‘Auld Lang Syne’, khúc ca giao thừa nhiều hoài niệm
Vào thời khắc chuyển giao năm mới và năm cũ, hàng triệu người lại đứng sát bên nhau, tay trong tay cùng ca vang khúc ca giao thừa nổi tiếng nhất mọi thời đại.
Bài hát: Auld Lang Syne
Celtic Woman: Home For Christmas
Giống như tên gọi bằng tiếng Scotland của ca khúc, Auld Lang Syne được dịch ra tiếng Anh là “Old Long Since” (Những ngày xa xưa). Đây là một bài hát cổ, có lịch sử hơn 200 năm. Không thể nhắc đến Auld Lang Syne mà quên đi cái tên Robert Burns (1759-1796), người đã có công sáng tác lời và phổ nhạc cho bài hát theo một giai điệu dân ca cổ.
Robert Burns là nhà thơ vĩ đại của Scotland, được mệnh danh là "đại thi hào dân tộc", "thi sĩ của dân cày", "đứa con cưng của đất nước". Người Scotland tôn thờ Robert Burns đến nỗi họ dùng từ “Thi Nhân” viết hoa (The Bard) khi muốn nhắc tới ông. Trong tiềm thức của người dân, Robert Burns là nhà thơ của mọi nhà thơ. Năm 2009, trong một cuộc bầu chọn của chương trình truyền hình STV, Robert Burns được vinh danh là người Scotland vĩ đại nhất mọi thời đại.
"Auld Lang Syne" là bài hát bất tử dành cho đêm giao thừa.
Tên tuổi của ông không chỉ giới hạn trong lãnh thổ Scotland mà còn vang xa trên thế giới. Ông được đánh giá như một người tiên phong của Chủ nghĩa Lãng mạn và sau khi mất, trở thành nguồn cảm hứng lớn cho những người sáng lập Chủ nghĩa Tự do và Chủ nghĩa Xã hội. Chỉ tính riêng trong văn học Mỹ, chính các sáng tác của Robert Burns đã để lại ảnh hưởng lớn trong các tiểu thuyết vĩ đại như Của Chuột và Người (John Steinbeck) hay Bắt trẻ đồng xanh (J.D.Salinger).
Robert Burns còn rất nổi tiếng với việc sưu tầm dân ca khắp lãnh thổ Scotland, chỉnh sửa hoặc biên tập lại cho phù hợp. Auld Lang Syne là một trường hợp như vậy. Năm 1788, ông gửi bản thảo của bài hát đến Viện bảo tàng Âm nhạc Scotland với lời nhắn: “Bài hát sau đây, một bài hát rất cổ, thuộc về những thời đại xa xưa và chưa bao giờ được in ra hay thậm chí chép tay lại cho đến khi tôi ghi ra từ tiếng hát của một cụ già”.
Trong suốt cuộc đời mình, Robert Burns khiêm tốn chưa bao giờ tự nhận mình là cha đẻ của Auld Lang Syne nhưng các học giả vẫn khẳng định công lao to lớn không thể phủ nhận của ông trong việc hình thành nên ca khúc như nó được biết đến ngày nay.
Auld Lang Syne nhanh chóng được yêu thích rộng rãi và việc hát ca khúc vào đêm giao thừa đã trở thành một phong tục truyền thống ở Scotland. Cùng với những bước chân di cư của người Scotland, Auld Lang Syne được phổ biến khắp nơi trên thế giới. Khi ca khúc sang Mỹ, nó được nhạc trưởng Guy Lombardo chọn biểu diễn ngay khi tiếng chuông đồng hồ điểm 12 giờ đêm. Suốt từ năm 1929 cho đến nay, mỗi khi đến thời điểm một năm cũ qua, một năm mới đến, hàng nghìn người lại đổ dồn về Quảng trường Thời đại để cất vang lời ca của Auld Lang Syne.
Với những ca từ giàu hoài niệm, Auld Lang Syne cũng được sử dụng như một lời chia tay trong các dịp tang ma, lễ tốt nghiệp hoặc trong các sự kiện đánh dấu sự kết thúc.
.
Khung cảnh đêm giao thừa ở Quảng trường Thời Đại của thành phố New York, Mỹ.
