Announcement

Collapse
No announcement yet.

GÀ CON 1: Cô gái dưới mưa - NCT

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • GÀ CON 1: Cô gái dưới mưa - NCT

    Chào mừng sự trở lại của anh NCT, DĐ có nhận được loạt bài viết, truyện Gà Con toàn tập của NCT. Gà Con với câu chuyện mới mẻ táo bạo, 'sexy' hơn của anh giáo viên vừa rời mái trường để bước vào đời, có những vui buồn trước ngưỡng cửa cuộc đời đang mời đón ...

    Xin mời đọc,


    GÀ CON 1: Cô gái dưới mưa




    Ngôi trường đầu tiên tôi bắt đầu cuộc đời dạy học là một trường kỹ thuật ở Biên Hòa. Phần lớn giáo viên đều ở nội trú trong trường vì nhà xa và phương tiện di chuyển công cộng lúc đó rất hạn chế. Các giáo viên đều có thẻ ưu tiên nhưng mua vé cũng sắp hàng cả buổi mới mua được. Học sinh bắt buộc nội trú 100%, được phục vụ ăn trưa và chiều. Sau vài tháng tôi bắt đầu quen với cuộc sống tập thể nhưng vẫn chưa quen với bữa ăn do nhà ăn nấu. Đồng Nai là tỉnh có mức ăn độn cao nhất trong miền nam (95% độn + 5% gạo) bằng với tỉnh Sông Bé. Cuộc sống sau năm 75 còn nhiều thiếu thốn, bữa ăn tập thể là nỗi kinh hoàng của tôi. Tôi từ nhỏ đã không ăn cá được trong khi bữa ăn tập thể, cá là món chính. Hầu như không thấy bóng dáng miếng thịt heo, thịt bò hay gà vịt đâu hết. Bước vào nhà ăn, mùi tanh của cá xông lên làm tôi choáng váng. Tôi bị ám ảnh bởi những đĩa cá tanh rình ngay trong giấc mơ luôn. Thậm chí nước mắm cũng không có. Nhà ăn chế biến nước mắm bằng cách lấy nước cơm cháy pha chung với muối. Nhiều lúc bi quan, tôi nghĩ rằng trong tương lai thịt chỉ còn là một khái niệm trừu tượng.

    Cuối cùng tôi phải cắt cơm tập thể, nấu ăn ở nhà. Phần lương thực độn, tôi bán đi, bù tiền để mua gạo. Tôi không quen nấu ăn nên phải loay hoay vừa nấu vừa rút kinh nghiệm. Bữa ăn không có gì cầu kỳ, chỉ có rau muống luộc, đậu hũ kho mặn. Thỉnh thoảng mới có thêm quả trứng chiên. Mỗi tháng tôi lãnh nửa kg thịt tiêu chuẩn. Những ngày đó tôi mới biết mùi vị thịt. Nhưng thịt cũng bị kho mặn để trữ được lâu. Tôi dần dần làm quen với những bữa cơm lúc sống, lúc nhão, lúc khê. Tôi cũng quen với vị mặn của thức ăn. Có hôm làm biếng quá, tôi cho cùng một lúc gạo, rau, đậu hũ, trứng vào nồi, đổ nước nấu luôn. Hôm đó, tôi được thưởng thức món … ‘cám heo’ ngon hết biết. Nhiều lúc, tôi thèm được một bữa ăn vừa miệng, có vài món khác nhau trên bàn. Nhưng mơ chỉ để mơ thôi, tôi không có điều kiện thực hiện. Thời bao cấp, tôi không dám nghĩ đến chuyện ra tiệm ăn vì giá rất đắt, lương của tôi không đáp ứng nổi. Thỉnh thoảng tôi đi ngang qua xe bán phở, hủ tiếu, ngửi mùi thơm ngọt ngào quen thuộc của chúng, bao tử tôi co thắt lại vì thèm. Tôi đành phải cắn răng bước qua nhanh và tự an ủi thôi thì cả nước đang khó khăn, mình cũng phải ráng chịu đựng cho quen vậy.

