Tiếng sủa râm rang khi khách bước vào cổng, tiếng thở khì khịt, tiếng chạy sàn sạt trên nền gạch của bầy chó 5 – 6 con không làm bớt đi sự vắng vẻ, hiu quạnh của căn nhà. Cái bàn nước kê sát cửa vào nhà ngang trên có đặt một dĩa nhôm ố vàng chứa 5 - 6 ly nhỏ với bình trà ủ trong vỏ dừa, cạnh đó là điện thoại bàn. Kê dựa vách gỗ buồng gói dành cho phụ nữ là 2 tủ thấp trên đặt 3 di ảnh và bát hương của 2 anh và chị Đ. Chếch sang phải phía sau là sân tương rộng khoảng 30 mét vuông lót gạch tàu trước đây từng có lúc kê 5 -7 lò nấu những khi nhà có đám giờ mọc rêu xanh. Dãy lu hàng chục chiếc kê dọc một bên sân tương dùng chứa nước mưa nấu ăn chỉ còn lại vài chiếc, có chiếc bể miệng được dùng nuôi cá thia thia, cá bảy màu! Trong nhà, bộ ngựa gỗ màu đen phía đầu có chiếc chiếu xếp gọn, trên đặt cái gối chứng tỏ có người sử dụng. Mắc song song bộ ngựa và cách một lối đi hẹp là chiếc võng lưới vài chỗ đã bị đứt được nối tạm bằng dây nylon cột hàng màu xanh, màu đỏ. Người nằm trên võng nhìn xuyên qua cửa hông có thể thấy lẫm lúa, trước đây vẫn quây những bồ lúa cao khỏi đầu, mỗi bồ có thể chứa vài trăm giạ. Lẫm lúa giờ trông rộng thênh thang vì chẳng chứa gì ngoài dăm chiếc ghế gãy chân chất dồn thành đống trong một góc, cạnh đó là bó lá dừa dùng nhóm lửa, và một ít củi chụm. Trên nền lẫm có đọng vài vũng nước, tàn tích của trận mưa trước đó và cũng do mái nhà bị dột.
Gian nhà chính vốn là nhà mát nên mặt tiền chỉ xây tường một phần, bên trên lắp song sắt uốn hoa văn đã lâu không sơn nên khó nói màu gì. Dượng là con út nên khi lập gia đình, ra riêng được ông bà cho ngôi “nhà mát” to, đẹp với nhiều cổ vật quý. Cái “long sàn” bằng đá cẩm thạch đen trắng nằm ngủ thật mát, cặp độc bình cao hơn mét có nấp đậy giống hệt mũ sắt của lính Anh trong đệ nhất thế chiến, tất cả giờ không còn. Nghe nói long sàn bán được hàng chục “cây” dùng trong việc “đi đứng” của anh em H. Thế vào chỗ long sàn là cái giường gỗ với vạc giường thiếu nẹp và cong queo, chắc không ai dám ngồi lên, đừng nói gì nằm ngủ. Trong nhà mát còn đặt cái bàn trên để một số giấy tờ được chặn bằng trái măng cụt khô, vây quanh là mấy cái ghế đai. Đồ xưa còn lại chỉ 2 tủ đựng đầy sách báo cổ với những trang giấy vàng ố, cũng không ai dám đụng vào vì đầy bụi, mạng nhện, và vì sợ rách giấy! Sau gian nhà mát là gian nhà thờ to rộng với rất nhiều tủ thờ, trang thờ. Nhờ ánh sáng mặt trời chiếu xuyên tấm kiếng lắp trên mái nhà có thể đọc được những kỷ niệm buồn thêu trên những tấm trướng với màu đen chủ đạo được treo dọc 2 bên vách gian nhà thờ theo thứ tự tấm cũ nhất treo cao nhất và sát bên ngoài, hàng trướng sau treo thấp hơn hàng trước một khoảng đủ để đọc được nội dung những tấm trướng của hàng trên. Khói hương nghi ngút từ những bàn thờ không át được mùi ẩm mốc, và trong không gian tĩnh mịch của miền quê có thể nghe tiếng mọt đục giấy hay đục những thanh rui, mè nhà.
