Announcement

Collapse
No announcement yet.

Shrinkflation: Muôn Kiểu Rút Ruột - Đỗ Quân

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Shrinkflation: Muôn Kiểu Rút Ruột - Đỗ Quân


    Click image for larger version

Name:	?url=https%3A%2F%2Fcalifornia-times-brightspot.s3.amazonaws.com%2Fba%2F38%2Fa56df34e78c6f5c475aeb1c47056%2F9ffb34c0cd0a43ac92f853bd611542f3.jpg
Views:	54
Size:	216.1 KB
ID:	27399



    Vật giá ngày càng tăng khiến người ta dần để ý đến những món hàng họ thường mua.

    Lần này, hình như có cái gì đó khang khác với món hàng quen thuộc mà bạn vẫn mua.

    Món đồ mà bạn đang cầm trên tay có vẻ nhẹ hơn

    “Chỉ tưởng tượng!”

    “Mình ơi, chai nước này nhỏ hơn!”

    “Dào! Làm gì có chuyện đó.”

    Bạn trấn an mình, hoặc người nhà.

    Nhưng đó là chuyện có thật

    Bạn không lầm – hay không khỏe hơn khi thấy món đồ mình vẫn quen mua có vẻ nhẹ hơn trên tay. Không. nó nhẹ hơn thật đấy!

    Mắt của bà xã của bạn cũng không có gì trục trặc. Đúng là cái chai đó nhỏ hơn thật.

    Gặp thời thế thế thời phải thế?

    Khi gặp các biến động trong sản xuất, chẳng hạn như như giá nguyên liệu tăng, các nhà sản xuất đối phó như thế nào?

    Ông Edgar Dworsky, một nhà hoạt động bênh vực quyền lợi của người tiêu thụ, cũng là cựu phụ tá tổng chưởng lý ở Massachusetts, nói rằng họ sẽ chọn không tăng giá sản phẩm. Họ chọn cách kín đáo giảm bớt lượng sản phẩm.

    Dworsky, người đã theo dõi kích cỡ sản phẩm suốt 30 năm nay, cũng là người điều hành hai trang mạng consumerworld.org và mouseprint.org, giải thích rằng mỗi khi đi mua hàng, người tiêu thụ thường cân nhắc, xem xét kỹ lưỡng giá cả, nhưng họ lại không kiểm tra trọng lượng tịnh. “Khi giá nguyên liệu thô, như hạt cà phê hoặc bột giấy tăng lên, các nhà sản xuất phải đối mặt với sự lựa chọn: Tăng giá, biết rằng người tiêu thụ sẽ nhìn thấy giá cả tăng để rồi phàn nàn? Hay cung cấp cho họ ít hơn một chút và đạt được hiệu quả tương tự (bớt chi phí)? Thường thì cách sau sẽ dễ hơn.”

    Để “cung cấp ít hơn một chút”, các nhà sản xuất đã “shrink” – làm nhỏ lại hoặc nhẹ bớt sản phẩm của họ.

    Hãy nhìn hình hai cái chai Gatorade đặt gần nhau. Chai bên trái có dung tích 32 fl oz và bên phải, với cái eo thon thả hơn một chút, có dung tích 28 fl oz.

    Từ giấy vệ sinh cho đến sữa chua (yogurt), cà phê, chip… các nhà sản xuất đã âm thầm lặng lẽ giảm bớt kích thước và số lượng trong của sản phẩm nhưng giữ nguyên giá bán.

    Người ta gọi biện pháp đó là shrinkflation.

    Từ sáng tạo, ghép hai chữ shrink – làm teo lại và inflation – lạm phát, lại với nhau.

    Cũng có người bảo rằng chữ thứ hai là deflation, làm xẹp xuống.

    Chữ nào cũng đúng, vì người tiêu dùng sẽ nhận được một sản phẩm có số lượng/trọng lượng, dung tích/thể tích nhỏ hơn, ít hơn. Trong lúc giá cả không thay đổi, hoặc thậm chí cao hơn.

    Thật khó để chuyển sang tiếng Việt cái từ ghép đó, tuy nhiên có thể dịch thoát ý bằng cách dùng từ đang có sẵn ở Việt Nam: “rút ruột”. Chữ này chỉ mới xuất hiện từ sau năm 1975 và rất thịnh hành, nhưng khổ thay không áp dụng trong lãnh vực sản xuất mà lại phổ biến ở lãnh vực xây dựng. Thí dụ như để chỉ những “đường cao tốc” chưa đi đã lún.

    Trên hai trang mạng của ông, Dworsky đưa ra các thí dụ mà ông thu thập được ở Hoa Kỳ.

