Announcement

Collapse
No announcement yet.

Singapore 2014

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Singapore 2014








    Mãi đến những ngày cuối năm 2014 tôi mới có dịp quây lại Singapore , lần nầy được nhập vai du khách đi chụp một vài hình ảnh để các bạn xem cho vui . Dẫu sao Singapore cũng là trạm dừng chân quen thuộc của rất nhiều người trên thế giới .

    Năm 1981, từ trại tị nạn Galang Indonesia, tôi được chuyển đến Singapore mấy ngày để chờ chuyến bay đi định cư . Nhớ lại thời gian đó khá vui . Tại đây đồng bào có hai nhóm : nhóm sẽ ra đi trong vài ngày , thường là vào những buổi sáng sớm và nhóm ở lại dài lâu . Hai nhóm sống chung với nhau trong các dãy nhà lầu . Đối với nhóm ra đi thì đây là trạm cuối của ly chén mùng màn . Tất cả những thứ nầy đều được để lại "nguyên trạng" ( không chịu dọn dẹp ) cho nhóm thứ hai xem ra thiếu đủ mọi thứ . Bởi vậy mới có một buổi sáng nọ, đang mơ màng giấc điệp thì tự nhiên bị một nhóm đồng bào chạy vô giành nhau lấy hết giày dép áo quần kể cả chiếc mùng đang ngủ . Khi họ vào, chủ cũng như khách cả hai đều phản ứng giống nhau nên không phân biệt được . Tỉnh ngủ mất hết đồ mới biết nguyên nhân do thiên hạ canh nhầm phòng hay lộn ngày .

    Rời Singapore để định cư tại Úc châu , lục địa phần lớn thiếu nước lại dư ánh sáng mặt trời cho nên hình ảnh những thảm cỏ xanh mướt trong thành phố của Singapore đã trở thành những hình ảnh đậm nét nhất. Mấy chục năm sau quây lại, ngoại trừ cái không khí khá ẩm thấp ở đây , màu xanh tràn đầy sức sống năm xưa vẫn còn nguyên !




    Những tấm hình tiếp theo cũng được chụp trên cùng một địa điểm : Singapore Botanic Garden . Trong đó có lẽ khu National Orchid Garden là đẹp và nổi nhất .










    Vì là tháng cuối năm nên vườn hoa cũng có vài chổ trưng bày chào đón mùa giáng sinh và năm mới !




    Nhìn chung, vườn hoa phản ánh phần nào đặc tính của đất nước Singapore : quá nhiều những loại hoa quý và đắc tiền nhưng lại chen nhau trên một diện tích hẹp , hầu như là che kín toàn bộ không gian trưng bày .




    Cách đó không xa, có một quán cà phê ở một địa điểm khá lý tưởng . Nhiều người đến đây đi bộ hoặc tập thể dục vào buổi sáng sớm, xong thì ghé vào đó để thưởng thức một bửa điểm tâm có ly cà phê bốc khói , có tiếng chim hót , có tiếng suối chảy , có cây cối xanh tươi trong một không gian còn tinh mơ , chưa tan sương khói của một ngày mới ở vùng nhiệt đới .




    Ghé Singapore trong 1-2 ngày , phần lớn du khách sẽ tập trung ở vùng Marina bay , có lẽ đây là bộ mặt chính của Singapore, đi bộ lòng vòng trong cái vịnh này, ngắm con sư tử phun nước miếng , biểu tượng sức mạnh thương mãi của Singapore hoặc đi qua các khu vui chơi gần đó .




    Trong hình là Sand Hotel, bên cạnh là Art Science Museum có hình như một bàn tay . Trên sân thượng của Sand Hotel có Sand Sky Park và hồ bơi . Những kiến trúc độc đáo nầy buổi tối là nguồn đèn laser rực rỡ chiếu xuống vịnh , nhảy múa theo tiếng nhạc .




    Tiếp theo với khoảng cách đi bộ là 2 khu nhà kính : Flower dome và Forest dome , trưng bày bông hoa và cây cối khiêng về từ khắp thế giới .




    Đi bộ trên Cloud forest , ngắm khung cảnh lẫn thời tiết nhân tạo xem ra hấp dẫn và dễ chịu hơn .