Ngôi nhà cổ ấy mang chút gì đó huyền bí, rùng rợn với người dân trong vùng vì trước đây có người thân từng bị chặt đầu gần nhà. Tôi đã đến căn nhà đó chơi nhiều lần: Từ cái thuở chơi đổ mồ hôi chạy chúi vào “long sàn” mặt đá cẩm thạch mát rượi nằm cho mau khô mồ hôi, lấy nắp độc bình to đội trên đầu đóng vai Don Quixote, lúc lớn biết bàn chuyện làm ăn đào thêm ao nuôi cá phi, trồng mới măng cụt thay những cây đã cỗi, phía ngoài trồng chanh làm rào để khỏi bị trộm… và về già, đứng nói chuyện ở khu nghĩa trang gia đình có hàng rào bao quanh hình bầu dục có 6 chỗ, rổi đến lúc 3 chỗ có chủ, và giờ chỉ còn 1 chỗ trống!
Tôi ít gặp dượng, nếu gặp chỉ chào hỏi vài câu nên chỉ nhớ dượng dáng người cao, ốm, có cách nói chuyện ân cần. Nghe nói dượng từng du học tận Hà Nội để hoàn tất trung học. Hôm dượng mất tình cờ tôi về Vĩnh Long và qua An Thành chơi. Gần đến nhà dượng nghe tiếng kèn, trống và người ngồi trong quán nước bên đường bàn tán xôn xao, tôi sinh nghi nên dừng lại hỏi thì biết “ông Mười mất!”. Thế là tôi băng vườn, đi đường tắt vào nhà sau, gặp dì đầu đội khăn tang đang lúi húi đẩy củi trong mấy cái cà ràng nấu nước. Tôi được thắp cho dượng 3 nén hương tiễn biệt.
Tôi thấy hình như phụ nữ lớn tuổi bên ngoại tôi rất thích nói chuyện với con, cháu. Gặp tôi hai dì cháu nói đủ thứ chuyện trên đời. Dì hay hỏi về mẹ, về gia đình tôi, về chuyện học hành, còn tôi là đứa cháu hay thắc mắc; sẵn sàng hỏi từ việc nhỏ đến việc lớn. Thấy dì đã lớn tuổi nhưng phải lo việc bếp núc, tôi nói sao không mướn người làm. Dì nói, “Những ngày cuối tuần, ngày lễ… tụi nó về chơi nên nhà cửa đông vui, những ngày khác trong nhà chỉ còn trơ trọi hai ông bà già, mướn người làm gì? Còn phải để tiền đi thăm thằng anh nó (H.) đang ở nhà thương Biên Hòa.” Tôi nói, “Con thấy H. cảm Đ. T. nặng lắm, hay dì cưới Đ. T. cho H. để còn phụ việc nhà.” Dì đồng ý nhưng hoài nghi vì Đ. T. ‘tiểu thư’ quá, có chịu cảnh quê mùa nầy không? Trong một buổi “họp gia đình” chị Th. chê, “Đ. T. nó là dân ‘Bến Tre!’” Dì bảo, “Mầy nói quá! Tao thấy nó mignon, dễ thương.” Tôi ủng hộ ngay, “Hô thì về già đẹp lão hén dì?” Có lần hai dì cháu nói chuyện gì đó say sưa quá mà dì phải rửa chén thế là tôi theo dì ra tận sàn rửa chén để nói chuyện. Dì ngồi trên chiếc ghế thấp vừa nói vừa lúi húi với mớ chén dĩa, múc nước từ 2 cái lu: lu nước rửa và lu nước tro dùng thay xà bông. Cạnh sàn nước là cây bồ quân (hồng quân?) đang có trái chín, thế là tôi thỉnh thoảng kéo nhánh xuống lựa trái chín hái, vò trái cho mềm để ăn những lúc nghe dì nói. Cứ thế.
