Gần 40 năm, ngày chúng ta rời mái trường SPKT thân thương, ai nấy cầm sự vụ lệnh trên tay để đi trình diện nhận nhiệm sở mới đầu đời... Mỗi người là một hoàn cảnh, mỗi người là một câu chuyện... Hãy cùng đọc câu chuyện của NCT, Bạn sẽ thấy hình ảnh của 'mình' thấp thoáng trong chuyện của NCT...
Xin mời bạn đọc và cùng chia xẻ những chuyện bây giờ mới kể của bạn tiếp nối cùng NCT,
Enjoy!
Cầm trong tay giấy giới thiệu đi nhận nhiệm sở, tôi và anh bạn cùng lớp háo hức lên đường hướng về Bà Rịa. Nhiệm sở đầu tiên của chúng tôi là trường Dầu Khí Vũng Tàu thuộc Tổng Cục Dầu Khí VN. Mọi người chúc mừng chúng tôi được về một chỗ ‘ngon’, thu nhập cao.
Trước năm 75, miền nam có một cơ quan chuyên phụ trách các vấn đề của công chức. Đó là Tổng Nha Công Vụ (TNCV), cơ quan lo toàn bộ các thủ tục cho công chức từ việc bổ nhiệm cho đến lên lương, tăng bậc, khen thưởng, kỷ luật. Hàng năm, các cơ quan nhà nước (kể cả các trường học) phải có dự kiến nhân sự trong năm sắp tới và gởi cho TNCV. Từ các dự kiến này, TNCV sẽ điều phối nhân sự cho các cơ quan. Các trường đại học, dạy nghề cũng được TNCV báo số liệu để có kế hoạch đào tạo cho phù hợp. TNCV làm việc khá hiệu quả. Thí dụ một công chức hay giáo viên bị buộc thôi việc sẽ không thể làm cho nhà nước nữa. Vì nếu người này sau đó nộp đơn xin việc vào một cơ quan nhà nước dù ở một tỉnh đèo heo hút gió nào đó. Hồ sơ xin việc cũng được chuyển về TNCV. Nơi đây sẽ nhận ra được người này đã bị kỷ luật và thông báo về tỉnh cho biết không tiếp nhận người này. Như vậy tỉnh đó do quen biết hay ăn hối lộ có muốn nhận cũng không được. Như vậy, quyền nhận hay không nhận một người vào làm công chức nhà nước là do TNCV.
Tôi phải nói dài dòng một chút để các bạn hiểu khi chúng tôi đến Bà Rịa, việc đầu tiên của chúng tôi là đi tìm nhà trọ trước khi vào trường Dầu Khí. Chúng tôi đinh ninh việc tiếp nhận chúng tôi là bắt buộc, trường không có quyền từ chối. Đi loanh quoanh trong xóm gần trường, chúng tôi bị những hộ dân trong xóm phát hiện ra ngay. Khi biết chúng tôi là giáo viên mới ra trường đang tìm nhà trọ, các hộ tranh nhau nhận chúng tôi về nhà của họ. Các chủ nhà cho chúng tôi ở miễn phí. Họ giải thích xóm gần như không có đàn ông. Khi tôi hỏi lý do, họ lúng túng nói đàn ông lên núi hết rồi. Sau đó tôi mới biết một phần đàn ông đi đánh cá dài ngày, một phần đi vượt biên mất rồi. Một bà chủ nhà nói “Tụi tui chỉ nhận mấy chú ở trọ thôi, không nhận mấy cô”. Tôi ngạc nhiên hỏi tại sao thì bà ấy nói mấy cô có kỳ hàng tháng nên‘dơ’ lắm. Thật hết biết những suy nghĩ lạc hậu vẫn tồn tại ở thế kỷ này. Phụ nữ mà lại không thông cảm cho phụ nữ gì hết!
Vậy là chúng tôi yên tâm chỗ trọ rồi. Bây giờ chúng tôi vác ba lô đến trường trình diện. Trưởng phòng tổ chức xem giấy tờ của chúng tôi xong và nói:
_ Chúng tôi sẽ nhận anh ban KNH, còn anh ban Điện chúng tôi không có nhu cầu nên không nhận.
Chúng tôi rất ngạc nhiên nói “Chúng tôi đến nhận nhiệm sở, sao chú lại nhận người này, không nhận người kia như thế. Chú có nhu cầu về loại giáo viên kỹ thuật nào thì trường chúng tôi mới điều về chứ”.
Ông trưởng phòng tổ chức nói:
_ Chúng tôi cần nhiều giáo viên kỹ thuật nhưng phải chờ các anh đến chúng tôi mới xem lại nhu cầu của trường để nhận hay không nhận. Chỗ chúng tôi không nhu cầu về điện thì nhận anh này sao được.
Tôi cố ‘ra giá’:
_ 2 anh em chúng tôi cùng nhau từ Sài Gòn xuống đây thì sẽ cùng làm hoặc cùng về. Chú đã nhận thì nhận cả hai còn nếu không thì chú hãy viết vài chữ không nhận để chúng tôi trở về Sài Gòn lại.
Ông trưởng phòng tổ chức ngạc nhiên:
_ Tôi làm công tác tổ chức mấy chục năm nay bây giờ lần đầu tiên mới thấy chuyện giáo viên xin việc lại ra điều kiện ngược lại với chúng tôi. Thôi, nếu anh đã cương quyết như vậy thì tôi sẽ không nhận cả hai để các anh về với nhau.
Tôi và anh bạn ‘vui vẻ’ từ biệt trường Dầu Khí dù có hơi tiếc nuối. Sau này cũng có một số bạn khác được trường giới thiệu về đây để dạy. Họ chỉ dạy được khoảng 2, 3 năm rồi cũng phải lần lượt ‘cuốn gói’ ra đi. Tôi gặp một bạn và được bạn này cho biết trường có nhiều phe phái lắm nên các bạn phải quyết định rời trường. Giáo viên miền nam khó lòng trụ lại được ở ngôi trường ‘béo bở’ này. Nghe xong tôi cũng hú hồn. Nếu lúc đó tôi chấp nhận ở lại trường đó, có lẽ chỉ một hai tháng là tôi sẽ ‘lên đường’ chứ không được vài năm như các bạn đâu.
Tôi và anh bạn ban Điện lại tiếp tục nhận giấy về trình diện tại trường sơ trung cấp kỹ thuật Đồng Nai. Trường này trước năm 75 là căn cứ quân sự của Mỹ, lúc gần giải phóng mới được chuyển thành trung tâm huấn nghệ của chế độ cũ. Chúng tôi được tiếp nhận nồng nhiệt. BGH mừng vì thấy lần đầu tiên có hai giáo viên tốt nghiệp đại học sư phạm kỹ thuật về. Những giáo viên kỹ thuật về trước chúng tôi xuất thân từ các trường cao đẳng hoặc trung cấp. Nhóm giáo viên đầu tiên về trường này là những giáo viên dạy những môn văn hóa. Người có bằng cấp cao nhất là cử nhân và thấp nhất là … lớp 11. Giáo viên nam chiếm đa số, giáo viên nữ chỉ có 4 người.
Học sinh đang có ở trường là những học sinh đang học bổ túc văn hóa. Họ học từ lớp1 theo chương trình bổ túc cấp tốc cho đến lớp 9 để chuẩn bị vào học kỹ thuật. Chúng tôi đi tham quan một vòng qua các lớp đang học. Khuôn viên trường quá rộng. Các lớp nằm rải rác chứ không tập trung từng dãy như trường bình thường. Thật bất ngờ khi hầu hết học sinh đã lớn tuổi. Phần lớn xuất thân là công an, cán bộ phường xã, du kích, … Tôi khá bối rối khi biết điều này. Tôi chưa chuẩn bị tinh thần để đối mặt với học sinh lớn tuổi hơn mình. Nghe các thầy cô dạy văn hóa kể tình hình dạy và học ở trường chúng tôi càng e ngại hơn. Đa số học sinh ở đây đã lớn tuổi và từ vùng quê lên nên việc tiếp thu kiến thức rất khó khăn. Các thầy cô còn cho biết học sinh không thích các thầy cô vì họ cho là các thầy cô ăn mặc theo kiểu tư sản, quần loe, áo bó (mốt thời đó) là tàn tích của Mỹ ngụy.
Một thầy kể, có hôm bước vào lớp, anh ấy thấy trên bàn học sinh có 6 viên đạn được xếp dựng đứng thành hàng ngay ngắn trên bàn học sinh. Anh ấy thấy rờn rợn nhưng vẫn cố như không thấy để giảng bài bình thường. Một cô giáo kể có hôm phải bật khóc vì vừa bước vào lớp đã nhìn thấy khoảng 6, 7 cái đầu học sinh hớt trọc lóc. Những anh học sinh cho biết hớt trọc cho … mát. Giáo viên không thể nói gì vì những chuyện này không phạm nội quy trường.
Mới chân ướt chân ráo ra trường mà nghe các chuyện này, chúng tôi cũng hơi nản lòng. Các giáo viên kỹ thuật chưa người nào đứng lớp vì chưa có học sinh kỹ thuật. Hàng ngày họ phải lên phòng giáo vụ để soạn bài, nghiên cứu tài liệu. Nhóm giáo viên văn hóa làm việc ở tầng trệt còn nhóm giáo viên kỹ thuật làm việc ở tầng trên. Khi chuyện trò với nhau tôi mới biết những giáo viên kỹ thuật về trước tôi không ai tốt nghiệp sư phạm hết (đa số giáo viên văn hóa cũng không phải từ trường sư phạm ra). Họ xuất thân từ các trường cao đẳng hoặc trung cấp kỹ thuật về trình diện tại Sở Công Nghiệp (đơn vị chủ quản của trường kỹ thuật và một số nhà máy, xí nghiệp). Họ tưởng sẽ được phân công về xí nghiệp chứ không ngờ bị phân về trường kỹ thuật. Chính vì vậy, tôi và anh bạn ban điện được coi là sáng giá nhất ở thời điểm đó.
Chỉ sau vài tuần đến trường, tôi được hiệu trưởng phân công dạy sư phạm cho … các giáo viên trong trường trong … 3 ngày. Tôi nhận lời, soạn bài một tuần và … lên lớp . Các giáo viên học rất nghiêm chỉnh, không chút tự ái. Tôi nhận được 3 đồng tiền công cho việc này.
Hầu hết các giáo viên ở Sài Gòn nên phải ở nội trú luôn trong trường. Mỗi phòng ở có 4 giáo viên. Các phòng này trước đó dành cho sĩ quan Mỹ ở nên cũng rất khang trang và tiện nghi. Mỗi giáo viên có một giường nệm để ngủ. Phòng tắm cẩn gạch men rất sạch sẽ có cả vòi sen và bàn cầu cao lịch sự. Bên cạnh mỗi phòng đều có lô cốt chiến đấu. Các cửa sổ đều trống trơn, không có song sắt để lính Mỹ có thể nhanh chóng nhảy ra khỏi phòng đến lô cốt chiến đấu. Ngay giữa sân trường, một lô cốt lớn xây bằng đá xanh có các lỗ châu mai hướng ra tứ phía.
Một hôm, tôi đang ngồi soạn bài thì được lệnh xuống gặp hiệu trưởng. Hiệu trưởng là một người đàn ông trung niên, khá to lớn với nét mặt khắc khổ, có chút dữ dằn làm tôi hơi rờn rợn. Ông ấy tự giới thiệu với giọng ồm ồm và chân chất đặc trưng của người miền nam:
_ Tôi là một đại úy du kích được bố trí làm hiệu trưởng ở đây. Thú thiệt, tôi không rành về trường học cũng như về kỹ thuật. Tôi sẽ quyết định thầy làm phó phòng giáo vụ, thầy giúp tôi trong việc điều hành, tổ chức các hoạt động giáo dục. Hiện nay, trường hoàn toàn không có một tài liệu gì về giáo dục. Thầy phải đi tìm các chương trình, giáo trình, và các tài liệu liên quan đến tuyển sinh để chuẩn bị mở những lớp học kỹ thuật. Tôi sẽ cấp giấy giới thiệu đến những nới thầy cần và cho xe ô tô đưa thầy đi. Đây là công tác khẩn nên mong thầy cố gắng làm cho nhanh.
Tôi nghe mà thấy lùng bùng lỗ tai. Công việc được giao quá sức của tôi. Tôi không được đào tạo để làm công việc xây dựng một trường học từ con số 0 như thế này. Bắt đầu từ cái gì? Các tài liệu gồm những gì? Tìm ở đâu mới có? … Những câu hỏi liên tiếp quay cuồng trong đầu của tôi. Tôi có tật xấu là khi phải suy nghĩ nhiều, mặt tôi tự động nhăn lại như … khỉ ăn ớt.
Hiệu trưởng thấy tôi im lặng và đang trình diễn vẻ mặt sầu thảm nên nói thêm:
_ Tôi biết việc này rất nặng nề với thầy. Tôi hy vọng thầy sẽ cố gắng hết sức với tinh thần thanh niên vượt khó để hoàn thành công tác được giao. Tôi sẽ hỗ trợ mọi yêu cầu thầy đặt ra cho công tác này.
A! Ông này nhắc tôi về tinh thần thanh niên. Tôi là một thanh niên ‘trụi lũi’ với nhiệt tình ‘bốc lửa’, dù đã qua mấy khóa hội Thanh Niên Liên Hiệp mà vẫn bị gạch tên không được làm … hội viên. Còn đoàn viên thì ngoài tầm với xa lắc. Tôi chợt phấn khích khi nghĩ tới việc tôi sẽ làm được mà không cần phải là hội viên hay đoàn viên. Tôi vui vẻ nói với hiệu trưởng:
_ Con sẽ nhận việc này. Chú cứ yên tâm là con làm được mặc dù con chưa làm lần nào.
Như vậy ngay từ khi mới chập chững ra trường, tôi đã được làm ‘quan’. Ghê thật! Tôi được đi xe hơi chạy mọi nơi để xin tài liệu, chương trình, giáo trình, … Hồi đó chưa có photocopy nên những nơi chỉ có một bản tài liệu, tôi phải ký mượn để đem về cho nhân viên trường đánh máy sao chép lại (Thời điểm đó, việc liên hệ công tác rất thoải mái, không khó khăn, bắt bẻ nhau như sau này). A! Có một chi tiết góp phần vào việc liên hệ thành công là tôi vẫn mặc áo bỏ trong quần, đi giày, trong khi những cơ quan tôi tới liên hệ, hầu như mọi người đều áo bỏ ngoài quần và đi … dép. Công việc diễn ra suôn sẻ hơn tôi nghĩ. Khi được tôi báo cáo kết quả công tác, ông hiệu trưởng rất vui và mời tôi tối đó ra nhà ông (ở gần trường) … nhậu. Đúng là ‘tác phong’ của dân nam bộ.
Trong thời gian đi liên hệ công tác bằng xe hơi, một tai nạn giao thông làm tôi nhớ mãi. Chiếc xe đang chạy với vận tốc không nhanh, bỗng một em bé khoảng 5, 6 tuổi vụt chạy ra trước đầu xe. Tài xế vội thắng lại nhưng chiếc xe vẫn lao tới. Tôi chỉ thấy đứa bé chấp chới trước đầu xe và biến mất khỏi tầm nhìn. Khi xe dừng lại, tôi quay ra sau nhìn vẫn không thấy đứa bé đâu. Tôi rụng rời tay chân khi nghĩ đứa bé chắc chết kẹt cứng dưới gầm xe rồi. Bỗng nhiên một chiếc đầu ló lên phía sau xe, đứa bé loạng choạng đứng lên, quần áo đầy đất cát. Tôi mừng quá mở cửa xe chạy đến đứa bé. Thật kỳ diệu, nó chỉ bị sây sác nhẹ ở tay chân. Một bé gái, chị của em bé này chạy đến ôm em mình. Tôi xem xét kỹ đứa bé thì thấy nó không bị gãy chiếc xương nào hết. Hú vía! Tôi móc 5 đồng ra đưa cho cô chị “Em cầm tiền này đi mua thuốc bôi cho em nhé, nhớ mua bánh cho em luôn. Lần sau mấy đứa đừng chạy ra đường như vậy, nguy hiểm lắm”. Hai đứa nhỏ mừng rỡ cầm tiền chạy vụt đi. Khi lên xe, tôi hỏi tài xế thắng xe không ăn phải không thì anh ấy trả lời làm tôi ‘lạnh gáy’ luôn:
_ Thắng xe không hư, chỉ có điều tôi phải dùng xà bông bột thay cho dầu thắng nên khi thắng phải đạp nhồi nhiều cái mới thắng xe lại được.
