Announcement

Collapse
No announcement yet.

Cell-phone - Trần Mộng Tú

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Cell-phone - Trần Mộng Tú


    Gửi chị Nga

    Sau đám tang, họ hàng bạn bè ở xa, ở gần, đã từ giã ra về hết. Người đàn bà bắt đầu thu dọn lại căn nhà mình. Ngôi nhà bây giờ chỉ còn lại một người. Chị không biết mình sẽ ở lại trong ngôi nhà này, hay chị sẽ dọn về với con.

    Chị bắt đầu dọn dẹp từ mấy gian bên ngoài. Từ cái ghế vải dài nằm coi truyền hình của anh, chắc là phải gọi con đem đi giặt; những cái áo khoác treo trên mắc ở tủ ngoài, chị tháo xuống, xếp vào thùng; mấy cái nón mùa đông, mấy cái nón mùa hè, chị cũng xếp luôn vào. Cứ mỗi một thứ xếp vào thùng chị lại tần ngần ngắm nghía, cầm lên, bỏ xuống. Không biết nên giữ hay nên đem cho, vì cái nào cũng mang một kỷ niệm. Cái mũ nỉ ấm áp này mua ở đâu, trong chuyến đi nào; cái nón mùa hè này, chị nhớ là của con gái cho bố trong ngày Father’s Day.

    Trên cái bàn ăn trong bếp, một cái khay nhựa mầu trắng, đựng gần hai mươi chai thuốc của anh, chị cầm lên đọc tên từng chai thuốc. Chị đã thuộc lòng từng loại thuốc trong chai; thuốc giảm đau, thuốc mất ngủ, thuốc chống ói, thuốc trụ sinh,v.v. Chị cho tất cả mấy cái chai vào cái túi nhỏ, cột chặt lại, vứt cái túi vào thùng rác ngoài sân. Cái khay bây giờ trống rỗng. Chị hình dung ra hình ảnh khi anh qua đời, người ta đến mang anh ra khỏi giường, chiếc giường trống, một màu chăn gối trắng toát. Người ta cất anh vào một cái ngăn thật lạnh.

    Chị vào nhà xe, những đôi giầy cũ mới, những đôi giầy anh dùng chạy trên sân đánh tennis, giầy đi bộ, giầy du lịch, giầy khiêu vũ. Những đôi giầy đã mang anh vào đám tiệc, đi gặp gỡ bạn bè, lang thang trên những con đường, loanh quanh ở công viên, lên thuyền, xuống bến, đi qua những thành phố rất lạ, những quốc gia rất xa. Nhưng bây giờ anh đi về một nơi lạ nhất, xa nhất, anh lại không cần đến bất cứ đôi giầy nào. Chị xếp những đôi giầy của anh vào một chiếc thùng giấy, để vào một góc nhà xe. Chúng sẽ được mang đem đi cho và người xa lạ nào đó, sẽ xỏ chân vào, tiếp tục đi trên một đoạn đường ngoài kia. Họ có đi cho đến khi đôi giầy rách, cũ? Hay những đôi giầy đó lại được chuyển sang những bàn chân mới?

    Chàng đi để lại đôi giầy

    Ngón chân em nhớ những ngày có nhau (1)

    Chị ra vườn, vườn trước vườn sau, những cây hoa lan đất đủ mầu đang đua nhau nở tung trong chậu; hoa hồng, hoa dâm bụt cũng rực rỡ không kém, chị bùi ngùi nghĩ đến công lao của anh chăm sóc cây cỏ lá hoa. Những ống nước trong vườn cũng do anh đặt, sợi giây điện chung quanh tượng Đức Mẹ cũng anh giăng. Các con có lưu ý là bố phải cẩn thận, kẻo gây hỏa hoạn đấy, Nhưng anh đời nào nghe chúng. Mấy năm rồi, bóng đèn vẫn chớp, vẫn sáng, có sao đâu. Chị se lòng nghĩ, nếu một người khác dọn vào nhà này, họ có làm lại ngôi vườn không? Những cây hoa có bị dời chỗ, những bóng đèn sẽ tháo xuống, và tượng Đức Mẹ nữa, người chủ mới có cùng một tôn giáo như anh chị không?

