Announcement

Collapse
No announcement yet.

Mùa Ra Trừơng

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Mùa Ra Trừơng

    Mùa Ra Trường


    Nguyễn Ngọc Lan (74KNN)

    Hằng năm cứ đến cuối tháng Năm, đầu tháng Sáu là các trường học ở Mỹ từ Mẫu Giáo (preschool và kindergarden); Tiểu Học (elementary), từ lớp 1 đến lớp 5; Trung Học đệ nhất cấp(midle school), từ lớp 6 đến lớp 8; Trung Học đệ nhị cấp (high school), từ lớp 9 đến lớp 12; cho đến các trưòng Đại Học đua nhau làm lễ ra trường.

    Ở đây hay một cái là học xong lớp Preschool họ cũng làm lễ và trao bằng tốt nghiệp cho các em bé 3 - 4 tuổi, có trường cũng cho các em bận áo choàng trắng và đội mão trông thật dễ thương.



    Jimmy Nguyễn ngày ra trường lớp Mẫu Giáo

    Lễ tốt nghiệp Elementary và Midle School lại không được coi trọng lắm, các em chỉ xếp hàng và lên lãnh bằng do Hiệu Trưởng trao. Trang phục đơn giản, quần tây, áo sơ-mi; buổi lễ tổ chức gọn nhẹ tại trường và bố mẹ các em cũng được mời tham dự. Tôi chợt nhớ đến những buổi lễ phát phần thưởng cuối năm tại các trường Trung và Tiểu Học ở Việt Nam trước năm 1975. Buổi lễ phát thưởng cho các học sinh ưu tú của trường thường có văn nghệ do học sinh trình diễn. Học sinh nào được lãnh phần thưởng thật là hãnh diện, ôm gói quà thật to được bao bằng giấy bóng kiếng màu đỏ, màu vàng, sao mà đẹp quá chừng. Nơi đây, trong buổi lễ tốt nghiệp Tiểu Học của con trai mình, được nghe bài diễn văn thật xúc động của bà Hiệu Trưởng, tôi không cầm được nước mắt khi nhìn con đi lên nhận bằng. Bà nói bây giờ tụi nó bắt đầu bước vào tuổi đang lớn (teenager), cơ thể bắt đầu phát triển và tánh tình cũng thay đổi theo. Một buổi sáng nào đó thức dậy bạn sẽ không còn hỏi con của bạn “How are you?” nữa mà bạn sẽ hỏi là “Who are you?”.

    Đúng vậy, lúc nhỏ mình cho ăn gì, mặc gì, nói gì cũng ngoan ngoãn nghe lời. Lớn lên một chút là bắt đầu cãi lại, không thích cái này, không mặc cái kia, bắt đầu cứng đầu; dù cơ thể nó bắt đầu thay đổi, cao lớn hơn nhưng cái đầu vẫn còn con nít. Nhìn mấy đứa con trai trắng trẻo, mặt búng ra sữa với hàm râu mới mọc lún phún lại thêm mụn dậy thì mọc đầy mặt, trông mới buồn cười và tội nghiệp làm sao. Lớn thì không ra lớn, trẻ con cũng không còn trẻ con, nên tính tình nó thay đổi, là bố mẹ mình phải thông cảm cho tụi nó.

    Trong buổi lễ tốt nghiệp Midle School của con tôi, ba tôi qua thăm Mỹ và cũng đến dự. Ba rất vui và hãnh diện có thằng cháu ngoại ngoan, hiền, sáng dạ (nói theo cách của ba tôi nghĩa là thông minh đó). Thật vậy, nuôi con mới biết lòng cha mẹ; nuôi con ở Mỹ lại càng khó hơn. Ngày xưa ở Việt Nam có nhiều gia đình cả chục anh chị em, mà thấy bố mẹ nuôi dễ ợt. Đứa lớn coi đứa bé, anh chị lớn dạy dỗ em út và được sử dụng “Quyền huynh thế phụ”. Chả bù với bên này, gia đình nào cũng chỉ có hai đến bốn đứa là nhiều, nhiều gia đình chỉ có một con, cả bố lẫn mẹ theo lo cho nó cũng phát mệt. Lúc nhỏ cho đi học bơi, học đàn, học võ, thứ Bảy đi sinh hoạt hướng đạo, Chủ Nhật lại đi học tiếng Việt. Ngày thường, sau giờ học có các sinh hoạt ngoại khoá như computer club , Asian club, math team, sport … Nó đi đâu thì mình phải làm tài xế cho nó đến đó, cha mẹ phải dành rất nhiều thì giờ để lo cho con.