_ Sao anh lại thay dầu thắng bằng xà bông bột? Tôi là dân cơ khí nhưng chưa bao giờ nghe chuyện vô lý này.
_ Tôi làm đơn xin thay dầu thắng mấy tháng nay rồi nhưng chưa được cấp nên phải dùng xà bông bột thay tạm. các tài xế miền bắc chỉ tôi ‘mánh’ này đó.
Nghe anh tài xế nói, tôi muốn rụng tim luôn. Tôi hiểu được lúc đó khó khăn quá, xin mấy cây viết, xấp giấy cũng gian nan vô cùng. Người ta hay nói ‘Cái khó ló cái khôn’ nhưng cái ‘khôn’ này nguy hiểm quá. Thần kinh tôi căng như sợi dây đàn suốt hành trình còn lại.
Một hôm ông hiệu trưởng lại mời tôi vào phòng để giao nhiệm vụ:
_ Hiện nay, trường đang gấp rút cho số học sinh bổ túc tốt nghiệp cấp 2 để chuẩn bị vào học kỹ thuật. Các giáo viên văn hóa đã quá nhiều giờ rồi nên các thầy phải dạy bổ túc phụ thêm cho các giáo viên đó cho kịp tiến độ đào tạo.
Thế là tôi trở thành giáo viên dạy toán cho lớp 9. Tôi nhận dạy môn hình học không gian vì các giáo viên toán không thích môn này lắm vì nó cần óc tưởng tượng trong không gian, học sinh rất khó hình dung ra được. Trước khi lên lớp một ngày, các giáo viên văn hóa nhắc nhở tôi:
_ Anh nhớ khi lên lớp, phải bỏ dép ở bên ngoài rồi mới vào lớp. Học sinh sẽ nổi giận và không cho anh vào lớp nếu anh vẫn mang dép vào đó. Còn một điều nữa là học sinh sẽ không đứng lên chào giáo viên đâu. Anh đừng mong chờ chuyện đó.
Tôi ngạc nhiên hỏi lại:
_ Chuyện gì lạ vậy? Mình là giáo viên sao phải theo những yêu cầu vô lý của học sinh như vậy? Tôi không tưởng tượng được việc đi chân không đứng lớp. Kỳ quá! Còn việc học sinh và giáo viên chào nhau để tôn trọng nhau là thể hiện sự văn minh lịch sự mà. Đâu phải chỉ có học sinh chào giáo viên.
_ Từ lúc đầu đến giờ, tụi tôi đều phải đi chân không vào dạy như vậy thôi. Đây là những học sinh đặc biệt. Đa số họ là công an, du kích, giao liên, cán bộ được cử đi học. Có lớp hơn 2/3 là đảng viên, có cả các dũng sĩ diệt Mỹ, dũng sĩ diệt Úc nữa. Họ hàng ngày lau sàn gạch bông sáng bóng luôn nên họ quí sàn nhà lắm. Buổi trưa, nhiều người không ngủ trong ký túc xá mà lên lớp nằm dài trên gạch bông ngủ cho …mát. Tất cả họ đều bỏ dép ở ngoài nên mình cũng làm vậy để khỏi gây căng thẳng, khó dạy học lắm.
_ Ủa! Nếu họ là cán bộ thì họ phải hiểu yêu cầu như vậy là kỳ cục chứ. Tôi không thể chiều theo ý họ được. Họ là gì trước đó tôi không quan tâm. Trong lớp học, họ là học sinh, tôi là giáo viên. Tôi có quyền hạn của giáo viên chứ.
_ Thôi tùy anh tính. Tụi tôi chỉ nhắc anh thôi. Tụi tôi sợ nếu làm căng quá thì mình là người bị thiệt thòi chứ không phải họ.
_ Tôi cám ơn các anh chị đã cho tôi biết. Nhưng ngày mai, tôi vẫn đi giày vào lớp. Họ không chịu thì tôi không dạy. Còn việc chào, tôi nghĩ tôi có thể giải thích cho họ hiểu được. Cùng lắm, tôi làm đơn chuyển công tác. Đơn giản thôi mà!
Hôm sau, các giáo viên hồi hộp theo dõi tôi lên lớp. Tôi vẫn mặc áo sơ mi bỏ trong quần, mang giày da đánh xi ra bóng loáng lên lớp. Khi đến trước cửa lớp, tôi dừng lại nhìn vào lớp. Các cặp mắt không mấy thiện cảm nhìn ra và đồng loạt các miệng la to “Thầy bỏ giày ở ngoài, không được mang giày vào lớp”. Tôi cười thật tươi ở mức có thể:
_ Chào các anh chị. Tôi là giáo viên mới, đến đây dạy toán. Tôi sẽ vào lớp dạy với trang phục chỉnh tề để tôn trọng các anh chị. Nếu anh chị bắt tôi bỏ giày ra thì chẳng khác nào anh chị bắt tôi phải coi thường anh chị.
_ Không nói lung tung. Bỏ giày mới cho vào lớp.
_ Vậy thì tôi rất tiếc phải nói với anh chị là tôi chỉ có hai chọn lựa. Một là tôi đi giày vào lớp dạy. Hai là tôi sẽ xin chuyển công tác, không dạy ở đây nữa.
_ Về làm đơn đi chỗ khác đi. Tụi tôi không cần biết.
_ Vậy thôi, tạm biệt các anh chị.
Tôi quay lưng chậm rãi đi lên phòng hiệu trưởng. Tôi nghe trong lớp xôn xao “Ông này coi bộ lạ à. Ổng có vẻ ‘cứng’ hơn mấy thầy cô kia. Hình như ổng là giáo viên kỹ thuật”. “Kệ ổng! Vô lớp mình phải theo luật lớp mình”.
Tôi gặp hiệu trưởng và trình bày tình hình tôi vừa gặp phải. Tôi nói:
_ Con rất tiếc không thể công tác ở trường này được. Con không quen việc lên lớp với đôi chân không. Con thấy nó bôi bác quá. Thôi thì con sẽ viết đơn xin chuyển công tác và mong chú ký duyệt dùm con.
_ Thầy bình tĩnh lại đi. Tôi sẽ xuống đả thông tư tưởng cho lớp. Thầy cứ yên tâm ngồi chờ ở đây.
Tôi chờ cả nửa tiếng đồng hồ vẫn không thấy hiệu trưởng quay về. Tôi đi ra ngoài gặp các giáo viên và nhân viên văn phòng đang xôn xao bàn tán. Thấy tôi, họ nói:
_ Anh ghê thiệt. Anh vẫn cười cười nói từ từ, không giận dữ lớn tiếng. Mà anh cũng nói gọn thiệt. Chỉ một chút xíu là thấy anh bỏ đi rồi. Đúng là tác phong nhà giáo số một.
_ Các anh chị quá lời rồi. Tôi thất bại vì không thuyết phục được học sinh thì hay cái gì được. Sao hiệu trưởng giải quyết gì mà lâu vậy?
_ Tình hình nặng nề lắm. Hiệu trưởng và lớp cãi nhau kịch liệt. Không bên nào chịu bên nào. Anh đến gần nghe thử đi.
Khi đến gần lớp, tôi mới thấy đúng là tình hình rất căng thẳng. Cả hai bên đều lớn tiếng “Các đồng chí phải biết… Đồng chí phải hiểu cho lớp … Chúng tôi đã hy sinh xương máu … Thầy cô gì mặc quần áo sặc mùi Mỹ ngụy …”
Trời đất! Chuyện lớn hơn tôi nghĩ rồi. Không còn là chuyện bỏ giày hay không bỏ giày nữa. Quả thật đúng như vậy. Khi hiệu trưởng không thuyết phục được lớp, ông ấy khẩn cấp báo lên cấp trên. Ngay ngày hôm sau, phó chủ tịch tỉnh đến trường. Ông này yêu cầu họp toàn bộ học sinh ở sân trường. Ông ấy nói rất lâu, tôi có nhớ một đoạn làm tôi thắc mắc đến bây giờ. Đó là đoạn:
_ … Các đồng chí đã làm vương làm tướng gì mà kể công với cách mạng. Các đồng chí có biết đồng chí Phạm Văn Đồng cũng phải nghiêm túc đứng lên chào một cô giáo mới 18 tuổi không? Tinh thần cách mạng của các đồng chí thể hiện ở đâu? Chính là ở đây …. Các đồng chí đứng lên khi thầy cô bước vào lớp, không phải là các đồng chí chỉ chào các thầy cô mà các đồng chí đang chào cả guồng máy nhà nước… Bây giờ không còn là thời kháng chiến, các đồng chí phải làm quen với tác phong mới, phải lịch sự, đàng hoàng … Thí dụ đoàn Cuba đến tham quan trường, các đồng chí bắt họ phải bỏ giày dép ra mới được các đồng chí cho vào à! Để họ nói dân trí VN thấp à! Để thế giới người ta cười dân VN nghèo đói đến nỗi không biết đi giày dép à! …
Bài nói chuyện của ông phó chủ tỉnh rất hay và sắc bén. Nhưng có chi tiết về thủ tướng Phạm Văn Đồng tôi đã hỏi nhiều người nhưng không ai biết. Vì vậy đến giờ tôi vẫn chưa biết chi tiết này có thật không. Các học sinh cũng không vừa. Cuối cùng, họ chấp nhận để giáo viên đi giày dép vào lớp sau khi phải chùi giày dép vào tấm giẻ ở cửa lớp và đồng ý đứng lên chào thầy cô với điều kiện thầy cô phải vào lớp, đứng nghiêm, quay mặt về phía học sinh.
Tự dưng tôi trở thành ‘người hùng’ dưới mắt các thầy cô văn hóa. Tôi phải phân bua với các thầy cô tôi làm như vậy chỉ vì tính ngang ngang không giống ai thôi. Tôi chỉ giữ đúng cương vị của giáo viên khi lên lớp. Những thầy cô cũng chia sẻ sự lo ngại là tôi sẽ gặp khó khăn khi lên lớp. Tôi nói tôi chấp nhận sự căng thẳng lúc đầu. Nhưng sau đó, tôi sẽ cố gắng cho họ thấy hình ảnh thật của tôi và tôi nghĩ họ sẽ thay đổi cách nhìn. Với nhiệt tình của tuổi trẻ, tôi cố gắng dạy một cách đơn giản nhất môn hình học không gian. Tôi phải làm các mô hình bằng giấy bìa các đề bài toán để học sinh nhìn ra được một cách cụ thể. Tôi dùng cách ‘dọa’ học sinh là khi bắt đầu học kỹ thuật, học sinh sẽ gặp những hình khó hơn nhiều so với những mô hình này. Tôi sẵn sàng giải thich thêm ngoài giờ khi học sinh thắc mắc chưa hiểu. Các giáo viên toán thích thú với cách dạy của tôi. Họ tiếp thu được một số ‘mánh’ của tôi để áp dụng cho bài dạy về không gian của họ. Họ nói họ rất ngán khi dạy môn hình học không gian vì đa số học sinh thấy nó khó hiểu quá. Tôi nói với họ đây là chuyên môn của tôi. Nghề của tôi là vẽ kỹ thuật tức là phải tưởng tượng tốt các khối trong không gian.
Suốt mấy năm trời dạy tại trường này, tôi vẫn là hình ảnh không giống ai khi lên lớp, vẫn bỏ áo trong quần và đi giày. Sau này, mấy đôi giày của tôi bị hư vì cũ quá, tôi mới chuyển qua mang săng đan lên lớp. Điều tôi rất mừng là học sinh bắt đầu nhìn tôi bằng ánh mắt khác. Buổi tối, học sinh thường thấy tôi ngồi trầm ngâm bên ly cà phê hàng giờ, không nói chuyện với ai. Một vài học sinh bắt đầu ghé vào bàn cà phê ngồi nói chuyện với tôi. Nhờ những buổi nói chuyện này, thầy trò hiểu nhau hơn. Những học sinh lớn tuổi tỏ vẻ thích tôi hơn trước mặc dù quan niệm sống của tôi và họ vẫn còn nhiều khác biệt. Họ nói thật là lúc đầu họ ghét tôi vì nghĩ tôi thuộc loại bon chen để lấy lòng cấp trên như họ thường gặp ở đời. Họ cũng ngạc nhiên khi thấy tôi không sợ họ vì họ là cán bộ như một số giáo viên khác. Sau này, khi tham gia các chiến dịch cải tạo công thương nghiệp và đổi tiền, họ càng hiểu rõ về tôi hơn. Thậm chí có mấy lần, học sinh với tư cách là đảng viên đứng ra bảo lãnh tôi được kết nạp vào đoàn tại hiện trường. Nhưng cuối cùng … thất bại vì đoàn trường không chấp nhận.
Một tối nọ, một học sinh từng uống cà phê với tôi nhiều lần, đến ngồi cạnh tôi. Học sinh này là học sinh lớn tuổi nhất mà tôi dạy. Anh ấy 43 tuổi trong khi tôi mới 22 tuổi. Sau một lúc nói chuyện phiếm, anh ấy có vẻ do dự, nhìn quanh rồi hỏi tôi:
_ Tôi nói thiệt với thầy nghe. Tôi tin thầy nên mới hỏi thầy chuyện này. Tôi thắc mắc hoài không biết hỏi ai.
_ Anh cứ nói. Nếu tôi biết thì tôi sẵn sàng trả lời thôi. Đừng ngại gì hết.
_ À hèm … À hèm … Theo thầy thì ‘cái đó’ đẹp hay xấu.
Tôi ngạc nhiên quá nhưng không dám lộ ra ngoài. Chết thật! Tôi tưởng anh ấy hỏi chuyện tình cảm trai gái vì anh này lớn tuổi nhưng còn độc thân hoặc anh ấy hỏi cách vẽ các cô gái (Mặt sau cuốn tập của anh ấy toàn hình cô du kích cầm súng mà anh ấy tự vẽ ra). Tôi cố gắng câu giờ:
_ Tôi chưa hiểu ý anh lắm. Anh có thể nói lý do anh hỏi như vậy không?
_ Khi tôi bị chính quyền ngụy bắt. Mỗi lần bị thẩm vấn, tra hỏi, tôi thấy tấm hình một cô gái ở truồng rất lớn, ngồi dạng chân treo sau lưng tên cảnh sát. Tôi thấy cái đó ghê quá không giống như tôi tưởng tượng. Vậy thiệt sự nó có đẹp không?
Thiên địa ơi! Các môn học trong nhà trường đâu có môn nào dạy tôi cách xử lý trong tình huống oái oăm này. Tôi đành tìm cách nói loanh quanh, ‘ba phải’:
_ Câu hỏi này khó trả lời chính xác được. Xấu hay đẹp là do mình. Thí dụ anh có người yêu thì anh sẽ thấy cái đó của người yêu anh dễ thương, hấp dẫn. Nhưng nếu anh thấy một bà điên trần truồng chạy ngoài đường thì anh sẽ thấy cái đó ghê quá. Đúng ra nó chỉ là một bộ phận của con người như … cái tay, cái chân thôi. Chắc anh từng thấy những cánh tay thon thả, dễ thương, thấy muốn cầm lên hun một cái hoặc anh cũng từng thấy những cánh tay ghẻ lở, đen thui, anh không muốn nhìn lâu. Vậy đẹp hay xấu, yêu hay ghét là do cái đầu mình quyết định thôi anh. Có lẽ mỗi lần anh bị tra tấn, cơn đau thể xác trộn lẫn với hình ảnh cái đó làm anh thấy ghê sợ nó.
