Announcement

Collapse
No announcement yet.

BUỒN VUI TIẾNG VIỆT

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • BUỒN VUI TIẾNG VIỆT

    BUỒN VUI TIẾNG VIỆT


    Ngày xưa đi học, tôi rất thích môn văn mặc dù tôi chọn ngành kỹ thuật. Đầu năm đệ thất (lớp 6), cô dạy văn yêu cầu lớp tìm một từ sao cho khi thêm 5 dấu vào vẫn tạo ra từ có nghĩa. Mới chập chững từ tiểu học lên, đa số học sinh còn lúng túng với môi trường học mới nên chưa tìm ra liền được. Tôi giơ tay xung phong:

    - Thưa cô đó là mu, mù, mú, mủ, mũ, mụ ạ. Mụ như mụ già, mũ như cái nón, mủ như máu mủ, mú như cá mú, mù như người mù, mu…

    Cô giáo vội chận lại “Thôi, được rồi…” Nhưng tôi đang có đà vẫn nói tiếp “…Như mu rùa”. Cô giáo thở phào nhẹ nhõm “Giỏi lắm. Em làm cô hết hồn”. May mà lúc đó tôi không hỏi tại sao cô … hết hồn mặc dù tôi nổi tiếng là học sinh hay thắc mắc dù học không giỏi. Linh cảm không hay của tôi đã giúp tôi tránh được trận lôi đình của cô giáo.

    Nhưng không phải lúc nào tôi cũng gặp may. Khi học truyện Kiều năm đệ lục (lớp 7), cô giáo hỏi tôi ý nghĩa câu’ Sè sè nấm đất bên đường’. Tôi trả lời rất … hồn nhiên: “Đó là âm thanh phát ra từ những người đang trên đường đi mắc tiểu phải ngồi núp sau mô đất để đi tiểu”. Cô giáo mắng tôi là còn nhỏ mà có đầu óc đen tối. Từ đó, cô giáo có ấn tượng không tốt về tôi nên khi tôi thắc mắc câu ‘Vành ngoài tám chữ vành trong bảy nghề’ thì cô nổi trận lôi đình thật sự. Khi bị mắng, tôi chỉ mơ hồ hiểu đây là những câu … bậy bạ. Từ đó, giờ văn không làm tôi hứng thú nhiều nữa vì phải thận trọng khi muốn hỏi điều gì. Sau này khi đi dạy, tôi có hỏi những giáo viên dạy văn cùng trường về câu này. Họ cũng không biết luôn. Họ chỉ biết đại khái đó là những thủ thuật của gái làng chơi. Đến khi tình cờ gặp một giáo viên dạy văn lớn tuổi là thầy Trần Văn Phò, tôi mới được giải thích cặn kẽ bảy chữ là gì và tám nghề là gì. Nhờ đó tôi hiểu được tại sao cô giáo năm xưa giận dữ như vậy.

    Một lần trong giờ Pháp văn, thầy hỏi em nào biết sự khác nhau giữa raisin và grape. Ôi! Dễ quá! Tôi giơ tay liền:

    - Thưa thầy raisin là trái nho và grape là nho chùm.

    Vừa nghe xong câu trả lời của tôi, mặt thầy chợt đỏ bừng lên giận dữ:

    - Em là một học sinh mất dạy. Tôi cho em không điểm.

    Tôi ngơ ngác không hiểu gì hết. Tôi xụ mặt xuống, nước mắt rưng rưng. Tôi trả lời đúng mà. Nhưng tôi không dám hỏi thầy vì thầy rất dữ, hay la mắng học sinh. Khi đi học về, tôi vội chạy đến ba tôi kể lại câu chuyện này và hỏi ba tôi là tôi sai chỗ nào.

    Ba tôi thường dạy kèm pháp văn cho tôi lúc nhỏ. Ba tôi nghe xong bật cười ha hả. Ông nói:

    - May mà thầy không cho con ăn đòn đó. ‘Nho chùm’ một là nói về những người dốt mà hay nói chữ. Từ liên quan thường thấy là ‘xổ nho’ với ý châm biếm. Hai là chỉ ‘cặp tròn tròn’ của bộ phận sinh dục nam. Thầy con lớn tuổi rồi phải không? Chỉ mấy người già mới hiểu nghĩa từ này theo cách đó. Mà con cũng kỳ thiệt. Sao con không nói ‘chùm nho’ bình thường mà lại nói ‘nho chùm’ làm gì? Nhưng thôi, không sao đâu. Thầy bất chợt giận dữ như vậy thôi. Khi bình tâm lại chắc chắn thầy sẽ hiểu một đứa con nít không thể biết những nghĩa như vậy, nó chỉ vô tình nói ra thôi.

    Nghe xong, tôi lùng bùng lỗ tai. Tôi mới 11 tuổi, học lớp 6, làm sao tôi biết những nghĩa … cao siêu đó! Đối với tôi, ‘chùm nho’ hay ‘nho chùm’ cũng như nhau thôi mà. Thật ‘điên cái đầu’, ‘đâu cái điền’. Chết rồi lại tật hay nói ngược nữa vẫn chưa chừa.

    Đến năm lớp 8 và lớp 9, tôi thích môn văn trở lại nhờ những giờ văn của thầy Trần Thế Xương. Thầy dạy rất hấp dẫn, tận tình chỉ dẫn cách viết một bài văn, cách sử dụng các từ cho phù hợp với ngữ cảnh. Thầy dạy rất tỉ mỉ ý nghĩa, công dụng của các dấu chấm, dấu phẩy, các dấu cảm thán, … dẫn đến cách chấm câu, cách chuyển từ ý này qua ý khác sao cho hợp lý. Lúc đó tôi còn nhỏ nhưng tôi cũng thấy tiếc là không hiểu hoàn cảnh nào đẩy đưa khiến thầy phải về trường kỹ thuật dạy văn. Học sinh kỹ thuật phần lớn không giỏi văn và không thích môn văn. Điều đáng phục là dù học sinh lơ là môn văn nhưng thầy vẫn tận tâm giảng dạy và vẫn cố tìm mọi cách để học sinh chú ý tới tiếng Việt. Sau này tôi biết được thầy đã chuyển về trường Nguyễn Thị Minh Khai. Tôi mừng cho thầy đã có đất để thi thố tài năng của mình.

    Rất lâu sau đó tình cờ tôi gặp lại và có dịp chuyện trò tâm sự với thầy Xương ở trường năng khiếu TPHCM khi tôi cũng dạy thêm ở đó. Thầy dạy các chuyên đề văn cho các lớp chuyên văn.

