Tiểu Đội Trưởng Tiểu Đội Tôi
Nguyễn Thị Ngọc Lan
Anh Đoàn Ngọc Liên
Nguyễn Thị Ngọc Lan
Anh Đoàn Ngọc Liên
Năm 1977 toàn khóa 74 chúng tôi phải học quân sự bạn ạ. Thế là cả khoá chia ra nào là đại đội, trung đội và tiểu đội. Tiểu đội tôi gồm có bốn, năm người, tôi chỉ nhớ là có chị Mỹ vì chị thấp hơn tôi nên chị đứng trước tôi, đến tôi vừa mập vừa lùn nên đứng thứ hai và sau tôi hình như có chị Tuyết Mai cũng hơi tròn người nếu không dám nói là mập và cũng không được cao lắm, sau cùng là Hoàng Loan vừa ốm vừa cao, nên nó bao chót. Còn anh Tiểu đội trưởng được đặc cách trông coi tiểu đội tôi chẳng ai xa lạ là anh Đoàn Ngọc Liên, cao và đô con nhất lớp, có tính hay diễu và chọc cười thiên hạ.
Bạn cứ thử tưởng tượng, mỗi lần anh Liên dẫn tiểu đội tôi ra trình diện trước bàn dân thiên hạ trong trường, lúc đó được gọi là Trung đoàn thì phải. Chỉ trông đội hình của tiểu đội tôi là đã không nín cười được rồi, người thì cao thật cao là anh Đoàn Ngọc Liên đứng trước , chị Mỹ và tôi cứ như công chúa Bạch Tuyết đứng trước bảy chú lùn. Đã vậy mổi lần hô “Nghiêm”, “Nghỉ”, anh còn lắc lắc thân mình trước khi đứng yên, trông tức cười thì thôi. Anh đang hô “Nghiêm” thì tự nhiên cái mũ tôi đang đội trên đầu bị gió thổi bay, tôi chả biết phải làm sao, lính quýnh chụp, chị Mỹ phải nhắc “Nghiêm kìa mày”. Tôi phải lật đật đứng yên tại chỗ, đến khi anh hô “Bên trái quay”. Tôi lại quay bên phải, đụng đầu chị Mỹ mới biết là mình quay lộn, đã vậy chị Mai đứng đàng sau tôi lại quay theo tôi nên ba người thì quay bên trái, hai người lại quay bên phải.Tiếp đến tưởng anh hô bên phải quay, ai ngờ anh lại hô bên trái quay lần nữa, nên lần này chị Mỹ lại quay lộn bên. Chưa kịp hoàn hồn anh lại hô “Đằng sau quay”, rồi lại “Đằng trước quay”, tụi tôi cứ quay mòng mòng chả biết đúng sai, bên phải hay bên trái gì nữa cả. Nhớ đến cảnh chị Mỹ cúi đầu lẩm bẩm “trái, phải, phải, trái sao tao cứ lộn hoài”, làm tôi cũng tức cười. Chị Mỹ rất giỏi và thông minh trong việc học, nhưng có lẽ ra đứng trước đám đông nên mất bình tĩnh, khớp và hơi run nên quên ráo trọi. Tôi cũng không hơn gì chị Mỹ, nên nghĩ anh Liên làm tiểu đội trưởng tiểu đội tôi chắc ảnh cũng điên đầu. Cứ thế mà anh tập cho tụi tôi quen dần với tác phong quân đội là phải biết nghe và thi hành đúng theo mệnh lệnh của cấp trên “Thi hành trước, khiếu nại sau”.
Thu Dung, Trần Văn Lư, Dương Thị Ruộng, Đoàn Ngọc Liên, Bùi Thị Tuyết
Tập quay trái, quay phải, đằng trứơc, đằng sau xong, bây giờ đến tập đi “Một, hai, ba, bốn, một, hai, ba, bốn, chân phải bước lên trước”. Ngày nào cũng tập từ sáng đến trưa, mệt phờ cả người ra đó chứ, mà đâu phải ai cũng đi được và đi đều đâu bạn ạ , thấy vậy chứ không phải vậy đâu. Lớp trưởng lúc đó là anh Trần văn Lư cũng là đại đội trưởng tụi tôi luôn nên anh phải đi hàng đầu tiên, anh ta lại có tướng đi rất là đặc biệt. Anh Lư cũng cố gắng tập đi một cách nghiêm túc chứ không phải đùa đâu, nhưng khổ nỗi anh càng cố gắng, dáng đi của anh càng làm ai nhìn cũng không nhịn được cười bạn ạ. Tôi không biết diễn tả làm sao, nhưng hình như anh ta đang nhảy cà tưng, cà tưng chứ không phải đi. Thế là anh huấn luyện viên phải lịch sự nhờ anh Lư đứng ra ngoài hàng và đếm cho tụi tôi bước, chứ anh Lư mà đứng trong hàng làm tụi tôi cười, không tập được lại mất đi không khí nghiêm túc của buổi học .
