Announcement

Collapse
No announcement yet.

Cái Giá Của Tự Do - YT

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Cái Giá Của Tự Do - YT

    Em đi bỏ lại con đường

    Bờ xa cỏ dại, vô thường nhớ em

    Ra đi, em đi bỏ lại dậm trường

    Ngàn dâu cố quận, muôn trùng nhớ thêm

    TCS


    Cuối tháng hai, sau Tết, má từ quê ra phố chợ thăm chị em tôi và mua thêm đồ đặc để bán. Tôi xót xa cho má và em Bảy cực khổ thức khuya dậy sớm tảo tần mua đi bán lại, không giúp được gì cho ba má, ngoài lương hàng tháng cùng với nhu yếu phẩm ít ỏi đem về phụ với gia đình nhỏ em. Tôi nói chuyện với má đôi lần là đang tìm chuyến đi, khi hai mẹ con ngồi chờ đợi bên ngoài văn phòng bác sĩ. Tôi cho má biết nếu có chuyến, tôi sẽ đi. Hai mẹ con nói chuyện bịn rịn, má nhắn nhủ tự lo lấy thân.

    Lúc ấy, lòng tôi thật bức rứt, sau khi dạy xong buổi trưa ngày thứ bảy, tôi đón xe đi Cần Thơ. Trong lúc chờ đợi, nhỏ học trò chạy xe đạp ngang qua bảo: “ Giờ này khó đón xe lắm, em chở cô về nhà", làm tôi cám ơn rối rít.

    Về đến nhà, tôi rủ nhỏ em Mười cùng đi, cô bé không muốn, tôi đành đi một mình theo lời căn dặn của anh của cô bạn. Đến Cần Thơ, đứa cháu trai của cô bạn cũng đã đến nơi để ngày mai đi. Tôi thăm bạn đúng lúc quá, bây giờ chợt nhớ, thật là đến đúng lúc! May mắn! Cả hai đi Cà Mau sáng ngày sau.

    Đến Cà Mau, tôi đợi ở quán nước, P đi báo cho cậu biết tôi đã đến. Anh ra và sắp xếp chỗ ở cho tôi, anh dẫn tôi đến gặp Ph, người con gái anh quen, giới thiệu tôi là em gái. Ở với Ph thật thân tình, được vài ngày sau anh dẫn tôi đến nhà khác cũng ở vài ngày. Anh bảo trong lúc chờ gặp chủ tàu không nên ở lâu một nơi, người ta để ý. Căn nhà anh luôn lui tới lại ở phía trước mặt của đồn công an, gần chợ Cà Mau, ‘Chỗ nào nguy hiểm nhất lại là nơi an toàn nhất’, người ta vẫn thường nói như thế.

    Mỗi lần ra ngoài, tôi luôn đi với trạng thái e dè. Hôm đó phải đi chợ mua vải đen về may quần, tôi cắt lấy bằng cái kéo thủ công mua ở chợ và may bằng tay, vì khi xuống nhà bạn tôi đã không chuẩn bị để ra đi. Tôi cũng chẳng mang theo vật dụng gì cả cho chuyện vượt biên. Chỉ mang thêm bộ đồ mặc ở trong nhà và bộ đồ tây màu đen đang mặc trên mình, cùng một nửa số tiền sau khi bán đi chiếc xe đạp, do chị gởi về. Nghèo mà đòi vượt biên!

    Qua mấy ngày chờ đợi, tôi gặp chủ tàu, bạn anh, người đã đóng tàu cùng với bạn bè, đang hợp đồng chở thủy sản cho nhà nước. Hắn thấp người, cặp mắt một mí, láo liên có vẻ lém lỉnh.

    Tối đó, hắn cùng anh và tôi đi ăn để bàn cho chuyến đi, tôi phải tiếp tục đợi chờ! Gần đến rồi, lòng tôi nóng như lửa vì bỏ trường đi không có xin phép đã gần một tuần, ở nhà thế nào cũng um sùm lo lắng tìm tôi. Tôi rất muốn viết thư gửi về nhà, nhưng lại thôi.

    Trước ngày đi, hắn dẫn đến con bé T, con của một bà đang ở trên tàu, sẽ đi vào ngày mai. Buổi trưa thấy hắn đi ngang nhà tôi ở, hai tay xách hai can dầu, tôi hồi hộp nghĩ là chuyến đi sắp bắt đầu. Buổi chiều hắn đến, hắn dẫn tôi đến gặp vợ hắn cùng đứa con nhỏ và chỉ dẫn bến đò, hắn nói: "Sẽ đi vào sáng ngày mai và phải ra đó sớm".