    Con càng lớn lại càng lo nhiều hơn lúc bé. Xã hội này quá tự do và đầy đủ nên lúc nào mình phải kiểm soát lo sợ nhiều cạm bẫy từ internet, game bạo động, súng đạn lại đuợc bán tự do nên thỉnh thoảng lại có chuyện bắn người hàng loạt. Thêm chuyện trẻ mới lớn từ 16 – 18 tuổi, đứa nào cũng đòi lái xe, mình lại càng thấy lo hơn. Càng lớn càng xa tầm tay mình kiểm soát, chỉ mong chúng nên người hữu dụng, chịu khó học tập, ra trường có việc làm và biết lo cho gia đình, có hiếu với cha mẹ là vui rồi. Lúc bé thì mình phải lo ăn, lo mặc và tiền gởi babysitter; từ Tiểu Học đến Trung Học thì khỏe hơn vì không phải lo đóng tiền trường và đi học lại có xe school bus đưa rước. Thậm chí con em của những gia đình nghèo (low income) còn được ăn sáng và ăn trưa miễn phí. Học trong trường cũng vậy, nếu học dở sẽ có nguời dạy thêm sau giờ học (after school), mình cũng không phải trả tiền; bài nào làm thiếu điểm thì lên gặp thầy cô giáo xin làm lại. Chả bù ở Việt Nam mình phải học trối chết mà khi thi chỉ được một lần hên xui may rủi, bởi thế mới có câu “Học tài thi phận”, sau 1975 lại còn có thêm chuyện “Học tài thi lý lịch” nữa.

    Bên này những em học giỏi được xếp vào các lớp theo đúng trình độ và khả năng. Do học theo tín chỉ (credit) nên có nhiều em ở Tiểu Học mà đã học Toán các lớp Trung Học, phải đi đến hai trường khác nhau trong cùng một ngày. Với trường hợp này thì bố mẹ phải có thì giờ nhiều hơn để lo cho con, dù đi học ở trường nào cũng có xe đưa rước. Bậc Trung Học cũng có thêm các lớp cao cấp là AP (Advanced Placement) hoặc IB (International Baccalaureat) để lấy các tín chỉ của Đại Học. Học sinh giỏi chỉ cần ba năm để lấy bằng Bachelor hay Cử Nhân (undergraduate), rồi học thêm hai năm nữa để lấy bằng Master hay Cao Học (graduate). Nếu cố học thêm 2 - 4 năm nữa thì lấy bằng PhD hay Tiến Sĩ (Doctor of Philosophy).

