Announcement

Collapse
No announcement yet.

Trời đất bao la (1) - Phạm Tín An Ninh

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Trời đất bao la (1) - Phạm Tín An Ninh


    Định cư ở Nauy hơn ba năm, sau khi ổn định công việc làm ăn và việc học hành cho mấy đứa con, tôi tổ chức một chuyến Âu du bằng xe hơi. Chiếc xe Ford của tôi vừa cũ kỹ vừa nhỏ, không thể nào vượt qua một chặng đường trên dưới mười ngàn cây số khứ hồi, và dĩ nhiên cũng không đủ chỗ cho một gia đình lớn nhỏ tám người. Lại nghe mấy người bạn tới trước hù, bảo là trên xa lộ Âu châu vào mùa hè, chạy một cái xe cũ có thể bị giữ lại giữa đường và nộp tiền phạt vì cái tội làm trở ngại giao thông. Tôi mướn một cái xe mới toanh mười hai chỗ ngồi, có máy lạnh và kính mát đàng hoàng. Tôi không muốn bất cứ điều gì làm mất cái hứng thú cho cuộc hành trình đầu tiên của chúng tôi trên những đất nước mà trước đây tôi đã từng một thời mơ ước nhưng chẳng bao giờ nghĩ là có một ngày được đi qua. Tôi và đứa con trai lớn vừa mới đủ tuổi lấy bằng lái xe, thay nhau làm tài xế. Bà xã và cô con gái lớn chịu trách nhiệm xem bản đồ và theo dõi lộ trình.

    Tuần lễ đầu tiên, chúng tôi rất thích thú khi đi qua những vùng đất xa lạ, mà ngày trước tôi chỉ biết mơ hồ qua sách vở. Sau một ngày, băng qua hai đất nước hiền hòa Thụy Điển, rồi Đan Mạch, chúng tôi sang Hamburg, thành phố lớn cực bắc của Tây Đức. Thời gian này nước Đức còn chia đôi, nên vừa mới đến ranh giới là không khí đã căng thẳng. Cảnh sát với súng ống dầy người, trông mặt người nào cũng đằng đằng sát khí làm tôi nhớ tới hình ảnh của Hitler trong bộ phim dài chiếu mỗi tuần trên truyền hình Nauy. Vừa mới thoát ra cảnh chiến tranh tù đày ở quê nhà, lại được định cư tại một quốc gia ban phát giải Nobel Hòa bình, tôi không muốn phải ngộp thở trên quê hương của ông Hitler, nên sau khi qua khỏi Frankfurt, tôi rẽ sang Hòa Lan. Một đất nước mà tôi nghe như huyền thoại: nằm dưới mặt nước biển trung bình, có một con đập dài nhất thế giới, cũng là một xa lộ băng qua biển. Chạy xe trên con đập này, tôi cứ ngỡ mình đang lái tàu chạy giữa biển khơi. Xứ sở của hoa Tulip, với vườn hoa lớn và đẹp nhất thế giới, những chiếc quạt gió cùng những con kênh đào thơ mộng.

    Ở thủ đô Amsterdam, có một nơi dành cho những người nghiện đến nhận thuốc phiện miễn phí của chính phủ; nguyên cả một khu phố lớn dọc theo bờ sông thơ mộng lại là một khu dành cho mấy cô gái điếm đủ sắc dân. Đây là một cơ sở kinh doanh, có đóng thuế cho nhà nước, nên dược cảnh sát bảo vệ. Trước mỗi nhà là một cái tủ kiếng, bày hàng thật cho khách bốn phương chiêm ngưỡng. Hàng thật là một hay hai cô gái thoát y 90%, dĩ nhiên phải là đẹp, đứng như những pho tượng nữ thần Hy lạp. Chúng tôi ghé thăm gia đình mấy ngưòi bạn cùng quê, sống rải rác khắp nơi. May mà đất nước Hòa Lan này không rộng lắm, lái xe từ bắc xuống nam chỉ mất khoảng bốn tiếng đồng hồ. Dừng lại nhà một người bạn ở Bergen op Zoom, thành phố biển phía nam chúng tôi tha hồ ăn sò huyết và những con "hàu". Mấy loại này ở đây chỉ cần lội xuống biển mười phút là mang lên cả thùng nướng ngay tại chỗ. Hôm sau, chúng tôi sang Bỉ, Lục Xâm Bảo, và cuối cùng chúng tôi đến Pháp.

    Điểm đến cuối cùng cũng là nơi quan trọng nhất mà chúng tôi muốn đến. Tôi dành một nửa thời gian, hai tuần lễ còn lại, cho cái xứ sở mà lúc còn nhỏ, khi học lịch sử thì tôi thù ghét, nhưng khi học văn chương thì tôi lại mê thích nó. Nào là tháp Eiffel bên dòng sông Seine tình tự, nào là nhà thờ Notre Dame cổ kính mà tôi mơ hồ thấy trong phim Thằng Gù ở nhà thờ Đức Bà, nào là vườn Luxembourg, nơi hẹn hò của bao cặp tình nhân. Tôi bắt gặp đâu đó những đứa trẻ trong Sans Famille của Hector Malo, những người đàn bà trong Les Misérables , và cả những bến tàu có cảnh tiễn đưa trong Oceano Nox của Victor Hugo. Chúng tôi ở trong khách sạn của một người Hà Nội, sang Pháp lập nghiệp từ hơn 50 năm trước. Khách sạn nằm trên con phố chính trong quận 13, nơi có đông ngưòi Việt Nam sinh sống.

