Announcement

Collapse
No announcement yet.

SA MẠC TUỔI THƠ

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • SA MẠC TUỔI THƠ

    Sa Mạc Tuổi Thơ

    Ngọc Lan


    Năm 1962 gia đình tôi dọn về Kho Xăng, Khu Sáu, Qui Nhơn. Lúc đó còn là một bãi sa mạc mênh mông, đất rộng người thưa . Mợ tôi tha hồ chiếm đất trồng thông, hay còn gọi phi lao, là một loại cây dương liễu dễ trồng ở vùng đất cát sa mạc. Riêng bọn trẻ con tụi tôi tha hồ đi chơi mà không sợ bị lạc, cát trắng rộng bao la, chỉ toàn là những cây chà là, xương rồng và những cây bông dừa màu hồng tím, màu trắng rất là dễ thương nổi bật trên nền cát . Trưa nắng nóng đi trên cát muốn phỏng cả chân. Nhà chỉ có hai anh em, lúc đó tôi khoảng sáu bảy tuổi, anh tôi hơn tôi hai tuổi nhưng rất nghịch ngợm. Anh tôi tuổi con ngựa, nên chân là chân đi, ở nhà không chịu nổi nên lúc nào cũng tìm mọi cách chọc cho tôi khóc la lên để có cớ để đi chơi. Nhiều khi tôi đang chơi đồ hàng, không chòng không ghẹo, tự nhiên ông anh ra đá đổ hết đồ chơi của tôi . Thế là “cái còi xe lửa” la toáng lên “Mợ ơi anh Minh phá đồ chơi của con kìa”. Mợ tôi chạy ra tới thì anh đã ba chân bốn cẳng chạy mất tiêu rồi. Lúc bé tôi thật khổ sở vì cái tính hay nghịch phá của ông anh tôi, ngày nào không chọc cho tôi khóc chắc ngày đó không ăn cơm được nên không bao giờ để cho tôi yên.

    Trưa nào cũng vậy, đợi Mợ tôi ngủ say là ông anh tôi trốn ngủ trưa và cầm đầu đám lâu la con nít hàng xóm đi chơi khắp nơi. Đi xuyên qua bãi cát rộng mênh mông, qua trường Sư Phạm Qui Nhơn, chạy ra biển tắm, rồi vòng qua Gành Ráng, leo lên Suối Tiên (nghe nói con suối này có những hòn đá nhẵn thín vì có Tiên đến ngồi đánh cờ), chạy lên núi Trọc, rồi vào các làng hái chim chim, dzú dzẻ, xoài hay bắt dế, bắt ve,... Bên này con đường chỗ nhà tôi ở thì cát trắng không trồng được gì cả ngoài các cây phi lao. Vậy mà bên kia đường, dưới chân núi trọc đất đỏ, có làng người dân ở, tôi thấy họ trồng lúa, có vườn cây ăn trái như xoài, mãng cầu(na), cây trứng gà (Lê ki ma), …

    Một buổi trưa hè, cũng như mọi hôm đợi mợ tôi ngủ say, anh tôi đang lồm cồm bò ra cửa, tôi bắt gặp la lên” Anh Minh không cho em Lan đi em mách Mợ”, “Thì đi”. Nghe anh nói tôi mừng quá, thế là hai anh em rón rén bò ra ngoài đi chơi, không quên đóng cửa lại để cho Mợ tôi ngủ. Đám con nít hàng xóm khoảng bảy tám đứa đang chờ anh tôi ra nhập bọn. Tôi thấy đứa thì cầm mấy cây tre dài có gắn mủ mít ở đầu, tụi nó đưa cho anh tôi một cây, đứa thì cầm một cái bao nhỏ . À thì ra hôm nay tôi được tham dự buổi bắt ve và hái dưa hồng mà anh tôi và đám bạn hàng xóm đã hoạch định trước.