Buổỉ sáng thì tụ tập ngoài trời, chiều vào giảng đường học lý thuyết và sinh hoạt, chơi trò bắn súng bằng miệng “tạch tạch đùng, tạch tạch đùng”. Bên phải giảng đường kêu tạch tạch thì bên trái kêu đùng đùng và ngược lại. Nhưng các anh lại không kêu như vậy mà lại đổi là “mập mâp mà lùn” thế mới chết cho tôi không chứ. Một hôm lững thững đi bộ vào trường, vài anh nào đó bên công nghiệp đi đàng sau tôi đếm bước “mập mập mà lùn” làm tôi ngượng quíu cả chân, đi không muốn vững. Mỗi lần sinh hoạt ở giảng đường anh Liên cũng hay lên hát giúp vui. Anh Liên đúng là một “Hoạt náo viên” có tài làm cho mọi người cười thoải mái, anh lại có biệt tài ca vọng cổ sáu câu rất là “mùi”, cả giảng đường ai cũng phải vỗ tay tán thưởng cả. Một hôm anh tiểu đội trưởng tiểu đội tôi đang ngồi ở băng đá ở hành lang trường, thấy tôi đang lò dò đi đến, anh phát hiện và la lên “ A, Ngọc Lan có tướng đi giống Xặc –lô , Xặc –Le (Charlie Chaplin) nên gọi Ngoc Lan là Xạc –Lan luôn đi ”, cũng may không ai biết nên tôi không bị mang biệt danh ấy.
Chẳng dám dấu gì bạn, hồi nhỏ tôi được bà cô tôi bế đi chơi sớm lắm chắc khoảng ba, bốn tháng đã bồng ở nách rồi nên tôi bị đi hai hàng mà hai bàn chân lại đi chữ bát nữa chứ. Nên lên đến lớp 12 ba tôi bảo tôi phải sửa lại cái tướng đi. Ngày nào tôi cũng phải đội cuốn tự điển nặng trên đầu và bước theo cái lằn gạch phấn, chân này trước chân kia, cho quen, để khỏi bị chê là đi vòng kiềng chân chữ bát. Đi học mặc áo dài, đi guốc cao thì không ai thấy .Nhưng lỡ hôm nào đi giày thấp và quên không để ý ai nhìn. Tôi cứ thoải mái mà bước đi tự nhiên theo ý của mình, thì mới bị phát hiện thôi.
Khóa tụi tôi được may mắn là chỉ tập sơ sơ vậy thôi, chứ không phải tập trận giả. Lăn, lê, bò, lết như khoá 75 sau này. Tôi nghe nói sinh viên khoá 75 còn phaỉ đeo ba-lô bỏ gạch vào nặng ít nhất 5kg , cắm cây lá ngụy trang như đi hành quân trong rừng và đi bộ một vòng vào rừng cao su từ 4-5 giờ sáng rồi đến 9-10 gìờ sáng gì đó mới về tới trường. Lúc đó đi học thấy các bạn khoá 75 đang chia hai phe, một anh đang cầm lon sữa bò đã được đục lỗ và thông qua một cái cây cầm quay quay, nghe rẻng rẻng. Tôi ngạc nhiên không hiểu bọn họ đang làm cái trò gì mà ngộ quá vậy, hỏi ra thì được biết phe anh ta đang bắn phe kia, trông tức cười hết sức. Sinh viên bò lê bò càng tập quân sự như vậy để chuẩn bị đánh lại Trung cộng vì lúc đó đang có chiến tranh biên giới Việt Nam và Trung quốc.