    Cuối cùng, chị quay vào buồng của anh. Căn buồng mấy năm nay là một thế giới của riêng anh. Thỉnh thoảng chị ngó vào, kêu ầm lên: Sao mà bừa thế này!

    Chị đến bàn viết. Cái máy vi tính đã đóng lại để cho người con trai lớn đến mang đi; một ít giấy linh tinh trên mặt cái bàn nhỏ, chị nhìn qua, thấy không có gì quan trọng, chị thu xuống cái sọt giấy bên dưới. Chị coi như là xong, những thư từ trên máy vi tính đã có con trai lo hộ, chị không thắc mắc.

    Bây giờ chị cần thu dọn quần áo của anh đem cho. Chị bối rối vì không biết nên bắt đầu từ ngăn kéo nào, từ góc tủ nào.

    Quần dầy, áo mỏng, áo còn mới, hay quần đã cũ. Cái treo, cái gấp, cái vắt trên ghế, cái rơi cạnh giường. Hơn một tháng nay anh ở bệnh viện, anh vào hospice, chị đâu có thời giờ để ý đến căn buồng.

    Quần áo là vật dụng thân quen nhất cho thân thể, chúng đã ôm ấp anh, mang hơi hướm anh, chúng là những người bạn thân thiết của anh, quần áo này gần gũi với anh cho đến hôm anh mất. Chị úp mặt vào chiếc áo sơ mi vắt trên thành ghế tưởng như chị đang gục đầu trên vai anh.

    Một cơn gió nhẹ thổi vào phòng qua cửa sổ xoa xoa mái tóc chị, nước mắt chị ứa ra.

    Bất giác chị nhớ đến bài thơ của Cao Bá Quát khóc vợ:

    Từ ngày anh ra đi

    Giường không đêm đêm giữ

    Trăng biển soi lòng nhớ

    Vào giấc mộng cô đơn

    Gió sông thổi cơn lạnh

    Vào khoảng trời hoàng hôn

    Chiếc gương nhỏ em cất

    Trong hành lý người xa

    Áo lạnh em vẫn giữ

    Trong phòng của hai ta

    Giữ vật tự an ủi

    Làm sao mà quên nhau (2)

    Chị tháo xuống từng chiếc áo, chiếc quần. Gấp lại như gấp chính hồn mình, chị xếp từng xấp để lên giường anh. Chị đứng nhìn những xấp vải vô tri đó mà như nhìn những mảnh hồn mình. Chị ngồi lặng đi trong buồng anh không biết bao lâu.

    Ngoài kia, mặt trời đang xuống.

    Bỗng chị nghe một tiếng reo, hai tiếng reo. Tiếng reo của chiếc cell-phone. Chị nhìn quanh, không phải phôn của chị, chị biết phôn của chị đang để ở buồng ngủ của chị, phía bên kia nhà. Chị hấp tấp đến bàn viết, kéo từng ngăn kéo, chị tìm thấy cái phôn của anh đang rung, chị cầm lên:

    -A lô, A lô!

    Không có tiếng trả lời.

    Chị luống cuống bấm lung tung tìm xem ai vừa gọi. Không có ai gọi cả, con số cuối cùng trong máy là của con gái chị gọi cho bố từ tuần trước, khi anh còn tỉnh.

    Cái phôn im lặng, tắt ngấm, lạnh ngắt trong tay chị.

    Bất giác chị nấc lên: “Anh ơi!”

    Ngoài kia, mặt trời đã tắt.

    (1) Thơ tmt

    (2) tmt lược dịch thơ Cao Bá Quát

    Tự quân chi xuất hỹ/ Dạ dạ thủ không sàng/Hải nguyệt chiếu cô mộng/Giang phong sinh mộ lương/ Tiểu kính ký viễn khíp /Hàn y lưu cố phòng/Trì thử các tự úy /Bất khiển lưỡng tương vương.


