Announcement

Collapse
No announcement yet.

Mợ Tôi

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Mợ Tôi

    Mợ Tôi

    Nguyễn thị Ngọc Lan

    Tôi còn nhớ lúc còn bé bạn tôi hỏi tôi: "Sao mày không ở với mẹ mày mà mày ở với mợ”. Tôi mới về hỏi và được mợ tôi trả lời rằng: “Người bắc ở Hà Nội thì gọi bố, mẹ là cậu, mợ; ở miền quê thì gọi là thầy, u hay thầy, đẻ (mợ tôi gọi bà ngoại là đẻ) còn miền trung thì gọi là ba, me; miền nam gọi ba, má; cha, mẹ; tiá, má”. Cũng là tiếng Việt mà mỗi miền có tiếng gọi khác nhau, nhưng nói chung thì cũng là những tiếng gọi thân thương và trìu mến nhất trên đời, mình cứ muốn được gọi mãi.. Riêng tôi thì tôi gọi bố, mẹ tôi là ba, mợ.

    Mợ tôi tức là mẹ của tôi, tính đến nay mợ tôi mất đã mười ba năm nhưng mỗi lần ngồi nghĩ và nhớ đến mợ tôi, tôi vẫn không sao cầm đựơc nước mắt. Mợ tôi là con gái nhà quê, nhưng mợ tôi không phải làm ruộng và bà cũng không thích làm ruộng. Vì ông ngoại tôi cũng thuộc hạng khá giả ở trong làng và ở nhà có nhiều người làm nên ông ngoại tôi cho mợ tôi đi học Bà cũng tốt nghiệp được Lớp Ba Trường Làng, xong ông ngoại cho mợ tôi đi học may, bà đi học cả năm trời mà chẳng học được gì cả, chủ họ bắt hết giữ em đến xách nước, nấu cơm, cả năm mà họ chỉ đưa cho luồn cái áo hay đính cái khuy, thế thôi. Ngày xưa ở Việt Nam đi học nghề khó khăn lắm chứ không như bây gìờ. Tức mình, mợ tôi chả thèm học nghề may nữa mà bỏ về theo bà ngoại tôi đi buôn bán. Bà kể rằng lúc đó ở miền bắc chia ra hai vùng, một bên thì Việt Minh kiểm soát, một bên là Pháp kiểm soát nên bà đi buôn vàng và thuốc ký-ninh từ Hà Đông ra Hà Nội và ngược lại vì vàng thì không được đem từ Hà Đông đi vì lúc này Việt Minh đã kiểm soát. Họ cần thuốc ký ninh để trị sốt rét mà thuốc tây thì không được đem ra khỏi Hà Nội, hai thứ này là hàng quốc cấm, vậy mà mợ tôi rất mạo hiểm. Những chỉ vàng bà cắn dẹp và dấu vào tóc và quấn khăn vành rây lên đầu hoặc để vào trong mấy miêng trầu. mợ tôi còn nhuộm răng và ăn trầu; còn mua thuốc tây từ Hà nội về thì cái thúng bà làm hai đáy, bên dưới thì để thuốc ký ninh còn bên trên thì buôn bán trầu cau nên bà đi êm xuôi trót lọt mà không ai hay biết.

    Ông nội tôi thấy mợ tôi buôn bán giỏi giang, khôn ngoan, lanh lẹ nhất chợ Hà Đông mà lại được mắt nên ông nội tôi mới đi hỏi mợ tôi cho ba tôi. Ba tôi là người ở tỉnh, học trò Trường Bưởi ngày xưa. Lúc đó ba tôi đang học ở trường Sĩ Quan Nam Định. Thấy ba tôi hiền lành chậm chạp nên ông nội tôi chọn mợ tôi cho ba tôi và ông nói rằng: "Vợ khôn ngoan thì làm quan cho chồng", mợ tôi khôn ngoan lanh lẹ còn biết buôn bán đỡ đần với chồng mà nuôi con, nếu chồng có sa cơ thất thế người vợ còn lo cho gia đình đựơc. Đúng như ông nội tôi nghĩ, năm 1975 , ba tôi phải đi “Học tập cải tạo”, một mình mợ tôi buôn bán lo cho cả nhà, chị em tôi vẫn được đi học, mà không phải bỏ học ngày nào cả.

