MÙA CHIM DÒNG DỌC LÀM TỔ
Phía trước nhà tôi là một giồng cát, chu vi bằng một công đất, cứ theo hai mùa mưa nắng mà mẹ tôi trồng hoa màu. Mùa nắng thì trồng dưa, mùa mưa thì trồng bí, xen kẽ vào mỗi thời vụ trồng thêm cà, đậu xanh, đậu phộng, bắp… nên giồng cát quanh năm phủ một màu xanh ngăn ngắt dưới nền trời cũng xanh thăm thẳm những đám mây màu trứng sáo xa ngút mắt.
Bao quanh giồng cát ở ba mặt là ba hàng keo gai ken dày, cây keo gai lá nhỏ, xanh mướt chỉ có hai loài thích ăn, dưới đất là bầy dê luôn háu đói ăn tạp, trên không là bầy quýt tàu, một loại bọ cánh cứng to cỡ bọ rầy màu xanh rất đẹp đẻ trứng nhỏ xíu như trứng thằn lằn, nhiều màu mà trẻ con thích mê thường bắt về nuôi trong hộp thuốc Tàu để… ngắm chơi. Những con quýt tàu thường đậu trên những tán keo gai ngủ ngày, lừ đừ, lười biếng cứ gặm lá keo gai non chứ không muốn bay nên lấy cây thọc là rơi xuống đất vẫn chưa tỉnh ngủ.
Trong ký ức của tôi, mùa keo gai chín cũng là mùa chim dòng dọc làm tổ. Những trái keo gai khi còn non thì màu xanh, đặc biệt khi chín thì… màu trắng sữa, vỏ nứt ra có thể nhìn thấy những “mắt” trái keo gai màu tím trắng ngon mắt bên trong không chỉ có loài chim cưỡng bông thích ăn mà trẻ con cũng rất thích vì nó có mùi vị rất lạ, một loại trái cây hoang dại, rất đồng quê và ghi đậm vào hoài niệm một thời thơ ấu của bất kỳ ai luôn thổn thức với nỗi nhớ quê nhà.
Thủa ấy, tôi không nhớ chính xác bằng ngày tháng, chỉ khi một sáng thức đậy thấy giồng bắp của mẹ tôi trái no tròn, ngậm những tua râu hung hung đỏ nhưng chưa tới lúc hạt dày, đang đợi ngày hái trái và thảm lúa trên cánh đồng trước mặt đang trĩu bông, ngã màu vàng ươm như nắng mai thì cũng là lúc trên hàng keo gai trĩu trái chín chi chít lũ chim dòng dọc đang về xây tổ, đẻ trứng.
Tổ chim dòng dọc
Không hiểu sao tôi rất thích nhìn những đôi vợ chồng chim dòng dọc tha “nguyên vật liệu” xây dựng từ trong thiên nhiên về chăm chỉ xây tổ hình chiếc vớ to trên những nhánh cây keo gai. Có lẽ trong họ hàng nhà chim không loài nào siêng năng, cần mẫn, chăm chỉ và kỳ công xây chiếc tổ đẹp lạ lùng như chim dòng dọc. Và cũng không loài chim nào như dòng dọc chọn lựa loại “nguyên vật liệu” xây dựng tổ “cực kỳ” như dòng dọc. Mỗi ngày từ sáng sớm đôi vợ chồng dòng dọc khoác bộ cánh nâu, sọc đen trống mái phân biệt rất rõ bởi chim trống có cái đầu màu vàng nghệ (nên còn gọi là dòng dọc nghệ) bay đi bay về, miệng ngậm một sợi chỉ rất mảnh, đó là chỉ mà đôi vợ chồng chim dùng chiếc mỏ nhỏ xíu tướt trên những cọng lá tranh, lá sả, yếm bọc buồng dừa để về đan tổ. Bởi thế nên tổ chim dòng dọc ngoài sự kỳ công còn có mùi thơm đặc trưng của mùi lá sả, lá tranh mãi đến khi chúng ấp trứng nở con.
