Announcement

Collapse
No announcement yet.

BA TÔI

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • BA TÔI

    BA TÔI

    Năm nay ba đã chín mươi. Cuộc đời ba là cả một quá trình phấn đấu vươn lên trong công việc và nuôi gia đình.

    Nhờ được giúp đỡ, ba lên Sài Gòn học đệ tam, đệ nhị và thi BAC 1 năm 1950. Năm 1952 ba ra Nha Trang 1 năm học khóa 1 Huấn Luyện Viên Thể Dục. Tốt nghiệp, ba trở về địa phương tìm việc làm nuôi gia đình vì không được bố trí làm việc theo ngành nghề đã được đào tạo. Trở về địa phương không lâu lại nhận được giấy gọi nhập ngũ, nhưng không được theo dạng quân dịch 18 tháng, mà phải học khóa hạ sĩ quan. Ba vốn ghét nghề lính, ghét đời sống quân đội “rập khuôn cứng nhắc, thiếu tình cảm”, trước đây đã từ chối học khóa sĩ quan. Đúng là tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa! Hòa bình lập lại, ba lập tức xin giải ngũ nhưng phải đến năm 1957 mới được giải quyết. Gánh nặng kinh tế gia đình (lúc nầy đã có 3 chị em tôi), nên về địa phương ba phải kiếm sống bằng nghề bán nước mía ở bến xe Vĩnh Long (gần ngã 3 Cần Thơ), và tranh thủ học khóa đánh máy chữ tại trường Bá Nghệ, Vĩnh Long. Bán nước mía được khoảng 1 năm thì nhận được quyết định của Bộ Giáo Dục bổ nhiệm làm thư ký cho ty Tiểu Học tỉnh Phước Long (Bà Rá), một tỉnh mới mở ở miền Đông. Trong thời gian làm việc tại ty Tiểu Học ba tự rèn luyện để sau đó về Sài Gòn thi bằng đánh máy chữ quốc gia thương mại. Thi đậu, ba được cãi ngạch Thư Ký Học chánh, vừa làm công việc hành chánh, vừa dạy thể dục cho học sinh trường trung học Phước Long lúc nầy vừa được thành lập. Năm 1964 khi chính quyền lập Tổng Nha Thanh Niên với hệ thống ty Thanh Niên khắp cả nước, kể cả Phước Long, ba xin chuyển sang Ty Thanh Niên làm việc, đúng theo ngành nghề đã được đào tạo. Đây là giai đoạn sung sướng nhất thời nhỏ của tôi vì mỗi buổi chiều được đến chỗ ba làm chơi thể thao, gia đình có xe hơi đi chơi vào những ngày cuối tuần (chiếc Citroen deux cheveaux của ty Thanh Niên). Sau nầy, khi Tổng Nha Thanh Niên sát nhập vào bộ Giáo Dục ba xin chuyển sang làm giáo viên thể dục, đầu tiên là trường Hồ Ngọc Cẩn, Gia Định, rồi Trần Khai Nguyên, quận 5, tp. HCM cho đến ngày về hưu.




    Những năm đầu sống ở Phước Long điều kiện tinh thần, giải trí rất hạn chế. Một năm vài lần ty Thông Tin chiếu phim, hay phối hợp cùng đoàn văn nghệ Sài Gòn lên tổ chức biểu diễn ngoài trời ở chợ Phước Bình. Trước đó ty Thông Tin cho xe có gắn loa chạy qua những con đường chính thông báo về sự kiện. Tổ chức chiếu phim rất đơn giản vì chỉ cần đến trước vào buổi chiều để cắm cọc, giăng màn ảnh, mắc loa. Tổ chức biểu diễn văn nghệ phải được chuẩn bị trước mấy ngày: Nhân viên ty Công Chánh chở thùng phuy, ván đến kê, ghép lại làm sân khấu, đào lỗ, chôn cọc để giăng màn, treo phông cảnh… Nghe thông báo có tổ chức chiếu phim, văn nghệ, là cả xóm hẹn giờ cùng đi, mà phải đi ngoài đường chính vì dạo ấy Phước Long còn nhiều thú dữ. Dù có đèn pin nhưng vẫn phải làm thêm đuốc dầu hôi trong ống tre để thắp vì người dân vẫn cho rằng cọp sợ lửa. Trên đường về tiếng bàn tán, tiếng cười nói râm ran, ánh lửa đuốc bập bùng, ánh sáng đèn pin quét dài soi sáng đoạn đường trước mặt. Càng về sau tiếng cười nói nhỏ dần, ánh sáng yếu dần, tâm trạng từ mệt nhưng vui chuyển sang lo sợ trên đoạn đường cuối gần một trăm mét dẫn đến cổng nhà. Buồn nhất là gần đến giờ trình diễn, hay đang xem trình diễn mà trời mưa.

