng, còn 3 dãy 14 ô chuồng , mỗi ô nuôi khoảng 250 gà mái và 25 gà trống.

    Khu C: Trại gà ghép họ có 3 trại, mỗi trại một dãy có 20 ô chuồng, mỗi ô chỉ nuôi 10 - 12 gà mái 1 gà trống. Đây là trại gà giống nên phải tuyển lựa và theo dõi sổ sách.

    Lần đầu tôi được điều xuống để phụ với công nhân lượm trứng. Gà thường đẻ rộ vào buổi trưa, khoảng 10 -12 giờ bằng ổ sập. Mỗi con gà có số riêng ở cánh, nên khi lượm trứng phải coi con gà đó số mấy và ghi vào quả trứng. Ngoài mỗi cửa chuồng đều có giấy ghi số của từng con gà thật chi tiết, mỗi ngày đẻ trứng phải đánh dấu vào từng ô. Nhiều khi công nhân đọc số và ghi không rõ ràng, có những con gà đã gạch sổ vì chết, tự nhiên sống lại và đẻ một loạt trứng. Việc này kỹ thuật phải kiểm tra lại coi đúng hay sai?

    Gà đẻ xong lượm trứng, thả gà ra liền để con khác vô ổ đẻ. Nếu không lượm trứng kịp gà khác sẽ đẻ ở bên ngoài, không biết trứng của con nào công nhân sẽ bị khiển trách và không được thưởng. Trung tâm gà giống mà, phải theo dõi từng con gà như vây đó. Tôi phụ lượm trứng ở trại B6 có 14 ô chuồng, mà một ô có con gà trống nó dữ ơi là dữ, lần nào tôi vào lượm trứng cũng bị nó rượt đuổi và đá te tua. Chiều đi làm về mẹ tôi thấy hai chân bầm tím mới hỏi ”Mày đi làm hay đi đánh nhau mà chân cẳng bầm tím vậy con?”. Cứ đến ô đó là tôi sợ xanh mặt nhưng đó là nhiệm vụ của mình phải làm, lại còn sợ công nhân họ cười mình. Có một lần lượm xong vỉ trứng vừa bước ra tới cửa, cũng con gà trống mắc dịch đó từ đàng sau phóng lại đá tôi một cú như trời giáng, thế là nguyên vỉ trứng bay xuống đất, vừa sợ vừa mắc cỡ. Rút kinh nghiệm, lần sau mỗi khi vào ô đó tôi luôn có một cái cây thật to, quất cho nó sợ không dám đá tôi nữa. Thấy tôi đi ở ngoài hành lang là nó ở trong chuồng cũng kè kè chạy theo như muốn gây sự, thấy mà phát ớn. Từ đó tôi cũng ít bị gà đá và tôi cũng ít vào ô có con gà quỷ quái đó nữa, “ Ai về Thủ Đức mà coi, con gái Kỹ Thuật cầm roi đánh gà”.