    Năm tháng trôi qua nhanh quá. Tôi vẫn nhớ giờ học văn đầu tiên của lớp. Thầy Xương có dáng người gầy ốm, trắng trẻo như một thư sinh. Thầy chậm rãi đến bàn giáo viên, tay đặt lên sổ điểm của lớp:

    - Tôi chưa nhìn danh sách học sinh lớp này, nhưng tôi biết tên của các em toàn là tên Hán Việt. Điều này không có gì lạ vì từ Hán Việt chiếm khoảng hơn 80% trong tiếng Việt.

    Nói xong, thầy bắt đầu đọc tên từng học sinh và giải thích ý nghĩa của tên đó:

    - Trần Vĩnh An. Vĩnh An là yên bình mãi mãi… Lý Kim Chung. Kim Chung là cái chuông vàng… Lê Dại Hùng. Đại Hùng là gấu lớn…

    Cứ như thế thầy say sưa đọc tên và giải thích cho tới cái tên cuối cùng trong sổ. Chợt thầy chững lại và nhoẻn miệng cười bối rối:

    - Trương văn Sẹo (bạn này vần S nhưng ở cuối sổ vì chuyển trường trễ). A! Tôi sai rồi, lớp này có một tên tiếng Việt.

    Tôi thích nhất những lúc thầy tự làm cháy giáo án khi say sưa nói về sự phong phú, lắc léo của tiếng Việt. Thầy cũng hay ‘lạc đề’ khi giải thích các từ tượng hình của chữ Tàu. Tay thầy viết thoăn thoắt những chữ Hán lên bảng. Nào là chữ ‘nữ’ có hình dáng người đàn bà đang gánh quang gánh chạy, chữ ‘xa’ (xe) có trục bánh xe, có thùng xe, chữ ‘mã’ (ngựa) có 4 chân ngựa với thân mình, chữ ‘lâm’ (rừng) gồm 3 chữ ‘mộc’ hợp lại. Cho đến những từ trừu tượng vẫn là những bộ từ tượng hình ghép lại với nhau như chữ ‘nhàn’ gồm chữ ‘nguyệt’ (trăng) nằm trong chữ ‘môn’ (cửa), chữ ‘viết’ (nói) gồm 3 chữ ‘khẩu’ (miệng) hợp lại. Tôi thấy hay quá nên mơ là khi lớn lên tôi sẽ học tiếng Tàu để biết thêm về loại ngôn ngữ thú vị này. Tiếc thay giấc mơ đó đến nay tôi vẫn chưa thực hiện được.

    Thầy Xương giải thích sự khác nhau về giọng nói của 3 miền một cách lạ thường. Thầy nói cuộc Nam tiến mở mang bờ cõi của dân Việt đã làm thay đổi giọng nói của dân Việt. Các di dân vào đến miền Trung, đất hẹp, đồi núi nhiều, vùng đất cằn cỗi, cuộc sống khó khăn nên giọng nói của di dân trầm xuống. Giọng nói ở vùng Hà tĩnh, Nghệ An rất nặng và khó hiểu. Cũng vì cuộc sống khó khăn nên di dân ‘tiết kiệm’ cả việc đặt tên. Di dân miền trung lúc bấy giờ thường chỉ có 2 từ, họ và tên, không có từ đệm như Lê Dũng, Nguyễn Ca, … Khi vào đến miền nam, đất rộng phì nhiêu, sông rạch chằng chịt nên giọng nói của di dân nhẹ và cao hơn để thích ứng với môi trường sống mới. Thầy dẫn chứng:

    - Các em cứ hình dung một người đứng bên này sông kêu một người bên kia sông. Nếu gọi “Về” thì rất khó vang xa được bằng “Dìa”. Có những từ nói lên đặc điểm vùng đất phương nam như ‘quá giang’ (qua sông) đến nay vẫn còn được dùng mặc dù người ta xin đi nhờ … xe, không dính líu gì đến kinh rạch hay thuyền bè.

    Cách thầy giải thích có vẻ đơn giản quá, có lẽ đối tượng là những đứa trẻ còn quá nhỏ như tụi tôi. Nhưng tụi tôi rất thích thú khi nghe những điều như vậy. Tôi vẫn nhớ cách thầy giải thích về những từ thuần Việt như ‘bố’, ‘cái’ (trong Bố Cái Đại Vương), từ ‘ki’ (để xúc đất), … hoặc thầy nói về nguồn gốc các từ ‘Tú Tài’ (người tài giỏi), ‘Cử Nhân’ (người được đề cử), ‘Tiến Sĩ’ (người được tiến cử cho vua) qua các kỳ thi Hương, thi Hội, thi Đình. Sau này khi tìm hiểu tôi mới biết những từ này khá phức tạp chứ không đơn giản như thầy giải thích cho chúng tôi. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc dạy kỹ thuật cho học sinh phổ thông của tôi. Tôi luôn cố gắng dạy đơn giản tối đa những vấn đề kỹ thuật để học sinh có thể tiếp thu được dễ dàng.

    Khi tôi lên trung học đệ nhị cấp (cấp 3) ở trường kỹ thuật Cao Thắng, tôi được làm quen với loại văn nghị luận, bình giảng và say mê với triết học. Tôi nhớ một hôm cô dạy văn cho đề bài ‘Các em nghĩ gì về câu nói của triết gia người Đức Schopenhauer: Người tự tử là người lạc quan’. Cả lớp ngơ ngác khi thấy câu nói vô lý quá, làm sao làm bài được. Lúc đó tôi chưa phải là NCT nhưng cũng hơi … ‘tưng tửng’ rồi nên tôi như cá gặp nước, phóng tay viết liền một mạch 4 trang bình luận câu nói bất hủ trên. Hôm cô giáo trả lại bài, cô khen tôi lập luận hay làm tôi phổng mũi lên. Có lẽ nhờ những lần nở mũi như vậy nên cuộc đời tôi sau này rất … dễ thở.

    Lên lớp đệ nhất (lớp 12), tôi học môn vật lý với thầy Trịnh Khải. Thầy rất đẹp trai, da trắng như trứng gà bóc. Một hôm thầy giảng về ‘Vân đạo âm tử’ (Phần này trong chương trình đại học khoa học, chỉ học sinh kỹ thuật mới được học, học sinh phổ thông lúc đó chưa được học). Thầy nói:

    - Hôm nay chúng ta sẽ học về ‘Âm đạo vân tử’…

    Cả lớp cười ồ lên làm thầy lúng túng, da mặt thầy đã trắng sẵn nên khi đỏ hồng lên rất rõ. Thầy vội vàng nói lại:

    - A! Tôi nói lại. Chúng ta sẽ học Âm đạo …

    Cả lớp lại cười nghiêng ngả, thầy lại càng bối rối. Lúc đó trông thầy thật dễ thương như … vân đạo âm tử.