_ Tôi cũng hơi hơi hiểu. Vậy là mình muốn nó đẹp thì nó đẹp; muốn nó xấu thì nó xấu phải không?
_ Ừ. Đại loại như vậy.
Tôi thấy anh ấy còn phân vân chưa thỏa mãn lắm. Tôi bèn phải giở chiêu ‘tiếu lâm’ ra để không khí đỡ căng thẳng:
_ Thôi thì tôi nói thêm như thế này cho anh dễ hiểu. Anh thấy trong lịch sử không? Có những ông vua với vô số cung tần mỹ nữ, cuối cùng cũng bị mất ngôi vì cái đó của một mỹ nhân thôi. Như vậy có thể nói cái đó đẹp và hấp dẫn các ông.
Kết luận … ngang xương như trên trời rớt xuống của tôi lại bất ngờ làm anh này vui hẳn lên.
_ Phải, phải. Đúng vậy. Nó phải đẹp chứ. Tôi thường mơ thấy nó đẹp mà. Vậy đúng như thầy nói, tôi bị đánh đau nên tưởng nó xấu thôi.
Tôi biết là giải thích như vậy kỳ cục nhưng thôi, kết quả anh ấy không còn bị ám ảnh trong đầu nữa là tốt rồi. Phù! Hú hồn hú vía! Tôi phải kiềm chế để không phì cười vì chợt nhớ đến ba tôi hay kể chuyện tiếu lâm về cái đó.
Cuộc sống khó khăn nên các giáo viên phải tranh thủ trồng rau, trồng cây, đánh bắt cá (trường có ao nhỏ bỏ hoang), bắt rắn, lươn, ếch, dơi để thêm chất cho bữa ăn. Tôi sống ở thành phố từ nhỏ nên kiến thức về nông thôn gần như con số không. Tôi phải học kinh nghiệm từ những giáo viên có gốc ở quê. Họ rành việc trồng trọt, đánh bắt thú vật, làm bẫy thú… Các bạn đồng nghiệp cười ngất khi thấy tôi không phân biệt được con ếch và con cóc, thấy tôi ngạc nhiên khi lần đầu tiên biết cây khoai mì. Nghe tiếng ễnh ương kêu tôi giật mình tưởng bò nhà ai rống làm các bạn tôi cười nghiêng ngả. Những đêm mưa, anh em rủ nhau đi soi ếch, câu lươn. Anh em ướt lạnh nhưng rất vui khi cùng nhau ngồi xuýt xoa húp cháo ếch, cháo lươn ngọt ngào và nóng hổi. Tôi không quên được những buổi bắt dơi ở trên trần nhà của các dãy nhà trong trường. Chúng tôi lấy cây quơ lung tung, các con dơi bị đập trúng rớt xuống rất nhiều. Chúng tôi bắt được đầy một xô lớn. Nhưng khi đem xuống, các bạn tôi chỉ lựa những con dơi bụng vàng, còn những con dơi bụng đen họ thả ra không lấy. Họ nói những con dơi bụng đen rất hôi, không ăn được. Cả xô dơi cuối cùng chỉ lựa được khoảng 20 con dơi bụng vàng. Anh em lại có một nồi cháo dơi ngon lành, tạm quên những khó khăn của cuộc sống.
Thời khó khăn, nhà ăn không có cả nước mắm. Họ lấy nước cơm cháy pha với muối để làm ra cái gọi là nước mắm. Hầu như ngày nào nhà ăn cũng cho ăn cá. Tôi không biết ăn cá nên chỉ lấy cơm về phòng ăn với xì dầu (mùi cá trong nhà ăn tanh quá, tôi không ngồi ăn được). Đồng Nai và Sông Bé là hai tỉnh trong nam có mức ăn độn cao nhất, cao điểm là 95% độn, chỉ có 5% là gạo. Loại độn là bo bo, khoai mì tươi hoặc khô, bắp, bột mì tùy từng thời điểm. Hàng năm, thầy trò phải đi tăng gia trồng khoai mì, lúa nhưng năng suất rất thấp vì không phải là nông dân chính gốc. Tôi nhớ một hôm lãnh phần ăn về mà đau lòng: 6 trái bắp luộc cứng như đá và đang mọc mầm cùng chén muối ớt. Phần lớn thời gian này chúng tôi được ăn bo bo hoặc bột khoai mì nắn lại từng bánh tròn dẹp được luộc chín (chúng tôi gọi là bánh xe lịch sử) và chấm ‘nước mắm’ tự chế của nhà ăn. Điều rất lạ là phái nữ lại hợp với bo bo, họ tăng cân đều đều, trong khi phái nam bị giảm cân liên tục. Lúc đó, tôi chỉ nặng 40 kg, Có lần học sinh chụp hình tôi và lớp, họ nói nhìn hình tôi giống … bác Hồ lúc trẻ.
Sau đó, tôi phải cắt cơm nhà ăn, tự nấu ở phòng mình. Trong những ngày đói kém này, tôi thấy ăn gì cũng ngon. Mỗi tháng được mua nửa ký thịt, ai cũng lui cui kho mặn để dành ăn trong nhiều ngày. Ai cũng có thói quen nhai miếng thịt thật lâu để tận hưởng hương vị thịt hiếm hoi trong tháng. Những lần xe thương nghiệp đến bán mực, chuối, đậu hũ, cá, … Tất cả đều cân kí. Giáo viên nhốn nháo cả lên. Ai đang đứng lớp cũng cố gắng nhắn bạn mua giùm hoặc … bỏ lớp chạy về mua. Hầu như các thứ thương nghiệp bán, chúng tôi đều kho, phơi khô để dự trữ được lâu.
Tôi không quen nấu nướng lắm nên chỉ có thể làm trứng chiên, trướng luộc cho các bữa ăn. Nhưng không phải bữa nào cũng có trứng. Với mức lương 85% của 64 đồng (thời gian tập sự), mặc dù là khá cao so với các đồng nghiệp, nhưng bữa ăn của tôi cũng chỉ là rau muống, rau cải luộc hoặc xào thôi. Cơm thì bữa khê, bữa sống; thức ăn thì bữa khét, bữa nát. Những thứ đem phơi khô như chuối, mực thì bị chuột, mèo ăn nham nhở. Đã nghèo còn mắc eo. Chán thật. Nhưng cũng chưa chán bằng anh bạn cùng nhà. Được phân nửa kí mỡ tiêu chuẩn, anh chàng hí hửng thắng lấy mỡ nước để dành chiên xào. Thấy anh thắng mỡ xong, tôi rủ anh ấy đi uống cà phê. Tôi đi trước, ở trong phòng, anh ấy đổ phần mỡ nước còn đang sôi vào tô … nhựa. Đến lúc về phòng, chúng tôi bị trượt té một loạt. Bật đèn lên thì ôi thôi, tô nhựa bị mỡ nóng làm chảy nhão ra, mỡ đổ hết xuống sàn nhà làm chúng tôi bị trượt té. Thế là đi tong tiêu chuẩn của cả tháng. Nhìn vẻ mặt đau khổ của anh ấy giống như mới đọc xong bộ ‘Vong quốc sử’.
Tôi không có ‘tay nuôi’ nên nuôi gà, gà lăn ra chết; nuôi heo mọi từ lúc nó cỡ lon gui gô, mấy tháng sau nó chỉ lớn bằng con mèo rồi không chịu lớn nữa. Tôi trồng chuối thì chuối không có trái, trồng đu đủ thì chỉ được những trái lớn hơn ngón cái là chúng vàng chín rồi, trồng đậu xanh thì nó ra lá xum xuê, che kín cả cửa sổ phòng nhưng cũng không có trái. Chán quá, cuối cùng tôi không nuôi con gì, trồng cái gì nữa. Tôi nhìn những con gà mập ú, những quày chuối vàng ươm, những trái đu đủ to đùng của các bạn tôi mà thấy thèm.
Người mà tôi va chạm nhiều nhất trong trường là ông trưởng phòng tổ chức. Khi vợ sắp cưới lên thăm tôi, cô ấy nắm khuỷu tay tôi đi vào trường. Ngày hôm sau, tôi bị kêu lên phòng tổ chức làm kiểm điểm với tội nam nữ cặp kè nhau trong trường, làm giảm uy tín của giáo viên. Tôi vừa ngạc nhiên vừa giận dữ tranh luận tay đôi với vị trưởng phòng sống ở thế kỷ thứ 10 này quyết liệt. Cuối cùng, tôi không phải làm kiểm điểm gì hết.
Một lần khác, gia đình một học sinh tặng một con gà choai choai. Vợ tôi đem ra hàng ba làm thịt. Ngay hôm sau, tôi cũng bị triệu tập lên phòng tổ chức viết kiểm điểm lý do tại sao học sinh tặng con gà. Một lần nữa, tôi lại tranh cãi dữ dội vơi ông ta về việc này. Tôi nói phụ huynh tặng quà cho giáo viên là chuyện bình thường. Ông ta nói không thể bình thường, tôi phải sửa điểm, nâng đỡ gì đó nên mới có quà, đó là hối lộ. Tôi phải thách ông ta trưng bằng chứng tôi làm sai để nhận hối lộ. Ông ta vẫn kiên quyết buộc tội tôi và yêu cầu tôi cho biết tên phụ huynh của học sinh đó để điều tra. Khi tôi nói phụ huynh đó là H., giám đốc sở XYZ, ông ta mới khựng lại:
_ À! Đồng chí H. à! Vậy nà đồng chí đó quan hệ tốt với đồng chí lên mới tặng gà rư thế. Quý hóa quá! Vậy mà đồng chí không lói ngay từ đầu. Thôi, đồng chí yên tâm về phòng công tác nhá!
Một sự thay đổi 180 độ ngoạn mục mà tôi chưa từng thấy!. Tôi bắt đầu hiểu thêm về trò đời.
Lại một lần khác, khi gia đình tôi nhận giấy báo thăm nuôi anh tôi đang học tập cải tạo diện sĩ quan chế độ cũ. Tôi làm đơn xin phép nghỉ một ngày để đi thăm anh tôi ở Tây Ninh. Lại ngài trưởng phòng tổ chức một lần nữa ra oai với tôi:
_ Tôi không cho đồng chí nghỉ. Chuyện thăm luôi để ra đình đồng chí đi được rồi.
Tôi cố trình bày tôi là con trai lớn sau anh tôi, cha mẹ tôi lớn tuổi không đi xa được, các em tôi còn nhỏ. Ông ta vẫn khăng khăng không chấp thuận:
_ Anh trai đồng chí thuộc thành phần có lợ máu với nhân rân. Đồng chí không thể tiếp xúc, không tốt cho tư tưởng chính trị của đồng chí. Đồng chí có 2 chọn nựa. Một nà công tác bình thường, hai nà nàm đơn xin thôi việc rồi đi thăm luôi anh mình.
Máu nóng tôi bốc lên đầu:
_ Đây là giấy nhà nước cho thăm nuôi chứ không phải tự ý tôi đi. Tôi có gia đình chứ không phải từ đất nẻ chui lên. Tôi vẫn công tác tốt và tôi cũng có gia đình phải chăm lo. Được rồi, tôi chọn cách 2. Bây giờ tôi qua chú Sáu (hiệu trưởng trường) chào một tiếng rồi sẽ bỏ việc.
Tôi xăm xăm bước ra khỏi phòng. Ông ta vội chạy theo níu lại:
_ Đồng chí lóng lảy thế! Vào uống nước chè đã lào! Không phải tôi không muốn cho đồng chí đi. Tôi chỉ lêu những thuận nợi và tác hại khi đồng chí đi thăm luôi thôi mà. Thôi được. Đồng chí cứ đi nhá và nhớ động viên anh mình học tập tốt nhá!
Phù! Tôi học thêm một trò đời nữa rồi. Sở dĩ ông ta xuống nước chỉ vì ông ta biết tôi đang là cánh tay phải của hiệu trưởng. Tôi đã tích cực xây dựng trường từ những bước đầu, chắc chắn hiệu trưởng không để tôi bỏ việc vì một chuyện trên trời rớt xuống như vậy.
Vậy mà chưa hết. Tôi lại bị hành một lần nữa khi nộp đơn xin nghỉ 3 ngày làm đám cưới. Ông ta lại phán ngon lành:
_ Không được. Đám ma là ‘bị động’ lên mới rải quyết. Đám cưới là ‘chủ động’, không rải quyết được. Đồng chí chọn chủ nhật mà nàm đám cưới để không ảnh hưởng đến công tác.
Tôi muốn nổi điên lên vì lập luận quái gở của ông ta:
_ Tôi làm đám cưới vào ngày chủ nhật. Nhưng tôi xin nghỉ thứ bảy, thứ hai trước và sau đám cưới vì đây là tiêu chuẩn đám cưới được nghỉ 3 ngày. Chú không đọc trong đơn à?
_ Ờ nhẩy (ờ nhỉ)! Tôi không để ý. Xin lỗi nhá! Chúc đồng chí hạnh phúc nhá!
Ông ta làm khó dễ vì tôi không mời ông ta dự đám cưới. Đám cưới của tôi đặc biệt hơn đám cưới của các giáo viên trong trường là tôi không mời bất kỳ người nào trong ban giám hiệu và các chức sắc trong trường. Tôi đã đi dự đám cưới của các giáo viên khác nên tôi rất ngán mời các vị quan chức. Hết quan này đến quan kia thay nhau lên phát biểu dài dòng, hai họ ngồi đói meo chờ đợi. Nhưng tôi cũng còn đủ khôn phân bua với các vị đó là nhà tôi nghèo, chỉ làm đám cưới đơn sơ, không mời nhiều được để họ không phiền lòng.
Cuối cùng, tôi cũng bị tay trưởng phòng tổ chức ‘chơi’ một cú đau điếng. Khi tôi hết hạn tập sự, tôi nộp đầy đủ hồ sơ xét hết tập sự. Sau đó, tôi thấy lâu quá mà chưa thấy quyết định hết tập sự nhưng tôi vẫn nghĩ chắc do thủ tục hành chánh rùa bò nên nén lòng chờ đợi. Đến khi đã một năm rưỡi đã qua mà không thấy quyết định hết tập sự, tôi đến phòng tổ chức hỏi. Tay trưởng phòng trả lời:
_ Anh khai man lý lịch, cha anh là trung úy thời Pháp mà anh giấu, không khai.
Tôi giận điên người lên:
_ Trong hồ sơ xét hết tập sự, chỉ có bản sơ yếu lý lịch, đâu đủ chỗ ghi chi tiết. Trong khi đó, chú có trong tay quyển lý lịch của tôi, tôi đã khai đầy đủ lý lịch của tôi trong đó kể cả việc ba tôi là trung úy.
_ Còn điều khác lữa. Anh có đạo thiên chúa mà nại khai không có tôn ráo.
_ Ai nói tôi theo đạo thiên chúa? Tôi không có đạo thì tôi khai không có đạo chứ. Dân có đạo họ sẵn sàng bỏ việc chứ không bỏ đạo đâu!
_ Anh nà dân ri cư lăm tư mà không có đạo thiên chúa nà sao?
Má ơi! Tôi á khẩu với tay trưởng phòng này rồi. Ngu không chừa cho ai ngu hết! Vậy là tôi bị trễ tập sự mất một năm rưỡi luôn. Tôi có khiếu nại lên trên nhưng không ăn thua gì hết.
Tôi cũng không buồn mà chỉ bực mình tay trưởng phòng tổ chức hay ra oai. Tôi không thể đòi hỏi hơn một người có trình độ ‘cao siêu’ quá. Trình độ ‘cao siêu’ thể hiện khi ông ta đọc mẫu thống kê ‘Số đảng viên tuổi 17 – 25 là: …’. Ông điền vào chỗ trống là 1 người. Tôi thấy lạ nên nhắc ông “Số đảng viên tuổi từ 17 đến 25 ở trường mình đâu có ít vậy?”. Ông ta cãi “Anh biết rì mà lói. Người ta đâu có in ‘từ’ và ‘đến’ đâu! Người ta hỏi số đảng viên 17 tuổi và 25 tuổi là bao nhiêu mà.”. Tôi đành bó tay luôn!