    Muốn đọc báo phải chờ xe đò Bửu Hiệp chở từ Sài Gòn lên nên sớm lắm phải hơn 10 giờ trưa mới có, cả tỉnh không có tiệm sách, muốn mua sách, mua truyện phải về Sài Gòn nên cái radio là vật thân yêu vừa để nghe tin tức, vừa để giải trí. Đầu tiên ba mua radio hiệu National. Lúc nầy gia đình tôi đang sống trong khu dân cư “dưới dốc phi trường”, gần chân núi Bà Rá, có lẽ do núi chắn tín hiệu hay đài phát quá yếu, hay radio của ba dở nên rất khó nghe, thường phát ra những âm khi thì rồ rồ, khi thì rột rẹt, có khi phát thanh viên nói với giọng nghe như bị nghẹt mũi, nhất là những hôm thời tiết xấu. Ba phải trồng cột anten trời thật cao giúp radio thu được tiếng tốt hơn, nhưng ba dặn: ”Trời mưa phải rút dây câu anten ra để khỏi bị sét đánh!” Kinh nghiệm nầy đã giúp gia đình tôi không bị cháy TV khi cột phát sóng đài truyền hình Vĩnh Long bị sét đánh trong một trận mưa đầu thập niên 90! Sau nầy ba về Sài Gòn đến tiệm Sóng Vang mua radio transistor 3 band hiệu Philips của Hòa Lan sản xuất. Radio rất tốt, âm thanh phát rất rõ, không cần đến anten trời, chỉ dùng cây anten đã được lắp sẵn trong máy. Ba mua thêm bao cho cái radio cưng bằng da màu nâu, mặt trong lót nhung đỏ, phía trước chừa lỗ cho bánh xe điều chỉnh âm lượng, bánh xe bắt đài (tuning), cần gạt đổi băng tần, và màn hình hiển thị đài hình tròn, có cả quai da đeo. Thế là tối thứ bảy cả nhà tập trung lại nghe cải lương, gia đình đi chơi thác, đi vườn điều, đi làm vườn tôi cũng mang máy theo nghe. Đặc biệt là những đêm tối thứ bảy có chương trình cải lương, và sáng chủ nhật với chương trình tuyển lựa ca sĩ. Radio phải dùng đến 4 cục pin đại. Ba chỉ dùng pin con ó, tuy mắc nhưng bền. Lúc đầu chưa có pin vỏ bọc nhưa nên 4 cục pin được ba quấn trong giấy báo phòng trường hợp pin dùng lâu chảy làm hư radio. Cái radio là niềm hảnh diện của ba cho đến khi người hàng xóm mua về chiếc radio transistor cũng của Philips Hòa Lan nhưng có 5 band, mở nắp ra có hình địa cầu, có đèn xanh đỏ, có thể nghe được đài nói tiếng Tàu, tiếng Tây, tiếng Ả Rập… Cái radio bị bán sau 1975.

    Sau buổi cơm chiều, tối thứ bảy gia đình thường tụ tập ở phòng khách để nghe cải lương qua chiếc radio Philips của ba. Trong khi chờ đợi nghe cải lương ba sẽ hỏi về việc học trong tuần qua của chị em tôi.Từ lâu ba đã treo giải: Nếu ai học được xếp hạng từ hạng nhất đến hạng tư sẽ được thưởng. Phần thưởng theo nguyên tắc: Lớp lớn thưởng nhiều, lớp nhỏ thưởng ít; hạng cao thưởng nhiều, hạng thấp thưởng ít. Tiểu học thời đó được xếp hạng hàng tuần, mà cũng không có giấy khen nên mỗi thứ sáu chúng tôi nộp tập cho cô để thứ bảy cô trả tập có ghi điểm trung bình, hạng, và lời phê bằng mực đỏ. Lúc đó, tôi sẽ lấy tập, mở trang có ghi điểm và hạng, có chữ ký của cô, trình lên ba để lãnh thưởng. Một lần tôi được ba thưởng tờ 20 đồng mới, lật mặt sau tôi phát hiện tờ giấy bạc in thiếu bản (việc nầy là cực hiếm thời ấy), tôi nói, ba cho tôi tờ 20đ khác. Tờ 20đ in thiếu tôi cũng được giữ làm kỷ niệm. Sau phần khen thưởng học tập của ba là phần má phát lương tuần (tiền túi tiêu vặt khi đi học cho tuần kế tiếp) cho chúng tôi. Việc nầy rất hay, nó giúp tôi biết cách tiêu tiền, sau nầy không bị cảnh ‘khi chặt khúc, lúc nấu nhừ’, cũng như hình thành tác phong của một gentleman ngay từ nhỏ (lớp ba), sáng sáng không phải ngữa tay xin: ‘Má cho con tiền đi học!’

