Announcement

Collapse
No announcement yet.

Những Điều Bạn Nên Biết Về Thuốc Chủng Ngừa COVID-19

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Những Điều Bạn Nên Biết Về Thuốc Chủng Ngừa COVID-19



    Click image for larger version  Name:	_114241106_vaccineillus976_rtrs.jpg Views:	0 Size:	95.4 KB ID:	23382


    Thông thường muốn bào chế thuốc chủng ngừa phải mất hàng chục năm, nhưng có hai loại thuốc chủng ngừa COVID-19 của hãng Moderna và Pfizer (hãng này hợp tác với công ty BioNTech) đã đạt thành tích kỷ lục, từ không có gì đến phát minh ra thuốc trong vòng có 10 tháng,với hiệu quả 95% . Giới chức y tế công cộng, và chính quyền, hiện nay đang phải đối phó với thử thách về cả hai mặt: Một mặt cần thuyết phục công chúng rằng thuốc chủng sử dụng là thuốc tốt, an toàn và đã được thử nghiệm đầy đủ về khoa học. Mặt khác phải tìm cách đem phân phối hàng tỉ liều thuốc một cách hiệu quả.


    Phải chăng những thuốc chủng này đã bị đốt giai đoạn trong quá trình phát minh, bào chế thuốc?

    Theo các chuyên gia hàng đầu về y tế công cộng, và công ty bào chế thuốc chủng, loại thuốc chủng ngừa kỳ này vẫn được bào chế theo đúng quy trình thử nghiệm gắt gao của tất cả các loại thuốc chủng khác, để sản xuất ra mũi thuốc chích ngừa COVID-19. Nhưng trong vài trường hợp, kỹ thuật mới như phương pháp mRNA đã được hai hãng Moderna và Pfizer sử dụng. Đó là hai công ty đầu tiên làm ra thuốc chủng dùng kỹ thuật mRNA để tăng tốc lực làm ra thuốc chủng. Phương pháp mRNA được các khoa học gia người Trung Hoa công bố hồi tháng Giêng, nó giúp nhà nghiên cứu không cần phải cấy, hay vận dụng sự biến đổi của vi rút SARS-CoV-2, loại vi rút phát sinh ra bệnh COVID-19. Họ chỉ cần làm trình tự di truyền-genetic sequence- là đủ. Kỹ thuật này vừa nhanh chóng và linh động uyển chuyển, giúp cho các hãng bào chế làm ra thuốc, và thử nghiệm thuốc chủng ngừa chỉ trong vòng ít tháng.

    Khi nào chúng ta có thể được chích ngừa?

    Còn tùy! Các hãng bào chế đã bắt đầu sản xuất thuốc chủng, và đảm bảo rằng thuốc có hiệu quả cao, và họ có thể gửi sang cơ quan FDA để xin cấp giấy phép, sớm lắm là vào tháng 12. Tuy nhiên số lượng liều thuốc chế tạo vẫn còn hạn chế, nên chỉ được dành cho những người có rủi ro bị lây bệnh cao nhất. Đó là những người làm công việc thiết yếu, nhân viên y tế, cũng như những người phục vụ ở tuyến đầu trong cuộc đối phó với bệnh dịch, chẳng hạn như nhân viên công lực, nhân viên cứu thương. Sau này, khi việc sản xuất thuốc chủng ngừa tăng lên, nhiều người khác sẽ được chích ngừa, chẳng hạn như những người có bệnh mãn tính, người già cả, cao niên. Bác sĩ Fauci cho biết phải đợi đến mùa Xuân sang năm, hầu hết người Mỹ mới bắt đầu được chích ngừa.

    Ai chấp thuận cho dùng thuốc chủng ngừa?