Sau luật Người Cày Có Ruộng ban hành năm 1972 gia đình mất một số ruộng. Gặp tôi dì tỏ ý buồn vì “mất đi huê lợi mỗi năm mấy trăm giạ.” Dượng không buồn lắm vì cho rằng đất đó thu tô đã lâu và người mướn đất cũng là họ hàng, “có mất đi đâu!” Có thể là do giác quan thứ sáu, tôi lại về Vĩnh Long, đi đò ngang sang An Bình và lội bộ đến nhà H. đúng hôm gia đình đang lo ma chai, hậu sự cho dì. Tôi được may mắn thắp cho dì ba nén hương lần cuối.
Bên kia cây cầu bắt qua con mương nhỏ là nhà bác của H., với ngôi nhà chính to gần bằng nhà lồng chợ cá Vĩnh Long nhưng ít thấy mở cửa. Đi trên con đường đất dọc theo con mương nhỏ một đoạn khoảng 50m là đến cầu tàu. Cầu tàu là của riêng gia đình nhưng được làm rất hoành tráng, đúc xi măng hình bát giác, đường kính khoảng 5m, vây quanh cầu tàu thay cho hàng rào bảo vệ lại xây băng đá ngồi. Nhìn cách xây cầu tàu cũng có thể đoán được thời cực thịnh dòng họ bên nội H. sung túc như thế nào vì cầu tàu là nơi vào vụ mùa ghe, xuồng tá điền chở lúa đến đóng tô. Sau nầy bờ cầu tàu bị nước xói mòn, phải nối thêm cầu cây mới sang được, tôi đã chỉ đoạn cầu cây nối thêm ấy và nói với H., “Phong kiến đến đây là đoạn tuyệt, phải không mậy?”
H. rất hiền, rất mến bạn và rất được bạn bè thương mến, dĩ nhiên trong số nầy không loại trừ bạn nữ. Nhà H. có vườn rộng, có trồng nhiều cây ăn quả nhưng đa số cây đã cỗi, cho trái rất ít, và hình như gia đình không cần khai thác vườn nên bạn bè sang nhà H. chơi vào vườn “tìm trật cổ mới thấy một trái” nên việc hái trái, bẻ phá xảy ra thoải mái. H. thỉnh thoảng cũng giởn, cũng phá nhưng là kiểu nghịch ngầm. Đường đến nhà H. vừa xa, vừa quanh co, rất khó nhớ nên những lần đầu sang chơi tôi phải bảo nó dẫn. Trong lần đầu dẫn tôi đi, H. nửa đùa, nửa thật nói, “Để tao dẫn mầy đi cho biết An Thành.” Thế là vừa lên bến đò hắn chỉ tôi quẹo trái và dẫn tôi đi thẳng gần cả tiếng đồng hồ. Cũng may cho tôi hôm ấy gặp bạn cùng lớp là D. T. L. Bạn L. hỏi, “Hai đứa bây làm gì mà đến tận đầu cồn này?” Tôi ghim câu ấy trong bụng. Sau đó trong lúc nói chuyện H. cho biết chỉ cần nhìn thấy cây dương cao vượt thì đi thẳng về hướng đó là đến nhà, vì cây dương đó là của nhà kế bên. Lần thứ nhì sang nhà H. chơi, hắn nói, “Rời đò, lên bờ thì quẹo phải. Đi đường nầy cho gần.” Thế là H. dẫn tôi đi một lúc cho đến khi gặp cây cầu sắt cao nghệu đã mất ván lót, thay vào đó là mấy cây tre cột dính lại bằng dây kẻm chênh vênh, cầu cao nên gió thổi ào ào làm tôi, dân chợ ít khi đi cầu khỉ, nên hơi khớp. Gần cầu có cây ô môi lúc ấy đang trổ hoa tím cực đẹp. Thấy tôi cứ đứng nhìn cây ô môi không chịu leo lên cầu, H. đoán tôi sợ đi cầu khỉ, muốn hành tôi nên dục đi nhanh tiếp. Lúc đi trên cầu tôi đã thấy điều cần thấy. Thế là sau đó tôi đi nhẫn nha vì đã định hướng được nơi đến. Lúc đến một ngã tư hắn quẹo phải, tôi nói với theo, “Tao đến nhà dượng Mười Khuê, nhà dượng ở hướng nầy (tôi chỉ về phía trái), mầy có đi không?” H. trố mắt nhìn tôi, cười, rồi quay trở lại đi với tôi.