    Chúng tôi băng qua đường cái, sang làng bên kia đường, sau khi hái được mớ “chim chim” đỏ rực và ít “dzú dzẽ” vàng ươm, ăn ngon lành vì chỉ có đám trẻ con tụi tôi làm bá chủ chứ ai đâu mà đi hái những thứ này ăn. Anh tôi và vài đứa bạn bắt đầu leo lên cây bắt ve, những con ve kêu ran trời, nhưng rất khôn, phải thật yên lặng và kiên nhẫn mới chụp được nó nhưng phải dùng cái cây tre dài có gắn mủ mít ở đầu mới bắt được. Phải nín thở và rình thật lâu anh tôi mới bắt được hai con ve, một con cho tôi còn một con cho anh tôi. Nhìn con ve giống như con dán màu nâu nhạt với hai cái cánh xoè ra, thế mà nó kêu inh ỏi cả một góc trời. Tôi không có gì để gìữ nó nên mới nói anh tôi để vào hai túi quần sau, chốc về nhà tôi sẽ bỏ vào cái lon sữa bò để nuôi và cho nó kêu xem sao.

    Bây giờ tụi tôi mới đi hái trộm dưa hồng. Tôi nghĩ chắc đây là một loại dưa hấu, nhưng tại đất ở đây không được màu mỡ cho nên nó chỉ lớn hơn trái dừa khô và có ruột màu hồng vì thế người ta mới gọi là dưa hồng. Buổi trưa hè oi ả nóng nực, nên ai cũng ở trong nhà ngủ trưa, chỉ có bọn con nít chúng tôi mới có cơ hội đi phá làng phá xóm. Nhìn quanh quất không có ai, cả đám con nít bắt đầu bước xuống ruộng dưa hồng, đất khô cằn, chạy lung tung và kiếm những quả nào hơi lớn và xanh đậm thì mới chín và ngọt. Tôi bé nhất nên có nhiệm vụ ngồi giữ những chiến lợi phẩm mà tụi nó và ông anh tôi thu hoạch được. Mới được đâu chừng bốn năm trái thì tôi nghe có tiếng chó sủa và một đứa trong bọn la lên “ Chó, chạy” . Thế là cả bọn tụi nó và ông anh tôi, ba chân bốn cẳng chạy mất tiêu. Còn mình tôi đứng đó, ôm bao dưa, tôi nghĩ chạy cũng chết mà không chạy thì cũng chết. Làm sao kéo bao dưa này chạy nổi đây, chạy người không mà không có bao dưa, sợ ông anh tôi la, mà lôi bao dưa thì làm sao tôi chạy nổi. Vừa lúc đó ông chủ vườn dưa xuất hiện với sợi dây xích chó trong tay, cũng may ông ta không thả con chó ra, nếu không thì thế nào cũng có đứa bị chó cắn. Chắc ông ta cũng biết là chỉ có đám con nít phá làng phá xóm mới đi hái dưa giờ này nên ông không nỡ để chó cắn bọn tôi mà chỉ để nó sủa cho sợ mà bỏ chạy thôi. Ra đến nơi, ông thấy tôi đang đứng khóc với bao dưa hồng, mà “trên thì nước, dưới thì ướt”, chắc tại sợ quá nên tôi “tè” ra quần hồi nào không hay. Ông thấy tội nghiệp nhưng ông cũng giữ tôi ở đó, tôi sợ và khóc quá chừng. Lúc đó tôi nghĩ thế nào ông anh tôi cũng phải quay trở lại chứ làm sao dám về nhà mà không có tôi. Y như rằng tôi thấy anh tôi mon men trở lại, thấy tôi bị ông chủ vườn giữ ở đó, anh tôi mới làm gan vào xin cho tôi về mà không quên xin lỗi ông chủ vườn. Riêng ông chủ vườn thấy hai anh em tôi mặt mũi cũng trắng trẻo chắc cũng con nhà đàng hoàng, chỉ theo bọn trẻ con ham vui phá phách vậy thôi. Nên ông cũng không nỡ la mà chỉ nói “Tụi con muốn ăn dưa thì vô đây gặp ông, ông cho mỗi đứa một trái mà ăn, chứ đừng phá ruộng dưa của ông. Tụi con dẫm nát hư dưa của ông làm sao ông bán được, tội nghiệp ông, nghe chưa? Lần sau đứa nào muốn ăn, tới đây xin ông, ông cho, còn mấy trái dưa này tụi con lỡ hái rồi ông cho tụi con đem về ăn, lần sau không được phá như thế nữa, ông đến tận nhà mắng vốn với ba má tụi con đó.” Nghe vậy anh em tôi thấy sợ và cũng nể ông nên líu ríu kéo nhau về mà không quên cám ơn ông rối rít. Trên đường về anh tôi còn la tôi “Sao mày ngu quá vậy, thấy tụi nó chạy thì mình cũng phải chạy chứ. Để người ta bắt được, đến mách mợ, lần sau tao không cho mày đi nữa”. Tôi còn cố cãi lại “ Em chạy bỏ bao dưa lại anh Minh la em thì sao, nhưng mà anh Minh thấy không, nhờ vậy mà hôm nay có dưa ăn đó”.