    Đến ngày Hiệp định Giơ-Neo ký kết ba tôi đến xin ông ngoại đưa mợ tôi xuống tàu đi vào Nam gấp, theo như lời mợ tôi kể lại, ông ngoại dặn mợ tôi là “Không được cãi vã lại với chồng con vì con cãi lại với chồng tức là con đã cãi laị với thầy đó”. Mợ tôi nhớ lời dạy bảo cuả ông ngoại tôi mà suốt từ bé cho tới lớn tôi chả bao gìờ thấy ba, mợ tôi to tiếng với nhau cả. Hễ ba tôi giận ông la um sùm, mợ tôi nín thinh, không nói tiếng nào cả, dù phải hay trái bà cũng không nói lại , vì bà nói: “Lỗ tai gần cái miệng, ông nói thì ông phải nghe trước, với lại khi người ta nóng giận, mình nói thì chả ai chịu nghe cả, như đổ thêm dầu vào lửa mà thôi”. Đợi hai, ba ngày sau, ba tôi nguôi giận, lúc đó bà bảo ba tôi ngồi xuống ghế và phân tích phải, trái đúng, sai cho ba tôi nghe; lúc đó ba tôi chỉ ngồi nghe mà chả nói được tiếng nào. Bởi vậy ngày tôi lập gia đình bà nói rằng: “Chồng giận thì vợ bớt lời, cơm sôi bớt lửa có đời nào khê”.

    Tuy mợ tôi ít học nhưng bà rất thích đọc sách báo và truyện. Bà là cả một kho tàng chuyện, hồi còn bé mỗi tối trước khi đi ngủ tôi đều đựơc mợ tôi kể chuyện cho tôi nghe; đủ thứ chuyện, tôi rất phục trí nhớ của mợ tôi và sự ăn nói lưu loát của bà. Bà mở miệng ra là ca dao tục ngữ bà tuôn ra đúng vần đúng điệu, đúng nơi đúng chỗ.

    Mợ tôi cũng rất gan dạ và thông minh, tôi còn nhớ lúc gia đình tôi mới dọn ra Qui nhơn năm 1962-1963, đất rộng thênh thang, nhà ở cách xa nhau, mợ tôi nuôi cả đàn vịt mấy chục con, một đêm nọ ba tôi phải đi trực ở trong trại, thì kẻ trộm họ lùa cả đàn vịt đi. Vậy mà một mình mợ tôi, bà bảo cô tôi đóng cửa và coi chừng hai anh em chúng tôi, bà vừa đi vừa la lên như chỉ huy mấy người lính của ba tôi: “Các chú đi vòng bên kia, còn mấy chú này theo tôi đi đường này". Hàng xóm nhà nào cũng cửa đóng then cài, đâu ai dám ra. Một mình mợ tôi đêm khuya một, hai giờ sáng bà lùa đàn vịt về, vì những người ăn trộm họ tưởng đông người họ bỏ chạy, chứ thực sự chỉ có một mình mợ tôi, từ đó nhà tôi không bao gìơ bị ăn trộm viếng nữa.

    Bà cũng rất có tay mướn người làm , mỗi người đến bà đều có cách thử xem người đó có thật thà, trung thực hay gian dối. Mợ tôi giả vờ để quên tiền dưới gối hay chỗ nào đó, nếu người gian tham thì họ sẽ im luôn, còn người thật thà họ đưa tiền lại cho mợ tôi, lúc đó bà mới thuê họ . Mợ tôi thương người làm cũng như con cháu trong nhà, nên họ vừa nể mà thương mợ tôi, và ở với mợ tôi cả chục năm cho đến khi về quê lập gia đình.

    Mợ tôi nói rằng ông ngoại đặt tên cho mợ tôi lấy tích là Mạnh Thường Quân, nên tính bà rất rộng rãi và hay thương người. Mợ tôi có sạp bán hàng ở chợ, một ngày bà cho không biết bao nhiêu những người ăn xin, những trẻ bán nhang, bán vé số, bà không mua, nhưng ai đến xin thì bà cho tiền không nhiều, nhưng cũng đủ tiền ăn được ổ bánh mì. Bởi vậy ngày nào họ cũng đến xin, nhưng được cái trời cho mợ tôi buôn bán cũng đắt hàng, phần bà cũng có duyên bán hàng, phần bà khéo ăn nói, ai vào hàng mợ tôi khó mà ra tay không. Vì bà nói: “Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau".