    Cơ quan Food and Drug Administration- FDA- phải chấp thuận thì thuốc chủng mới được phép đem ra sử dụng. Nhưng hầu hết các hãng sản xuất thuốc chủng ngừa COVID-19 đều không làm đơn xin FDA chấp thuận theo thủ tục thông thường. Làm như vậy sẽ phải mất khoảng sáu tháng hay lâu hơn, vì cần theo dõi kết quả nghiên cứu. Thay vào đó, họ sẽ xin cho phép sử dụng với tình trạng y tế khẩn cấp, gọi là Emergency-Use Authorization, hay EUA. Nếu cho phép theo thủ tục EUA, cơ quan FDA sẽ buộc công ty bào chế thuốc chủng ngừa phải theo dõi chặt chẽ các cuộc thử nghiệm trong hai tháng, xem coi thuốc chủng có an toàn hay không, và không gây ra phản ứng phụ nào cả. Mọi xét nghiệm và những yêu cầu khác theo thủ tục EUA được duy trì giống như thủ tục chấp thuận bình thường. Nhiều nhà sản xuất thuốc chủng ngừa dự tính sẽ xin chấp thuận trọn vẹn khi họ thu thập được đầy đủ dữ liệu cần thiết.

    Nếu được chích ngừa, điều này có nghĩa là tôi sẽ không còn bị nhiễm bệnh nữa, có đúng không?

    Không nhất thiết là như vậy. Nhưng sau khi được chích ngừa, bạn sẽ không bị bệnh nặng. Khi hãng Pfizer tuyên bố thuốc chủng ngừa của họ đạt hiệu quả trên 95%, và hãng Moderna nói mũi thuốc chích của họ hiệu nghiệm 94.5% có nghĩa là thuốc chủng ngừa của họ rất tốt, nó giúp cho người được chích ngừa không thể bị ngã bệnh được. Trong lúc nghiên cứu chế tạo ra thuốc, người ta chọn một cách hú họa số người tình nguyện được chích thuốc chủng ngừa thật, và một số được chọn để chích thuốc giả. Nếu những người tình nguyện này cảm thấy có triệu chứng bị COVID-19 như bị sốt, ho, nhức đầu, hay khó thở, sẽ phải báo cáo ngay. Như vậy cuộc nghiên cứu đã không thử nghiệm tất cả mọi người để coi xem trong số những người được chích thuốc chủng thật bị nhiễm bệnh, so với số người được chích thuốc giả. Thay vào đó, các nhà khoa học chọn ra những người được xét nghiệm bị dương tính COVID-19 và so sánh có bao nhiêu người được chích thuốc chủng ngừa thật bị nhiễm bệnh so với số người được chích thuốc giả. Công ty bào chế thuốc chủng còn tiếp tục thử nghiệm những người trong chương trình nghiên cứu để biết xem trong cơ thể của họ đã có được chất “antibodies” chống lại COVID-19 đến mức nào, để đi đến kết luận thuốc chủng ngừa sẽ giúp bảo vệ người được chủng ngừa không bị ngã bệnh, và chống được sự lây nhiễm.

    Phải chăng tất cả các loại thuốc chủng ngừa đều được chế tạo theo cùng một phương pháp giống nhau?

    Không phải như vậy. Các công ty bào chế sử dụng kỹ thuộc khác nhau trong việc làm ra thuốc chủng ngừa. Công ty Moderna và Pfizer dùng kỹ thuật mRNA dựa vào genetic code của con vi rút. Công ty AstraZeneca và trường đại học Oxford, cũng như công ty Johnson & Johnson lại sử dụng loại vi rút đông lạnh, không hoạt động, và cho gene của vi rút COVID-19 cấy vào nó để tạo ra proteins kích thích hệ thống miễn nhiễm, trong lúc đó cả hai công ty Novavax và Sanofi/GlaxoSmithKline lại tìm cách sản xuất ra chất protein lấy từ chính con vi rút, và kích hoạt hệ thống miễn nhiễm chống lại con vi rút. Các công ty đó hiện đang ở giai đoạn cuối của việc thử nghiệm thuốc chủng do họ bào chế.

    Tôi đi đến đâu để được chủng ngừa?

    Có lẽ trong vài tháng nữa, đợt thuốc chủng đầu tiên sẽ được phân phối đến những người ưu tiên được chích ngừa- đa số là tại các chẩn y viện công cộng, hay bệnh viện. Nhưng chính phủ liên bang đã cho phép các dược phòng, cửa hàng bán thuốc được quản lý thuốc chủng ngừa COVID-19. Do đó, sau này các tiệm bán thuốc, trung tâm y tế cộng đồng, và nhiều địa điểm khác cũng sẽ được phép chích ngừa COVID-19 cho công chúng.

