Announcement

Collapse
No announcement yet.

Người Sài Gòn - tp. và Thú Vui Cà Phê Sáng

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Người Sài Gòn - tp. và Thú Vui Cà Phê Sáng



    Người Sài Gòn - Thành phố và Thú Vui Cà Phê Sáng




    Bạn còn trẻ, thích khám phá, tìm hiểu. Bạn đã ở Sài Gòn khá lâu, bạn nghĩ mình đã biết hết mọi ngóc ngách của Sài Gòn, nhất là khu mình ở. Một tối mùa hè nóng nực bạn giăng mùng ngủ ở balcon trước nhà. Gần sáng tiếng xe cyclo máy nổ ầm ầm làm bạn thức giấc. Bạn chui ra khỏi mùng đứng nhìn xuống đường. Trời vẫn còn tối nhưng quán cà phê bên kia đường đã mở cửa bán. Ông chủ đang đứng pha chế sau quầy đặt ở trước cửa. Trong quán, ánh sáng trắng xanh của ngọn neon cho thấy vài người khách ngồi co ro. Có lẽ họ là người phải ra ngoài sớm nên bị lạnh, phải dùng cả hai tay nâng ly cà phê lên miệng vừa uống vừa sưởi ấm. Rất nhiều khách ngồi sau những bàn nhỏ, mặt bàn bằng nhôm - chân xếp lại được đặt trước tiệm và lề đường những căn nhà lân cận. Hương cà phê mới pha thơm phức, tiếng nói chuyện xì xào.

    Khách đã đến đông, cần nhóm thêm lò thứ nhì. Ông chủ lấy từ lò đầu 3 -4 cục than cháy đỏ bỏ vào lò thứ nhì rồi lấy từ bao than mới mua 3 – 4 cục nhỏ bù vào lò, cũng như thêm than vào lò muốn nhóm. Chiều hôm qua, lúc mới mua than về ông đã trút tất cả than trong bao ra dùng dao chặt thành cục nhỏ cho dễ bén lửa. Ông mua nhằm than nổ: Sau vài tiếng nổ lách bách, những mảnh than nhỏ xíu, cháy đỏ bắn tung mọi hướng. Khách ngồi gần sợ bị phỏng, bị cháy áo quần nên vội cầm ly cà phê bước nhanh tìm chỗ tránh. Ông chủ nhanh trí lấy ky hốt rác bằng thiếc đặt lên miệng lò che mảnh than để khỏi bị bắn vào người rồi nhanh chóng bưng lò đặt lên nắp cống ven đường gần đó. Được đặt ở nơi nhiều gió, than trong lò cháy mạnh. Giờ cái lò trông như một trái pháo bông, người có trí tưởng tượng phong phú có thể nghĩ đó là hỏa diệm sơn đang hoạt động. Khách hàng đứng cả lên xem, hàng xóm cũng xúm lại nhìn và cười. Ông chủ quán tay cầm cây chổi tàu cau băng hăng, bó hó không biết phải đứng đó canh hỏa diệm sơn hay vào nhà làm việc!

    Quán cà phê đối diện nhà tôi bán đã bao nhiêu năm, biết bao lần tôi vào quán uống nước với bạn hay mua nước, cà phê về đãi khách nhưng tôi không biết cảnh quán cà phê sáng là như thế, vui và hay như thế. Hay tôi được thổ địa ban thưởng cho lần dậy sớm ấy?

    Khi những chiếc cyclo máy chở nặng người và hàng nổ máy rầm rầm phóng qua những con phố dưới ánh đèn đường vàng vọt, trên vỉa hè đã có tiếng người nói chuyện râm ran bên những chiếc bàn thấp, trong tay họ là ly cà phê tỏa hương thơm ngát được rót từ cái siêu bằng sứ đang được “kho” trên lò than. Khách gặp may đến quán đúng lúc chủ quán vừa pha một vợt mới, người ấy sẽ được hưởng ít nhiều nước cốt, nước cà phê đầu thơm ngát.