    Hơn một tuần ở Paris, chúng tôi xuôi về miền Nam nước Pháp. Thành phố Nice nằm bên bờ Đại Tây Dương, gần thành phố Cannes nơi qui tụ những tài tử điện ảnh hằng năm, và không xa đất nước Monaco với những sòng bài và những chuyện tình nóng bỏng của mấy nàng công chúa. Mười ngày nằm trên thành phố biển này, tôi tạm quên những bất hạnh trong quá khứ và những gì đang xảy ra trên quả đất có quá nhiều phiền muộn này.

    Rời Nice, chúng tôi trở lại Paris trước khi về Nauy. Trời mùa hè đang nóng, bà xã và mấy cô con gái của tôi đề nghị chạy ban đêm, vừa cho mát vừa được ngắm những thành phố rực rỡ trong ánh đèn. Nhìn trên bản đồ, tôi thấy trên đường đến thành phố Lyon, mình có thể dừng lại Grenoble rồi rẽ sang Genève của Thụy Sĩ,, xem thử nơi đã cho ra đời cái hiệp định làm khốn khổ quê hương mình ra sao. Như được trở lại thời trận mạc xa xưa, tôi gọi cả bầu đoàn thê tử lại để ban bố " lệnh hành quân". Chúng tôi không đi theo xa lộ 85 mà chọn con tỉnh lộ nhỏ trực chỉ Grenoble. Tôi đích thân xem bản đồ hướng dẫn cho cậu con trai làm tài xế. Rời Nice lúc 7 giờ tối. Sau hơn ba giờ từ "tuyến xuất phát", tôi mới biết là mình đã sai lầm khi xử dụng con đuờng tắt này. Vì chúng tôi bắt đầu chạy qua một khoảng rừng và những đồng lúa mì mênh mông, không thấy một bóng người.

    Đang mơ màng thì nhìn thấy phía đầu xe bốc khói. Tôi ra dấu cho đứa con trai dừng lại, bảo cả nhà xuống xe gấp. Khói trước xe vẫn còn bốc lên mờ mịt. Tôi tái mặt , vì bao nhiêu năm nay, từ lúc còn ở Việt nam cũng như sang đây, ngoài việc cầm vô- lăng và đổ xăng ra tôi có biết gì về xe cộ nữa đâu. Chờ cho khói tan hết và rờ vào nắp xe thấy không còn nóng, tôi mở nắp xe lên bảo cậu con trai rọi đèn pin vào máy nhìn thử. Đến đường cùng thì làm như phản xạ tự nhiên vậy thôi, chứ tôi có biết cái gì trong máy đâu mà xem. Nhìn quanh một chập, tôi cảm giác có điều gì lạ lạ. Cuối cùng tôi mớí phát hiện là sợi dây cu-roa không còn nữa. Nước trong bình đã bốc hơi không còn một giọt. Thấy tôi xách đèn pin trở lại, bà vợ và đám con gái đang nằm trên bờ cỏ ruộng lúa mì, ngồi bật dậy. Nghe tôi ra lệnh " đóng quân tại vị trí " vì xe hư không biết khi nào mới chạy được, bà vợ xỉ vả cho tôi một trận, bảo hèn chi ngày xưa ông đánh giặc thua là phải, đừng có đổ thừa tại tụi Mỹ nó phản bội bỏ miền Nam.

    Tôi bảo đám đàn bà con gái lên xe nằm và khóa cửa lại cẩn thận, vì biết đâu khu này có thú dữ. Đàn bà coi dữ vậy chứ nhát gan, ríu rít tuân lệnh. Tôi và thằng con trai đi vòng vòng xem có nhà cửa gì không. Nhưng tất cả đều tối om, tĩnh mịch. Đến gần một giờ sáng, khi tôi đang nằm mơ màng trên ruộng lúa, thì nghe có tiếng động. Dường như là tiếng của một loại động cơ nào đó, càng lúc càng gần hơn. Một lúc sau, tôi thấy có ánh đèn từ khu ruộng lúa chay ra. Một chiếc máy cày. Ai đi cày ruộng vào giờ này ? Chưa kịp tìm câu trả lời cho thắc mắc của mình, chiếc máy cày đã dừng lại trước mặt tôi.

    Qua ánh đèn xe, tôi thấy một người đàn ông trẻ, có lẽ là người Pháp, bước xuống tiến lại phía chúng tôi. Cử chỉ anh ta không phải là một người gian. Tôi yên tâm. Anh hỏi chúng tôi bằng tiếng Pháp, anh nói từng chữ vì sợ chúng tôi không hiểu:

    - Chắc là xe các anh bị hư ? Có cần tôi giúp điều gì không?

    Lúc còn đi học, Pháp văn là sinh ngữ chính của tôi. Vậy mà lâu quá không xử dụng, tôi hiểu tiếng được tiếng mất, vừa trả lời vừa ra dấu:

    - Xe tôi bị đứt dây cu-roa, khô hết nước, không chạy được nữa.

    - Các anh ở tỉnh nào tới ?

    - Chúng tôi từ Nauy sang, chứ không phải ở Pháp. Trên đường từ Nice về, thì xe bị hỏng.