Trở lại anh tiểu đội trưởng tiểu đội tôi, sau này trong các chuyến đi lao động anh còn được tiếp tục làm tổ trưởng tổ lao động của tôi nữa bạn ạ. Chả là anh rất mạnh khoẻ , năng nổ và nhiệt tình mà tôi lại là đứa nhỏ nhất và yếu nhất trong lớp. Giờ lao động bao giờ tôi cũng bị chấm điểm kém. Mà cũng chả ai chịu chung tổ với tôi đâu, ai vô phước lắm mới có tôi trong tổ của họ. Một tổ ba người, mỗi người phải đào một hố để trồng cây, bề ngang, bề sâu phải đúng kích thứơc nhà trường giao. Tôi thì yếu nhớt, cuốc xuống cái cuốc nó cứ văng trở ra, đất soỉ đá thì cứng. Ai cũng làm xong cả, riêng cái hố của tôi cả mấy tiếng đồng hồ mà vẫn chả sâu thêm được chút nào, cùng trong tổ phải giúp nhau, xong việc cả tổ mới được vào nghỉ . Thành thử ra những người trong tổ với tôi làm xong cái hố của họ là đã mệt phờ râu ra rồi, lại còn phải gánh thêm cái phần việc của tôi nữa, nên ai họ cũng sợ tôi vào chung tổ của họ lắm lận .Tôi còn nhớ hồi mới trở laị trường sau ngày 30 tháng 4, lớp tôi được phân công trồng hàng cây dương liễu dọc hai bên đường vào trường. Anh Nguyễn thế Kiệt ‘bị” phân công cùng tổ với tôi, các tổ khác họ đã làm xong vào nghỉ hết rồi vì nắng đã lên, còn mỗi mình tôi loay hoay mãivẫn chưa xong, anh Kiệt phải qua đào giúp tôi. Tướng anh Kiệt cũng trắng trẻo và ốm yếu như thư sinh trói gà không chặt, trông anh ta cứ như nghệ sĩ vậy đó. Anh Kiệt đàn và hát rất hay bài “Mùa thu mây ngàn “. Anh Kiệt làm xong cái hố của tôi là đuối sức phải nằm lăn ra đất để thở, làm tôi sợ hết hồn. Từ đó anh Kiệt không dám ở chung tổ với tôi mà anh cũng vừa đùa vừa nói “Ai mà ở chung tổ với Ngoc Lan là tàn đời cô Lựu, chỉ có nước từ lết tới chết”. Đã vậy mỗi lần anh Kiệt gặp tôi ảnh cũng hay chọc “ Thấy cái mặt sáng sủa chiều sủa quá mà yếu nhớt”.
Cũng năm 1977, khoá tụi tôi đi thực tập lao động ở Nông Trường Lê Minh Xuân, đào kinh đào mương để dẫn thủy nhập điền, tăng muà vụ trồng lúa, trồng thơm. Khoa NN trường tôi phụ các anh Thanh Niên Xung Phong làm con kênh Thạch Nhiễu thuộc ngoại ô Sài Gòn. Thời đó làm gì có máy móc, tụi tôi chỉ được phát mỗi đứa một cây cuốc hay cái xẻng mà thôi, tụi tôi đứng xếp hàng ngang từ dưới nước sâu lên đến bờ trên cao. Người đầu tiên phải cao và mạnh, đứng đầu dây chuyền xúc một tảng xình thật to và nặng, đưa qua người kế tiếp. Tụi tôi đứng sát nhau để chuyền cho lẹ, chuyền cục đất sình đó từ đưới nước cho lên đến trên đỉnh của con đê. Con đê cũng phải đắp cho cao và rộng đủ để có thể đi xe trên đó, còn con kinh thì cũng phải đủ rộng và sâu để một cái tàu nhỏ có thể đi vào được. Tất cả công trình đó là do Thanh Niên Xung Phong làm, khoa NN trường tôi chỉ đảm trách một phần trong đó thôi. Phải công nhận thời thanh niên các anh khoẻ thật, đúng với câu “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên “. Câu này các bạn cũng nên hiểu theo đúng nghĩa của nó nhé vì lần đâu tôi nghe tôi cũng hơi bị hiểu lầm đó . Chả là tiếng Việt của mình rất là thâm thúy và phong phú lắm, chỉ cần một dấu phẩy khác chỗ thôi là nghĩa của nó sẽ trái ngược lại ngay. Ở đây tôi muốn nói với bạn rằng tuổi trẻ của tụi tôi hồi đó rất là hăng say, nơi nào cần là có thanh niên, nơi nào khó khăn là có tụi tôi đến giúp. Chứ không phải “Đâu cần, thanh niên có. Đâu khó, có thanh niên” nghĩa là không cần thanh niên có mặt , chỗ nào không khó khăn là có chúng tôi. Tất cả công việc như vậy mà chúng tôi làm việc bằng tay chân cả chứ làm gì có máy móc xáng trục vớt như sau này, vậy mà họ đã làm được. Như một câu thơ của Tố Hữu “Bàn tay ta làm nên tất cả, với sức người sỏi đá cũng thành cơm”, chứ không phải “Bàn tay ta làm nên thuốc giả, tới cơn ghiền thuốc giả cũng thành ngon” đâu.