    Đó là những người Sài Gòn uống cà phê sáng đầu tiên đến quán ngày hôm ấy. Do quán bán đã lâu khi một “khách mối” xuất hiện chủ quán có thể nói khá chính xác lúc ấy là mấy giờ, vị khách ấy sẽ ngồi chung với nhóm khách nào và thói quen uống là gì. Nhiều khách đến quán theo cách ấy và việc nầy lặp lại mỗi ngày. Thỉnh thoảng cũng có những việc bất ngờ vui như sự cố chủ quán mua nhằm than nổ tạo một trận pháo bông.

    Từ các bàn cà phê khói thuốc bốc lên mù mịt. Người lao động hút thuốc mélia trắng, mélia bạc hà, bastos xanh, bastos đỏ, trung lưu thì bastos lux (trắng), bastos vàng, dân sang đốt ruby, capstan, con mèo craven A, ba số 555… Cà phê phải đi kèm thuốc lá. Quán cà phê thường bán thêm thuốc lá, và để tiện khách đốt thuốc, trên quầy ông chủ cho thắp sẵn một cây đèn dầu trứng vịt.

    Sau khi khách nhấm nháp mấy ngụm cà phê, một bình trà nóng hổi được chủ quán mang đến. Dù nổi tiếng SaiGon Tea, trà trong quán cà phê không bao giờ tính tiền, chỉ cần uống hết bình và dốc ngược bình trà để rót là chủ quán, thường rất chu đáo và tinh mắt, sẽ mang ra ngay một bình trà mới, đầy ắp, không chờ khách phải gọi. Cũng là trà nhưng dĩ nhiên những ly trà đá phải tính tiền vì trà đá chứa trong ly cối, dung tích nửa lít, và nước đá thời ấy khá mắc. Dù cây nước đá “kim cương” loại nặng 50kg của hãng BGI rất lâu tan, giá cũng không cao nhưng vì lúc ấy phương tiện bảo quản chưa tốt, nước đá hao mòn rất nhiều do bảo quản bằng cách vùi trong trấu (giống như hột vịt lộn) và nắp đây là bao mùn cưa, mỗi lần mang ra sử dụng phải dùng nước rửa trấu cho sạch. Do khí hậu Sài Gòn quá nóng, người Sài Gòn sau nầy, nhất là người trẻ, ít uống cà phê đen, cà phê sữa nóng mà chuyển sang uống cà phê đá. Việc nầy đã thành thói quen. Buổi sáng Đà Lạt lạnh buốt, bên ngoài sương mù dày đặc, một nhóm khách co ro bước vào quán. Họ mặc áo ấm thật dầy, đội mũ, quàng khăn sùm sụp và gọi chủ quán: “Cho mấy ly cà phê đá!” Dân địa phương trước cảnh ấy chỉ có nước lắc đầu, “Đúng là dân Sài Gòn!”

    Khách đến uống buổi sớm thường cũng ra đi sớm vì công việc mưu sinh. Có người vội đến nỗi phải đổ cà phê ra dĩa thổi cho nguội nhanh để uống. Cách uống nầy cũng thường thấy ở quán nước lớn, nhất là những quán có chủ là người Hoa, có bán nhiều loại bánh ngọt. Những sáng chủ nhật cha, ông dắt cậu con trai, đứa cháu cưng, đến quán cà phê cùng thưởng thức. Cà phê sữa trong ly thì nóng, trẻ em lại không thể chờ lâu nên cái dĩa nhỏ để ly được dùng đến. Cà phê được rót ra dĩa để trước mặt con, người cha thổi vài hơi rồi bảo con, “Cà phê còn nóng! Uống chậm thôi con kẻo phỏng miệng.” Tiếp theo ông ta rót một ly trà để sẵn cho nguội con có thể uống sau khi ăn mấy cái bánh bột đậu hay cái bánh lột da ngọt ngất.

    Khi trời sáng tỏ đến lượt đợt khách thứ nhì vào quán. Khách đợt nầy thường ngồi lâu, “tám” đủ thứ chuyện trên trời dưới đất, có người còn mang theo báo để đọc.