Sau đó, năm 1977, trường bắt đầu tuyển sinh khóa công nhân kỹ thuật đầu tiên. Một quan chức ở tỉnh xuống cằn nhằn “Chỉ đào tạo ra công nhân thôi mà, sao cần yêu cầu phải hết cấp 2 như vậy. Lấy đâu ra đủ con em đạt tiêu chuẩn như vậy”. Tôi phải nén lòng giải thích đây là tiêu chuẩn của nhà nước chứ không phải của trường. Tuy vậy, ông ấy vẫn càu nhàu “Tiêu chuẩn gì quái đản vậy không biết”.
Thời gian đầu tôi rất vất vả. Tôi phải lên kế hoạch, chương trình các lớp, các môn, sắp xếp thời khóa biểu những giờ học văn hóa, giờ học lý thuyết và khó nhất là các giờ thực hành ở các xưởng. Có những giờ nghề chỉ học qua ban vài tuần, có những nghề phải học suốt năm. Ở ĐH, tôi chỉ được học chung chung về quản trị xí nghiệp, cơ cấu trường kỹ thuật nên rất lúng túng trong việc sắp xếp. Không lần nào đổi thời khóa biểu mà không bị đụng giờ. Tôi phải loay hoay sắp xếp lại. Việc đưa lộn đầu điếu thuốc đang cháy đỏ vào miệng trở nên thường xuyên hơn. Cuối cùng, mọi việc cũng êm xuôi. Tôi thích thú nhìn guồng máy nhà trường chuyển động tốt đẹp.
Mặc dù nơi đây có một thời gian ngắn là trung tâm dạy nghề của chế độ cũ, nhưng dụng cụ, thiết bị rất thiếu thốn. Tôi thấy trước trường có đường ray xe lửa cũ bỏ lâu nên đề nghị hiệu trưởng cho cắt ra đem về rèn làm búa, đục cho học sinh thực tập. Một người bạn nói thép của ‘hàng rào ấp chiến lược’ rất tốt có thể rèn cuốc xẻng được. Lúc đầu tôi không tin vì nó chỉ là hàng rào, Mỹ đâu cần phải dùng thép tốt. Nhưng tôi cũng lấy một thanh hàng rào về rèn thử. Không ngờ thép tốt thật. Thế là có đủ vật liệu để làm cuốc xẻng cho trường. Sau này, tôi biết thêm thép ở khung ba lô của Mỹ cũng là thép tốt có thể làm lưỡi bào, lưỡi nạo gỗ.
Cũng ở thời điểm khó khăn này, các cơ sở làm vỏ xe đạp cần nhiều bao cát của Mỹ để làm lớp bố cho vỏ xe. Thế là cả thầy lẫn trò lùng xục khắp trường để lấy bao cát đem đi bán. Trường là căn cứ quân sự của Mỹ trước đây nên bao cát nhiều vô kể. Thầy trò có thêm chút thu nhập cho cuộc sống.
Điều tôi ngán nhất là số đạn dược còn sót lại từ thời chiến tranh, rải rác khắp nơi trong trường. Thỉnh thoảng học sinh đốt cỏ khô quanh trường cho quang đãng, đạn các loại bị nung nóng nổ đì đùng thấy ớn quá. Một lần vào năm 1979, Trung Quốc đánh VN, thầy trò được lệnh đào công sự, hố cá nhân chung quanh chỗ ở. Mỗi nhóm 4 giáo viên một nhà phải đào 2 hố chữ V trước nhà mình. Tôi đang lui cui đào mới được khoảng 3 tấc sâu thì nghe một anh bạn reo lên “A! Tôi đào được cục gì đẹp quá!”. Tôi ngẩng lên nhìn và hoảng hồn quăng cuốc, nằm dài xuống đất và la lên “Lựu đạn M79 đó! Để từ từ xuống đất đi. Coi chừng nó nổ đó!”. Anh chàng này hoảng quá quăng luôn vào lô cốt sát bên. Hú hồn hú vía! Sau đó, các bạn xúm lại hỏi tôi. Tôi thấy lạ vì từng sống trong thời chiến tranh nhưng những giáo viên này rất ít biết về súng đạn. Tôi phải giải thích đây là đạn M79 phóng ra từ súng phóng lựu. Nó bị kẹt chưa nổ và nó có thể nổ bất kỳ lúc nào nếu bị chuyển động, vì chong chóng nhỏ bên trong bật qua khỏi chỗ vướng và tiếp tục xoay tới kích nổ quả đạn. Sau 75, đạn M79 gây thương vong cho khá nhiều người dân khi họ tình cờ đụng phải chúng. Đầu đạn tròn và to như trứng gà nên nhiều người không nhận ra nó là lựu đạn. Các bạn tôi nghe xong le lưỡi ớn lạnh. Họ hỏi tôi phải đã đi lính không. Tôi trả lời tôi chỉ học quân sự học đường thời còn là học sinh cấp 3 và sinh viên thôi.
Tình hình lúc mới giải phóng chưa an ninh lắm nên trường tổ chức trực đêm. Chung quanh trường có 6 chốt trực, mỗi chốt 2 người và một súng trường. Tôi được phân công làm trưởng ca trực đêm, một lần / tuần. Nhiệm vụ của tôi là xách khẩu carbine M1 (súng trường Mỹ cũ) đi vòng vòng kiểm tra các chốt trực. Một lần khi tôi đến gần chốt sau nhà ăn, một giáo viên miền bắc cầm súng bước ra. Anh ta cầm súng chĩa vào tôi cười cười giỡn chơi “Đứng lại . Không tôi bắn!”. Tôi vội la lên “Không chĩa súng vào tôi! Bỏ súng xuống!”. Súng vẫn chĩa thẳng vào tôi, tôi nghe một tiếng ‘cạch’ khi anh ta bóp cò. Tôi hoảng hồn nhảy vội đến, dùng báng súng trường M1 của tôi đánh mạnh văng khẩu súng của anh ta xuống đất. Tôi vừa la vừa nhặt súng lên “Anh biết như vậy là sai quy định không? Ai cho phép anh chĩa súng vào người khác và bóp cò như vậy?. Tôi tháo băng đạn ra, kéo lùi cơ bẩm khẩu súng của anh ta. Tôi choáng người khi một viên đạn văng ra. Tim tôi muốn ngừng đập khi nhìn thấy hột nổ ở viên đạn bị lõm vào. Anh ta chĩa súng vào tôi và bóp cò nhưng may mắn cho tôi là viên đạn bị ‘lép’, không nổ. Tôi ít khi nào la lớn với ai. Nhưng hôm đó, tôi không kìm được giận dữ, tôi vừa nắm áo anh ta vừa hét lên “Anh học quân sự ở đâu? Ai cho phép anh lên đạn sẵn mà lại không khóa an toàn?”. Anh ta cũng đang xanh mặt vì sợ nên ấp úng “Em không biết. Em chưa học quân sự bao giờ hết. Em đâu biết khóa an toàn là gì?”. Nghe xong, tôi ngơ ngác, tôi đinh ninh anh ta ở ngoài bắc, thời chiến tranh phải học quân sự chứ. Tôi ở trong nam, dù không đi lính nhưng vẫn phải học quân sự mà. Tôi cầm viên đạn trong tay mà vẫn chưa hết run. Số tôi chưa chết vì viên đạn này (Đến giờ,tôi vẫn giữ viên đạn này làm kỷ niệm ). Tôi tịch thu súng của chốt đó. Sáng hôm sau, tôi phải báo cáo với hiệu trưởng về việc tối hôm qua. Tôi đề nghị hiệu trưởng không cho các chốt gác giữ súng nữa trừ phi người gác biết sử dụng súng. Hiệu trưởng triệu tập giáo viên, công nhân viên lại. Ông hỏi từng người xem ai đã học quân sự. Kết quả làm ông bất ngờ: Một nửa hoàn toàn không học quân sự, một nửa có học nhưng không được bắn súng bao giờ. Chỉ 3 người biết sử dụng súng, trong đó một người là cựu lính chế độ cũ, 2 người là bộ đội chuyển ngành. Anh giáo viên miền bắc cố gỡ tội, cho rằng tôi là trưởng ca trực nhưng cũng chỉ là dân sự, không biết súng ống. Tôi buộc lòng phải đưa giấy chứng nhận tôi đã học quân sự 1 buổi / tuần ở cấp 3 và một tháng quân sự liên tục ở ĐH, và tôi đưa luôn bằng và huy hiệu thiện xạ carbine M1 của tôi để chúng minh cho hiệu trưởng xem. Cuối cùng, hiệu trưởng đồng ý với đề nghị của tôi, chỉ cấp gậy cho các chốt thay cho súng. Chắc chỉ có ở VN mới xảy ra chuyện đưa súng cho người không biết sử dụng súng.
Thời đó, cuộc sống mọi người rất khó khăn. Một anh bạn giáo viên (cũng thuộc loại cóc cắn, cóc liếm)ra quán cà phê đầu đường gần trường để phụ bán cà phê. Đúng ra, gia đình anh này cũng khá giả nhưng anh ấy thích làm như vậy. Hiệu trưởng họp hội đồng kỷ luật để xử. Anh ấy nói đồng lương không đủ nên phải làm thêm. Hiệu trưởng hỏi:
_ Lương thầy 42 đồng, đóng tiền nhà ăn 2 buổi là 16 đồng. Còn dư 22 đồng để chi tiêu lặt vặt, sao thiếu được?
_ Cơm nhà ăn tệ quá, tôi phải mua thêm thức ăn ở ngoài. Hơn nữa, tôi là người chứ đâu phải là heo chỉ biết ăn. Tôi còn có những nhu cầu giải trí khác nữa chứ.
_ Thầy làm ở quán cà phê, học trò gọi cà phê thầy cũng bưng ra sao?
_ Bưng chứ! Lúc đó, tôi là nhân viên bán cà phê mà. Khi có giờ, tôi vẫn lên lớp nghiêm chỉnh. Nhà nước đâu có quy định nào cấm chuyện này. Bưng cà phê chứ có phải ăn cắp ăn trộm đâu.
Ở cương vị là quyền trưởng phòng giáo vụ, tôi trao đổi với anh ấy trước phiên họp, khuyên anh ấy không nên ‘cương’ quá nên anh ấy cũng không làm căng thẳng phiên họp lắm. Cuối cùng, hiệu trưởng cũng chỉ cảnh cáo, không cho anh ấy ra bưng cà phê ngoài quán nữa vì sẽ gây hình ảnh không tốt dưới mắt học sinh. Lý do chính để anh ấy không bị đuổi vì lúc đó rất thiếu giáo viên. Người nào cũng phải dạy sáng, chiều trên 40 tiết / tuần.
Một bạn khác cũng ‘cóc cắn’ không kém. Anh ấy mới lấy vợ, đưa vợ lên ở chung trong phòng. Sáng sớm, tôi qua kêu cửa rủ đi uống cà phê như thường lệ. Anh ấy nói “Anh cứ đẩy cửa vào đi!”. Tôi đẩy cửa vào, nhìn thấy anh ấy vừa ngồi dậy, vợ anh ấy đang trùm chăn kín mít từ đầu tới chân trên giường. Anh ấy nói “Em ngồi dậy chào anh T. đi”. Cô vợ ú ớ trong chăn “Anh kỳ quá!”. Anh bạn này giật tấm chăn ra “Em bất lịch sự quá! Anh T. vào thì ngồi dậy chào chứ nằm hoài vậy!”. Cô vợ cuống quýt kéo chăn lại “Đừng mà anh!”. Tôi giật mình khi thấy một phần thân trên của cô vợ ló ra khỏi chăn. Trời ơi! Cô vợ không mặc quần áo. Tôi vội chạy ra khỏi phòng vẫn còn nghe tiếng anh bạn cười, nói với vợ “Anh T. chứ ai lạ đâu mà mắc cỡ. Đẹp thì khoe, xấu thì che mà!”. Anh bạn này là tay gây cười số một của trường. Anh ấy được giáo viên và cả học sinh thích nhiều vì tính vui vẻ.
Cũng chính anh bạn thích vui vẻ này một lần làm tôi hết hồn. Tôi bước vào xưởng hàn định nói chuyện chơi với anh ấy thì thấy mọi người la hét chạy ùa ra 2 đầu xưởng “Chạy mau. Nó nổ đó”. Tôi cũng hết hồn bỏ chạy theo. Anh bạn này nói “Bình gió đá nổ”. Anh ấy phân bua “Tôi xin thay dây cũ quá nhưng người ta chưa cung cấp dây mới. Tôi phải cho một học sinh đứng canh bình đá, nếu thấy hiện tượng ‘nuốt lửa’ phải khóa van liền. Nhưng vừa rồi nó khóa chưa kịp nên bị đồng hồ áp suất ở đầu chai nổ nám mặt. Tụi tôi phải chạy thoát ra”. Một lúc sau, thấy không có gì xảy ra, chúng tôi lục tục kéo nhau vào xưởng. Một tiếng rên rỉ từ dưới gầm bàn hàn “Thầy ơi cứu em!”. Thì ra có một học sinh khá mập sợ quá chui xuống bàn hàn và bị mắc kẹt luôn chui ra không được. Cả đám cười ồ lên, xúm lại nâng bàn hàn để học sinh này chui ra. Thời đó, xin cung cấp vật tư, máy móc còn khó hơn lên thiên đàng nữa. Thầy trò phải sống chung với nguy hiểm từng ngày.
Tôi bị hiệu trưởng nhắc nhiều lần “Thầy cố gắng phấn đấu vào đoàn đi. Thầy là cán bộ phụ trách phòng mà chỉ là thanh niên quần chúng coi sao được”. Tôi phân bua mấy lần tôi được đề nghị kết nạp đoàn tại hiện trường khi tham gia các công tác cải tạo công thương nghiệp và đồi tiền, nhưng lần nào cũng bị đoàn trường bác bỏ. Anh bạn bí thư đoàn trường là giáo viên dạy lý. Anh ấy đã là đối tượng đảng và đang phấn đấu vào đảng. Tôi với anh ấy không thân thiết lắm nên tôi không rõ anh ấy không thích tôi vì lý do gì. Một hôm, tôi nhận được đơn của một lớp khiếu nại về việc anh bạn này chưởi lớp là ‘ngu như bò’. Tôi mời anh ấy lên làm việc, đưa lá đơn cho anh ấy xem để hỏi chuyện đó đúng sai như thế nào. Anh ấy xanh mặt, xin tôi một điếu thuốc để hút (anh ấy không biết hút thuốc). Sau một lúc suy nghĩ, anh ấy năn nỉ tôi thu xếp chuyện đó êm xuôi và nói thêm đợt này tôi chuẩn bị hồ sơ đề được kết nạp đoàn. Tôi được kết nạp đoàn khi chỉ còn một năm nữa là hết tuổi đoàn. Cuộc đời đúng là như một trò hề. Rất tiếc, tôi cũng là một anh hề vô duyên!
Nhìn lại quãng đường đã qua, tôi nhận ra sự nhiệt tình, vô tư và háo thắng của tuổi thanh niên. Sẵn sàng làm việc với bầu nhiệt huyết, chấp nhận đối đầu tóe lửa mà phần thiệt thường về mình. Bù lại tôi nhận được tình cảm chân thành của những học sinh quê mùa, thật thà kể cả khi họ đã trở thành những cán bộ cấp cao như giám đốc công ty, giám đốc sở công an tỉnh … Tình cảm này không có nhiều ở học sinh thành phố mà tôi dạy sau này. Nhìn những giáo viên trẻ sau này, tôi hơi buồn khi thấy họ tròn như hòn bi, không có một cái gai nào để xù ra cả. Phần lớn sức lực họ bỏ ra là để lấy lòng ban giám hiệu và học sinh. Có lẽ mỗi thời mỗi khác, không so sánh với nhau được.
