Tuần rồi, người Việt trong và ngoài nước đã đón nhận thông tin về sự ra đi của thiền sư Thích Nhất Hạnh,giáo chủ Làng Mai ở Pháp về miền cực lạc.
Với học vấn uyên thâm và thái độ sống của một “ Phật tử dấn thân”, ông đã có một sức ảnh hưởng rất lớn trong việc truyền bá Phật giáo trong giới trí thức phương Tây. Ông cũng sáng lập ra giáo phái Thiền Làng Mai và có sức ảnh hưởng với Phật giáo toàn cầu chỉ sau đức Đạt lai Lạt ma của Tây tạng.
Mặc dầu cũng bắt gặp sự chống đối của một số người Việt nam do góc nhìn và quan điểm khác nhau nhưng với sự dấn thân hoạt động xã hội không mệt mỏi và sự chuyên tâm truyền bá Phật giáo dưới góc nhìn hiện đại. Sự ra đi của ông cũng là sự mất mát cho người Việt ở trong nước và trên thế giới.
Trong ngày Xuân tha hương chạnh lòng nhớ đến Mẹ, cùng với tiếp nhận thông tin “ra đi” của Thiền sư Thích nhất Hạnh, VNCT xin giới thiệu tản văn Bông Hồng Cài Áo nổi tiếng một thời của Thiền sư ở miền Nam Việt nam, đã tạo một cảm xúc sâu thẳm cho cố nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ chuyển ý vào bản nhạc cùng tên được người nghe nhạc yêu mến và nhắc đến trong những dịp tạ ơn Mẹ.
Và dường như sau khi tản văn và nhạc phẩm có sức thu hút lạ lùng này ra dời cũng đã phổ biến phong trào cài hoa hồng trắng (cho người mất Mẹ) và hoa hồng đỏ (cho người còn Mẹ) trong ngày của Mẹ đã trở thành một việc làm mang ý nghĩa nhân văn và tinh thần đã lan rộng, khá phổ biến cho người Việt và không chỉ riêng của những người theo tín ngưỡng Phật giáo nữa.
Đêm giao thừa xa xứ, lòng người lữ thứ dù có là ai, đang ở vào độ tuổi nào thì tâm hồn vẫn trở thành trẻ thơ khi ký ức lạc lõng của mình chợt vô thức tìm về bên Mẹ và dù cái hoa đỏ hay hoa trắng thì lòng mình vẫn cứ chập chùng giữa cái nhớ và quên, giữa tản mạn những hoài niệm về sự sum họp dưới mái gia đình đầm ấm có Cha, có Mẹ, có tất cả anh chị em thân yêu với những buồn vui trong ký ức vụn và nhữn tình riêng đâu đó đang còn đeo mang.