    Lúc anh em tôi còn bé thì mợ tôi mở tiệm bán tạp hoá ở nhà, đi học về lúc nào cũng có mợ tôi ở nhà và để dành cái gì đó cho anh em tôi ăn, tuy bà ở nhà nhưng bà vẫn làm ra tiền phụ ba tôi lo cho gia đình, rãnh thì mợ tôi đọc sách đọc báo, chứ không như những bà hàng xóm tụm năm tụm ba noí chuyện nên hàng xóm rất nể mợ tôi. Bà luôn khuyên bảo anh em tôi phải biết thương yêu và kính trọng ba tôi, không đựơc cãi lại dù ba tôi la mắng chuyện gì đúng hay sai cũng không đựơc hỗn với ba, trời sẽ phạt đấy. Cho đến bây gìờ, mặc dù lớn hết cả rồi , nhiều lúc ba tôi giận chuyện gì đó cứ la um sùm, anh em tôi vẫn nín mà không cãi lại tiếng nào cả.

    Khi tôi lập gia đình rồi thì mợ tôi mới kể cho tôi nghe, ba tôi lúc còn trẻ, ông cũng rất bay bướm và đào hoa, vì con trai Hà nội, lại là sĩ quan và biết đàn, biết hát, lại biết nhảy đầm. Mặc dù là ông rất hiền và ít nói, nhưng không hiểu sao đi đâu cũng có người theo làm mợ tôi lúc chân ướt chân ráo mới vào Nam, bà cũng đi theo bắt ghen vì bà bảo: “Ớt nào mà ớt chả cay, gái nào mà gái chả hay ghen chồng”. Bà kể có lần bà nghe nói ba tôi có bồ, lúc đó ba tôi đóng quân tận trên đèo Bạch Mã. Bà thuê luôn một cái xe taxi, từ Huế đi đem theo cả cô tôi (em út cuả ba tôi) lúc đó mới mười tuổi, anh tôi lúc đó mới hai tuổi, còn tôi mới được ba tháng. Trời ở ngoài Huế thì mưa phùn, đi đường đèo rất là nguy hiểm, thế mà lên đến nơi họ nói là không có ba tôi ở đó, nên phải quay trở về lại Huế, mà đường đèo trơn trợt, ông tài xế mới nói mợ tôi rằng: “Bà có biết là bà đi như vậy rất là nguy hiểm không? Lỡ xảy ra tai nạn, chết cả mẹ cả con, thiệt thân bà mà tôi nghiệp cho mấy đứa nhỏ, thôi thì bà cứ về lo nuôi con, nuôi em cho ông, lá rụng cũng về cội “. Từ đó cứ đến tháng mợ tôi lãnh lương của ba tôi mà lo gia đình, bà chả thèm đi theo bắt ghen nữa. Nhưng được cái là ba tôi rất thương vợ con và lo cho gia đình, ông ăn chơi bay bướm đâu ngoài đường, chứ ở nhà ông lo cho vợ con từ miếng ăn ngon, cái áo đẹp, mà ba tôi rất nể mợ tôi. Tuy mợ tôi không theo bắt ghen ba tôi nữa nhưng bà có cách xử lý của bà. Bà hỏi ba tôi có biết chuyện cô Cúc và ông Huyện Trường không vậy? Cô Cúc cũng ở thị xã Hà Đông, vụ án cô Cúc sôi đông cả Hà Nội một thời . Cô Cúc chém ông Huyện Trường ba mươi sáu nhát dao, cô không cần luật sư mà ra trước toà cô tự cãi lấy và đựơc trắng án.