    Tụi bạn thấy anh em tôi đến lại còn mang theo được bao dưa, tụi nó mừng lắm, xúm vào chia nhau ăn hết rồi mới về, chứ đâu đứa nào đám đem về nhà. Đã trốn nhà đi hái dưa trôm mà còn đem về nhà nữa thì chẵng khác nào “Lạy ông tôi ở bụi này” sao? Về đến nhà mặt tôi đỏ lửng như con gà trống thiến. Từ hồi giờ tôi ở trong nhà, trắng như trứng gà bóc, hôm nay lần đầu tiên mới được ra ngoài nhập bọn với anh tôi và đám con nít hàng xóm. Đứa nào đứa nấy đen như con dế mèn vì tụi nó dang nắng quen rồi, chỉ có mình tôi là khác làm sao dấu được Mợ tôi. Thôi chết rồi, làm sao đây? Tiếng Mợ tôi đang kêu “Thằng Minh, con Lan đâu?” Hai anh em tôi đành líu ríu đi vào nhận tội. “ Hai đứa nằm xuống đây, tội trưa không ngủ trưa đi dang nắng”. Ông anh tôi xin ra ngoài đi tiểu, một hồi trở vô, nằm xấp đưa bàn toạ để chịu trận . Tôi bị một roi quắn cả đít, nhớ đời. Mợ tôi phết anh tôi hai roi, một tội trốn ngủ trưa đi dang nắng, lại thêm một tội là dắt em theo nữa. Mợ tôi đánh mà như phủi bụi, anh tôi cứ tỉnh bơ như không. Phạt xong mợ tôi bảo hai anh em ra tắm rửa rồi vào ăn cơm. Mợ tôi và tôi nhìn anh tôi đứng cởi từng cái quần ra “ Này một cái, hai cái, ba cái, bốn cái, năm cái này”. Mợ tôi và tôi cũng bật phì cười, lúc đó tôi mới biết . À, thì ra anh tôi biết thế nào cũng bị đòn nên đã chuẩn bị trước. Anh ấy mặc cả thẩy là năm cái quần short ở trong thì làm sao mà đau cho được . Lúc này nước mắt, nước mũi còn kèm nhem vì trận đòn nhưng tôi vẫn còn nhớ ra “ anh Minh con ve của em”. Móc được hai con ve trong túi quần anh tôi ra, nó xẹp lép như hai con tép thấy mà thương. Thôi đành bỏ vào hộp quẹt diêm chôn nó như chôn trận đòn quắn đít hôm nay vậy . Từ đó tôi chả dám theo anh tôi đi chơi nữa. Mỗi lần thấy anh tôi đi chơi tôi cũng thèm lắm nhưng không dám, chỉ sợ làm “cản trở “ những cuộc chơi của anh tôi và lũ trẻ hàng xóm. Tôi lại lủi thủi chơi với đám đồ hàng lỉnh kỉnh, với con búp bê nhắm mắt mở mắt và vườn bông vạn thọ mà tôi tự gieo được. Nhưng lúc nào cũng không quên dặn “Anh Minh đi chơi nhớ bắt cho em con ve (hay con dế tùy mùa) nhé”.

    Hồi còn bé tôi có con bạn thân, cạnh nhà, cũng cùng tên Ngọc Lan. Nó bị rỗ mặt vì bệnh trái rạ nên ai cũng gọi là “Lan rỗ”. Hôm cô tôi chở tôi đi chụp hình, lúc đó tôi đang thay răng, hai cái răng cửa chưa mọc lên. Khi cô tôi bảo tôi cười, tôi cứ ngậm chặt môi tôi lại. Hỏi ra thì mới biết hai cái răng cửa của tôi đi du lịch chưa về, làm sao tôi dám nhe răng ra mà cười. Thế là từ đó ở nhà kêu tôi “Lan sún” để phân biệt với “Lan rỗ”, cũng may trên trường các bạn tôi không ai biết tôi có biệt danh này. Hai đứa chơi chung với nhau rất thân và chia xẻ với nhau mọi thứ cho đến khi gia đình nó phải dọn đi xa. Thế là từ đó tôi mất đi một người bạn thân như hai đứa sinh đôi. Bây giờ ngồi nghe lại bài hát “Tuổi thơ” của nhạc sĩ Lê Thương mà nhớ lại thời thơ ấu hồn nhiên ngày xưa quá.