    Dưới nhìn lên , trên nhìn xuống




    Đồng bào mình du lịch qua Singapore cũng đông lắm ! Có thể đoán biết qua khuôn mặt , hoăc chắc ăn hơn khi thoáng nghe một vài tiếng chửi thề Muốn biết "phe ta" từ đâu đến , dễ lắm ! chỉ cần nghe ngôn ngữ mấy đứa con nít nói chuyện với nhau là có thể đoán được liền .





    Singapore là một quốc gia giàu mạnh , đất hẹp người đông , thời tiết lại không dễ chịu nên lượng du khách phần lớn không ở lâu và cũng chỉ đến để khám phá 1-2 lần . Những lần khác, họ sẽ ngồi chờ chuyển tiếp tàu bay ở phi trường Changi . Ngày nay phi cơ đã đủ sức bay xa , bay thẳng nên cơ hội ghé Singapore có lẽ đã trở thành một lựa chọn nặng phần kinh tế ( giá vé rẻ ) và tùy tiện .

    Thân ái

    NTT

    (Jun 2016)





  • #2
    ĐH nhớ lại năm 1980, cũng từ Galang 1 , ĐH cũng được đến Singapore , trạm dừng , tạm thời trong vài ngày , trước khi được đến định cư chính thức ở quốc gia thứ 3, Canada.

    ĐH thì không có khiếu như anh Toản,

    Nên ĐH chỉ nhớ , là khi đó , mỗi người , được Cao Ủy phát tiền mặt mỗi ngày cho từng người , và ĐH cùng vài cô bạn , đi xe bus, lúc đó ĐH quên rồi , không biết có xe điện chưa??? ra ngoài phố ăn bánh mì và ngắm nhìn , nào là ....quần áo , hàng hóa, người qua kẻ lại......

    Nhưng mà mấy hôm ấy ĐH , tâm trạng lúc đó thật là vui buồn lẫn lộn.....

    Không biết anh Toản đến Singapore vào giờ nào , nhưng ĐH , thì thật là may mắn, rời đảo Galang buổi trưa , và đến Singapore vào buổi chiều tối.

    Khi ở đảo mình như bị tù treo , vì bốn phía của đảo , đều là biển đẹp, rất sạch với màu xanh biếc.

    Bây giờ ngồi trên tầu , ngắm mặt trời lặn , và những ngôi biệt thự nhiều kiểu và chiều cao, thấp , mầu săc....khác nhau , đẹp như một bức tranh , đó là ĐH , người chỉ YÊU chữ "T" vậy mà còn nhớ hoài cảnh đẹp chiều hôm ấy khi tầu đi vào Singapore.

    Cho đến bây giờ ĐH cũng chưa có dịp trở lại thăm Singapore, cám ơn anh Toản đã update Singapore bây giờ.

    DH
    Đình Hương

    Comment


    • #3


      Tàu Hunan của Anh đang vớt người trên hải lộ quốc tế từ Hong Kong đến Singapore - Ành do thuyền trưởng tặng



      Trai tị nạn dành cho người Việt trên đường Hawkins Road trước đây là một trại lính ở khu Sembawang, Singapore, chỉ tiếp nhận những thuyền nhân được tàu viễn dương vớt được từ biển khơi. Từ cổng trại (View Road) đi lên dốc về phía bên trái là bệnh viện, đi xuống dốc về phía bên phải ra đường Admiralty. Ở ngay lề đường này có một trạm xe bus chạy về phía trái đến một trạm dừng gần đó là nhà thờ Hồi giáo, rồi đến trạm Woodlands, gần cổng biên giới với Mã Lai gọi là Woodlands Crossing (ở Singapore xe chạy phía trái). Khu phố Woodlands có một căn chợ nhỏ chuyên bán thức ăn như cơm, mì, hoành thánh, ... (giá một tô mì bán ở chợ lúc đó vào khoảng 3 dollars Sing). Quanh đó các loại trái cây nhiệt đới được bày bán trong các sạp hay đổ trên những tấm nylon dọc theo lề đường trông rất vui mắt.