NCT
Xin mời bạn đọc và cùng chia xẻ những chuyện bây giờ mới kể của bạn tiếp nối cùng NCT,
Enjoy!
NHỮNG NĂM THÁNG ĐẦU ĐỜI ĐỨNG LỚP
Cầm trong tay giấy giới thiệu đi nhận nhiệm sở, tôi và anh bạn cùng lớp háo hức lên đường hướng về Bà Rịa. Nhiệm sở đầu tiên của chúng tôi là trường Dầu Khí Vũng Tàu thuộc Tổng Cục Dầu Khí VN. Mọi người chúc mừng chúng tôi được về một chỗ ‘ngon’, thu nhập cao.
Trước năm 75, miền nam có một cơ quan chuyên phụ trách các vấn đề của công chức. Đó là Tổng Nha Công Vụ (TNCV), cơ quan lo toàn bộ các thủ tục cho công chức từ việc bổ nhiệm cho đến lên lương, tăng bậc, khen thưởng, kỷ luật. Hàng năm, các cơ quan nhà nước (kể cả các trường học) phải có dự kiến nhân sự trong năm sắp tới và gởi cho TNCV. Từ các dự kiến này, TNCV sẽ điều phối nhân sự cho các cơ quan. Các trường đại học, dạy nghề cũng được TNCV báo số liệu để có kế hoạch đào tạo cho phù hợp. TNCV làm việc khá hiệu quả. Thí dụ một công chức hay giáo viên bị buộc thôi việc sẽ không thể làm cho nhà nước nữa. Vì nếu người này sau đó nộp đơn xin việc vào một cơ quan nhà nước dù ở một tỉnh đèo heo hút gió nào đó. Hồ sơ xin việc cũng được chuyển về TNCV. Nơi đây sẽ nhận ra được người này đã bị kỷ luật và thông báo về tỉnh cho biết không tiếp nhận người này. Như vậy tỉnh đó do quen biết hay ăn hối lộ có muốn nhận cũng không được. Như vậy, quyền nhận hay không nhận một người vào làm công chức nhà nước là do TNCV.
Tôi phải nói dài dòng một chút để các bạn hiểu khi chúng tôi đến Bà Rịa, việc đầu tiên của chúng tôi là đi tìm nhà trọ trước khi vào trường Dầu Khí. Chúng tôi đinh ninh việc tiếp nhận chúng tôi là bắt buộc, trường không có quyền từ chối. Đi loanh quoanh trong xóm gần trường, chúng tôi bị những hộ dân trong xóm phát hiện ra ngay. Khi biết chúng tôi là giáo viên mới ra trường đang tìm nhà trọ, các hộ tranh nhau nhận chúng tôi về nhà của họ. Các chủ nhà cho chúng tôi ở miễn phí. Họ giải thích xóm gần như không có đàn ông. Khi tôi hỏi lý do, họ lúng túng nói đàn ông lên núi hết rồi. Sau đó tôi mới biết một phần đàn ông đi đánh cá dài ngày, một phần đi vượt biên mất rồi. Một bà chủ nhà nói “Tụi tui chỉ nhận mấy chú ở trọ thôi, không nhận mấy cô”. Tôi ngạc nhiên hỏi tại sao thì bà ấy nói mấy cô có kỳ hàng tháng nên‘dơ’ lắm. Thật hết biết những suy nghĩ lạc hậu vẫn tồn tại ở thế kỷ này. Phụ nữ mà lại không thông cảm cho phụ nữ gì hết!
Vậy là chúng tôi yên tâm chỗ trọ rồi. Bây giờ chúng tôi vác ba lô đến trường trình diện. Trưởng phòng tổ chức xem giấy tờ của chúng tôi xong và nói:
_ Chúng tôi sẽ nhận anh ban KNH, còn anh ban Điện chúng tôi không có nhu cầu nên không nhận.
Chúng tôi rất ngạc nhiên nói “Chúng tôi đến nhận nhiệm sở, sao chú lại nhận người này, không nhận người kia như thế. Chú có nhu cầu về loại giáo viên kỹ thuật nào thì trường chúng tôi mới điều về chứ”.
Ông trưởng phòng tổ chức nói:
_ Chúng tôi cần nhiều giáo viên kỹ thuật nhưng phải chờ các anh đến chúng tôi mới xem lại nhu cầu của trường để nhận hay không nhận. Chỗ chúng tôi không nhu cầu về điện thì nhận anh này sao được.
Tôi cố ‘ra giá’:
_ 2 anh em chúng tôi cùng nhau từ Sài Gòn xuống đây thì sẽ cùng làm hoặc cùng về. Chú đã nhận thì nhận cả hai còn nếu không thì chú hãy viết vài chữ không nhận để chúng tôi trở về Sài Gòn lại.
Ông trưởng phòng tổ chức ngạc nhiên:
_ Tôi làm công tác tổ chức mấy chục năm nay bây giờ lần đầu tiên mới thấy chuyện giáo viên xin việc lại ra điều kiện ngược lại với chúng tôi. Thôi, nếu anh đã cương quyết như vậy thì tôi sẽ không nhận cả hai để các anh về với nhau.
Tôi và anh bạn ‘vui vẻ’ từ biệt trường Dầu Khí dù có hơi tiếc nuối. Sau này cũng có một số bạn khác được trường giới thiệu về đây để dạy. Họ chỉ dạy được khoảng 2, 3 năm rồi cũng phải lần lượt ‘cuốn gói’ ra đi. Tôi gặp một bạn và được bạn này cho biết trường có nhiều phe phái lắm nên các bạn phải quyết định rời trường. Giáo viên miền nam khó lòng trụ lại được ở ngôi trường ‘béo bở’ này. Nghe xong tôi cũng hú hồn. Nếu lúc đó tôi chấp nhận ở lại trường đó, có lẽ chỉ một hai tháng là tôi sẽ ‘lên đường’ chứ không được vài năm như các bạn đâu.
Tôi và anh bạn ban Điện lại tiếp tục nhận giấy về trình diện tại trường sơ trung cấp kỹ thuật Đồng Nai. Trường này trước năm 75 là căn cứ quân sự của Mỹ, lúc gần giải phóng mới được chuyển thành trung tâm huấn nghệ của chế độ cũ. Chúng tôi được tiếp nhận nồng nhiệt. BGH mừng vì thấy lần đầu tiên có hai giáo viên tốt nghiệp đại học sư phạm kỹ thuật về. Những giáo viên kỹ thuật về trước chúng tôi xuất thân từ các trường cao đẳng hoặc trung cấp. Nhóm giáo viên đầu tiên về trường này là những giáo viên dạy những môn văn hóa. Người có bằng cấp cao nhất là cử nhân và thấp nhất là … lớp 11. Giáo viên nam chiếm đa số, giáo viên nữ chỉ có 4 người.
Học sinh đang có ở trường là những học sinh đang học bổ túc văn hóa. Họ học từ lớp1 theo chương trình bổ túc cấp tốc cho đến lớp 9 để chuẩn bị vào học kỹ thuật. Chúng tôi đi tham quan một vòng qua các lớp đang học. Khuôn viên trường quá rộng. Các lớp nằm rải rác chứ không tập trung từng dãy như trường bình thường. Thật bất ngờ khi hầu hết học sinh đã lớn tuổi. Phần lớn xuất thân là công an, cán bộ phường xã, du kích, … Tôi khá bối rối khi biết điều này. Tôi chưa chuẩn bị tinh thần để đối mặt với học sinh lớn tuổi hơn mình. Nghe các thầy cô dạy văn hóa kể tình hình dạy và học ở trường chúng tôi càng e ngại hơn. Đa số học sinh ở đây đã lớn tuổi và từ vùng quê lên nên việc tiếp thu kiến thức rất khó khăn. Các thầy cô còn cho biết học sinh không thích các thầy cô vì họ cho là các thầy cô ăn mặc theo kiểu tư sản, quần loe, áo bó (mốt thời đó) là tàn tích của Mỹ ngụy.
Một thầy kể, có hôm bước vào lớp, anh ấy thấy trên bàn học sinh có 6 viên đạn được xếp dựng đứng thành hàng ngay ngắn trên bàn học sinh. Anh ấy thấy rờn rợn nhưng vẫn cố như không thấy để giảng bài bình thường. Một cô giáo kể có hôm phải bật khóc vì vừa bước vào lớp đã nhìn thấy khoảng 6, 7 cái đầu học sinh hớt trọc lóc. Những anh học sinh cho biết hớt trọc cho … mát. Giáo viên không thể nói gì vì những chuyện này không phạm nội quy trường.
Mới chân ướt chân ráo ra trường mà nghe các chuyện này, chúng tôi cũng hơi nản lòng. Các giáo viên kỹ thuật chưa người nào đứng lớp vì chưa có học sinh kỹ thuật. Hàng ngày họ phải lên phòng giáo vụ để soạn bài, nghiên cứu tài liệu. Nhóm giáo viên văn hóa làm việc ở tầng trệt còn nhóm giáo viên kỹ thuật làm việc ở tầng trên. Khi chuyện trò với nhau tôi mới biết những giáo viên kỹ thuật về trước tôi không ai tốt nghiệp sư phạm hết (đa số giáo viên văn hóa cũng không phải từ trường sư phạm ra). Họ xuất thân từ các trường cao đẳng hoặc trung cấp kỹ thuật về trình diện tại Sở Công Nghiệp (đơn vị chủ quản của trường kỹ thuật và một số nhà máy, xí nghiệp). Họ tưởng sẽ được phân công về xí nghiệp chứ không ngờ bị phân về trường kỹ thuật. Chính vì vậy, tôi và anh bạn ban điện được coi là sáng giá nhất ở thời điểm đó.
Chỉ sau vài tuần đến trường, tôi được hiệu trưởng phân công dạy sư phạm cho … các giáo viên trong trường trong … 3 ngày. Tôi nhận lời, soạn bài một tuần và … lên lớp . Các giáo viên học rất nghiêm chỉnh, không chút tự ái. Tôi nhận được 3 đồng tiền công cho việc này.
Hầu hết các giáo viên ở Sài Gòn nên phải ở nội trú luôn trong trường. Mỗi phòng ở có 4 giáo viên. Các phòng này trước đó dành cho sĩ quan Mỹ ở nên cũng rất khang trang và tiện nghi. Mỗi giáo viên có một giường nệm để ngủ. Phòng tắm cẩn gạch men rất sạch sẽ có cả vòi sen và bàn cầu cao lịch sự. Bên cạnh mỗi phòng đều có lô cốt chiến đấu. Các cửa sổ đều trống trơn, không có song sắt để lính Mỹ có thể nhanh chóng nhảy ra khỏi phòng đến lô cốt chiến đấu. Ngay giữa sân trường, một lô cốt lớn xây bằng đá xanh có các lỗ châu mai hướng ra tứ phía.
Một hôm, tôi đang ngồi soạn bài thì được lệnh xuống gặp hiệu trưởng. Hiệu trưởng là một người đàn ông trung niên, khá to lớn với nét mặt khắc khổ, có chút dữ dằn làm tôi hơi rờn rợn. Ông ấy tự giới thiệu với giọng ồm ồm và chân chất đặc trưng của người miền nam:
_ Tôi là một đại úy du kích được bố trí làm hiệu trưởng ở đây. Thú thiệt, tôi không rành về trường học cũng như về kỹ thuật. Tôi sẽ quyết định thầy làm phó phòng giáo vụ, thầy giúp tôi trong việc điều hành, tổ chức các hoạt động giáo dục. Hiện nay, trường hoàn toàn không có một tài liệu gì về giáo dục. Thầy phải đi tìm các chương trình, giáo trình, và các tài liệu liên quan đến tuyển sinh để chuẩn bị mở những lớp học kỹ thuật. Tôi sẽ cấp giấy giới thiệu đến những nới thầy cần và cho xe ô tô đưa thầy đi. Đây là công tác khẩn nên mong thầy cố gắng làm cho nhanh.
Tôi nghe mà thấy lùng bùng lỗ tai. Công việc được giao quá sức của tôi. Tôi không được đào tạo để làm công việc xây dựng một trường học từ con số 0 như thế này. Bắt đầu từ cái gì? Các tài liệu gồm những gì? Tìm ở đâu mới có? … Những câu hỏi liên tiếp quay cuồng trong đầu của tôi. Tôi có tật xấu là khi phải suy nghĩ nhiều, mặt tôi tự động nhăn lại như … khỉ ăn ớt.
Hiệu trưởng thấy tôi im lặng và đang trình diễn vẻ mặt sầu thảm nên nói thêm:
_ Tôi biết việc này rất nặng nề với thầy. Tôi hy vọng thầy sẽ cố gắng hết sức với tinh thần thanh niên vượt khó để hoàn thành công tác được giao. Tôi sẽ hỗ trợ mọi yêu cầu thầy đặt ra cho công tác này.
A! Ông này nhắc tôi về tinh thần thanh niên. Tôi là một thanh niên ‘trụi lũi’ với nhiệt tình ‘bốc lửa’, dù đã qua mấy khóa hội Thanh Niên Liên Hiệp mà vẫn bị gạch tên không được làm … hội viên. Còn đoàn viên thì ngoài tầm với xa lắc. Tôi chợt phấn khích khi nghĩ tới việc tôi sẽ làm được mà không cần phải là hội viên hay đoàn viên. Tôi vui vẻ nói với hiệu trưởng:
_ Con sẽ nhận việc này. Chú cứ yên tâm là con làm được mặc dù con chưa làm lần nào.
Như vậy ngay từ khi mới chập chững ra trường, tôi đã được làm ‘quan’. Ghê thật! Tôi được đi xe hơi chạy mọi nơi để xin tài liệu, chương trình, giáo trình, … Hồi đó chưa có photocopy nên những nơi chỉ có một bản tài liệu, tôi phải ký mượn để đem về cho nhân viên trường đánh máy sao chép lại (Thời điểm đó, việc liên hệ công tác rất thoải mái, không khó khăn, bắt bẻ nhau như sau này). A! Có một chi tiết góp phần vào việc liên hệ thành công là tôi vẫn mặc áo bỏ trong quần, đi giày, trong khi những cơ quan tôi tới liên hệ, hầu như mọi người đều áo bỏ ngoài quần và đi … dép. Công việc diễn ra suôn sẻ hơn tôi nghĩ. Khi được tôi báo cáo kết quả công tác, ông hiệu trưởng rất vui và mời tôi tối đó ra nhà ông (ở gần trường) … nhậu. Đúng là ‘tác phong’ của dân nam bộ.
Trong thời gian đi liên hệ công tác bằng xe hơi, một tai nạn giao thông làm tôi nhớ mãi. Chiếc xe đang chạy với vận tốc không nhanh, bỗng một em bé khoảng 5, 6 tuổi vụt chạy ra trước đầu xe. Tài xế vội thắng lại nhưng chiếc xe vẫn lao tới. Tôi chỉ thấy đứa bé chấp chới trước đầu xe và biến mất khỏi tầm nhìn. Khi xe dừng lại, tôi quay ra sau nhìn vẫn không thấy đứa bé đâu. Tôi rụng rời tay chân khi nghĩ đứa bé chắc chết kẹt cứng dưới gầm xe rồi. Bỗng nhiên một chiếc đầu ló lên phía sau xe, đứa bé loạng choạng đứng lên, quần áo đầy đất cát. Tôi mừng quá mở cửa xe chạy đến đứa bé. Thật kỳ diệu, nó chỉ bị sây sác nhẹ ở tay chân. Một bé gái, chị của em bé này chạy đến ôm em mình. Tôi xem xét kỹ đứa bé thì thấy nó không bị gãy chiếc xương nào hết. Hú vía! Tôi móc 5 đồng ra đưa cho cô chị “Em cầm tiền này đi mua thuốc bôi cho em nhé, nhớ mua bánh cho em luôn. Lần sau mấy đứa đừng chạy ra đường như vậy, nguy hiểm lắm”. Hai đứa nhỏ mừng rỡ cầm tiền chạy vụt đi. Khi lên xe, tôi hỏi tài xế thắng xe không ăn phải không thì anh ấy trả lời làm tôi ‘lạnh gáy’ luôn:
_ Thắng xe không hư, chỉ có điều tôi phải dùng xà bông bột thay cho dầu thắng nên khi thắng phải đạp nhồi nhiều cái mới thắng xe lại được.
