Nhật thực ở châu Âu trùng hợp hiếm có với xuân phân
Nhật thực toàn phần duy nhất trong năm hôm nay sẽ che khuất Mặt Trời tại nhiều khu vực của châu Âu. Hiện tượng này trùng với thời điểm xuân phân và điểm gần Trái Đất trên quỹ đạo Mặt Trăng.
Mùa xuân bắt đầu với xuân phân ở bắc bán cầu ngày 20/3. Ảnh minh họa: Wikimedia Commons
Xuân phân, hay điểm xuân phân, đánh dấu sự xuất hiện của mùa xuân tại bắc bán cầu vào ngày 20/3. Dù không có tác động đến hai hiện tượng trên, việc chúng xuất hiện trong cùng một ngày là điều rất hiếm.
Vì Trái Đất di chuyển quanh Mặt Trời theo quỹ đạo, vị trí bắc nam của Mặt Trời thay đổi tùy theo hướng trục xoay nghiêng của Trái Đất. Điểm phân xuất hiện hai lần trong năm (khoảng 20/3 và 22/9), khi mặt phẳng xích đạo của Trái Đất đi qua tâm Mặt Trời. Vào thời điểm này, trục Trái Đất không nghiêng ra xa cũng như hướng tới Mặt Trời. Những ngày có độ nghiêng 0 của xích đạo Trái Đất tương ứng với xuân phân và thu phân. Ở nam bán cầu, thời điểm này gọi là thu phân.
Khi xuất hiện điểm phân, tại mọi điểm trên bề mặt Trái Đất, thời gian ban ngày và ban đêm bằng nhau (12 tiếng). Mặt Trời sau đó di chuyển cao hơn hoặc thấp hơn so với xích đạo, lúc này độ dài của ngày và đêm sẽ thay đổi.
Từ "điểm phân" xuất phát từ tiếng Latinh, ghép bằng hai từ "aequus" nghĩa là bằng nhau và "nox" nghĩa là ban đêm. Chúng bắt nguồn từ một trong những hiểu biết lâu đời nhất của loài người về hiện tượng này, cho rằng đó là ngày mà ban ngày và ban đêm có khoảng thời gian bằng nhau.
Anh Hoàng (Theo IB Times/Vnexpress)
Comment