    Anh bảo bây giờ đã khuya rồi, nhà anh cũng ở gần đây, anh sẽ giúp chúng tôi kéo xe về nghỉ tạm, rồi ngày mai sẽ tính..Tôi mừng rỡ gật đầu. Anh ra dấu cho tất cả chúng tôi lên xe.

    Chiếc máy cày kéo xe và chúng tôi chạy lòng vòng chỉ khoảng 10 phút thì về đến nhà. Trời tối, tôi không thấy gì ngoài mấy cái nhà khá lớn nằm dưới những tàng cây. Anh đưa chúng tôi vào một gian phòng rộng, mang thêm vài tấm nệm và mấy cái mền mỏng. Một chập sau anh lại mang vào bánh mì, phô- mát, và một ấm cà phê nóng, rồi chúc mọi người ngủ ngon.

    Lạ nhà, nhưng có lẽ vì mệt quá, nên khi chúng tôi thức dậy thì trời đã sáng tự lúc nào. Kim của chiếc đồng hồ lớn treo trên tường chỉ 8 giờ 10 phút. Mở cửa sổ nhìn ra ngoài, tôi mới biết đây là một nông trại khá lớn. Chưa kịp gọi bà vợ và mấy đứa con dậy xem, thì có tiếng gõ cửa. Anh bạn trẻ tốt bụng tối hôm qua đến dắt tôi chỉ khu nhà tắm, nhà vệ sinh, rồi dặn tôi khoảng 45 phút nữa, anh sẽ trở lại đón chúng tôi ăn sáng.

    Ngồi vào bàn ăn, anh giới thiệu vợ và hai đứa con nhỏ. Cô vợ khá xinh, vui vẻ, lúc nào miệng cũng cười, vừa nói vừa làm dấu với mấy đứa con gái của tôi.

    - Các anh là người Việt Nam ? Anh ta vừa bưng tách cà phê vừa hỏi.

    - Nhưng làm sao anh biết được vì ở bắc Âu cũng có nhiều người Tàu, người Đại Hàn , người Thái Lan và cả người Nhật nữa? Tôi không trả lời mà hỏi ngược lại anh.

    - Tôi không nói được nhưng hiểu một ít tiếng Việt. Bà ngoại tôi là người Việt Nam mà. Mẹ tôi cũng sinh ra và lớn lên ở Việt Nam. Lúc còn sống bà nhớ Việt Nam lắm và thường kể cho chúng tôi nghe những thắng cảnh bên ấy. Đặc biệt, bà thường nhắc đến một thành phố có tên là Đà Lạt. Bà bảo nơi đó thật thơ mộng và có những nơi hò hẹn thật dễ thương cho những cặp tình nhân. Tội nghiệp, bà mới mất hơn hai năm nay, trong một tai nạn xe hơi cùng cô em gái duy nhất của tôi.

    Ăn điểm tâm xong, anh đưa chúng tôi vào thăm phòng đọc sách. Một tấm bản đồ Việt nam thật to treo trên vách. Anh chỉ cho chúng tôi thành phố Đà Lạt mà mẹ anh thường kể cho anh và cô em gái nghe mỗi lần bà nhớ về quê mẹ.

    Càng lúc chúng tôi càng thấy gần gũi và thân thiết với gia đình anh bạn trẻ có một chút gốc gác Việt Nam này. Anh bảo vợ anh đưa chúng tôi đi thăm khu nuôi bò sữa và vắt đem về vài lít sữa tươi để chúng tôi dùng thử, trong khi anh lấy xe chạy ra phố tìm mua sợi giây cu-roa để thay cho xe chúng tôi. Mấy cô con gái của tôi rất thích thú khi được cô chủ nhà chỉ cho cách vắt sữa bò. Sau đó chúng tôi vào thăm một vườn nho.

    Khi trở về, thì anh ta đã sửa xong cái xe và đang cho máy nổ thử. Thấy chúng tôi, anh cười đưa ngón tay cái lên báo hiệu là xe đã tốt. Anh tắt máy xe và giao chìa khóa lại cho tôi. Tôi chưa kịp trả tiền sợi giây cu-roa và nói lời cám ơn thì anh đã vỗ vai mời chúng tôi ở lại chơi với gia đình anh vài hôm. Anh bảo là lâu lắm anh mới gặp được những người đến từ quê ngoại. Thấy ông bà chủ hiếu khách, phong cảnh ở đây hữu tình, lại có sẵn sữa tươi và rượu nho, bà xã và mấy cô con gái cười nheo mắt nhìn tôi. Tôi hiểu ý và nói với anh là chúng tôi chỉ có thể ở lại một đêm. Trưa ngày mai chúng tôi phải lên đường.

    Ăn cơm chiều xong, trời dịu mát, anh đề nghị chúng tôi đi thăm khu vườn cam nằm trên ngọn đồi. Vào vườn cam chúng tôi có cảm tưởng như lạc vào một chốn thiên thai nào đó. Những hàng cam thẳng tắp, trĩu vàng những quả, mùi hoa cam tỏa ra thơm cả một góc trời. Giữa vườn cam là một công viên nhỏ, trồng đủ các loại hoa. Bên kia công viên, ngay giữa đỉnh đồi là khu nghĩa trang nhỏ của gia đình. Vợ chồng anh mời chúng tôi đến thăm mộ của ba má anh và cô em gái. Ba ngôi mộ xây đơn giản, nhưng lại có nét đẹp cổ kính. Trên mỗi mộ bia đều có một tấm ảnh lồng trong khung kiến. Đến trước từng ngôi mộ, tôi cung kính cúi đầu, chấp hai tay trước ngực và đọc thầm từng tên khắc đậm trên bia..

