Announcement

Collapse
No announcement yet.

ĐÓA HỒNG DÂNG MẸ

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • ĐÓA HỒNG DÂNG MẸ



    ĐÓA HỒNG DÂNG MẸ

    Lần lửa mãi cho qua ngày đoạn tháng

    Nhắc phone lên rồi đặt xuống bâng quơ

    Lòng ngẩn ngơ, con như trẻ nhớ nhà

    Thèm tiếng Mẹ mà sợ nghe tiếng Mẹ

    Xòe bàn tay bấm đốt đếm thời gian

    Ngày với tháng cứ đùn lên như mối

    Một nửa hồn con mang theo xứ lạ

    Nửa hồn kia con gửi lại quê nhà

    Nửa quê hương gói trong bước chân đi

    Nửa để lại để mà thương mà nhớ

    Buổi chiều này trời làm cơn gió lớn

    Cuốn con về trong nỗi nhớ không tên

    Chiếc xích đu đong đưa, nắng nhạt nhòa

    Bên thềm vắng ,nắng rơi nhòa tóc Mẹ

    Dấu thời gian đọng trong tóc bạc phơ

    Mẹ ngồi đó mắt xa xăm tư lự

    Ngóng tin xa, thằng con út giờ đâu?

    Chiều chợt nghe chim gọi bầy về tổ

    Con nhìn quanh chẳng thấy Mẹ , Mẹ ơi!

    Con lang thang nơi xứ lạ quê người

    Giờ mới thấu câu “Chảy xuôi… nước mắt”

    Ai cũng có một quê hương để nhớ

    Một mẹ hiền để khắc khoải sầu mong

    Chiều dần buông, trời đổi sắc hoen màu

    Mà nỗi nhớ chẳng phai màu , đổi sắc

    Ngày con đi Mẹ ôm lấy vai con

    Ngày trở lại, sợ thành người xa lạ

    “ Nước mắt chảy xuôi ! ”… Mẹ ơi con khóc

    Đóa hồng này xin dâng Mẹ,

    … Mẹ ơi !




    ( hình trên internet)


    PS: Xin được chia sẻ với các Thầy, Cô giáo cùng các anh chị thân quý trên diễn đàn này cảm xúc của Tuấn trong ngày Vu lan 2015 hôm nay. Đóa hồng này (Màu đỏ hoặc trắng) xin được dâng tặng cho tất cả các Bà Mẹ của chúng ta để báo hiếu công đức sinh thành và dưỡng dục.

    Tuan Ton

  • #2

    Các bạn mến,

    KD cũng là một đứa con lưu lạc.

    Những ngày xưa ấy, khi mới bước chân đến miền đất lạ, nhớ quê nhớ nhà khôn tả. Cho đến cả mấy năm sau đó KD có những lúc nhớ và thương hai bà mẹ quê của mình quặn thắt ruột gan khi nhìn thấy những người già ở nơi mình đang lưu lạc. Lúc này không phải sợ mình khổ vì lạc mẹ mà là sợ mẹ khổ cả về tinh thần lẫn vật chất.

    Tuấn ơi ! Vừa đọc được câu "Mẹ ngồi đó mắt xa xăm tư lự", nước mắt của mình bỗng chảy thành dòng. Hình ảnh MẸ của chị D bao năm trước hiện ra rõ mồn một, chiều nào cũng vậy, sau bữa cơm mẹ ngồi trên cái ghế băng trước hiên nhà chờ đợi, đếm từng đứa con, chờ cho đủ bằng ấy đứa con có mặt đủ trong nhà mẹ mới đi ngủ.

    Khi xa cha mẹ KD chỉ được an ủi qua những buổi trò chuyện với hai bà mẹ và hai người cha già qua điện thoại. Đôi khi câu chuyện còn dang dở, còn đầy nuối tiếc nhưng bố mẹ vẫn tự cúp máy vì sợ con phải trả nhiều tiền. KD cám ơn cái điện thoại vô hồn kia nhờ nó mà KD còn được nghe tiếng nói của cha mẹ. Cám ơn những người đã làm ra nó.