Tôi thuộc loại thấp người nên được xếp đứng gần trên bờ, nước khoảng đến dưới đầu gối, ai cũng phải xăn quần lên cả. Tôị nghiệp nhất là mấy anh đứng đầu, nước ngập lên đến tận lưng quần, phải xắn cái xẻng xuống cho sâu đế có được cục đất thật to và chuyền cho lẹ, mau đạt chỉ tiêu còn được về sớm. Đường chuyền của các bạn đang ngon ơ, nhịp nhàng , cục đất đưa đến tay tôi nặng quá, ôm còn không nổi nữa thì làm sao chuyền đươc cho người kế, thế là cục đất rơi xuống cái bịch, đường chuyền bị đứt . Tôi làm rớt ba lần như vậy nên các bạn buộc lòng phải đá tôi ra, “Thôi mày đi ra chỗ khác chơi đi để tụi tao làm cho xong việc”. Sức người có hạn, thấy các bạn làm cực khổ tôi cũng muốn giúp lắm chứ, nhưng ngoài khả năng của tôi, “Lực bất tòng tâm” là vậy, mình đứng đó chỉ làm cản trở công việc của các bạn mà thôi. Không có việc gì làm nên các anh chị xếp cho tôi việc đem nước uống cho các bạn, chỉ việc khiêng một ấm trà đá và một cái ly, “trà đá đây”, ai khát nước thì tôi đem nước đến và rót cho họ uống. Ít ra tôi cũng có được một công việc phù hợp với khả năng của mình phải không các bạn ?
Lần này tôi cũng ở trong tổ với anh Liên mà là tổ ăn, cứ một anh là kèm với hai chị vì các anh lao động nặng nên ăn nhiều hơn các chị. Tôi lại ăn như mèo hửi, nên anh Liên vào chung tổ với tôivà Hoàng Loan là phù hợp. Nhưng khổ một điều tôi lại chậm tay chậm chân, chiều nào đi lao động về là cũng phải xếp hàng xách nước để đi tắm. Cái gàu múc nước thì to, cái giếng lại sâu, không biết đến bao gìờ tôi mới tắm xong để cả tổ đi lãnh cơm mà ăn. Anh Liên thì mệt mà lại đói bụng cứ phải chờ tôi, đủ người thì mới lãnh cơm ra được nên chiều nào tôi cũng được anh xách nước dùm cho để đi tắm trước. Mỗi lần anh xách nước dùm xong anh lại nói, “Mời công chúa đi tắm lẹ để tui còn ăn cơm chứ đói bụng quá rồi”. Các bạn phải ganh tị với tôi “ Con Ngoc Lan nó sướng quá có người xách nước cho nó tắm nữa kià”. Dạo đó đời sinh viên tụi tôi ăn cực lắm bạn ạ, bạn còn nhớ những thau cơm luá mì, nhai muốn trẹo quai hàm không? Trưa đi lao động về mệt, nhìn chén cơm tôi không nuốt được nửa chén. Khoá tụi tôi cũng có đươc những chị đứng ra tình nguyện nấu ăn rất ngon như chị Phan thị Phương Đắc, chị Tôn Kim Yến. Đầu bếp chuyên nấu cơm rất giỏi có Lê văn Tuấn (Tuấn râu) và anh Hồng. Vì nấu cơm cho tập thể ăn, hơn cả trăm người, phải nấu vào cái chảo thật to, khó nấu lắm chứ không phải giỡn đâu. Nấu làm sao cho không bị “Trên sống dưới khê, tứ bề nhão nhét” là cả một kỳ công và nghệ thuật đó.
Tôi còn nhớ có một hôm tôi trực ở tổ hậu cần, chỉ có lặt rau và phụ chút đỉnh chứ tôi mà nấu được cái gì. Hôm đó Tuấn Râu phụ trách nồi cơm, mãi lo nói chuyện nên cơm cạn hồi nào không biết mà rút củi ra bớt và đảo cơm lên cho đều, cơm ở trên gần như còn sống mà ở dưới thì gần cháy khét vì cái nắp thì bị hở. Tuấn râu có sáng kiến kịp thời chụp ngay mấy cái quần và áo cuả các anh phơi gần đó, nhúng nước, nhét xung quanh nắp nồi cho kín hơi và hốt than ở dưới rải đều lên trên nắp nên nóng đều vì thế cơm không bị ba tầng, “chữa cháy” kịp thời cái nồi cơm. Cũng may là quần áo cuả các anh nào đó cũng không bị sao cả. Tuấn Râu cũng có lối nói chuyện rất có duyên hay làm mọi người cười. Tuấn nói đùa “Không biết quần áo cuả đứa nào, tụi nó mà biết chửi mình chết, nhưng chắc nhờ vậy mà hôm nay chắc cơm ngọt nhờ mùi mồ hôi của tụi nó”. Tổ hậu cần tụi tôi hôm đó cũng im re luôn , bí mật 30 năm, nay tôi mới “bật mí”cho bạn