    Một buổi chiều, trời mưa tầm tã, tôi khoác áo mưa đi xuống nhà ăn của trường để xem tình hình ăn uống của học sinh. Bỗng tôi thấy một cô gái đang đứng dưới mưa, chếch một bên cửa nhà ăn. Quần áo cô ấy ướt sũng nhưng cô ấy vẫn đứng im như pho tượng. Các học sinh đi ăn cơm ngang qua chăm chăm nhìn nhưng cô ấy cũng không có một phản ứng nào hết. Lúc tôi đến gần mới hết hồn vì thấy cô ấy không mặc áo ngực. Chiếc áo mỏng ướt mưa dán sát bộ ngực căng tròn đang phập phồng theo hơi thở.

    Tôi vội đến gần hơn và hỏi:

    _ Em là ai? Sao lại đứng dưới mưa vậy. Quần áo em ướt hết rồi kìa.

    _ Dạ, em là chị nuôi mới vào làm ở nhà ăn. Không sao đâu thầy. Em đứng dưới mưa cho mát thôi mà.

    Rõ ràng cô ấy nói dối. Môi cô ấy đã tím ngắt. Cô ấy thỉnh thoảng rùng mình vì lạnh. Hai tay xoa vào nhau cho đỡ lạnh. Tôi nói:

    _ Em bị cảm lạnh rồi đó. Em không thể đứng đây được. Em về phòng thay quần áo đi.

    _ Quần áo trong phòng em chưa khô. Em ở đây chờ học sinh ăn xong sẽ dọn dẹp xuống bếp cho các chị rửa. Làm việc một lát là nó khô thôi hà.

    Tôi thấy không ổn, không thể để cô ấy gần như trần truồng trước mặt học sinh được (Lúc đó tôi đang phụ trách phòng giáo vụ). Tôi nghĩ nhanh và nói:

    _ Không được đâu. Vậy thì em về phòng tôi, tôi cho em mượn đồ mặc đỡ. Người em ướt hết rồi, em sẽ bịnh cho coi. Thôi, em đi theo tôi nào. Tôi vừa nói vừa choàng áo mưa lên người em.

    Thật bất ngờ, cô ấy lại ngoan ngoãn đi theo tôi luôn chứ không phản đối gì hết. Về đến phòng, tôi lấy bộ pijama của tôi cho cô ấy vào phòng tắm thay. Khi cô ấy bước ra khỏi phòng tắm, tôi bật cười vì thấy cô ấy lúng túng trong bộ quần áo rộng thùng thình của tôi. Cô ấy bẽn lẽn đến ngồi ở bàn làm việc đối diện với tôi. Cô ấy nói:

    _ Thầy cho em mượn bộ đồ này tối nay nha. Mai em trả lại cho thầy. Bộ đồ của em, em bỏ trong chậu, một lát nữa em lên đây vò sơ rồi phơi ở sau phòng thầy được không?

    Tôi thấy ngạc nhiên vì cô ấy vừa bẽn lẽn lại vừa tự nhiên quá. Tôi đồng ý và bắt đầu hỏi chuyện cô ấy. Qua cuộc nói chuyện, tôi biết được cô ấy mồ côi cha mẹ từ nhỏ, phải sống với gia đình người bác. Gia đình người bác này đông con và nghèo nên cũng không mặn mà với đứa cháu lắm. Do vậy, cô ấy đã hấp tấp đi lấy chồng, không hôn thú, không đám cưới, để hy vọng có cuộc sống khá hơn. Chồng cô ấy là thợ sửa xe nhưng về sau thất nghiệp, lại thêm say xỉn tối ngày nên cô ấy rất nản lòng. Gần hai năm sau, cô ấy không có con nên nhà chồng đuổi đi. Cô ấy đang bơ vơ thì có người quen cho biết trường đang cần chị nuôi nhà ăn nên xin vào đây làm. Hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, tôi nhìn kỹ cô ấy, cô ấy còn rất trẻ sao lại lấy chồng sớm quá. Cô ấy cho biết mới 18 tuổi. Như vậy, cô ấy lấy chồng lúc mới 16 tuổi. Tôi hỏi lý do cô ấy không sinh con được thì cô ấy nói không biết, chỉ biết sống với chồng gần 2 năm mà không có thai. Nhà chồng cô ấy nói cô ấy vô sinh.