    Tôi thích chương trình giáo dục của nước Mỹ vì học sinh được huấn luyện để có thể tự học và nghiên cứu (research). Bảng đánh giá học sinh theo thứ tự A, B, C, D nên học sinh tự biết sức học của mình, khác hẳn với bên mình chỉ xếp theo vị thứ trong lớp nên có những người điểm trung bình trong lớp cao, mà vẫn xếp hạng thấp như thường. Ngoài ra, hệ thống giáo dục còn có những trường chuyên biệt (magnet school) dành cho các học sinh giỏi về một môn học nào đó như Toán, Vi Tính (computer), Ngoại Ngữ hay Nghệ Thuật. Ở tiểu bang Maryland của tôi, các em muốn đi về ngành Y (medical) như Bác Sĩ, Dược Sĩ, Nha Sĩ hay Y Tá thì học ở Paint Branch High School, ở đây họ có chương trình cho các em vào bệnh viện học hỏi và thực tập. Nếu các em giỏi về Toán hay Computer thì học ở Spring brook High School. Nếu thích về Nghệ Thuật hay Âm Nhạc thì học ở Blake Hubber High School. Riêng trường Trung Học Blair thì có những lớp ‘chuyên’, nhưng thi vào những lớp này rất khó vì họ chỉ nhận khoảng 100 học sinh, bên cạnh đó cũng có nhiều lớp dạy bình thường cho các học không giỏi lắm. Vì vậy khi nghe tên trường, lớp học cũng như thang điểm là mình biết ngay đứa đó có học giỏi hay không? Ở đây cũng có học bổng đủ loại dành cho các em học giỏi và chịu khó, như học bổng của chính phủ, của các cơ quan tư nhân như Bill Gate,Mac Donald, của hội Asian American, ….nhiều, nhiều lắm. Không biết bao nhiều triệu đồng được dùng để giúp đỡ các em học giỏi, có năng khiếu trong các môn thể thao, văn nghệ hay hoạt động thiện nguyện trong các công tác xã hội. Dễ có học bổng hơn nữa nếu các em có người hướng dẫn, chịu khó tìm tòi, học hỏi và có khả năng viết các luận văn (essay) hay. Có những học bổng lên đến cả trăm ngàn, coi như miễn phí (free) trong suốt những năm đại học. Số tiền đó chỉ được sử dụng cho việc ăn ở và học tập thôi, nếu xài không hết phải trả lại chứ không phải mình muốn dùng vào việc gì cũng được, đừng có ‘nghèo mà ham’. Các em được học bổng phải tiếp tục cố gắng để giữ điểm A chứ không phải ỷ có học bổng rồi muốn học sao thì học, rớt xuống hạng thấp hơn thì học bổng cũng sẽ bị cắt. Vào Đại Học cũng vậy, trường sẽ xét các bảng điểm lớp 10, lớp 11 và lớp 12, chủ yếu là lớp 11. Lớp 12 các em phải thi SAT (Scholastic Assessment Test) để lấy điểm vào Đại Học. Kỳ thi gồm ba môn Suy Luận Toán Học (mathematical reasoning), Đọc Hiểu (critical reading) và Luận Văn (writing skill). Học sinh có thể dự thi nhiều lần và điểm thi của môn nào cao thì được giữ lại trong lần thi đó. Các trường Đại Học sẽ chỉ căn cứ vào bảng điểm ở bậc Trung Học cùng với điểm SAT này để chọn sinh viên. Đây là bài thi toàn quốc, không có tình trang thuê người đi thi, mua chuộc hoặc đút lót để đậu vào rồi không học hành ra sao cả.

    Các em tốt nghiệp Trung học phải có ít nhất 75 giờ làm thiện nguyện cho Xã hội. Điều này cũng rất hay , tập cho các em làm những việc hửu ích cho xã hội mà không đòi hỏi thù lao . Có rất nhiều công việc để các em làm như làm việcở thư viện, ở các viện dưỡng lảo, đi múc đồ ăn cho các người homeless ở các trại tế bần, hoặc phụ giúp các cô giáo sau giờ học ở trường,hoặc làm việc thiện nguyện vào mùa hè ở các cơ quan , v..v...

    Có những em làm được vài trăm giờ đến 5 ngàn giờ thiện nguyện thì sẽ được trường khen thưởng , đeo thêm tage ở mũ .Tôi rất thích để cho con đi làm thiện nguyện vào muà hè , tập cho nó quen với sự giao tiếp những ngươì lớn ở ngoàì xã hội , học hỏi kinh nghiệm về chuyên môn cũng như tập được tính độc lập , tự chủ và trưởng thành hẳn ra. Cộng thêm nhiệt tình làm việc thích giúp người một cách vô tư và vô vụ lợi . Tôi thấy ở Mỹ này rất nhiều người về hưu họ bắt đầu đi làm thiện nguyện, đó cũng là một cái hay của đất nước Mỹ, vì khi họ về già họ được hưởng đầy đủ phúc lợi của Xã hội mà suốt thời gian đi làm họ đã đóng góp vào.



    Jimmy Nguyễn họp trại Hướng Đạo

    Học phí ở Đại Học Mỹ rất đắt nên có nhiều em không thể tiếp tục học lên mà phải ra đời đi làm, có em chỉ vào Cao Đẳng (college) học nghề hai năm rồi ra đi làm. Nói như vậy không có nghĩa là các em hết cách để lên Đại Học, nếu các em muốn học, chính phủ cũng sẵn sàng giúp đỡ về vấn đề tài chánh. Các em được mượn tiền với phân lời thấp, sau khi ra trường đi làm các em sẽ trả lại từ từ. Thường thì bố mẹ giúp con cái đóng tiền học bốn năm đầu, nếu gia đình có khả năng và không muốn con mình phải nợ quá nhiều khi ra trường. Sau đó muốn học thêm Master hay Doctor thì tự mượn tiền và học thêm lên. Với trình độ dân trí khá cao ở xứ này, nhiều sinh viên học xong chương trình bốn năm cũng khó kiếm việc làm, mà dù có việc làm chăng nữa, khi thuận tiện họ vẫn muốn trở lại trường học thêm hai năm nữa để lấy Master. Mức tăng lương theo thời gian thường rất chậm, nhưng nếu có thêm bằng cấp cao hơn lương có thể nhảy vọt lên cả chục ngàn mỗi năm. Đó là lý do tại sao ở xứ này nhiều người tuy lớn tuổi, có việc làm hoặc đi dạy rồi họ vẫn tiếp tục trở lại trường để lấy bằng này bằng nọ, không gì bằng sự học để tiến thân cả.