biết đó. Cơm ngon và không bị sống là nhờ bí quyết cuả Tuấn Râu đó. Nói vậy chứ bị một lần đó thôi, còn sau mấy anh có kinh nghiệm rồi thì mọi việc ổn thoả cả. Các bạn đi lao động ngoài công trường về mệt chỉ mong có được miếng ăn ngon xong nghỉ trưa, chiều lại ra hiện trường lao động tiếp. Nấu mà người ta ăn không ăn được thì bị nghe chửi phải biết, làm sao có sức mà làm. Thời đó còn bao cấp còn nghèo lắm, vậy mà tổ hậu cần khoá tôi rất là giỏi, đảm đang và sáng kiến không thua gì các chị Kinh tế Gia Đình đâu. Sáng tụi tôi được ăn mì sợi luộc chan nước mắm mỡ hành, trưa và chiều cơm hai, ba món đàng hoàng. Thay đối thực đơn vừa túi tiền của sinh viên đóng vào mà thức ăn vừa miệng, không ai chê vào đâu được. Phải nói thời đó làm về mệt và đói nữa ăn gì cũng thấy ngon miệng cả, nhưng chỉ khổ một nỗi là chỗ chúng tôi ở cực quá. Ở những cái láng do TNXP nhường lại, lúc trời mưa vừa ăn vừa đội áo mưa, chan cơm cùng nước mưa. Hôm nào trời nắng, buổi chiều ăn cơm thì gió bụi mịt mù chưa kịp đậy cơm lại là chỉ có nưóc ăn cơm với cát. Vậy mà sống vui, vô tư, thoải mái dễ thương lắm bạn ạ.
Trời lại thường hay mưa, đường thì sình lầy, tối lại còn phải đi họp nghe báo cáo, rút kinh nghiệm, học nghị quyết, chín giờ tối mới đi ngủ. Tối về láng ngủ, dép đứa nào cũng mang cả đế sình dày cui, đi ra bờ sông rửa rồi đi vào cũng bị y chang như chưa rửa. Thôi chi bằng cứ để chân cho nó khô, cạy từ từ sình khô dính ở chân ra rồi trùm mền ngủ cho khoẻ. Tụi tôi con gái thì không phải trực gác chi cả còn các anh con trai thì phải chia nhau ra để canh gác ba láng trại của tụi tôi. Sợ thời buổi khó khăn, nhiều khi người lạ lẻn vào ăn cắp đồ thì hơi phiền, vì biết tụi tôi làm lao động suốt ngày mệt, nằm xuốmg là ngủ như chết chứ có biết cái gì nữa đâu. Nên nghĩ cũng tội cho các anh con trai khoá tụi tôi.
Một buổi tối trời mưa các anh rủ nhau đi bắt chuột đồng, anh Liên cầm đầu. Tôi nghe anh Liên kể muốn bắt chuột đồng trong mấy cái hang, các anh phải hui lửa đầu lỗ bên này, chuột chui ra đầu bên kia, các anh chụp bắt, được đâu khoảng bốn, năm con gì đó. Mấy anh đem nướng và lột da nhìn trắng bóc, thấy mà ghê. Đã vậy anh Liên còn mời tôi, “ Ngọc Lan ăn thử đi, ngon lắm. “Ý trời đất ơi”, thấy mà dễ sợ, nhìn là thấy đã phát khiếp rồi , ai mà dám ăn. Ấy vậy mà các anh ăn ngon lành. Bây giờ tôi thấy ở Việt Nam cũng có quán bán chuột đồng, thấy thực đơn mà ớn lạnh xương sống nhớ tới hồi đi đào kinh mương ở Nông Trường Lê Minh Xuân ngày đó.
Một buổi chiều đẹp trời không bị mưa, ăn cơm chiều xong. Tôi, Thu Hà và Kiều Hạnh rủ nhau ra bờ kinh ngồi hóng mát. Buổi chiều ở đồng quê thật đẹp, không khí trong lành, gió dưới con kinh thổi lên mát rượi, làm tâm hồn mình thoải mái sau một ngày lao động cực nhọc. Anh Liên ở đâu lò dò đi tới, thấy tụi tôi ngồi đó và sẵn có cái thuyền của ai neo gần đó. Anh bảo tụi tôi lên anh chèo đi một vòng , tụi tôi cũng tưởng là anh biết chèo thuyền, thế là ba đứa nhảy xuống thuyền. Ra đến giữa dòng, cái thuyền nó cứ quay vòng vòng, chỉ có hai cây chèo tụi tôi không biết làm sao, sợ hết hồn , cứ nhốn nháo cả lên. Anh Liên phải la lên, “Bình tĩnh để từ từ Liên đưa vô bờ, chứ chạy lộn xộn lật thuyền là chết cả lũ bây giờ”. Phải đến gần nửa tiếng đồng hồ anh Liên mới đưa được con thuyền vào bờ, hú hồn hú viá. Tụi tôi vội vàng chạy về đi họp , cả ba đứa tôi và anh Liên vào trễ ngồi đằng sau chót mà cứ cười như nắc nẻ vì chuyến đi ghe vừa rồi, tởn đến già bạn ạ.