      Khách Việt Nam từ trại thường đến đây vào các buổi tối cuối tuần để ăn uống, phe đàn bà thường chọn chè, cháo, ... còn phe đàn ông chọn khô mực và bia Tiger (của Singapore) khá ngon. Ngồi với nhau ôn lại những ngày đói khát, lênh đênh trên sóng nước không thấy bến bờ, ai cũng cảm nhận được mình là người may mắn. Thế gian quả có những điều kỳ diệu nhưng tiếc là điều kỳ diệu đó chỉ đến với quá ít người. Khoảng cuối những năm 1980, tiền trợ cấp từ UNHCR (United Nations High Commissioner for Refugees) cho mỗi người, ngoài khoản thực phẩm miễn phí do các nhà từ thiện ở địa phương tặng, là 2 dollars Singapore mỗi ngày (tương đương khoảng một dollar Mỹ). Bên cạnh đó còn có những phong bì thư express ''con Ó'' đầy ắp tiền Mỹ, Úc, Anh, Pháp, Canada, ... mà một số cư dân của trại nhận được mỗi ngày từ thân nhân đã định cư trước đó (cash gởi trong thư thường hay thư bảo đảm sẽ bị nhân viên bưu điện tịch thâu). Từ cổng trại, nếu đón xe bus ở phía bên kia đường Admiralty để đi về phía bên phải sẽ đến trạm dừng tại siêu thị Sembawang, nơi đây bán các loại hàng tiêu dùng như áo, quần, túi xách, va-li, ... và tầng hầm bán thức ăn Thái Lan, Tàu, Mã Lai, ... Phe ta thường kéo đến đây để sắm sửa hành lý và chia tay nhau lần cuối trước khi đi đến những đất nước xa lạ. Tram xe bus kế tiếp là Yishun, từ đây có thể đón tàu điện, rất sạch và đẹp để đi downtown, nơi các đại sứ quán sẽ phỏng vấn cư dân trại để chọn những người họ sẽ cưu mang cho đến hết quãng đời còn lại.

      Buổi tối đi dạo một vòng trại, có hôm chợt nghe thoang thoảng mùi khói thuốc như chất diêm sinh (sulfur) kèm theo những tiếng nổ lách tách nho nhỏ rất lạ, biết ngay là có đồng hương từ Indo sang ở tạm vài hôm để chờ đi định cư qua ngả phi trường quốc tế Changi.

      Comment


      • #4
        Cảm ơn anh Toản đã post hình và viết đôi dòng về Singapore. Những ai đã đi vượt biên khoảng thập niên 80 chắc đều có ghé Singapore một hai lần. Vậy là chị DH ghé Singapore năm 80, anh Toản năm 81, T theo sau năm 82.

        Lần đầu khi đi máy bay từ Bangkok - Thái Lan tới phi trường Singapore vào ban đêm, tối thui, xe bus chở xuống bến tàu, rồi thuyền ra cửa biển đi Galang - Indenesia. T qua trụ trì ở Galang 1 năm, chưa thành chánh quả nhưng Cao Ủy thấy nuôi thêm nữa chỉ tốn cơm nên lên 'list' cho T rời đảo, một đi không trở lại.

        O.D.Ghe từ Galang qua Singapore, tới trại vào buổi chiều. Đợt đó họ đổ xuống mấy ghe, gần 700 mạng trong chuyến đi qua Mỹ nên trại chật như nêm. T từ nào giờ lúc nào cũng lớ ngớ nên đành gác cửa 'toilet'. Trại chỉ phát cho 10 gói mì ăn liền, ăn hết thì tới ngày lên máy bay. Sáng trưa chiều gì, chỉ xực mì nên tới mấy năm sau đó vẫn còn bị ám ảnh mùi mì gói.

        T cũng có ra phố Singapore 1 hôm, mà hồi đó dốt thấy mồ, theo người ta chỉ để kiếm đường đi mua dùm người đi cùng ghe với T một cuốn băng nhạc có bài 'Oh, Oh yeah yeah. I love you more than I can say....' (một bản nhạc rất thịnh hành ở quán cà phê trong các trại tị nạn lúc đó). Dì nói T biết tiếng Anh chút đỉnh đi mua dùm, dì bao tiền xe bus. Khu chợ cũng có sạp hàng giống chợ Bến Thành.

