Announcement

Collapse
No announcement yet.

Nguyễn Bính với Cô hái mơ và Gái xuân - Tuấn Tôn

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Nguyễn Bính với Cô hái mơ và Gái xuân - Tuấn Tôn



    Click image for larger version  Name:	maxresdefault.jpg Views:	0 Size:	231.1 KB ID:	27973


    Có một giai thoại về bài thơ Cô hái mơ là khi bạn bè hỏi ông tại sao trong bài thơ này cô gái không trả lời lại với ông, có phải vì ông kém cỏi trong chuyện tán tỉnh phụ nữ thì ông trả lời là do cô gái hái mơ là người Mường nên không nghe được tiếng Kinh..(!) chắc là giai thoại trà dư tửu hậu của giới văn nghệ sĩ nhưng có lẽ vì thấm cái ý, cái tình của thi sĩ Nguyễn Bính mà ca sĩ Phạm Duy đã chọn để phổ nhạc cho sáng tác đầu tay của ông trong buổi sáng lang thang ở hồ Hoàn Kiếm cùng nhạc sĩ Nguyễn đình Phúc (là người phổ nhạc bài thơ Cô lái đò của thi sĩ Nguyễn Bính).

    Nguyễn Bính sáng tác từ rất sớm và với tập thơ đầu tay có tên là “Tâm hồn tôi” của ông đã giành được giải thưởng của “Tự lực văn đoàn”. Ông rất đào hoa và lãng mạn., trải qua nhiều mối tình và nhiều cuộc hôn nhân. Thế nhưng, trong sự nghiệp văn chương thì ông lại vô cùng chỉn chu, cần mẫn, đều đặn sáng tác.

    Những tháng ngày giang hồ phiêu bạt ở miền Nam ông đã lập gia đình và có một người con gái. Sau khi ra Bắc thăm quê và sau Hiệp định Paris, ông không trở lại miền Nam. Nỗi niềm này được ông thổ lộ vào những câu thơ đầy ắp nỗi thương nhớ trong bài thơ Đêm sao sáng :


    Tìm mũ Thần Nông chẳng thấy đâu,

    Thấy con Vịt lội giữa dòng sâu.

    Sao Hôm như mắt em ngày ấy,

    Rớm lệ nhìn tôi bước xuống tàu.

    Chòm sao Bắc Đẩu sáng tinh khôi,

    Lộng lẫy uy nghi một góc trời.

    Em ở bên kia bờ vĩ tuyến,

    Nhìn sao thao thức mấy năm rồi…

    Sao đặc trời cao sáng suốt đêm,

    Sao đêm chung sáng chẳng chia miền.

    Trời còn có bữa sao quên mọc,

    Tôi chẳng đêm nào chẳng nhớ em.



    Nguyễn Bính thường kể với bạn bè rằng người có ảnh hưởng nhiều nhất trong cuộc đời thơ ca của ông chính là Đại thi hào Nguyễn Du. Ông luôn coi Đại thi hào Nguyễn Du là thần tượng số một của mình. Chính bởi sự ngưỡng mộ đó,nên những vần thơ của Nguyễn Bính đôi lúc phảng phất một cách vô thức âm hưởng của truyện Kiều. Ông yêu ngôn ngữ và văn hóa dân tộc và yêu tất cả những chất liệu thơ ca truyền thống.

    Còn bài thơ Gái xuân của Nguyễn Bính đã khiến cho cậu học trò Trần Đỗ Lộc (Từ Vũ) say mê và chỉ với nhạc phẩm đầu tay này, tên tuổi của ông đã nổi đình nổi đám vào những năm 50 của thế kỷ trước ở miền Nam.

    Về nhạc sĩ Từ Vũ, một cái tên khá xa lạ với giới thưởng ngoạn, cho dù sáng tác của ông được phổ biến rộng rãi khắp nơi. Bản nhạc "Gái xuân" được Từ Vũ phổ nhạc từ một bài thơ của thi sĩ Nguyễn Bính và ngay sau khi bản nhạc được mang giới thiệu đến công chúng thì cái tênTừ Vũ đã có một vị trí trong làng âm nhạc Việt Nam. Ông về hoàn cảnh ra đời cũng như nguồn cảm hứng của ông khi sáng tác "Gái xuân" như sau:

    "Mùa xuân năm Quý Tỵ (1953), lúc ấy tôi 21 tuổi sống xa gia đình, không bạn bè, giữa Sài Gòn phồn hoa, đô hội. Khi buồn chỉ biết lục sách báo ra đọc. Tình cờ mớ sách gối đầu giường có tập thơ “Mây Tần” của Nguyễn Bính. Tôi đọc thấy bài “Gái Xuân”, một bài thơ ngắn (chỉ hai khổ thơ), nhưng lại có hấp lực dẫn dắt tâm trí tôi quay về với cố hương ở Thường Tín (Hà Đông). Hà Đông là quê lụa nên câu Gái Xuân giũ lụa trên sông Vân như đưa tôi về trong hoài niệm. Tôi đọc bài thơ dăm lần là đã ngấm, cầm bút giấy viết luôn một mạch".

    Với tính khiêm tốn, ông đã thẳng thắn từ chối danh xưng nhạc sĩ: “Xin đừng gọi tôi là nhạc sĩ. Cho đến bây giờ tôi cũng tự thấy mình là kẻ ngoại đạo trong lĩnh vực sáng tác và ca nhạc, nhưng tôi vẫn còn đó một niềm đam mê. Tôi viết Gái Xuân nhưng do bài thơ quá ngắn, tôi mạn phép tác giả thêm vào hai câu của tôi: "Xuân đi, xuân đến hãy còn xuân. Cô gái trông Xuân biết bao lần" để đủ độ dài thích hợp. Viết xong, cũng không nghĩ bài hát sẽ được phổ biến.

    Trong một đêm lang thang ngoài phố ở Phan Thiết tình cờ Từ Vũ nghe đài phát thanh Huế phát bài hát này qua tiếng hát của cô Diệu Hương. Ông không biết Diệu Hương là ai nhưng tiếng hát ấy đã làm ông đứng tựa cột đèn, ngây ngất lắng nghe, cảm giác ấy lâng lâng khó tả mãi trong ông.

    Nhạc sĩ Từ Vũ tên thật là Trần Đỗ Lộc, sinh năm 1932 tại Thường Tín, Hà Tây. Khi còn nhỏ, tuy rất mê âm nhạc, nhưng ông không có được sự hướng dẫn, đào tạo căn bản như các nhạc sĩ khác. Ngoài "Gái xuân", ông còn viết lời cho một số ca khúc ngoại quốc, trong đó có những nhạc phẩm đã nổi tiếng từ năm 1957 như “Cánh bướm vườn xuân” (Le Cerisier et le pommier), “Cánh buồm xa xưa” (La Paloma).

    Trong không khí vào Xuân của nước Úc hôm nay, vẫn còn rớt lại những ngày “Mưa phùn gió Bấc” đủ làm cho người nghe bâng khuâng khi để tâm hồn và ký ức lắng đọng về những kỷ niệm khó quên đã đi qua trong thanh âm của những câu thơ diệu êm và ru hồn của thi sĩ Nguyễn Bính quấn quýt trong những giai điệu mơ màng và duyên dáng của Cô hái mơ và Gái Xuân đang chợt vút cao…


    Last edited by Hung Nguyen; 09-24-2022, 08:53 AM.
Working...
X