    - Nhựt trình bữa nay có đăng gì lạ hông anh ba?

    - Ối, mấy tờ lá cải nầy toàn đăng chuyện xe cán chó!

    Hay thông báo một tin giật gân.

    - Bà con nghe đây: “Vụ vợ đại úy Thức tạt axit vũ nữ Cẩm Nhung tuần sau sẽ mang ra tòa xử.”

    - Đờn bà ghen ghê thiệt hén anh. Cái gì cũng dám làm!

    - Ừ, chú em mầy mà lén phén thì có ngày. Còn nhớ vụ thằng chồng ở Cà Mau bị con vợ thiến lúc trước hông? Bả ghen phái trinh sát đi theo rình. Bắt được tại trận bả ra tay thiến là kể như chú em mầy mất giống!

    - Hì, hì… anh chỉ nói giởn. Em đàng hoàng số một.

    Bắt đầu từ giữa thập niên 60 nhà văn chuyên viết truyện kiếm hiệp Kim Dung rất được đọc giả Việt Nam hâm mộ. Nhà văn, nghe đồn ghiền á phiện, viết truyện đăng báo kiểu feuilleton, mỗi ngày phải nộp cho ban biên tập báo một số trang nhất định nên những hôm báo không đăng truyện của ông đọc giả vì nóng lòng chờ đọc mà không được thỏa mãn quay sang dè bỉu, nói xấu.

    Một ông lật ngược tờ báo ra phía sau liếc qua một lượt, sau đó chán nản cuộn tròn tờ báo cho gọn ném lên bàn.

    - Chán mớ đời. Hôm nay lại cáo lỗi “Máy bay từ Hồng Kông không qua được vì bị đấp mô, truyện Anh Hùng Xạ Điêu tạm gát lại một kỳ. Mong quý đọc giả thông cảm!” Đang hồi hấp dẫn Quách Tĩnh cụp lạc Hoa Tranh …, làm tui chờ đọc hôm qua tới giờ!

    Như một số bạn đã nhận xét: “Người ta đến quán nào đó uống cà phê một phần vì cảnh, một phần vì bạn bè, người thân.”

    Một quán cà phê khá nổi tiếng với giới sinh viên Khoa học và một số học sinh Pétrus Ký là cà phê Năm Dưỡng nằm trong con hẻm trên đường Nguyễn Thiện Thuật, quận 3. Quán chỉ bán cà phê vợt với cách kho trong siêu đặc biệt và mỗi vợt chỉ bán một số ly nhất định nên cà phê của quán bao giờ cũng đậm, thơm ngon. Cuối những năm 70 và những năm 80 quán vẫn nổi tiếng, vẫn đông khách do tọa lạc vị trí “chiến lược”, gần những xe bán thuốc lá giá sỉ trên đường Nguyễn Thiện Thuật, gần đường Nguyễn thị Minh Khai (lúc nầy chưa có “chợ” thuốc lá Học Lạc). Vào cái thời một số người học đòi làm sang bị người dân chế diễu: “Ba số năm vừa nằm vừa ký”, hay “chỉ hút thuốc có cán (đầu lọc)”, hay “hút thuốc có kế hoạch”, chỉ hút thuốc những hiệu sang: Rothman, Dunhill, ‘ba số năm oanh tạc’ … trước đầu lọc điếu thuốc có dán vòng giấy nhôm màu vàng, và giá 1 điếu bằng giá 1 gói Hoa Mai, Vàm Cỏ hay Lao Động.

