Announcement

Collapse
No announcement yet.

Con So

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Con So

    Xuân Lan long rong vào FB của cô bạn Như Hoa Áo Tím... có nhiều câu chuyện cô bạn đã và đang share trên FB hay hay.. Thấy trang dành riêng cho bạn mình ở Forum lâu nay hiu quạnh cũng mấy năm rồi. Hỏi thăm, bạn mình xin lỗi vì quá bận rộn... Chuyện viết văn, làm thơ, làm nhạc..hic hic..rõ là mình hổng dám..nhưng phụ cô bạn mà mình có duyên kết bạn thì dễ...Xuân Lan sẽ copy, đăng tải dùm cho bạn mình kể từ đây... Thầy cô nào, và ace nào vẫn thích văn của Như Hoa Ấu Tím thì hãy vào xem nhen...

    Chỉ còn một ngày nữa là hết tháng Năm, tháng có Mother Day, tháng dành cho Mẹ.. Thôi thì chọn bài Con So mở hàng đi...

    Con So


    Con yêu của má! Con hỏi tại sao gọi là có bầu con so?

    Mở tự điển So có nghĩa là: Đặt kề nhau, song song với nhau để xem hơn kém nhau bao nhiêu. So lại dây đàn. So mái chèo. Làm cho (đôi vai) nhô cao lên, tựa như so với nhau. Ngồi so vai. So vai rụt cổ.

    Vậy mà lần thai nghén đầu tiên được gọi là có mang (chửa) con so. Tương tự như gà mái cho trứng lần đầu cũng được gọi là trứng gà so. Không cần hiểu rõ So là gì, nhưng khi có con lần đầu, bà mẹ nào không hạnh phúc sung sướng trong lòng.

    Má có mang con, khi còn trẻ hơn con bây giờ, thưở ấy cách nay hơn ba mươi năm. Sau ngày cưới không lâu má biết mình cấn thai, có thai trong lúc không biết phải sống thế nào trong hoàn cảnh đời chật vật, tương lai mịt mù trước mặt, ba con ngơ ngẩn như chiếc bóng sau lưng má.

    Chiếc áo bầu má mặc lần đầu, là chiếc áo má cắt may từ tấm khăn màu vàng hoàng yến của bà ngoại. Ngày ấy, bà ngoại đã mất, bà nội biết má có thai thương má lắm. Lúc nào bà cũng nhắc má: Phải tránh đạp lên ngưỡng cửa , không thôi hồi đi sanh con nó không chui ra liền, mà thập thò sinh tử. Không được ăn ốc mai mốt em bé chảy nhớt – không được làm điệu con lớn bị vô duyên, không được chụp hình da em bé bị đen.

    Còn nhiều nữa má không nhớ hết, rồi bà nội kiếm mua cho má trứng ngỗng ăn cho em bé thông minh, uống nước dừa tươi để da em bé trắng mịn, nói chung mọi điều tốt đẹp đều dành cho em bé.

    Nhìn con âu yếm nói chuyện với đứa con đầu lòng, còn nằm trong bụng, không lâu nữa má sẽ có cháu gọi Ngoại, cảm giác của má bây giờ không bút mực nào tả được, có lẽ làm mẹ và làm bà sợi dây nối tình cảm giữa hai mẹ con vươn dài thêm ra, từ cuống nhau của má truyền đến con, rồi đến cháu, cũng cuống nhau ấy cháu ngoại của má đang ngậm bây giờ.

    Nếu con biết má ngồi lặng nhìn hình ảnh bé bỏng của cháu trên màn hình máy tính, mắt nhòa vì hạnh phúc để nhớ mới ngày nào con cũng bé bỏng như thế trong khoang bụng của má. Thời của má, các bà chỉ nhìn hình dáng cái bụng mà đoán con trai hay con gái, ngay cả bế em bé cho đứng lên bụng để đoán, nếu có mang con trai, khi bà bầu bế em bé trai, đứa bé này chỉ đứng một chân trên bụng.

    Con có biết má lo lắng cho con từng giây từng phút, tin tức thế giới, tin tức kinh tế, nhất là những con vi trùng mới đang hoành hành làm má không yên lòng chút nào cả, lúc nào má cũng muốn ở bên cạnh con, nhìn từng cái đạp, cái chuyển mình của bào thai đang chờ góp mặt với đời.

    Nhìn cuộc đời từ bà ngoại xuống đến má, đến con, ba thế hệ ngắn ngủi vậy thôi mà có bao điều giống nhau, mang nặng đẻ đau thiên chức thượng đế đã sắp đặt, dù hoàn cảnh sống có thế nào, mầm sống mới là nguồn hạnh phúc khôn cùng của đời người đàn bà con nhỉ.

    Thời của ngoại, nạn đói Ất Dậu, di cư 1954, nội chiến trải dài. Bà ngoại có mang con so là má, trong bối cảnh ông ngoại là lính, sống trong khu gia binh, nơi dành riêng cho những quân nhân có gia đình. Nhìn những hình ảnh còn giữ lại, ngôi nhà đơn sơ một mái, khoảnh vườn nhỏ sau nhà, ông ngoại ẵm dì, má đứng dưới chân, sau lưng là bụi chuối, chiếc xích đu ông ngoại tự tay đóng cho con chơi, ông mặc bộ quân phục.