    Sáng hôm sau, tôi cùng bé T, rời nhà tạm trú trong lúc mọi người còn say ngủ. Không một lời giã từ, lẳng lặng dọn dẹp đồ đạc, rời nhà không một lời cám ơn, thật đáng trách! Đến bến tàu, thấy vợ con của chủ tàu ở đó, tôi yên lòng. Vợ hắn ôm con trong lòng ngồi ở đầu mũi đò, tôi và bé T ngồi ở đằng sau. Được một lúc, có người đàn bà ngồi kế bên hỏi chuyện, bà ấy bảo: "Thấy cô lạ mặt, ở bến đò có tụi công an chìm lẩn quẩn, nếu là người lạ mặt, nó sẽ hỏi và chụp bắt đó”. Anh dạy tôi nói đi thăm anh đang làm ở lâm trường. Tôi thật sự lo sợ trong lòng, không biết có ai đón chúng tôi đúng lúc hay không? Thật là ngây thơ, lúc đó cũng đã 24 tuổi rồi, không biết chuẩn bị cho mình thức ăn, nước uống nên đói lả cả ngày, có lẽ nhớ lời dặn là xách đồ ít càng tốt.

    Một ngày ròng rã trên chuyến đò hẹp nhỏ, xa xôi! Chuyến đi bắt đầu! Qua một ngày dài, chuyến đò đã cặp bến đò Cả Nải, tôi thấy chủ tàu trên bờ, lòng mừng không kể xiết. Tôi lặng lẽ đi theo vợ chồng hắn, cùng xuống một chiếc ghe ba lá, anh cũng có ở trên ghe, tôi thật sự yên lòng.

    Anh lái ghe chở cả bọn trong nhiều giờ, xuôi trên dòng sông Ông Đốc. Chạy qua Năm Căn, hai bên bờ đầy những cây mắm, cây đước, vẹt... Dòng sông đầy nước đục vàng phù sa, xuôi chảy êm đềm, hai bên bờ vắng vẻ, chỉ có tiếng máy tàu xình xịch. Lúc chạy ngang đồn công an, cả bọn phập phòng lo sợ bị gọi vào. Cả bọn còn phải chờ đợi thêm ba người đàn ông nữa từ trong lâm trường ra, chúng tôi hồi hộp đợi chờ, thời gian thật chậm chạp trôi qua. Anh bảo lấy nón lá che máy tàu vì sợ ánh nắng yếu ớt của buổi chiều phản chiếu sẽ gây sự chú ý của công an ở cửa biển.

    Sau cùng, chúng tôi cũng thấy họ xuất hiện, đang lái xuồng ra để đi cùng. Chủ tàu là kỹ sư Thủy Lâm, hắn lo cho họ vào làm công nhân trong ty kiểm lâm Cà Mau. Trong khi neo ghe ở bãi đất bùn phù sa đầy cỏ năng mọc, một lớp đất bồi mới cho sau này. Những gì mình học và đọc trong sách giờ đây mới biết và thấy tận mắt, tôi được đến tận cùng mũi Cà Mau của đất nước VN, trước khi ra đi. Lòng tôi thật lo âu, bồi hồi cho một chuyến đi ‘Năm ăn, năm thua, thí mạng cùi’, sẵn sàng đi tù, sẵn sàng mất việc, có gì về đi buôn với má, miễn đừng chết thôi!

    Tất cả đã đầy đủ, anh lái ghe trực chỉ ra cửa biển. Trời cũng đã sụp tối, loay hoay một lúc lâu mà chưa có dấu hiệu nào của tàu lớn cả. Lòng cả bọn đầy lo âu, hồi hộp, lo sợ vô cùng, không thể trở vô, vì có thể bị bắt, đành phải chờ vậy! Cả bọn ai cũng đồng lòng chờ! Thời gian chờ đợi quả dài đăng đẳng, anh hỏi: "Mấy giờ rồi?". Lúc đó, chiếc đồng hồ hiệu Timex do chị Ba gửi về, tôi mang được một thời gian. Anh muốn giữ để xem giờ, tôi trao cho anh, loay hoay thế nào chiếc đồng hồ bị rớt xuống nước, thế là xong! Anh dỗ dành: "Qua đựợc bên ấy, anh mua cái khác trả lại nha... Tôi cười: "Mong lắm thay!"

    Cuối cùng rồi nó cũng đến. Một ánh đèn ‘ba chớp, ba tắt’ hiện lên, đúng như ‘mật mã’ đã dặn nhau. Cả bọn nhao nhao lên: "Trời ơi, có phải của bọn mình không đây?!", chủ tàu đành nhắm mắt đáp bừa. Ai cũng sợ không biết đó có phải là dấu hiệu của đồng bọn mình hay là của công an gài bẫy để bắt những người vượt biên! Một lúc sau, cả hai tàu lớn, nhỏ gặp nhau. Ôi! Đúng là người của mình! Ai nấy hân hoan leo qua tàu lớn, tôi tìm một chỗ an vị ở ngoài khoang tàu, một mình lặng lẽ, không nói chuyện với ai cả.