Tôi rất nể và trọng H. Sau vài biến cố hắn trở về ngôi nhà cổ ở An Thành, nhận trách nhiệm trước gia đình, mấy anh chị em đùm bọc nhau trong tuổi già, sống trong thanh bần, không tơ hào một đồng trong tài sản lớn khi vợ H. mất. H. giờ “ở ẩn”, ít nói, ít khi sang chợ Vĩnh Long, bạn nào nhớ thì điện thoại nói chuyện hay đi phà sang sông rồi lội bộ đến nhà thăm. Ít nói, hay không có gì đáng để nói?
Căn nhà đầy ắp kỷ niệm với tôi, và với bạn bè đã từng lui tới, những kỷ niệm vốn đầy ắp tiếng cười. Có người nói ngôi nhà cổ của H. là “mộng mị.” Vâng, ngôi nhà cổ ấy, với những người đã sống và đang sống trong ngôi nhà cổ ấy có sức thu hút trái tim người khác, dù bí ẩn, khó hiểu.
Gian nhà chính vốn là nhà mát nên mặt tiền chỉ xây tường một phần, bên trên lắp song sắt uốn hoa văn đã lâu không sơn nên khó nói màu gì. Dượng là con út nên khi lập gia đình, ra riêng được ông bà cho ngôi “nhà mát” to, đẹp với nhiều cổ vật quý. Cái “long sàn” bằng đá cẩm thạch đen trắng nằm ngủ thật mát, cặp độc bình cao hơn mét có nấp đậy giống hệt mũ sắt của lính Anh trong đệ nhất thế chiến, tất cả giờ không còn. Nghe nói long sàn bán được hàng chục “cây” dùng trong việc “đi đứng” của anh em H. Thế vào chỗ long sàn là cái giường gỗ với vạc giường thiếu nẹp và cong queo, chắc không ai dám ngồi lên, đừng nói gì nằm ngủ. Trong nhà mát còn đặt cái bàn trên để một số giấy tờ được chặn bằng trái măng cụt khô, vây quanh là mấy cái ghế đai. Đồ xưa còn lại chỉ 2 tủ đựng đầy sách báo cổ với những trang giấy vàng ố, cũng không ai dám đụng vào vì đầy bụi, mạng nhện, và vì sợ rách giấy! Sau gian nhà mát là gian nhà thờ to rộng với rất nhiều tủ thờ, trang thờ. Nhờ ánh sáng mặt trời chiếu xuyên tấm kiếng lắp trên mái nhà có thể đọc được những kỷ niệm buồn thêu trên những tấm trướng với màu đen chủ đạo được treo dọc 2 bên vách gian nhà thờ theo thứ tự tấm cũ nhất treo cao nhất và sát bên ngoài, hàng trướng sau treo thấp hơn hàng trước một khoảng đủ để đọc được nội dung những tấm trướng của hàng trên. Khói hương nghi ngút từ những bàn thờ không át được mùi ẩm mốc, và trong không gian tĩnh mịch của miền quê có thể nghe tiếng mọt đục giấy hay đục những thanh rui, mè nhà.
Ngôi nhà cổ ấy mang chút gì đó huyền bí, rùng rợn với người dân trong vùng vì trước đây có người thân từng bị chặt đầu gần nhà. Tôi đã đến căn nhà đó chơi nhiều lần: Từ cái thuở chơi đổ mồ hôi chạy chúi vào “long sàn” mặt đá cẩm thạch mát rượi nằm cho mau khô mồ hôi, lấy nắp độc bình to đội trên đầu đóng vai Don Quixote, lúc lớn biết bàn chuyện làm ăn đào thêm ao nuôi cá phi, trồng mới măng cụt thay những cây đã cỗi, phía ngoài trồng chanh làm rào để khỏi bị trộm… và về già, đứng nói chuyện ở khu nghĩa trang gia đình có hàng rào bao quanh hình bầu dục có 6 chỗ, rổi đến lúc 3 chỗ có chủ, và giờ chỉ còn 1 chỗ trống!