    Và rồi tôi cứ lững thững qua bậc trung học rồi đại học với số điểm môn văn cao nhất so với các môn khác. Thầy Trần Thế Xương dạy tôi ở trung học và thầy Lê Thái Ất dạy tôi ở đại học là hai người thầy khuyên tôi nên theo học văn khoa phù hợp hơn là tôi học kỹ thuật. Nhưng rồi cuối cùng tôi cũng không thể theo lời khuyên của các thầy được vì những khó khăn trong đời sống.

    Sau năm 75, tôi thật sự bối rối vì các từ tiếng Việt quá khác biệt giữa hai miền nam bắc. Tôi phải thay đổi cách viết khá nhiều từ vì sợ bị đánh giá là viết sai chính tả. Những từ trong miền nam bao lâu nay được xem là đúng nay phải viết lại cho đúng với xã hội mới. Thí dụ (theo thứ tự từ miền nam / từ miền bắc): xử dụng / sử dụng, lãi xuất / lãi suất, xuông xẻ / suôn sẻ, bổ xung / bổ sung, dùm / giùm, kềm chế / kiềm chế, cái kềm / cái kìm, … Nhưng những điều này chẳng thấm vào đâu so với sự khác biệt trong các từ kỹ thuật. Khi nhận đồ án tốt nghiệp, ngoài phần tính toán, thiết kế, tôi còn phải tham khảo tài liệu để viết những từ kỹ thuật ‘mới’. Thí dụ (theo thứ tự từ gốc / từ miền nam / từ miền bắc): cát tuyến (đường cắt) / đường gạch gạch, thiết đồ, tiết diện / hình cắt, mặt cắt, piston / pít tông / quả nén, bielle (thanh truyền) / dên / biên, pointeau / bontu / poănh tu, roulement à billes / bạc đạn / ổ bi, paliers lisses / bạc / ổ trượt, plaquettes de frein / má thắng / guốc phanh, rayon / căm xe / nan hoa, moyeu / đùm / mayơ, plomb / lập lòn / dây dọi, pannes (đòn tay) / xà bô / xà gồ, chambre &envelope / vỏ ruột xe / xăm lốp, …

    Khi dạy học, tôi cố gắng viết theo cách mới nhưng thỉnh thoảng do quán tính tôi vẫn viết theo cách cũ nên bị học sinh cười là tôi viết sai chính tả. Tôi phải giải thích những từ đó trước đây ở trong miền nam là những từ được cho là đúng.

    Vào khoảng năm 1977, tôi suýt mang họa lớn cũng chỉ vì các từ tiếng Việt. Lần đó tôi đang trong đoàn cải tạo công thương nghiệp thì có lệnh tất cả phải tập trung ở trường đảng Đồng Nai để chuẩn bị tham gia chiến dịch đánh tư sản. Suốt mấy ngày trong trường đảng, chỉ ăn rồi ngủ phát chán luôn vì bị cô lập không được tiếp xúc với bên ngoài. Một hôm đang nửa đêm, tất cả bị dựng dậy tập trung ở sân và được thông báo sáng hôm sau sẽ tham gia chiến dịch đổi tiền. Mọi người được tập huấn cách đổi tiền nhưng không có chi tiết cụ thể. Cán bộ chỉ cho biết đúng 7 giờ sáng hôm sau, các bàn đổi tiền sẽ nhận được tài liệu trong đó sẽ có chi tiết cụ thể cách đổi như thế nào, số lượng tiền bao nhiêu, … Tôi được phân công làm kế toán bàn đổi tiền. Trưởng bàn đổi tiền là một cô bác sĩ, Việt kiều mới từ Kampuchia về. Cô ấy nói tiếng Việt chưa rành lắm nên hay chen thêm tiếng Pháp khiến tôi thấy vui vui (Ở Kampuchia trước 75, tiếng Pháp là sinh ngữ chính trong các trường học). Ngoài ra còn có thủ quỹ tiền mới, thủ quỹ tiền cũ và vài nhân viên bảo vệ, giúp việc. Chúng tôi ôn đi ôn lại nhiệm vụ của từng người cho đến khi thuộc lòng.

    Sáng hôm sau, trời còn mờ tối, từng đoàn xe tới chở các nhóm bàn đổi tiền đến nới quy định. Đến nơi, mọi người sắp xếp bàn ghế, bố trí lại căn phòng để chuẩn bị công tác đổi tiền. Đúng 7 giờ, chúng tôi được giao một phong bì lớn chứa tài liệu. Tôi vội mở ra xem nội dung việc đổi tiền. Nguyên văn chỉ thị việc đổi tiền:

    ‘TỪ NGƯỜI THỨ NHẤT ĐẾN NGƯỜI THỨ BA TRONG MỘT HỘ MỖI NGƯỜI ĐƯỢC ĐỔI 100 ĐỒNG TIỀN MỚI. KỂ TỪ NGƯỜI THỨ TƯ TRỞ ĐI ĐƯỢC ĐỔI THÊM 50 ĐỒNG TIỀN MỚI NỮA’.

    Tôi cũng có hơi ngạc nhiên tại sao nhà nước lại ưu đãi cho những hộ đông người như vậy nhưng thời gian quá ngắn không cho phép tôi suy nghĩ nhiều hơn. Tôi bàn với cô bàn trưởng là chúng tôi sẽ đổi 300 đồng cho 3 người đầu trong hộ, từ người thứ tư cho đến người cuối cùng của hộ sẽ được đổi 150 đồng mỗi người. Cô bàn trưởng đồng ý với tôi. Cô bắt đầu tiến hành ngay lập tức việc thu sổ hộ khẩu của các hộ trong khu vực bàn đổi tiền đảm trách vì thời hạn làm việc chỉ đến 12 giờ trưa là kết thúc, thời gian quá ngắn không thể chậm trễ được. Dân chúng lúc bấy giờ đang chen lấn đông nghẹt trước cánh cửa sắt kéo ngăn giữa chúng tôi với họ. Một lúc sau chúng tôi khám phá nhiều người không thuộc trách nhiệm của bàn đổi tiền cũng nộp sổ hộ khẩu tại đây. Đây là lỗi của cán bộ phường đã chỉ dẫn không chính xác. Đám đông bên ngoài bắt đầu hỗn loạn, người đòi rút sổ, người đòi nộp sổ huyên náo cả lên. Họ giận dữ vì sợ không kịp giờ nộp sổ sẽ không được đổi tiền. Tiếng la hét đinh tai điếc óc. Cô bàn trưởng bắt đầu mất bình tĩnh. Cô ấy chụp các sổ hộ khẩu ném ra ngoài. Đám đông càng phẫn nộ chưởi bới lớn hơn nữa. Cánh cửa sắt kéo rung lên bần bật theo sự giận dữ của đám đông. Cô bàn trưởng vừa khóc vừa hét lên vừa tiếng Việt vừa … tiếng Pháp ‘Các người không biết lịch sự… đồ nhà quê… vous êtes les coolies (đồ cu li) … barbage (mọi rợ) … Paysants (đồ nông dân) … Oh mon seigneur! (lạy Chúa tôi!)’. Tôi cũng mất bình tĩnh trước cảnh hỗn loạn mà tôi chưa từng gặp bao giờ, lại thêm cô bàn trưởng gần như hóa điên, chưởi rủa bằng những từ rất nặng nề. Tôi liên tiếp đưa điếu thuốc … ngược đầu lửa đỏ lên miệng để hút. Cuối cùng, tôi lấy lại bình tĩnh (có lẽ do cái ‘mỏ’ bị phỏng nhiều quá), dìu cô bác sĩ vào nằm lên võng bên trong nhà và thuyết phục cô cứ nghỉ ngơi để một mình tôi giải quyết được rồi. Cô ấy cũng thấm mệt và đang choáng váng nên đồng ý liền. Tôi nói với mọi người:

    - Xin bà con bình tĩnh. Chúng tôi không quen công việc này, nhà nước điều động thì phải làm thôi. Xin bà con giúp cho chúng tôi bằng cách giữ trật tự chúng tôi mới làm việc được. Chúng tôi chỉ đổi tiền cho những người thuộc tổ 5, 6,7, 8 thôi. Còn những tổ khác bà con về hỏi lại cán bộ phường xem mình phải nộp sổ ở đâu. Bây giờ chúng tôi sẽ trả lại các sổ không thuộc bàn này phụ trách để bà con kịp đem nộp chỗ khác. Sau đó chúng tôi mới nhận sổ của các tổ vừa nêu.

    May quá, mọi người thông cảm và bắt đầu dịu lại nhờ vậy công việc được tiếp tục thuận lợi hơn. Cho đến 12 giờ, chúng tôi đã hoàn thành thủ tục đổi tiền cho các hộ, không bị sót hộ nào. Chúng tôi thở phào nhẹ nhõm. Tôi gần như kiệt sức, ngồi bệt luôn xuống đất, lấy thuốc ra hút liên tục. Cô bác sĩ lúc bấy giờ mới thấy áo tôi ướt đẫm mồ hôi, cặp môi tôi bị phỏng, mọng nước như đôi môi của thiếu nữ dậy thì. Cô suýt xoa hỏi “Miệng anh bị phỏng rồi kìa. Anh có đau không? Để tôi gọi điện kêu họ đem vaseline đến bôi cho anh”. Tôi cười nói “Không sao đâu. Bây giờ chị có kêu cũng không ai bắt máy đâu. Ban chỉ huy chiến dịch chắc chắn đang điên đầu vì nhận nhiều cuộc gọi kêu cứu từ các bàn đổi tiền. Họ không có thời gian quan tâm đến ‘đôi môi hình viên đạn’ của tôi đâu”. Cô ấy xin lỗi vì quá nóng nảy và cám ơn tôi đã thay cô ấy giải quyết mọi chuyện êm đẹp. Tôi nói “Không có gì đâu. Đúng là nhiệm vụ kế toán bàn đổi tiền không nhận, trả sổ hộ khẩu của dân. Nhưng tôi nghĩ nếu cuối cùng người dân không đổi tiền được thì trong bàn chỉ có tôi và chị sẽ đi ở tù thôi”.

    Qua sáng hôm sau, mấy cán bộ trên ban chỉ huy chiến dịch đến chỗ chúng tôi mời cô bác sĩ và tôi về sở chỉ huy làm việc. Họ khám phá ra số tiền chúng tôi đổi cho dân quá nhiều so với các bàn đổi tiền khác. Sau khi xem xét các giấy tờ, họ giận dữ nói:

    - Các đồng chí làm sai rồi. Tại sao các đồng chí đổi cho dân nhiều tiền vậy. Các đồng chí biết như vậy là làm thất thoát tiền bạc của nhà nước bao nhiêu không hả?

    Lúc đầu tôi chưa hiểu mình làm sai gì nên phải hỏi lại. Một cán bộ giải thích:

    - Bản hướng dẫn ghi rõ là ba người đầu, mỗi người được đổi 100 đồng tiền mới. Ngoài ra, TẤT CẢ những người còn lại trong hộ chỉ được đổi TỔNG CỘNG 50 đồng tiền mới. Tinh thần của chỉ thị là thế!

    Tôi bị bất ngờ và cũng hơi sợ. Chết rồi vậy là tôi đã đổi quá mức nhà nước yêu cầu, quá mức một cách kinh khủng luôn. Hèn gì giữa chừng ngày hôm qua, tôi phải điện về bộ chỉ huy để họ tiếp thêm tiền mới vì tiền có sẵn cho mỗi bàn đổi tiền không đủ. Tôi mơ hồ thấy hình ảnh còng số 8 bập vào tay mình rồi. Cô bác sĩ cũng tái mặt, ú ớ nói không nên lời. Không hiểu sao khi nhìn gương mặt tái mét của cô bác sĩ tôi bình tĩnh lại được. Tôi lấy tay chỉ giòng chữ hướng dẫn đổi tiền:

    - Tôi không biết tinh thần hay vật chất gì hết. Các anh xem kỹ lại giòng chữ này đi. Tôi là một giáo viên. Tôi hiểu rõ ràng ý của chỉ thị này là kể từ người thứ tư trở đi, mỗi người được đổi THÊM 50 đồng NGOÀI 100 đồng GIỐNG như ba người đầu. Nếu đổi theo cách các anh nói thì chỉ thị phải viết ‘Tất cả những người còn lại trong hộ chỉ được đổi tổng cộng 50 đồng’.

    - Đồng chí làm sai mà còn cãi nữa hả. Chỉ thị rõ ràng như vậy mà đồng chí làm sai là do đồng chí cố tình hiểu sai. Đồng chí không được ngoan cố. Bao nhiêu bàn đổi tiền đều đổi bình thường, chỉ có duy nhất bàn của các đồng chí là làm sai. Tại sao nếu chưa rõ, các đồng chí không điện về sở chỉ huy để hỏi lại cho chắc chắn rồi hãy làm.

    - Tôi tốt nghiệp sư phạm và tôi đã được học về văn hành chánh. Văn hành chánh không phải là văn chương tiểu thuyết. Nó phải ngắn gọn, rõ ràng để những ai có ý đồ xấu cũng không thể bẻ ý và làm khác được. Tôi đã đọc chỉ thị này và hiểu rõ ràng ý của câu. Tôi thấy câu quá rõ ràng như vậy thì tôi gọi điện hỏi lại làm gì? Hơn nữa, khi gần hết tiền đổi, tôi phải gọi điện mấy lần không được vì mạng thông tin quá tải, mãi sau các anh mới cho người đem thêm tiền đến. Tại sao lúc đó các anh không nghi ngờ lý do gì bàn chúng tôi cần thêm nhiều tiền thế để mà xuống kiểm tra và sửa sai kịp thời? Tôi đề nghị các anh đọc kỹ lại câu chỉ thị đó đi. Nó không thể có nhiều ý khác nhau được, nhất là các từ THÊM … NŨA nằm trong câu.

