Announcement

Collapse
No announcement yet.

Mùa lễ lạt

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Mùa lễ lạt

    Mùa lễ lạt

    Tạp ghi Quỳnh Giao

    Người viết này không là nhà ngôn ngữ nên xưa nay cứ hay dùng một danh từ kép là “lễ lạc” để nói về hội hè vui tươi trong các dịp lễ. Chữ “lạc” chẳng có ý nghĩa là vui vẻ lạc quan hay sao? Nhưng người thông thái thì dạy rằng phải dùng chữ “lễ lạt”, với hai ý nghĩa là lễ hội và quà tặng. Có người anh trong nhà còn chỉ ra nhiều nghĩa của chữ “lạt” này là nhạt nhẽo, lơ là, như nét không đậm mà nhạt, và ăn cơm mà kiêng món mặn thì gọi là ăn lạt.

    Ðược học hỏi như vậy thì dại gì mà mình không nghe?

    Huống chi là trong thâm tâm, khi thấy âm nhạc tưng bừng nổi lên sau lễ Tạ Ơn của Hoa Kỳ thì lại thấy buồn buồn và rất cảm với chữ lễ hội lạt lẽo! Vì vậy, xin nói về “Mùa Lễ Lạt”, vừa đúng chữ lại vừa hợp tình.

    Ngẫm lại thì tiếng Việt mình quả thật phong phú mà rắc rối cho những ai không thiết tha với chữ nghĩa! Nếu buông một tiếng “buồn” thì là buồn thật sự. Nhưng nếu nói “buồn buồn”, thì lại có nghĩa là hơi buồn thôi, một nỗi buồn man mác, bâng khuâng. Cũng thế, màu tim tím thì phải lạt hơn màu tím.

    Bây giờ mới xin vào chuyện.

    Với người Việt chúng ta tại Hoa Kỳ, sau lễ Tạ Ơn là một chuỗi dài lễ hội, lễ Giáng Sinh, rồi Tết Dương Lịch, vừa xong thì mình chuẩn bị Tết Nguyên Ðán, đến khi mệt nhoài thì được nhắc nhở là sắp đến mùa khai thuế. Cho nên, khác với người Mỹ, nhiều độc giả của chúng ta rất thông cảm với chữ lễ lạt.

    Khi còn ở quê nhà, Noel là cơ hội cho nhiều cặp tình nhân trẻ, đi lễ nửa đêm với quần áo đẹp và hưởng một chút lãng mạn của thời tiết mát mẻ vùng nhiệt đới. Quanh năm nóng bức, thì thú vị là lúc được mặc áo len! Trẻ con nhà nghèo ở Việt Nam làm gì có quà Noel và cũng không tin ở trên đời có một ông già Noel. Chúng có thể tin trên cung trăng có chú cuội vì nói dối mà bị đày lên đó ở với chị Hằng.

    Viết đến đây lại nhớ kỷ niệm xưa khi mới sang Mỹ năm 1975. Ðến Trung Thu, vừa mới nhắc đến lồng đèn của trẻ thơ ở quê nhà, thì cháu gái ở nhà mới lên 5 liền hỏi Mẹ: Mẹ ơi, cái ông Việt Nam ở trên “moon” có còn không? Câu nói pha tiếng Việt tiếng Mỹ làm cả nhà cười ầm vì cái ông Việt Nam đó là chú Cuội. Cười xong bỗng lại bồi hồi. Vẫn là vầng trăng xưa, nhưng quê hương thì đã mất cùng rất nhiều kỷ niệm.

    Khi mới sang, chưa biết không khí lễ lạt của Mỹ, cũng chưa quen cái tục lệ cho quà và mở quà Giáng Sinh, mình chỉ thấy buồn buồn khi nghe nhạc mùa lễ. Vì càng nghe nhạc lại càng nhớ nhà và ngậm ngùi năm xưa vì mình chỉ “vui như Tết” khi mùng Một được mặc áo để mừng tuổi ông bà cha mẹ và được lì xì những tờ giấy bạc mới tinh.

    Ở nhà ngày xưa cũng hát nhạc Giáng Sinh vào dịp Noel. Ca khúc hay hơn hết và được hát nhiều hơn hết là “Silent Night” của Franz Gruber mà lời Việt của Hùng Lân là tuyệt đẹp. Người thầy dạy nhạc lý hay nhất nước của nhiều thế hệ đã viết lời từ trang trọng như sau:

    Ðêm thánh vô cùng, giây phút tưng bừng

    Ðất với Trời se chữ Ðồng

    Ðêm nay Chúa con thân thánh tôn thờ

    Canh khuya giáng sinh trong chốn hang lừa

    Ơn châu báu không bờ bến

    Biết tìm kiếm của chi đền...

    Tinh tú trên trời, sông núi trên đời

    Vua, thánh thần, mau kết lời

    Cao sao hóa công đã khéo an bài

    Sai con hiến thân để cứu nhân loài

    Hang chiên máng rêu tạm trú

    Bốn bề tuyết sương mịt mù...

    Bài “Ðêm Thánh Vô Cùng” có sự trang nghiêm của một bài kinh.

    Dù không theo đạo Công Giáo, nhiều người cũng thấy lòng chùng lại và hướng tâm hồn đến một cõi thiêng liêng nào đó để nguyện cầu cho người khác. Nếu Thiên Chúa đã dâng hiến người con của mình để cứu chuộc nhân loại thì loài người cũng nên suy ngẫm về nghĩa cử cao cả này.

    Nhưng sau giây phút bồi hồi đó, trên màn ảnh truyền hình Hoa Kỳ chúng ta lại thấy khác. Chỉ vì “Ðêm Thánh vô cùng, mua sắm tưng bừng” là một thực tế của nước Mỹ. Mọi dịp lễ, dù linh thiêng hay phù phiếm đều tạo ra cơ hội thương mại. Mà chuyện ấy cũng có cái lý riêng. Nếu lễ lạt cuối năm mà vắng ngắt thì các thương xá của chúng ta sẽ đầy bảng “For Lease”. Có cơ sở bị phá sản, nhân viên và gia đình mất việc và nghe nhạc tưng bừng lại rưng rưng nước mắt.

    Một khía cạnh khác lại còn Mỹ hơn và mới hơn nữa là từ nhiều năm nay, một số người tự xưng là tiến bộ của xã hội này còn muốn xóa chữ Giáng Sinh trong mùa lễ! Không được trưng bày Chúa Hài Ðồng trong hang đá bên máng cỏ và cũng chẳng được nhắc đến Thiên Chúa. Chính là cái óc cực đoan quá khích đó mới thật sự tạo ra “lễ lạt”. Không có Thiên Chúa thì quả là một cái lễ rất nhạt.

    Nguồn: NguoiViet
Working...
X