    “Trời xanh xanh ngắt, hương thơm thơm ngát,

    Cùng nhau ta muá điệu ca, cùng nhau ta hát đời ta.

    Nhụy hoa thanh khiết, men hoa ngây ngất,

    Hát cho tâm hồn được khuây, cũng như cảnh đẹp được bay.

    Sớm bắt bướm hái hoa kêu la nô đùa,

    Chiều lại ra dạo chơi vườn hoa.

    Tối quyến luyến má ba vui ca bên đèn.

    Bảy giờ đêm nằm ngủ mơ thấy tiên.

    Cười vui ca hát, tươi thắm đôi môi ướt,

    Bàn tay năm ngón cùng xinh.

    Màu da trong trắng mượt tinh.

    Chìm trong đôi mắt, bao ước mơ trong vắt,

    Sướng thay cho đời trẻ thơ, mỗi trang là một bài thơ.

    Trẻ con theo tánh, ưa trái cây ưa bánh,

    Hàm răng hay sún vì chua, mà ai cho bánh đều ưa.

    Dầm mưa dang nắng, chơi cát dơ mẹ mắng.

    Sống vui trong bầu trời thơ, mỗi trang là một bài thơ.”

    Thật cám ơn Ba mợ tôi, cô tôi, và anh tôi đã cho tôi có được một tuổi thơ thần tiên, chỉ biết ăn học và vui chơi, không biết lo nghĩ chuyện gì cả.

    Anh Tôi





    Anh tôi có hai cái lỗ mũi huếch, lại hay ăn hàng nên các bạn gọi là “Minh heo”. Anh cũng hay nghịch nhưng lại rất hiền. Một buổi chiều tan học ra, lúc đó anh tôi đang học lớp tư (lớp hai bây giờ). Anh chạy về nhà, vừa đi vừa khóc bù lu bù loa “Minh về Minh mách mợ Minh”. Lúc đó anh chỉ mặc có mỗi cái quần xà-lỏn và tay cũng không xách cặp, trong khi đám bạn chừng bốn năm đứa đang chạy theo sau. Mợ tôi thấy vậy nóng cả ruột lên, mới hỏi và dẫn anh tôi đi theo đám bạn đến thẳng nhà đứa lớn nhất trong lớp thường hay bắt nạt anh tôi. À, thì ra mỗi ngày ông anh tôi phải nạp “tiền mãi lộ” cho nó, tụi bạn anh tôi gọi nó là “Quang đầu bò”. Thế là hôm nay “Minh heo” bị thua “Quang đầu bò” một không rồi. Mỗi ngày Mợ tôi cho anh tôi một đồng ăn sáng, mua được một ổ bánh mì thịt , anh tôi phải chia cho nó phân nửa. Chắc hôm đó anh tôi thèm quá và quên ăn hết nên bị nó “trấn lột”. Bị bắt nạt từ hồi nào mà anh tôi sợ không dám nói cho ai biết cả, hôm nay bị như vậy Mợ tôi mới biết. Thế là Mợ tôi dẫn anh đến tận nhà mắng vốn ba má nó, hôm sau mợ tôi còn lên trường thưa cô giáo và thầy hiệu trưởng. Nghĩ cũng tội nghiệp ảnh hiền, chỉ có nước bắt nạt tôi thôi. “Đúng là khôn nhà dại chợ”. Nhưng nhờ có Mợ tôi bênh vực “Không đứa nào được đụng đến con tao” mà anh tôi mới gỡ được một đều, từ đó anh tôi mới được yên thân mà không sợ đứa nào ăn hiếp nữa cả.