    Vì tỉnh Phước Long không có tiệm sách nên gần cuối năm học ty Tiểu Học, và cả trường trung học sau nầy, lại phái nhân viên về Sài Gòn mua giấy khen, mua sách vở làm phần thưởng cho học sinh. Thời ấy phần thưởng được phát cho học sinh rất thực tế. Bên cạnh tập vở, học sinh như lớp ba sẽ được tặng sách học của lớp nhì, học sinh giỏi lớp nhất sẽ được tặng quyển tự điển tiếng Anh hay tiếng Pháp, sẵn sàng cho việc học môn ngoại ngữ ở lớp đệ thất. Những tờ giấy khen nho nhỏ in màu xanh đỏ trên giấy trắng, láng là sự ganh tỵ giữa đám học sinh, là niềm hãnh diện của chủ nhân nó. Nó sẽ được chủ nhân trân trọng cất vào bao đựng hồ sơ, hay dán lên vách, lên cột nhà để cả nhà cùng ngắm.

    Là huấn luyện viên thể dục được đào tạo bài bản ba biết chơi nhiều môn thể thao nhưng không đam mê môn nào. Gặp bạn cũ cũng làm việc ở Phước Long và người ấy thích chơi tennis nên có một dạo ba hay vào sân cạnh tòa hành chánh chơi tennis. Có một chú người Mỹ ở cạnh đấy cũng hay ra chơi tennis. Chú nói giỏi tiếng Pháp, ba lại nói tiếng Pháp khá thạo nên chú ấy thích ba, hỏi địa chỉ để đến nhà chơi. Khi đến chú mang theo chai rượu, thế là má nướng khô nai đãi. Dạo ấy quanh tỉnh Phước Long còn nhiều thú rừng, gia đình tôi thỉnh thoảng vẫn được tặng thịt nai, thịt cọp, đôi khi mua của người S’tiêng khi họ săn được xẻ thịt bán. Má làm khô nai rất ngon. Thịt được cắt ngang thớ, sau đó tẩm xì dầu, sả, ớt, rắc thêm mè mới mang phơi. Má có 1 tấm tole dành riêng phơi khô hay phơi măng, lúc không dùng dựng đứng trong góc. Trước khi phơi khô tấm tole được rửa sạch, khô phơi trên tole được che bằng vải the để bụi không rơi và ruồi không đậu. Nghe mùi khô nai nướng thơm phức, chú người Mỹ rất ngạc nhiên và khi biết là khô nai chú tấm tắc khen ngon. Chú cho biết ở quê chú có rất nhiều nai nhưng chưa từng ăn thịt nai, khô nai. Lúc ấy tôi không tin, giờ có bạn sống ở nước ngoài kể lại mới hiểu. Có lần gia đình tôi khui sầu riêng mời, chú không ăn được, nhưng xôi sầu riêng thì ăn được mà còn khen ngon.

    Là người từng trải, những đám tiệc gia đình có ba tham dự không khí rất vui vì ba không cậu nệ ông – cháu hay bác – cháu, và có tài “dám đốc” trong bàn tiệc. Lúc đầu là mời Mộ Đức (mức độ), khi đến cao điểm là Sơn Trạch (sạch trơn 100% ly), nếu căng quá thì lén về Đức Phổ (đổ phức)! Các em ở nước ngoài vẫn điện thoại về hỏi, “Cậu ba còn uống bia được không?” Sức khỏe tốt của ba có thể do cách sống điều độ, nghiêm túc của người làm nghề huấn luyện thể dục. Có lần tôi nghe má than phiền ngày xưa ba không biết tiết kiệm, tiêu tiền hoang phí những lúc đắc thời. Nghe nói ba từng bao giàn cả đoàn cải lương về hát trong mấy tuần. Việc ấy chỉ xảy ra trong thời chiến, lúc ấy thân phận người lính tiền đồn “sống nay, chết mai” nên cũng có thể thông cảm.

    Nhiều năm làm công chức, chứng kiến những tiêu cực xảy ra, ba khuyên chúng tôi, nhất là 2 chị: “Các con phải tự rèn luyện kỹ năng, tay nghề cho mình. Khi các con có tài, các con không phải lệ thuộc, không phải quy lụy ai, vì không làm chỗ nầy, các con vẫn có thể làm việc ở chỗ khác. Phải làm sao để cho họ thấy không thể thiếu con, thiếu con họ sẽ gặp khó khăn nầy nọ…, lúc đó các con sẽ được trọng vọng.” “Tại sao phải sợ ma, sợ quỷ? Có ai từng thấy con ma, con quỷ? Đáng sợ là sợ người xấu, sợ trộm cướp, sợ hùm beo, rắn rết. Khi ta sống tốt, ta là người tốt. Đức trọng quỷ thần kinh.”

    Tôi đã cố sống theo cách ba dạy.

    .


Working...
X