Announcement

Collapse
No announcement yet.

Bạn Tôi ( Chuyện bây giờ mới kể )

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Bạn Tôi ( Chuyện bây giờ mới kể )



    Mến tặng Quý anh chị câu chuyện nhỏ, mua vui sau một tuần mệt nhọc.Tuấn

    Hồi còn học phổ thông tại Đà nẵng, bọn trẻ chúng tôi thường có thói quen lân la các lớp khác và thường tìm những người bạn đồng hội đồng thuyền để kết bạn thành nhóm cùng nhau, vì vào thời đó (sau bảy lăm) các trường và lớp thường có sự khác biệt khá rõ giữa cách sống, cách suy nghĩ và nhất là về cách cư xử của học sinh người Bắc và học sinh miền Nam, tệ hại hơn nữa là những sự thiên vị giữa hai thành phần khiến học sinh miền Nam chúng tôi tự dưng đi tìm nhau và kết nhóm với nhau như một lẽ tự nhiên,từ trong sâu thẳm những đứa trẻ cùng có một vị trí xuất thân khá giả hoặc gia đình thuộc thành phần trí thức cũ đều sống rất lặng lẽ và thường tìm cách bảo bọc hoặc bao che cho nhau.

    Trong nhóm mấy anh em tụi tôi,khá giả nhất vẫn là Bảo vì ba mẹ là bác sĩ lưu dung (được giữ lại làm việc) nhưng do tay nghề giỏi nên vẫn được trọng dụng và được nhiều cán bộ nhờ vả cầu cạnh, Bảo có một tuổi trẻ đầy đủ và thuận lợi mọi chuyện cả đến khi lấy được bằng bác sĩ và lập gia đình. Tệ nhất trong nhóm là trường hợp của Thao, với hoàn cảnh thật đáng thương khi cha là sĩ quan cũ bị mất trong một trại cải tạo,còn mẹ dù xuất thân danh giá nhưng đã kiệt quệ vì gia sản cứ phải bán dần để thăm nuôi cho Chồng và để cho con cái đang tuổi ăn học được mát mặt với chung quanh, Bà đã tất tả ngược xuôi, xoay sở đủ chuyện để con cái có được bữa ăn tươm tất. Một vài lần ghé nhà chơi, tôi cũng đã ở lại dùng cơm và rất thán phục tài nghệ nấu ăn của những đàn bà Huế, bữa ăn đạm bạc chỉ có mắm ruốc, rau luộc và ít con cá cơm lèo lèo, qua tay Bà đã được chế biến đủ thành năm món và hầu như trong tất cả các bữa ăn lần khác mà tôi được ăn ké, bữa ăn nàogần như được sắp xếp ít ra cũng thành năm món.

    Khi người ta sống trong cảnh bần hàn và thiếu thốn, người ta thường dễ gần gũi và yêu thương nhau. Tuần nào cũng vậy, cứ sau giờ tan lễ chiều (Thao và một vài người bạn là dân công giáo, đạo gốc) là chúng tôi tụ tập và cùng lang thang, khi thì đạp xe leo núi non nước, khi thì khám phá xóm tre ở bàu Thạc gián, lúc thì ra cồn Thanh Bình đá banh hoặc cào nghêu, tắm biển…tuổi trẻ mơ mộng và vô tư đã kéo chúng tôi qua hết những ngày tháng thanh bình ở cái thành phố hiền hòa miền Trung tựa lưng vào dãy Trường sơn với đèo Hải vân bốn mùa chìm trong sương khói và duỗi chân ra Thái bình dương, với bán đảo Sơn chà từng là chứng nhân của lịch sử Việt nam hào hùng , đã bao lần dõi theo dấu giày của từng đoàn quân viễn chinh Y pha nho,Tây ban nha, rồi đến Pháp,Mỹ… từng đặt chân rồi cuốn gót bên cảng biển Tiên sa xanh ngắt, bốn mùa sóng vỗ và còn đây dấu tích thành Điện hải đã làm nên uy danh của nghĩa quân Nguyễn tri Phương soi bóng xuống ráng chiều của sông Hàn êm đềm đang xuôi dòng ra biển.