    Gương mặt của cô ấy vẫn còn phảng phất nhiều nét trẻ con. Gương mặt hơi bầu bĩnh với cặp mắt to nhưng chỉ có một mí. Thật ra, tôi không thích loại mắt một mí lắm, nhưng không hiểu sao khi chúng nằm trên gương mặt cô ấy, tôi lại thấy chúng đẹp. Cặp mắt mở to thích thú tò mò nhìn mọi thứ trong phòng tôi. Tôi thích nhất là chiếc miệng nhỏ xíu hay cười khoe hàm răng be bé trắng đẹp. Tôi nhớ mang máng lâu lắm rồi tôi đã đọc một bài viết về chiếc miệng nhỏ xíu này. Hình như người ta gọi đó là miệng ‘lía’ (miệng nàng Lía? Hay con lía một loại nghêu nhỏ?). Một kiểu miệng đẹp rất hiếm và được người châu Á xưa đánh giá cao. Cô ấy có bộ ngực khá lớn so với tầm vóc nhỏ nhắn của cô ấy. Cô ấy khá thấp, chỉ đứng ngang vai tôi thôi. Cả thân thể toát ra vẻ khỏe mạnh, căng tràn sức sống. Vậy mà bị vô sinh thì thật đáng tiếc quá. Cô ấy nói chuyện rất nhỏ nhẹ, dễ thương. Giọng nói ríu rít hồn nhiên như chim kêu, ai nghe thật khó mà biết cô ấy đã trải qua một cuộc sống đầy sóng gió và buồn thảm.

    Ngồi nói chuyện với tôi một lúc, cô ấy xin phép xuống nhà ăn để dọn dẹp chén dĩa, bàn ghế. Tôi nói cô ấy làm xong thì về phòng nghỉ ngơi cho khỏe, đừng để bị cảm lạnh. Tôi ngồi xem tài liệu một lúc rồi lấy cơm, thức ăn bày ra bàn chuẩn bị ăn chiều. Bỗng một giọng nói ngay sau lưng làm tôi giật mình:

    _ Thầy ăn trễ vậy. Em làm xong hết rồi nên lên phòng thầy chơi nè.

    Nói xong, cô ấy chống tay nhảy qua cửa sổ để vào phòng tôi như con sóc. Nhà trường phân cho giáo viên cứ 4 người một nhà, 2 giáo viên ở phòng trước và 2 giáo viên ở phòng sau. Tôi ở phòng sau. Đây là căn cứ quân sự Mỹ lúc trước, nhà của chúng tôi là nhà của các sĩ quan Mỹ ở nên cũng khá khang trang. Các cửa sổ hơi thấp và không có chấn song để lính Mỹ có thể nhanh chóng nhảy ra khỏi phòng đến các lô cốt bên cạnh khi có biến. Mỗi giáo viên có một giường cá nhân bằng sắt với lò xo và nệm dày của lính Mỹ, một tủ sắt đựng quần áo, một bộ bàn ghế để làm việc hoặc ăn uống. Chiếc bàn tôi kê sát cửa sổ phía sau nên khi cô ấy từ sau nhà đến là đụng ngay chiếc bàn này. Tôi hỏi:

    _ Sao em không đi ngủ cho khỏe mà lên đây làm gì?

    _ Ở trong phòng buồn lắm. Các chị trong phòng cũng đi chơi hết rồi. Em lên chơi với thầy để còn giặt quần áo của em rồi phơi, mai mới khô được. Ý! Mỗi bữa thầy ăn vậy đó hả? Mà sao thầy nấu cơm khét vậy làm sao ăn được?

    Cô ấy ngạc nhiên khi thấy trên bàn chỉ có một dĩa rau muống luộc và một dĩa đậu hũ kho mặn. Tôi phải nói vui:

    _ Tôi đang tập ăn chay mà. Mai mốt tôi đắc đạo được lên cõi Niết Bàn đó. Em ăn chưa? Ngồi ăn với tôi nhé.

