Announcement

Collapse
No announcement yet.

PHÚC hay HỌA

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • PHÚC hay HỌA

    PHÚC hay HỌA

    Tuần rồi, bà Tâm có buổi họp lớp mà bà nôn nóng từ cả nửa năm nay. Buổi gặp mặt với những người bạn từ cấp hai, cấp ba. Cá biệt, có người đã chung trường với bà từ cấp một.

    Chia tay các bà bạn già rồi mà bà cứ nhớ hoài những câu chuyện được các bà nội, bà ngoại chia sẻ trong buổi họp mặt. Thế nên trong ngày lễ Vu lan, khi các con chúc thọ cho bà được sống lâu trăm tuổi, bà đã thở dài và quyết định kể cho các con nghe những câu chuyện của các bà bạn già.

    Đầu tiên là chuyện của bà Lê, bà bạn học từ cấp một.

    “Bà Lê đưa bà mẹ tám mươi tám tuổi đi khám tổng quát. Khám xong anh bác sĩ gia đình vui vẻ bảo bà :

    - Cô yên tâm. Bà cụ dư sức thọ đến một trăm.

    Thay cho một lời cám ơn vì vui mừng, bà Lê kêu lên thảng thốt:

    - Trời, bả mà thọ một trăm chắc tui tổn thọ ngay bây giờ.

    Anh bác sĩ trẻ cười hiền, nhìn bà Lê bằng đôi mắt thương cảm.

    Nhà bà Lê có năm anh chị em. Ai cũng lập gia đình và có con cháu hết rồi nhưng riêng bà vẫn ở vậy. Nhớ năm ba mươi , bà suýt lấy chồng rồi nhưng anh người yêu của bà nói trước là anh không muốn chung đụng với mẹ vợ, thế là bà giận dữ, đùng đùng từ hôn. Bà yêu quí mẹ hơn cuộc tình duy nhất của đời mình.

    Năm nay bà Lê đã hơn sáu mươi rồi. Dù ăn uống cẩn thận, tập tành hằng ngày bà Lê vẫn mang nhiều bệnh vặt. Bà bị thấp khớp và bướu cường giáp, lại bị hậu mãn kinh hành, bà hay bị bốc hoả và khó ngủ ban đêm. Nhưng bà cụ mẹ bà không hay biết điều đó, trí não cụ lội ngược dòng thời gian, cụ cứ bé bỏng dần theo năm tháng qua đi, qua đi. Bây giờ cụ không còn tự tắm táp được nữa nhưng suốt ngày cụ cứ đòi tắm vài ba lần, đòi ăn năm bảy lần. Đơn giản là bà cụ nhớ chuyện tắm, chuyện ăn mà không nhớ là ngày hôm đó cụ đã tắm rồi, ăn rồi. Mỗi lần tắm cho mẹ xong bà Lê cũng ướt hết cả người, đã vậy bà còn phải lau sàn nhà rất bất tiện cho cái đầu gối đau.

    Cái tuổi mãn kinh khiến bà Lê khó ngủ nhưng bà cụ lại sợ ngủ một mình. Thương mẹ bà Lê mua thêm một cái giường nữa để trong phòng mình. Tối; nếu ngủ được thì bà cụ ngáy phì phì, phò phò làm bà Lê vô phương mà chợp mắt. Còn khi không ngủ được thì cụ lại thức dậy đòi tắm, đòi ăn, đòi đi tiểu. Cụ không thực sự phân biệt được đêm hay ngày. Có khi nửa đêm cụ đập cửa rầm rầm để kiểm tra là cửa nhà đã được cài khoá chắc chắn , cụ sợ trộm vào nhà . Có lần cụ làm ầm ĩ quá hàng xóm phải báo cảnh sát tới. Rồi cũng có khi cả đêm cụ đánh thức bà dậy lằng nhằng:” Nhà tôi tôi ở,cơm tôi tôi ăn, cô cho tôi về nhà tôi đi. ” hay cụ lầm bầm với người chỉ có trong đầu cụ :” Tôi là cô ba nhà ông Trần, tôi muốn lấy ông Huy thầy giáo nhưng tôi phải cưới cậu Hồng con phú hộ. Anh Huy, tôi không dám cãi cha cãi mẹ đâu…hu hu hu. Cho tôi hẹn anh kiếp sau…”