    Trời tối đen như mực, trên trời đầy sao, gió mát lạnh, lòng tôi vẫn hồi hộp mong đừng gặp tàu hải quan hay tàu đánh cá quốc doanh. Chẳng bao lâu, tài công cho biết có một tàu thật lớn, có nhiều ánh đèn sáng trưng. Chủ tàu nghĩ là tàu đánh cá quốc doanh, nên bảo tài công tắt máy để không có tiếng động và khỏi bị rượt bắt…

    Phải hơn mười mấy giờ, con tàu đã ra đến hải phận quốc tế và máy tàu đã bị hư trong đêm. Tài công và anh phải thay bằng máy đuôi tôm lấy qua từ chiếc ghe trước khi rời VN, tàu chạy bằng dầu, tôi thấy không ổn vì không đúng nhiên liệu. Bọn đàn ông đã căng những chiếc mền, chiếc mùng, làm buồm, nhờ gió thổi con tàu trôi đi!

    Trời dần sáng, khi thức giấc, tôi thấy mình trên một chiếc tàu dài 12 mét, rộng khoảng 2.5 mét, chứa được 18 người lớn nhỏ, chơi vơi giữa biển khơi, mênh mông nước xanh đen ngòm. Trên tàu tôi thấy có mía, vài bao củ sắn, sò huyết, tôm khô, hình như đó là do của vợ người tài công dùng để mua bán và có hai cái lu mái vú chứa đựng nước ngọt. Được kể lại là trước khi đi, họ lên tiếng là đi đổi nước ngọt cho cư dân. Thế là chiếc tàu ra đi luôn với hai lu nước của người ta! Sau đó chúng tôi phải dồn nước lại, quăng đi hai cái lu để tàu được nhẹ hơn, mặc dầu tàu đã nổi rất cao trên mặt nước.

    Trời sáng hẳn, tôi cảm thấy mệt, suốt cả ngày trước và một đêm không ăn uống gì cả. Ăn vội một củ sắn cho đỡ đói, thức ăn vào bụng chưa được bao lâu những cơn nôn mửa dồn dập kéo đến. Tôi là người đầu tiên trên tàu bị say sóng và sau đó là tất cả những người đàn bà khác. Trong suốt ba ngày trời, tôi nằm liệt trong cabin tàu, ói đến mật xanh mật vàng, ói đến mức không còn có gì để cho ra nữa. Chỉ có vợ của chủ tàu là không sao cả, có lẽ họ đã chuẩn bị thuốc say sóng nên không bị vật vã như tôi!

    Anh thỉnh thoảng xuống thăm và an ủi tôi. Tôi nhận ra một người quen mặt, đó là K. học dưới tôi một lớp. Quả đất tròn! Trên chiếc tàu nhỏ xíu vẫn còn gặp lại người quen. K đi với một người đàn bà có ba con nhỏ. Sau này được biết bà ấy là vợ của một thiếu tá, chồng còn đang học cải tạo.

    Đến giữa trưa ngày thứ nhất, cả bọn thấy ở chân trời xa tít mù có một điểm đen, di động. Chủ tàu quan sát qua ống dòm, cho hay đó là một chiếc tàu lớn! Trong vòng mươi, mười lăm phút tàu đó hiện rõ ra, cả bọn nhốn nháo lên, chết rồi! Đó là tàu đánh cá Thái Lan, chủ tàu bảo: “Mấy bà hãy vào trong cabin, kéo cửa lại”. Trên tàu chỉ có bốn người đàn bà. Chủ tàu và anh bàn tính là làm sao để tàu của Thái ở bên trái của tàu mình. Ở đầu mũi trong lòng khoang tàu, vợ chồng K trấn thủ ở đó với cây súng M16 của chủ tàu đã giấu được khi học quân sự để dành cho chuyến vượt biên. Tôi nhìn qua khe gỗ, thấy tàu đánh cá đang chạy song song, bên trái. Bên tàu của họ, có ba người đàn ông, một tên mặc áo sơ mi quần jean đàng hoàng, đứng ở đầu mũi tàu, hai tên khác trong cabin, họ mặc chỉ có quần lót, tôi cảm thấy rụng rời, run sợ, tim đập thình thịch! Tên đứng ở đầu mũi hỏi sang bên tàu chúng tôi: “Có cần giúp đỡ gì không?” bằng tiếng Thái. Anh vội trả lời: “Không cần, đi đi”. Thế là họ bỏ đi! Có lẽ, họ thấy bên tàu này chỉ toàn đàn ông, tất cả tám người, đang đứng ở khoang tàu. Trời ơi! Cảm tạ ơn trời phật đã cho chúng tôi bình yên! Tôi không biết mọi người nghĩ gì, riêng tôi vui mừng khôn xiết.

    Đêm lại đến, trời tối đen như mực, chiếc tàu chơi vơi giữa biển khơi mênh mông. Thỉnh thoảng cháu anh cho tôi uống chút nước, chút cháo, nhưng cuối cùng tất cả đều tháo ra cả. Chỉ có cậu cháu để mắt lo cho tôi, có lẽ nhưng người kia cũng đều có thuốc say sóng nên họ không bị vật vã như tôi. Anh xuống nằm bên tôi trong cabin, bên ngoài thỉnh thoảng vang lên lời bậy bạ của ai đó. Một đêm nữa đi qua trong bình yên!