    _ Em ăn rồi. Thầy cứ ăn đi, em ngồi nói chuyện với thầy cho vui thôi.

    Cô ấy nhanh nhẹn xới cơm cho tôi và thích thú nhìn tôi ăn. Cô ấy nói:

    _ Thầy ăn như vầy hèn chi không ốm sao được. Thầy làm việc bằng đầu óc mà ăn như vầy không tốt đâu, thầy bịnh cho coi. Hay là mỗi ngày em sẽ đi chợ, nấu ăn cho thầy nha. Em có nhiều thời gian rảnh lắm.

    _ Thôi. Cám ơn em. Tôi ăn vậy được rồi. Tôi không muốn làm phiền em, vả lại lương của tôi không nhiều nên không đi chợ hàng ngày được.

    _ Không sao đâu thầy. Thầy cứ để em lo chuyện nấu ăn cho. Thầy không biết nấu ăn gì hết. Em biết đi chợ mua đồ không tốn nhiều tiền đâu. Chuyện này em quen rồi mà.

    _ Thôi không được đâu. Người ta sẽ nói ra nói vô khi thấy em thường xuyên lên phòng tôi. Hơn nữa, tôi cũng sắp lấy vợ rồi. Vợ tôi lên thăm thấy em nấu ăn tôi biết phân bua làm sao.

    _ Thầy đừng lo. Các chị kia cũng hay lên phòng mấy thầy chơi mà. Có ai nói gì đâu. Em có nghe mấy chỉ nói thầy sắp lấy vợ. Chừng nào vợ thầy lên thì em sẽ nói với chỉ cho. Em chỉ nấu giúp cho thầy để thầy khỏe mạnh làm việc thôi mà. Chỉ không giận đâu. Thầy cứ coi như em là em gái lên chăm sóc cho anh trai thôi. Đâu có gì sai đâu.

    Cô ấy suy nghĩ đơn giản, tự tin và hồn nhiên một cách lạ lùng thật. Tôi hơi bất ngờ và bối rối. Đúng là các bữa ăn tôi nấu tệ quá, tôi cứ phải ráng nuốt cho xong bữa. Nhưng để cô ấy nấu giùm tôi thấy không ổn. Tôi vẫn lắc đầu:

    _ Tôi tự lo cũng được mà. Nhờ em nấu ăn giống như tôi lợi dụng em vậy. Kỳ lắm, không được đâu.

    Cô ấy cười phá lên như một em bé khám phá ra một điều mới lạ:

    _ Trời đất! Thầy nghĩ cái gì ‘cao siêu’ vậy. Thầy đừng coi thường em nha. Dù em mới học hết lớp 4, nhưng em biết cái gì nên làm, cái gì không nên làm mà. Thầy đừng ‘rắc rối’ nữa. Thầy cứ coi em làm rồi thầy biết. Em thích được chăm sóc cho thầy mà. Làm sao có chuyện thầy lợi dụng em. Em là đứa mồ côi, suốt đời em chỉ muốn chăm sóc cho ai đó mà tới giờ vẫn không làm được.

    Câu cuối cùng của cô ấy làm tôi xúc động. Tôi biết nếu từ chối nữa cô ấy sẽ rất buồn. Tôi chưa từng nghĩ, ở đời lại có người thèm muốn được chăm sóc người khác mãnh liệt như vậy. Tôi quên mất cô ấy là trẻ mồ côi, thiếu tình thương gia đình, thiếu thốn tình cảm yêu thương và được yêu thương. Tôi nhìn cô ấy một lúc rồi nói từ từ:

    _ Được rồi. Tôi không muốn từ chối để em buồn. Vậy em cứ lên lo chuyện đi chợ nấu cơm cho tôi. Tiền tôi để trong hộp nhỏ treo sau cánh cửa tủ áo của tôi ở kia. Em cứ lấy đi chợ. Nhưng tôi dặn trước, nếu em thấy vất vả hay lấn cấn gì đó thì cứ thôi, không làm nữa. Được không?