    Lũ con nít hàng xóm phong cho anh ấy là “Đại tướng…đàng”(táng đường) vì mợ tôi mở hàng bán tạp hoá, bánh kẹo và đủ thứ hầm bà lằng như dầu hôi, nước mắm, tiêu, bột ngọt , muối , đường….cho những người trong xóm, nhất là các gia đình binh sĩ trong chỗ ba tôi làm. Lúc đó mợ tôi cũng đã biết là chủ “visa, credit….ghi” rồi do phải bán chịu và ghi sổ, cuối tháng lãnh lương mới trả tiền. Được cái là tháng nào họ trả sòng phẳng tháng đó rồi mới ghi thiếu tiếp tục chứ không ai dám quịt nợ cả vì Ba tôi là người phát lương cho chồng của họ. Sẵn trong nhà bán bánh kẹo nhiều, mà tính anh tôi lại hào phóng, nên mỗi khi mợ tôi đi chợ là anh tụ tập đám con nít hàng xóm xếp hàng một. Cứ thế là anh phát chẩn, không kể đường táng, đường thẻ, kẹo bi, kẹo dừa,... nên tụi con nít hàng xóm họ thích anh tôi lắm, còn tôi thì đâu dám mách. Nếu Mợ tôi biết được anh tôi sẽ bị đòn rồi ảnh sẽ “oa-xịt” tôi ra, không cho tôi tham dự những cho trò chơi với anh và mấy đứa bạn hàng xóm như đánh trỗng, tạt lon, tạt hình. Anh cũng sẽ không cho tôi những viên bi thật đẹp mà anh vừa chơi ăn được. Hồi đó tụi tôi có rất nhiều trò chơi thú vị ở ngoài sân như nhảy dây, chơi u mọi, chơi cướp cờ, con gái thì chơi đánh thẻ, rải gianh, chơi ô làng, búng dây thun …Thích nhất là những đêm sáng trăng tụi tôi chơi năm mười, chơi trốn tìm, nhiều khi trốn kỹ quá không ai tìm ra được, có đứa còn ngủ quên nữa chứ.

    Năm nào cũng vậy, vào mùa Trung thu, tụi tôi chẻ tre làm lồng đèn ngôi sao, lồng đèn bánh ú để nộp chấm điểm ở trường. Sau đó rước đèn quanh xóm để xem lồng đèn đứa nào đẹp và ca hát vang trời “Tết Trung thu rước đèn đi chơi, em rước đèn đi khắp phố phường …..”, mãi tới khuya mới về. Tôi thích nhất khi được cho những tấm hình mới và đẹp mà anh tôi ăn được từ trò chơi dích hình. Hình thì họ bán một tấm lớn, mua về cắt ra từng tấm nhỏ, đủ các loại hình trong truyện tranh. Anh tôi có một cây sắt dẹp mài cho thật bén dùng để dích hai tấm hình một ngửa một xấp thì ăn. Anh lại rất giỏi về cái món này nên tôi được cho rất nhiều hình mới. Nhưng chơi gì thì chơi, đến ba giờ chiều (Ba tôi để chuông đồng hồ reo) là hai anh em tôi phải nghỉ chơi vào học bài . Tuy mới học lớp ba và chỉ khoảng bảy tuổi nhưng tôi đã biết bổn phận của mình. Đang chơi trong sân với các bạn mà nghe tiếng đồng hồ reo là tôi ngừng chơi và nói với các bạn “Tao không chơi nữa, tao phải vào học bài” và không quên nhắc nhở “Anh Minh vào học bài không về ba la đó”. Mặc dù anh em tôi vẫn còn luyến tiếc các trò chơi và những đứa bạn vẫn còn đang nô đùa, anh em tôi cũng phải bỏ ngang các cuộc chơi để vào ngồi học mà trong lòng vẫn còn ấm ức. Sao tụi nó không bị ba má nó bắt học bài gì cả mà chỉ có tôi và anh tôi phải học nhỉ? Bây giờ nghe bài hát “Hổng dám đâu” thấy sao mà giống tâm trạng anh em tôi hồi đó quá chừng.

    “Trên cành cao chim hót mời em đi giữa vườn xuân.

    Bao bạn thân lấp ló mời em tung tăng sân nhà.

    Đá bóng với đá cầu, nhảy dây, bắn bi, trốn tìm.

    Ôi hấp dẫn tuyệt vời, nhưng mà em hổng dám đâu.

