Announcement

Collapse
No announcement yet.

Hồn hoa dại - Huỳnh Ngọc Chiến

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Hồn hoa dại - Huỳnh Ngọc Chiến



    Đường trong làng hoa dại với mùi rơm

    Người cùng tôi đi dạo giữa đường thơm

    Lòng giắt sẵn ít hương hoa tưởng tượng

    (Đi giữa đường thơm – Huy Cận)

    Mỗi khi đọc câu thơ đó ắt hẳn những ai đã từng sống ở thôn quê, đều cảm nhận được hương quê trong cái không khí êm đềm của thời thơ ấu. Mùi rơm, mùi phân bò quyện trong không khí hòa với mùi thơm của hoa dại ven đường, mùi khói lam chiều tỏa lên mái tranh tạo thành một hương quê cho những làng thôn Việt Nam. Hương quê có một ý vị vô cùng đằm thắm, và có lẽ mỗi vùng quê đều có một hương quê riêng. Nhưng những ai đã từng sống ở vùng quê Quảng Nam, mỗi khi đi trên con đường làng nhiều bụi rậm hay đi dọc theo những con đường đất ven đồi vào lúc hoàng hôn đều không thể nào quên được mùi hương thơm ngát đến lạ lùng của một loại hoa dại xen lẫn vào hương quê : hương dủ dẻ.

    Không biết ở những vùng quê khác của Việt Nam có nhiều loài hoa này không, nhưng dường như dủ dẻ mọc nhiều nhất ở những vùng đất gò đồi của xứ Quảng Nam, mọc lẫn cùng xương rồng, gai long, sim, dúi. Những ai đã một lần ngửi được hoa dủ dẻ có lẽ khó lòng mà quên được mùi hương từ những cánh hoa chắc bẫm màu vàng đó. Sưa và dủ dẻ cùng một sắc vàng, có lẽ là hai loài hoa đặc trưng của Quảng Nam và lại tương phản nhau đến lạ kỳ. Hoa sưa bình dị nhưng kiêu sa, mộc mạc nhưng lộng lẫy, rộ rất nhanh rồi mau chóng tàn phai, như chỉ muốn đến giữa đời để khoe hương sắc. Trong một thoáng rồi thôi. Hoa sưa nở rộ trên cành cao để mọi người chiêm ngưỡng, hoa dủ dẻ tự biết mình không đẹp nên thường phải dấu mình trong những bụi cây hoang dại. Hoa sưa thường mọc ven sông, dủ dẻ lại thường mọc trên những vùng gò đồi khô cằn sỏi đá. Nếu tuổi trẻ chúng tôi đã đi qua duới hàng sưa với nỗi buồn “đứng ngẩn trông vời áo tiểu thơ” (Huy Cận), thì khung trời tuổi thơ lại quyện đầy hương dủ dẻ.

    Tuổi thơ tôi trải qua ở một vùng thị trấn thuộc loại nghèo nhất miền Trung thuở ấy. Cái thị trấn quê mùa còn đang ngượng ngịu tập khoác lên mình cái áo thị dân rộng lùng thùng, khi mà chung quanh con đường chính vẫn còn bạt ngàn những gò đồi và đồng lúa. Và chính nơi những đồng lúa cùng gò đồi ấy, tuổi thơ chúng tôi đã trải qua những ngày tháng thần tiên. Quên sao được hình ảnh những chú nhóc mình trần trùng trục suốt trưa hè cứ lội bì bõm dưới ruộng tìm bắt cá lia thia, để da dẻ cháy đen trong cái nắng chói chang. Nhưng khi ánh nắng bắt đầu dịu xuống là chúng tôi lần theo những gò đồi đầy gai để tìm hoa dủ dẻ khi nó bắt đầu nhẹ nhàng lan tỏa hương trong bóng hoàng hôn yên tĩnh, làm ngát thơm thêm những làn gió chiều hôm. Lũ trẻ chúng tôi ngày ấy thường lần theo mùi hương để tìm cho ra những cánh hoa quê mùa luôn tìm cách lẩn khuất dưới những bụi cây đó. Có lúc cả bọn phải kêu ré lên vì gặp một chú rắn đang vội trườn mình lẫn trốn hay những chú ong đang bay túa ra từ cánh hoa thơm mùi chuối chín. Trái dủ dẻ nho nhỏ và ngọt ngọt thơm thơm, đó là món quà quý báu để những chú bé giành nhau trong những chuỗi cười hồn nhiên dòn dã. Khung trời đó bình yên và hạnh phúc quá, đến nỗi chúng tôi không hề hay biết rằng mình đang sống thời buổi chiến tranh. Thuở ấy đêm đêm vẫn chưa có tiếng đại bác dội về thị trấn. Thỉnh thoảng chỉ một chiếc máy bay lượn qua xé tan bầu trời yên tĩnh, hay một đoàn xe GMC chạy qua con đường đất đỏ, lũ nhóc chúng tôi nhìn theo như một hình ảnh lạ và chỉ hiểu mơ hồ rằng chiến sự đang diễn ra ở một nơi nào xa lắm. Xin cám ơn cuộc đời đã giành cho tuổi thơ chúng tôi những buổi chiều vàng êm ả, những buổi chiều vàng đó có lẽ còn mênh mang hơn cả những buổi trưa của Huy Cận “Một buổi trưa không biết ở thời nào, một buổi trưa nhè nhẹ như ca dao, có cu gáy có bướm vàng nữa chứ” (Đi giữa đường thơm). Nơi khung trời ngày xưa đó không có tiếng cu gáy nhưng có rất nhiều tiếng chim ríu rít, có cả bướm vàng, nhiều là đằng khác, và có cả mùi hương dủ dẻ. Hương dủ dẻ đã quyện lấy tâm hồn chúng tôi để trở thành cái nền của bức tranh thời thơ ấu. Mùi hương mộc mạc ngọt ngào giống như mùi chuối chín đó đã tỏa ngát khung trời tuổi thơ của chúng tôi cùng những đọt cây gai và những bụi chà là.