    Má nhớ bà ngoại kể, lần đầu mang thai không biết gì hết, các bà hàng xóm chỉ bảo đủ cách, theo chồng quân nhân phải xa cha xa mẹ, đêm nghe tiếng súng, nhìn hỏa châu lo lắng cho chồng. Nhưng bà ngoại vẫn may mắn khi đi sanh lúc nào cũng có ông ngoại bên cạnh.

    Má ra đời trong nhà thương dành riêng cho lính, bà ngoại kể cho má nghe, khi có mang con so, không biết sao bà ngoại thèm ăn bắp, thèm ăn mía kinh khủng, đến nỗi ông ngoại trồng cho bà bụi mía, trồng luôn cả bắp cho bà.

    Trồng có trồng cho vui, chứ lúc thèm là phải tìm cho ra để ăn, chờ cây ông ngoại trồng lên trái thì bà ngoại đã hết thèm rồi.

    Có mang con so, luôn luôn là điều khó có thể quên trong đời người phụ nữ, nét đẹp của bà bầu con so không điều gì so sánh được, tình yêu vợ chồng rạng rỡ trên nét mặt, cùng niềm háo hức chờ đợi tiếng khóc đầu tiên. Má hỏi bà ngoại nhớ gì nhất ngày hạ sanh má, bà ngoại kể chuyện cô mụ đỡ tên Quỳ. Cô Quỳ là người thích ông ngoại lắm, các bà hàng xóm, ngoài việc chỉ bà ngoại phải làm gì khi có mang con so, còn lời ra tiếng vào về cô y tá, kiêm cô đỡ tên Quỳ thích ông ngoại, có tình có ý với ông ngoại, vì cô có lần săn sóc cho ông khi ông bị bệnh trước khi có vợ dù ông ngoại chẳng bao giờ để ý gì đến cô ấy. Ông ngoại mang lon trung úy năm lên hai mươi bốn tuổi, hiền lành và đẹp trai nữa, cô gái nào không ao ước làm thân.

    Thời của má, nội chiến vẫn còn cho đến 1975, gia đình mình thuộc vào thành phần đối nghịch, ông ngoại ông nội cùng bị bắt đi tù cải tạo, ba má bị đối xử hận thù, cuộc sống không dễ dàng chút nào cả. Má không biết mình có thai, mải lo buôn bán, cho đến khi bà nội nhìn mạch máu chạy từ dưới mang tai thẳng xuống yết hầu phập phồng, bà nói với má con có mang rồi.

    Đi xin giấy khám thai bị đòi hỏi giấy tờ hộ khẩu, má biết mình có mang là đủ . Má nhớ bà nội mang má tới cháu của bà nội thăm thai, má gọi là chị Nhự, dù chị lớn hơn má nhiều lắm. Chị làm y tá trưởng trong nhà thương Từ Dũ rất lâu năm, sau này chị là người khám thai, chăm sóc cho má.

    Có mang con, má thèm ăn bắp giống bà ngoại, có đêm thật khuya ba còn phải chạy đi tìm mua cho má. Hồi đó má phải làm đủ mọi việc để kiếm tiền mua gạo, đồ đạc trong nhà phải bán dần, bụng má thât to rồi má vẫn còn đạp xe đi giao nước ngọt cho các quán cà phê lề đường.

    Má nhớ bà nội cho tiền bắt cặp heo để nuôi, lúc đó ở Sài-Gòn nhiều nhà bị Việt Cộng lấy ở, họ mang heo vào nuôi ngay trong phòng khách, má nuôi hai con heo nhỏ xíu bỏ trong giỏ đệm cho đến ngày con sắp chào đời hai con heo to hơn tạ, dù chỉ được nuôi trong nhà bếp, má đặt tên con Ột, con Ịt, má có mang con dài hơn chín tháng mười ngày, chị Nhự nói con gái thường ở lâu hơn con trai, tại con gái thương má nhiều hơn. Cho đến buổi sáng sau khi má trộn cám với rau cho heo ăn xong, con Ột đụng té ngồi xuống sàn bếp, nước ối bể ra con chào đời dễ dàng trưa ngày hôm ấy.

    Nay đến thời của con, kỹ thuật hiện đại, con có bác sĩ chăm sóc định kỳ, sự nghiệp hai vợ chồng con tương đối, chiến tranh xảy ra nơi khác, kinh tế trồi sụt vẫn không sao so sánh được với thưở không biết ra sao ngày mai, gạo đong từng lon để sống từng bữa. Chuẩn bị cho đứa con đầu lòng, má chỉ biết ngồi may từng chiếc áo, cắt sẵn bao nhiêu tấm tã, đan vớ nón. Nghe con chuẩn bị cho cháu ngoại của má, học khu phải tốt, khí hậu nơi ở không ô nhiễm, phòng học phòng chơi, vậy mà không biết tại sao má vẫn lo âu cho con từng giờ từng phút.

    Má nghe con đòi ăn bắp nấu, chồng con lấy trái bắp tươi trong tủ lạnh ra, bóc vài lớp vỏ, gói trong khăn giấy nhúng nước, mở microwave sáu phút, má mỉm cười hạnh phúc, đợi chờ ngày làm bà ngoại so.

    Mẹ có nghĩa là yêu thương và lo lắng mãi mãi cho con, như biển Thái Bình không bao giờ cạn kiệt.




    Như Hoa Ấu Tím ( Thân tặng các em vừa có cháu bé đầu lòng.)
Working...
X