    Mãi đến sáng thứ ba, tôi tỉnh táo dần ăn được chút xíu cháo sò huyết do cháu anh nấu, chẳng có gì mà sao vị ngọt ngào, có lẽ quá đói sau những ngày nằm dài trong cabin. Tôi ra ngoài giúp nấu cháo cho mọi người, múc nước ở trong khoang tàu đổ ra tuy không nhiều lắm. Tàu làm thật tốt, còn mới tinh và thơm mùi dầu chai, nổi trên mặt nước thật cao. Vợ tài công, quấn quít với hắn trên mái cabin, rên rỉ, tỉ tê trong niềm ấm ức vì ra đi bất chợt không báo cho gia đình biết được.

    Trong ngày này, chiếc máy đuôi tôm chạy bằng dầu đã không còn cầm cự được nữa, chỉ còn biết nhờ vào sức gió đưa con tàu đi theo hướng định sẵn của hải bàn để vào Mã Lai như dự tính. Do chúng tôi ra đi vào tháng ba ‘bà già đi biển’, biển lặng, sóng yên, tôi có cảm tưởng như mình đi picnic ngoài khơi. Thỉnh thoảng còn thấy những bầy cá bơi lội, nhảy bay lên theo con tàu, sao mà êm ắng thế!

    Đêm thứ ba, trời vẫn còn tối đen như mực, gió biển thổi mạnh, con tàu chòng chành lắc lư, sóng đánh dồn dập nước tràn vào khoang tàu nhiều hơn những ngày trước. Trong những nơi chốn xa xăm nào đó thỉnh thoảng bầu trời lại chợt sáng rực lên như có những đốm lửa. Tài công có vẻ hoảng hốt trước những đợt sóng lớn, hắn bảo anh đốt lửa lên để báo hiệu cầu cứu. Anh bảo: “Không được, vì nếu cầu cứu, sợ rằng sẽ có tàu đánh cá của Thái đến. Những việc cướp bóc hãm hiếp thường xảy ra vì nhờ vào sự giúp đỡ của họ”. Tài công không chịu nghe lời khuyên can của anh, trong khi chủ tàu và đám đàn ông lại làm thinh. Hắn cứ thúc giục và lớn tiếng với anh, hắn sợ quá rồi! Anh đành phải nghe theo, tôi nhìn anh đốt lửa từ cái lò nấu ăn hằng ngày, lòng tôi hoảng loạn, sợ tàu Thái sẽ đến. Chuyện gì sẽ xảy ra cho bọn đàn bà, cho cả nhóm người trên tàu…

    Tôi chỉ biết cầu nguyện, sao những ngày này tôi cầu nguyện nhiều thế, cầu xin trời phật ở trên cao vời vợi kia nhìn xuống giữa biển khơi mênh mông nơi đang cần có sự cứu giúp. Tôi cầu nguyện trong những ngày này nhiều hơn cả hai mươi bốn năm hiện hữu trên cõi đời, những lần cầu xin tha thiết nhất trong đời!

    Thế là trong khoảnh khắc, một chiếc tàu đánh cá chạy đến, bọn đàn bà và trẻ con rút hết vào trong cabin, chỉ còn lại đàn ông. Chúng rọi đèn pha qua tàu của chúng tôi và bỏ đi! Cảm tạ ơn trời phật một lần nữa, đã giúp chúng tôi qua khỏi một hiểm họa có thể xảy đến!

    Trời sáng dần, sóng biển lắc lư con tàu, đã làm bể cái lò nấu ăn lúc khuya khi anh đốt lửa cầu cứu. Chúng tôi không đói vì chợt nôn nao, nhốn nháo, khi nhìn thấy dấu hiệu của đất liền ở xa xa. Không biết đây là đâu, tàu cứ chạy thẳng tới, sóng vẫn đánh dồn dập lên con tàu, có lẽ gần bờ nên sóng nhiều hơn. Cả bọn nhao nháo lên, niềm hân hoan vô tư khi thấy bờ biển rõ dần. Ai nấy vui vẻ mừng rỡ, bàn bạc với nhau là đem cây súng giao cho cảnh sát. Trên tàu còn thức ăn, chúng ta sẽ nấu ăn xong rồi hãy tìm cảnh sát… Ôi! Sao vô tư thế! Vài giờ trôi qua, đáy con tàu đụng bãi cát nhưng vẫn còn xa bờ, xa những người dân trong làng đang đứng đông nghẹt trên bãi biển. Chúng tôi vui mừng khi thấy những người đàn ông bơi ra phía chúng tôi, bọn tôi tưởng họ ra đón. Tôi và anh nhảy ra khỏi tàu, tôi hụt hẫng hoảng sợ vì mực nước biển ngập đến ngực, anh vội nắm tay tôi. Nhìn quanh, tôi chợt nói với anh: “Mình bị cướp cạn rồi, anh ơi!”. Bọn đàn ông của Thái bơi lại gần chúng tôi, họ rút trong mình ra nào dao, nào búa. Một tên đến gần, chụp vào túi áo trên ngực tôi, hết hồn! Tôi vội móc ra, chỉ là chai dầu xanh! Lên đến bãi, tôi nhìn lại chiếc tàu của chúng tôi, bây giờ chỉ còn lại cái sườn trơ vơ trống lốc, họ đã nạy lấy những mảnh ván của con tàu một cách thật nhanh chóng không ngờ được. Có lẽ họ tìm vàng! Không biết vợ chồng K. có mất mát gì không? Tôi nghĩ thầm, tôi thật sự đã rời xa VN, thật sự xa cách gia đình,ba má và các chị em và ai đó... nghìn trùng, từ nay!