    Khi đọc đến tên người mẹ:

    JACQUELINE CUVÉRO GAULTIER - tôi bỗng giựt mình.

    Cái tên này tôi thấy quen lắm. Bà mất lúc tròn 50 tuổi. Nhìn tấm ảnh thật lâu, tôi nghĩ đến một người.


  • #2

    Khi về nhà, tôi ngỏ ý muốn xem những tấm ảnh lúc cha mẹ anh còn trẻ. Anh bạn chủ nhà mang đến cho chúng tôi mấy quyển album. Bà xã và mấy cô con gái thì tranh nhau xem quyển album lúc ông bà làm đám cưới và nức nở khen mấy cái áo của cô dâu. Riêng tôi dành lấy tập album cũ với những tấm ảnh đen trắng mà nhiều cái đã ngã màu vàng. Bỗng tôi lạnh người khi xem những tấm ảnh của mẹ anh thời con gái, đặc biệt là tấm ảnh có mái tóc cắt ngắn giống ca sĩ Sylvie Vartan thời cô ta đang nổi tiếng. Chẳng lẽ lại là nàng ? - Không thể nào ! Tôi lắc đầu nói thầm trong miệng.

    Năm học lớp đệ nhất trường Võ Tánh, Nha Trang, dù học không giỏi nhưng tôi cũng cố gắng để được trở thành một thằng sinh viên, dù chỉ là loại sinh viên hạng bét, và cũng để khỏi phụ lòng thương yêu, lo lắng của cha tôi, suốt một đời làm gà trống nuôi con. Vậy mà tôi bị một lúc hai cái tai ương. Tự dưng có một nàng con gái, mà lại là con gái đẹp, yêu tôi. Đang ngụp lặn trong tình yêu thì ông Trời phạt tôi: phận nhà nghèo mà lại đèo bồng yêu người đẹp, nên giáng cho tôi một cơn bệnh thập tử nhất sinh. Vì vậy khi bạn bè vác lều chỏng đi thi, thì tôi đang nằm bất động ở nhà thương tư của bác sĩ Thạch ở đường Trần Quí Cáp. Ba tháng sau, khi vừa xuất viện về tiếp tục điều trị tại nhà, tôi nhận được bức thư tạ từ. Người đẹp đi lấy chồng. Tôi bỏ thành phố Nha Trang, bây giờ với tôi là thành phố buồn, vào Sài gòn lang thang kiếm việc làm thuê để có tiền đi học tiếp. Nhưng rồi cũng chẳng có ai chịu thuê một thằng thư sinh nhà quê như tôi. Vừa buồn vừa không có tiền trả tiền cơm cho bà Cả Đọi, tôi đăng vào lính.

    Khi chân ướt chân ráo vào Sài gòn, tôi chẳng có ai quen, ngoài một bà cô họ xa, trước lấy chồng Tây. Chồng chết, bà ở với mấy đứa con mang hai dòng máu ở sau khu tiệm phở Tàu Bay, Tàu Thủy, trên đường Lý Thái Tổ. Tôi không ngờ trong khu này đa số là những gia đình có con lai Pháp, trắng có đen có, được tòa đại sứ Pháp cưu mang lo lắng từ việc sinh sống tới việc học hành. Hầu hết đều mang quốc tịch Pháp và được theo học ở các trường Tây Sài gòn, Đà lạt. Những ngày cuối tuần tôi thường ghé lại đây chơi. Đang cô đơn ngơ ngác thì được mấy người con của bà cô họ giới thiệu cho tôi nhập bầy với đám Tây lai này. Họ cũng dễ thương và dĩ nhiên là có phong cách Tây lắm. Chiều cuối tuần họ thường tụ tập để ăn uống và nhảy đầm. Anh con cả của bà cô họ tôi là trưởng nhóm, chỉ định một cô bé tóc vàng, có mái tóc ngắn và đôi mắt thật dễ thương dạy tôi nhảy đầm và cũng làm partner cho tôi khi có tiệc tùng. Nghe mọi người trong nhóm gọi cô là Sylvie Vartan, tôi cũng gọi theo, nhưng biết vì khuôn mặt và mái tóc của cô giống người ca sĩ Pháp đang được ái mộ này nên bè bạn gọi đùa, chứ đó không phải là tên thật của cô.

    Chỉ đi chơi với nhóm một vài lần gì đó, thì tôi vào quân trường Thủ Đức. Hôm lễ gắn Alpha, thấy anh em mời thân nhân bạn bè nhiều quá, tôi cũng tủi thân. Gia đình tôi và một số bạn bè thân ở tận Nha Trang, còn ở Sài Gòn này thì tôi tứ cố vô thân. Cuối cùng tôi nghĩ đến ba người con lai Tây của bà cô họ và mời họ đến dự lễ gắn Alpha, rồi sau đó cùng đi dự tiệc với tôi. Hôm ấy cả ba người đều đến và còn dẫn theo nàng con gái Sylvie Vartan. Họ rất thích thú với khung cảnh quân trường và sinh hoạt của lính. Ai cũng chụp chung với tôi một tấm ảnh có mang cầu đai Alpha.