_ Sao anh lại thay dầu thắng bằng xà bông bột? Tôi là dân cơ khí nhưng chưa bao giờ nghe chuyện vô lý này.
_ Tôi làm đơn xin thay dầu thắng mấy tháng nay rồi nhưng chưa được cấp nên phải dùng xà bông bột thay tạm. các tài xế miền bắc chỉ tôi ‘mánh’ này đó.
Nghe anh tài xế nói, tôi muốn rụng tim luôn. Tôi hiểu được lúc đó khó khăn quá, xin mấy cây viết, xấp giấy cũng gian nan vô cùng. Người ta hay nói ‘Cái khó ló cái khôn’ nhưng cái ‘khôn’ này nguy hiểm quá. Thần kinh tôi căng như sợi dây đàn suốt hành trình còn lại.
Một hôm ông hiệu trưởng lại mời tôi vào phòng để giao nhiệm vụ:
_ Hiện nay, trường đang gấp rút cho số học sinh bổ túc tốt nghiệp cấp 2 để chuẩn bị vào học kỹ thuật. Các giáo viên văn hóa đã quá nhiều giờ rồi nên các thầy phải dạy bổ túc phụ thêm cho các giáo viên đó cho kịp tiến độ đào tạo.
Thế là tôi trở thành giáo viên dạy toán cho lớp 9. Tôi nhận dạy môn hình học không gian vì các giáo viên toán không thích môn này lắm vì nó cần óc tưởng tượng trong không gian, học sinh rất khó hình dung ra được. Trước khi lên lớp một ngày, các giáo viên văn hóa nhắc nhở tôi:
_ Anh nhớ khi lên lớp, phải bỏ dép ở bên ngoài rồi mới vào lớp. Học sinh sẽ nổi giận và không cho anh vào lớp nếu anh vẫn mang dép vào đó. Còn một điều nữa là học sinh sẽ không đứng lên chào giáo viên đâu. Anh đừng mong chờ chuyện đó.
Tôi ngạc nhiên hỏi lại:
_ Chuyện gì lạ vậy? Mình là giáo viên sao phải theo những yêu cầu vô lý của học sinh như vậy? Tôi không tưởng tượng được việc đi chân không đứng lớp. Kỳ quá! Còn việc học sinh và giáo viên chào nhau để tôn trọng nhau là thể hiện sự văn minh lịch sự mà. Đâu phải chỉ có học sinh chào giáo viên.
_ Từ lúc đầu đến giờ, tụi tôi đều phải đi chân không vào dạy như vậy thôi. Đây là những học sinh đặc biệt. Đa số họ là công an, du kích, giao liên, cán bộ được cử đi học. Có lớp hơn 2/3 là đảng viên, có cả các dũng sĩ diệt Mỹ, dũng sĩ diệt Úc nữa. Họ hàng ngày lau sàn gạch bông sáng bóng luôn nên họ quí sàn nhà lắm. Buổi trưa, nhiều người không ngủ trong ký túc xá mà lên lớp nằm dài trên gạch bông ngủ cho …mát. Tất cả họ đều bỏ dép ở ngoài nên mình cũng làm vậy để khỏi gây căng thẳng, khó dạy học lắm.
_ Ủa! Nếu họ là cán bộ thì họ phải hiểu yêu cầu như vậy là kỳ cục chứ. Tôi không thể chiều theo ý họ được. Họ là gì trước đó tôi không quan tâm. Trong lớp học, họ là học sinh, tôi là giáo viên. Tôi có quyền hạn của giáo viên chứ.
_ Thôi tùy anh tính. Tụi tôi chỉ nhắc anh thôi. Tụi tôi sợ nếu làm căng quá thì mình là người bị thiệt thòi chứ không phải họ.
_ Tôi cám ơn các anh chị đã cho tôi biết. Nhưng ngày mai, tôi vẫn đi giày vào lớp. Họ không chịu thì tôi không dạy. Còn việc chào, tôi nghĩ tôi có thể giải thích cho họ hiểu được. Cùng lắm, tôi làm đơn chuyển công tác. Đơn giản thôi mà!
Hôm sau, các giáo viên hồi hộp theo dõi tôi lên lớp. Tôi vẫn mặc áo sơ mi bỏ trong quần, mang giày da đánh xi ra bóng loáng lên lớp. Khi đến trước cửa lớp, tôi dừng lại nhìn vào lớp. Các cặp mắt không mấy thiện cảm nhìn ra và đồng loạt các miệng la to “Thầy bỏ giày ở ngoài, không được mang giày vào lớp”. Tôi cười thật tươi ở mức có thể:
_ Chào các anh chị. Tôi là giáo viên mới, đến đây dạy toán. Tôi sẽ vào lớp dạy với trang phục chỉnh tề để tôn trọng các anh chị. Nếu anh chị bắt tôi bỏ giày ra thì chẳng khác nào anh chị bắt tôi phải coi thường anh chị.
_ Không nói lung tung. Bỏ giày mới cho vào lớp.
_ Vậy thì tôi rất tiếc phải nói với anh chị là tôi chỉ có hai chọn lựa. Một là tôi đi giày vào lớp dạy. Hai là tôi sẽ xin chuyển công tác, không dạy ở đây nữa.
_ Về làm đơn đi chỗ khác đi. Tụi tôi không cần biết.
_ Vậy thôi, tạm biệt các anh chị.
Tôi quay lưng chậm rãi đi lên phòng hiệu trưởng. Tôi nghe trong lớp xôn xao “Ông này coi bộ lạ à. Ổng có vẻ ‘cứng’ hơn mấy thầy cô kia. Hình như ổng là giáo viên kỹ thuật”. “Kệ ổng! Vô lớp mình phải theo luật lớp mình”.
Tôi gặp hiệu trưởng và trình bày tình hình tôi vừa gặp phải. Tôi nói:
_ Con rất tiếc không thể công tác ở trường này được. Con không quen việc lên lớp với đôi chân không. Con thấy nó bôi bác quá. Thôi thì con sẽ viết đơn xin chuyển công tác và mong chú ký duyệt dùm con.
_ Thầy bình tĩnh lại đi. Tôi sẽ xuống đả thông tư tưởng cho lớp. Thầy cứ yên tâm ngồi chờ ở đây.
Tôi chờ cả nửa tiếng đồng hồ vẫn không thấy hiệu trưởng quay về. Tôi đi ra ngoài gặp các giáo viên và nhân viên văn phòng đang xôn xao bàn tán. Thấy tôi, họ nói:
_ Anh ghê thiệt. Anh vẫn cười cười nói từ từ, không giận dữ lớn tiếng. Mà anh cũng nói gọn thiệt. Chỉ một chút xíu là thấy anh bỏ đi rồi. Đúng là tác phong nhà giáo số một.
_ Các anh chị quá lời rồi. Tôi thất bại vì không thuyết phục được học sinh thì hay cái gì được. Sao hiệu trưởng giải quyết gì mà lâu vậy?
_ Tình hình nặng nề lắm. Hiệu trưởng và lớp cãi nhau kịch liệt. Không bên nào chịu bên nào. Anh đến gần nghe thử đi.
Khi đến gần lớp, tôi mới thấy đúng là tình hình rất căng thẳng. Cả hai bên đều lớn tiếng “Các đồng chí phải biết… Đồng chí phải hiểu cho lớp … Chúng tôi đã hy sinh xương máu … Thầy cô gì mặc quần áo sặc mùi Mỹ ngụy …”
Trời đất! Chuyện lớn hơn tôi nghĩ rồi. Không còn là chuyện bỏ giày hay không bỏ giày nữa. Quả thật đúng như vậy. Khi hiệu trưởng không thuyết phục được lớp, ông ấy khẩn cấp báo lên cấp trên. Ngay ngày hôm sau, phó chủ tịch tỉnh đến trường. Ông này yêu cầu họp toàn bộ học sinh ở sân trường. Ông ấy nói rất lâu, tôi có nhớ một đoạn làm tôi thắc mắc đến bây giờ. Đó là đoạn:
_ … Các đồng chí đã làm vương làm tướng gì mà kể công với cách mạng. Các đồng chí có biết đồng chí Phạm Văn Đồng cũng phải nghiêm túc đứng lên chào một cô giáo mới 18 tuổi không? Tinh thần cách mạng của các đồng chí thể hiện ở đâu? Chính là ở đây …. Các đồng chí đứng lên khi thầy cô bước vào lớp, không phải là các đồng chí chỉ chào các thầy cô mà các đồng chí đang chào cả guồng máy nhà nước… Bây giờ không còn là thời kháng chiến, các đồng chí phải làm quen với tác phong mới, phải lịch sự, đàng hoàng … Thí dụ đoàn Cuba đến tham quan trường, các đồng chí bắt họ phải bỏ giày dép ra mới được các đồng chí cho vào à! Để họ nói dân trí VN thấp à! Để thế giới người ta cười dân VN nghèo đói đến nỗi không biết đi giày dép à! …
Bài nói chuyện của ông phó chủ tỉnh rất hay và sắc bén. Nhưng có chi tiết về thủ tướng Phạm Văn Đồng tôi đã hỏi nhiều người nhưng không ai biết. Vì vậy đến giờ tôi vẫn chưa biết chi tiết này có thật không. Các học sinh cũng không vừa. Cuối cùng, họ chấp nhận để giáo viên đi giày dép vào lớp sau khi phải chùi giày dép vào tấm giẻ ở cửa lớp và đồng ý đứng lên chào thầy cô với điều kiện thầy cô phải vào lớp, đứng nghiêm, quay mặt về phía học sinh.
Tự dưng tôi trở thành ‘người hùng’ dưới mắt các thầy cô văn hóa. Tôi phải phân bua với các thầy cô tôi làm như vậy chỉ vì tính ngang ngang không giống ai thôi. Tôi chỉ giữ đúng cương vị của giáo viên khi lên lớp. Những thầy cô cũng chia sẻ sự lo ngại là tôi sẽ gặp khó khăn khi lên lớp. Tôi nói tôi chấp nhận sự căng thẳng lúc đầu. Nhưng sau đó, tôi sẽ cố gắng cho họ thấy hình ảnh thật của tôi và tôi nghĩ họ sẽ thay đổi cách nhìn. Với nhiệt tình của tuổi trẻ, tôi cố gắng dạy một cách đơn giản nhất môn hình học không gian. Tôi phải làm các mô hình bằng giấy bìa các đề bài toán để học sinh nhìn ra được một cách cụ thể. Tôi dùng cách ‘dọa’ học sinh là khi bắt đầu học kỹ thuật, học sinh sẽ gặp những hình khó hơn nhiều so với những mô hình này. Tôi sẵn sàng giải thich thêm ngoài giờ khi học sinh thắc mắc chưa hiểu. Các giáo viên toán thích thú với cách dạy của tôi. Họ tiếp thu được một số ‘mánh’ của tôi để áp dụng cho bài dạy về không gian của họ. Họ nói họ rất ngán khi dạy môn hình học không gian vì đa số học sinh thấy nó khó hiểu quá. Tôi nói với họ đây là chuyên môn của tôi. Nghề của tôi là vẽ kỹ thuật tức là phải tưởng tượng tốt các khối trong không gian.
Suốt mấy năm trời dạy tại trường này, tôi vẫn là hình ảnh không giống ai khi lên lớp, vẫn bỏ áo trong quần và đi giày. Sau này, mấy đôi giày của tôi bị hư vì cũ quá, tôi mới chuyển qua mang săng đan lên lớp. Điều tôi rất mừng là học sinh bắt đầu nhìn tôi bằng ánh mắt khác. Buổi tối, học sinh thường thấy tôi ngồi trầm ngâm bên ly cà phê hàng giờ, không nói chuyện với ai. Một vài học sinh bắt đầu ghé vào bàn cà phê ngồi nói chuyện với tôi. Nhờ những buổi nói chuyện này, thầy trò hiểu nhau hơn. Những học sinh lớn tuổi tỏ vẻ thích tôi hơn trước mặc dù quan niệm sống của tôi và họ vẫn còn nhiều khác biệt. Họ nói thật là lúc đầu họ ghét tôi vì nghĩ tôi thuộc loại bon chen để lấy lòng cấp trên như họ thường gặp ở đời. Họ cũng ngạc nhiên khi thấy tôi không sợ họ vì họ là cán bộ như một số giáo viên khác. Sau này, khi tham gia các chiến dịch cải tạo công thương nghiệp và đổi tiền, họ càng hiểu rõ về tôi hơn. Thậm chí có mấy lần, học sinh với tư cách là đảng viên đứng ra bảo lãnh tôi được kết nạp vào đoàn tại hiện trường. Nhưng cuối cùng … thất bại vì đoàn trường không chấp nhận.
Một tối nọ, một học sinh từng uống cà phê với tôi nhiều lần, đến ngồi cạnh tôi. Học sinh này là học sinh lớn tuổi nhất mà tôi dạy. Anh ấy 43 tuổi trong khi tôi mới 22 tuổi. Sau một lúc nói chuyện phiếm, anh ấy có vẻ do dự, nhìn quanh rồi hỏi tôi:
_ Tôi nói thiệt với thầy nghe. Tôi tin thầy nên mới hỏi thầy chuyện này. Tôi thắc mắc hoài không biết hỏi ai.
_ Anh cứ nói. Nếu tôi biết thì tôi sẵn sàng trả lời thôi. Đừng ngại gì hết.
_ À hèm … À hèm … Theo thầy thì ‘cái đó’ đẹp hay xấu.
Tôi ngạc nhiên quá nhưng không dám lộ ra ngoài. Chết thật! Tôi tưởng anh ấy hỏi chuyện tình cảm trai gái vì anh này lớn tuổi nhưng còn độc thân hoặc anh ấy hỏi cách vẽ các cô gái (Mặt sau cuốn tập của anh ấy toàn hình cô du kích cầm súng mà anh ấy tự vẽ ra). Tôi cố gắng câu giờ:
_ Tôi chưa hiểu ý anh lắm. Anh có thể nói lý do anh hỏi như vậy không?
_ Khi tôi bị chính quyền ngụy bắt. Mỗi lần bị thẩm vấn, tra hỏi, tôi thấy tấm hình một cô gái ở truồng rất lớn, ngồi dạng chân treo sau lưng tên cảnh sát. Tôi thấy cái đó ghê quá không giống như tôi tưởng tượng. Vậy thiệt sự nó có đẹp không?
Thiên địa ơi! Các môn học trong nhà trường đâu có môn nào dạy tôi cách xử lý trong tình huống oái oăm này. Tôi đành tìm cách nói loanh quanh, ‘ba phải’:
_ Câu hỏi này khó trả lời chính xác được. Xấu hay đẹp là do mình. Thí dụ anh có người yêu thì anh sẽ thấy cái đó của người yêu anh dễ thương, hấp dẫn. Nhưng nếu anh thấy một bà điên trần truồng chạy ngoài đường thì anh sẽ thấy cái đó ghê quá. Đúng ra nó chỉ là một bộ phận của con người như … cái tay, cái chân thôi. Chắc anh từng thấy những cánh tay thon thả, dễ thương, thấy muốn cầm lên hun một cái hoặc anh cũng từng thấy những cánh tay ghẻ lở, đen thui, anh không muốn nhìn lâu. Vậy đẹp hay xấu, yêu hay ghét là do cái đầu mình quyết định thôi anh. Có lẽ mỗi lần anh bị tra tấn, cơn đau thể xác trộn lẫn với hình ảnh cái đó làm anh thấy ghê sợ nó.
