Đặc San 2015
Mùa đông trên miền rừng núi, bóng đêm vội buông mau, "Hôm nay lạnh, mặt trời đi ngủ sớm" (Xuân Diệu), sương đêm cũng vội tuôn dày đặc. KD đi nghỉ sớm theo mặt trời, leo lên giường, cuộn tròn trong chiếc mền len lông trừu như con ngài ( con nhộng tằm cắn ổ thò đầu ra chuẩn bị thành con bướm, làm hư một cái kén tơ ) , nằm đọc cuốn đặc san ĐHSPKT. Hạnh phúc thật, ở đây KD tìm lại được hình bóng trường lớp, thày cô, bạn bè xưa. KD nhớ lại những buổi tối xa xưa trong ký túc xá, cũng giờ này mà nằm cuộn tròn trong mền, cầm sách học bài là không ổn với mấy anh trật tự đâu. Mấy cánh tay đeo cái băng đỏ, cầm cây gậy chắc chắn phải lùa tụi D xuống lớp học bài. Khổ ghê, KD mắc cái thói quen ngủ sớm từ lúc nhỏ ở với soeur. Khi lớn lên trong xứ đạo cứ 9pm là buồn ngủ, 5am là thức dậy theo tiếng chuông nhà thờ thánh thót réo gọi, kìa mặt trời đã lên rồi, dậy đi tới nhà thờ hay học bài. Thế nên mỗi tối bị lùa xuống lớp KD chẳng vô được chữ nào mà chỉ ngủ gục trên bàn học. Ngày đó KD ở chung phòng với chị Kim Hai, tối nào cũng bị anh Võ đến lùa đi. KD lúc đó cứ tưởng anh Võ có nhiệm vụ nhắc nhở nhóm tụi D nên ghét anh Võ lắm, sau này anh Võ và chị Hai nên duyên vợ chồng KD mới vỡ lẽ ra là anh Võ chỉ có nhiệm vụ canh chị Hai thôi, tụi KD chỉ bị lây. Nghĩ lại mà tức cho con mắt của mình sao dạo đó nó lại ngờ ngệch đến thế? Chẳng hiểu chi cả.
Đầu tiên là đọc lời giới thiệu: Thấy trong trường có môn Cơ khí và Nông nghiệp, hai môn này KD đang cần tìm hiểu để áp dụng vào việc sử dụng máy cày và phân bón. Vội mở mục lục ra tìm mà không có. KD bỏ qua luôn đọc tiếp, đến mục đặc biệt trường có một cái miếu thờ cây 'săn máu', lúc này thì hú hồn, không hiểu tại sao KD không biết đến cái cây và cái miếu đó, cố gắng lắm vẫn chưa hình dung ra nó ở chỗ nào. Thôi đành chịu thua vậy.
Mục tài chánh: Không có tiền của mình nên không đọc, chỉ biết là mình có hai cô bạn làm thủ quỹ cách niên đời đời, giữ sổ khi nào chán thì qua đếm tiền, khi nào tiền có mùi mốc thì xoay qua giữ sổ, ĐH và KT kết hợp làm việc thật nhịp nhàng.
Nhiều mục quá, nào truyện, nào thơ, nào nhạc, cái máu mê đọc truyện nổi lên nên KD chọn ngay phần truyện ngắn đọc trước.
Buồn vui ngành nghề: KD bật cười vì thấy KD cũng có điểm giống anh Cường. KD kể nghe nè, khi chị của KD theo chồng về Cần Thơ, vừa dạy học vừa làm đại lý trà cho mẹ ở vùng dưới, KD liền được bố mẹ cho về Sài Gòn học. Mỗi Chủ Nhật có nhiệm vụ đi tính sổ thu tiền ở các cửa tiệm, lo đặt giấy kiếng, hộp đựng trà, in nhãn hiệu rồi ra gởi xe đò chuyển về cho bố me. Sau 1975 thì 'tay trắng lại hoàn trắng tay'.
Buồn vui xóm cũ: KD lại nhớ cái làng quê của mình, có yêu, có ghét nhưng khi cần kíp vẫn có tình làng nghĩa xóm. Người dân trong làng khi có xích mích thường hay làm lành với nhau trong những dịp lễ lớn, thường nhất là mỗi mùa Mai, Đào nở. Khi cây Nêu được dựng trước sân nhà thờ, những lời mời gọi hiệp nhất, tìm cho mình một chút thanh thản cho tâm hồn để chuẩn bị đón mừng Chúa Xuân cứ véo von phát ra từ cái loa trên tháp nhà thờ mỗi sáng. Lời gọi bay theo gió nhẹ, len lỏi vào từng ngõ ngách, từ gian nhà, "mưa lâu cũng thấm đất". Trong những ngày đầu năm người ta kiêng không đi làm suốt 10 ngày, họ mặc quần áo mới đến từng nhà thăm hỏi nhau, đó cũng là dịp làm huề, xin lỗi nhau, tuy không nói ra bằng miệng (kiểu xin lỗi kín đáo của người Việt), cho tới khi cây Nêu được hạ xuống.
