Announcement

Collapse
No announcement yet.

Ngứa Da Mùa Đông (B/S Nguyễn Văn Đức)

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Ngứa Da Mùa Đông (B/S Nguyễn Văn Đức)

    Ngứa Da Mùa Đông

    (B/S Nguyễn Văn Đức)

    Không để ý, ai cũng có thể bị “ngứa da mùa đông”. Vào mùa lạnh, độ ẩm trong không khí (air humidity) xuống thấp, làm da khô, khiến ta dễ cảm thấy ngứa. Rồi vì lạnh, nhiều người chúng ta thích tắm nước thực nóng. Nằm trong bồn nước nóng, lim dim, quên cả trời lẫn đất.

    Rồi, sưởi được bật lên để tạo hơi ấm. Nước nóng, sưởi (củi, điện hay gas) khiến da càng thêm khô và ngứa. Gãi mới đã ngứa (những chỗ ở lưng xa quá tầm tay, thì dùng bàn tay giả bằng gỗ gãi cho bằng được!). Có người còn đổ cả rượu, chanh, dầu xanh, dầu đỏ, dầu cù là, dầu con hổ, ... lên da, chà xát, hi vọng bớt ngứa. Những chỗ do gãi và chà xát, trở thành sần sùi, dộp lên. Da chỗ dộp lên ấy càng ngứa tợn. Lại gãi nhiều hơn. Tất cả những yếu tố kể trên gộp lại khiến da ngứa thêm mãi trong mùa lạnh, tạo một vòng lẩn quẩn: ngứa, gãi, gãi, ngứa.

    Người da khô sẵn dễ bị ngứa hơn người khác. Trong da, có một chất nhờn gọi là “sebum”, giữ cho da khỏi khô. Khi cao tuổi, da khô hơn do có ít chất sebum, vì sự tiết chất sebum giảm dần theo thời gian (nên da trông không còn tươi mát như lúc trẻ). Bởi thế, các cụ có tuổi rất hay ngứa vào mùa lạnh.

    Da người “ngứa mùa đông”, nhất là ở dưới chân, trông khô, mốc meo, lấm tấm trắng (scaling). Khi da ngày càng khô hơn do trời thêm lạnh, và người bị ngứa gãi nhiều, trên da sẽ xuất hiện những vùng đỏ trong có những đường nứt ngang (horizontal fissuring). Nặng hơn nữa, những đường nứt dọc cũng xuất hiện. Các đường nứt ngang và dọc trên những vùng da đỏ, cùng nhau, tạo thành hình ảnh trông như một bình sứ rạn nứt, nên loại bệnh da này được đặt tên “eczema craquelé”. Ở thể nặng nhất của chứng “ngứa mùa đông”, với gãi, với đủ những thứ được thoa, trét lên như an-côn, chanh, dầu xanh, bột “Ampi”, thuốc bắc, ..., những đường ngang dọc ấy sâu xuống, toác ra, ứa nước vàng hoặc mủ. Lúc ấy, ta vừa ngứa lại vừa đau.

    Tốt hơn hết là đừng để xảy ra cảnh đau lòng, và tốn tiền ấy. Vào mùa lạnh, ta nên tắm mau với nước vừa đủ ấm, dùng những loại xà-bông ít làm mất chất nhờn của da như xà-bông Dove. Không dùng xà-bông càng tốt, hoặc chỉ dùng xà-bông ở những vùng nhiều mồ hôi như nách, háng, khuỷu tay, khuỷu chân. Không nên tắm ngày nhiều lần, một lần là tối đa. Với những vị da quá khô, có khi chỉ nên tắm ba, bốn lần mỗi tuần. Không phải ta muốn tiết kiệm nước. Sau khi tắm, nên thoa da bằng những loại lotion làm da bớt khô như Keri lotion, Vaseline lotion (mua không cần toa), ... Những lotion này thoa da ngày mấy lần cũng được, song chúng thấm vào da, giúp da khỏi khô mạnh nhất khi được dùng ngay lúc tắm xong, ta dùng khăn tắm lau sơ cho ráo nước, và da còn đang âm ẩm. Dùng các loại kem thuốc Kenalog, Elocon, Lidex, ... đựng trong những ống be bé, kiểu ngứa đâu quẹt đó, không ăn thua. Thuốc chỉ nên thoa trên những vùng da đã sần lên do ta lỡ gãi.

    Xin... cố đừng gãi. Và cũng không mặc đồ len trực tiếp trên da. Đồ len chúng sần sùi, cứ chọc chọc vào da, thêm ngứa.

    Về thuốc dùng, ta có thể thử dùng những thuốc chữa ngứa như Benadryl, Chlor-Trimeton, Tavist... mua không cần toa. Có điều, dùng những thuốc này, khi lái xe, hoặc điều khiển những máy móc nguy hiểm, ta nên cẩn thận, vì thuốc hay làm người ngầy ngật, buồn ngủ.

    Nếu mãi vẫn không bớt ngứa, bạn nên đi khám bác sĩ cho chắc ăn, vì ngoài chứng “ngứa mùa đông”, nhiều bệnh da khác, hoặc các bệnh bên trong cơ thể như bệnh thận, bệnh gan, ung thư, ... cũng gây ngứa. Bác sĩ còn có thể biên toa cho bạn mua những thuốc mới chữa ngứa như Allegra, Claritin, Clarinex giúp bớt ngứa, nhưng không gây buồn ngủ. Phải cái chúng khá đắt tiền.
Working...
X