Announcement

Collapse
No announcement yet.

Thảm sát tại Chinatown - Ian Bùi

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Thảm sát tại Chinatown - Ian Bùi


    Click image for larger version  Name:	tham-sat-tai-chinatown.jpg Views:	0 Size:	248.3 KB ID:	24232

    Đoạn đường sắt đang xây ngang rặng núi Nevada.



    Vào thập niên 1850, người Mỹ đổ xô về California để tìm vàng. Cùng lúc đó người Hoa từ Hồng Kông và đại lục cũng bắt đầu di cư sang Mỹ, tập trung chủ yếu tại San Francisco. Họ làm đủ thứ nghề, đa phần là lao động chân tay. Người Mỹ gọi họ một cách miệt thị là Coolies [cu-li]. Như nhiều cộng đồng di dân trước đó và sau này, họ sống quây quần trong những khu vực riêng, giữ gìn những truyền thống và bản sắc quê nhà, cả tốt lẫn xấu. Giống như cộng đồng người Việt ở Mỹ lúc ban đầu, nhiều người Hoa biết rất ít tiếng Anh.

    Thời bấy giờ San Francisco là chốn phồn hoa đô hội bậc nhất của Cali với dân số hơn 150,000 người. Ðể kết nối California với miền Ðông nước Mỹ, Quốc Hội ban hành một đạo luật cho xây đường hoả xa xuyên lục địa — Transcontinental Railroad. Khởi công năm 1863 và hoàn tất năm 1869, đường sắt này nối liền San Francisco với Omaha (Nebraska), mở ra một kỷ nguyên mới cho nước Mỹ. Kể từ đó người Mỹ có thể du hành cũng như vận chuyển hàng hoá từ bờ Ðông sang bờ Tây một cách dễ dàng và nhanh chóng.

    Ðoạn đường sắt dài 3,077 Km này được ba công ty tư nhân đứng ra thầu xây dựng. Chính quyền liên bang và tiểu bang đã bỏ ra một số lớn tiền và đất để hỗ trợ. Tuy nhiên không bao lâu sau khi khởi công, các nhà thầu vấp phải một cản trở nghiêm trọng — không đủ nhân công. Giám đốc công ty Central Pacific Railroad (CPR), ông Charles Crocker, báo động chỉ có vài trăm người xin việc sau khi công ty đăng quảng cáo tìm người. Ông bèn đề nghị mướn người Hoa, nhưng bị phản đối dữ dội. Các chủ thầu da trắng cho rằng người Hoa thể lực yếu đuối, không thể nào kham nổi công việc nặng nhọc này. Phần nữa, thuở ấy dân Mỹ ghét Hoa kiều vì họ ăn lương rẻ nên bị cho là cướp việc của người Mỹ.

    Nhưng dù phản đối cách mấy, cuối cùng các nhà thầu cũng phải mướn người Hoa vì dân da trắng không mấy ai chịu làm công việc nặng nhọc này. Ðầu năm 1865 CPR mướn thử 50 người Hoa, rồi 50 người nữa, và cứ thế dần dần nhiều lên. Do nhu cầu nhân công tăng mạnh, số người Hoa nhập cảnh ở San Francisco cũng tăng theo. Ông Leland Stanford — chủ tịch hãng CPR, về sau là thống đốc California và sáng lập viên Ðại học Stanford — điều trần trước Quốc Hội năm 1865: “Nếu không có người Hoa, dự án của Quốc Hội sẽ bất khả thực thi vì dân Mỹ không mấy ai chịu làm công việc ‘gãy lưng’ này cả.”

    Hai năm sau, người Hoa chiếm gần 90% lực lượng nhân công xây đường sắt. Khi đoạn đường cuối cùng nối liền San Francisco và Sacramento hoàn tất vào cuối năm 1869, mấy trăm công nhân người Hoa đã thiệt mạng vì xây đường. Không những người Hoa chấp nhận làm những công việc nguy hiểm như đào hầm và sử dụng chất nổ, họ còn làm ít lương hơn công nhân da trắng — từ 30 đến 50 phần trăm. Năm 1867, để phản đối tình trạng bị ngược đãi, họ đã đình công khiến các nhà thầu phải nhượng bộ chút đỉnh.

    Nhưng thắng lợi nhỏ nhoi đó không duy trì được lâu; khi đường sắt xây xong số người này bỗng dưng … thất nghiệp. Không những vậy, vì đa số họ là đàn ông nên tình trạng nam thừa nữ thiếu trong các cộng đồng người Hoa khá trầm trọng, dẫn đến kỹ nghệ kinh doanh nhà thổ tại các nơi có đông người Hoa sinh sống. Và giống như cộng đồng người Hoa ta thấy ở Chợ Lớn, họ còn mở các bang hội tương tế; một mặt để giúp đỡ nhau làm ăn, nhưng một số còn là bình phong cho những sinh hoạt ngoài vòng pháp luật.