Tôi ít gặp dượng, nếu gặp chỉ chào hỏi vài câu nên chỉ nhớ dượng dáng người cao, ốm, có cách nói chuyện ân cần. Nghe nói dượng từng du học tận Hà Nội để hoàn tất trung học. Hôm dượng mất tình cờ tôi về Vĩnh Long và qua An Thành chơi. Gần đến nhà dượng nghe tiếng kèn, trống và người ngồi trong quán nước bên đường bàn tán xôn xao, tôi sinh nghi nên dừng lại hỏi thì biết “ông Mười mất!”. Thế là tôi băng vườn, đi đường tắt vào nhà sau, gặp dì đầu đội khăn tang đang lúi húi đẩy củi trong mấy cái cà ràng nấu nước. Tôi được thắp cho dượng 3 nén hương tiễn biệt.
Tôi thấy hình như phụ nữ lớn tuổi bên ngoại tôi rất thích nói chuyện với con, cháu. Gặp tôi hai dì cháu nói đủ thứ chuyện trên đời. Dì hay hỏi về mẹ, về gia đình tôi, về chuyện học hành, còn tôi là đứa cháu hay thắc mắc; sẵn sàng hỏi từ việc nhỏ đến việc lớn. Thấy dì đã lớn tuổi nhưng phải lo việc bếp núc, tôi nói sao không mướn người làm. Dì nói, “Những ngày cuối tuần, ngày lễ… tụi nó về chơi nên nhà cửa đông vui, những ngày khác trong nhà chỉ còn trơ trọi hai ông bà già, mướn người làm gì? Còn phải để tiền đi thăm thằng anh nó (H.) đang ở nhà thương Biên Hòa.” Tôi nói, “Con thấy H. cảm Đ. T. nặng lắm, hay dì cưới Đ. T. cho H. để còn phụ việc nhà.” Dì đồng ý nhưng hoài nghi vì Đ. T. ‘tiểu thư’ quá, có chịu cảnh quê mùa nầy không? Trong một buổi “họp gia đình” chị Th. chê, “Đ. T. nó là dân ‘Bến Tre!’” Dì bảo, “Mầy nói quá! Tao thấy nó mignon, dễ thương.” Tôi ủng hộ ngay, “Hô thì về già đẹp lão hén dì?” Có lần hai dì cháu nói chuyện gì đó say sưa quá mà dì phải rửa chén thế là tôi theo dì ra tận sàn rửa chén để nói chuyện. Dì ngồi trên chiếc ghế thấp vừa nói vừa lúi húi với mớ chén dĩa, múc nước từ 2 cái lu: lu nước rửa và lu nước tro dùng thay xà bông. Cạnh sàn nước là cây bồ quân (hồng quân?) đang có trái chín, thế là tôi thỉnh thoảng kéo nhánh xuống lựa trái chín hái, vò trái cho mềm để ăn những lúc nghe dì nói. Cứ thế.
Sau luật Người Cày Có Ruộng ban hành năm 1972 gia đình mất một số ruộng. Gặp tôi dì tỏ ý buồn vì “mất đi huê lợi mỗi năm mấy trăm giạ.” Dượng không buồn lắm vì cho rằng đất đó thu tô đã lâu và người mướn đất cũng là họ hàng, “có mất đi đâu!” Có thể là do giác quan thứ sáu, tôi lại về Vĩnh Long, đi đò ngang sang An Bình và lội bộ đến nhà H. đúng hôm gia đình đang lo ma chai, hậu sự cho dì. Tôi được may mắn thắp cho dì ba nén hương lần cuối.
Bên kia cây cầu bắt qua con mương nhỏ là nhà bác của H., với ngôi nhà chính to gần bằng nhà lồng chợ cá Vĩnh Long nhưng ít thấy mở cửa. Đi trên con đường đất dọc theo con mương nhỏ một đoạn khoảng 50m là đến cầu tàu. Cầu tàu là của riêng gia đình nhưng được làm rất hoành tráng, đúc xi măng hình bát giác, đường kính khoảng 5m, vây quanh cầu tàu thay cho hàng rào bảo vệ lại xây băng đá ngồi. Nhìn cách xây cầu tàu cũng có thể đoán được thời cực thịnh dòng họ bên nội H. sung túc như thế nào vì cầu tàu là nơi vào vụ mùa ghe, xuồng tá điền chở lúa đến đóng tô. Sau nầy bờ cầu tàu bị nước xói mòn, phải nối thêm cầu cây mới sang được, tôi đã chỉ đoạn cầu cây nối thêm ấy và nói với H., “Phong kiến đến đây là đoạn tuyệt, phải không mậy?”
