Announcement

Collapse
No announcement yet.

Phiên Gác Đêm Hè 72. - YThu

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Phiên Gác Đêm Hè 72. - YThu



    Phiên Gác Đêm Hè 72.
    Hồ Yến Thu (74KNN)

    (Trích đăng lại bài viết cũ từ trang nhà SPKT xưa, một nén nhang lòng tưởng nhớ đến anh Nguyễn Anh Tuấn (71KNH) vừa bỏ chúng ta ra đi về Cõi Trên 12/7/2020)
    Ánh trăng thượng tuần leo lét treo trên cành cây Săn Máu không đủ soi sáng cảnh vật tịch mịch vắng vẻ xung quanh khuôn viên rộng lớn của ngôi trường mới vừa xây dựng, xung quanh vẫn còn bề bộn. Ngôi miếu gần đó ẩn khuất bên những bụi cây, đám cỏ um tùm cao gần tới đầu gối, có từ khi mới xây trường xong. Nghe đâu là chính công ty Đại Hàn thời đó dựng lên khi không đốn được cây Săn Máu.



    Cây Săn Máu năm xưa

    Văng vẳng tiếng ếch nhái kêu vọng lại, đêm tối dần. Hôm nay là phiên gác của lớp chúng tôi sau đợt học quân sự học đường ở Quang Trung về. Chúng tôi được trang bị súng Carbine M1 với đạn thật, chứ không phải vác gậy tầm vông đi vòng vòng.




    Nhóm KNH ở bên hông trường năm 1972. Trường xây gần xong.
    1:Từ Thành Nguyên 2: Lê Nguyên Thịnh 3:Huỳnh Kim Quang 4:Nguyễn Trường Sanh
    5: Võ Đình Triếp 6:Trần Vĩnh Lường KHAD 7 Lê văn Chứa 8: Hữu Trí
    9: Nguyễn Anh Tuấn


    Sau khi chia suất gác, tôi và Quang lái xe Honda đi một vòng trường từ văn phòng hành chánh qua bên dãy xưởng chạy dài xuống khu nội trú, vòng qua thư viện ngang cây Săn Máu, chạy lên Phạn xá, vòng qua giảng đường. Chúng tôi thay nhau chạy đôi ba vòng trường, thấy tình hình lặng yên, tẻ nhạt cho đến tận đêm khuya.

    Chúng tôi bày trò chơi cầu cơ cho quên thời giờ khi chợt nhớ nhiều lần trong những ngày qua, các chị 70, 71KTGD hay tụm năm tụm ba ra ngồi cầu cơ vào buổi trưa. Có lần các chị đang chơi, cơ đang chạy vòng vòng trả lời câu hỏi của các chị. Bỗng nhiên, cơ đứng sựng lại không di chuyển nữa. Các chị ngạc nhiên lắm ngó nhau và ngẩng lên chợt thấy tên “tướng cướp Cò Ma” đang đứng sau lưng. Các chị cuống quýt đuổi tôi đi.
    “Tên này nặng bóng vía quá, làm cơ khớp quá không chạy nữa…” Tôi cười trừ và vội vàng lủi mất.



    Nhóm 71KNH và 70KTGĐ ở Fatima năm 1972.

    1: Hữu Trí 2: Từ Thành Nguyên KNH 3: Lê Nguyên Thịnh KNH 4: Nguyễn Anh Tuấn KNH
    5: Lê Văn Chứa KNH 6: Lê Tiến Hùng CKO 7: Huỳnh Kim Quang KNH 8: Võ Đình Triếp KNH
    9: Nguyễn Trường Sanh KNH. và các chị Kinh Tế Gia Đình khóa 70


    Góc hành lang gần chùa Một Cột năm 1972:
    Nguyễn Anh Tuấn-71KNH & Từ Thành Nguyên-71KNH