    Các cán bộ thấy tôi quyết liệt bảo vệ ý kiến của mình nên họ cũng hơi nao núng. Cũng có thể vẻ mặt của tôi lúc đó …’thật thà’ quá nên họ đứng lên qua phòng khác, chắc là để xin ý kiến cấp trên. Thật tình lúc đó tôi chỉ nghĩ đời mình ‘tiêu’ rồi, chuyện ở tù không thể tránh khỏi. Không lẽ môn văn, tiếng Việt mà tôi hằng yêu thích bây giờ lại tung một đòn ‘hồi mã thương’ trí mạng với tôi chăng? Thiên hạ có 4 bồ chữ. Nguyễn Công Trứ chiếm hết 3 bồ, còn lại chia cho thiên hạ. NCT chỉ ‘dớp’ được nửa chữ mà tưởng mình giỏi nên lãnh đủ chăng?

    Tôi đang sợ nhưng khi thấy cô bác sĩ bàn trưởng ngồi chết sững, miệng lẩm bẩm những câu gì đó mà tôi không hiểu được (có lẽ cô ấy cầu nguyện bằng tiếng … La Tinh!), tôi lại có thêm can đảm và an ủi cô ấy:

    - Chị yên tâm đi. Có chuyện gì tôi sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm. Tôi sẽ cho họ biết chị mới ở Kampuchia về, tiếng Việt chị không rành nên chị sẽ không có lỗi trong chuyện này.

    Nói xong câu đó, tôi thấy mình giống như một superman, ‘độc cô cầu bại’ tân thời vừa xuất hiện. Một lần nữa, mũi tôi lại nở to khi cô bác sĩ lắp bắp “Cám ơn anh lắm. Tôi sợ quá không biết chuyện gì sẽ xảy ra nữa”. Tôi ra vẻ bất cần trước người đẹp “Không sao đâu. Tôi quen rồi”. Tôi cũng không biết tôi nói quen rồi là quen cái gì, không lẽ quen … cái còng số 8. Đúng là thanh niên bồng bột và anh hùng rơm!

    Chúng tôi hồi hộp chờ khoảng 15 phút thì thấy một cán bộ lớn tuổi tiến đến chỗ chúng tôi. Ông ấy ôn tồn nói:

    - Chúng tôi đã xem kỹ và bàn bạc với nhau. Chỉ thị viết ra như vậy làm đồng chí hiểu sai ý là điều có thể chấp nhận được. Chúng tôi cũng có lỗi không theo sát các bàn đổi tiền. Các đồng chí chỉ vô tình làm sai chỉ thị. Bây giờ việc đã lỡ rồi, không thể thu hồi số tiền đã phát ra và hơn nữa chúng tôi còn nhiều việc phải giải quyết lắm. Thôi các đồng chí về bàn đổi tiền của mình đi và chờ những công tác kế tiếp nhé.

    Chúng tôi mừng quá vội vàng ‘dông’ lẹ. Về đến bàn đổi tiền, cô bác sĩ đã bình tâm hơn, cô thắc mắc:

    - Tôi đã có 6 năm thâm niên trong khi anh chỉ mới 1 năm. Vậy mà sao anh lại bình tĩnh đấu lý với các ông đó hay như vậy. Tôi nghĩ mình đã phạm lỗi lớn quá người ta không thể tha thứ được. Tôi phải công nhận anh là người trầm tĩnh. Anh đã giải quyết parfait (tốt đẹp) vụ dân chúng lộn xộn hôm qua cho đến vụ đấu lý hôm nay.

    - Chị khen tôi quá lời rồi. Tôi cũng bị mất bình tĩnh mà. Việc hôm nay không phải tôi đấu lý mà tôi chỉ nói đúng ý nghĩa của chỉ thị thôi. Ngày hôm qua tôi mới sợ hơn. Khi chị chưởi mắng và ném sổ của dân chúng, tôi muốn đứng tim luôn. May mà người ta không hiểu những câu tiếng Pháp của chị nói. Nếu họ hiểu thì chắc chắn chị và tôi bây giờ đang nằm trong nhà thương hoặc nhà xác rồi. Khi đám đông nổi điên lên thì chuyện gì cũng có thể xảy ra. Chính vì vậy tôi phải chấp nhận việc vượt quyền hạn đã quy định, làm thay công việc của chị. Nói tóm lại, tôi không can đảm hay trầm tĩnh gì hết mà đơn giản chỉ là tôi sợ … chết.

    - Đến nước này mà anh vẫn khôi hài thì tôi cũng chịu thua anh. À! Vậy anh hiểu những gì tôi la hôm qua hả?

    - Tôi hiểu vì tiếng Pháp là sinh ngữ chính của tôi mà. Lúc nhỏ, anh em tôi thường qua khu cư xá của Tây để đánh nhau và chưởi nhau với tụi Tây con. Có lần tôi chưởi một đứa Tây con là ‘chauffage’ (tài xế ẩu) thay vì tôi phải nói ‘sauvage’ (mọi rợ), vậy mà cũng làm nó tức điên lên. Tiếng Pháp chính thống có thể không bằng ai chứ tiếng Pháp để chưởi nhau thì tôi không thua ai đâu.

    - Trop pauvre (tôi nghiệp quá)!. Anh vui tính thật. Tôi thấy thích anh rồi đó.

    Sau chiến dịch đổi tiền, mọi người trở về cơ quan cũ của mình làm việc bình thường trở lại. Từ đó tôi không gặp lại cô bác sĩ tính nóng như Trương Phi đó nữa. Nghe nói một thời gian ngắn sau đó cô ấy đã qua Pháp làm việc rồi. Cầu Chúa phù hộ cho madame ‘Trương Phi’! Amen.

    Lúc tôi làm ở xí nghiệp, tôi cũng chứng kiến khá nhiều đụng chạm vì khác biệt các từ giữa 2 miền nam bắc. Khi ăn cơm trưa ở căn tin xí nghiệp, một công nhân miền bắc reo lên “A! Hôm nay có tôm rang”. Một công nhân miền nam phản bác liền “Mày đui hả. Con tép mà kêu là con tôm. Con tôm nó bự chứ đâu có nhỏ xíu như dầy”. Anh công nhân miền bắc nói “Ở miền bắc chúng tao, con tép là con bé xíu, to như thế này là con tôm, mày biết đ. gì mà nói”. Anh công nhân miền nam nói “Con nhỏ xíu đó là con ruốc. Tụi mày chỉ khoái ‘nổ’, con có chút xíu như cọng rau mà cũng nổ là con tôm”. Hai công nhân càng cãi càng đỏ mặt tía tai và thách nhau ra ngoài đánh nhau. Tôi phải lấy quyền làm sếp để giải hòa hai bên.