  • #2
    Tiếng chuông reng...lời chào từ biệt của người đi xa về nơi vĩnh hằng

    Comment


    • #3
      Các bạn thân mến!

      Không biết các bạn có cảm nghĩ thế nào sau khi đọc xong nhỉ?

      Mình thì cảm thấy trân trọng hơn về những mối dây liên hệ giữa người với người , và như nhắc nhở mình hãy yêu thương nhau hơn và thể hiện nó qua sự chăm sóc nhau hơn và dành thời gian cho nhau nhiều hơn.

      Đồng thời cũng cảm thấy buồn man mác. Mà mình chẳng muốn buồn man mác lâu đâu các bạn ơi.

      Thế là ra sân sau chạy 1 vòng, đi tắm và thích nhất là khoảng thời gian khi 2 bàn chân trong nước ấm, dùng bản chải mềm chà vào từng kẽ ngón chân, kẽ móng chân, mặt dưới các ngón chân và dưới lòng bàn chân, gót chân, trên mặt bàn chân nữa, không để sót một mm2 nàocủa 2 bàn chân thân yêu các bạn à.

      Chúc các bạn một ngày chủ nhật vui vẻ nhé.:dzotle:

      Thân ái

      Hien74KNC


      Comment


      • #4
        Những dấu vết kỷ niệm của người vừa ra đi dần dần được nhắc nhớ và chất chồng cho đến lúc bùng nổ. Đỉnh điểm (climax) của cốt chuyện (plot) chính là lúc kết thúc, khi mà người ở lại chợt kêu lên hai tiếng ''Anh ơii" trong khi bên ngoài ... trời cũng vừa tắt nắng. Kỹ thuật viết truyện ngắn khó ở chỗ phải sử dụng một số lượng ngôn ngữ giới hạn nhất để chứa đựng một nội dung súc tích nhất. Tác giả đã để lại trong tâm tư của mỗi bạn đọc một nỗi buồn sâu lắng sau khi nghe tiếng Cell-phone.

        Comment


        • #5
          Đọc xong buồn quá, như tưởng văng vắng đâu đây .... "Anh còn nợ em"


          Tình thân,

          4
          Last edited by Hung Nguyen; 07-29-2021, 07:06 PM.
          Best wishes,

          Comment


          • #6
            Các bạn mến , khi xem xong chuyện này các bạn có tin đây là chuyện thật không ? Tin đó là tiếng chuông của chồng chị Nga làm ra không hay chỉ là ảo giác của chị Nga mà thôi ?

            Còn P khi đọc xong P lại nhớ tới phim người tàng hình mà P xem đã từ lâu lâu lắm , hồi đó P nghĩ đây chỉ là chuyện giả tưởng hư cấu nhưng P vẫn thích vì người tàng hình làm được những việc mà người bình thường không làm được như đi xuyên tường xuyên vách ..v.v..

            Nhưng nhận xét này của P theo thời gian cũng thay đổi , bây giờ P tin là song song với thế giới hữu hình của chúng ta còn có thế giới vô hình , tuy vô hình nhưng họ vẫn có cách làm cho chúng ta biết có sự hiện diện của họ và điều này không còn xa lạ gì với thế kỷ này nữa . Thậm chí ngoài khả năng xuyên tường xuyên vách người vô hình bây giờ còn xuyên cả ... những suy tư , thương yêu giận hờn của chúng ta ... tức là họ biết hết tâm tư tình cảm của mình , chẳng hạn như chúng ta không biết người bạn đang ở bên cạnh đang thương hay ghét ta ? nhưng ..họ lại biết rõ hơn ai hết .

            Cho nên , theo P nghĩ nếu gặp trường hợp này mình cũng đừng nên buồn nhiều quá kẻo nặng lòng người đi nha các bạn

            Thân mến

            PL

            Comment


            • #7
              Ối trời ơi! Thật vậy sao Phương? Như vậy ai thương mình khi chết họ đi theo mình hả?