    Trong khu nầy còn có quán cà phê tên gọi khá ấn tượng: Cheo Leo! Theo tôi nghĩ tên gọi nầy do người dân gọi sai. Những con đường rất rộng trong nội thành Sài Gòn (trừ Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Thống Nhất) thường là bến xe! Có thể kể: Hàm Nghi là bến xe buýt, xe thổ mộ và sau nầy là xe Lam, bến (đường) Nguyễn Cư Trinh cho xe đi miền Đông (nhưng bến nầy giải tỏa sớm), bến Pétrus Ký dài, rộng dành cho xe đi miền Tây và miền Trung, bến Nguyễn Hoàng cho xe đi Bình Dương, Biên Hòa, bến Dương Công Trừng… Đường Lý Thái Tổ cũng từng là một bến xe. Đoạn giữa ngã sáu 6 Cộng Hòa và Phan Đình Phùng (Nguyễn Đình Chiểu ngày nay) có bến xe đi CHEO REO, Phú Bổn. Bến xe bao giờ cũng có quán nước, quán cà phê, và các quán nhỏ thời xưa ít treo bảng hiệu. Có thể “Quán nước ở bến xe Cheo Reo” thành “Quán bến xe Cheo Reo”, rồi thành “Quán Cheo Leo”. Nghe cũng hay đấy chứ? Tôi từng nghe một chị nhằn chồng, “Sao ông không uống cà phê ở quán “Thuận Tiện” hay “Tự Do”, mà đến quán “Cheo Leo”? Mà ông nên nhớ nhé: Dù cheo leo cách mấy tôi vẫn tìm ra được đó!”

    Những năm thập niên 80, lúc ấy nghệ sĩ Út Trà Ôn còn khỏe, sáng sáng người dân sống gần khách sạn President, Q5 vẫn thấy nghệ sĩ cùng nhóm bạn ngồi uống cà phê dưới tàng cây trứng cá, bên rìa cây xăng Trần Hưng Đạo, đối diện nhà mồ cụ Trương Vĩnh Ký. Uống cà phê dưới tàng cây trứng cá sẽ bị nắng, bị mưa, nhưng đi nơi khác “không khí” sẽ khác!

    Ấn tượng nhất, với tôi, là hình ảnh một anh uống cà phê ở rìa công viên Dạ Nam, nơi mỗi sáng tôi vẫn đến tập thể dục và đi bộ. Khi đi bộ vòng quanh công viên tôi thường thấy anh ngồi uống cà phê một mình với 2 cái ghế nhựa thấp: 1 ghế anh ngồi, 1 ghế để ly cà phê và bình trà. Hôm ấy trời đổ mưa. Khi mưa chỉ còn lất phất tôi ra công viên đi bộ. Trên lề đường rộng gần chỗ xe bán cà phê tôi thấy chỉ mỗi mình anh che ponchos ngồi. Tấm ponchos trải khá rộng, có thể là để che mưa cho anh và cho cả cái ghế để ly cà phê của anh. Đúng là dân Sài Gòn.




    Con người sống trong xã hội với một nền văn hóa nhất định, nhận được một nền giáo dục nhất định, nên có cách ứng xử nhất định. Sự tôn trọng của tôi với người đối diện, ví dụ như ngồi uống nước với bạn là nhìn thẳng mặt, trực tiếp giao tiếp, nếu có việc riêng phải xin phép người đối diện, và thực hiện việc riêng trong thời gian ngắn nhất có thể. Có thể là tôi khó, nhưng tôi đòi hỏi người giao tiếp với tôi cũng phải đối xử như vậy! Hình như ngày nay rất nhiều người cùng bạn đến quán uống nước, uống cà phê nhưng mỗi người “chìm đắm trong một thế giới riêng” không như những người cùng thời với tôi đã nghĩ và đã làm. Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài, xã hội nào tạo ra con người nấy. Biết sao?

    Nguyễn hoàng Long



  • #2
    Ngó thấy bài này của anh Long mấy bữa rùi, mà lu bu quá, hôm nay mới thiệt sự là đọc tư đầu đến đuôi, anh Long hay thiệt, diễn tả từng chi tiết thật tỉ mỉ, H ví anh Long như một nhà diêu khắc chăm chút tưng tác phẩm của mình, nên mới từng nét từng nét sâu sắc như vậy, nếu đưa cho H cục đất sét để nhào nặn, thì H sẽ vội vội vàng vàng nặn ra củ khoai lang cho nó lẹ hihi. Trong diễn đàn có hai cây bút đam mê viết lách: cây bút chuyên tả cảnh KD và cây bút điêu khắc N H L, cả hai sở trường về chuyện ngày xửa ngày xưa, :thank3:, H nghĩ phải có năng khiếu nữa mới viết được như vậy, và dễ dàng như thế, H đã thử mấy lần rồi, càng viết dài H thấy bài mình viết càng dở, có ai giống như H không vậy? :blush:

    Thân ái

    Comment


    • #3
      Originally posted by 'LongNguyen'

      Con người sống trong xã hội với một nền văn hóa nhất định, nhận được một nền giáo dục nhất định, nên có cách ứng xử nhất định. Sự tôn trọng của tôi với người đối diện, ví dụ như ngồi uống nước với bạn là nhìn thẳng mặt, trực tiếp giao tiếp, nếu có việc riêng phải xin phép người đối diện, và thực hiện việc riêng trong thời gian ngắn nhất có thể. Có thể là tôi khó, nhưng tôi đòi hỏi người giao tiếp với tôi cũng phải đối xử như vậy! Hình như ngày nay rất nhiều người cùng bạn đến quán uống nước, uống cà phê nhưng mỗi người “chìm đắm trong một thế giới riêng” không như những người cùng thời với tôi đã nghĩ và đã làm. Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài, xã hội nào tạo ra con người nấy. Biết sao?
      Originally posted by 'LongNguyen'
      Theo H thì nội dung một bài viết cũng cho biết quan điểm của tác giả, nên qua đó cũng có thể đoán được tác giả có phải là người sẽ nhìn thẳng mặt khi trực tiếp giao tiếp hay không, và người dám nhìn thẳng vào người đối diện, ngoài giá trị trong sáng như gương, họ còn là người rất tự tin và có bản lãnh nữa đó.

      Anh L không khó đâu, khi đòi hỏi người giao tiếp phải đối xử như vậy. Tuy nhiên khi gặp người như thế thì né là giải pháp H chọn, để dành thời gian, tâm trí vào việc phát triển bản thân, và vì những người thân yêu thôi…

      Có những người họ không dám nhìn thẳng vào mặt mình, không phải vì họ không thành thật hay vì họ là người nham hiểm, mà chỉ vì họ thiếu tự tin thôi, thì những người này mình cần nâng đỡ họ.

      Thân ái


      Comment


      • #4
        Chào HienTran,

        Cám ơn đồng môn đã chịu khó đọc và có nhận xét về những bài viết khiến mình bất ngờ. Mình vẫn biết nhìn vào gương chỉ thấy ảnh, vốn chỉ là ảo, không thấy được vật thật chính là gương mặt hay bản thân, một cách trọn vẹn.

        Mình viết để ghi lại ký ức, nói lên những suy nghĩ bản thân và qua đó tìm vui. Trong bài viết mình cố cung cấp thật nhiều thông tin vì thành viên "Diễn Đàn..." đều lớn tuổi, nếu không nói là già, và khá nhiều đang sống ở nước ngoài mà quê hương, Sài Gòn... luôn ở trong tim, và mình biết (suy bụng ta ra thôi) nỗi nhớ quê ở người lớn tuổi mỗi ngày thêm trĩu nặng.

        Có lẽ do bài viết của mình cung cấp nhiều thông tin nên được khen(?) điêu khắc gia! Hy vọng điêu khắc gia mình sẽ không "lấy râu ông nầy, cắm vào càm bà nọ!"

        Phần cuối bài viết mình chỉ đề cập đến hiện tượng khá phổ biến hiện nay, nhất là ở giới trẻ: Bạn bè mời gọi gặp mặt rất thống thiết, nhưng gặp nhau nói vài ba câu rồi mỗi người chúi mặt vào điện thoại, máy tính bảng, "chìm đắm trong thế giới riêng."

        Mấy năm nay mình "7 nghề", vừa gia nhập nghề "8", được HienTran cho biết mình còn có nghề thứ 9. Không biết cục đất sét vào tay mình nắn sẽ ra con gì?


        Comment

        Working...
        X