    Theo đó, trong năm nay hộp nho khô hiệu Sun-Maid Raisins và chai xà bông Dove Body Wash đều đã bị rút ruột. Các hộp cereal của General Mills cũng đã bị rút ruột, xuống mất một ounce (28 grams).

    Dworsky phân tích: “Một ounce chỉ bằng một chén, và với giá khoảng 5 đô la một hộp, bạn bị ăn bớt mất khoảng 0,25 đô la. Nhưng hãy đứng ở vị trí của General Mills mà thử tính xem, General Mills bán được bao nhiêu chục triệu hộp cereal một năm rồi nhân lên với 0,25 đô la? Đây là một khoản tiết kiệm lớn cho nhà sản xuất.”

    Shrinkflation không phải là chuyện mới, nhưng các chuyên gia cho biết nó xảy ra thường xuyên hơn trong thời kỳ lạm phát cao như hiện nay và ảnh hưởng đến hầu hết mọi loại sản phẩm đóng gói.

    Dworsky quả quyết: “Các sản phẩm giấy, kẹo, chịp, đồ ăn snack, bánh cookie… tất cả những thứ đó đã được thu nhỏ nhiều lần trong những năm qua và tôi không nghĩ rằng nó sẽ dừng lại,” Dworsky nói.

    Cái ngày mà thiên hạ hoảng sợ vì mọi thứ đều to hơn nay đã dần xa.

    Ở Hoa Kỳ, một hộp khăn giấy Kleenex loại nhỏ nay chỉ có 60 tờ tissues. Cách đây vài tháng, số tờ là 65. Ở Anh quốc, những hộp cà phê Nescafe Azera Americano của hãng Nestle bị giảm từ 100 grams xuống còn 90 gram. Ở Ấn Độ, một cục xà bông Vim cỡ 155 grams bị làm gầy đi, chỉ còn 135 grams.

    Hàng tiêu dùng ở Canada chẳng khác hàng Mỹ, cho nên chịu cùng cảnh bị teo tóp lại, hao gầy đi hoặc không còn đúng số lượng như ngày xưa.

    Thông tấn Canada CBC kể chuyện bà nội trợ Kathleen Cassidy đi chợ.

    Mua hàng là hobby của bà Cassidy, thế nên bà chú ý đến giá cả hơn những người mua sắm bình thường. Bà Cassidy xác nhận rằng trong lúc có nhiều, rất nhiều, mặt hàng lên giá, vẫn còn những mặt hàng giá cả không thay đổi. Vì bị rút ruột.

    “Thật là khó khăn cho người tiêu dùng… đồng tiền của họ nay không mua được nhiều hàng như ngày trước.”

    Một trong những “phát hiện” (từ này dùng ở chỗ này là chính xác) của bà Cassidy là các hộp detergent pod (viên chứa xà bông giặt) mà bà thường mua nay chỉ còn có 38 viên, thay vì 40 như trước đây. Giá cả như cũ.

    Matthew Philp, Giáo sư tiếp thị của Đại học Toronto chỉ ra rằng để rút ruột, các công ty có thể làm cho các thùng, hộp, bình chứa nhỏ hơn hoặc thay đổi hình dạng khác, hoặc đặt ít sản phẩm hơn vào trong. Ông nói “Nó chỉ để che giấu sự thật rằng giá của các món hàng này đang tăng lên” và người ta đã chỉ ra rằng việc rút ruột là “người anh em họ lén lút của lạm phát.”

    Những kỹ thuật rút ruột

    Cái bình thường mới không chỉ đến sau đại dịch Covid 19 mà đã đến từ lâu trong các chợ, các cửa hàng.

    “The family size appears to be what the normal size was and now the normal size is smaller.”
    Cỡ gia đình có vẻ là cỡ bình thường ngày trước và ngày nay cỡ bình thường là nhỏ hơn.

    Trò rút ruột không phải là mới. Nhưng trong thời kỳ lạm phát cao khi các công ty phải vật lộn với chi phí nguyên liệu, đóng gói, nhân công và vận chuyển ngày càng tăng, nó tràn lan. Theo S&P Global, lạm phát giá tiêu dùng toàn cầu ước tính đã tăng 7% trong tháng 5, một tốc độ có thể sẽ tiếp tục kéo dài đến tháng 9.