    Khi bà cụ mặt mũi tươi tỉnh vì được chăm sóc chu đáo thì mặt mũi bà Lê phờ phạc. Đã nhiều lần bà nghĩ đến chuyện cho mẹ đi nhà dưỡng lão nhưng rồi lại không đành, để có khi phải lau cứt đái bà cụ trét đầy nhà như con nít chơi bùn thì bà gầm lên: “ Trời ơi, tới chừng nào tôi mới được giải thoát đây.”

    Thực ra là trong tuần, anh chị em bà cũng có thay phiên nhau đến trông mẹ cho bà hai tiếng để bà được “ giải thoát” mà đi chợ búa và cũng để bà giải stress. Hai tiếng đối với họ chắc dài lắm vì mỗi khi xe bà vừa về tới đầu đường là họ vội vàng cuốn gói chuồn mất. Nhớ hồi trước anh chị em bà hay góp ý cách chăm mẹ với những câu như : " Sao chị không nấu súp cho má húp, nấu yến cho má ăn. Sao chị không cắt móng tay cho má? Sao chị không thay chăn mền gối nệm cho má, đủ thứ “ sao vậy”. Rồi một lần bà quyết đi chơi xa vài tuần, bốn anh chị em còn lại phải thu xếp thời gian ở với mẹ. Từ đó họ tịt luôn, thậm chí họ rất sợ bà chia đều thời gian chăm sóc cụ. Họ nịnh nọt, năn nĩ bà cho họ góp thêm tiền để bà đừng bắt họ thay phiên. Nhưng bà có cần tiền của họ đâu, bà có tiền để dành và cũng có thu nhập hằng tháng từ tiền hùn hạp làm ăn với bạn bè. Mẹ bà cũng có tiền già của chính phủ cho, bà còn được nhà nước trả cho tiền chăm mẹ. Nhưng tiền không phải là cái bà cần, bà độc thân lại có thu nhập rất ổn định rồi thì tiền đâu phải cái bà cần. Cái bà cần là sự tự do đi lại, được chơi bời chút đỉnh với bạn bè trước khi bà phải chống gậy đi chơi.

    Thỉnh thoảng bà Lê gầm lên vì tù túng nhưng mỗi lần mẹ yếu hẳn thì anh chị em bà lại quýnh lên lo cho mẹ, sợ không còn được nhìn thấy mẹ nữa, sợ không còn có mẹ để chăm. Đâu phải bà Lê không hiếu thảo, chỉ là phải thực hiện cái hiếu dài hơi quá thì bà mỏi mệt lắm vậy thôi.

    Khi kể cho các con nghe chuyện của bà bạn già, bà Tâm lại nhớ thêm chuyện của cô bạn trẻ Anh Thư.

    Anh Thư tái hôn với một Việt kiều rồi sang Mỹ định cư. Khi sang đây, việc đầu tiên cô nghĩ đến là rước mẹ sang để bà được hưởng những tiện ích của xứ cờ hoa: không khí trong lành, y tế miễn phí cho người lớn tuổi. Các cháu cũng mong bà sang.

    Thế là bình thường tuần nào Anh Thư cũng ghé nhà bà Tâm chơi nhưng khi có mẹ của cô sang rồi thì cô biến mất, cô bảo:

    - Mẹ qua rồi em vui lắm. Con em cũng rất vui vì có bà chung nhà. Hồi trước bà chăm tụi nó mà.