    Làm công việc lượm trứng đâu cũng gần cả tháng, một hôm tình cờ sư phụ tôi đi công tác với phái đoàn Lương Nông Quốc Tế (UNICEF) ở Biên Hòa. Biết có cô đệ tử ruột … thừa làm ở trại Gà Giống Hồng Sanh nên thầy ghé vào thăm nhằm lúc tôi đang lượm xoài với công nhân dưới trại. Trại tôi có một cây xoài mút thật lớn trái chi chít, nhỏ nhưng ngọt lắm, một cơn gió thổi qua trái rụng đầy sân. Tuy chức phận khác nhưng tuổi cũng sàng sàng cỡ tôi, nên tôi rất hoà đồng với công nhân mà công nhân họ cũng rất mến tôi. Cứ xong việc là cùng nhau tụ tập dưới gốc xoài, họ nhường cho tôi những trái xoài chín. “Chị ăn thử đi, bóp thật mềm mút ngon lắm”, được những chị em công nhân giới thiệu tôi cũng ăn thử và từ đó cũng thân thiết với họ hơn. Thấy họ làm việc cực khổ, nhiều khi phạm lỗi họ nhìn tôi lấm la lấm lét, thấy tội nghiệp tôi cũng bỏ qua như không nhìn thấy. Chú trưởng trại cũng biết Tổng Hành Dinh của tôi ở chỗ đó nên chú thường nói “Muốn kiếm cô Kỹ Sư, cứ tới gốc xoài là thấy”. Nghe có người cần gặp, tôi mặc bộ đồ công nhân lên. Thấy tôi thầy hỏi “Con đang làm gì dưới trại vậy? Tình thật tôi trả lời “Con đang lượm trứng”. Thế là không nói không rằng, ông thầy tôi lái xe một mạch về nói chuyện với trưởng phòng Kỹ Thuật, “Người ta là Kỹ Sư mà bắt đi lượm trứng là sao vậy?” Cũng nhờ thầy mà ngay ngày hôm sau, chú trưởng trại kêu tôi lên và sửa soạn cho tôi một văn phòng với bàn làm việc hẳn hoi, không phải xuống trại lượm trứng nữa.

    Bác Sĩ To Gan

    Từ đó tôi vừa đảm trách theo dõi sổ sách đàn gà, vừa đảm trách kho thuốc Thú Y và mổ xẻ để theo dõi bệnh của gà mỗi buổi sáng. Cùng về trại gà Hồng Sanh với tôi lúc đó có một anh bên Đại Học Nông Nghiệp, nhờ có bà con quen biết lớn nên anh ta cũng được về làm tại đây. Nhà anh tận quận 4, sáng nào cũng đạp xe lên tận Dĩ An, mà sáng nào cũng đi trễ. Chú Trưởng Trại bực mình anh ta nhưng nói hoài anh ta cũng không sửa đổi được gì, có lẽ vì thế lực của anh ta lớn nên ổng phải nhận. Anh ta cũng mổ gà và xem xét bệnh trạng dưới sự quan sát của chú Trưởng Trại. Gà bị bịnh chết buổi tối, công nhân để một chỗ để sáng Kỹ Thuật đến mổ xem xét và cho thuốc những con gà còn lại. Anh ta mổ ra, con nào con nấy cái gan bự tổ chảng, chiếm hết cả lồng ngực, gà không chết mới lạ.

    Chú trưởng trại hỏi “Bệnh gì vậy mày?”

    Anh ta trả lời ”Bệnh to gan“.

    Mổ thêm con nữa, chú lại hỏi “Bệnh gì vậy mày?”

    “Dạ, bệnh gan to”.

    Thì đúng vậy, cái gan con gà to chà bá như vậy không bệnh gan to và to gan thì bệnh gì bây giờ, anh ta nói với tôi. Mổ cả chục con cũng đều cùng bệnh trạng. Từ đó công nhân đặt tên cho anh ta là “Bác Sĩ To Gan”. Lúc đó tôi cũng chưa biết bệnh này là bệnh gì và cách chữa trị ra sao? Thế là phải chạy về hỏi Sư Phụ.

  • #2
    [justify]Bài viết của NL rất hay và đầy tình tiết. Tâm trạng một cô giáo cấp 3 ra trường mà không "được" bổ nhiệm đến trường ... Rồi mọi việc đưa đẩy đẩy đưa để nàng đến với các trại gà chăn nuôi thời bây giờ. Thật buồn cho đất nước thời thống nhất .... Mỗi người một tâm trạng: buồn, tủi, một chút căm giận. Rồi lặng lẽ bỏ ra đi ...