    Sau đó, trong những lần về phép ngắn ngủi, tôi cũng có ghé thăm họ một đôi lần. Đêm ra trường, họ cũng đến dự. Sau đó đưa tôi về Sài gòn, họ làm một buổi tiệc chia tay tôi. và lần này tổ chức tại nhà cô gái có tên Sylvie Vartan. Gia đình cô không ở trong khu Lý Thái Tổ mà có một biệt thự riêng, khá xinh, nằm trên một con hẻm lớn trên Tân Định.

    Tôi không gặp ai trong gia đình của cô hôm ấy, chỉ xem tấm ảnh người cha ruột của cô chụp với mẹ cô khi còn rất trẻ, và cả tấm ảnh chụp gia đình cô bây giờ, với ông cha Việt Nam, một người em gái cũng lai Tây như cô và hai người em nhỏ cùng mẹ khác cha. Mẹ cô có nhan sắc, nên ông chồng mới sau này thuộc loại nhà giàu. Tôi nghĩ như thế.

    Tới hơn hai giờ sáng, tiệc mới tàn. Khi nói lời chia tay, không hiểu vì xa họ không biết khi nào gặp lại hay vì nghĩ đến đời lính chiến nay mai trên rừng núi cao nguyên mà tôi chạnh lòng, muốn khóc. Nàng cũng nhìn tôi nghẹn ngào. Khi mọi người đi tìm áo khoác và mang giày, nàng kéo tôi ra phía sau, tặng tôi một tấm ảnh, rồi bất ngờ hôn tôi trên má.

    Ngồi trên máy bay ra trình diện đơn vị, tôi bất chợt nhớ đến nàng, mở xách tay ra tìm lại tấm ảnh. Nàng có mái tóc thật dễ thương, nhìn kỹ đúng là giống cô ca sĩ Sylvie Vartan. Sau tấm ảnh nàng viết một câu ngắn ngủi: À toi, avec tout mon coeur. Phía dưới cô chỉ ghi là người có mái tóc Sylvie Vartan.

    Nhớ tới nụ hôn bất ngờ tối hôm qua, tôi đưa tay lên sờ má, thấy vẫn còn thoang thoảng một mùi hương. Tôi mỉm cười và nói thầm một mình: Đúng là lãng mạn như Tây.

    Tôi ra đơn vị đúng vào lúc chiến trưòng cao nguyên bắt đầu sôi động, cùng lúc nhóm người Thượng Fulro nổi loạn, giết một số sĩ quan, viên chức hành chánh người Kinh, chiếm một vài nơi, đặc biệt là tỉnh Quảng Đức và một vài quận lỵ. Đơn vị tôi đang tiếp viện cho chiến trường Quảng Nhiêu còn mịt mờ lửa đạn ở bắc Ban Mê Thuột thì được lệnh di chuyển về phi trường Phụng Dực, xử dụng máy bay dân sự của hàng không Việt Nam để đáp xuống Nhơn Cơ, một phi trường bỏ hoang nằm cách tỉnh lỵ Quảng Đức khoảng 30 cây số, do một đơn vị Lực Lượng Đặc Biệt mũ xanh của ta kiểm soát. Thằng trung đội trưởng mới ra trường như tôi làm sao có khả năng để ứng phó với một chiến trường nửa ta nửa địch, mà trong sách vở quân trường không hề nói tới. Lòng tôi thật băn khoăn. Nhưng cuối cùng thì mục tiêu cuộc hành quân Dân Thắng này cũng đạt được. Đơn vị tôi không hề tốn một viên đạn. Mấy lãnh tụ người Thượng thấy quân chủ lực bao vây bốn hướng, cộng với lời thuyết phục tài ba của vị chỉ huy nào đó, đã ra lệnh cho những lực lượng người Thượng buôn súng.

    Nằm trong cái tỉnh khỉ ho cò gáy mà dân chúng sống rải rác trong các buôn làng hầu hết là người thượng, mấy thằng lính trẻ như tôi chỉ có buồn muốn khóc. Ai cũng mong sớm chuyển đi tỉnh khác Vậy mà riêng tiểu đoàn của tôi được lệnh nằm lại đây để giữ an ninh cho dinh điền Đạo Nghĩa nằm trong một thung lũng gần biên giới Cam Bốt. Một trong những dinh điền do Thổng Thống Ngô Đình Diệm ra lệnh sáng lập để thu hút di dân sau 1954.

    Ra trường đã hơn hai năm. Đời lính cao nguyên thật là vất vã và buồn. Nhiều lúc nằm giữa rừng già, nghe tiếng chim kêu vượn hú, tôi thường chạnh lòng nhớ tới thời còn đi học , và khuôn mặt những người quen. Đôi khi tôi cũng chợt nhớ tới cô con gái lai Tây và lấy tấm ảnh ra xem. Đến bây giờ tôi cũng không biết tên thật của nàng. Mà biết để làm gì? Vì giữa nàng với tôi là cả một thế giới cách biệt. Tôi, một thằng lính trận, gốc gác nhà nghèo, không biết sống chết ra sao. Còn nàng lại là một cô con gái lai Tây, xinh đẹp và quí phái. Nàng quen với tôi , thích tôi một chút, cũng là cái thích lãng mạn của một tiểu thư sống trong thành phố lâu ngày được bất ngờ ra thăm một vùng dân giả, thế thôi.