    Sau khi đàn hát chán chê, một bạn nói “Hay là mình cầu cơ đi”. Đám bạn nhao lên.
    “Ai biết làm bảng cầu cơ không?”
    “Để tôi vẽ cho, tôi thấy mấy chị chơi hoài”.
    Tôi xé tờ giấy đôi trong tập ra, viết 24 chữ cái. Sau đó, một bên viết ra Thần - Thánh - Ma- Quỷ, một bên thì ghi Đúng - Sai- Có - Không và dưới 4 chữ này, tôi vẽ hai vòng tròn và đề chữ GIÁNG và THĂNG ở trong đó. Ở giữa ghi câu thần chú là “Cầu ma quỷ, thánh thần trên thiên đàng, dưới điạ ngục, xin hãy nhập vào đồng xu này, 3 nén hương thắp sẵn. Xin mời người lên chơi, xin mời người lên xơi, làm cho cơ quay, cơ chạy vòng vòng. Xin mời người lên chơi, xin mời người cùng xơi…”
    Chúng tôi dùng đồng tiền thay cho miếng ván hòm . Tôi giao hẹn là không được đẩy, phải để đồng tiền tự chạy. Khi hỏi xong, cấm không được suy nghĩ gì trong đầu để câu trả lời được chính xác. Quang và Nguyên dành ngồi cầu cơ. Hai bạn để ngón tay lên đồng tiền và cùng đọc câu khấn. Hai bạn này đọc đi đọc lại ba bốn lần. Có bạn bảo:
    “Hay là hai ông nội này nặng vía quá chứ gì?”.
    Vừa dứt câu nói, đồng bạc bỗng nhúc nhích và từ từ di chuyển về chữ “Giáng”. Mười con mắt ngó chăm chăm vào đồng tiền. Cả đám im thin thít chờ xem đó là Ma hay là gì…

    Thình lình, có tiếng động từ cầu thang vọng lên. Tôi giật mình chụp ngay khẩu súng đang nằm bên cạnh, đứng bật dậy và chĩa thẳng về phía hai bóng đen vừa xuất hiện. Súng của tôi, đạn đã được lên nòng sẵn, chỉ khóa cơ bẩm lại.
    “Ai? Ai?!”
    Hai bên cùng chĩa súng, cùng hét. Tim tôi đập thình thịch.
    “Chúng tôi là sinh viên gác trường. Các anh là ai?”
    Một trong hai bóng đen trả lời,
    “Chúng tôi là nghĩa quân ở địa phương này. Các anh gác đêm sao không ai báo cho chúng tôi không biết. May cho các anh, chúng tôi mà bắn thì không biết sẽ ra sao nữa,…”.
    “Ngày mai, các anh báo với trường gởi công văn cho chúng tôi biết…” Rồi họ từ giã quay xuống. Chúng tôi mãi mê ham vui nên không biết có người lạ vào trường. Sinh viên gác trường có khác! Sau đó, tôi ngó lại khẩu súng, tôi giựt mình, vì hồi nãy hoảng quá nên tôi quên mở khóa an toàn!!! Vừa mới học quân sự xong mà hay quá! Hết biết luôn!

    Cuộc cầu cơ được giải tán, đêm đã quá khuya. Có người than đói bụng. Một ý kiến được đưa ra.
    “Đi kiếm ở Phạn Xá xem có gì ăn được hay không?”
    Cả đám kéo xuống Phạn Xá, tôi nạy một song lá sách phía dưới cửa phòng, luồn tay ngược lên trên, vặn tay nắm mở cửa ra. Cả đám ùa vào phòng. Đám nhất quỉ, nhì ma, thứ ba tụi tôi thẳng tiến đến tủ lạnh. Ha ha! Có cái bánh Gatô cỡ lớn đang chễm chệ, khiêu khích trong tủ lạnh. Mỗi đứa một muổng vít lấy vít để làm mất hết một góc bánh…."Có thực mới vực được đạo ‘gác’!”. Cả đám kéo nhau lên nóc giảng đường nằm ngủ để sáng mai đi học tiếp…

    Trưa ngày hôm sau, tôi nghe các chị 70, 71KTGĐ xôn xao.
    “Chiếc bánh Gatô của cô Sương làm hôm qua để trong tủ lạnh ở Phạn Xá đã bị mất hết một góc”.
    Đến bây giờ tôi không biết cô Sương đã biết thủ phạm là ai chưa? Xin lỗi cô Sương, đám quỷ đói 71KNH đó cô!

    Cô Bùi Thị Ngọc Sương - Khoa KTGD


    Sau đêm đó, nhà trường gởi công văn qua địa phương, thông báo việc hàng đêm có sinh viên gác trường. Những đêm gác được kéo dài hơn một tháng trong mùa hè đỏ lửa 72.

    Một phiên gác đêm chết hụt, một phiên gác đêm ăn trộm bánh của KTGD.
    Nhớ mãi cái thời Nhất Quỉ, Nhì Ma, Thứ Ba Học Trò!!!

    Hồ YThu (74KNN)

    Nguồn: Người Cõi Trên kể





    Comments (7)

    Sep 24, 2011 at 15:49:39 From: Đinh Tien Ân (74DDT)

    Hay qua Yến Thu ơi,

    Thật là quý giá, bài đọc như một trang sử, những hồi ức vô giá, hình ảnh Cô Sương và các anh chị ngày xưa, nay thấy lại được.