Nếu ngày ấy: Đọc bài này xong KD thấy cuộc sống không êm ả như mình muốn, cứ long đong, thăng trầm theo thời cuộc. Cái giá của bình an hạnh phúc luôn tương xứng với những chuỗi ngày cố gắng và hy sinh.
Chai dầu gió xanh: KD vui nhất với bài này, rất vui khi KD đem khoe với anh C. Trong nhà KD có 4 người:
- Hai người không bao giờ tin cạo gió và xài dầu xanh là Ba và James.
- Hai người thích chai dầu xanh là Mẹ và Joey.
Mỗi khi cậu bị nhâm nhẩm đau và khó chiụ nơi bụng là gọi: "Mẹ, chữa bụng cho con". KD lấy chai dầu xanh thoa đều lên bụng. Joey nằm dài úp mặt trên sàn nhà, hai tay xuôi xuống, ngỏng cái đầu lên. KD dùng dầu xanh thoa trên sống lưng rồi chụm hai bàn tay lại, tầm quất từ cổ xuống thắt lưng vài lần. Sau đó túm lớp da lưng ở ngang eo, kéo lên cho nó kêu một cái "cốp". Lại nhổ tiếp thêm hai cái nữa, thoa thêm dầu một lần nữa cho ấm bụng là hết đầy hơi ngay. Động tác này được người dân quê gọi là nhổ bão. Mỗi khi Joey thấy khó chiụ, trong người cảm thấy như muốn cúm, cậu liền xách chai dầu và cái muỗng nhờ mẹ cạo gió, sau đó được cho ăn tô cháo hành hoa nóng, trùm mền ngủ một giấc dài là khoẻ, mai lại đi làm như thường.
Bùa mê: KD chưa bao giờ dám tin như vậy, đọc xong lại liên tưởng đến ông thầy pháp trong truyện Đọan Tuyệt của Khái Hưng.
Những nụ tình xanh : Nghe cái tựa đề thật dễ thương, mà tình của cô bé Q xanh thật, chỉ mới bập chồi thôi. Nghĩ lại cái thời bao cấp ấy, những sinh viên ở ngoài hàng tháng có gạo, bobo, bột mì, mang về nhà. Còn tụi D ở ký túc xá ăn cơm trong trường nên tiêu chuẩn gạo và nhu yếu phẩm đều được đưa vào nhà bếp trường, nhưng lũ con gái tụi D cũng vẫn có gạo bán đấy. Vì "Nữ thực như miêu" nên bốn cô thì chỉ ăn hết hai phần cơm thôi, còn hai phần nữa cũng như các bạn ngoại trú, tới ngày lãnh gạo là tụi D xách băng qua xa lộ đến cái chợ nhỏ, tạt liền vô xạp gạo bà Lang đổi lấy tiền về chia đếu nhau. Thế là cũng có tiền xúng xính để chiều chiều ra quán bà Ba ăn chè Bà Ba, thứ chè bình dân nhất nước. Chè nấu toàn bằng các loại khoai, trong chén chè là nước đường nấu chung với nước dảo dừa tạo ra một màu trắng đục, sền sệt với các loại khoai lang, khoai mì, sắt cục bằng đốt ngón tay út. Lơn cợn thêm những sợi bôt xanh xanh, đỏ đỏ, cũng là bột khoai, rồi lại chan thêm một muỗng canh nước cốt dừa trắng phau trên mặt. Chè nóng bốc mùi hương nước cốt dừa hấp dẫn 'chịu không nổi', ăn hết một chén có khi còn ăn thêm chén nữa. Ăn mỗi chiều mà vẫn đủ tiền chưa phải ăn chè thiếu bao giờ.
Những ngày xưa thân ái: Tưởng ai chứ KD biết rất rõ D này từ lúc nhỏ cho đến bây giờ, KD lúc nào cũng đong đầy ắp tình thương cho D. KD luôn đồng hành cả thể lý, tinh thần thiêng liêng với D. Hình ảnh D của trường ĐHSPKT-TĐ vẫn còn đây, vẫn còn trong tâm trí của KD.
Bây giờ đã khuya rồi, KD hẹn đọc báo tiếp vào ngày mai nhé.
Thânái
KimDung
Comment