              KD chỉ biết là cô Nga trong truyện còn bình tĩnh hơn em gái của Dung. Khi chú em rể ra đi, tất cả những gì thuộc về chú đều được anh C và hai cậu em trai dọn dẹp đóng vào thùng, cho đến nay vẫn chưa mở ra, chưa dám nhìn lại. Ngày đó chồng nó đi, mười ngày sau bố D đi, rồi tám tháng sau Mẹ D cũng bỏ đi luôn. Lúc đó KD thì chẳng còn tha thiết gì nữa. Em KD khủng bố tinh thần KD đến cả năm sau, D ngủ chung với nó mà cả đêm nó khóc cà hụ cà hụ thật lớn. KD chẳng biết làm sao cứ im cho nó khóc, khi nó mệt thì mình ngủ được một chút, khi nó thức dậy lại tiếp tục khóc. Sau này anh Cừ cho hai đứa nhỏ về ở với dì nó, dì nó bớt buồn vì có cháu để lo, đêm không dám làm ồn sợ mai cháu không dậy đi làm được. Và cũng nhờ hai chị em đi nhà thờ cầu nguyện, đi làm thiện nguyện. Lúc nào ở nhà thì trồng rau, trồng Lan, bây giờ nó đã vui vẻ trở lại bình thường.

              Hiền ơi làm như H thì hết buồn man mác nhưng lại sinh ra buồn NGỦ đó.

              Thân ái

              KimDung

              Comment


              • #8
                Đọc truyện này sao mà buồn quá, người đi thì thanh thản, nhưng người ở lại mới là buồn khổ với biết bao kỷ niệm. Tội nghiệp người ở lại cô đơn với những nhớ nhung phải cần thời gian mới quên dần đi được, nhất là với những người đa sầu, đa cảm. Vì thế trong lúc còn sống với nhau phải thể hiện được những yêu thương lo lắng cho nhau mới là đáng quý. "Anh còn nợ em" dài dài và hết cả cuộc đời này cũng chưa trả hết nợ đó đâu phải không các bạn? Ai săn sóc cho mình lúc đau, ai lo cho mình bữa cơm canh ngọt, ai bầu bạn chuyện trò chia xẻ lúc mình khó khăn v..v... Danh từ "người bạn đời" đã nói lên tất cả. Có những lúc cố gắng làm gì đó để quên đi để vui nhưng đêm về trống vắng một mình mới thấy thấm thía cô đơn. Con cái lớn có cuộc sống riêng của nó, chỉ còn hai vợ chồng già chia ngọt xẻ bùi với nhau. Nay một người đi để một người ở lại cũng đau lòng lắm cho cả hai chứ không phải chỉ riêng có người ở lại. Mình cũng đồng ý với LP là tuy người chết đi nhưng linh hồn vẫn còn tồn tại và còn quanh quẩn đâu đó bên người thân, người bạn đời. Khi nào họ cảm thấy mãn nguyện là xong bổn phận và sẵn sàng ra đi khi người ở lại không còn cần hay nghĩ đến họ nữa. Mình cũng đã vào xem phim "Gosh wishper", nhiều chuyện rất thật. Có cô gái có khả năng nói chuyện được với người đã chết để giải quyết những vấn đề khúc mắc còn tồn tại mà người chết chưa thoả mãn nên chưa siêu thoát được. Đúng như vậy đó mình không thấy họ nhưng linh hồn họ còn tồn tại, họ thấy và biết tất cả những việc mình làm, nên mình cứ sống đúng và ngay thẳng thì mình sẽ không lo sợ điều gì cả phải không các bạn?

                Comment


                • #9

                  Chúng ta luôn ở bên nhau nhưng không bao giờ thấy nhau. Phải chăng có những lúc hiếm hoi mà chuyển động ngẫu nhiên tạo nên sự giao nhau (intersection) giữa các không gian và trong khoảnh khắc đó một số ít người ở những thế giới khác nhau sẽ có thể nhìn thấy nhau và cũng có lẽ vì thế mà chúng ta có ngày lễ Halloween mỗi năm? Mời các bạn xem bài viết về 'chiều thứ tư của không gian' dưới đây:

                  http://genk.vn/kham-pha/chieu-khong-...3021847711.chn

                  Comment

                  Working...
                  X