    Tôi có thể chọn loại thuốc chủng theo ý riêng được không?

    Có lẽ không được. Sở y tế tiểu bang sẽ phối hợp việc đặt mua và phân phối thuốc chủng ngừa, và họ sẽ chỉ biết khi nào họ nhận được hàng. Sở y tế tiểu bang sẽ đặt mua thuốc chủng loại nào tùy theo phương tiện cơ sở vật chất của tiểu bang đang có. Chẳng hạn như thuốc chủng của hãng Pfizer đòi hỏi phải có phương tiện tồn trữ thuốc ở mức cực lạnh. Thuốc của hai hãng Pfizer và Moderna có cùng công hiệu ngang nhau, viên chức y tế tiểu bang sẽ đặt mua hàng tùy theo tuổi tác, sắc dân, hoàn cảnh của dân chúng ở tiểu bang. Riêng thuốc của hãng Pfizer buộc phải có nơi tồn trữ hàng ở độ lạnh -70 độ C, và có thể tồn trữ trong 5 ngày.

    Tại sao tôi phải chích hai liều thước chủng?

    Ngoại trừ thuốc chủng của hãng Johnson and Johnson/Janssen, tất cả các loại thuốc chủng ngừa COVID-19 đều đòi hỏi phải chích hai liều. Bởi vì các nhà nghiên cứu tìm thấy rằng mũi thuốc đầu tiên chích vào người có công dụng tạo ra phản ứng của hệ thống miễn nhiễm đối với vi rút mới. Nếu người được chích ngừa lần đầu chưa bao giờ bị nhiễm COVID-19, người đó cần một thời gian lâu hơn để bơm vào hệ miễn nhiễm khả năng chống lại con vi rút.

    Tôi có phải trả tiền cho việc chích ngừa COVID-19 hay không?

    Thuốc chủng ngừa COVID-19 do chương trình Operation Warp Speed (OWS) đài thọ bằng thiền thuế của dân chúng. Thuốc chủng ngừa COVID -19 do các hãng AstraZeneca, Johnson & Johnson/Janssen, Sanofi/GlaxoSmithKline, Moderna, Pfizer/BioNTech và một số hãng khác sẽ được cấp miễn phí cho mọi người Mỹ. Một vài cơ sở y tế có thể buộc người đi chích ngừa trả một khoản lệ phí hành chính nhỏ. Khoản tiền đó sẽ phải trả bằng tiền túi riêng.

    Tôi có cần phải tiếp tục mang khẩu trang sau khi được chích ngừa hay không?

    Có, vẫn phải tiếp tục nên mang khẩu trang để ngừa bị lây bệnh.Các công trình nghiên cứu cho thấy thuốc chủng ngừa chỉ giúp con người không bị ngã bệnh vì con vi rút, song nó không ngăn chặn được việc bị lấy bệnh. Do đó, chúng ta cần phải tuân theo những biện pháp phòng ngừa do giới chức y tế công cộng đề nghị, lập ra tấm màn vô hình chống lại con coronavirus. Thậm chí dù cho bạn được miễn nhiễm, song bạn vẫn có thể dính con vi rút vào người, sau đó đem lây lan sang người khác. Vì lý do đó, mặc dù khi có nhiều người được chích ngừa, giới chức y tế công cộng vẫn tiếp tục yêu cầu bạn mang khẩu trang, giữ khoảng cách xã hội, và tránh tụ tập đông người trong nhà. Những thói quen cơ bản này sẽ tiếp tục đóng vai trò hết sức thiết yếu để ngăn cản con vi rút không tìm được người mới cho nó ẩn náu, làm ổ lây nhiễm.


    Nguyễn Minh Tâm chuyển ngữ từ báo TIME ngày 7/12/2020

    Chân thành cám ơn thầy Mã Tường An đã chia sẻ với bạn đọc diễn đàn thông tin bổ ích này.
    Last edited by Hung Nguyen; 12-10-2020, 12:12 AM.
Working...
X