    Cô ấy mừng quá, lắc lắc cánh tay tôi:

    _ Em vui lắm. Thầy yên tâm em sẽ làm tốt mà. Vậy là bây giờ em có người để chăm sóc rồi. Hoan hô thầy! Mấy chị cùng phòng em nói đúng quá. Mấy chỉ nói thầy hiền lắm, suốt ngày ngồi nghĩ cái gì đó, ít nói chuyện với mấy thầy khác. Em sẽ làm cho thầy ăn ngon, vui vẻ, và khỏe mạnh hơn.

    Thấy cô ấy vui, tôi bất giác thấy nghèn nghẹn sao đó. Cô ấy thật thà và hồn nhiên quá. Cô ấy nhìn thấy chiếc đàn guitar của tôi treo ở góc phòng nên reo lên:

    _ Thầy cũng biết đờn hả? Hay quá! Bữa nào rảnh thầy đờn cho em nghe nha. Ý! Mấy con bớm trên cây đàn đẹp quá!

    _ Con gì?

    _ Con bớm nè thầy.

    _ Sai rồi. Em phải nói là con bướm.

    _ Con … bớm

    _ Không phải. Em hơi chúm môi lại rồi bật tiếng nói ra. Bướm.

    _ … Bớm … bớm

    Cô ấy nhăn mặt, chiếc miệng nhỏ xíu chu ra:

    _ Khó quá. Em nói không được. Nhưng em thấy mấy chỉ cũng nói vậy mà.

    _ Không sao đâu. Nếu em tập sẽ nói được thôi. Mỗi miền có những lỗi khi nói khác nhau. Thí dụ ở miền bắc, có những vùng người ta hay nói trâu trắng thành tâu tắng, ông trời thành ông giời, lúc lắc thành núc nắc, nhà nông thành nhà lông … Tôi giả giọng bắc thử cho em nghe nhé: ‘Em cứ đi núc na núc nắc như thế con tâu tắng nằm ở bụi te nó húc cho một phát thì có giời mà cứu em đấy. Con nhà lông nàm ăn nung tung, chẳng ra cái sất rì cả. Nại còn lỏ mồm nàm ông rật cả mình. Bác ạ. Cháu nhà tôi còn bé mà ló lói chuẩn nắm. Nó nói tiếng Lào (nào) da tiếng Ý (ấy) đấy’.

    Cô ấy ôm bụng cười nắc nẻ. Tiếng cười thật hồn nhiên như trẻ thơ. Đáng yêu quá! Cô ấy nén cười:

    _ Thầy nói chuyện mắc cười quá. Vậy mà người ta nói thầy lúc nào cũng lầm lì, không nói chuyện với ai hết. Bỗng cô ấy bật dậy:

    _ Chết cha! Lo cười mà em quên mất. Em đi giặt quần áo đây. Chừng nào thầy ăn xong, thầy đem chén dĩa vào nhà tắm em rửa luôn cho.

    Tôi chưa ăn xong đã thấy cô ấy đem quần áo ra phơi ở phía sau phòng. Trời đất! Cô ấy giặt cả quần áo của tôi luôn. Cô ấy vui vẻ:

    _ Em giặt luôn cho thầy nè. Quần áo thầy thay ra không giặt liền dơ quá. À! Thầy ơi, quần áo của thầy tốt thiệt đó. Nó mềm và nhẹ quá, vò sướng tay luôn. À! Thầy ơi. Hồi nãy khi giặt quần áo, em tập được rồi. Thầy nghe nè. ‘Bướm’. Thầy thấy em giỏi chưa? Em đã nói con bớm được rồi. Ý! Kỳ vậy. Em mới nói được mà ta.

    _ Em mới nói đúng một từ đó thôi. Nhưng khi nói nguyên câu, em vẫn còn bị vấp. Từ từ em sẽ nói được thôi mà. Đừng lo.