    Rồi chúng tôi cũng tốt nghiệp phổ thông (tú tài cũ), bạn bè trong nhóm tan tác như bầy chim vỡ tổ, đứa đi bộ đội, vài đứa vào đại học, vài đứa thì tìm đường đi trung cấp để lánh nạn vì lí lich thuộc nhóm X,Y,Z…nên khó mà tranh cạnh được với đám con ông cháu cha thuộc diện được ưu đãi. Thao với lý lịch cha chết trong trại cải tạo, anh trai mất tích vì vượt biên nên tương lai cũng chẳng lấy gì sáng sủa. Nghe nói mấy mẹ con dắt díu vào nam mấy năm, lây lất chẳng ra gì rồi cũng trở về lại quê mẹ, mãnh đất Quảng bình vốn đã hoang tàn trong chiến tranh, giờ lại càng tan hoang xơ xác và tình người lại càng xác xơ khốn khó… vì cái nghèo đeo đuổi.

    Ra trường ,tôi nhận nhiệm sở ở Công ty dâu tằm tơ và làm việc ở phòng Kỹ thuật, công việc quá nhàm chán và rãnh rỗi nhưng phải thường xuyên đến các trạm nông nghiệp của các huyện để trực báo và thu thập số liệu cho lãnh đạo đi họp báo cáo ở Tỉnh vào đầu tháng nên hấu như vùng quê nào ở Quảng nam cũng có dấu bánh xe đạp tôi đi qua. Từ Quế sơn, Điện bàn, Đại lộc đến Duy xuyên… hàng tuần vì không có đủ tiền để tiêu và vì cũng chẳng có phương tiện nào khác nên với sức thanh niên, tôi lại đạp xe rong ruỗi hàng trăm cây số để lấy một mớ số liệu mà chẳng ai xác tín được, đem về xào nấu rồi báo cáo cho xếp mà tôi biết chắc là xếp vừa nhận báo cáo, vừa “chế biến” thêm cho phù hợp. Cuộc sống cứ thế trôi đi và tôi vẫn cứ làm những công việc tào lao và buồn tẻ, có đôi lúc cũng chạnh lòng nhưng chẳng biết làm gì và cũng chẳng biết phải thay đổi như thế nào cho hợp lý. Anh em trong nhóm, vài đứa ra trường đi xa nhưng cũng có vài đứa trở về lại Đà nẵng nhưng có gặp lại thì hoàn cảnh cũng đã khác nhau, gia đình Thao cũng vào lại Đà nẵng sinh sống và Thao cũng đã trở thành một anh công nhân cơ khí mạnh mẽ và bỏ quên cái ước mơ trở thành thầy giáo dù ngày xưa Thao hoc rất giỏi và có nhiều mơ ước xa vời mà anh em chúng tôi đôi lúc chẳng dám nói ra…rốt cuộc chỉ còn lại tôi và Thao là thỉnh thoảng còn qua lại, cà phê cà pháo… và khi ngồi với nhau,dù không nói ra hầu như ai cũng đã mất đi gần hết những ước mơ bình dị và trong sáng của tuổi trẻ mà thực tế cuộc sống đã dập tắt một các nghiệt ngã..

    Một buổi chiều sau giờ làm việc, chúng tôi ra bãi biển Thanh Bình và quần nhau với trái bóng cho đến lúc vã mồ hôi vì mệt lữ, anh em chúng tôi nằm xướng bãi cát mềm ấm áp,ngữa mặt lên trời nghĩ mệt và vui buồn tâm sự, trong tiếng sóng ầm ì và trong tiếng gió lùa, tôi nghe Thao kể về hương vị của cái hôn đầu đời mà tối qua Thao vừa nằm mơ và có được nụ hôn tỏ tình với cô bạn gái mà khi tỉnh giấc còn ngập tràn cảm xúc, qua giọng nói đứt quãng và ánh mắt mơ màng của Thao, tôi nghe thấy một sự ngây ngất măng tơ và hạnh phúc bất tận của một tâm hồn thanh niên trong sáng.