    Tôi nhận ra việc xung đột giữa hai nền văn hóa bắc nam sau năm 75 là điều dễ hiểu vì chúng có những điểm không giống nhau. Những lần trưởng phòng hành chánh (người Hà Tĩnh) ló đầu vào phòng kỹ thuật của chúng tôi để thông báo điều gì đó, cả phòng ngơ ngác không hiểu. Tôi phải ‘thông dịch’ từ tiếng Việt ra tiếng Việt cho mọi người hiểu. Các kỹ sư than nghe ông này nói giống như tiếng … Tây. Ba tôi người Huế nên tôi có thể nghe được giọng Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh khá dễ dàng. Nhưng nếu họ nói nhanh thì tôi cũng nghe giống tiếng …Tây như mọi người khác. Vị trưởng phòng này còn có một biệt tài viết các thông báo dài lê thê. Một đoạn văn dài nửa trang A4 không một dấu chấm phẩy. Đúng là một thiên tài văn học.

    Có lần tôi đang xem thông báo ở trường LHP. Các đồng nghiệp đến sau lưng tôi và hỏi “Thông báo gì vậy? Nói cho tụi tôi với”. Tôi lắc đầu “Biết chết liền! Tôi không hiểu gì hết. Chỉ biết chỉ thị từ trên bộ xuống”. Mấy thầy cô tưởng tôi nói giỡn, đẩy tôi qua một bên để xem. Sau đó, mọi người cũng nghệt mặt ra “Đúng là không hiểu gì hết. Thông báo gì lạ quá vậy ta”. Tôi nhận xét được là các thông tư chỉ thị của nhà nước thường dài dòng và không rõ ràng. Chính vì vậy mỗi lần có thông tư X nào đó. Các cơ quan chưa áp dụng liền mà chờ văn bản ‘Hướng dẫn thực hiện thông tư X’. Thậm chí có lần có cả văn bản ‘Hướng dẫn văn bản ‘Hướng dẫn thực hiện thông tư X’. Đến mức phải có văn bản hướng dẫn cho một văn bản hướng dẫn trước đó thì tôi phải chịu thua văn hành chánh của nhà nước.

    Tôi thích tìm hiểu các từ tiếng Việt để viết cho đúng vì tôi đang đứng lớp. Nhưng càng tìm hiểu tôi càng rối. Nhiều từ xưa chỉ có những người lớn tuổi mới biết, giới trẻ không thể biết những từ này. Một lần trường kiểm tra học kỳ môn Anh văn. Trong bài kiểm tra có một bài text, người soạn đề có giải thích một số từ khó: Henceforth: nhiên hậu, … Học sinh không hiểu hỏi các giám thị, các giám thị cũng không hiểu luôn. Tôi giải thích nhiên hậu là sau đó, từ đó về sau. Tôi nói đây là từ xưa chỉ có người lớn tuổi mới còn dùng. Một giám thị nói “Tôi cũng bằng tuổi anh mà tôi cũng đâu biết từ này”. Tôi chỉ biết cười trừ thôi.

    Có một lần tôi không thể nào quên là tôi bị ‘hạ gục’ bởi một cô bé mới 4 tuổi. Hôm đó trường tôi có cuộc họp toàn trường. Tôi đang đứng chờ ở hành lang, một giáo viên trẻ dẫn con gái đến hỏi tôi “Thầy ơi, có nhiều người vào hội trường chưa thầy?”. Tôi trả lời “Cả đống người ở trong đó rồi em ơi”. Đứa nhỏ hỏi ba nó “Ba ơi, sao ông này nói kỳ vậy. người ta chỉ nói đống cứt chứ sao lại nói đống người”. Tôi choáng người nhìn đứa nhỏ, cô bé mới 4 tuổi đã ‘sửa lưng’ tôi một cú đau điếng. Đáng đời tôi quá, chỉ có được ‘nửa chữ’ mà cứ tưởng mình giỏi. Tôi giật mình chợt nhận ra thói quen ăn nói bỗ bã của mình. Cô bé nói đúng quá làm tôi … cà lăm luôn. Anh giáo viên trẻ chữa thẹn cho tôi “Em là ba nó mà nhiều khi cũng chới với vì nhận xét của nó đó thầy ơi. Nó như bà cụ non, không chịu nổi nó luôn”. Tôi đành phải xá xá “ Mô phật. Thiện tai! Thiện tai! Con xin lỗi cụ. con nói bậy rồi”.

    Trước năm 75, miền nam sử dụng rất nhiều từ Hán Việt, cả trong chương trình học lẫn trong báo chí. Có những từ bây giờ hầu như không thấy: Công xúc tu sỉ, cố ý đả thương nhân thương trí mạng, bị vong lục, bạch thư, …

    Các từ về danh nhân thường được dịch thông qua tiếng Trung quốc:

    Montesquieu / Mạnh Đức Tư Cưu, Rousseau / Lư Thoa, Voltaire / Phục Nhĩ Thái …

    Các từ về địa lý cũng tương tự:

    Thổ Nhĩ kỳ / Turkey, Nga La Tư / Russia, Nữu Ước / Newyork, Á Căn Đình / Argentina, Ba lê / Paris, Ba Tư / Iran, Bangladesh / Đông Hồi, Pakistan / Tây Hồi, Mễ tây cơ / Mexico, Tây ban nha / Spain, Bồ Đào Nha / Portugal …

    Việt Nam đang cố gắng dịch các từ về địa lý và tên người theo cách phát âm của chính nước đó. Đây là điều hợp lý nhưng rất khó vì nó đòi hỏi phải có một đội ngũ giỏi nhiều ngoại ngữ. Vì vậy, hiện nay vẫn có nhiều sách báo dịch khác nhau cho cùng một từ:

    Thành phố Lai xích / Lép Dích / Leipzig, Thần Dớt / Dêu / Zeus, Nhà tâm lý học Phroi /Phrớt / Freud …

    Việc dịch đúng cách phát âm của một nước cần nhiều thời gian để mọi người thích ứng. Nếu nói Mao Trạch Đông thì nhiều người biết nhưng nếu nói Mao Si Tung chắc chỉ ít người hiểu thôi. Cũng như diễn viên Trịnh Phối Phối nghe quen hơn là Cheng Pây Pây. Mặc dù biết ngôn ngữ các nước khác nhau nhưng mỗi lần đọc tên nữ diễn viên Thái Thiếu Phân tôi vẫn thấy tức cười sao đó, trong đầu cứ nghĩ chắc cô ấy bị … bón.