    Năm nay tôi được hân hạnh dự lễ tốt nghiệp Trung Học của con tôi tổ chức ở Constitution Hall, Washington DC là nơi mà nhiều trường Trung Học khác cũng tổ chức lễ tốt nghiệp. Trong buổi lễ này, mỗi trường có màu áo choàng riêng, nam nữ khác nhau; còn tốt nghiệp Đại Học thì các em chỉ mặc một màu áo choàng đen. Các em phải lấy vé trước và được phép mời cả ông bà, bố mẹ, anh chị em đi dự nên buổi lễ rất đông. Giáo sư dạy các em, các vị cố vấn trong trường và các vị Hiệu Trưởng cũ cũng đến dự. Nhìn ông Hiệu Phó ôm từng em như gởi gấm tâm tình để các em có thêm nghị lực trên bước đường sắp đến, cánh cửa này đóng lại rồi sẽ có cánh cửa khác mở ra để đón các em.



    Lễ Ra Trường



    Jimmy Nguyễn cùng ba mẹ



    Jimmy Nguyễn ngày tốt nghiệp High Shool.

    Nhớ lại hồi đó mình tốt nghiệp Đại Học mà không may mắn có được buổi lễ long trọng như thế, ra trường và chia tay trong âm thầm và lặng lẽ, nghĩ thấy thật thảm. Bây giờ Việt Nam đã khác nhiều rồi, lễ ra trường cũng có áo mão tân khoa, nghe đâu học xong Mẫu Giáo cũng mặc áo, đội mũ và làm lễ tốt nghiệp nữa đó, gì chứ người mình bắt chước lẹ lắm.

    Nhìn con chững chạc bước lên khán đài và nhận bằng tốt nghiệp từ vị Hiệu Trưởng rồi bắt tay từng giáo sư, thấy con mình trưởng thành và lớn hẳn ra. Tôi không cầm được nước mắt khi nhớ đến nhạc phẩm “Lời mẹ ru” của Trịnh Công Sơn.

    Thuở mẹ ru mẹ ru con ngủ,

    Con ngủ trên mây, con ngủ trên mây

    Tiếng khóc ban đầu

    Ban đầu còn đâu? Ban đầu còn đâu? Còn đâu?

    Rồi một mai con đã lớn khôn rồi

    Con thôi thơ ấu (…a)

    Mẹ rời thật mau

    Mẹ rời chiêm bao.

    …………………….

    Mà nghe lòng chùng xuống.

    Vài hàng múa rìu qua mắt thợ, nhờ các anh chị có kinh nghiệm góp ý thêm nhé.

    Ngọc Lan

    --------------------------------------------------------------------------------

    ** Comments** (4)

    Tue, June 19, 2012 8:32:25 PM Hùng Nguyễn (72CKO)

    Trong đời người, có một điều quan trọng có lẽ chỉ sau việc chọn người phối ngẫu, đó là chọn ngành học (major) khi bắt đầu vào đại học. Một cách tổng quát ngành học phải phù hợp với sở thích và năng khiếu của sinh viên thì việc học tập mới có thể có kết quả tốt. Tuy nhiên nếu tốt nghiệp Đại Học với thứ hạng cao nhưng lại không thể tìm được việc làm để trả nợ học đường (student loan) và tự nuôi sống bản thân thì kết quả coi như mới đạt được có một nửa. Biến động kinh tế toàn cầu hiện tại cũng ảnh hưởng rất lớn đến việc chọn ngành của các em, có những ngành rất ‘hot’ khi các em mới bắt đầu vào Đại Học nhưng lại có nhu cầu rất thấp khi các em ra trường 3 hay 4 năm sau đó !!! Phải chăng việc chọn ngành học cũng mang tính chất của rủi may ???