Một buổi chiều mưa tầm tã, tụi tôi đang chuẩn bị ăn cơm chiều thì có mấy anh Thanh Niên Xung Phong vào nói, “Thầy cuả các anh chị bị té xuống kinh, thầy nhắn tụi tôi vào nói học trò của thầy ra đưa thầy vô”. Thế là không ngại trời mưa như trút nước và sấm chớp ầm ầm, anh Liên dẫn đầu chín, mười anh đi đầu trần chân đất ra cứu thầy. Thì ra thầy Nguyễn văn Hạnh đạp xe đạp từ trong thành phố ra đến nông trường thì trời mưa lớn, đường lại toàn là sình trơn trợt, cả thầy và xe đạp lọt xuống kinh gần đó, may mà thầy không bị sao cả.Vì trời còn mưa trơn trợt nên một mình thầy không làm sao đem đưọc cái xe đạp và leo lên nổi. Thấy anh Liên vác cái xe đạp trên vai, còn thầy trò thì ướt như chuột lột thấy tội nghiệp thầy và các anh hết sức. Các anh lo và săn sóc thầy chu đáo, đốt lửa để thầy hơ cho ấm, sợ thầy bị bịnh. Thầy cũng rất cảm động thấy trò nhiệt tình và hết lòng lo cho thầy. Các anh chị trong khóa tụi tôi rất kính mến và gần gũi các thầy cô đã dạy dỗ chúng tôi bạn ạ. Các thầy cô cũng hay khen khóa tụi tôi rất có tình nghiã vì chúng tôi vẫn giữ được tinh thần “Tôn sư trọng đạo”, “Không thầy đố mày làm nên” và “Nhất tự vi sư bán tự vi sư”.
Sau đợt đào kinh đào mương xong chúng tôi đi trồng thơm. Đi qua mấy cây cầu khỉ chỉ bắc bằng mấy cây tre, nhưng có tay cầm cũng đỡ lo, phải bỏ guốc dép ra cầm ở tay, một tay vịn mà đi nhưng cũng run lắm bạn ơi, chỉ sợ lỡ té xuống nước một cái không biết làm sao đây? Chết thì không chết đâu, vì hai bên đầu cầu bao gìờ cũng có các anh biết bơi đứng canh chừng để lỡ có ai rớt xuống nước thì có người nhảy xuống cứu ngay. Nhưng không biết bơi trước hết bạn cũng phải uống một bụng nước trước đã phải không? Bởi vậy mỗi lần đi qua cầu khỉ tôi run như thằn lằn đứt đuôi vậy đó, mặt cắt không còn chút máu, qua khỏi cầu mới hoàn hồn. Người ta bơi ếch bơi nhái, chứ tôi thì chỉ biết “bơi ốc” thôi bạn ạ, nếu không may tới ba ngày mới nổi lên lận đó. Bởi vậy cho nên khi khoá tụi tôi đi thực tập trồng lúa ở Hiệp Hòa, gần sông Đồng Nai, Biên Hòa, các anh trong khóa tổ chức một lớp “Xoá nạn mù bơi”. Chiều nào tụi tôi những đứa nào không biết bơi cũng phải tập trung ra bờ sông ôm mấy cái bẹ dừa tập , vui lắm . Thấy tụi con nít mới bốn, năm tuổi ôm mấy trái dừa khô mà bơi một mình hay thật. Trong khi tụi tôi lớn đầu, ở thành thị không đi hồ bơi nên chả biết bơi gì cả, nghĩ quê thật. Đi thực tập trồng lúa ở Xã Hiệp Hòa, Huyện Đồng Nai, tỉnh Biên Hòa, tôi cũng có một kỷ niệm khó quên, đó là ngày đầu tiên đi ra đồng học gieo mạ, như nông dân vậy đó. Nông dân thì họ không phải giăng dây mà họ gieo hàng nào hàng nấy nhin thẳng tắp, còn tụi tôi mỗi đứa đứng trong hàngcó dây giăng sẵn mà vẫn méo xẹo, cong vòng như hình chữ S. Riêng tôi lần đầu tiên phải xăn quần lội xuống bùn, nhìn xuống thấy sợ lắm. Tôi sợ đỉa , cứ tưởng tượng đạp chân xuống bùn nó nhũn nhùn nhùn và có con đỉa nó bám vào chân mình hút máu gỡ không ra, tôi lại rùng cả mình. Thò chân xuống tôi lại rút chân lên , làm hai, ba lần như vậy các bạn mới la tôi, “Mày cứ xuống đi không có sao đâu, không có đỉa đâu mà sợ”. Cuối cùng tôi cũng bặm gan, nhắm mắt bước xuống. A cũng đâu có gì đâu, thế là tôi cũng gieo được một hàng mạ, tuy không được ngay lắm, tôi cũng tự hào với chính mình. Nhưng thật vô phúc cho tôi , làm gần xong thì tự nhiên tôi cảm thấy có cái gì vướng ở chân tôi, cứ thế là tôi nhảy và la làng, “Đỉa, đỉa, đỉa”. Tôi nhảy nát cả một góc ruộng, muốn gần té xỉu, các bạn thấy vậy mới chạy đến, hai người khiêng tôi lên bờ, lúc đó mới khám phá ra rằng, đỉa đâu chẳng thấy , mà có một bụi cỏ bám vào chân tôi gỡ mãi không ra. Các bạn cười tôi một trận và tôi thì cũng mắc cỡ quá chừng, nhưng từ đó tôi cũng chả dám lội xuống ruộng nữa .