    Tôi và anh đến sau cùng, bọn người Thái đứng vây quanh chúng tôi thành một vòng tròn. Họ nói xí xô, xí xào chỉ trỏ con bé của chủ tàu chưa đầy một tuổi gầy gò, èo uột. Chủ tàu và anh nói với họ gọi cảnh sát giùm chúng tôi. Bấy giờ, tỉnh táo lại sau khi được những người già, những người đàn bà giúp đỡ, mang cơm nước đến cho chúng tôi dùng. Tôi nhờ anh đưa đến chỗ vệ sinh, trở ra, tôi chợt cười ngất. Anh hỏi: "Việc gì mà cười vui vậy?” Mắc cỡ quá! Tôi bảo: “Cái quần đen đang mặc, may bằng tay ở Cà Mau, xuống nước biển khi lội vào bờ đã rách lủng đáy rồi”. Tôi chẳng hay biết gì cả, vậy mà đã ngồi thoải mái, hèn chi cảm thấy mát mẻ quá trời!

    Đoàn người chúng tôi đã chờ đợi hơn hai tiếng đồng hồ vẫn chưa thấy cảnh sát đến. Dân địa phương cho biết đây là một làng đánh cá tên là Huasai, ở phía nam Thái Lan, cách xa Mã Lai đến 500km, là nơi phải đến theo dự tính. Cuốn theo chiều gió, con tàu hư máy tấp vào đất Thái. Họ bắt đầu hỏi chúng tôi có vàng không họ muốn mua!

    Cuối cùng cảnh sát cũng đến, đầu tiên tên đại úy người Thái, bảo chúng tôi đứng thành một hàng, hỏi có mang vàng không, hắn muốn mua lại. Không ai trả lời, hắn đi xét từng lai áo, từng cổ áo của từng người. Thế là cũng lòi ra những tên cướp cạn không hơn không kém!

    Sau cùng họ chở chúng tôi về trại, nơi đây là một cái nhà, chung quanh trống trải, không có vách, nền xi măng. Làm giấy tờ xong, họ phát cho thức ăn, gạo để nấu ăn trong khi chờ đợi Hồng Thập Tự đến.

    Ở đó đã có 38 người của hai chiếc tàu riêng biệt. Mỗi chiếc đều bị hải tặc tấn công từ 6 đến 9 lần. Trong nhóm đó có gia đình của bà Sáu, vợ một trung tá, đẹp, chồng còn đang học tập, dẫn 4 cô con gái và một cháu trai ra đi. Cả nhà đều bị hải tặc hảm hiếp, tội nhất là cô bé mới 14 tuổi nhỏ nhất nhà đã gần ba tuần qua mà vẫn còn đi khấp khểnh vì đau đớn!

    Họ bảo ghe của chúng tôi rất may mắn, chỉ bị cướp cạn, coi chừng tên đại úy cảnh sát, trại trưởng, hắn để ý ai xinh trong đám, nằm ở chổ nào. Đêm đến hắn sẽ đi ‘mò’. Đàn bà ngủ một mình phải coi chừng! Tôi nghe mà phát hoảng! Đêm ấy, tôi kiếm một chỗ ở giữa đám đông để nằm. Còn những ai nữa để tôi có thể nương tựa vào lúc này ngoài anh và cháu của anh. Chung quanh tôi, gã chủ tàu lúc nào cũng lăm le đợi thời cơ. K và tài công có vợ ở kế bên, còn lại bốn tên đàn ông độc thân tại chỗ!

    Đêm đầu tiên ngủ ở trên nền đất Thái, tôi vẫn có cái cảm giác nổi trôi bềnh bồng của những ngày trên biển. Tôi nằm mơ thấy mình vượt biên cùng với người xưa, không phải là anh, mặc dầu anh đã chăm sóc, lo lắng những ngày qua, mơ thấy đám học trò ở khu nội trú… Tôi đang mơ màng với giấc mộng, chợt nghe tiếng động, tiếng chân của ai đi đến. Lắng nghe tiếng bước chân đến gần, gần hơn, đi qua nơi tôi nằm, ngồi xuống chiếc mùng kế bên. Đó là chỗ của vợ chồng bà K. May mắn, có K nằm trong đó, phía bên ngoài. Hắn đứng dậy bỏ đi! Tôi đánh thức anh và nhận dạng được hắn nhờ ánh đèn chiếu bên ngoài hành lang. A! thì ra là tên đại úy, lúc chiều đã được nói đến.