H. rất hiền, rất mến bạn và rất được bạn bè thương mến, dĩ nhiên trong số nầy không loại trừ bạn nữ. Nhà H. có vườn rộng, có trồng nhiều cây ăn quả nhưng đa số cây đã cỗi, cho trái rất ít, và hình như gia đình không cần khai thác vườn nên bạn bè sang nhà H. chơi vào vườn “tìm trật cổ mới thấy một trái” nên việc hái trái, bẻ phá xảy ra thoải mái. H. thỉnh thoảng cũng giởn, cũng phá nhưng là kiểu nghịch ngầm. Đường đến nhà H. vừa xa, vừa quanh co, rất khó nhớ nên những lần đầu sang chơi tôi phải bảo nó dẫn. Trong lần đầu dẫn tôi đi, H. nửa đùa, nửa thật nói, “Để tao dẫn mầy đi cho biết An Thành.” Thế là vừa lên bến đò hắn chỉ tôi quẹo trái và dẫn tôi đi thẳng gần cả tiếng đồng hồ. Cũng may cho tôi hôm ấy gặp bạn cùng lớp là D. T. L. Bạn L. hỏi, “Hai đứa bây làm gì mà đến tận đầu cồn này?” Tôi ghim câu ấy trong bụng. Sau đó trong lúc nói chuyện H. cho biết chỉ cần nhìn thấy cây dương cao vượt thì đi thẳng về hướng đó là đến nhà, vì cây dương đó là của nhà kế bên. Lần thứ nhì sang nhà H. chơi, hắn nói, “Rời đò, lên bờ thì quẹo phải. Đi đường nầy cho gần.” Thế là H. dẫn tôi đi một lúc cho đến khi gặp cây cầu sắt cao nghệu đã mất ván lót, thay vào đó là mấy cây tre cột dính lại bằng dây kẻm chênh vênh, cầu cao nên gió thổi ào ào làm tôi, dân chợ ít khi đi cầu khỉ, nên hơi khớp. Gần cầu có cây ô môi lúc ấy đang trổ hoa tím cực đẹp. Thấy tôi cứ đứng nhìn cây ô môi không chịu leo lên cầu, H. đoán tôi sợ đi cầu khỉ, muốn hành tôi nên dục đi nhanh tiếp. Lúc đi trên cầu tôi đã thấy điều cần thấy. Thế là sau đó tôi đi nhẫn nha vì đã định hướng được nơi đến. Lúc đến một ngã tư hắn quẹo phải, tôi nói với theo, “Tao đến nhà dượng Mười Khuê, nhà dượng ở hướng nầy (tôi chỉ về phía trái), mầy có đi không?” H. trố mắt nhìn tôi, cười, rồi quay trở lại đi với tôi.
Tôi rất nể và trọng H. Sau vài biến cố hắn trở về ngôi nhà cổ ở An Thành, nhận trách nhiệm trước gia đình, mấy anh chị em đùm bọc nhau trong tuổi già, sống trong thanh bần, không tơ hào một đồng trong tài sản lớn khi vợ H. mất. H. giờ “ở ẩn”, ít nói, ít khi sang chợ Vĩnh Long, bạn nào nhớ thì điện thoại nói chuyện hay đi phà sang sông rồi lội bộ đến nhà thăm. Ít nói, hay không có gì đáng để nói?
Căn nhà đầy ắp kỷ niệm với tôi, và với bạn bè đã từng lui tới, những kỷ niệm vốn đầy ắp tiếng cười. Có người nói ngôi nhà cổ của H. là “mộng mị.” Vâng, ngôi nhà cổ ấy, với những người đã sống và đang sống trong ngôi nhà cổ ấy có sức thu hút trái tim người khác, dù bí ẩn, khó hiểu.