    Ông Edgar Dworsky cho rằng màn rút ruột diễn ra như kiểu các đợt sóng lần lượt đổ vào, nhưng “chúng ta hiện đang trong giai đoạn triều cường”

    Không dễ để thấy được những sản phẩm bị rút ruột vì các nhà sản xuất và các cửa hàng thường bán sạch những sản phẩm cũ trước khi tung ra đợt sản phẩm đã bị thu nhỏ. Chẳng có gì để so sánh, thế nên phải theo dõi và để ý rất kỹ.

    Như trường hợp hai chai Gatorade mà ông Dworsky trình bày trên video của ông.

    Chai tròn bên trái có dung tích 32 ounces (946 ml), chai bên phải chỉ có 28 ounces (828 ml).

    “…Trừ phi bạn thấy hai cái chai này đặt cạnh nhau ở cùng một tầm mắt, còn thì bạn vẫn tưởng chúng là cùng một sản phẩm, nhưng thực tế, bạn đã phải trả thêm 10% – bị tăng giá.”

    Giáo sư Klaus Wertenbroch, dạy môn tiếp thị tại trường kinh doanh Insead, giải thích rằng các công ty cố gắng che giấu việc kích thước sản phẩm bị thu hẹp bằng phương pháp psychophysics – tâm lý – vật lý, nghiên cứu quan hệ giữa các kích thích vật lý với cảm nhận. “Càng nhiều thay đổi về nhiều khía cạnh, càng khó theo dõi.”

    Các nhà sản xuất thay đổi các chiều kích khác nhau như chiều dài, chiều rộng và chiều cao của bao bì sản phẩm của họ để làm cho nhận thức của người tiêu thụ không nhận ra được những thay đổi trong kích thước thực tế.

    Thí dụ như với những hộp đựng chip, người tiêu thụ khó mà có thể nói được trong hai cái hộp, một mập mạp hơn nhưng lùn hơn, một hộp cao hơn và gầy hơn, hộp nào sẽ chứa nhiều potato chip hơn.

    Đây cũng là cách hai nhãn hiệu khác nhau của cùng một mặt hàng thực phẩm có thể có cùng kích thước nhưng lại chứa số lượng khác nhau.

    Wertenbroch chứng minh điều này bằng hai chai peanut butter có kích thước rất giống nhau. Chúng chỉ khác có một điểm: một trong hai chai có đáy lõm lớn hơn ở đáy. Trên nhãn, khi xem kỹ, người ta nhận thấy dung tích của hai chai có sự chênh lệch gần 50 gram.

    Một số công ty giảm quy mô theo những cách giản dị hơn. Họ để khoảng trống nhiều hơn trong sản phẩm của họ.

    Theo ông Wertenbroch, thông thường thì các công ty thay đổi bao bì để làm mới thương hiệu của họ. Tuy nhiên, vì người tiêu thụ không phải lúc nào cũng kiểm tra cẩn thận, họ cũng có thể thu nhỏ sản phẩm để hạ giá thành và tăng lợi nhuận,

    Dworsky bắt đầu chú ý đến những chiếc hộp nhỏ hơn trên lối đi (aisle) trưng bày cereal vào mùa thu năm ngoái, và tình trạng shrinkflation đã bùng phát từ đó. Ông có thể dẫn ra hàng chục thí dụ, từ giấy vệ sinh Cottonelle Ultra Clean Care, đã bị rút từ 340 tờ / cuộn xuống còn 312, đến cà phê Folgers, đã giảm kích thước hộp cà phê 51 ounces xuống còn 43,5 ounces nhưng vẫn nói rằng cà phê trong hộp vẫn sẽ đủ cho 400 ly. (Công ty Folgers cho biết họ đang sử dụng một kỹ thuật mới, tạo ra hạt cà phê nhẹ hơn.)

    Dworsky cho biết biện pháp shrinkaflation hấp dẫn các nhà sản xuất. Lý do là họ biết hễ tăng gia thì khách hàng sẽ nhận ra ngay, nhưng người tiêu thụ thường không theo dõi trọng lượng tịnh hoặc các chi tiết nhỏ, như số tờ trên một cuộn giấy vệ sinh. Các công ty cũng có thể sử dụng các thủ thuật để đưa sự chú ý đi chỗ khác chơi, không để ý đến việc giảm kích thước, chẳng hạn như in nhãn hiệu trên các gói hàng đã bị làm nhỏ hơn bằng các nhãn mới sáng sủa thu hút sự chú ý của người mua hàng. Công ty Fritos đã làm như thế. Các bịch Fritos Scoops cỡ “Party size” ngày trước nặng 18 ounces; một số vẫn đang được bán tại một chuỗi cửa hàng tạp hóa ở Texas. Nhưng hiện nay hầu hết các chuỗi cửa hàng lớn khác đang quảng cáo Fritos Scoops “Party size” là 15,5 ounces – và đắt hơn.