Sẵn đây tôi cũng kể cho bạn nghe lý do tại sao lớp tôi tổ chức “Xóa nạn mù bơi”. Khi khóa tụi tôi đi thực tập chăn nuôi ở Xã Thuộc Nhiêu, Huyện Chợ Gạo, tỉnh Mỹ Tho. Sáng chủ nhật, gần hết thời gian thực tập, tôi, Hoàng Loan, anh Phi, Phạm Sinh và vài người bạn nữa, hình như có Thái Văn Thành Phương nữa thì phải, tôi không nhớ hết, định rủ nhau qua cù lao ông Đạo Dừa xem cho biết. Phải đi bằng ghe và khi tôi vừa bước xuống ghe, một chân trên bờ, một chân dưới ghe thì tự nhiên cái ghe dang ra, thế là tôi rớt tỏm xuống nước, miệng còn cười. Phạm Sinh và anh Phi cứ tưởng tôi biết bơi , ai ngờ đâu thấy tôi cứ chìm lỉm xuống, hai anh mới vội vàng nhảy ùm xuống nước đẩy tôi lên, lúc đó tôi mới lóp ngóp bò lên ghe được sau khi uống một bụng nước sông Tiền Giang, tưởng chết rồi chứ. Thế là cả tôi, anh Phi và Phạm Sinh ướt như chuột, đành phải huỷ bỏ chuyến đi thăm ông Đạo Dừa, ngồi trên thành cầu phơi nắng cho khô quần áo rồi về.
Trở lại chuyện đi trồng thơm, cũng cực lắm bạn ơi. Trồng bằng những cái hom thơm, ôm cả bó gai xước chảy máu cả tay nên phải mặc áo dày, dài tay và phải đeo găng tay thì mới làm việc được. Cuộc đời sinh viên nông nghiệp tụi tôi cực lắm, nhưng được đi thực tập nhiều chỗ, biết nhiều nơi và có rất nhiều những kỷ niệm vui buồn của thời sinh viên khó mà quên được.
Những ngày sắp ra trường, ai cũng lo đôn đáo không biết mình sẽ về đâu? Tôi và Kiều Hạnh gặp anh Liên mặt mày hốc hác, buồn thiu, không còn vui tươi đùa giỡn như trước. Tôi ngạc nhiên khi thấy mặt anh đăm chiêu như cảnh sát hình sự, tôi mới hỏi thăm anh, ” Ủa có chuyện gì không? Sao dạo này thấy anh Liên buồn quá vậy?”. Anh mới nói, “Liên tưởng Liên không ra trường được vì có chuyện tình cảm trục trặc, nhưng Liên đã giải quyết xong rồi”. Tôi cũng không hỏi tới chuyện riêng tư của anh nhưng được biết anh Liên đã được nhận nhiệm sở ở gần nhà, cũng mừng cho anh có điều kiện gần gia đình để chăm sóc cha mẹ già. Quê anh ở Long Thành thì phải. Tôi còn được nghe các bạn kể một chuyện về anh Liên mà ai cũng phải phì cười vì tính hay giễu của anh. Hôm đó anh dẫn học trò anh đi thực tập, đi ngang giữa chợ Đà-Lạt tự dưng anh hô học trò của anh, “Học sinh, nghiêm”, làm mấy người trong chợ cũng giật mình và ngạc nhiên. Đám học sinh cũng nhốn nháo không biết chuyện gì xảy ra, nhưng đứa nào đứa nấy cũng đứng nghiêm phăng phắc, riêng anh thì anh kính cẩn chào cô giáo của anh và anh giới thiệu với học trò cuả anh, “Đây là sư phụ của thầy, các em chào sư phụ của thầy đi”.