    Sau 75, miền nam mới bắt đầu làm quen với những từ tiếng Việt thay cho từ Hán Việt:

    - Máy bay trực thăng / Máy bay lên thẳng, Đệ thất hạm đội / Sàn tàu số bảy, Lữ đoàn không kị / Lữ đoàn kị binh bay, Thủy quân lục chiến / Lính thủy đánh bộ, Không phận, hải phận / Vùng trời, vùng biển …

    Hoặc từ Hán Việt nhưng lại viết xuôi như tiếng Việt:

    - Phổ thông trung học / Trung học phổ thông, Cửu Long ký sự / Ký sự Cửu Long, Hà thành mỹ nhân / Mỹ nhân Hà thành, Bắc Đẩu bội tinh / Bội tinh Bắc Đẩu …

    Nhưng ‘thanh thiên’ đâu cùng nghĩa với ‘thiên thanh’, tương tự các cặp từ khác nghĩa: yếu điểm / điểm yếu _ sĩ tử / tử sĩ … nghĩa hoàn toàn khác nhau.

    Cũng vì muốn Việt hóa nên nhiều báo đã viết rất lai căng: đinh tặc (người rải đinh ra đường), cát tặc (người khai thác cát lậu), … vì họ dựa theo những từ đúng như lâm tặc (người phá rừng bất hợp pháp), tin tặc (hacker), không tặc (người cướp máy bay), …

    Nhân tiện đây, tôi còn nhiều thắc mắc hoặc nghi ngờ nhưng chưa tìm hiểu được:

    - Sự khác nhau giữa các từ chỉ về sông: hà, giang, sông. Người ta chỉ nói sông Cửu Long, Cửu Long giang chứ không nói Cửu Long hà, Hồng hà chứ không nói Hồng giang, sông đồng Nai chứ không nói Đồng Nai giang hay Đồng Nai hà. Còn nếu viết sông Hồng hà thì chắc chắn sai rổi. Con sông ngoài từ ‘giang’, ‘hà’ còn có từ ‘hải’ nữa: Bến hải, Hoàng hải. Đặc biệt người ta chỉ nói ‘hà bá’ chứ không nói ‘giang bá’, chỉ nói ‘tràng giang đại hải’ chứ không nói ‘tràng hà đại hải’.

    - Người miền nam gọi là heo, người miền bắc gọi là lợn. Vậy tại sao trong nam có ‘bánh da lợn’ (miền bắc không có), ngoài bắc có ‘bánh tai heo’ (miền nam cũng có). Sao lạ vậy?

    - Sau 75, nhiều người và trên báo chí hay dùng từ ‘sơ vin’ để chỉ cách ăn mặc chỉnh tề, áo bỏ trong quần, nhưng khi hỏi chính những người đang dùng từ này thì họ không biết do đâu mà có. Tôi đoán từ này bắt nguồn từ tiếng Pháp nhưng vẫn chưa tìm ra đó là từ gì.

    - Sau 75 mới có từ ‘tham quan’ với nghĩa là đi du lịch, thăm viếng nơi nào đó. Trong nam, từ tham quan chỉ có nghĩa là ông quan tham ô thôi. Nhưng bây giờ trên báo chí lại xuất hiện từ ‘thăm quan’ cùng với nghĩa trên. Rõ ràng đây là từ sai?

    - Từ ‘an ủi’ không có nghĩa gì cả mà chỉ có từ ‘an ủy’ (theo thầy Trần Thế Xương). Nhưng đến giờ này tôi vẫn chưa dám viết ‘an ủy’ mà vẫn viết ‘an ủi’ dù theo tôi ‘an ủy’ mới đúng.

    - Có vài từ chứa 2 nguyên âm oo không có trong cấu trúc tiếng Việt nhưng vẫn tồn tại vì không thể viết theo cách khác được: Cái soong (không thể viết son hay song), cây ba toong (không thể viết ba ton hay ba tong).

    Viết xong bài này, tôi không biết nó thuộc thể loại gì nữa, chắc tại tôi bị … ‘ngộ chữ’ rồi!

    NCT


  • #2
    Hi anh NCT,

    Wow! Sáng sớm thức dậy, mở máy thấy có mail của anh NCT, a có bài viết.

    Thu làm cho mình một tách cà phê, chậm rãi thưởng thức và đọc một lèo bài viết 7 trang "Buồn Vui Tiếng Việt". Hay và vui quá anh NCT.

    Cám ơn anh đã bỏ nhiều công sức khi viết bài này. Anh chờ xem, T nghĩ sẽ không ít thắc mắc và ý kiến đóng góp đâu nha.

    Vì những "chữ" hay "từ ngữ" (hay sau này gọi ngắn gọn là từ) cũng là một thắc mắc rồi đó anh NCT.

    Thu rất đồng ý là những chữ ngày xưa là mình dùng, viết đúng chính tả thì sau này lại bị cho là sai.

    thí dụ: như chữ "chìu chuộng" = "chiều chuộng", T xem lại tự điển và ngay cả bác editor web nhà cũng sửa lại và viết là "chiều chuộng", nhưng T vẫn không bằng lòng vì từ xưa, thuở học lớp ba trong giờ chính tả cô giáo đã giải thích là "chiều = buổi chiều"

    Còn "chìu là chìu chuộng, chìu không có 'ê' " T nhớ như IN trong tâm khảm của mình từ ngày ấy...Bây giờ lại là sai!

    Thu thật 'chịu' chữ "tham quan = quan tham ô", hay quá!

    Còn chữ "chí ít" là nghĩa gì? Thu thật không hiểu. Khi đọc hay nghe nói như vậy, Thu phải đọc câu nói đó và suy ra nó tương tự nghĩa Ít Nhất...có phải vậy không anh NCT"

    Cũng như chữ 'tám' chuyện - tán, bàn tán, tán dóc = gossip. Từ đâu mà ra chữ 'tám' đó vậy, T không thể sử dụng chữ mà mình không hiểu được.

    Trong khi tiếng Việt bây giờ có rất nhiều "tiếng Lóng" và nhiều chữ ghép, thật ra là đó là tiếng Việt "lười biếng" mới sau này ... Còn tiếng Việt của những người trẻ dùng để 'text' càng tá hỏa, đọc chả hiểu gì,và buồn cười hơn nữa tiếng Việt trong phim bộ lại càng vui.

    Còn và còn rất nhiều, T sẽ viết thêm sau.

    Thu và mọi người chờ đọc tiếp bài viết mới nữa đó anh NCT.