    Khi được các nhà báo hỏi đến, công ty PepsiCo – công ty mẹ của nhà sản xuất Fritos, đã không trả lời. Tuy nhiên, họ thừa nhận các chai Gatorade có nhỉnh đi và co lại, và giải thích rằng công ty đang từ từ thay thế những chai 32 ounces bằng những chai 28 ounces mới được làm cho thuôn hơn ở giữa để…dễ cầm hơn. Vẫn theo giải thích của PepsiCo, sự thay đổi này đã diễn ra trong nhiều năm và không liên quan đến tình hình kinh tế hiện tại. Có điều PepsiCo đã không trả lời câu hỏi tại sao Gatorade dạng 28 ounces lại đắt hơn.

    Tương tự như vậy, Kimberly-Clark – công ty sản xuất cả Cottonelle và Kleenex – đã không trả lời báo chí khi được hỏi về việc giảm kích thước một số mặt hàng. Procter & Gamble Co. cũng đã không trả lời khi được hỏi về dầu xả (conditioner) Pantene Pro-V Curl Perfection, từ dung tích 12 ounces xuống còn 10,4 ounces nhưng vẫn giữ giá 3,99 đô la. Cũng im lặng là Hain Celestial Group, chủ thương hiệu Earth’s Best Organic Sunny Day Snack Bars, đã không trả lời email hỏi về việc giảm số lượng một hộp 8 thanh món đồ ăn dặm này xuống còn 7 thanh, mà không giảm giá.

    Cũng có một số công ty thẳng thắn về những thay đổi. Tại Nhật Bản, nhà sản xuất thức ăn nhanh Calbee Inc. đã công bố giảm 10% trọng lượng – và tăng giá 10% – đối với nhiều sản phẩm của mình vào tháng 5, bao gồm cả khoai tây chiên và bánh edamame giòn. Công ty cho hay chi phí nguyên vật liệu tăng mạnh là nguyên nhân khiến họ phải áp dụng các biện pháp đó.

    Cũng thật thà như thế ở Bắc Mỹ, Domino’s Pizza đã thông báo rằng từ tháng 1 năm 2022 họ đã shrink phần chicken wings 10 miếng xuống còn 8 miếng nhưng vẫn giữ giá $ 7,99. Lý do: giá thịt gà tăng cao.

    Tại Ấn Độ, Byas Anand, người đứng đầu bộ phận truyền thông của công ty kinh doanh thực phẩm và chăm sóc người tiêu thụ Dabur India, nói rằng trong lúc các công ty thẳng tay tăng giá ở các thành phố lớn thì họ dùng biện pháp “down-switching” (thấp xuống) ở ở các vùng nông thôn, nơi người dân nghèo hơn và nhạy cảm hơn với giá cả. Anand nói: “Công ty của tôi đã làm điều đó một cách công khai từ nhiều năm nay.”

    Xu thế này chừng nào mới kết thúc?

    Một số khách hàng nhận thấy việc giảm kích thước đang chia sẻ các thí dụ trên diễn đàn truyền thông xã hội như Facebook, reddit…. Những người khác nói rằng shrinkflation đang khiến họ thay đổi thói quen mua sắm.

    Alex Aspacher là người chính trong nhà lo việc mua thực phẩm và lập kế hoạch bữa ăn cho gia đình 4 miệng ăn của anh ở Haskins, Ohio. Anh để ý đến việc rút ruột từ khi thấy gói phô mai cắt lát Thụy Sĩ nặng 1 pound mà anh thường mua giảm xuống còn 12 ounce nhưng vẫn giữ nguyên giá 9,99 đô la. Từ đó, việc đi chợ của anh mất thời gian hơn vì anh phải săn lùng các nơi có giá hời hoặc mua cả khối phô mai về để tự cắt lát.

    Aspacher nói rằng anh đã biết trước rằng giá cả sẽ tăng khi đọc được về mức lương cao hơn cho công nhân ngành thực phẩm. Nhưng tốc độ của sự thay đổi – và các kích thước hàng đang nhỏ lại – đã khiến anh ngạc nhiên. “Tôi đã chuẩn bị cho chuyện này ở một mức độ nào đó”, nhưng cho đến nay vẫn chưa thấy nó (giá tăng, lượng hàng giảm) dừng lại.” Aspacher nói. “Tôi hy vọng chúng ta sẽ sớm tìm thấy mức trần đó.”

