Dường như tâm lý chung là càng lớn tuổi người ta càng tránh nhắc tới ngày sinh nhật. Tuy nhiên cũng phải thành thật công nhận nó là cái ngày quan trọng, bám riết vào cuộc đời của mỗi người đến không dứt ra được và dù muốn hay không nó vẫn thường xuyên xuất hiện dưới nhiều hình thức: trên giấy khai sinh, bằng lái xe, sổ thông hành và thậm chí ngay cả chiếc thẻ tín dụng, nó cũng đang nằm ẩn đâu đó đằng sau miếng nhựa mỏng chiều ngang bằng ba ngón tay chập lại ấy. Vậy mà đã hết đâu, trên nhiều thứ giấy tờ chúng ta phải điền mỗi khi – đơn xin học, đơn xin việc, đơn khai thất nghiệp – ngày sinh nhật vẫn luôn nằm sẵn ở đó chờ ta điền vào một cách nghiêm túc như là phần quan trọng không thể bỏ trống. Cho dù có cố gắng tránh cách mấy thì mỗi năm ngày sinh nhật đó vẫn cứ về để nhắc nhở mọi người phải có bổn phận nâng số tuổi của mình lên thêm một tuổi để cập nhật hóa nó. Cái chu kỳ đó được lặp đi lặp lại đều đặn, chính xác, không bao giờ sai trật, và cho đến một ngày người ta phải giật mình tự hỏi: Không biết mình đã già chưa nhỉ? Và nếu còn nghi ngờ thì hỏi thêm: Ở độ tuổi nào thì thật sự là già? Hay nói cách khác: Khi nào thì tuổi già bắt đầu?
Đây không chỉ là những câu hỏi thường xuyên được nhiều người thắc mắc mà còn là đề tài hay được nghiên cứu trong lãnh vực tâm lý và xã hội.
Trong một cuộc nghiên cứu toàn quốc vào năm 2009 bởi trung tâm nghiên cứu Pew Reasearch Center với 3.000 người tham gia. Kết quả cho thấy, trung bình người Mỹ nghĩ rằng tuổi già bắt đầu ở tuổi 68. Nhưng đó không phải là con số nhất định. Những người dưới 30 thì nghĩ rằng tuổi già bắt đầu ngay trước sinh nhật 60 trong khi những người tuổi 65 hoặc hơn thì nghĩ rằng tuổi già bắt đầu ở tuổi 74.
Kết quả nghiên cứu cũng thay đổi tùy theo giới tính. Trung bình, phụ nữ nói rằng tuổi già bắt đầu ở tuổi 70 trong khi nam giới nghĩ nó bắt đầu ở tuổi 66. Có lẽ điều này phản ánh phần nào do tuổi thọ của phụ nữ kéo dài hơn.
Tất nhiên, quan điểm về tuổi già của mỗi người mỗi khác nên nếu cứ nhất định lấy một mốc nào đó trong độ tuổi của đời người và cho đó là già thì có thể bị chê là ngớ ngẩn, vì vậy nên cần phải thận trọng. Hơn nữa, có người cho rằng già hay không là còn tùy vào suy nghĩ và cảm quan của mỗi người.
Nhiều cuộc nghiên cứu đã cố thử liên kết tuổi già với sức khỏe cá nhân và khả năng còn làm được một số công việc nào đó. Do đó, trong ngiên cứu của Pew, 76% đồng ý là những ai không thể tự sống độc lập thì được cho là già, trong khi chỉ có 66% nghĩ rằng người nào không còn khả năng tự lái xe được nữa thì sẽ được gán vào nhóm người già. Trong khi có 45% nghĩ rằng một người không bước nổi lên cầu thang nữa thì nên bị xếp vào nhóm người già, nhưng chỉ có 33% nghĩ rằng già là những ai không còn hoạt động tình dục. Và sau hết, khoảng 13% cho rằng người có tóc bạc là người già.