    Chúc anh NCT và mọi người luôn vui khỏe,

    Thân,

    YThu

    Comment


    • #3
      NCT, nếu HN nhớ không lầm thì ngày xưa mình dùng từ 'sơ vin' cho những người lính lúc về phép, họ không mặc binh phục nữa mà thay đồ thường phục...sơ mi, quần tây...để đi dạo chơi!

      Comment


      • #4
        Em cũng nhớ như HN. Em là cô học trò sợ môn Văn nhất. Rất thích bài viết này của anh. Mà không phải chỉ có anh hiểu " Sè sè nắm đất bên đường" như vậy đâu nha mà tụi em lúc đó là lớp 9 rồi mới học qua cũng nghĩ như vậy khi đoc tiếp câu " Rầu rầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh" ( hậu quả gây ra sau "sè sè". Đọc bài anh viết làm em cứ tủm tỉm cười.. Khâm phục tài viết văn thật quá dí dỏm của anh đó. Giá mà em cũng có chút khả năng như thế. Mong ông anh tiếp tục viết nhiều nhiều chuyện đăng lên cho tụi em đọc nha.
        https://www.doquanmusic.net

        Comment


        • #5
          Cảm ơn đàn anh NCT , lâu lắm diễn đàn mới được thưởng thức một bài " Việt ngữ chính gốc " rất thú vị ! . Hóa ra tiếng Việt ngày nay rất phong phú vì ngoài sự khác nhau của Bắc Nam Trung còn có sự khác nhau của tiếng Việt ở Mỹ , Úc , Pháp, Đức , Nhật , Đại hàn , Thailand, Kampuchia ...nữa . Tôi đoán các bạn trong nước theo dõi diển đàn chắc cũng có lúc ngán ngẩm cho cách dùng tiếng Việt của các bạn ở hải ngoại lâu năm (?) .

          Chữ "sơ vin " có lẽ lấy từ chữ " civilian " . Bạn nào muốn tìm hiểu thêm hãy vào Google gõ " civilian dress " . Đại khái, để chỉ áo quần không phải loại đồng phục .

          Thân ái

          NTT

          Comment


          • #6
            Trước tiên phải cám ơn Tuấn đã bỏ công sức và thời gian để viết tặng bạn đọc bài 'Buồn vui tiếng Việt', sau một thời gian khá dài vắng bóng giang hồ. Như thông lệ, bài viết nào của Tuấn cũng rất cẩn thận, chứa đựng rất nhiều thông tin không chỉ liên quan đến đề tài và bàng bạc khắp nơi tính chất châm biếm, khôi hài.

            Ngôn ngữ của bất cứ dân tộc nào cũng là một thực thể sống động và tiến hóa theo thời gian, có lẽ vì vậy người ta mới gọi là 'sinh ngữ'. Điều này có thể thấy rất rõ khi nhìn lại cách viết và sử dụng tiếng Việt cách đây khoảng nửa thế kỷ. Ở những trung tâm văn hóa lớn như Hà Nội, Huế và Sài Gòn, nơi có nhiều giao tiếp với ảnh hưởng cùa văn hóa ngoại quốc, tiếng Việt biến đổi nhanh và nhiều hơn. Do đó khác biệt tồn tại trong Việt ngữ của người dân cư ngụ ở những vùng khác nhau và ở những thời điểm khác nhau là chuyện bình thường, chưa nói đến cách phát âm rất đặc thù và việc sử dụng thổ ngữ ở một số địa phương. Vấn đề ở chỗ người ta sẽ có phản ứng ra sao khi đối diện với những khác biệt này, vui vẻ hay khó chịu, chấp nhận hay chối từ ?

            Chủ đề này thường được khai thác rộng rãi và đã làm tốn rất nhiều giấy mực, nhưng để trình bày một cách có hệ thống, hấp dẫn và duyên dáng như bạn Tuấn đã làm quả là một việc không đơn giản chút nào. Mong sớm được đọc bài viết mới của Tuấn.

            Comment


            • #7
              Các bạn mến , khi được đọc bài viết này , P cũng có cùng ý nghĩ với tác giả là tiếng Việt bây giờ có nhiều ' từ '... lạ thật đó , theo P nghĩ có lẽ chỉ có những người ở thế hệ chúng ta mới bị phân vân như thế mà thôi , chứ còn những người trẻ ở thế hệ sau này ở Vn không có gì là khó hiểu đối với họ cả , và mọi người ai cũng biết nguyên nhân vì chúng ta được hưởng một nền văn hóa ngày xưa khác hẳn với ngày nay nên mới bị như thế !

              P vẫn nhớ hoài lời dạy của người xưa '' Đời sống có hạn mà sự học thì vô hạn." (Trang Tử) cho nên khi cần P vẫn ráng tìm hiểu những tiếng Việt mới để hiểu nhau và thông cảm nhau hơn , nhứt là mỗi khi về Vn , nhiều khi P nghe người ta nói mà lùng bùng cái tai , nhức cả cái đầu vì không hiểu cách dùng từ mới bây giờ , có khi phải đoán để hiểu , có khi phải hỏi người ta đó nghĩa là gì , mà nóng cả mặt vì khi đó thấy người ta nhìn mình như người từ hành tinh khác tới vậy đó các bạn ạ , chẳng hạn như có một lần P đi vào siêu thị , có một món hàng không thấy dán tem , P đem ra hỏi giá , thì cô nhân viên hỏi chị có muốn thanh toán không ? P vội vàng phân bua tui thấy nó nguyên như zậy chứ tui đâu có xé mất đâu mà em... em đòi ... thanh toán tui chớ ! tới phiên cô kia nhìn P như một người kỳ cục vì P muốn mua chứ không chịu ...thanh toán ! :cuoilan:

              Sau này có người hỏi P vậy chứ ở bên Úc bộ P không nói tiếng Việt sao , có chứ , có nói chứ nhưng vì không biết những chữ mới nên mới thỉnh thoảng bị ... mất hiểu mà thôi cho nên chuyện này nếu mà đem ra bàn thì chắc vui lắm vì có lẽ ai cũng có kinh nghiêm qua hết phải không các bạn . cho nên tiếng Việt bây giờ đối với mình khi nghe người ở bển nói đôi khi hơi khó hiểu thiệt đó , nhưng mình cũng nên nghĩ lại là đôi khi mình cũng bị người ta nói sao mình nói tiếng Việt lạ zậy cà ?

              Cho nên P cũng thường hay tìm hiểu ý nghĩa chữ mới để mỗi khi về thăm Vn dù thời gian ở không lâu nhưng mình cũng cần hiểu để không bị xem là người lạ , hơn nữa với P tiếng Việt lúc nào cũng vẫn luôn luôn là '' tiếng nước tôi , tôi yêu từ khi mới ra đời ... người ơi !''

              Thân mến

              PL


              Comment

              Working...
              X