        Ngoài ra không còn nhớ gì về Singapore, không biết tên trại, không biết tên phi trường vì lúc đó rầu thúi ruột khi nghĩ tới viễn ảnh tới Mỹ theo diện con bà phước, không biết lành dữ thế nào đây.

        Cám ơn anh Hùng đã post hình ảnh và 'info' về trại tị nạn Singapore. Không biết bây giờ trại còn không, hay người ta đã xây lại làm chuyện khác. Lòng T thầm hy vọng mấy building vẫn còn đó, để một ngày nào duyên may đưa đến, có dịp ghé tới Singapore, chắc sẽ tìm đến nơi đã cho mình tá túc mấy ngày ngắn ngủi năm xưa.

        Thân mến,

        Trúc

        Comment


        • #5
          Các bạn mến , đối với nhiều người Việt ở Mel thì Sing là thành phố gần như khá quen thuộc , ngoài kỷ niệm là nơi tạm trú để chuẩn bị đi tới các quốc gia trong nhóm thế giới thứ nhất từ thập niên 80 như các bạn mình đã trải qua , sau này Sing còn là thành phố thân quen để nhiều người có thể du lịch ngắn ngày khi về Vn hoặc Á châu bằng Singapore airlines

          Lần đầu tiên P ghé Sing để chờ máy bay vào Vn cách nay 20 năm trước , hôm đó chậm chạp nên bị huốc chuyến đầu , phải chờ gần 5 tiếng để đón chuyến sau , lúc đó cảm thấy oải quá vì không biết làm gì để 5 h trôi qua cho mau thì tự dưng cô nhân viên hải quan ở đó hỏi P có muốn đi ra ngoài dạo một vòng không , mừng quá , P gật đầu liền thế là được cô ta dắt đến chỗ xe buýt đón khách đi dạo thành phố trong lúc chờ đợi máy bay hơi lâu như P ( cũng good idea chứ phải không các bạn ? )




          Nhờ đi lần đó mà khi về Vn lần thứ hai P đã ở lại Sing 3 ngày để thăm viếng lâu hơn , nhưng tiếc là lúc ấy P không vào Botanic garden để xem cho nên bây giờ thấy hình anh Toản chia sẻ mà P tiếc hụi hụi , không ngờ trong đó đẹp như vậy , vì P có đi ngang mà không vào , hồi đó mê shopping và thích đi chợ để khám phá ẩm thực nhiều hơn niềm đam mê ngắm hoa lá cây kiểng , nhưng bây giờ khác rồi , , P hy vọng sau này nếu có dịp đi Sing nữa P sẽ nhất định vào Botanic garden để xem cho mãn nhãn hơn , hơn nữa cũng hơn 10 năm rồi chưa ghé lại , biết đâu lúc đó mình lại may mắn gặp được vài người bạn đang đến đây du lịch tìm về những kỷ niệm xa xưa đó nhỉ , hichic

          Thân mến

          PL


          Comment


          • #6
            Hai người đầu tiên (của chuyến tàu vượt biên) rời đảo Galang.

            Hình chụp tại Singapore. Không nhớ rõ đã ở được mấy ngày tại Singapore trong khi chờ chuyến bay đi Ottawa và cũng không nhớ ai đã chụp hình cho mình!

            Có ai biết chỗ này không?!

            HNhung





            Comment


            • #7
              Các bạn thân mến

              Cảm ơn các bạn đã góp gió thổi về Singapore . Hóa ra những ai đã từng "OD ghe" ( chữ của Trúc ) đều dành nhiều cảm tình đặc biệt cho đất nước này và bài Singapore 2014 chữ ít hình nhiều đã vô tình mở đúng cánh cửa kho cảm tình đó . Vậy chúng ta hãy cùng nhau bước vào một tí cho vui .