    Những ngày sau đó là những ngày thật an nhàn, chỉ biết đợi chờ HTT đến và Cao Ủy đón về trại tị nạn, từ đó mới có thể đi định cư được. Bọn tôi chia nhau nấu cơm, ăn rồi ngủ và viết thư báo cho gia đình biết là đã đến nơi. Nhóm 38 người sau đó đã được đưa về trại tị nạn Songkhla. Chúng tôi, người ở lại được bàn giao công việc của những người ở xung quanh trại nhờ chúng tôi làm. Tôi và bà K có công việc giặt giũ áo quần của một gia đình, cả một thau quần áo to lớn, nhìn thấy mà rụng rời đôi tay. Thế mới biết kiếm được đồng tiền quí giá như thế nào, nước mắt và mồ hôi!

    Được một tuần, tôi và P. kiếm được một ít tiền bèn rủ anh đi chợ. Sau năm 75, nhiều năm chúng ta không có những thứ tiêu khiển hưởng thụ xa xỉ, thời gian đó không có gạo trắng để ăn, nói gì đến uống Coca Cola. Được chai nước ngọt lạnh ngắt, tôi hút một hơi mạnh, dài, hơi gas xông lên đến tận hốc mũi, cảm giác như ngừng thở, cay cay, khó chịu. Bài học đầu tiên tôi tởn đến già! Bây giờ chỉ uống từng ngụm nhỏ thôi. Sợ rồi! Chúng tôi mua sắm thêm những đồ cần dùng. Khi trở về, đi ngang qua đám thanh niên Thái, họ gọi chúng tôi “Yuồn! Yuồn!” trong tiếng gọi đầy giọng miệt thị, khinh khi! Chúng tôi lẳng lặng nhanh chân trở về trại. Đó là lý do sau đó chúng tôi không dám ra khỏi trại một mình.

    Tuần lễ thứ hai, chúng tôi được hội từ thiện CARE của Mỹ đến ủy lạo. Họ nhận gởi thư từ giùm chúng tôi và cho mọi người một túi xách với áo quần và những đồ cá nhân cần dùng. Chúng tôi tiếp tục chờ đợi.

    Sang tuần lễ thứ ba, chúng tôi được đưa đi Songkhla, sẽ không còn thoải mái bằng những ngày ở tại đây. Giã từ Huasai!


    Nhóm chúng tôi đến trại Songkhla, được ban an ninh giữ ở bên ngoài cổng trại, được tiếp đón bằng một màn phỏng vấn lý lịch sơ khởi, trước khi cho vào bên trong. Bước qua cổng, nhìn thấy rừng người đứng đón chào để nhận diện người quen. Tôi nghe có người gọi tên, đó là gia đình của cô Hai B ở cùng phố chợ, đã ra đi vài tháng trước. Thời gian này trại thật đông người, không còn chỗ cho ghe (không gọi là tàu) của chúng tôi ở trong ‘barrack’, phải ngủ tạm ngoài bãi biển cho đến khi nào barrack trống.

    Buổi trưa ở trại, trời nóng, nắng gay gắt chói chan, phản chiếu ánh cát vàng của bãi biển đầy ắp người. Nước biển trong xanh, người lớn bơi lội, trẻ con chơi đùa tung tăng trên cát tận hưởng giây phút yên bình thoải mái với những làn sóng nước ấm mát. Chúng tôi được phát chiếu mùng mền và được giới thiệu về sinh hoạt, điều lệ của trại và yêu cầu thay phiên nhau làm vệ sinh để giữ trại được sạch sẽ.

    Trại được điều hành bởi ban đại diện trại, có trại trưởng, có tất cả ban ngành như trật tự, an ninh, thông tin, thư tín, thông dịch, phân phối thức ăn … Có cả chùa và nhà thờ, có trung tâm phụ nữ dành cho phụ nữ đi một mình ở nơi đó. Có trung tâm sinh hoạt dành cho thiếu nhi mà những người phục vụ là các anh chị ở chung trại.

    Ánh nắng chiều nhạt dần, mặt trời xuống tận chân trời, nhường cho bóng đêm. Chúng tôi đã ngủ trên bãi biển như mọi người đến trước, vẫn còn phải đợi chỗ. Buổi tối lúc 7 pm là giờ phát thanh của ban Thông Tin, phần lớn là đọc tin tức, thơ, văn nghệ, nhắn tin. Mọi người đem chiếu mền ra bãi sửa soạn chỗ ngủ. Đến 9 pm, tắt đèn, giờ đi ngủ. Ở trại có ban an ninh, nên cảnh sát Thái không vào bên trong trại, nhưng đừng để xảy ra chuyện, nếu có lộn xộn chúng nó ở ngoài cổng vào can thiệp rất phiền, chúng đánh người rất dã man!

    Bầu trời tối đen đầy sao, gió mát lành lạnh, tôi thích ngắm nhìn những vì sao, trong những đêm tối trời, hay ngắm ánh trăng vàng vào những đêm trăng tròn. ‘Tròn như bánh tráng dán trên không!’, thuở nhỏ hay thường nói đùa. Nhìn mọi người nằm sấp lớp trên bãi biển giống như cá mòi trong hộp! May là thời gian này vào mùa khô ráo, nếu có mưa mọi người sẽ phải khổ sở đến dường nào.