Năm năm trời dưới mái trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật có biết bao nhiêu là kỷ niệm buồn vui của đời sinh viên. Hôm nay ngồi nhớ lại kể cho các bạn nghe, không biết có ai còn nhớ và có thời gian ngồi ôn lại kỷ niệm của thời học trò ngày xưa như tôi không nhỉ?
Phương Đắc, Mai Hương, Tống Kiến Mỹ, Hoàng Thị Kim, Phan Thu Dung, Yến Thu, Đoàn Ngọc Liên
Năm 2010, khoá 74 tụi tôi có tổ chức họp mặt ở trường để kỷ niệm 30 năm ngày tốt nghiệp, tôi không về tham dự được. Yến Thu có về và gặp lại các bạn cùng lớp, có chuyến đi chơi về Bến Tre, trong đó có anh Liên. Nghe nói anh cũng vẫn tếu và diễu chọc các bạn cười nghiêng ngả, không biết gia đình vợ con anh ra sao? Tôi có nhắn Yến Thu nhờ nói lại với anh Liên “Ngọc Lan gởi lời hỏi thăm và cám ơn anh đã xách nước dùm cho NL hồi đó, NL không bao giờ quên”. “Hôm nào NL có dịp về VN, sẽ mời anh Liên đi nhậu chuột đồng thả dàn để bù lại thời gian ở nông trường Lê Minh Xuân, trời mưa tầm tã mà các anh rủ nhau đi bắt chuột đồng, anh Liên đi nhậu không?”
Còn anh Trần văn Lư, lớp trưởng tụi tôi hồi đó, nghe nói bây gìờ là Tiến Sĩ, hiệu phó trường Đại học Sư phạm Qui Nhơn đó bạn ạ.
Tôi kể cho các bạn nghe chuyện ngày xưa của 30 năm về trước, nếu có gì không vui hay đụng chạm đến ai mà tôi có nhắc đến, mong các bạn bỏ qua cho nhé. Chúc các bạn luôn vui vẻ, mạnh khoẻ, hạnh phúc và thăng tiến trên đường đời.
Nguyễn Thị Ngọc Lan-74KNN
--------------------------------------------------------------------------------
**Comment** (3)
--------------------------------------------------------------------------------
Sep 10, 2010 at 19:00:38 Ngoc Truc
Bravo! chi Ngoc Lan. Chi viet nhieu bai that hay va dem lai nhieu niem vui cho em, lam em cuoi muon chet luon vay do, nhat la bai tuy but "Tieu doi truong cua toi". Chi cu viet tiep nhe. Cam on chi da bo thoi gio ke lai nhung mau chuyen rat chan tinh va day su tho ngay, vo tu cua thoi con cap sach toi truong.
Em,
Truc-77KNC
--------------------------------------------------------------------------------
Hi Ngọc Lan,
Khi nhận được bài của NLan, Thu vừa đọc vừa cười không nín được. Không ngờ cô bạn mình có trí nhớ dai và viết hay quá.
Anh Liên, sau 30 năm gặp lại, cũng vẫn như thuở nào, vui đùa, chọc phá và rất nhiệt tình với bạn bè. Anh Lư vẫn hay cười. Chị Mỹ vẫn nhớ dai, nhớ nhiều và nói nhanh...!!!
Hy vọng rằng các bạn của chúng ta có những lúc xuôi dòng quá khứ, tìm về ngày xưa thân ái, hãy cùng gom góp, chia xẻ và trân trọng với những kỹ niệm của tuổi học trò thời xa xưa ấy.
Cảm ơn Ngọc Lan đã chia xẻ.
Thân,
YThu
--------------------------------------------------------------------------------
Dear NL
Bài "Tiểu đội trưởng Tiểu đội Tôi" hình như đúng ra là " mập , mập mà lùn " thay vì "mập, mập và lùn" ! Cám ơn NL đã nhắc lại không biết bao nhiêu là hình ảnh tưởng đã đi vào quên lãng.
Những kỹ niệm đầy khắc phục khó khăn nầy đã được NL diển tả khá tài tình và nhất là đối với những người hoàn toàn cảm thông qua những ngày tháng đó thì không thể nín cười được.
Không biết một ngày nào đó các nhân vật "có thật" trong chuyện đọc được bài nầy sẽ nghĩ gì khi có người còn nhớ rất rõ các chi tiết bạn bè sau mấy mươi năm .
Chúc NL vui.
Thân ái,
NTT-74KCN
TRỞ VỀ