              Trước hết xin nhắc lại một sự kiện khó quên về bạn Đinh Hương trong ngày đầu tôi đến Galang (Dec 1980) : Hôm đó tôi vừa được "check in" xong một chổ cắm dùi khá tốt trong barrack thì bổng nghe ai kêu " Ê ..ê .. đi đâu tới đây ! " quây lại , nhân ra ngay cô bạn 74 Knc . Chí mén gặp nhau , niềm vui dâng tràn ! Đây chính là mini hop mặt đầu tiên của chúng tôi ở hải ngoại .

              Đón Giáng sinh , tết Nguyên đán , cuối tháng Ba 1981 ( nhóm) tôi rời Galang trên những chiếc ghe ngồi sát mặt nước của dân địa phương , tổ chức cũng giống như xe đò Hoàng ở Mỹ , mỗi người được phát gói xôi và chai nươc . Ghe chạy quanh co mấy hòn đảo trong vài giờ thì đến Singapore . Sau đó là thủ tục nhập cảnh khá lâu mới cho lên xe bus chở về trại tị nạn Singapore .

              Thời gian nhóm của tôi ở Trại Singapore cũng chỉ 3-4 ngày . Tuy nhiên vì được tự do ra phố , nên trong ngày đi định cư nhóm đã có một chút khác biệt rất dễ thấy . Các anh chị mặt mày xanh xao ,áo quần mỏng tanh, đi dép Nhật ,xách bao nylon lên Boeing là "con bà phước" chính hiệu (lại chữ của Trúc Lâm ) . Khá hơn thì áo quần giày dớ có vẻ tươm tất ,tóc tai gọn gàng, mặt mày nghiêm nghị ... giống như đi phỏng vấn xin việc và sau cùng khá nhất có lẽ thuộc về những người mặt mày vui tươi , vali đầy đủ như dân đi du lịch ,có ôm thêm cái nồi cơm điện hoặc cái radio cassette mới toanh . Cũng cần nói thêm trên đây là con bà phước của Úc , con bà phước của Mỹ còn mang thêm nổi "rầu thúi ruột " ( mượn chữ của Trúc ) tại phải ký giấy nợ ( vé tàu bay ?) mới được đi định cư .

              Đọc comment của anh Hùng biết rõ địa chỉ của trại tị nạn Singapore thì hơi tiếc vì lúc đó không biết để mò đến chụp một vài tấm hình gởi lên diễn đàn cho vui , nhất là vị trí trong hình của bạn Hồng Nhung . Thế nhưng thời gian hơn 30 năm có lẽ đã thay đổi hết rồi . "Lối xưa xe ngựa " may ra chỉ còn lại cỏ mùa thu ( " hồn thu thảo" ) mà thôi .






              Ở Indonesia người ta hút một loại thuốc lá có mùi vị khá đặc biệt tên là Gudang Garam . Loại nầy ai chưa quen đều thấy khó chịu ( kể cả người đứng gần ) nhưng quen rồi thì khó đổi qua hút các loại thuốc lá khác vì không đậm đà bằng . Người Việt mình sống lâu ở Indo cũng bị ảnh hưởng : xa Indo lâu năm nhưng nghe mùi thuốc biết liền ! như anh Hùng đã đề cập .

              Đại khái nói về Singaporean , họ là tập hợp sống chung hòa bình của 3 nhóm chính : nhóm gốc Mã lai và hai nhóm còn lại là bà con của anh Bảy và anh Ba ( chắc các bạn còn nhớ , anh Bảy Chà-Và hồi đó bán kem Hynos , còn anh Ba hồi xưa nhà ở quân 5 Saigòn ) Mấy anh nầy đa số thích cuộc sống tây phương ,không ăn thịt hoặc mỡ heo ( hình trong comment của bạn Phương Lê ). Buôn bán làm ăn là năng khiếu trời cho mấy ảnh nên đất nước Singapore mau giàu là đúng rồi .

              Thân ái chúc các bạn một ngày vui .

              NTT


              Comment


              • #8
                HN có biết 1 loại thuốc lá khác nữa nhưng không biết tên. Nó ốm và dài hơn loại ở hình chụp. Nó màu nâu sậm và mùi thì... không bao giờ quên! Rồi thì 15 năm sau, nhớ có lần trong lúc đang đứng chờ xe bus ở trạm, cái mùi không quên đó ở đâu nó... chui tọt vào mũi?! Chắc các bạn cũng đoán ra được HN sẽ phản ứng như thế nào?! Hắn quay một vòng đúng 360 độ để... tìm xem coi ai đang phê... món đó! Làm như được gặp lại người quen không bằng!