    Phải ghi lại trong tim thôi. Cho hỏi Người Cõi Trên là ai dzậy?
    ( Xin lỗi vì máy ân hư rồi không có Font tiếng Viễt.)



    Sat, September 24, 2011 4:44:07 PM From: Cô Bùi Thị Ngọc Sương (KTGĐ)

    Em Yến Thu thân mến.

    Cám ơn Em đả gửi bài và hình anh cũ mái trường xưa. Có em gần 40 năm không găp lại . Thật lưu luyến, cảm động khi sinh hoạt, thực tâp trong một trường ĐHSPKT mới nhất, hiện đại thời thập niên 70 do Mỹ viện trợ, các CT Nam Hàn xây dựng, TT Thiệu khánh thành. Nhìn lại hình cô trò ai củng trẻ hồn nhiên . Cám ơn Em nhiều , cho cô gửi lời thăm tất cã. Chúc EM, Bob luôn bình an , mạnh khoẽ.

    Cô Bùi thị Ngọc Sương



    From: YThu
    Cám ơn Cô. cám ơn anh Ân đã theo dõi và thắc mắc.
    Từ từ anh Ân ơi, sẽ có nhiều mẫu chuyện được ghi lại, chuyện bây giờ mời kể...nhớ theo dõi nhé.
    Thân mến,
    YT



    Sep 25, 2011 at 17:47:51 Đức Xuân Trinh (74KNN)

    YT thân mến!

    Tại sao hồi mấy năm 74-79 mình không được ai cho nghe về quá trình xây dựng trường YT nhỉ?
    XD



    From: YThu

    Xuân Đức ơi,

    Cám ơn XDuc gửi câu hỏi này, đó là câu chuyện Thu muốn nhắc nhớ đến cho bài kế tiếp.
    Có lẽ XDuc quên rồi đó, chứ lẽ nào XĐ không biết về quá trình xây dựng trường???!!!
    Thân,



    Mon, September 26, 2011 5:38:45 AM From: Ngọc Lan (74KNN)