    Ở Quảng Đức gần hai năm, đánh nhau một vài trận, tôi được mấy cái huy chương rồi lên làm đại đội trưởng. Trong mấy thằng đại đội trưởng, tôi là thằng trẻ nhất, và cũng nghèo kinh nghiệm chiến trường nhất. Ra trường gần hai năm rồi mà trông mày vẫn cứ như thư sinh. Ông tiểu đoàn trưởng bảo tôi như thế trước khi cho tôi dẫn đại đội solo xuống núi biệt phái cho tiểu khu Lâm Đồng

    Đoàn xe chở đại đội tôi vừa vào ranh giới Lâm Đồng, tôi nhận lệnh ông tiểu khu trưởng, trực chỉ đến khu cầu Đại Ngà để giữ an ninh cho công binh làm lại mấy cây cầu trên QL 14, từ Saigòn chạy lên Đàlạt, vừa bị đặc công giựt sập trong hai đêm trước.

    Đến vị trí, tôi phối hợp với một đại đội địa phương quân đã có mặt tại chỗ và một đơn vị công binh mới từ Đà Lạt xuống, bố trí quân theo nhu cầu. Riêng ban chỉ huy đại đội cùng trung đội vũ khí nặng, nằm trên một đồn điền trà có cao độ tốt cho việc phòng thủ và yễm trợ hỏa lực. Phía duới khu đồn điền này là cây cầu Đại Ngà, cây cầu dài nhất vừa bị phá hoại.

    Sau khi công binh làm xong mấy cái cầu tạm, lưu thông họat động trở lại. Do ứ động mấy hôm trước, nên ngày đầu tiên có khá nhiều xe đò từ Sài Gòn chạy lên Đà Lạt. Hơn nữa bây giờ đang là mùa hè, người Sài Gòn rủ nhau lên Đà Lạt nghỉ mát. Để bảo đảm an ninh, trước khi xe chạy vào khu quân sự, đều phải dừng lại, tất cả hành khách xuống xe để được kiểm soát giấy tờ. Trạm kiểm soát là một căn nhà bằng ván do công binh vừa mới dựng lên, toán quân báo của đại đội tôi phối hợp cùng với ba nhân viên cảnh sát đảm trách. Mỗi ngày tôi lái xe đi kiểm tra các cây cầu và thường ghé lại ngồi nghỉ trong trạm kiểm soát này.

    Buổi chiều, trời vừa tắt nắng, tôi định trở về vị trí đóng quân, thì một đoàn xe đò chạy tới. Có lẽ đây là mấy cái xe cuối cùng từ Sài Gòn lên. Anh cảnh sát bảo với tôi như thế. Trong số những hành khách xuống xe bước qua cái cổng chắn làm bằng kẻm gai dã chiến, tôi để ý tới một cô gái tóc vàng, mặc một cái jupe màu vàng sậm. Khi cô móc ví lấy giấy tờ, ngước mặt lên nhìn anh cảnh sát, tôi thấy thật quen và vội chạy ra. À, cô Sylvie Vartan, cô lên đây làm gì ? Tôi hỏi bất ngờ, rồi quay sang bảo anh cảnh sát ; cô này là người nhà của tôi. Anh cảnh sát trao lại cho tôi tấm thẻ căn cước bằng tiếng Tây mà anh chưa kịp hiểu.

    Cô nhìn tôi cười rạng rỡ :

    - Anh là anh Ninh, phải không ? Mấy năm rồi tụi mình không gặp. Em lên Đà Lạt đón cô em về Sài Gòn nghỉ hè. Nó học trên Lycée Domaine de Marie.

    - Tôi đóng quân trong đồn điền trà nằm trên đồi cao kia.

    Tôi vừa nói vừa chỉ tay về hướng đồn điền.

    - Đẹp lắm, và ông chủ hình như cũng là người Pháp. Mời cô ghé lại chổ tôi chơi. Tôi sẽ đón chuyến xe sau gởi cô về Đà Lạt.

    Cô ngần ngừ một chút rồi gật đầu. Tôi đưa cô lại xe lấy túi hành lý và nói với anh tài xế:

    - Cô này là người nhà của tôi, cô ở lại đây chơi với tôi rồi lên Đà Lạt sau.

    Anh tài xế trẻ, nhìn tôi nhoẻn miệng cười.

    Tối hôm ấy nàng ở lại với tôi. Có lẽ nàng cũng biết là chuyến xe của nàng là chuyến cuối cùng. Chẳng còn có chuyến sau nào để tôi gởi nàng lên Đà Lạt , như lúc tôi hăm hở nói với nàng, mà không biết là mình đang nói dối.

    Giữa cảnh núi rừng, nàng đẹp rực rỡ như một bông hoa. Không biết nàng đã nói gì vơí ông chủ người tây, ông dành riêng cho cô một phòng ngủ và mời chúng tôi dùng bữa cơm chiều với ông. Bữa cơm đầy đủ hương vị tây , mà chai rượu chát ông khoe đã gởi mua từ bên Pháp. Sau bữa cơm, tôi đưa nàng đi dạo trong đồn điền trà.