_ Tôi cũng hơi hơi hiểu. Vậy là mình muốn nó đẹp thì nó đẹp; muốn nó xấu thì nó xấu phải không?
_ Ừ. Đại loại như vậy.
Tôi thấy anh ấy còn phân vân chưa thỏa mãn lắm. Tôi bèn phải giở chiêu ‘tiếu lâm’ ra để không khí đỡ căng thẳng:
_ Thôi thì tôi nói thêm như thế này cho anh dễ hiểu. Anh thấy trong lịch sử không? Có những ông vua với vô số cung tần mỹ nữ, cuối cùng cũng bị mất ngôi vì cái đó của một mỹ nhân thôi. Như vậy có thể nói cái đó đẹp và hấp dẫn các ông.
Kết luận … ngang xương như trên trời rớt xuống của tôi lại bất ngờ làm anh này vui hẳn lên.
_ Phải, phải. Đúng vậy. Nó phải đẹp chứ. Tôi thường mơ thấy nó đẹp mà. Vậy đúng như thầy nói, tôi bị đánh đau nên tưởng nó xấu thôi.
Tôi biết là giải thích như vậy kỳ cục nhưng thôi, kết quả anh ấy không còn bị ám ảnh trong đầu nữa là tốt rồi. Phù! Hú hồn hú vía! Tôi phải kiềm chế để không phì cười vì chợt nhớ đến ba tôi hay kể chuyện tiếu lâm về cái đó.
Cuộc sống khó khăn nên các giáo viên phải tranh thủ trồng rau, trồng cây, đánh bắt cá (trường có ao nhỏ bỏ hoang), bắt rắn, lươn, ếch, dơi để thêm chất cho bữa ăn. Tôi sống ở thành phố từ nhỏ nên kiến thức về nông thôn gần như con số không. Tôi phải học kinh nghiệm từ những giáo viên có gốc ở quê. Họ rành việc trồng trọt, đánh bắt thú vật, làm bẫy thú… Các bạn đồng nghiệp cười ngất khi thấy tôi không phân biệt được con ếch và con cóc, thấy tôi ngạc nhiên khi lần đầu tiên biết cây khoai mì. Nghe tiếng ễnh ương kêu tôi giật mình tưởng bò nhà ai rống làm các bạn tôi cười nghiêng ngả. Những đêm mưa, anh em rủ nhau đi soi ếch, câu lươn. Anh em ướt lạnh nhưng rất vui khi cùng nhau ngồi xuýt xoa húp cháo ếch, cháo lươn ngọt ngào và nóng hổi. Tôi không quên được những buổi bắt dơi ở trên trần nhà của các dãy nhà trong trường. Chúng tôi lấy cây quơ lung tung, các con dơi bị đập trúng rớt xuống rất nhiều. Chúng tôi bắt được đầy một xô lớn. Nhưng khi đem xuống, các bạn tôi chỉ lựa những con dơi bụng vàng, còn những con dơi bụng đen họ thả ra không lấy. Họ nói những con dơi bụng đen rất hôi, không ăn được. Cả xô dơi cuối cùng chỉ lựa được khoảng 20 con dơi bụng vàng. Anh em lại có một nồi cháo dơi ngon lành, tạm quên những khó khăn của cuộc sống.
Thời khó khăn, nhà ăn không có cả nước mắm. Họ lấy nước cơm cháy pha với muối để làm ra cái gọi là nước mắm. Hầu như ngày nào nhà ăn cũng cho ăn cá. Tôi không biết ăn cá nên chỉ lấy cơm về phòng ăn với xì dầu (mùi cá trong nhà ăn tanh quá, tôi không ngồi ăn được). Đồng Nai và Sông Bé là hai tỉnh trong nam có mức ăn độn cao nhất, cao điểm là 95% độn, chỉ có 5% là gạo. Loại độn là bo bo, khoai mì tươi hoặc khô, bắp, bột mì tùy từng thời điểm. Hàng năm, thầy trò phải đi tăng gia trồng khoai mì, lúa nhưng năng suất rất thấp vì không phải là nông dân chính gốc. Tôi nhớ một hôm lãnh phần ăn về mà đau lòng: 6 trái bắp luộc cứng như đá và đang mọc mầm cùng chén muối ớt. Phần lớn thời gian này chúng tôi được ăn bo bo hoặc bột khoai mì nắn lại từng bánh tròn dẹp được luộc chín (chúng tôi gọi là bánh xe lịch sử) và chấm ‘nước mắm’ tự chế của nhà ăn. Điều rất lạ là phái nữ lại hợp với bo bo, họ tăng cân đều đều, trong khi phái nam bị giảm cân liên tục. Lúc đó, tôi chỉ nặng 40 kg, Có lần học sinh chụp hình tôi và lớp, họ nói nhìn hình tôi giống … bác Hồ lúc trẻ.
Sau đó, tôi phải cắt cơm nhà ăn, tự nấu ở phòng mình. Trong những ngày đói kém này, tôi thấy ăn gì cũng ngon. Mỗi tháng được mua nửa ký thịt, ai cũng lui cui kho mặn để dành ăn trong nhiều ngày. Ai cũng có thói quen nhai miếng thịt thật lâu để tận hưởng hương vị thịt hiếm hoi trong tháng. Những lần xe thương nghiệp đến bán mực, chuối, đậu hũ, cá, … Tất cả đều cân kí. Giáo viên nhốn nháo cả lên. Ai đang đứng lớp cũng cố gắng nhắn bạn mua giùm hoặc … bỏ lớp chạy về mua. Hầu như các thứ thương nghiệp bán, chúng tôi đều kho, phơi khô để dự trữ được lâu.
Tôi không quen nấu nướng lắm nên chỉ có thể làm trứng chiên, trướng luộc cho các bữa ăn. Nhưng không phải bữa nào cũng có trứng. Với mức lương 85% của 64 đồng (thời gian tập sự), mặc dù là khá cao so với các đồng nghiệp, nhưng bữa ăn của tôi cũng chỉ là rau muống, rau cải luộc hoặc xào thôi. Cơm thì bữa khê, bữa sống; thức ăn thì bữa khét, bữa nát. Những thứ đem phơi khô như chuối, mực thì bị chuột, mèo ăn nham nhở. Đã nghèo còn mắc eo. Chán thật. Nhưng cũng chưa chán bằng anh bạn cùng nhà. Được phân nửa kí mỡ tiêu chuẩn, anh chàng hí hửng thắng lấy mỡ nước để dành chiên xào. Thấy anh thắng mỡ xong, tôi rủ anh ấy đi uống cà phê. Tôi đi trước, ở trong phòng, anh ấy đổ phần mỡ nước còn đang sôi vào tô … nhựa. Đến lúc về phòng, chúng tôi bị trượt té một loạt. Bật đèn lên thì ôi thôi, tô nhựa bị mỡ nóng làm chảy nhão ra, mỡ đổ hết xuống sàn nhà làm chúng tôi bị trượt té. Thế là đi tong tiêu chuẩn của cả tháng. Nhìn vẻ mặt đau khổ của anh ấy giống như mới đọc xong bộ ‘Vong quốc sử’.
Tôi không có ‘tay nuôi’ nên nuôi gà, gà lăn ra chết; nuôi heo mọi từ lúc nó cỡ lon gui gô, mấy tháng sau nó chỉ lớn bằng con mèo rồi không chịu lớn nữa. Tôi trồng chuối thì chuối không có trái, trồng đu đủ thì chỉ được những trái lớn hơn ngón cái là chúng vàng chín rồi, trồng đậu xanh thì nó ra lá xum xuê, che kín cả cửa sổ phòng nhưng cũng không có trái. Chán quá, cuối cùng tôi không nuôi con gì, trồng cái gì nữa. Tôi nhìn những con gà mập ú, những quày chuối vàng ươm, những trái đu đủ to đùng của các bạn tôi mà thấy thèm.
Người mà tôi va chạm nhiều nhất trong trường là ông trưởng phòng tổ chức. Khi vợ sắp cưới lên thăm tôi, cô ấy nắm khuỷu tay tôi đi vào trường. Ngày hôm sau, tôi bị kêu lên phòng tổ chức làm kiểm điểm với tội nam nữ cặp kè nhau trong trường, làm giảm uy tín của giáo viên. Tôi vừa ngạc nhiên vừa giận dữ tranh luận tay đôi với vị trưởng phòng sống ở thế kỷ thứ 10 này quyết liệt. Cuối cùng, tôi không phải làm kiểm điểm gì hết.
Một lần khác, gia đình một học sinh tặng một con gà choai choai. Vợ tôi đem ra hàng ba làm thịt. Ngay hôm sau, tôi cũng bị triệu tập lên phòng tổ chức viết kiểm điểm lý do tại sao học sinh tặng con gà. Một lần nữa, tôi lại tranh cãi dữ dội vơi ông ta về việc này. Tôi nói phụ huynh tặng quà cho giáo viên là chuyện bình thường. Ông ta nói không thể bình thường, tôi phải sửa điểm, nâng đỡ gì đó nên mới có quà, đó là hối lộ. Tôi phải thách ông ta trưng bằng chứng tôi làm sai để nhận hối lộ. Ông ta vẫn kiên quyết buộc tội tôi và yêu cầu tôi cho biết tên phụ huynh của học sinh đó để điều tra. Khi tôi nói phụ huynh đó là H., giám đốc sở XYZ, ông ta mới khựng lại:
_ À! Đồng chí H. à! Vậy nà đồng chí đó quan hệ tốt với đồng chí lên mới tặng gà rư thế. Quý hóa quá! Vậy mà đồng chí không lói ngay từ đầu. Thôi, đồng chí yên tâm về phòng công tác nhá!
Một sự thay đổi 180 độ ngoạn mục mà tôi chưa từng thấy!. Tôi bắt đầu hiểu thêm về trò đời.
Lại một lần khác, khi gia đình tôi nhận giấy báo thăm nuôi anh tôi đang học tập cải tạo diện sĩ quan chế độ cũ. Tôi làm đơn xin phép nghỉ một ngày để đi thăm anh tôi ở Tây Ninh. Lại ngài trưởng phòng tổ chức một lần nữa ra oai với tôi:
_ Tôi không cho đồng chí nghỉ. Chuyện thăm luôi để ra đình đồng chí đi được rồi.
Tôi cố trình bày tôi là con trai lớn sau anh tôi, cha mẹ tôi lớn tuổi không đi xa được, các em tôi còn nhỏ. Ông ta vẫn khăng khăng không chấp thuận:
_ Anh trai đồng chí thuộc thành phần có lợ máu với nhân rân. Đồng chí không thể tiếp xúc, không tốt cho tư tưởng chính trị của đồng chí. Đồng chí có 2 chọn nựa. Một nà công tác bình thường, hai nà nàm đơn xin thôi việc rồi đi thăm luôi anh mình.
Máu nóng tôi bốc lên đầu:
_ Đây là giấy nhà nước cho thăm nuôi chứ không phải tự ý tôi đi. Tôi có gia đình chứ không phải từ đất nẻ chui lên. Tôi vẫn công tác tốt và tôi cũng có gia đình phải chăm lo. Được rồi, tôi chọn cách 2. Bây giờ tôi qua chú Sáu (hiệu trưởng trường) chào một tiếng rồi sẽ bỏ việc.
Tôi xăm xăm bước ra khỏi phòng. Ông ta vội chạy theo níu lại:
_ Đồng chí lóng lảy thế! Vào uống nước chè đã lào! Không phải tôi không muốn cho đồng chí đi. Tôi chỉ lêu những thuận nợi và tác hại khi đồng chí đi thăm luôi thôi mà. Thôi được. Đồng chí cứ đi nhá và nhớ động viên anh mình học tập tốt nhá!
Phù! Tôi học thêm một trò đời nữa rồi. Sở dĩ ông ta xuống nước chỉ vì ông ta biết tôi đang là cánh tay phải của hiệu trưởng. Tôi đã tích cực xây dựng trường từ những bước đầu, chắc chắn hiệu trưởng không để tôi bỏ việc vì một chuyện trên trời rớt xuống như vậy.
Vậy mà chưa hết. Tôi lại bị hành một lần nữa khi nộp đơn xin nghỉ 3 ngày làm đám cưới. Ông ta lại phán ngon lành:
_ Không được. Đám ma là ‘bị động’ lên mới rải quyết. Đám cưới là ‘chủ động’, không rải quyết được. Đồng chí chọn chủ nhật mà nàm đám cưới để không ảnh hưởng đến công tác.
Tôi muốn nổi điên lên vì lập luận quái gở của ông ta:
_ Tôi làm đám cưới vào ngày chủ nhật. Nhưng tôi xin nghỉ thứ bảy, thứ hai trước và sau đám cưới vì đây là tiêu chuẩn đám cưới được nghỉ 3 ngày. Chú không đọc trong đơn à?
_ Ờ nhẩy (ờ nhỉ)! Tôi không để ý. Xin lỗi nhá! Chúc đồng chí hạnh phúc nhá!
Ông ta làm khó dễ vì tôi không mời ông ta dự đám cưới. Đám cưới của tôi đặc biệt hơn đám cưới của các giáo viên trong trường là tôi không mời bất kỳ người nào trong ban giám hiệu và các chức sắc trong trường. Tôi đã đi dự đám cưới của các giáo viên khác nên tôi rất ngán mời các vị quan chức. Hết quan này đến quan kia thay nhau lên phát biểu dài dòng, hai họ ngồi đói meo chờ đợi. Nhưng tôi cũng còn đủ khôn phân bua với các vị đó là nhà tôi nghèo, chỉ làm đám cưới đơn sơ, không mời nhiều được để họ không phiền lòng.
Cuối cùng, tôi cũng bị tay trưởng phòng tổ chức ‘chơi’ một cú đau điếng. Khi tôi hết hạn tập sự, tôi nộp đầy đủ hồ sơ xét hết tập sự. Sau đó, tôi thấy lâu quá mà chưa thấy quyết định hết tập sự nhưng tôi vẫn nghĩ chắc do thủ tục hành chánh rùa bò nên nén lòng chờ đợi. Đến khi đã một năm rưỡi đã qua mà không thấy quyết định hết tập sự, tôi đến phòng tổ chức hỏi. Tay trưởng phòng trả lời:
_ Anh khai man lý lịch, cha anh là trung úy thời Pháp mà anh giấu, không khai.
Tôi giận điên người lên:
_ Trong hồ sơ xét hết tập sự, chỉ có bản sơ yếu lý lịch, đâu đủ chỗ ghi chi tiết. Trong khi đó, chú có trong tay quyển lý lịch của tôi, tôi đã khai đầy đủ lý lịch của tôi trong đó kể cả việc ba tôi là trung úy.
_ Còn điều khác lữa. Anh có đạo thiên chúa mà nại khai không có tôn ráo.
_ Ai nói tôi theo đạo thiên chúa? Tôi không có đạo thì tôi khai không có đạo chứ. Dân có đạo họ sẵn sàng bỏ việc chứ không bỏ đạo đâu!
_ Anh nà dân ri cư lăm tư mà không có đạo thiên chúa nà sao?
Má ơi! Tôi á khẩu với tay trưởng phòng này rồi. Ngu không chừa cho ai ngu hết! Vậy là tôi bị trễ tập sự mất một năm rưỡi luôn. Tôi có khiếu nại lên trên nhưng không ăn thua gì hết.
Tôi cũng không buồn mà chỉ bực mình tay trưởng phòng tổ chức hay ra oai. Tôi không thể đòi hỏi hơn một người có trình độ ‘cao siêu’ quá. Trình độ ‘cao siêu’ thể hiện khi ông ta đọc mẫu thống kê ‘Số đảng viên tuổi 17 – 25 là: …’. Ông điền vào chỗ trống là 1 người. Tôi thấy lạ nên nhắc ông “Số đảng viên tuổi từ 17 đến 25 ở trường mình đâu có ít vậy?”. Ông ta cãi “Anh biết rì mà lói. Người ta đâu có in ‘từ’ và ‘đến’ đâu! Người ta hỏi số đảng viên 17 tuổi và 25 tuổi là bao nhiêu mà.”. Tôi đành bó tay luôn!