Thế nên, đặt cột mốc để xác định tuổi già là điều hết sức phiến diện. Nói theo ngôn ngữ của khoa tâm lý, ý nghĩa của hai chữ tuổi già chỉ nên hiểu một cách tương đối thôi vì còn tùy quan niệm của mỗi người. Ngay như những cơ quan và tổ chức có uy tín và thẩm quyền cũng không nói rõ chính xác tuổi già là ở độ tuổi nào. Những ai bước qua ngưỡng cửa của tuổi năm mươi thì liền được Hiệp hội Người hưu trí Hoa Kỳ (AARP) gửi thư mời tham gia để trở thành thành viên của tổ chức này. Trong khi Sở An sinh Xã hội Hoa Kỳ ấn định tuổi được hưởng hưu bổng toàn phần hiện nay là 65, và sắp tới đây sẽ tăng lên thành 66, 67 rồi 68.
Chấp nhận mình già không phải là chuyện dễ. Tuổi già luôn đi kèm với những lo lắng về sức khỏe: Các đốt xương bắt đầu nhức mỏi, trí nhớ trở nên cùn nhụt, và bạn bè thì nay nghe tin người này mất, mai nghe tin người kia chuẩn bị ra đi. Vậy thì cho dù có là người bình tĩnh nhất thì cũng không thể không có chút băn khoăn về bản thân. Có người còn kém may mắn hơn nếu gặp trường hợp khó khăn tài chánh, có thể vì bị buộc nghỉ hưu sớm hay vì thất nghiệp, người khác phải lo chăm nom phụng dưỡng cha mẹ già yếu, có người còn phải nuôi con mặc dù có những đứa đã trưởng thành nhưng vì lý do này hay lý do khác không có tiền và phải về sống chung với bố mẹ. Nhưng đối với phần đông người già, tình trạng tâm lý chưa chịu chấp nhận thực tại mới là nguyên do chính làm cho họ mất ăn mất ngủ mỗi khi nhìn xung quanh và thấy mình là kẻ lớn tuổi nhất trong đám.
Ai cũng phải già, thế hệ nào rồi cũng phải bước vào buổi hoàng hôn, nhưng với những người cứ nghĩ rằng mình sẽ trẻ mãi, thì khi sự thật ập đến làm họ chợt nhận ra là mình cũng già đi như bất kỳ ai khác thì dường như nỗi đau khổ đối với những người này to lớn hơn cả. Tuy có nhiều người cố gắng điều chỉnh cuộc sống của mình để thích hợp với giai đoạn mới của cuộc đời, nhưng vì một vài lý do nào đó mà ít người trong số họ hình dung ra được chính họ đang phải trải qua kinh nghiệm của những thay đổi trong đời.
Vì sao vậy? Hầu như ai cũng hiểu và chấp nhận một sự thật là càng ngày càng có nhiều người xung quanh trẻ hơn mình. Biết vậy nhưng sự thật vẫn làm đau lòng. Cứ thử tưởng tượng hình ảnh cả một căn phòng đầy những người trẻ chỉ riêng mình là già thì chắc chắn phải đau chứ. Nhất định là không thể tìm ra một lý do vui thích nào trong hình ảnh đó cả.
Đời càng buồn thì càng cần có bạn. Nhưng những người đang bước vào tuổi già cũng đừng quá lo. Cứ cố gắng nhìn quanh tìm kiếm đi, chắc thế nào cũng bắt gặp một vài người đồng cảnh ngộ với mình để làm bạn. Hiện ở Mỹ, lớp babyboomers (sanh từ 1945-1964) là thế hệ đông đúc nhất trong dân số Hoa Kỳ, với ước tính có khoảng 77 triệu người, và vì thế cũng là thế hệ có nhiều người già và đang chuẩn bị bước vào tuổi già nhất. Tính ra cứ mỗi bảy giây là có người bước qua tuổi 50. Do đó những người nằm trong tuổi này sẽ không phải lo lắng là không có bạn đồng hành.