    Bây giờ đang là mùa hè, bầu trời trong vắt, ánh trăng tỏa ánh vàng xuống cả một đồi trà. Đêm cao nguyên trời bắt đầu lành lạnh, thơ mộng như một muà thu. Chúng tôi nắm tay nhau bước tung tăng dưới ánh trăng , nghe từng nhịp đâp của trái tim giữa một vùng đất trời tĩnh mịch. Nàng kể cho tôi nghe về một ước mơ của nàng : muốn có lần trở về quê cha, thăm ngôi mộ của người và bà nội già còn đang sống ở đó với mấy người cô. Quê nội nàng đẹp lắm lại là một đất nước với nhiều thi ca lãng mạn. Chúng tôi đã xuống cuối chân đồi, nghe tiếng nước chảy từ một con suối nhỏ. Nàng bảo tôi dừng lại và dìu tôi đến ngồi xuống một bải cỏ. Bên kia con suối là một cánh đồng cỏ rộng mênh mông

    - Anh có thấy gì lạ không ?

    Tôi đang ngơ ngác, thì nàng chỉ cho tôi mấy hàng cây bên kia bờ suối

    - Bây giờ là mùa hè, mà sao có nhiều lá vàng đang rơi. Anh không thấy sao?

    Nàng âu yếm dựa sát vào tôi và hỏi tôi có biết bài thơ Les feuilles mortes của Jacques Prevert không ?

    - Lúc học Littérature Francais , anh có học, nhưng lâu quá, anh chỉ còn nhớ một đôi câu. Bài thơ thật hay và cảm động. Tôi đã đổi cách xưng hô tự lúc nào không biết.

    Nàng cất tiếng khe khẽ hát bài thơ Les feuilles mortes được phổ nhạc. Hát xong bài hát nàng chậm rãi đọc lại mấy câu:

    Et la vie sépare ceux qui s'aimant

    Tout doucement, sans faire de bruit

    Et "le vent" efface sur la "plaine"

    Les pas des amants désunis

    Và cuộc đời ngăn trở những người yêu nhau

    Nhẹ nhàng và êm ái

    Và gió cũng xóa đi trên mặt đất

    Những dấu chân của người yêu vắng xa

    Tôi hỏi sao nàng dám đổi lời một bài thơ hay của tác giả. Nàng không trả lời mà ôm tôi hôn thật lâu. Trong say mê tôi cảm thấy có cái gì lành lạnh trên gò má. Tôi sờ tay lên mân mê: nước mắt.

    Nàng ôm tôi ngồi khóc, nàng bảo là nàng có nhiều bạn bè, nhưng nàng có cảm tình thật nhiều với tôi từ khi nhìn tôi mặc áo lính. Nàng thấy ở tôi có cái gì khác lạ so với mọi chàng trai lai Pháp mà nàng quen. Và cũng ở nơi tôi nàng được thấy lại hình ảnh của cha nàng. Cũng làm lính cả một thời trai trẻ, rời quê hương, rồi chết sớm ở xứ người bỏ lại mẹ và hai chị em nàng. Những người con gái mang hai dòng máu. Buồn lắm phải không anh ? mấy lần nàng hỏi tôi như thế.

    Đêm hôm ấy nàng không ngủ trong căn phòng sang trọng mà ông chủ đồn điền đã dành sẵn cho nàng. Nàng ra ngồi trong căn lều phủ poncho của tôi cùng uống trà tươi mà tâm sự thâu đêm. Nàng rủ tôi ngày mai cùng nàng lên Đà Lạt vài ngày để nàng làm thủ tục đón cô em gái về và đưa nàng đi thăm các thắng cảnh thơ mộng ở đây.

    Sáng hôm sau, tôi lên máy gọi về trung tâm hành quân TK Lâm Đồng xin gặp ông Tiểu Khu Trưởng, xin ông cho ba ngày phép và được xử dụng chiếc xe jeep của TK biệt phái, đón người vợ sắp cưới vừa mới lên Đà Lạt. Tôi tả oán thêm là cả một năm nay, phải tham dự nhiều cuộc hành quân, nên hai đứa chưa được gặp nhau. Ông Tiểu Khu trưởng tốt bụng, vui vẻ chấp thuận, và dặn dò tôi phải bàn giao công việc thật kỹ càng cho anh đại đội phó.

    Ba ngày ở Đà Lạt là ba ngày thần tiên nhất trong đời lính của tôi. Sau khi đưa nàng đến trường thăm cô em gái và làm một số thủ tục cần thiết, chúng tôi lấy phòng ở khách sạn La Palace nằm trên một ngọn đồi cao gần hồ Xuân Hương và cách khu phố Hòa Bình không xa lắm. Ban ngày chúng tôi đi tắm ở thác Cam Ly, thăm hồ Than Thở, cỡi ngựa ở sân Cù, bơi thuyền trên hồ Xuân Hương. Buổi tối đi ăn bê thui, uống rượu vang, rồi ra nhà Thủy Tạ ngồi tâm tình đến khuya.

    Ngày hôm sau, chúng tôi rời thành phố. Sau khi thưởng thức cà phê Tùng, chúng tôi chạy về hướng thác Prenn. Nàng chỉ đường cho tôi tìm đến một hotel nằm trên núi, ông chủ cũng là một người Tây. Lấy phòng và gởi hành lý xong, chúng tôi đi bộ xuống thác Prenn, nằm không xa phía dưới. Nàng kéo tôi xuống tắm dưới dòng thác. Hai đứa ôm nhau trong cái lạnh của nước từ trên núi cao đổ xuống. Nàng dắt tôi chạy vào khu rừng phía sau để đùa với mấy con khỉ, con gấu và cả một con cọp nữa trong vườn bách thú. Rồi nàng đi trốn, giả vờ làm nàng Jane mắc nạn để bắt tôi làm Tarzan đi cứu. Nàng hò la và ôm tôi cười vang cả một khu rừng.