    Có nhiều loài hoa dại nhưng dáng vẻ rất đẹp vẫn được dùng để trưng bày, còn hoa dủ dẻ thì không, vì người đời vẫn chuộng sắc hơn hương. Đôi khi nhìn những lẵng giỏ mây đầy những hoa đẹp rực rỡ đang tranh nhau khoe sắc một cách ồn ào, tôi thử nghĩ giá như cắm vào một hoa cành dủ dẻ thì sẽ lạc điệu biết chừng nào. Nó sẽ như một cô thôn nữ dịu dàng trong chiếc áo bà ba và cái nón lá đang bị chìm khuất giữa những người mẫu lộng lẫy kiêu kỳ. Nhưng nếu tĩnh tâm để thưởng thức, chúng ta dễ dàng nhận ra ngay mùi hương dủ dẻ. Cánh hoa dủ dẻ màu vàng rơm chắc bẫm, rất đỗi bình dị, nếu không muốn nói là cục mịch, nhưng mùi hương của nó lại quyến rũ lạ lùng. Hoa không có sắc mà chỉ có hương, và hương chỉ chịu tỏa ra khi chiều xuống, như cái duyên ngầm của những cô gái chốn quê xưa. Ven đường đến ngôi trường học tiểu học của chúng tôi ngày đó cũng có dủ dẻ mọc lẫn trong những bụi cây, và chúng thường bị phát hiện ngay khi chiều xuống. Những cô học trò nho nhỏ ngày ấy, với mái tóc còn chưa biết đến mùi bồ kết và chanh, vẫn thường nhét dủ dẻ vào trong cặp như để làm duyên và như muốn để hương dủ dẻ làm tăng thêm mùi hương con gái.

    Nhiều người xứ Quảng xa quê đã đem vài bụi dủ dẻ vào trồng ở Sài Gòn để tìm lại chút hương vị quê nhà, nhưng dầu có chăm sóc thế nào nó vẫn tàn phai héo úa. Người ta đã hoài công khi muốn tìm lại, qua mùi hương dủ dẻ, hình ảnh bụi chuối bờ tre, tiếng chim cuốc kêu não nùng trong đêm vắng, cái oi nồng của nắng hạ, những tia chớp ngoằn ngoèo trên nền trời đông u ám, tiếng mưa rơi rả rích từng đêm trên tàu chuối ở chốn quê xưa. Rời xa những vùng gò đồi cát nắng, dủ dẻ đâm ra héo hắt, như tâm sự ngậm ngùi của kẻ ly hương. Loài hoa quê mùa đó không chịu được không khí ồn ào của chốn phồn hoa. Dường như nó chỉ muốn quay về với vùng quê sỏi đá đầy gió cát, nơi mà những cơn nắng hè hực lửa luôn làm khô héo ruộng đồng và đẩy thêm người dân quê tôi vào những tháng ngày lam lũ. Dủ dẻ chỉ muốn tỏa hương và làm bạn cùng những cậu bé, cô bé chăn trâu chân đất, tóc còn khét mùi nắng hạ. Nó vẫn luôn như một người nông dân chân chất, cục mịch vụng về nhưng tâm hồn lại ngát hương thơm. Hoa dủ dẻ có cái duyên ngầm của của cô gái quê xinh đẹp, lại có đằm thắm nồng nàn của một người tài hoa muốn ẩn mình nơi điền dã.

    Nhà văn Henry Miller có nói một câu vô cùng thâm thúy: “Tiền bạc có thể mua được tất cả, trừ sự nghèo nàn”! Hoa dủ dẻ chính là sự nghèo nàn đáng yêu đó. Dù có bao nhiều tiền bạc đi nữa, nhưng nếu chỉ sống ở thành phố thì các bạn sẽ không bao giờ thấy được loài hoa mộc mạc kia và cảm nhận được mùi hương lạ lùng của nó; nhất là thành phố bây giờ không còn cái yên tĩnh của bóng chiều hôm.

    Thời buổi văn minh đã vô tình tàn phá hết thiên nhiên thời thơ ấu. Những ngọn đồi ngày xưa đã bị san phẳng để thay bằng những tảng bê tông vô hồn đã cuốn trôi đi bao kỷ niệm êm đềm của chúng tôi trong mùi hương dủ dẻ. Và mai sau nữa, dủ dẻ không biết có còn không, để những khi chiều xuống, chúng ta còn dịp tìm về lối cũ đường xưa để nghe ra hồn hoa dại đang thì thầm trong bóng hoàng hôn.

Working...
X