    Đôi khi xu hướng có thể đảo ngược. Khi lạm phát giảm bớt, cạnh tranh có thể buộc các nhà sản xuất phải giảm giá hoặc trả lại các gói hàng lớn hơn. Ông Dworsky không lạc quan như thế. Theo ông, một khi một sản phẩm teo lại, nó sẽ giữ cỡ đó luôn, “Việc tăng kích thước là một điều hiếm gặp.”

    Nhất là khi biện pháp rút ruột đem lại lợi nhuận. Hitendra Chaturvedi, giáo sư quản lý chuỗi cung ứng tại W.P. Carey School of Business của Đại học tiểu bang Arizona, cho biết đúng là nhiều công ty đang phải vật lộn với tình trạng thiếu lao động và chi phí nguyên liệu thô cao hơn. Nhưng trong một số trường hợp, lợi nhuận của các công ty – hoặc doanh thu trừ đi chi phí kinh doanh – cũng đang tăng lên theo cấp số nhân. Chaturvedi nhận thấy điều đó thật đáng lo ngại. Ông đưa ra một thí dụ: Mondelez International, công ty hồi đầu mùa xuân đã bị chỉ trích về việc thu nhỏ kích thước của thanh Cadbury Dairy Milk ở Anh mà không giảm giá. Doanh thu của công ty tăng 21% vào năm 2021, nhưng giảm 15% trong tam cá nguyệt đầu tiên do áp lực chi phí tăng lên. Trong lúc đó, lợi nhuận kinh doanh của PepsiCo tăng 11% vào năm 2021 và 128% trong tam cá nguyệt thứ nhất năm nay. Chaturvedi nói: “Tôi không nói rằng họ đang trục lợi, nhưng có vẻ như vậy. “Có phải chúng ta đang sử dụng những khó khăn về nguồn cung làm vũ khí để kiếm nhiều tiền hơn?”

    Vậy thì người tiêu thụ phải làm gì bây giờ?

    Đã gặp thời buổi lạm phát, lại còn bị rút ruột, người tiêu thụ có cách nào để đối phó hay không?

    Câu trả lời là không và có.

    Không vì có những thứ là nhu yếu phẩm, đằng nào cũng phải mua, như xà bông tắm, giặt, giấy vệ sinh, thực phẩm…

    Có, là biến những gì không cần thiết trở thành xa xỉ phẩm để tránh né. Như potato chip chẳng hạn. Vừa lành mạnh, vừa đỡ hao.

    Bên cạnh đó, cũng có vài cách để né shrinkflation.

    Đầu tiên là chịu khó lên danh sách các món hàng cần mua trước khi đi chợ và so sánh giá cả để tìm được nơi có giá rẻ nhất cho những thứ mình cần. Nhưng cẩn thận tính thêm khoảng cách di chuyển vào đó. Đôi khi không bõ tiền xăng!

    Thứ hai, cần lưu ý rằng mua các món hàng đóng gói cỡ bự chưa chắc đã là rẻ hơn. Phải cân nhắc giá đơn vị (unit cost) của một sản phẩm (thí dụ: $xx/roll; /ml, /gram, /count …) Thường thì Walmart hay Costco có ghi rõ chi tiết này trên bãng giá của sản phẩm. Ở Canada, in giá đơn vị của sản phẩm chỉ là bắt buộc tại Quebec, với các tỉnh bang khác là tự nguyện.

    Thứ ba là hãy cân nhắc thay thế các sản phẩm có tên tuổi – brand names, bằng các sản phẩm mang nhãn hiệu của cửa hàng – house brand. Chẳng hạn như đừng ham giấy vệ sinh Charmin, Royale mà dùng giấy no name của No Frills, Kirkland của Costco, Irresitibles của Metro…

    Đừng nghĩ rằng những sản phẩm house brand là kém phẩm chất. Không ít sản phẩm tương đương về mặt phẩm chất, hoặc chính là cùng một thứ sản phẩm như brand names nhưng bớt được chi phí quảng cáo. Chúng lại rẻ hơn thêm khi đến thẳng cửa hàng, không qua trung gian.

    Và đừng ngại “đo chai nước mắm, đếm củ dưa hành” khi đi chợ. Giáo sư Matthew Philp khuyên rằng tính toán chi li cho đến từng để tìm giá thấp nhất của sản phẩm mình cần mua là biện pháp tốt nhất, tuy không dễ. Trên nhãn giá, chi tiết về giá đơn vị sản phẩm thường được in rất nhỏ và khó đọc, nhưng cố mà đọc đi vì “tích tiểu thành đại”, vài cent món này, vài nickel món kia chính là cách tự tăng lương cho mình nhanh nhất (và đôi khi là duy nhất).


Working...
X