                Quý vị có biết , có biết đó là mùi gì không? Nó là 1 trong các vị dùng để nấu Phở đó! HN đã tình cờ khám phá ra nó hồi bắt đầu học nấu Phở. Tên nó là đinh hương (vì nó có hình dạng của cây đinh). Sau này nhớ lại, hèn chi hồi ở đảo, thấy nó được phơi đầy đường mà không biết nó dùng để làm gì...!?

                HN đã ở qua 3 đảo của Indo. Cái đảo đầu tiên là 1 đảo nhỏ, không có chứa người tỵ nạn mà nó chứa đầy đinh hương. Đảo đó cũng không có tên trên bản đồ. Ở đó chừng 10 ngày để làm thủ tục giấy tờ rồi nó cho tàu đến chở sang đảo Kuku, 2 tuần sau đó là đến Galang....





                Kuku refugee camp, Indonesia - ( Photo from internet)

                Comment


                • #9
                  HN và các bạn nhắc thuốc lá Indo làm nhớ thấy ... “thèm” (just kidding!!) .



                  ...


                  Originally posted by 'ThienToan'



                  … con bà phước của Mỹ còn mang thêm nổi "rầu thúi ruột " ( mượn chữ của Trúc ) tại phải ký giấy nợ ( vé tàu bay ?) mới được đi định cư .


                  Hình như đó là cái “thú đau thương”. Khi ở trại Galang, dân ty nạn con bà phước ngày nào cũng trông ngóng, mong có tên trong danh sách được rời trại chuyển sang Singapore để … ký giấy nợ vé máy bay!!.

                  Khi so với thời điểm đầu năm 1980s, dân Việt tỵ nạn mới sang Mỹ làm lương lao động tối thiểu khoảng $3.00/giờ, trừ thuế còn lại khoảng $2.50/giờ hay $100/tuần, rồi nhìn lại cùi vé máy bay (ticket cover) thuở đó năm 1980, thì thấy vé không rẽ lắm. Hạng vé tỵ nạn economy class, chỉ đi một chiều từ Singapore sang đến Bloomington, tiểu bang Indiana USA, giá US $650.96.


                  Ưu điểm là tiền nợ vé máy bay nhằm mục đích giúp đỡ dân ty nạn vượt biên, cho nên số tiền nợ này không tính lãi, khi nào có tiền thì trả lại từ từ. Riêng mình, mấy năm đầu sang đây, do đi học lại nên là sinh viên nghèo ty nạn, cho nên thiếu nợ tiền vé máy bay, làm con nợ mãi đến 4 năm sau khi tốt nghiệp ra trường, đi làm, mới trả lại tất cả (paid off) – mà không bao giờ bị chủ nợ truy nã, đòi nợ gì cả ...Vẫn nhớ mãi sự giúp đỡ này của ICEM/Church World Services đã tạo điều kiện cho hành trình đi định cư trên quê hương thứ hai!!!

                  Tình thân,

                  4
                  Best wishes,

                  Comment


                  • #10
                    Originally posted by 'ThienToan'

                    ... bài Singapore 2014 chữ ít hình nhiều đã vô tình mở đúng cánh cửa kho cảm tình đó . Vậy chúng ta hãy cùng nhau bước vào một tí cho vui .


                    Các bạn trẻ thân mến ,

                    Chúng tôi, chính xác là thế hệ chúng tôi , sinh ra và lớn lên qua "20 năm nội chiến từng ngày ", chuyện gì cũng có thể xảy ra ... thế nhưng ít có ai nghĩ cuộc đời lại có lúc trôi dạt như "Robinson" đến tận những hòn đảo của Indonesia !

                    Hình ảnh xưa của những hòn đảo này rất hiếm nếu không muốn nói là không có ! Trong hoàn cảnh đó, mấy ai có máy chụp hình . Thật tình mà nói ,nếu có vài "pô" (exposures) thì các Robinson cũng ưu tiên chụp chân dung gởi về cho Má , để Má Robinson tin rằng Robinson còn ăn được cá, chứ không phải cá đang ăn Robinson .