    Cô ấy đứng lên ghế phơi tất cả quần áo lên dây phơi. Tôi hỏi:

    _ Em phơi quần áo của em ở đây sao? Sao em không đem về phòng mình phơi?

    _ Phòng em mấy chỉ phơi nhiều đồ nên lâu khô lắm. Ở đây ít quần áo, nó mau khô hơn.

    Tôi không hết ngạc nhiên khi thấy cô ấy vô tư quá, không biết giữ ý tứ gì hết, cô ấy phơi cả nội y của mình luôn mặc dù cô ấy cũng biết kẹp nội y trong quần áo cô ấy. Trời đất! Như vậy cô ấy chỉ mặc bộ pijama của tôi thôi chứ không mặc gì bên trong hết. Chắc cuộc sống khó khăn làm cô ấy sống và suy nghĩ đơn giản quá. Cứ tiện lợi là làm không cần biết chuyện gì khác. Cảm giác xót xa, thương cảm lại len lỏi trong tim tôi khi tôi nhìn bộ quần áo cũ kĩ của cô ấy đang đung đưa bên cạnh quần áo của tôi. Cô ấy ngồi nói chuyện huyên thuyên với tôi cho tới khuya, tôi phải nhắc cô ấy về ngủ mấy lần cô ấy mới chịu đi về. Cô ấy tiếc rẻ:

    _ Nói chuyện với thầy vui quá. Em cứ muốn ngồi đây nói hoài luôn. Phải chi em tha được cái giường của em ra ngoài này rồi nằm nói chuyện với thầy suốt đêm thì vui quá.

    Cách nói chuyện mộc mạc của cô ấy làm tôi vui vui. Cô ấy cuốn hút người khác dễ dàng bằng sự hồn nhiên tươi sáng của một đứa trẻ thơ.

    Vẫn một cú nhảy gọn qua cửa sổ như con sóc, cô ấy đã ra ngoài rồi. Cô ấy vẫy vẫy tay chào tôi, chiếc miệng nhỏ xíu xinh xinh cười rất vui:

    _Thầy ngủ ngon nha! Em về đây. Mai em sẽ lên phòng nấu cơm cho thầy.

    Cô ấy đi rồi mà tôi vẫn ngửi thấy mùi hương phảng phất đâu đây. Chiếc miệng ‘lía’ nhỏ xíu ríu rít nói cười làm tôi thấy thích thú. Mới gặp nhau lần đầu, cô ấy đã làm cho trái tim chàng trai mới chập chững vào đời có chút gì đó lay động. Suy nghĩ vẩn vơ một lúc, tôi chìm vào giấc ngủ với những đàn bớm dập dìu bay lượn lúc nào không hay.

    NCT



  • #2
    Bây giờ bắt đầu được đọc những mẫu chuyện hay, thực, và rất là thú vị của ông anh NCT. Chuyện ngày nào ở bếp ăn tập thể nghe anh nhắc ở phần đầu mà nhớ ngày xưa ăn cơm ở trường SPKT và CĐSP Nha Trang. Ngày đi học ở trường tụi XL hay định nghĩa " Thịt, cá là loại protein mà mắt thường hổng thể thấy được"... Nghe bạn bè nói về dạy Nha Trang, gần biển sẽ được ăn cá tươi, cá lớn..tha hồ ăn cá... Hic hic ...nào dè.. Cũng là cá bao tử (cá trong bao tử cá), có khi cá khô... May nhờ sau đó tự nấu ăn nên những ngày có thịt tiêu chuẩn, có đường.. nên đời XL và Lánh có chút hương sắc hơn...

    Bây giờ bánh mì và mì gói (ngày xưa đi học ăn liên miên, ám ảnh) vẫn là món XL ít khi rớ đến dù có thịt, có rau, có sauce, có dưa chua.. Chỉ khi nào no choice, không có gì ăn và đói bụng thì mới ăn được.. Còn anh Ty bây giờ hai món đó vẫn là món hảo, dù ăn là bị heartburn.. Không biết có bạn nào rơi vào tình trạnh như XL hông?