    Giờ đây sau 40 năm, đầu đã hai thứ tóc ngồi ôn lại ở xứ người, thấy thật ngậm ngùi và thầm khen phục cho sự chịu đựng tuổi trẻ thanh niên thời bây giờ .... Sự nghiệp, tình duyên, gia đình đều hầu hết bị đảo lộn đảo điên.. Ôi thôi cũng là vận nước thời hòa bình với bao khó khăn ...
    [/justify]

    Mà sao bài hay như vậy mà tác giả không upload lên .... lặng im quá ...
    https://drive.google.com/file/d/1N-m...ew?usp=sharing

    Comment


    • #3
      Đời là một chữ DUYÊN, mừng cho Ngọc Lan có "quới nhơn" (nói giọng Vãng Long) Huệ phò trợ nên vừa tránh được '7 nghề' vừa được phong chức kỹ sư.

      Trong bài viết Ngọc Lan nói được gọi nhầm kỹ sư! Gọi như vậy thật ra là đúng đó. Văn bằng của tôi ghi rành rành: "KỸ SƯ GIÁO DỤC" đây.

      Cuộc đời vốn đầy bất ngờ, khi không còn nhỏ tuổi (đầu tiên tôi định viết về già nhưng sợ đụng chạm nên phải đổi) nếu còn nhớ để ngồi ghi lại (mà ngồi ở nước ngoài thì sướng hơn) bản thân sẽ thấy vui, và nếu chịu khó post trên trang dhspkt-td cho bạn bè cùng đọc sẽ càng vui hơn.

      Bài viết cung cấp nhiều thông tin, câu văn đơn giản, giọng văn tếu, rất hợp gout mình. Cám ơn Ngọc Lan. Chờ đọc tiếp.

      Comment


      • #4
        Trước năm 1975 ở Đà-Lạt có trại gà Scala của cha dòng, nuôi gà rất khoa học , KD có người thân ở ấp Tùng Lâm được cha dòng "Chúa Cứu thế" gởi qua Đài-Loan học cách nuôi gà, khi trở về làm tại trại gà Scala. Mùa hè tụi D về Đàlạt nghỉ hè thích vô Tùng Lâm ghé trại gà xin trứng về làm bánh.

        Ngày đó nhà KD ở Bảo-Lộc có vườn rộng mẹ nuôi nhiều gà lắm. Mỗi sáng mẹ tung bắp hạt ra sân vườn cho chúng ăn, cả ngày gà được thả đi tự do kiếm ăn trong vườn, chiều về nghe mẹ gọi "túc túc" là chúng ùa về đầy sân, mẹ cho chúng ăn no lần nữa trước khi lên chuồng.

        Bảo-Lộc vào tháng 12 trời bắt đầu lạnh cóng, có sương muối, gà lúc này hay bị rù lắm nên cứ cuối tháng 11 chị em D phải phụ Nội với Mẹ cho gà ăn tỏi ngâm rượu hay tỏi tươi liên tục cả tuần, mẹ cho ăn phòng trước vì sợ gà bị cúm chúng lây nhau ngỏm là không còn gà bán Noel và Tết. Mấy cô gà mái và bày gà con thì phải gĩa tỏi ra mới cho ăn được còn mấy chú gà trống thiến, mấy anh gà chọi thì chỉ cần lột vỏ, bỏ luôn một tép tỏi vô miệng là nó nuốt tuốt tuồn tuột luôn, có nhiều con gà khỏe nó dữ lắm, chị em D bị gà mổ đau điếng. Tối về lại phải đốt lá xả khô, látía tô, bồ kết...trong nhà gà cho chúng ấm.

        Con gà cúm nặng nó cũng giống mình lắm, nó hắt xì, chảy nước rãi, bỏ ăn, nằm ẹp một chỗ, ngủ gật, đến khi ỉa cứt trắng (nội gọi là cứt cò ???)rồi lăn đùng ra chết. Gà chết là đem chôn không ai mổ bụng nên KD không biết gà chạy trong vườn có "to gan" không ?

        Thân ái

        KimDung

        Comment

        Working...
        X