                    Kuku là một trong những hoang đảo này . Trên Google Map vị trí của nó nằm trên một hòn đảo nhỏ có tên là Pulau Jemaja , Indonesia . Trước đây đã có một họa sĩ vì không muốn những hình ảnh trên đảo bị tan theo thời gian , anh ta vẽ lại theo trí nhớ của mình rồi in ra và phân phát dưới dạng lịch treo tường . Hôm nay tình cảm ngày xưa bổng tràn về , bắt chước người họa sỹ , tôi xin mạn phép vẽ lại hòn đảo này bằng chữ theo trí nhớ của Robinson từ hồi cuối tháng 10 năm 1980 .Mời các bạn xem qua cho vui .




                    Đây là một tấm hình thuộc loại hiếm ,tìm được trên internet . Chủ nhân là Gaylord Barr (1947-2015) , một giáo viên tiếng Anh làm việc cho Cao Ủy . Nếu chúng ta di chuyển theo hướng mũi tên màu vàng sẽ thấy được toàn bộ khu trại Kuku . Nhìn từ xa nó chỉ là một bải cát hình chữ C nằm dưới chân núi , lát dát có mấy cây dừa cao . Phía dưới là những túp lều xiêu vẹo nằm sát nhau ,sườn dựng bằng cây , mái che bằng những tấm bạt nylon màu xanh.

                    Mũi tên màu đỏ nằm chính giữa là vị trí cầu tàu , phía sau đó có một nhà kho chứa lương thực . Nếu đi thẳng vào núi sẽ băng qua một con suối nước ngọt , nguồn cung cấp nước cho toàn trại . Nước sạch được lấy từ nguồn trên núi, chảy qua nhiều khúc ống hở , nối tiếp nhau chảy xuống bể chứa . Cầu tàu là nơi vui nhất đảo , hầu hết các Robinson đều tràn ra đây mổi khi có thêm ghe tàu mới đến . Thiên hạ chỉ chỏ ,cười nói hà rầm khi thấy các Robinson mới, đi đứng ngả nghiêng hoặc té nhào khi đặt chân lên đất ( hội chứng say đất ) . Thỉnh thoảng , niềm vui vở òa khi Robinson cũ gặp được Robinson mới là người quen biết cùng xóm cùng phường , thường là anh Ba chú Tư gì đó trong cùng một làng chài . Đây cũng là nguồn duy nhất trên đảo để bà con biết thêm tin tức quê nhà qua những người mới đến .

                    Mũi tên màu trắng phía bên phải là vị trí của văn phòng giới chức địa phương và cao Ủy . Ở đây người ta làm việc theo "tổ dân phố" và tổ dân phố đó chính là số hiệu chiếc ghe chở các Robinson đến . Tỉ dụ như An giang 123 hoặc nhóm đi ghe Long xuyên 321 ... Hệ quả là các tài công , thợ máy tự nhiên được trở thành các xếp lớn ,đại diện cho toàn nhóm . Gia đình họ được phân về ở trong những cái lều có vẻ lành lặng hơn một tí , tập trung trong một khu để tiện liên lạc . Có người vui đặt tên cho khu này là dinh Độc lập, dinh Gia long và khoản cát đi bộ trước lều, trở thành đường Nguyễn Huệ , Lê Lợi ...

                    Mũi tên màu xanh ở hai đầu là vị trí các mỏm đá , phía dưới sóng vổ rì rào , phía trên được người ta bắt cây làm đường đi , cuối đường là toilet, chổ để các Robinson ngồi thả bom cho cá . Bạn nào đã coi phim Cast Away sẽ thấy nhân vật chính trên hoang đảo phải vất vả như thế nào mới có được lửa . Nếu Robinson được mời đi đóng phim có lẽ khán giả sẽ thấy dù cho hoang đảo có rất nhiều lửa nhưng Robinson cũng vất vả như thường khi thiếu giấy !

