Chợ Thủ
Tôi yêu nước Việt miền Nam,
Yêu con sông rộng, yêu hàng dưà cao,
Yêu xe thổ mộ xôn xao,
Trên đường khúc khuỷu đi vào miền quê.
(thơ Bàng Bá Lân)
Những ai đã từng sống ở Bình Dương, hẳn còn nhớ ngôi chợ Thủ bề thế và sầm uất nằm ngay trung tâm thị xã. Chợ này cất từ thời Tây. Cũng như những công trình xây cất thời Pháp thuộc, chợ được quét màu vôi vàng cổ kính. Nhà lồng chợ cao vòi-vọi với mấy nếp cửa kính bên trên. Ngay đầu chợ là tháp chuông đồng hồ mà đứng từ xa đã thấy nó cao sừng-sững như tháp chuông cuả nhà thờ Chánh toà làm cho ngôi chợ mang một nét đẹp dị biệt.
Một điểm đặc biệt cuả chợ Thủ là trước bùng binh đầu chợ trên là một dãy nhà cũ kỹ, mái lợp ngói âm dương mà dân điạ phương gọi một cách mộc mạc là “nhà Làng”, đó là nơi dân chúng đến những khi có việc liên quan cần giải quyết với làng xã. Chợ Thủ được bao bọc bởi hai con đường chính, đường Nguyễn thái Học nằm bên tay phải để đi về hướng dưới chợ rồi vòng trở lại bằng đường Ðoàn trần Nghiệp. Hai bên đường dọc theo chợ là mấy dãy phố khá xưa, phần lớn là tiệm cuả người Hoa như tiệm gạo, tiệm đồ sắt, tiệm chụp hình, nhà thuốc tây, tiệm thuốc bắc, tiệm vàng…treo những bảng hiệu rất Tàu như Ích nguyên Chành, Ông ích Lợi, Thúc Ký, Ích Mậu… Ban ngày dân buôn thúng bán bưng ngồi đầy nghẹt hai dãy phố chợ với những sạp hàng trái cây mới hái từ trong vườn còn cả mấy con kiến đen bò loanh quanh trên vỏ; mấy tràng rau mới cắt còn tươi xanh; bún, bánh hỏi mới tráng bày đầy trên mẹt còn trắng màu gạo mới, thơm mùi nếp dẻo.
Khu hàng quà ở đầu chợ trên mới hấp dẫn làm sao, chả giò, bánh xèo, bún riêu, bún thịt nướng, bánh canh, bánh cam, chuối nướng…giá rẻ mà ngon hết biết. Xúm xít bên hàng quà vặt là mấy xe nước miá, rau má, dừa tươi, sinh tố, chè…Ðàn bà con nít, ít ai đành lòng đi qua mấy hàng này mà không tốn vài chục bạc. Cạnh đó là hàng trái cây từ Bình Nhâm, Búng, Lái Thiêu chở lên, ôi thôi, muà nào thức ấy xoài, măng cụt, chôm chôm, nhản, mít, mận, dâu, bòn bon… kể ra nghe mà thèm nhiểu nước miếng. Bên trong nhà lồng chợ cũng nhộn nhịp không kém, hàng chạp phô, bánh mứt, vải vóc, quần áo, giày dép, hàng này chen sát hàng kia chật ních nhưng được cái nhà lồng chợ cao nên rất thoáng.
Chợ Thủ rộn ràng từ sáng tinh mơ đến quá Ngọ là thưa dần. Xế chiều thì bạn hàng đã dẹp sạp, ngớt người mua bán nên chợ có vẻ uể-oải, lại thêm tiếng ca cải lương từ mấy cái loa treo trên cột đèn gần đầu chợ trên phát ra làm nghe mà buồn nẫu ruột. Vậy mà khi trời vưà sụp tối thì người ta bắt đầu bán mấy món ăn đêm rất ngon như mì, nem nướng, bò viên, cháo lòng, cá nướng, sâm bổ lượng…Ðó là chổ cuả dân nhậu, cuả người lớn. Thời tôi còn nhỏ, con nít mà tối được ra chợ ăn một tô vò viên, thêm một ly sâm bổ lượng là tối đó giấc ngủ đầy mộng đẹp.
Nói đến chợ Thủ mà không nhắc tới bến đò nơi chợ cá thì quả là điều thiếu sót. Chợ cá nằm phiá cuối chợ, bên dòng sông Cái chảy qua Thủ Dầu Một rồi xuôi về Nam thành sông Sài Gòn. Dân bán cá tụ tập lại thành một khu sát mé sông cho tiện việc cất hàng. Các bà nội trợ muốn mua mắm, khô, cá thật tươi thì chiụ khó lội xuống con đường sát mé sông. Cho tới bây giờ người ta vẫn chưa xây cây cầu bắc ngang sông mà vẫn còn dùng ghe máy để chở khách qua lại giữa hai bờ. Ai đã từng xa quê một quãng thời gian dài, giờ trở lại ngôi chợ cũ, đứng trước bến sông xưa mà lòng chẳng thấy bồi hồi. Chỉ cần nhìn màu nước xanh đùng-đục với mấy bè lục bình trôi lặng lờ trên sóng nước, tai nghe tiếng máy đò xình-xịch, ngửa mặt đón làn gió mát quyện theo mùi bùn dân giả là kỷ niệm ngày trước lại tràn về như con sông rộng gặp mùa nước lớn.
Xưa kia đi chợ gần như mỗi ngày mà có bao giờ để ý đến những cảnh đời tầm thường giản dị, mùi của sông nước, tiếng trẻ rao hàng…phải chăng vì ngày ấy tuổi đời chưa có, trí óc chưa biết ghi nhận, trái tim mẫn cảm còn non nớt? Mấy mươi năm trôi qua, giờ về lại nơi xưa, đứng bên bờ nước cũ, mùi bùn ngai-ngái từ con nước lớn đưa vào, cảnh cũ hiện về làm tâm hồn nhẹ rung theo lòng hồi tưởng. Quên làm sao được hình ảnh Ngoại mặc áo bà-ba, chân đi đôi dép dẹp, đầu đội cái nón lá đã cũ, tay xách cái giỏ ny-long đã sờn quai đang cúi người trả giá mấy bó rau tươi. Quên làm sao được những lúc muốn ăn quà, kêu khát nước quá là được Ngoại dẫn lại xe nước đá ngay dưới tháp chân đồng hồ nơi nhà lồng chợ cuả cô Tàu xinh, da trắng như bông bưởi, rồi kêu cho một ly đá nhận hay chè đậu đen, đậu xanh bỏ thật nhiều đá, nuốt tới đâu mát ruột tới đó, nhưng Ngoại không ăn đâu, Ngoại sợ tốn tiền vì Ngoại nghèo lắm. Quên làm sao được những chuyến xe ngưạ từ chợ về nhà, hồi đó sao nhõng-nhẽo với Ngoại quá xá vì nhà có xa chợ gì cho cam. Lạ một điều là Ngoại không thích đi xích lô, phải chăng Ngoại tội nghiệp mấy người đánh xe ngưạ, họ già lắm mà còn phải đánh xe để kiếm sống?
Những cảnh đời đôn hậu quanh ngôi chợ Thủ, những người đàn bà nhà quê đầu trần chân đất buôn gánh bán bưng kiếm tiền nuôi đàn con dại, những kỷ niệm yên bình đẹp đẽ với Ngoại, những phút giây hạnh phúc tưởng chừng lụn tàn theo năm tháng lại chừng như núp kín trong tiềm thức mấy chục năm qua, nay chợt sống lại như mới ngày nào. Thật may mắn xiết bao!
TL - 2005