    Hổng dám đâu, em còn phải học bài.

    Hổng dám đâu, em còn phải làm bài.

    Sao khó ghê, mai mình sẽ ôn bài.

    Hổng dám đâu, hổng dám đâu”

    Hồi nhỏ tụi tôi đi học, mỗi đứa phải đem theo một bình mực để chấm và dùng ngòi viết lá tre để viết. Tuổi nhỏ thường ham chơi, nhiều khi không để ý, nắp bình mực đậy không chặt, nên đi học về tay chân mặt mũi đứa nào cũng dính mực, không nhiều thì ít. Đã vậy anh hàng xóm còn nói anh em tôi “Đứa nào đi học mà không dính mực không phải học trò. Đứa nào dính mực nhiều là biết đứa đó học giỏi”. Ngày nào đi học về mặt mũi tay chân anh tôi cứ như ông kẹ vậy đó và mỗi ngày lại phải pha một bình mực mới. Tội nghiệp mợ tôi đến là khốn khổ với anh tôi vì phải cong lưng ra mà chùi và giặt cho sạch những vết mực dính đầy quần áo, tay chân anh tôi mà không biết lý do tại sao???

    Ba tôi ra phần thưởng là mỗi tháng hễ đứa nào được lãnh bảng danh dự thì Ba tôi sẽ thưởng tiền, hạng nhất thì được năm đồng, hạng nhì bốn đồng, hạng ba ba đồng, hạng tư hai đồng, hạng năm một đồng. Tháng nào tôi cũng được thưởng cả. Mỗi ngày mợ tôi lại phát tiền cho hai anh em tôi ăn sáng, mỗi tháng lại được lãnh lương năm đồng nữa chứ. Tôi thì hà tiện, chả dám ăn mà cứ để dành nên trong nhà tôi là “người giàu nhất”, còn anh tôi có bao nhiêu tiền là ăn cho bằng hết. Đã vậy còn “dzụ khị” tôi “Cho anh Minh mượn tết anh Minh trả 10 đồng thành 12”, tôi nghe ngon cơm quá, nhỏ mà tôi cũng đã biết cho vay lời “xanh xít đít đui” chứ phải không đâu .Thế là có bao nhiêu tiền dốc ra cho anh tôi mượn hết. Đợi đến “Tết Công Gô” cũng chả thấy ổng trả, chỉ có lên chùa mà lãnh, thế là mất cả vốn lẫn lời. “Ký ca ký cóp cho cọp nó ăn”, Mợ tôi nói vậy và bảo tôi nhớ đấy “Đừng bao giờ cho ai mượn tiền cả, có thì cho chứ đừng bao giờ cho mượn”, một bài học nhớ đời.

    Năm 1967, một hôm đi học về thấy lính Mỹ đông thật đông, đang xây cất trại ở khoảng đất trống “Bãi sa mạc tuổi thơ” của tụi tôi. Tôi vừa buồn, vừa sợ lại vừa giận nữa chứ. Còn đâu thiên đường của bọn con nít chúng tôi đi hái chà là, lội nước bắt nòng nọc, cá ngũ sắc, cá con,... vào những ngày trời mưa . Vào mùa mưa bãi sa mạc trở thành một vùng nước rộng mênh mông nhưng chỉ cao vừa đến đầu gối. Bọn con nít tụi tôi tha hồ lội và nghịch nước, lại còn bắt những con nòng nọc về nuôi cho đến khi nó biến thành mấy con cóc nhảy mất tiêu. Nhìn những ông Mỹ cao to lông lá đầy mình thấy mà sợ. Tự nhiên đến dành đất của tụi tôi, làm tụi tôi không còn được rong chơi như xưa. Đã vậy tôi còn thấy mấy đứa con nít hàng xóm đứng ngoài hàng rào chen lấn để lượm những viên kẹo mà mấy ông lính Mỹ vất ra và chụp hình tụi nó. Tôi đứng nhìn mà thấy buồn và giận. Tôi về nói cho mợ tôi biết, tôi tuy nhỏ nhưng đã biết có tự ái dân tộc rồi, tôi không thèm lượm những cái kẹo đó đâu. Ba mợ tôi đâu để anh em tôi thiếu thốn thèm thuồng cái gì nên Mợ tôi cấm không cho anh em tôi bén mảng ra gần mấy trại lính Mỹ đó.