    Nhiều người cho rằng hãy cứ để cho các em tự chọn lấy ngành học, có người lại cho rằng cần phải khuyến khích hoặc ‘cưỡng bách’ các em theo học một ngành nào đó mà phụ huynh cảm mình thấy có lợi nhất cho tương lai các em như Bác Sĩ, Dược Sĩ, Nha Sĩ, Kỹ Sư,…

    Các bạn nghĩ sao về vấn đề này.

    --------------------------------------------------------------------------------

    Wed, June 20, 2012 5:08:59 AM NgocLan (74KNN)

    Chào anh Hùng,

    Đúng như vậy đó anh Hùng ạ. Em cũng chỉ cầu mong sao nó chọn được đúng ngành nghề phù hợp với khả năng của nó và ra trường có việc làm , nó tự lo cho bản thân nó và GĐ nó làm mình mừng rồi . VN mình có câu " Đại đăng khoa rồi đến tiểu đăng khoa" hai cái đều quan trọng trong cuộc đời. Nên mình chỉ hướng dẫn và giúp ý kiến chứ đâu bắt ép được, ngày xưa ba mẹ mình có bắt ép mình học ra Bác sĩ đâu. Biết rằng những ngành về y khoa như dược sĩ, bác sĩ thì ở đâu cũng dễ kiếm việc, mà ngành computer ở Mỹ bây giờ thì khó kiếm việc làm . Lúc trước nó cũng thích học trở thành BS con nít (Pediatric), sau nó đổi ý vì thấy làm BS stress ghê lắm. NL cũng có nói "Nếu con chọn ngành này thì con phải làm với lương tâm cũa con, nghĩa là mình phải thương ngừơi, không nề hà chuyện dơ bẩn, máu me, chứ đừng nghĩ làm BS nhiều tiền và vì tiền thì con sẽ không thành công, học gì thì học phải cố gắng"Nó nói tại sao VN mình cứ thích là Bác sĩ, dược sĩ. "Bởi vì nhửng ngành này ở đâu cũng cần cả , học ngành gì mình cũng phải biết nhu cầu Xã hội ra sao? Có những cái mình không thích nhưng nhu cầu cuộc sống mình cũng phải thích nghi vậy. Đây cũng là cả một vấn đề khi hướng dẫn con vào ĐH và kiếm việc làm thiện nguyện cho nó xem nó có thích nghề đó hay không?

    Vài hàng chia xẻ vơí anh,

    Thân mến,

    NL.

    --------------------------------------------------------------------------------

    YThu (74KNN)

    Hi anh Hùng, NLan,

    Cám ơn NLan đã viết bài với một đề tài sinh động, cụ thể rất hay và đầy đủ quá.

    Thu nghĩ trong vấn đề giáo dục hướng nghiệp con cái thường cha mẹ dựa vào khả năng của con cái mà cha mẹ đã khéo léo lèo lái khi con còn nhỏ... như đa số bậc cha mẹ đã áp dụng phương pháp 'Mưa dầm thấm nước'!

    Cũng có những trường hợp các bậc cha mẹ cực đoan áp đặt con cái theo ngành mình muốn như Y, Nha, Dược để con mình có địa vị và tiền tài ... trong xã hội.

    Cũng có những trường hợp may rủi "nghề chọn mình" vì phải theo vì nhu cầu... của xã hội.

    Âu là cái Số của nó! hihi!

    --------------------------------------------------------------------------------

    Jun 20, 2012 at 12:15:04 KV (74KCN)

    Hallo NL, YT, anhHùng và các bạn. Vui quá!

    "2lí tưởng trong cuộc đời"! mưa dầm thấm nước!,"con dại cái mang" đó là những lời hay đầy ý nghĩa trong cuộc sống.

    Gần nhất hàng ngày, Cái gì mình cũng phải sửa sọan nó mới đẹp, nhà cửa mình phải lau chùi dọn dẹp, cỏ ngòai sân mình phải cắt mới đẹp... Cho nên con cái mình nên chăm sóc và lèo lái nó trên con đường tương lai, như ý mình hay hợp với khả năng của nó.

    Bác sĩ, ca sĩ, kỹ sư, luật sư, buôn bán, thợ máy, thợ điện, thợ xây, thơ kí.... nghề nào cũng được, miễn có 1 nghề bỏ túi.

    Mà trong cuộc sống cũng có hên xui nữa nghe!.

    Ý kiến của Bạn

    Name:

    Email:

    Comments:

    TRỞ VỀ
Working...
X