    CẦU CƠ

    Nhân đọc bài “Phiên Gác Đêm Hè” của “Người Cõi Trên” hay “tướng cướp cò ma”của 71KNH do Yến Thu “chuyển dịch” và được xem những hình ảnh của trường lúc mới xây dựng , thật là những kỷ niệm đáng nhớ và để đời cho thế hệ đàn em xem để biết ngày xưa “đàn anh” khổ cực canh gác trường và ngôi trường lúc mới xây dựng ‘nơi đồng không mông quạnh” và trống vắng như thế nào ? .Như vậy là khóa 71-72 là khoá đầu tiên thơì “khai thiên lập điạ” của trường và các anh đã chuyển từ trường Đại Học Bách Khoa Phú Thọ về phải không? Cái thờì mà cây săn máu có rất nhiều huyền thoại. Nghe kể rằng lúc xây dựng trường , người ta muốn chặt cây săn máu đi , nhưng xe uỉ đất mấy lần đụng vào đều bị tắt maý . Sau hình như có thuê ngươì đến cưa , thì cưa đều bị gảy và người cưa cây về bị thổ huyết và đau nặng hay sao đó .Nên người ta phải tin có điều gì huyền bí ở đó và họ mới cất cái am giống như chùa một cột để thờ cúng linh hồn ngươì khuất maỳ khuất mặt. Nghe chuyện các anh chị cầu cơ, tôi cũng xin góp vui một vài câu chuyện về cầu cơ .
    Năm tôi học lớp 12 cuối của bậc Trung học. Tự dưng trong lớp tôi nảy sinh ra phong trào cầu cơ , trưa đến ở lại trường để buổi chiều học tiếp , vì nhà xa . Nên các bạn cứ tụm năm tụm ba thành từng nhóm để cầu cơ . Các bạn chuyền tay nhau bài khấn cầu cơ rất hay và dài , đến nay thì tôi không nhớ . Thường thì tụi tôi dùng đồng bạc cắc 50 xu , hai đứa để ngón trỏ vào , để nhẹ thôi . Viết 24 chữ cái trên 1 tờ giấy , dưới cũng viết hai chữ “thăng” “giáng “ hai bên . Trên thì để các chữ Thánh , thần , ma , quỷ. Các bạn đọc bài khấn 2-3 lần cho đến khi cơ bắt đầu di động . Bạn tôi nóí tay nó bắt đầy tê từ cùi chỏ , và tự động cơ chạy chứ nó không đẩy .Vì 2 đứa để tay vào , nên tôi không biết sự thật có đúng hay không? Vì tụi tôi cũng chỉ hỏi những câu về các bài thi như chiều nay làm bài kiểm cô hay thầy sẽ cho câu hỏi phần nào để biết mà học tủ . Có khi đúng , có khi sai .
    Nhưng tôi được tham dự buổi cầu cơ thực sự ở nhà bạn tôi , mà anh nó kiếm đâu được miếng ván hòm của mấy ngươì bốc mộ và cắt khéo léo thành hình trái tim. Buổi tối hôm đó , có bạn tôi , anh nó , bạn anh nó, em nó và tôi . Trốn lên gác nhà nó để chơi câù cơ , bạn tôi để 1 caí bàn nhỏ có 2 cây đèn cầy , ly nước , và 1 tấm giấy viết đầy đủ 24 chữ cái ,như tôi vừa tả ở trên . Đặc biệt để chắc ăn , người để tay vào cơ , được bịt mắt . Hai anh em bạn tôi bắt đầu đọc bài khấn cầu cơ , tôi chỉ là người ngồi xem. Nó đọc đến lần thứ ba , thì tự nhiên một luồng gió lạ thổi vào , làm hai ngón nến , xanh lè như gần tắt , tôi cũng cảm thấy ớn lạnh , và tự nhiên cơ bắt đầu di chuyển . Anh nó hỏi tên tuổi,và lý do sao bị chết, cơ chạy đến các chữ rất lẹ , chúng tôi ráp lại và đọc Được biết ngươì nhập vào cơ chết còn trẻ , do chiến tranh, cũng cho biết tên tuổi , tình cờ đi ngang nghe tiếng gọi nên ghé vào . Khoảng 15 – 20 phút thì cơ thăng .
    Tôi có về kể chuyện lạ này cho mẹ tôi nghe thì bà la tụi tôi quá chừng và cấm không cho chơi cầu cơ như thế . Vì bà nói nếu yếu bóng viá , ngươì khuất mày khuất mặt họ có thể sẽ nhập vào làm bị điên khùng . Nghe vậy tụi tôi cũng sợ , không dám chơi nữa .
    Cũng năm đó , đầu ngõ nhà tôi có 1 chị đang học trường Sư Phạm . Không hiểu sao cứ ngồi nói lảm nhảm một mình , nghe ngươì ta nói chị ta “bị mắc đàng dưới” tức ma nhập vì chơi cơ , người thì nói chị bị thất tình nên điên . Nhưng cũng kể từ đó phong trào chơi cơ chấm dứt , không ai còn dám chơi cơ nữa.
    Riêng tôi thì tôi nhát và sợ lắm , nhưng tôi tin người chết đi nhưng linh hồn ngươì ta vẩn còn đâu đó . Mình không thấy họ nhưng họ vẩn biết và thấy mình, nên mình cũng phải tôn trọng thế giới vô hình đó.



    Sep 26, 2011 at 09:37:16 From: Mỹ Dung Nguyễn (77KNC)

    Sau 75, khóa tụi em 77 cũng bị gác trường nữa, chia đều các lớp, em bị gác mấy lần, nghĩ tới rất là khổ sở vì phải chạy vô ngủ nhờ nội trú. Thứ 1 là tối hôm đó ngủ không được, và phải tắm trong phòng tắm nhiều người. Thứ 2 là sợ ma thấy mồ đi, thường thì em hay đi với Lien ( 2 đứa một tổ), nàng này không sợ ma, mà cứ thich dẫn em đi ra chỗ cây Săn Máu và lại ngồi dưới gốc cây nữa chứ. Cho nên lúc đó không còn chủ tâm canh coi kẻ nào vô trường mà cứ canh xem chừng nào cái lưởi lè ra hay 2 con mắt đỏ đỏ nó nhìn mình, lúc đó mà có ai rớ vào vai mình là sẵn sàng đôi chân để dùng 36 nước vắt giò lên cổ chạy.
    Đã vậy tránh võ dưa gặp vỏ dừa, lúc ra trường được bổ đi dạy ở trường có nuôi dạy trẻ. Lúc đó nhà trường có bảo vệ nhưng không biết sao bắt giáo viên vô trực mỗi tối một người... Thế là về chung có Ninh nên mỗi lần đi trực là đi 2 đứa, đã vậy mấy người giáo viên cũ còn hù là trong trường có ma, làm 2 đứa run thấy mồ tổ đi , restroom thì lại xa một quãng. Tối đó thì cững khỏi nói đi hình như chỉ ngủ có được 1,2 tiếng gì đó... Nhưng đại khái là không canh người mà là canh ma. Nghĩ lại thời đó cũng bực mình nhưng cũng vui vui.


Working...
X