Sau đó, năm 1977, trường bắt đầu tuyển sinh khóa công nhân kỹ thuật đầu tiên. Một quan chức ở tỉnh xuống cằn nhằn “Chỉ đào tạo ra công nhân thôi mà, sao cần yêu cầu phải hết cấp 2 như vậy. Lấy đâu ra đủ con em đạt tiêu chuẩn như vậy”. Tôi phải nén lòng giải thích đây là tiêu chuẩn của nhà nước chứ không phải của trường. Tuy vậy, ông ấy vẫn càu nhàu “Tiêu chuẩn gì quái đản vậy không biết”.
Thời gian đầu tôi rất vất vả. Tôi phải lên kế hoạch, chương trình các lớp, các môn, sắp xếp thời khóa biểu những giờ học văn hóa, giờ học lý thuyết và khó nhất là các giờ thực hành ở các xưởng. Có những giờ nghề chỉ học qua ban vài tuần, có những nghề phải học suốt năm. Ở ĐH, tôi chỉ được học chung chung về quản trị xí nghiệp, cơ cấu trường kỹ thuật nên rất lúng túng trong việc sắp xếp. Không lần nào đổi thời khóa biểu mà không bị đụng giờ. Tôi phải loay hoay sắp xếp lại. Việc đưa lộn đầu điếu thuốc đang cháy đỏ vào miệng trở nên thường xuyên hơn. Cuối cùng, mọi việc cũng êm xuôi. Tôi thích thú nhìn guồng máy nhà trường chuyển động tốt đẹp.
Mặc dù nơi đây có một thời gian ngắn là trung tâm dạy nghề của chế độ cũ, nhưng dụng cụ, thiết bị rất thiếu thốn. Tôi thấy trước trường có đường ray xe lửa cũ bỏ lâu nên đề nghị hiệu trưởng cho cắt ra đem về rèn làm búa, đục cho học sinh thực tập. Một người bạn nói thép của ‘hàng rào ấp chiến lược’ rất tốt có thể rèn cuốc xẻng được. Lúc đầu tôi không tin vì nó chỉ là hàng rào, Mỹ đâu cần phải dùng thép tốt. Nhưng tôi cũng lấy một thanh hàng rào về rèn thử. Không ngờ thép tốt thật. Thế là có đủ vật liệu để làm cuốc xẻng cho trường. Sau này, tôi biết thêm thép ở khung ba lô của Mỹ cũng là thép tốt có thể làm lưỡi bào, lưỡi nạo gỗ.
Cũng ở thời điểm khó khăn này, các cơ sở làm vỏ xe đạp cần nhiều bao cát của Mỹ để làm lớp bố cho vỏ xe. Thế là cả thầy lẫn trò lùng xục khắp trường để lấy bao cát đem đi bán. Trường là căn cứ quân sự của Mỹ trước đây nên bao cát nhiều vô kể. Thầy trò có thêm chút thu nhập cho cuộc sống.
Điều tôi ngán nhất là số đạn dược còn sót lại từ thời chiến tranh, rải rác khắp nơi trong trường. Thỉnh thoảng học sinh đốt cỏ khô quanh trường cho quang đãng, đạn các loại bị nung nóng nổ đì đùng thấy ớn quá. Một lần vào năm 1979, Trung Quốc đánh VN, thầy trò được lệnh đào công sự, hố cá nhân chung quanh chỗ ở. Mỗi nhóm 4 giáo viên một nhà phải đào 2 hố chữ V trước nhà mình. Tôi đang lui cui đào mới được khoảng 3 tấc sâu thì nghe một anh bạn reo lên “A! Tôi đào được cục gì đẹp quá!”. Tôi ngẩng lên nhìn và hoảng hồn quăng cuốc, nằm dài xuống đất và la lên “Lựu đạn M79 đó! Để từ từ xuống đất đi. Coi chừng nó nổ đó!”. Anh chàng này hoảng quá quăng luôn vào lô cốt sát bên. Hú hồn hú vía! Sau đó, các bạn xúm lại hỏi tôi. Tôi thấy lạ vì từng sống trong thời chiến tranh nhưng những giáo viên này rất ít biết về súng đạn. Tôi phải giải thích đây là đạn M79 phóng ra từ súng phóng lựu. Nó bị kẹt chưa nổ và nó có thể nổ bất kỳ lúc nào nếu bị chuyển động, vì chong chóng nhỏ bên trong bật qua khỏi chỗ vướng và tiếp tục xoay tới kích nổ quả đạn. Sau 75, đạn M79 gây thương vong cho khá nhiều người dân khi họ tình cờ đụng phải chúng. Đầu đạn tròn và to như trứng gà nên nhiều người không nhận ra nó là lựu đạn. Các bạn tôi nghe xong le lưỡi ớn lạnh. Họ hỏi tôi phải đã đi lính không. Tôi trả lời tôi chỉ học quân sự học đường thời còn là học sinh cấp 3 và sinh viên thôi.
Tình hình lúc mới giải phóng chưa an ninh lắm nên trường tổ chức trực đêm. Chung quanh trường có 6 chốt trực, mỗi chốt 2 người và một súng trường. Tôi được phân công làm trưởng ca trực đêm, một lần / tuần. Nhiệm vụ của tôi là xách khẩu carbine M1 (súng trường Mỹ cũ) đi vòng vòng kiểm tra các chốt trực. Một lần khi tôi đến gần chốt sau nhà ăn, một giáo viên miền bắc cầm súng bước ra. Anh ta cầm súng chĩa vào tôi cười cười giỡn chơi “Đứng lại . Không tôi bắn!”. Tôi vội la lên “Không chĩa súng vào tôi! Bỏ súng xuống!”. Súng vẫn chĩa thẳng vào tôi, tôi nghe một tiếng ‘cạch’ khi anh ta bóp cò. Tôi hoảng hồn nhảy vội đến, dùng báng súng trường M1 của tôi đánh mạnh văng khẩu súng của anh ta xuống đất. Tôi vừa la vừa nhặt súng lên “Anh biết như vậy là sai quy định không? Ai cho phép anh chĩa súng vào người khác và bóp cò như vậy?. Tôi tháo băng đạn ra, kéo lùi cơ bẩm khẩu súng của anh ta. Tôi choáng người khi một viên đạn văng ra. Tim tôi muốn ngừng đập khi nhìn thấy hột nổ ở viên đạn bị lõm vào. Anh ta chĩa súng vào tôi và bóp cò nhưng may mắn cho tôi là viên đạn bị ‘lép’, không nổ. Tôi ít khi nào la lớn với ai. Nhưng hôm đó, tôi không kìm được giận dữ, tôi vừa nắm áo anh ta vừa hét lên “Anh học quân sự ở đâu? Ai cho phép anh lên đạn sẵn mà lại không khóa an toàn?”. Anh ta cũng đang xanh mặt vì sợ nên ấp úng “Em không biết. Em chưa học quân sự bao giờ hết. Em đâu biết khóa an toàn là gì?”. Nghe xong, tôi ngơ ngác, tôi đinh ninh anh ta ở ngoài bắc, thời chiến tranh phải học quân sự chứ. Tôi ở trong nam, dù không đi lính nhưng vẫn phải học quân sự mà. Tôi cầm viên đạn trong tay mà vẫn chưa hết run. Số tôi chưa chết vì viên đạn này (Đến giờ,tôi vẫn giữ viên đạn này làm kỷ niệm ). Tôi tịch thu súng của chốt đó. Sáng hôm sau, tôi phải báo cáo với hiệu trưởng về việc tối hôm qua. Tôi đề nghị hiệu trưởng không cho các chốt gác giữ súng nữa trừ phi người gác biết sử dụng súng. Hiệu trưởng triệu tập giáo viên, công nhân viên lại. Ông hỏi từng người xem ai đã học quân sự. Kết quả làm ông bất ngờ: Một nửa hoàn toàn không học quân sự, một nửa có học nhưng không được bắn súng bao giờ. Chỉ 3 người biết sử dụng súng, trong đó một người là cựu lính chế độ cũ, 2 người là bộ đội chuyển ngành. Anh giáo viên miền bắc cố gỡ tội, cho rằng tôi là trưởng ca trực nhưng cũng chỉ là dân sự, không biết súng ống. Tôi buộc lòng phải đưa giấy chứng nhận tôi đã học quân sự 1 buổi / tuần ở cấp 3 và một tháng quân sự liên tục ở ĐH, và tôi đưa luôn bằng và huy hiệu thiện xạ carbine M1 của tôi để chúng minh cho hiệu trưởng xem. Cuối cùng, hiệu trưởng đồng ý với đề nghị của tôi, chỉ cấp gậy cho các chốt thay cho súng. Chắc chỉ có ở VN mới xảy ra chuyện đưa súng cho người không biết sử dụng súng.
Thời đó, cuộc sống mọi người rất khó khăn. Một anh bạn giáo viên (cũng thuộc loại cóc cắn, cóc liếm)ra quán cà phê đầu đường gần trường để phụ bán cà phê. Đúng ra, gia đình anh này cũng khá giả nhưng anh ấy thích làm như vậy. Hiệu trưởng họp hội đồng kỷ luật để xử. Anh ấy nói đồng lương không đủ nên phải làm thêm. Hiệu trưởng hỏi:
_ Lương thầy 42 đồng, đóng tiền nhà ăn 2 buổi là 16 đồng. Còn dư 22 đồng để chi tiêu lặt vặt, sao thiếu được?
_ Cơm nhà ăn tệ quá, tôi phải mua thêm thức ăn ở ngoài. Hơn nữa, tôi là người chứ đâu phải là heo chỉ biết ăn. Tôi còn có những nhu cầu giải trí khác nữa chứ.
_ Thầy làm ở quán cà phê, học trò gọi cà phê thầy cũng bưng ra sao?
_ Bưng chứ! Lúc đó, tôi là nhân viên bán cà phê mà. Khi có giờ, tôi vẫn lên lớp nghiêm chỉnh. Nhà nước đâu có quy định nào cấm chuyện này. Bưng cà phê chứ có phải ăn cắp ăn trộm đâu.
Ở cương vị là quyền trưởng phòng giáo vụ, tôi trao đổi với anh ấy trước phiên họp, khuyên anh ấy không nên ‘cương’ quá nên anh ấy cũng không làm căng thẳng phiên họp lắm. Cuối cùng, hiệu trưởng cũng chỉ cảnh cáo, không cho anh ấy ra bưng cà phê ngoài quán nữa vì sẽ gây hình ảnh không tốt dưới mắt học sinh. Lý do chính để anh ấy không bị đuổi vì lúc đó rất thiếu giáo viên. Người nào cũng phải dạy sáng, chiều trên 40 tiết / tuần.
Một bạn khác cũng ‘cóc cắn’ không kém. Anh ấy mới lấy vợ, đưa vợ lên ở chung trong phòng. Sáng sớm, tôi qua kêu cửa rủ đi uống cà phê như thường lệ. Anh ấy nói “Anh cứ đẩy cửa vào đi!”. Tôi đẩy cửa vào, nhìn thấy anh ấy vừa ngồi dậy, vợ anh ấy đang trùm chăn kín mít từ đầu tới chân trên giường. Anh ấy nói “Em ngồi dậy chào anh T. đi”. Cô vợ ú ớ trong chăn “Anh kỳ quá!”. Anh bạn này giật tấm chăn ra “Em bất lịch sự quá! Anh T. vào thì ngồi dậy chào chứ nằm hoài vậy!”. Cô vợ cuống quýt kéo chăn lại “Đừng mà anh!”. Tôi giật mình khi thấy một phần thân trên của cô vợ ló ra khỏi chăn. Trời ơi! Cô vợ không mặc quần áo. Tôi vội chạy ra khỏi phòng vẫn còn nghe tiếng anh bạn cười, nói với vợ “Anh T. chứ ai lạ đâu mà mắc cỡ. Đẹp thì khoe, xấu thì che mà!”. Anh bạn này là tay gây cười số một của trường. Anh ấy được giáo viên và cả học sinh thích nhiều vì tính vui vẻ.
Cũng chính anh bạn thích vui vẻ này một lần làm tôi hết hồn. Tôi bước vào xưởng hàn định nói chuyện chơi với anh ấy thì thấy mọi người la hét chạy ùa ra 2 đầu xưởng “Chạy mau. Nó nổ đó”. Tôi cũng hết hồn bỏ chạy theo. Anh bạn này nói “Bình gió đá nổ”. Anh ấy phân bua “Tôi xin thay dây cũ quá nhưng người ta chưa cung cấp dây mới. Tôi phải cho một học sinh đứng canh bình đá, nếu thấy hiện tượng ‘nuốt lửa’ phải khóa van liền. Nhưng vừa rồi nó khóa chưa kịp nên bị đồng hồ áp suất ở đầu chai nổ nám mặt. Tụi tôi phải chạy thoát ra”. Một lúc sau, thấy không có gì xảy ra, chúng tôi lục tục kéo nhau vào xưởng. Một tiếng rên rỉ từ dưới gầm bàn hàn “Thầy ơi cứu em!”. Thì ra có một học sinh khá mập sợ quá chui xuống bàn hàn và bị mắc kẹt luôn chui ra không được. Cả đám cười ồ lên, xúm lại nâng bàn hàn để học sinh này chui ra. Thời đó, xin cung cấp vật tư, máy móc còn khó hơn lên thiên đàng nữa. Thầy trò phải sống chung với nguy hiểm từng ngày.
Tôi bị hiệu trưởng nhắc nhiều lần “Thầy cố gắng phấn đấu vào đoàn đi. Thầy là cán bộ phụ trách phòng mà chỉ là thanh niên quần chúng coi sao được”. Tôi phân bua mấy lần tôi được đề nghị kết nạp đoàn tại hiện trường khi tham gia các công tác cải tạo công thương nghiệp và đồi tiền, nhưng lần nào cũng bị đoàn trường bác bỏ. Anh bạn bí thư đoàn trường là giáo viên dạy lý. Anh ấy đã là đối tượng đảng và đang phấn đấu vào đảng. Tôi với anh ấy không thân thiết lắm nên tôi không rõ anh ấy không thích tôi vì lý do gì. Một hôm, tôi nhận được đơn của một lớp khiếu nại về việc anh bạn này chưởi lớp là ‘ngu như bò’. Tôi mời anh ấy lên làm việc, đưa lá đơn cho anh ấy xem để hỏi chuyện đó đúng sai như thế nào. Anh ấy xanh mặt, xin tôi một điếu thuốc để hút (anh ấy không biết hút thuốc). Sau một lúc suy nghĩ, anh ấy năn nỉ tôi thu xếp chuyện đó êm xuôi và nói thêm đợt này tôi chuẩn bị hồ sơ đề được kết nạp đoàn. Tôi được kết nạp đoàn khi chỉ còn một năm nữa là hết tuổi đoàn. Cuộc đời đúng là như một trò hề. Rất tiếc, tôi cũng là một anh hề vô duyên!
Nhìn lại quãng đường đã qua, tôi nhận ra sự nhiệt tình, vô tư và háo thắng của tuổi thanh niên. Sẵn sàng làm việc với bầu nhiệt huyết, chấp nhận đối đầu tóe lửa mà phần thiệt thường về mình. Bù lại tôi nhận được tình cảm chân thành của những học sinh quê mùa, thật thà kể cả khi họ đã trở thành những cán bộ cấp cao như giám đốc công ty, giám đốc sở công an tỉnh … Tình cảm này không có nhiều ở học sinh thành phố mà tôi dạy sau này. Nhìn những giáo viên trẻ sau này, tôi hơi buồn khi thấy họ tròn như hòn bi, không có một cái gai nào để xù ra cả. Phần lớn sức lực họ bỏ ra là để lấy lòng ban giám hiệu và học sinh. Có lẽ mỗi thời mỗi khác, không so sánh với nhau được.
NCT
Comment