    Một tuần đi công tác, vừa về đến nhà tôi nhận được tin nhắn của mạ Thao cần gặp, chẳng biết lành hay dữ mà dữ thì chắc là phần nhiều, tôi đạp xe ngay đến nhà Thao, đón tôi là ánh mắt lo lắng của mấy người chị và tia nhìn đăm chiêu của mẹ Thao. Bà cho biết sau hôm đá bóng ở biển về, tối đó Thao tự dưng sốt cao và nằm vùi không ăn uống, khoảng hai ngày sau thì không nói năng gì được, phải đưa đến bệnh viện, ở đó Thao được truyền dịch và được Bảo (bấy giờ đã là bác sĩ ở bệnh viện Thao nằm) đang theo dõi chăm sóc…vào bệnh viện thăm Thao, tôi gặp Bảo và qua trao đổi được biết các bác sĩ đã rút tủy sống xét nghiệm,rồi hội chẩn nhiều lần mà không tìm ra được kết quả cũng như hướng điều trị, phần Thao thì dần dần đã cứng hết tay chân và đã nằm liệt giường, đôi mắt vô thần nhìn lên trần nhà trông mà thắt cả lòng,đôi mắt đó như muốn xua đuổi hết những nỗi buồn lưu cửu trong tâm hồn mà Thao chẳng bao giờ muốn thổ lộ với mọi người.

    Chúng tôi cứ thế, thỉnh thoảng ghé vào bênh viện thăm và chỉ nhận được tia nhìn nhẫn nhục, câm lặng và cam chịu của những người thân trong gia đình, tôi nhìn vào đôi mắt ráo hoảnh của Thao chợt cảm thấy sự sống dường như đang từ bỏ ra đi khỏi bạn,mơ hồ trong đó một màn sương khói mỏng chợt bay lên báo hiệu một sự sống leo lét dần sắp tắt, tự đáy lòng tôi một sự thương cảm chợt bùng lên vànthoáng hiện trong tâm trí tôi ánh mắt đắm đuối cùng sự mơ màng của Thao khi kể về nụ hôn huyễn mộng.

    Đúng ba tháng sau ngày nằm liệt giường liệt chiếu, Thao ra đi sau hơn một giờ đồng hồ chợt ré vang khắp mấy dãy phòng trong bệnh viện. Vừa đi công tác về, tôi lại ghé đến nhà Thao và nhận được tin dữ, trong cái nhá nhem của một buổi chiều nóng bức ngột ngạt ngày gió Lào ở Đà nẵng, bạn tôi nẳm đó thanh thản, trong tiếng khóc than vãn của mẹ và mấy chị Thao, trong cái trống huơ trống hoát của một căn nhà tuềnh toàng vị đã thiếu vắng những đồ đạt trong nhà dần đội nón ra đi theo với cuộc sống khó khăn,theo với căn bệnh khó hiểu đã mang bạn tôi ra khỏi thế giới lặng lẽ đã quá thiếu vắng niềm vui,đức tin và tình người này rồi.

    Buổi sáng đưa Thao lên nghĩa địa thành phố ở Gò cà, trời tối đen và gió mưa rầu rĩ, sáu giờ sáng lèo tèo mấy chiếc xe đưa tang ngừng ở nhà thờ để làm lễ và rước cha xứ đi theo... trời buồn và người buồn. Chỉ có một chiếc xe ca đưa mấy bạn bè người thân và một chiếc xe chở quan tài đưa Thao và chị em trong nhà tiễn biệt. Chiếc xe đưa tang cũng phải chạy bẳng than và thỉnh thoảng anh phụ xe phải nhảy xuống cời những bột tro làm bít lỗ xã hơi, chỉ may mắn chiếc xe đưa quan là còn có xăng để sử dụng, ì ạch mãi rồi chúng tôi cũng vào được tới huyệt, chiếc hố đào nông choèn chỉ đào sâu đủ ba phần tư chiều cao của chiếc quan tài do chiều qua mẹ của Thao quên đưa tiền bồi dưỡng cho mấy bác phu đào dù đã được nhắc nhỡ và do sự đuễnh đoãng của mấy đứa bạn bè, hình ảnh trông thật thê lương và ngao ngán. Tôi và Hiệp, một người bạn trong nhóm, đành phải xắn quần xắn áo, lội xuống huyệt mộ của Thao, may mà nhặt được chiếc nón lính sắt rỉ rét ở gần đó (hay là của Ba Thao dẫn lối?),nên hai đứa hì hụi vừa đào vừa tác nước và cào đá kowsn đá nhỏ lục cục dưới đáy huyệt hơn hai mươi phút mới tạm đủ sâu để đặt quan tài. Loáng thoáng trong tiếng giảng của Cha là tiếng khóc tiếng thê thiết của người thân dường như không còn đủ sức vì quá khô cạn nước mắt giữa cuộc sống vốn đã ngột ngạt và nhọc nhằn này.Thao về nước Chúa bằng ánh mắt hân hoan của những ước mơ không bị đánh cắp và trong câu thơ tiễn biệt của thi hào Nguyễn Gia Thiều:

    “Trăm năm còn có gì đâu?