Chiếc tổ hình chiếc vớ miệng tròn chúc xuống đất nhỏ xíu đường kín chỉ cỡ cổ tay trẻ con nối với phần thân tổ phình ra giống cái bao tử (dạ dày) là nơi dùng ấp trứng lại nối với đoạn cuối của chiếc tổ tóp lại. Toàn bộ độ dài của tổ dòng dọc khoảng 3-4 tấc được treo lơ lửng trên chót nhánh cây keo gai mang đặc tính vừa cảnh giác, vừa phòng hộ đến độ gần như tuyệt đối an toàn để không có một “ địch thủ” nào vào được bên trong chiếc tổ kiến tạo đơn giản mà rất hiểm hóc này để ăn trứng hay ăn chim con. Tôi cho rằng chiếc tổ chim dòng dọc là một công trình kiến trúc độc đáo, vừa công phu, mà lại vừa… đơn giản khiến cho bàn tay con người, hoặc tay nghệ nhân tuyệt kỹ cũng khó mà bắt chước được. Thế mà trong thời gian ngắn những đôi chim dòng dọc chăm chỉ ấy đã hoàn thành những chiếc tổ màu xanh lá cỏ hình chiếc vớ dành cho chim mái ấy và treo lủng lẳng khắp hàng keo gai bên cạnh những chiếc tổ dành cho chim trống đứng bảo vệ thời kỳ chim mái ấp trứng được đan kết đơn giản hơn giống như nửa quả bóng cao su của trẻ con chơi úp lại có một sợi dây kéo ngang cho chim trống ngủ. Và rồi cũng trong chớp mắt khi lúa chín vàng đồng cũng là lúc tôi nghe thấy tiếng chim non kêu lít nhít đòi chim bố mẹ mớm mồi trên những chiếc tổ đã ngã màu vàng rơm thôi thúc tôi kiếm cách trèo lên khám phá thế giới không gian đầy tiếng chim ấy.
Nhưng để thò tay vào được những tổ chim dòng dọc mát mịn da tay, thơm mùi hương ngai ngái của cỏ tranh hoang dại để khám phá xem tổ chim có mấy trứng hoặc nở được bao nhiêu chim non, đã “ra ràng” tập bay chưa để bắt xuống nuôi thật không phải dễ dàng. Cây keo gai tất nhiên cành nhánh đầy gai nhọn không leo lên được, nếu leo lên cũng không thể bám cành đu ra tận tổ chim treo lắt lẻo giữa không gian. Lũ trẻ con chúng tôi rất sáng tạo, bắt hai cây thang tre chéo nhau, một đứa dứng vịn bên này tạo thế vững chắc, đứa bên kia leo từng bậc thang tre lên tới tổ chim dòng dọc. Thường một tổ chim dòng dọc nở 3-4 con chim non, chim tập bay là bắt xuống nuôi được bằng cách nhai gạo sống mớm cho chim cho đến khi chúng mổ được gạo, thóc thì… thả ra cho chúng trở về với thiên nhiên cao rộng chứ chim dòng dọc chỉ biết kêu ríu rít tồi ngày mà không hót được. Người chỉ nuôi chim sáo, chim cưỡng, chim nhồng để chúng nói, hoặc chích chòe, chào mào… để chúng hót chứ không ai tốn công sức để nuôi chim dòng dọc.
Tổ chim dòng dọc trống
Và cũng kỳ lạ thay, hết mùa chim non này tới mùa chim non khác, những bầy chim dòng dọc đông đảo dần cho đến một hôm cánh đồng quê làng xong vụ gặt thì chúng đã rời tổ bay khỏi những hàng keo gai để lại những chiếc tổ hình “dạ dày”, hình “vớ” lắt lẻo, đong đưa, hoàn toàn trống vắng, lặng im trên những nhành keo gai trong gió lộng thổi suốt qua giồng bắp nhà tôi. Không ai biết bầy chim dòng dọc bay về phương nào cho tới mùa lúa xây bông vàng rực năm sau chúng lại rủ nhau về tíu tít, bận rộn đan những chiếc tổ mới bên cạnh những chiếc tổ cũ cái còn, cái mất vì bọn trẻ con chúng tôi thường thọc những tổ chim dòng dọc xuống, nhét một trái bưởi non vào, cuộn tròn lại thành một quả banh rơm để chơi đá banh. Loài chim dòng dọc không bao giờ sống trong tổ cũ mà phải xây chiếc tổ mới và cũng chỉ trong chớp mắt trên những hàng keo gai lại lủng lẳng những tổ chim hình chiếc vớ và lại ríu rít tiếng chim non.