    Vậy là cả nhà cô bận vui sum họp nên cô thôi không đến thăm bà bạn già nữa. Lâu lâu cô lại gọi điện thoại hỏi:

    - Chị có biết chỗ nào hay hay để em đưa mẹ em đi chơi không?

    Và hết đưa mẹ đi chợ, đi chơi chỗ này chỗ noj cô lại đưa mẹ đi thăm bà con. Bẵng đi một thời gian, một hôm cô lại gọi:

    - Chị có nhà không cho em ghé chơi chút.

    Cô đến chơi, mặt mũi xuống sắc, bà Tâm hỏi:

    - Hôm nay không bận chăm mẹ sao?

    - Em stress quá chị ơi.

    Bà Tâm trố mắt nhìn cô bạn trẻ, Anh Thư giải thích:

    - Mấy bữa nay em phải đưa mẹ đi bệnh viện liên tục. Đêm qua lại ở bệnh viện với bà.

    - Sao vậy? Thấy mẹ em khoẻ mạnh lắm mà.

    - Thì bởi vậy mới nói. Khoẻ quá nên ra ngoài không chịu mặc áo lạnh nên cảm, khoẻ quá nên ăn nhiều bị ói, khoẻ quá nên cái gì cũng giành bưng bê ra vẻ ta đây khoẻ nên bị té.

    Anh Thư thở dài than tiếp:

    - Mẹ con em hụt hẩng quá chị. Bà bây giờ không giống bà năm bảy năm trước khi còn ở Việt nam.

    - Thì giờ mẹ em cũng hơn tám mươi rồi con gì. Thì ngày xưa bà chăm cháu, giờ đến lượt cháu chăm bà.

    - Phải chi bà để cho mẹ con em chăm không chừng lại tốt hơn, đằng này bà năng động quá lại khổ. Chén bát có máy nhưng bà thích tự rửa tay, mắt bà đã mờ mà tính bà lại tiết kiệm nước nên chén đũa rửa xong mẹ con em phải rửa lại. Vườn tược đã có hệ thống tưới tự đọng nhưng bà cứ thích tự tứơi thêm cho yên tâm nên cây dư nước cây chết ẻo, chưa kể bà cứ lấy thau hứng nước rửa chén đi tưới thêm cho đỡ phí, làm vấy bẩn cả nhà . Tụi nhỏ làm gì bà cũng có ý kiến bảo ban nên tụi nó né bà để được yên thân mà học tập. Có khi bực quá thì tụi nó lại lớn tiếng yêu cầu bà “ Please leave me alone!” ( Làm ơn để cho con yên!) đâm ra là cháu hỗn với bà. Em bảo thôi bà đừng nói chuyện nhiều với tụi nhỏ thì bà bảo miệng bà bà nói, ngậm hoài thúi miệng sao. Tụi nhỏ bảo hay bà ra nói chuyện một mình đi để yên cho cháu học thì bà bảo bà không nói chuyện với ma.

    Giờ năm anh chị em của bà Kim đều đã lên chức ông nội bà ngoại hết rồi. Họ hăng hái đi giữ cháu trong khi chăm cha mẹ già thì họ tránh né. Khi bị trách móc thì một bà thanh minh:

    - Chăm con nít như ngắm bình minh. Trời sẽ càng lúc càng sáng tỏ dần. Chăm người già như ngắm hoàng hôn, trời sẽ càng lúc càng tăm tối dần. Chăm con nít như chèo thuyền xuôi theo dòng nước, nó nhẹ nhàng phơi phới niềm vui. Chăm người già như ta đang lội ngược dòng, càng lúc càng đuối. Người được chăm càng lúc càng tệ. Tôi cũng là người đã già, tôi không bênh người già tức là tôi không bênh tôi nhưng công bình mà nói thì thực tế đáng buồn vậy đó.

    Bà Mai, bà chị cả của bà Kim còn phát biểu một câu cay đắng hơn:

    - Nói thiệt là khi thay tả cho cháu mình thấy bình thường nhưng khi rửa đít cho ông già mình lại thấy gớm, phát ói luôn nên tốn bao nhiêu mình cũng chịu, thà nhịn ăn nhịn xài để thuê người chăm ông.