    Cho đến bây giờ KD vẫn còn trăn trở vì thấy mình có lỗi. Mẹ đã đút cho mình từng thìa cháo, từng muỗng cơm. Cha đã dọn vệ sinh, tắm rửa cho mình, chỉ dạy cho tới khi mình tự làm được. Vậy mà mình chưa có được một lần đút cháo cho mẹ, đổ cho cha một bô nước tiểu.

    Mỗi lần KD nhớ tới bố mẹ là lại nhớ tới hai cậu em trai đã thay phiên nâng giấc bố mẹ trong lúc cuối đời .

    Mỗi lần kể chuyện ông bà nội cho hai đứa nhỏ, KD lại nhớ ơn bà chị chồng luôn ở hằng giờ bên cha mẹ già.

    KD vẫn cố gắng làm được những gì nhỏ bé nhất cho cha mẹ khi các người còn sinh thì cũng như khi đã khuất.

    Cám ơn Tuấn thật nhiều vì Tuấn đã viết thay cho bao người những lời yêu thương đẹp nhất dâng cha mẹ trong mùa Vu Lan báo hiếu.

    Người ta bảo Mẹ thác thì mang bông hồng trắng, Mẹ còn tại thế thì mang bông hồng đỏ.

    Còn cha thì sao, người ta sẽ mang biểu hiệu gì để biết các cụ còn sống hay đã qua đời trong mùa Vu Lan này? Ai biết xin cho KD biết với.

    ThânÁi

    KimDung

    Comment


    • #3
      Sự thật đằng sau "Bông hồng cài áo”

      Thiền sư Thích Nhất Hạnh đi Nhật , nhân mùa Vu Lan được cài cho 1 bông cẩm chướng trắng, ông hỏi thăm mới biết đó là tục cài hoa màu đỏ cho ai còn mẹ, cài hoa màu trắng cho ai mất mẹ, để tưởng nhớ mẹ. Sau đó khi đi Mỹ du học, ông viết " Bông hồng cài áo " lồng vào tập tục trên, ông gửi bài viết này cho đệ tử của ông. Các đệ tử bèn chép ra nhiều trăm bản kèm theo cành hoa hồng gửi đi cho bạn bè người quen, rồi đến nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ phổ thành nhạc. Các chùa cho in bài viết này và phổ biến việc cài hoa. Cứ thế dần dần trở thành 1 tập tục trong các kỳ lễ Vu Lan, mà thật ra chẳng ai biết nguồn gốc của nó là từ đâu.

      Sự thật tục cài hoa cho mẹ này là từ Mỹ, do bà Anna Jarvis đặt ra đầu tiên, từ năm 1907.

      Bà Anna Jarvis rất thương mẹ nhưng không may mẹ bà lại mất đột ngột đúng lúc 2 mẹ con đang có chuyện bất đồng, đang giận nhau nên không nói chuyện. Điều này làm bà Anna Jarvis ray rứt, ân hận mãi.

      Năm 1907, bà Anna Jarvis gửi 500 đóa hoa cẩm chướng trắng cho tất cả các bà mẹ trong nhà thờ của mình, và nhắc nhở mọi người rằng hãy trân quý mẹ của mình khi Người còn sống, đừng như bản thân bà, cãi nhau, giận dỗi với mẹ, để rồi sau khi mẹ mất mới hối hận.

      Bà chọn hoa cẩm chướng trắng vì đó là hoa mà mẹ bà thích nhất. Lúc đó không có phân biệt hoa đỏ, hoa trắng gì cả ! Sau đó bà Anna Jarvis cố gắng vận động chính quyền lẫn nhà thờ và bạn bè quen biết, để tổ chức 1 ngày Mother's Day, Ngày cho Mẹ. 1 năm sau, năm 1908, ông John Wanamaker, một chủ tiệm hoa, tham gia chương trình vận động của bà, tình nguyện tặng miễn phí hàng ngàn đóa hoa cẩm chướng trắng cho mỗi năm khi bà Jarvis tổ chức ngày lễ Mẹ tại nhà thờ.

