"Đề phòng lừa đảo trong "nâng cấp" Windows 10" .
Lợi dụng độ "nóng" của Windows 10, một làn sóng email lừa đảo đã được phát tán qua mạng Internet, thúc giục người dùng nâng cấp lên hệ điều hành này nhưng thực chất là để thả phần mềm tống tiền vào máy tính nạn nhân.
Không có gì khó hiểu khi nhiều người dùng đang rất háo hức muốn dùng thử Windows 10, sau khi thông tin về hệ điều hành này tràn ngập mặt báo suốt tuần qua. Windows 10 hứa hẹn nhiều tính năng mới thú vị, nhưng trải nghiệm lại vẫn "quen thuộc" với người dùng nhờ sự trở lại của nút Start truyền thống. Bên cạnh đó, lần đầu tiên, Microsoft cho phép người dùng Windows 7 và Windows 8 được nâng cấp miễn phí lên hệ điều hành mới.
Tuy nhiên, nếu như chẳng may bạn có nhận được một email thúc giục mình nâng cấp Windows 10 thì hãy tạm hoãn sự phấn khích lại.
Một bài post mới đây trên trang blog chính thức của Cisco Systems đã chỉ ra phương thức lừa đảo mới của giới tin tặc: Lợi dụng lễ phát hành Windows 10 để phát tán phần mềm tống tiền (ransomware). Thoạt nhìn, những email này trông cực kỳ hợp pháp: Cisco lưu ý người dùng rằng bọn lừa đảo đã làm giả địa chỉ email người gửi để trông hệt như thông điệp do Microsoft gửi đi. Ngoài ra, tông màu xanh-trắng sử dụng bên trong email cũng gần như tương đồng với 2 màu sắc mà Microsoft sử dụng trong các chiến dịch marketing Windows 10. Do vậy, trừ khi bạn quan sát rất kỹ, bằng không bạn sẽ dễ dàng bị lừa.
Một file .zip đính kèm tự nhận là file cài đặt Windows 10. Nhưng trên thực tế, nó lại chứa một phần mềm ransomware bất hảo là CTB-Locker, sẽ mã hóa toàn bộ các file quan trọng bên trong máy tính và đòi người dùng phải trả tiền "mở khóa" trong vòng 96 tiếng, bằng không các file đó sẽ bị mã hóa vĩnh viễn.
Theo khuyến cáo của Cisco, người dùng luôn luôn phải có file dự phòng đối với các dữ liệu quan trọng để đề phòng những tình huống như ransomware tấn công. Tuy nhiên, cách phòng tránh mã độc lừa đảo ngay từ đầu vẫn là giải pháp phòng vệ tốt nhất.
Email lừa đảo thường hay chứa lỗi chính tả
Bạn tuyệt đối không click vào bất cứ file đính kèm nào được gửi đến từ một email lạ, cũng như hết sức thận trọng với các đường link download bên trong nội dung email. Nên biết rằng, Microsoft không hề phát hành Windows 10 thông qua file đính kèm hay đường link nhúng trong email. Thay vào đó, bản Windows 10 mà bạn đã "xếp chỗ download" sẽ được tự động tải về máy trong vòng vài tuần tới, và bạn sẽ nhận được thông báo từ máy tính khi đến lượt. Thứ hai, hãy để ý những lỗi ký tự, chính tả có thể xuất hiện bên trong email giả mạo.
Trong trường hợp bạn quá thiếu kiên nhẫn và nhất định phải cài Windows 10 ngay, tất cả những gì bạn cần là một ổ USB với ít nhất 3GB trống, một bản Windows 7 hoặc 8.1 đã kích hoạt và chút thời gian rảnh.
Hướng dẫn tải Windows đã được VietNamNet đăng tải tại đây.
Trọng Cầm
(Nguon vietnamnet.vn)
Nếu Window của Quý Huynh đang xài (Window Vista, Window 7, Window 8, 8.1...) mà không có vấn đề (trục trặc) khi dùng, thì đừng nên upgrade lên Window 10 (Microsoft sẽ charge tiền môĩ năm sau 1 năm đầu được FREE), chưa kể "lừa đảo" như trên.