                    Trên đảo, các Robinson sống chung hòa bình bất đắc dĩ với chuột ! Chuột khá to và không đi định cư nên số lượng đông hơn Robinson .Chúng nó không sợ người . Ban đêm chúng chạy trên các cây dựng lều , thỉnh thoảng có con trượt chân rớt xuống mùng ,giúp cho Robinson giật mình thức dậy , thoát cơn ác mộng vượt biên đang nằm mơ đến hồi gay cấn .

                    Lương thực của Robinson được đóng gói trong các bao bì nylon , cao ủy phân phát , toàn loại không cần lửa như gạo sấy , đồ hộp . Thực phẩm tươi thì rau Sam mọc đầy đảo , đôi khi còn tìm được trái Khổ qua do tiền nhân để lại, ai muốn ăn cá thì chiụ khó vát cục đá ra cầu tàu ngồi chờ , chừng nào đàn cá nhỏ bơi vô đen xì cả vạt thì lấy hết sức mà dzụt cục đá xuống , tệ lắm cũng có 5-10 con nổi lên , lựa mấy con bơi thẳng từ ngoài biển vào ( chưa bị ăn bom từ 2 đầu của đảo ) . Kê 3 cục đá có được cái bếp , khui lon đồ hộp có được cái nồi , củi lửa ê chề các Robinson tha hồ mà nấu nướng

                    Thế nhưng ăn ngủ và tắm biển chỉ độ một tuần là bắt đầu chán , cuộc sống trên hoang đảo trở thành tù túng ,buồn bã nhất là những buổi chiều sương khói hoặc những ngày mưa tầm tả . Các Robinson bắt đầu nhớ nhà , nhớ vợ con , nhớ người tình cũ , nhớ đủ thứ . Có nhiều Robinson mơ ước được quây về lại VN ... để cân ký bán cái đống bao nylon nhặt lượm trên đảo sẽ có đủ tiền thêm chổ cho thân nhân cùng vượt biên .










                    Thế rồi sau 2,3,4 tuần mong đợi , sự xuất hiện con tàu sắt màu trắng to đùng có tên là Flora cũng là lúc bức tranh bằng chữ này khép lại . Các Robinson rời đảo để qua Galang, họ sẽ được lập hồ sơ , phỏng vấn rồi chia tay nhau để định cư ở một nước thứ 3 .

                    Thân ái

                    NTT


                    Comment


                    • #11
                      Anh Toản viết vui, dí dỏm thiệt.. (shortcut) XL đọc với nụ cười vui trên môi. Cám ơn anh bạn nhiều nhiều...
                      https://www.doquanmusic.net

                      Comment


                      • #12
                        Năm 1981, T tới trại tị nạn Galang 2 để chờ sponsor đi Mỹ. Lúc đó người ta chia Galang làm thành 3 trại: Galang1: thuyền nhân đến thẳng các đảo của Indo và chờ phỏng vấn đi định cư nước thứ ba, Galang2: dân tị nạn ở các đảo trong vùng DNA đã được Mỹ nhận, đang chờ tìm người bảo trợ và Mỹ cho qua Galang 2 học Anh văn và phong tục tập quán Mỹ, cũng như học nghề trước khi định cư. Galang 1 nằm gần cầu tầu, Galang 2 phải đi vô sâu trong đảo khoảng 5 cây số, còn Galang 3 nằm giữa Galang 1 và 2 là nơi an nghỉ của những người đã đến được bờ tự do nhưng không bao giờ rời đảo này.

                        Kỷ niệm về Galang2 rất nhiều vì ở đó tròm trèm một năm. Hôm nhập trai, T tình cờ được xếp ở chung phòng với Phùng thị Ngọc Lan cùng lớp 77KNC, tuy hai đứa vào trại tị nạn TL cách nhau tới mấy tháng. Ba chị em Lan, Xuân, Hiền may mắn ở trại này có 1 tháng rồi lên đường đi Mỹ do người nhà bảo lãnh về Maryland, T ôm cuốn lịch dày cui, gỡ miết mà cũng chưa có tên lên list vì đi sponsor chùa. Rất tiếc mất liên lạc với Lan từ đó.

                        Comment

                        Working...
                        X