    Cũng một hôm lững thững đi học về, có một xe Mỹ chạy ngang. Mấy ông lính trên xe vất kẹo xuống cho tôi, tôi tỉnh bơ đi như không biết , họ phải ra dấu chỉ chỉ cho tôi ý là cho tôi kẹo đó nhưng tôi cũng không thèm lượm. Tôi biết họ cũng ngạc nhiên lắm vì tại sao lại có đứa con nít chê kẹo như vậy. Tôi về kể cho mợ tôi nghe “Con không thèm lượm đâu, đưa tận tay chắc gì con đã nhận chưa nữa là vất xuống đất , mình lượm như vậy người ta coi thường mình”, Mợ tôi cũng gật đầu bảo tôi làm như thế là đúng.

    Một buổi trưa anh tôi và một số bạn rủ nhau lên núi Trọc chơi, ai ngờ bây giờ ở đó cũng có lính gác. Họ tưởng là VC nên bắt cả đám nhốt và hỏi con cái nhà ai? Ba tôi phải đem xe jeep qua đón mấy ông nhãi ranh về. Ba tôi la cho anh tôi một trận “Không có bố mày, nó nhốt để cho muỗi cắn một đêm, rồi nó còn đánh cho nữa vì tưởng là VC, từ đây không được bén mảng đến những nơi đó nữa nghe chưa”. Thế là từ đó anh tôi không còn được đi rong khắp nơi như những ngày xưa nữa, mà chỉ được chơi quanh quẩn gần nhà. Lên lớp đệ thất, Ba mợ tôi gởi anh tôi vào nội trú trường La San, cuối tuần mới được về thăm nhà một lần. Để anh ấy không đàn đúm với những đứa trẻ hàng xóm chỉ biết xin kẹo của Mỹ và học những tiếng như “Ô kê Sa Lem” nghe kỳ cục làm sao.

    Dẫu sao anh em tôi cũng được sống năm năm trời với tuổi thơ thần tiên và những kỷ niệm không quên đó. Thời gian trôi qua rồi không bao giờ quay trở lại và kỷ niệm thì bao giờ cũng đẹp. Nay ngồi nhớ lại chuyện ngày xưa như một cuốn phim quay chậm trở về trong ký ức làm cho tôi không sao cầm được nước mắt .Tuổi thơ trong sáng, ngây thơ và vô tư quá, “ Mỗi trang là một bài thơ”. Biết bao giờ mình mới có lại được “Những ngày xưa thân ái” đó nữa nhỉ? “Không ai có thể tắm hai lần trong cùng một dòng sông”, thật đúng như những gì thầy tôi đã nói . Thật buồn nhìn thời gian âm thầm trôi lờ lững, thoắt nhìn lại thấy mình đã ngoài 50 .Thấy mà phát sợ !!!

    Ngoc Lan-74KNN

    **Comment (1)

    Hi Ngọc Lan và Yến Thu!

    Hôm nay XL hổng có đi làm thêm. Có được mấy ngày ở nhà ngủ cho đã hai con mắt thèm ngủ lâu nay. Dạo trang web đọc bài Sa Mạc Tuổi Thơ...

    Hổng ngờ tuổi thơ của bọn mình sao có nhiều nét giống nhau đến thế. Chỉ có khác XL thường là kẻ đầu têu chứ không là kẻ a dua ăn theo..Cho nên mỗi lần bị phạt thì rất là ê ẩm...

    Lâu nay mỗi lần đọc các bài viết của NL, XL đều rất thích...Xl thích từ nội dung câu chuyện kể, cho đến câu văn..toát lên sự giản dị, mộc mạc, chân chất.. rất gần gũi...

    Quan trọng là những mẫu chuyện của NL đã đánh thức rất nhiều những kỷ niệm xa xưa năm nào ở trong ký ức của XL.

    XL rất phục cái bộ nhớ của NL quá xá cở đó nha...Cứ mỗi lần chuyện của NL mà làm cho XL nhớ thêm được gì của ngày xưa còn bé thì XL lại thấy cám ơn NL vô cùng. Cám ơn cả Yến Thu nữa đó.

    Chúc hai bạn luôn dzui, khỏe, yêu người, yêu đời .....

    XL
Working...
X