Ngày 30/6/1997, Lực lượng Công an Hoàng gia Hong Kong đã chơi ca khúc này trong ngày rời nhiệm sở của thống đốc Chris Patten, đánh dấu sự kiện Anh chuyển giao chủ quyền Hong Kong cho Trung Quốc. Tháng 10/2000, người ta cũng nghe thấy giai điệu của Auld Lang Syne khi linh cữu của cựu Thủ tướng Canada, Pierre Trudeau rời tòa nhà Quốc hội Parliament Hill lần cuối cùng. Trong thế chiến thứ II, khi con tàu Nhật Bản Montevideo Maru bị đắm, mang theo 1053 người Australia, những người Australia dưới nước đã ca vang ca khúc này như một lời vĩnh biệt cho những nạn nhân xấu số không kịp rời thuyền.
Auld Lang Syne ám ảnh người nghe bằng những câu hỏi tu từ được láy đi láy lại như một sự mời gọi các kỷ niệm cũ trở về:
“… Should old acquaintance be forgot,
and never brought to mind?
Should old acquaintance be forgot,
and auld lang syne?”
“… Lẽ nào lại quên đi những người bạn cũ năm xưa
Và không bao giờ nhớ gì nữa?
Lẽ nào quên đi những người bạn xưa ấy
Và những ngày xưa êm đềm?”
Lời ca như một sự nhắc nhở không bao giờ được lãng quên quá khứ và những người đã đến trong cuộc đời ta. Tất cả kỷ niệm dù cay đắng hay ngọt ngào, tất cả những người đã đến mang theo hạnh phúc hay đau khổ đều góp phần tạo nên con người ta ở hiện tại.
Thời khắc giao thừa là khi người ta nhìn lại năm cũ với bao được và mất, thành công và sai lầm, niềm vui và nỗi buồn. Cả một năm với bao sự kiện trong thoáng chốc cùng lướt qua trước mắt. Mọi người tiễn đưa năm cũ với sự luyến tiếc nhẹ nhàng, xen lẫn niềm vui vô bờ khi năm mới đến. Một khởi đầu mới lại đến với những niềm hy vọng ở một tương lai rực rỡ hơn, đẹp đẽ hơn. Ở thời khắc đặc biệt ấy, khúc Auld Lang Syne càng trở nên da diết và xúc động:
“… For auld lang syne, my dear,
For auld lang syne,
We’ll take a cup of kindness yet,
For auld lang syne…”
“… Cho những ngày xa xưa, bạn ơi
Cho những ngày xa xưa ấy
Chúng ta cùng nâng ly vì những điều tốt lành
Cho những ngày xa xưa…”
Vì tính chất giàu hồi tưởng, Auld Lang Syne cũng thường được sử dụng như một cái kết đẹp trong điện ảnh. Khán giả yêu môn nghệ thuật thứ bảy hẳn còn nhớ cảnh kết kỳ diệu của It’s a Wonderful Life khi George Bailey trở về nhà, nghèo khổ và vỡ nợ, phát hiện ra bạn bè làng xóm đã tụ tập đông đủ để quyên góp tiền giúp anh. Giây phút đó, tình bạn và tình người được thăng hoa trong tiếng ca vang của Auld Lang Syne.
"Auld Lang Syne" gợi nhiều hoài niệm về những tháng năm đã qua.
Khán giả cũng sẽ không thể quên điệu valse giã từ Auld Lang Syne giữa Roy và Myra trong Waterloo Bridge cùng câu chuyện tình yêu đẫm nước mắt của hai người.
Auld Lang Syne thậm chí còn trở thành đề tài tranh luận trong bộ phim hài nổi tiếng When Harry Met Sally. Ở cuối phim, sau khi hai nhân vật chính bày tỏ tình yêu với nhau, Harry hỏi Sally: “Ca khúc này có ý nghĩa gì? Cả đời anh chưa hề biết ca khúc này có nghĩa gì cả…”. Sally trả lời cũng mơ hồ không kém: “Có thể nó có nghĩa là chúng ta nên nhớ rằng chúng ta đã quên mất họ hoặc gì đó đại loại vậy. Dù sao thì nó cũng là về những người bạn cũ”.
Auld Lang Syne là một ca khúc về tình bè bạn, về những người đã đến, đã đi qua đời ta và để lại những kỷ niệm. Đó là lời tiễn biệt năm cũ với bao điều nhớ mong dang dở và lời chào đón năm mới với bao kỳ vọng trông chờ. Những cảm xúc bồi hồi và hân hoan đan xen đã khiến Auld Lang Syne trở thành ca khúc bất tử của đêm Giao thừa.
Anh Trâm (theo VNexpress)