    Mợ tôi mà biết ba tôi có mèo bà dỗ ngon dỗ ngọt: 'Ông muốn lấy ai, ông cứ cho tôi biết tôi đi hỏi cưới cho ông”, vì bà nói: “Trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên chỉ có một chồng“. Ông nhẹ dạ dễ tin , cứ tưởng thật phun ra hết, thế là mợ tôi tìm đến nơi, trước là bà dùng tâm lý tình cảm, đã nói là bà ăn nói rất ngọt ngào, khôn ngoan khéo léo mà. Đại khái bà nói: “Đời còn dài, các cô còn trẻ, các cô có thể kiếm được người khác lấy chồng đàng hoàng , tôi không phá vỡ hạnh phúc gia đình ai, tôi cũng không muốn ai phá vỡ hạnh phúc gia đình tôi”. Một mặt bà kiếm mấy người lính độc thân chưa vợ dưới quyền chỉ huy của ba tôi bà làm mai để các cô đó lấy chồng và đám cưới bà cũng cho một số vốn làm ăn. Bà đến nói chuyện phải trái nhưng đồng thời bà cũng kèm theo câu hỏi: “Thế các cô có biết chuyện cô Cẩm Nhung và bà Đại Tá Thức không ? Ở Sài Gòn ai mà không biết vụ tạt axit vì ghen”. Bà chỉ doạ vậy thôi chứ các cô thấy và nghe mợ tôi nói chuyện là đã biết phải rút lui rồi. Mợ tôi biết bảo vệ uy tín ba tôi nên ông rất nể là vậy, ông cũng không hiểu tại sao?

    Có một lần ông nhất định đòi cưới vợ hai, mợ tôi mới nói: “Được rồi ông muốn con nào thì tôi cũng đi hỏi cưới cho ông cả, nhưng ông phải để cho các con ông chúng nó lập gia đình xong caí đã. Chứ ai người ta nhìn vào thấy chồng hai, ba vợ, người ta đánh giá, con mình không lấy được người đàng hoàng”, vì mợ tôi biết ba tôi rất thương con và hy sinh cho con được ăn học nên người . Ông nghe cũng có lý và suôi tai nên đợi. Bà mới cười nói với tôi rằng: “Có mà đợi xuống lỗ”. Vì tới bây gìờ ba tôi đã tám mươi lăm tuổi rồi mà cô em gái tôi vẫn chưa chịu lập gia đình. Đuoc trời thương ba tôi khỏe mạnh, tuy bị stroke liệt một tay, nhưng còn đi lui đi tới được và có ông anh tôi chăm sóc và ở Việt Nam, ông vui và khỏe hơn ở bên Mỹ này. Tôi rất nể và thương mợ tôi, suốt cuộc đời bà hy sinh và chịu đựng, bằng mọi giá bà vẫn binh vực và giữ thể diện cho ba tôi. Bà buôn bán gây dựng cơ ngơi ở Qui Nhơn để chuẩn bị cho ba tôi về hưu. Nhưng biến cố 1975, phải bỏ tất cả vào Sái Gòn làm lại từ đầu, mợ tôi buôn bán cực khổ, một năm ba trăm sáu mươi lăm ngày chỉ nghỉ được ngày mồng một Tết. Bà khoẻ mạnh chả bao gìờ phải uống một viên thuốc cảm hay nhức đầu, sổ mũi. Vậy mà mới ngoài sáu mươi mợ tôi bị bịnh cao áp huyết, không biết kiêng cữ và thuốc men đầy đủ nên bị stroke lần thứ hai là không đi đứng và nằm một chỗ mấy năm trời. Tôi ân hận mãi là mình chưa trả hiếu cho mợ mình, mợ tôi chả được đi chơi đâu cả, không được ăn những món ngon vật lạ và nhất là chưa được qua Mỹ du lịch như tôi đã làm cho ba tôi, như bà đã ao ước là được qua Mỹ một ngày chết cũng thoả mãn.

    Mợ tôi tuy là con gái nhà quê nhưng bà lại rất thích tân nhạc, hai bài mà bà thích nhất đó là “Cô Láng Giềng “ và “Cô Lái Đò”. Sau này tôi mới nghe dì tôi kế lại tôi mới biết là hai bản nhạc đó có chất chứa ít nhiều tâm sự của mợ tôi trong đó. Lúc mợ tôi còn sống mỗi lần thấy đám ma ở Việt Nam có dàn kèn Tây mợ tôi thích lắm; bởi vậy ngày đám tang của mợ tôi cô em tôi cũng thuê một dàn kèn Tây đến thổi những bài hát mà mợ tôi và ba tôi thích. Khi họ thổi bài “Lòng Mẹ” không ai cầm đựơc nước mắt cả, riêng ba tôi thì khi nghe đến bài “ Phút cuối “ của Lam Phương thì ông đã khóc và biết là từ đây sẽ vĩnh viễn mất đi một người vợ mà suốt cả đời chỉ biết hy sinh cho chồng cho con.

    Nguyễn thị Ngọc Lan-74KNN

    TRỞ VỀ

Working...
X