    Còn chăng một đám cỏ khâu xanh rì…!”

    Ít ngày sau, có công việc ở huyện Đại lộc, tôi lại dậy từ năm giờ sáng, miệt mài đạp xe để có được ít đồng bạc công tác phí ít ỏi, bù thêm vào chỗ tiền lương vốn đã chẳng nhiều nhặn gì và khoản dành dụm ít ỏi phải mang về cho mẹ. Vào trạm dâu tằm Huyện và trực báo đến hơn mười một giờ trưa thì bãi chầu, tôi dông thẳng ra bến xe và may mắn thay tôi là người đầu tiên mua được vé xe đò về Đà nẵng mà không phải đi vé chợ đen, điều này đồng nghĩa với việc dư được vài đồng ít ỏi để ăn mì quảng và được ngồi ở ghế bên cạnh bác tài, một chút hạnh phúc bất chợt mà chắc nhờ "ăn ở có đức" nên hôm nay mới được Tổ đãi (!). Ngồi chờ hơn một tiếng đồng hồ sau khi đã bán hết vé trong bến và thu vét tiền của khách đi chợ đen ,chiếc xe chạy bằng than ì ạch nổ máy để rời bến, đột nhiên lúc đó có một cô giáo vào bến xe loay hoay kiếm xe về Đà nẵng sau giờ dạy buổi sáng ở phố Huyện,nhìn thấy phụ nữ bầu bì ì ạch loay hoay giữa cái nắng chang chang của trưa hè xứ Quảng, chợt thấy chạnh lòng,tôi nhường lại ghế “ vàng “cho cô ta để đổi lấy nụ cười biết ơn và tia nhìn (không đẹp) và lùi ra sau,tìm chỗ ngồi lên cánh cửa sắt phía sau xe,bên cạnh lò than đang ngùn ngụt tỏa nhiệt để đưa chiếc xe lặc lè đầy ắp những người, xe đạp va quang gánh để trở về thành phố (cửa bên trái là vị trí ưu tiên của chú phụ xe, xa lò than hơn).

    Cũng may là xe chạy còn mạnh và không phải bị dừng, xe ra bến Ái nghĩa khoảng năm cây số thì chạy ngang qua khu nghĩa địa Gò Cà, nhìn thấy cơ man nào là mộ tự dưng chợt nhớ hôm nay là ngày mở cửa mã của Thao, tôi quíu quít xin xuống xe trong tiếng chửi rủa văng tục của bác tài và tiếng quát tháo om sòm của tài phụ vì giữa trưa đứng bóng mà phải xốc xáo gần một chục chiếc xe đạp đã cột chặc ở trên mui để lấy chiếc xe nằm dưới cùng vì tôi là người gửi đầu tiên. Mất thêm hai đồng cho phụ xe tôi mới giải quyết xong vụ này mà trong lòng cũng không hiểu chuyện gì đã thúc đẩy mình lại đi đến quyết định bỏ xuống giữa trưa đứng bóng và nắng hè chan chan như đổ lửa ???