    Khi nghe chuyện của các bà bạn già, bà Tâm cứ nhớ tới một bài báo nói về người già ở Nhật, một đất nước có nhiều người thọ nhất thế giới. Ở đó có những nhà tù có hơn hai phần ba là các cụ thọ trên tám mươi. Phần lớn các cụ phạm tội ăn cắp vặt mà bị bắt. Cá biệt có cụ ăn cắp đến hai mươi lần, phóng viên hỏi thì cụ giải thích:” Con cái không có điều kiện phụng dưỡng nên tôi phải chọn nhà tù mà ở. Trong tù, tôi lại thấy mình có nhân phẩm hơn. Ít nhất tôi có cái giường để ngủ, có cơm ba bữa để ăn. Bệnh hoạn có thuốc men miễn phí...”

    Tội nghiệp cho cán bộ quản giáo nhà tù ở đây. Họ đã làm việc hệt như những nhân viên xã hội mà chuyện thay tả, bón cơm cho các tù nhân lão là bình thường và vì thế, ít ai trụ quá ba năm.

    Trở lại chuyện nhà bà Kim. Vì chuyện chăm cha mẹ già mà anh em đâm ra lấn cấn. Cho cha mẹ vào nhà dưỡng lão họ không đành tâm, phân công ra phụng dưỡng lâu dài họ cũng ngán ngại. Cuối cùng người anh cả, người được mọi người công nhận là hiếu thảo nhất, tận tuỵ nhất với cha mẹ, người đã từng tuyên bố: “Ba mẹ như cây đại thụ rất quí, anh em ta phải hết sức mà phụng dưỡng.” giờ lại thiểu não nói:

    - Nhiều khi anh tự hỏi anh em mình cứ hết sức kéo dài sự sống của ba mẹ là đúng hay là sai? Từ lâu ba đã không còn ý thức được sự tồn tại của mình rồi. Thảng hoặc khi tỉnh ba đã van xin anh em mình cho ba được ra đi nhưng mình vì chữ hiếu của bản thân mà lơ đi ước nguyện của ba. Đụng chút là mình lôi ông bà đi cấp cứu để ông bà cũng khổ, mình cũng khổ. Rất nhiều khi anh tự vấn lương tâm là chuyện anh em mình làm là vì mình hay vì ba mẹ. Và y học kéo dài tuổi thọ của con người đến trăm năm là phúc hay là hoạ của nhân loại?

    Câu nói của anh bà Kim làm bà Tâm trăn trở nhiều ngày và bà quyết định kể lại những câu chuyện trên cho các con nghe, giải thích lý do tại sao bà yêu cầu các con sau này sẽ không dùng phương pháp trợ sinh nếu chẳng may bà rơi vào đời sống thực vật. Bà viết cho ba con gái : " Một mai khi mẹ đã già, không còn khả năn để tự chăm sóc bản thân, không còn biết mình là ai hay đã rơi vào đời sống thực vật thì mẹ hãy xin các con hãy để cho mẹ sớm ra đi, đừng để mẹ kéo lê một kiếp sống không ý thức, thiếu nhân phẩm. Hãy để mẹ được rút ngắn cái kiếp nạn làm người bệnh, lão. Nước mắt chảy xuôi. Các con hãy hết sức lo cho con cái của mình vì mẹ không mong các con phải thực hành chữ hiếu như thế hệ của ba mẹ, sẽ rất nặng nề cho các con. Với mẹ, các con cứ cố nuôi dạy con cái mình thật tốt cũng là một cách trả hiếu thuận dòng rồi.

    Mẹ mong các con sẽ làm theo di nguyện của mẹ."

    Văn Mỹ Lan (viết theo yêu cầu của nhóm bạn già)

    July 10, 2018
Working...
X