    Comment


    • #3
      Khoảng cuối những năm 70, tôi đã có dịp đến thăm ngôi trường Tuấn đã nhắc đến bằng cách đi xe lửa từ ga Hòa Hưng ở sát bên nhà đến ga Biên Hòa rồi sau đó lại đi thêm một chuyến xe 'lam' nữa về phía ngã ba Tam Hiệp, không biết mình có nhớ lầm không. Rất tiếc chuyến đi quá bất ngờ và mình cũng không được may mắn lắm nên hôm đó tác giả không có nhà. Chắc chắn một điều là trí nhớ của mình không còn tốt như xưa mà thời gian lưu lại với các thầy khác, phần lớn là các bạn cùng học ở SPKT, cũng rất ngắn ngủi vì chỉ biết mà không thân nhau lắm. Vậy mà khi đọc qua chuyện này, khung cảnh xưa cũ và những xúc cảm có được lúc đó bỗng nhiên hiện lên rất rõ nét, tưởng như mới ngày hôm qua. Đây là một trong những chuyện ngắn mà mình đã đọc nhanh nhất vì lúc nào cũng nôn nóng để xem những hàng chữ kế tiếp. Cám ơn Tuấn đã trở lại với Diễn Đàn, cám ơn văn tài của bạn và thật không công bằng nếu chỉ click chữ 'LIKE' mà không viết thêm một điều gì cả.

      Comment


      • #4
        Đúng như anh Hùng nói, thật không công bằng khi chỉ bấm chữ "like" mà không viết thêm gì cả. Cám ơn NCT đã trở lại diễn đàn sau thời gian im tiếng khá lâu làm ai cũng nhớ đến những chuyện đời thật và những vui buồn cuộc sống được lồng ghép tài tình với lối văn sống động của người viết. Khi đọc được bài "Vui buồn tiếng Việt" của anh, NL cũng muốn viết nhưng chưa có thời gian để nói ra được hết những trở ngại của việc dạy và đọc tiếng Việt sau 1975. Hình như tất cả cũng đang đi ngược trở lại như các văn bản nhà nước đưa ra ''Làm trước sửa sau", cũng như các chữ đã được dùng đảo ngược như cuộc sống của miền Nam sau 75 vậy. "Đơn giản" thì đổi thành "giản đơn" , "bảo đảm" thì đổi thành "đảm bảo". Đánh vần cũng thế, chữ sau đánh vần trước, chữ trước đánh vần sau nên cũng khó để dạy các em tập viết. Mình phải dạy lại như mình đã học đánh vần ngày xưa từ trái qua phài, chỉ phải nhớ 27 chữ cái vừa dễ cho cách đọc và cho cả cách viết. Chẳng hạn ngày xưa mình đánh vần chữ Thìn là tê hát i thi en nờ thin huyền THÌN. Còn bây giờ các em phải học và nhớ là i nờ in, thờ in thin huyền THÌN, nên các em viết không được, đặc biệt là viết chính tả sai tùm lum. Nội đánh vần chữ KHỔ , thì trước và sau 75 cũng đã nói lên cuộc sống của miền Nam và Bắc. Miền Nam đánh vần là ''ca hát ô khổ hỏi khổ'', còn miền Bắc là ''khờ ô khô hỏi khổ''. Khổ mà khổ khờ luôn, còn trong Nam khổ nhưng mà còn ca hát được phải không? Sau 75 và bây giờ tiếng Việt ở VN dùng nhiều chữ khó hiểu và sai nghĩa, không biết ai sẽ là ngưòi đứng ra để chấn chỉnh lại vấn đế này đây? Như chữ "selfie" dịch là "tự sướng", tôi rất dị ứng với từ này, không hiểu sao nhiều người dùng mà không cần hiểu nghĩa của nó. Vui buồn tiếng Việt còn rất nhiều chuyện để nói. Cám ơn anh NCT đã trở lại diễn đàn làm cho nơi này sống động trở lại với những bài viết rất hay. Một lần nữa cám ơn anh đã bỏ công sức và tâm tình ra chia xẻ trên DĐ với bạn bè.

        Comment

        Working...
        X