    Đạp xe vào nghĩa trang giữa trưa đứng bóng và sự im lặng đến rợn người,trời đứng gió và bầu trời không một gợn mây... giữa những hàng mộ cũ mới không ngay hàng thẳng lối, rồi tôi cũng tìm ra được mộ của Thao qua cái vòng hoa nhỏ có dòng chữ: ”Cầu cho linh hồn của Antôn Thao về nước Chúa!” và những chân hương đang chi chít cắm trên nấm mộ lè tè được đắp sơ sài,gần chỗ vòng hoa,dỡ dang một gói hương thừa chắc của gia đình Thao sáng nay đến mở cửa mã và dường như mới về. Thắp vội mấy nén hương lên mộ, tôi tấp tễnh lên xe chạy vội vì tự dưng lòng thấy quá sợ sự lạnh lẽo và hoang vắng ở đây. Ra đến đường cái, lại đón ngay được chiếc xe hàng cùng về Đà nẵng, điều này rất là hi hữu vì thường mỗi chuyến xe rời bến ít nhất cũng phải hai giờ đồng hồ. Cuộc hành trình lại tiếp tục với sự dằn xóc của ổ gà, ổ voi trên những con đường đi tới tương lai (í lộn, Đà nẵng ),qua bao ruộng đồng cằn khô và dốc dài dốc ngắn,rốt cuộc rồi chiếc xe cũng về đến thành phố. Chiêc xe lướt dần qua Túy loan, trường bắn, rồi chuẩn bị đổ dốc Hòa cầm để vào trung tâm thành phố, lòng cảm thấy vui vui vì hôm nay xong việc sớm, trong đầu đương lan man nghĩ đến chuyện về nhà nghĩ ngơi rồi tìm quán café tụ tập bạn bè tìm chỗ đấu láo…. Bỗng dưng chiếc xe đạp thắng rít lên và tôi trong lúc bất ngờ chỉ kịp giữ chắc cửa nếu không đã ngã bổ vào trong. Xe dừng lại hẳn, chúng tôi nghe tiếng la hét phía đầu xe và tiếng mở cửa xe của bác tài để nhảy xuống. Tôi cũng theo anh lơ phụ chạy đến đầu xe,trước mắt tôi một cảnh tượng hiện ra mà cho đến bây giờ vẫn còn rõ mồn một, trên đốc đổ xuống là vết bánh xe quân đội còn cày hai vệch đen cháy trên đường, chiếc xe quân đội đầu xe bị móp méo lủi vào phía đường bên trái, ở giữa đường chiếc xe hàng đang nằm chỏng chơ bốn bánh trên trời và những vết máu đỏ tươi tung tóe cùng với ba xác người đang nẳm vương vãi, bản số xe ai đó cũng đã vừa kịp lấy bùn trát lên nhưng cũng còn đoc được con số 53-38.

    Linh tính, tôi sực đưa tay móc trong túi áo trước ngực của mình ra phần cuốn vé còn lại trong túi mà lúc nãy, anh lơ phụ của xe trước đã trao lại cho tôi sau khi kiểm vé,tay tôi chợt run rẩy vì đập vào mắt tôi,trên phần cuốn vé còn lại, rành rành con số 53-38.

    TuanTon Sydney 4/2013 .

    Ps :Vô cùng cám ơn sư huynh Toản đã bỏ thời gian và công sức để minh họa cho câu chuyện thêm sinh động,hình ảnh minh họa chiếc xe quá tuyệt vời nhưng chắc ... không phải là chiếc xe 53-38 mà Tuấn đã đi vì chiếc xe này nằm sấp và mất tiêu thùng than...

  • #2
    Đây là phần để các bạn tham khảo trích từ http://xehoivietnam.net , đề tài xe hơi chạy bằng than củi do Fernando gởi 17:34:55 11/12/2011

    ... sau 75, thời khó khăn, rất nhiều xe khách miền Nam VN chế lại chạy than có lẽ quý vị vẫn nhớ



    ... do bối cảnh sau 75 khó khăn - xăng dầu ở VN vẫn tính là "mặt hàng chiến lược" nên các xe chuyển qua chạy bằng than củi. Nói nôm na là động cơ vẫn chẳng gì thay đổi, chỉ thay phần nhiên liệu : than củi được "hầm" cho nóng lên nhưng không cho cháy thành lửa ngọn mà bốc ra khí "ga" , dòng khí đốt này được dẫn tới carburator nổ máy bình thường như xăng .

    Kể từ khi bỏ than củi vô thùng, nung nóng lên cho tới lúc bốc ra khí ga mất khoảng 1 giờ .

    Comment


    • #3
      Cám ơn anh Tuấn đã kể cho nghe một tình bạn thật cảm động. Bạn anh chết mà cũng vẫn chưa biết nguyên nhân. Giá mà lúc đó anh biết cô bồ của bạn anh , anh kêu cô đó đến thăm và hôn bạn anh , biết đâu sẽ cứu vãn được tình thế , bạn anh sẽ sống lại như " công chúa ngủ trong rừng" hay ít ra bạn anh cũng có được giây phút hạnh phúc trước khi nhắm mắt qua bên kia thế giới.