Nhà thơ TỪ KẾ TƯỜNG
Theo Mekongculture
--
Chim dòng dọc: Kỳ thú những chiếc tổ dấu hỏi
Dòng dọc có tên gọi khác là rồng rộc, tên khoa học Ploceidae thuộc bộ sẻ. Đây là loài chim khá phổ biến từ các tỉnh miền Trung đến đồng bằng sông Cửu Long, rất quen thuộc với miệt vườn Nam bộ.
Chim dòng dọc trống có phần trán, đỉnh đầu và gáy vàng tươi, khá đẹp (ảnh), chim mái có bộ lông nâu hung vàng không có gì nổi bật. Dòng dọc sống bầy đàn nên thường làm tổ chung trên một cành cây. Tổ dòng dọc có hai loại mà con người quen gọi là tổ chim trống và tổ chim mái, nhưng thực ra không phải như vậy, việc xây tổ của chim dòng dọc rất phức tạp và kỳ thú.
Để chinh phục người đẹp ở lần tỏ tình đầu tiên, chim trống phải xây tặng cho nàng một chiếc tổ có dáng như chiếc mũ úp ngộ nghĩnh với chiếc cầu nhỏ bắc ngang, hơi võng xuống làm chỗ cho nàng đậu (ảnh). Khi người đẹp hài lòng với món quà, cuộc hôn nhân của chúng sẽ bắt đầu. Ở giai đoạn này chim trống trổ tài khéo léo xây dựng một chiếc tổ mới xinh xắn để chim mái đẻ trứng nuôi con.
Tổ được xây mất khoảng hai tuần, trong thời gian đó chỉ chim trống làm tổ (ảnh trên), còn chim mái thì đứng vào chiếc tổ quà tặng để ngắm chim trống làm việc hoặc mải mê rong chơi. Tổ chim trống giống như chiếc túi hình chuông, một bên hông phình ra, nối liền với một cái ống tròn, phồng lên như ống tay áo loe ra, phần cuối buông thõng xuống mặt đất làm cái “cửa” rất khác biệt, để chui ra chui vào đẻ ấp trứng, nuôi con… Nhìn từ xa, ngôi nhà hạnh phúc của chúng giống như dấu chấm hỏi treo lơ lửng giữa trời (ảnh dưới).
Sau khi xây tổ xong, chim trống – chim mái kiểm tra từng chi tiết của tổ như: hình dáng, màu sắc, độ bền chắc… Nếu hài lòng với chiếc tổ, chúng sẽ giao phối và đẻ trứng. Nếu tổ làm không chắc chắn, không đồng sắc đồng màu (do chim trống làm tổ từ nhiều loại lá), thì chỉ cần vài phút là chim mái cắn vào cuống tổ để chiếc tổ rơi xuống đất, và anh chồng phải kiên nhẫn xây lại tổ mới.
Có trường hợp chồng đang làm tổ, chim mái hàng xóm vào tổ đẻ nhờ, vợ phát hiện được (ảnh trên) nên lập tức “ra lệnh” cho chồng bít chiếc tổ đó lại và xây một tổ mới!
Để có một mái ấm gia đình an toàn, chim dòng dọc mái có cái lý của nó!
Lê Hoài Phương
Theo SGTT
--
Chim và tổ chim Dòng Dọc
Chim DÒNG DỌC (Tên gọi Miền Nam VN)
Chim RỒNG RỘC (Tên gọi của một số địa phương)
Tên khoa học : Ploceidae
--
Comment