Theo các nhà tâm lý, sinh hoạt của những người già thường được chia thành hai nhóm khác nhau. Một nhóm là những người có khuynh hướng chọn sống cạnh những người trẻ tuổi hơn, thậm chí có người còn dọn tới ở trong những khu vực quanh các đại học hay những khu xóm có lối sống trẻ trung. Trong khi nhóm kia là những người có khuynh hướng sống ở những nơi mà họ là những người trẻ tuổi hơn những người xung quanh.
Có những người có khả năng biết đối phó với sự chuyển tiếp tuổi tác giỏi hơn những người khác. Lý do rất có thể là vì những người này biết tự đánh giá chính bản thân mình. Tiền bạc, nhà, xe, sửa sang diện mạo bề ngoài – tất cả những thứ ấy giúp được phần nào ổn định tâm lý của những người già, nhưng dường như vẫn chưa đủ nếu chính họ không chịu nhìn nhận tuổi tác thật sự của mình. Biết và chấp nhận là điều nên làm và làm đúng lúc.
Một đôi khi có thể có người sẽ gặp trường hợp bẽ bàng. Ví dụ như một hôm nào trong khi đang lóng ngóng tim chỗ ngồi nghỉ chân nơi công cộng thì bất chợt ai đó tự nguyện đứng dậy nhường chỗ cho, hoặc khi nói chuyện với một người lạ mặt mà người đó cứ một hai thưa gửi lễ phép, rồi còn hỏi thăm sao bác đã có cháu ngoại cháu nội gì chưa. Thế nghĩa là ngoại hình của mình ít nhất đã cho người đối diện chút khái niệm về tuổi tác không thể che giấu được của chính mình. Những lúc ấy ắt hẳn là phải xót xa lắm, nhưng không sao, lần hồi rồi sẽ quen đi thôi.
Nhà báo Michele Willens kể chuyện bà quyết định đi học trở lại sau 40 năm cách biệt. Ngày đầu ngồi trong giảng đường, bỗng thấy mình không chỉ là sinh viên lớn tuổi nhất mà còn ngu ngu ngơ ngơ nhất, và gần đó là những cặp mắt xăm xoi khó hiểu. Sau một thời gian cố gắng thích nghi với môi trường mới và hòa đồng cùng với đám sinh viên trẻ tuổi kia, bài học mà bà học được là trong những câu chuyện xã giao đừng bao giờ bắt đầu bằng một câu nói đại khái, “Khi tôi bằng tuổi cậu…” hoặc “Ở thời của tôi…” Và đừng nên cố chứng tỏ là mình còn trẻ, dù là “trẻ” trong tâm hồn, trong khi mình đâu còn trẻ. Làm thế thì cũng giống như trong nhiều cách thức trang điểm làm đẹp, nếu không khéo, thay vì biến một người thành trẻ hơn thì hóa ra lại chỉ làm người ta già đi thôi.
Cho dù chúng ta có muốn phân chia tuổi của một đời người thành nhiều phần khác nhau – già, trẻ, lớn, bé, sồn sồn – và cho dù có cố gắng níu kéo trì hoãn cách nào thì chúng ta cũng cứ phải già đi theo năm tháng mà không thể tránh được. Tai bắt đầu nghễnh ngãng, mắt bắt đầu mờ mờ khi bước vào tuổi bốn mươi, tay chân hơi run run ở tuổi năm mươi, và không lâu sau đó vị giác cứ nhàn nhạt sao ấy, rồi bảy mươi thì khứu giác không còn phân biệt đâu là mùi hương thật sự và lẽ tất nhiên là trí nhớ cứ cùn cụt và mỗi lúc một tồi đi.
Ngồi trong một phòng họp hay đứng trong một đám đông, là một người trẻ tuổi nhất thì ai lại không thích thú và kiêu hãnh. Nhưng tuổi già là một thực tế không ai tránh được nên cứ thản nhiên chấp nhận. Đó là phản ứng và thái độ thích hợp nhất!
Comment