      Anh thật là may mắn , biết đâu linh hồn bạn anh đã đưa đường dẫn lối cho anh tránh được tai nạn đó . Ai bảo người chết là hết? Người chết còn linh hồn đó . Ta không thấy họ nhưng họ vẫn thấy ta.

      Xe chạy bằng than xuất hiện sau 75 đúng là "cái khó ló cái khôn" ai nghĩ ra được vậy cũng giỏi và kiếm khối tiền trong thời gian đó . Xe chạy rớt than đầy đường , ngồi trong xe cũng hít khí độc do than thải ra mà cũng chả ai chết vì ngộp khí than cả.

      Comment


      • #4
        Tuấn Tôn

        Đọc bài viết về những ngày tháng cũ của ông,tôi tràn đầy cảm xúc vì những

        hình ảnh ấy nó là dấu ấn muôn thuở không phai trong lòng tôi,trong đời tôi đã có

        quá nhiều mất mát,những chia ly vĩnh cửu của những cõi tình phai,vì thế tôi không

        muốn trở về dù có lắm cơ hội,

        Xin gửi đến đây một cảm hòa vi diệu về những dấu chấm tình thân,xin cho nghe tiếp những vần chương sầu rụng,thân,

        Comment


        • #5
          Anh Ton, câu chuyện của anh kể hay quá! moi duyên vừa bắt đầu cũng là duyên tan! cuộc đời vô thường như thế !! mong nghe tiếp những truyện ngắn tiếp của anh!

          NT

          Comment


          • #6
            Cám ơn anh bạn Tuấn đã kể lại một câu chuyện thật hay, thật xúc động..đã làm LíuLo rưng rưng nước mắt ...làm tâm trí chợt quay trở về thời bao cấp khi xưa sau 1975...Làm sao có thể quên được khi có ai đó nhắc đến thời xa xưa ấy.

            “Trăm năm còn có gì đâu? Còn chăng một đám cỏ khâu xanh rì…!”...Thôi thì bạn Tôn Tuấn hãy tiếp tục kể chuyện chia sẻ với bạn bè nha...Để mình sau này sau đám cỏ khâu xanh rì..còn có cả một kho chuyện kể của mình để lại....LL cũng mong muốn mình làm đựợc điều này...nhưng khả năng thì hạn chế.

            Lối viết của Tuấn Tôn, LL cũng rất thích...
            https://www.doquanmusic.net

            Comment


            • #7
              Hi anh Tuấn, văn phong cuả anh chân chất và giản dị nhưng đọc tới đâu cảm động tới đó nhất là anh đem bối cảnh mấy năm cuối thập niên 70s đầu 80s vào bài viết, phần lớn bạn đọc trên diễn đàn này ai cũng trải qua thời kỳ đó nên dễ nao lòng theo câu chuyện. Cảm ơn anh Toản đã tìm đâu được mấy tấm hình xe đò thời đó, làm T nhớ quê. Mong đọc thêm những bài viết khác cuả anh. Thân mến, Trúc.

              Comment


              • #8
                Originally posted by 'ThienToan'

                Đây là phần để các bạn tham khảo trích từ http://xehoivietnam.net , đề tài xe hơi chạy bằng than củi do Fernando gởi 17:34:55 11/12/2011

                ... sau 75, thời khó khăn, rất nhiều xe khách miền Nam VN chế lại chạy than có lẽ quý vị vẫn nhớ



                ...

                Kể từ khi bỏ than củi vô thùng, nung nóng lên cho tới lúc bốc ra khí ga mất khoảng 1 giờ .
                Cảm ơn Anh Toản về bức hình dễ thương mà anh đã cất công tìm ra,đây đúng là loại xe mà Tuấn đã đi, bảng số cũng có đuôi số 8 nhưng chắc là đã đổi chủ vì quá sợ hãi chuyện cũ.Tấm hình này mà có thêm chi tiết hàng chục chiếc xe đạp chồng lên nhau nữa thì quá tuyệt vời. .Tuấn

                Comment

                Working...
                X