      Đến năm 1914, Tổng thống Mỹ là ông Wilson ra quyết nghị chính thức nhìn nhận Ngày Lễ Mẹ, để vinh danh tất cả các bà mẹ, còn sống hay đã chết.

      Từ đó trở đi, mỗi năm hàng triệu người Mỹ tổ chức Ngày Lễ Mẹ và cài hoa cẩm chướng trắng. Nhưng vì nhiều người mua quá không đủ hoa trắng cung cấp, nên các chủ tiệm hoa "tự chế " thêm: "hoa trắng là cho ai mất mẹ và hoa đỏ là cho ai còn mẹ" , để có thể đáp ứng đủ nhu cầu và bán được thêm hoa, và thế là chuyện "hoa trắng hoa đỏ" ra đời !

      Tục lệ này lan truyền khắp nước Mỹ, rồi lan sang Nhật, cuối cùng lưu truyền vào Việt Nam.

      Nhưng chính tại Mỹ, thì bà Anna Jarvis vào những năm cuối đời lại rất phẫn nộ và thất vọng vì chuyện này, vì bà nói ngày này đã bị kinh doanh hóa, biến thành cơ hội để các tiệm bán hoa kiếm lời. Từ hoa cẩm chướng trắng của mẹ bà, nhảy qua hoa trắng hoa đỏ , để có đủ hoa mà bán, rồi lại từ cẩm chướng nhảy qua các loại hoa khác, cũng chỉ để bán được nhiều hoa nhiều tiền, mất hết ý nghĩa ban đầu !

      Các chuyên gia tâm lý người Mỹ thì phản đối tục lệ hoa trắng hoa đỏ, vì sự phân biệt này làm cho những người đã mất mẹ phải cảm thấy đau lòng, buồn tủi. Phân biệt con còn mẹ với con mồ côi là không tôn trọng nhân quyền và quyền bình đẳng, nên sau này người Mỹ hầu như đã bỏ đi tập tục này. Hiện nay ở Mỹ dường như không còn ai cài hoa trắng, hoa đỏ vào ngày lễ Mẹ nữa.

      Riêng ở VN, có lẽ vì không ai biết nguồn gốc tục lệ này và ý nghĩa thật sự của nó, chỉ thấy là phong trào hay hay nên theo. Riêng ở Làng Mai thì còn cài thêm đóa hoa thứ 2 cho cha, cài bên trên đóa hoa cho mẹ để phân biệt . Trẻ em nào phải cài đến 2 đóa hoa trắng, hẳn sẽ buồn và tủi thân lắm ?

      Theo http://fatasa1.blogspot.com/2015/08/...ng-cai-ao.html


      Comment


      • #4
        Cám ơn chị Dung và anh Hùng thật nhiều vì đã chia xẻ thêm những cảm xúc cũng như mở rộng thông tin về chuyện "Đóa hồng dâng Mẹ".

        Bản nhạc "Bông hồng cài áo" được rất nhiều người hát và hát khá tha thiết, nồng nàn. Người hát bản nhạc này đầu tiên là ca sĩ (nhạc sĩ, họa sĩ) Miên đức Thắng. Với chất giọng tenor cao vút, cách nhả hơi đầy nội lực, giọng rung đầy trong từng nốt nhạc và âm vực của giọng hát rất rộng. Là người đầu tiên hát bản nhạc này của nhạc sĩ Phạm thế Mỹ, anh đã thể hiện rất xuất sắc và đã chuyển tải hết được sự trong sáng và sâu lắng của thơ, nhạc. Đây là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa người làm thơ, người viết nhạc và người thể hiện.

        Về chuyện của Cha, cũng là một đề tài rất hay nhưng xin hẹn các anh chị vào một dịp khác thích hợp hơn ...

        Và đây "Bông hồng cài áo" mà Tuấn giới thiệu cho diễn đàn:

        Comment

        Working...
        X