    Ở miền Nam Cali, vào thập niên 1870 Los Angeles chỉ là một thị trấn nhỏ, dân số khoảng 5,000 người. Ða số cư dân sống bằng các dịch vụ cho những nhà nông làm nghề trồng trọt hay chăn nuôi quanh vùng. Los Angeles thời ấy đích thực là Viễn Tây hoang dã — “Wild West”, theo cả nghĩa bóng lẫn đen. Tài liệu lịch sử cho biết việc cá nhân dùng súng để giải quyết xung đột là chuyện bình thường. Mãi đến năm 1869 cả làng mới có được một cảnh sát viên.

    Thuở bấy giờ tại L.A. có một cộng đồng người Hoa rất nhỏ, chưa đầy 200 người, với một vị đông y sĩ duy nhất và hai hội tương tế. Ngày 24 tháng 10, 1871, một vụ ẩu đả xảy ra giữa hai bang hội trong khu phố Chinatown (nay gần trạm xe lửa Union Station). Tờ báo của Los Angeles ghi rằng lý do là vì hai bên tranh giành một người phụ nữ. Sự thật là gì ta khó biết, vì báo chí Anh ngữ lúc ấy không chú ý lắm đến người Hoa. Trước đó không lâu một bài viết trong mục Quan Ðiểm đã gọi họ là “một lũ mọi rợ”.

    Nhưng dù vì lý do gì chăng nữa thì khi sự việc xảy ra, một cảnh sát viên và một người Mỹ trắng đã bị trúng đạn tử thương. Khi tin này lan ra, một đám đông khoảng 500 người (1/10 dân số Los Angeles) đã tiến đến khu Chinatown để đòi công lý — nghĩa là đòi nợ máu theo kiểu “Wild West”. Họ mang theo gậy gộc, dao rựa, súng đạn, và dây thòng lọng. Trong vòng chỉ vài tiếng đồng hồ khu Chinatown bị đốt phá tơi bời. Mười lăm người bị đám đông treo cổ, trong số đó có một cậu bé mới 14 tuổi và vị đông y sĩ duy nhất trong làng. Bốn người khác bị bắn chết; tổng cộng 19 người Hoa đã thiệt mạng.

    Cuộc thảm sát gây chấn động mạnh. Công luận lên án dữ dội. Los Angeles bị gán cho danh hiệu lãnh địa của bọn phi pháp. Ít lâu sau, chính quyền tiểu bang gởi người xuống để tái lập trật tự và chỉnh đốn lại hệ thống cảnh sát. Một số người bị bắt, nhưng cuối cùng tất cả được tha bổng.

    Sự kỳ thị đối với người Hoa không chấm dứt ở đó. Họ vẫn tiếp tục bị xem như công dân thứ hạng. Tình trạng căng thẳng này đã dẫn đến một cuộc thảm sát thứ nhì vào năm 1877, lần này tại khu Chinatown ở San Francisco. Khác với lần trước ở L.A., đám đông khoảng 8,000 người tại San Francisco lịch sự hơn. Họ tụ tập trước toà thị chính để đình công và tuyên bố “đây không phải là cuộc biểu tình chống cu-li.” Nhưng chẳng mấy chốc, do sự khích động của một nhóm cực đoan, đám đông đã tiến về Chinatown để đốt phá tiệm quán của người Hoa. Và đó chỉ là buổi tối hôm trước.

    Ngày hôm sau, 24 tháng 7, một cuộc tấn công khác đã diễn ra quy mô hơn và có kế hoạch dương đông kích tây cẩn thận. Một nhóm nhỏ phóng hoả kho chứa dầu cá tại bến tàu để thu hút lực lượng cảnh sát và lính cứu hoả. Trong khi đó thì đám đông một lần nữa tụ tập tại toà thị chính; lần này họ tấn công bạo liệt hơn. Mặc dù hàng quán trong Chinatown đã đóng cửa sớm nhưng vẫn không tránh khỏi bị đốt phá. Tổng kết thiệt hại cho khu phố ước lượng khoảng $100,000, cộng thêm bốn nhân mạng — chưa kể $500,000 thiệt hại tại bến cảng.

    Hai vụ thảm sát người Hoa này tưởng chừng đã trôi vào dĩ vãng, nay lại được khơi dậy bởi những vụ tấn công người gốc Á trong cơn đại dịch. Nhưng lần này các cộng đồng Á Châu, nhất là các vị dân biểu nghị sĩ đã lên tiếng mạnh mẽ. Giới trẻ cũng xuống đường biểu tình, và Tổng thống Mỹ tiếp tục lên án những hành động thù hằn đối với người Mỹ gốc Á. Rất mong cộng đồng người Việt góp tiếng nói chống lại sự kỳ thị để những sự kiện như tại Atlanta không xảy ra nữa.
Working...
X