    Tôi nằm ngủ trên bãi cùng với anh nói về những ngày sắp tới, chưa biết sẽ ở trại bao lâu. Ngày mai tôi sẽ đi gặp gia đình cô Hai để hỏi thăm tình hình của trại. Ngước nhìn mọi người chìm đắm vào giấc ngủ, có người đã rơi vào giấc mơ ú ớ vang vọng lại, chắc không ít người đã để hồn mình trở về chốn cũ, quê nhà!

    Gia đình cô Hai ra đi vào lúc Tết, ở chợ lúc ấy có nhiều người ra đi như N với T Tôi nhớ khi nghe các em cho biết, tôi thật sốt ruột, nóng lòng muốn đi gặp anh bạn. Cô Hai cho biết phái đoàn Mỹ trong đó có một người với hỗn danh ‘ông Gà Đá’ rất khó chịu vì nhiều người đã bị ông ta bác đơn, thiên hạ kêu rêu như thế! Cùng lúc, chúng tôi cũng được biết pháí đoàn Úc rất chuộng những người trí thức, độc thân. Những người này sẽ được nhận một cách dễ dàng và còn cấp thêm đất đai cho canh tác (?). Không biết thực hư như thế nào, tôi liền viết thư cho chị, nói cho chị biết như vậy. Khi được thư, chị cho biết là ‘Người ta đã bảo rằng không nơi nào trên thế giới này hơn nước Mỹ!’.

    Hai ngày sau, chủ tàu, anh và tôi được gọi tên và được đưa ra Songkhla, tôi thắc mắc không biết việc gì đã xảy ra. Tuần tự chúng tôi được gọi tên, được nói chuyện với một người Việt, sau này biết tên là H làm cho ban an ninh trại, hợp tác với an ninh Thái phỏng vấn, điều tra những ai còn là công nhân viên nhà nước làm việc sau năm 75.

    Tôi được nhân viên an ninh hỏi về nơi làm việc, những người lãnh đạo, kể cả những chi tiết như họ, tên tuổi, sinh hoạt, tính tình, hình dáng… Viết ra tất cả, giống như làm bảng tự kiểm, bảng lý lịch vậy! Tôi nghĩ thầm, ra khỏi VN rồi mà vẫn còn bị làm tự kiểm. Ối gizời ơi! Tôi tưởng tra tấn gì thì sợ, chứ bắt viết thì tôi viết cho mà xem. Thế là, chúng tôi mỗi người một phòng riêng vắng vẻ, yên tịnh, tha hồ viết ‘tự kiểm lý lịch nghề nghiệp bản thân, từ nơi ăn chốn ở, những sinh hoạt ở nơi làm việc’. Bánh và nước uống được cung cấp, có cần đi vệ sinh thì cứ tự nhiên. Sau màn huấn thị, tên an ninh rời khỏi phòng. Tôi lấy lại tinh thần rồi đặt bút xuống viết không ngơi nghỉ, những dòng chữ tuôn tràn trên mặt giấy như có dịp được bày tỏ ý nghĩ, cảm tưởng của mình sau 5 năm ở lại trong nước.

    Những ngày ở trại sau đó tôi có gặp anh Trí, lớp 72 khoa Nông Nghiệp cùng lớp với TTHạnh, anh Mẫn, anh Tư. Anh đã đến trại được nhiều tháng, đang điều chỉnh hồ sơ và đợi hôn thê ở Mã Lai sang nhập ‘Form’. Anh Trí cho biết, có tin anh Khang cùng khóa Nông Nghiệp, anh Cường khoa Công Nghiệp đang ở Mã Lai. Một hôm, chúng tôi được thông báo ghe mới đến, tôi cũng ra đứng đón để tìm người quen. Họ đến, từng người đi qua tôi nhận ra một người học khoa Công nghiệp, lớp 74, cùng trong đội đá banh mà tôi không biết tên. Tôi mong ước được gặp chị T của tôi ở đây! Chị đã đi cả tháng, ở nhà đang trông tin.

    Thời gian chậm chạp trôi qua, tôi nhận được thư chị kèm tiền và hình của gia đình chị, có cả T, em anh rể đã qua được một năm. Chị thật vui mừng khi biết tôi đã đến trại. Chị đang xúc tiến hồ sơ bảo lãnh, tôi hơi thất vọng vì chị không đề cập bảo lãnh cậu cháu của anh. Hai cậu cháu đành phải đi theo diện nhà thờ vậy.

    Ở trại lâu ngày, tôi biết có rất nhiều chuyện, nhiều hoàn cảnh đau thương, khốn khổ ở trần gian đều có thể xảy ra ở đây. Gia đình tan nát, mất mát vợ chồng con cái với ghe ‘Không số một người’, không chỉ cho đàn bà con gái mà với đàn ông cũng xảy ra rất nhiều. Có một hôm buổi trưa, tôi ngồi thơ thẩn trên bãi biển, thấy có một cô gái từ xa đi lại hỏi thăm về trại. Tôi chỉ dẫn cô, đến chiều được biết cô ta bị bắt cóc bởi người đánh cá Thái, cô ta trốn khỏi và tìm đến trại. Mừng cho cô ta!

    Hơn hai tháng sau, ghe chúng tôi được gọi tên lên để bổ túc hồ sơ, tôi không có tên. Tôi bật khóc vì tủi thân và hoảng sợ vì nghĩ anh sẽ đi và tôi sẽ ở lại một mình. Khi đứng nép vào một góc vắng người, tôi buồn quá! Sau khi phỏng vấn xong, anh ra tìm gặp tôi với cặp mắt đỏ hoe, anh an ủi rồi sẽ đi mà! Hai tháng sau, tôi cũng có tên chuyển trại cùng với cậu cháu. Ôi! Tôi vui mừng không kể xiết.

    Chuyến đi dài cả ngày đến trại Panatnikhom, tôi ở một lô khác với những người đi cùng ghe. Tôi đến chỗ ở và thấy đám đàn ông con trai đầy trong lô. Tôi sợ quá, liền nói với lô trưởng tôi muốn ở với bạn tôi nơi khác. Những ngày ở đây chúng tôi được học một lớp về văn hóa mới khi đến quốc gia thứ ba. Những lớp Anh văn do các người ngoại quốc thiện nguyện dạy…

    Chuyến đi cho cậu cháu anh cũng đến, tôi và anh thức trắng cả đêm bên nhau. Đến sáng cả hai đến nhà thờ nhắm mắt cầu nguyện, hai mí như muốn nhíp lại, đầu gật lên xuống, thật mắc cỡ! Tôi tiễn hai cậu cháu, nhìn anh ổn định trong hàng, tôi quay trở về vì không mở mắt nổi. Sau đó nhận thư anh trách tìm hoài không thấy tôi đâu.

    Khi nhập trại, với qui định, mọi người phải đứng nghiêm chỉnh chào cờ mỗi ngày hai buổi sáng chiều, ai vi phạm sẽ bị phạt. Tôi nhớ một hôm, buổi chiều 5 pm có lễ chào cờ, một người bạn đang đứng ở hên cửa sổ liền bỏ vào ngồi xuống võng. Vừa chấm dứt bài hát quốc ca Thái, tôi thấy tên cảnh sát Thái đi sồng sộc vào lô tôi đang ở. Hắn bắt S quì xuống tán cho S một bạt tai và xí xô xí xào, người thông dịch cho biết, S không chào cờ. Tôi không ngờ hắn thấy. May mắn cho S, hắn tha, hên thật! Nếu gặp thằng hung dữ chúng sẽ hành hạ cho mà biết.

    Lần lượt những người bạn đã có tên đi, một tuần lễ sau tôi cũng đi. Mừng vô cùng! Nếu bị lọt sổ đợt này, tôi sẽ đi qua Galang, Indonesia như S, mặc dầu còn độc thân.

    Chính sách tị nạn bắt đầu thay đổi, các trại tị nạn ở Thái sẽ đóng cửa vào cuối năm 81… Giã biệt Thái Lan! Một cuộc sống mới chưa biết ra sao đang chờ đón!


  • #2
    Chị Thu đi VB năm nào? Em đoán là 1981, thì cũng là năm em VB, em rời VN giữa tháng Hai năm 81. Sở dĩ hỏi như vậy vì trong bài viết chị đề cập đến nhân vật 'Ông Gà Đá' và trại tị nạn Panatnikhom. Lúc đó ở Panatnikhom, ai cũng vái Trời cho mình đừng gặp 'ông Gà Đá' vì theo lời người từ Songkla lên kể lại, gọi là ông 'Gà Đá' vì tay ông có xâm hình con gà và ông là hung thần cuả dân tị nạn lúc đó vì ông làm trong phái đoàn Mỹ và là người bác đơn dữ nhất, ai gặp ông phỏng vấn và bị đóng cái mộc 'reject' vô hồ sơ rồi là coi như tàn đời ngồi gỡ lịch ở trại tị nạn. Còn Panatnikhom là trại tị nạn chuyển tiếp chứa mấy chục ngàn dân tị nạn Việt Miên Lào từ các trại đường biển như Songkla, Leamsing và trại đường bộ như NW-9, Sikiew...

    Vậy là chị hên hơn em nhiều vì chỉ ở trại một thời gian ngắn, em lênh đênh bảy ngày trên biển, không một hạt gạo trong bụng và ở các trại tị nạn tổng cộng một năm rưỡi. Hình ảnh những mảnh đời tị nạn như khắc mộc vào tâm não chưa bị thời gian xoá nhoà. Đọc bài viết này, ký ức ngày cũ lại xô về, cảm động làm sao! Cám ơn chị đã ghi lại kỷ niệm chuyến đi, đọc mà thấy xao xát cả lòng.

    Thân mến,

    Trúc

    Comment

    Working...
    X