    Trong ba ngày, nàng đã cho tôi tất cả những gì hạnh phúc nhất mà không đòi hỏi ở tôi bất cứ một điều gì. Hôm cuối cùng, tôi đưa nàng trở lại trường Domaine de Marie để gặp lại em nàng. Ngồi trên xe, nàng trầm ngâm không nói một lời. Đến cổng trường, nàng bảo tôi dừng lại. Nàng hôn tôi thật lâu. Tôi nghe tiếng nàng khóc. Tôi định nói một lời gì đó, nhưng nàng lấy một ngón tay để trên miệng tôi, không cho tôi nói, rồi bảo tôi ngồi yên trên xe chờ nàng. Hơn hai mươi phút sau nàng chạy ra, cầm tay tôi và trao cho tôi một tờ giấy nhỏ, rồi vụt chạy vào phía sau trường. Trên mảnh giấy nàng viết vội vàng bằng tiếng Việt: Xin cám ơn và tạm biệt anh ở đây. Em và đứa em của em sẽ về Sàigòn vào sáng sớm ngày mai. Anh hãy trở lại đơn vị, đừng chờ và cũng đừng tìm em nữa. Hôn anh.

    Tôi vội vàng bước xuống xe, chưa biết gọi nàng bằng tên gì, thì nàng đã mất hút phía sau trường. Tôi ngồi trên xe nhìn thẩn thờ vào khu trường. Tất cả đều vắng lặng, chỉ nghe một vài tiếng lá rơi từ những hàng cây đứng chơ vơ im lìm trước cổng.

    Tôi trở lại nhà Thủy Tạ, tìm lại bóng dáng và mùi hương của nàng. Buổi trưa, bốn bề yên lặng. Một con chim lạ, có dáng của một con hải âu, đậu xuống con thuyền bơi phía trước, kêu vài tiếng, vụt cánh bay sà xuống mặt hồ, rồi biến mất trong rừng thông. Cả một khung trời Đà Lạt nhạt nhòa trong nước mắt. Tôi không biết mình đã khóc tự bao giờ.

    Tôi lái xe trở về đơn vị mang theo một nỗi buồn kỳ lạ, dường như trong lòng chỉ còn là một khoảng trống bao la.

    Suốt đêm hôm ấy, tôi lang thang trong đồi trà, ngồi một mình bên bờ con suối nhỏ, nhìn mấy chiếc lá vàng rơi xuống và trôi theo dòng nước, bàng bạc dưới ánh trăng. Nửa đêm tôi trở về căn lều cũ, đun đầy một ấm trà tươi mà không uống.

    Tôi ngủ vùi từ lúc nào không biết. Thức giấc, mặt trời đã lên cao. Tôi vội vã xách xe chạy xuống trạm kiểm soát. Ngồi suốt cả ngày hôm ấy, tôi vẫn không tìm thấy bóng dáng của nàng.

    Hai ngày sau, khi thay bộ đồ trận ra giặt, thò tay vào túi áo lấy mọi thứ ra, bất ngờ tôi thấy tấm thẻ căn cước của nàng, viết bằng tiếng Pháp do tòa đại sứ cấp. Tôi nhớ anh cảnh sát đã giao tấm thẻ này cho tôi hôm ở trạm kiểm soát và tôi đã quên trả lại cho nàng. Đến bây giờ tôi mới biết được tên thật của nàng: Jacqueline Cuvéro.

    May mắn trong tấm căn cước có cả địa chỉ. Tôi gởi trả lại nàng tấm thẻ căn cước, viết kèm theo bốn câu thơ trong bài thơ Les feuilles mortes mà nàng yêu thích.

    Les feuilles mortes se ramassent à la pelle

    Les souvenirs et les regrets aussi

    Mais mon amour silensieux et fidèle

    Sourit toujours et remercie la vie

    Những chiếc lá chết gom đầy trên xẻng

    Kỷ niệm u sầu, tiếc nhớ khôn nguôi

    Tình anh vẫn lặng thầm, chung thủy

    Vẫn luôn mỉm cười biết ơn cuộc đời

    Tôi phập phồng chờ thư hồi âm, nhưng không thấy. Tôi viết thêm vài cái thư nữa cho nàng nhưng tất cả đều biệt vô âm tín. Ba tháng sau tôi xin bảy ngày phép thường niên về Sàigon. Trước khi tìm đến nhà nàng, tôi trở lại khu đường Lý Thái Tổ thăm gia đình bà cô và rủ người anh họ cùng đi. Anh bảo là nàng cùng cô em gái đã về định cư bên Pháp hơn hai tháng nay. Không biết khi nào mới trở lại Việt Nam.

    Tôi lang thang ở Sài Gòn hai ngày thì lấy xe đò về Nha Trang để thăm cha tôi. Nhưng ngày nào tôi cũng đi lang thang trên bờ biển, nhìn sóng đổ vào bờ cuốn theo tất cả mọi dấu chân mình trên cát, và nhớ đến nàng.

    Tôi trở lại đơn vị, đúng vào lúc đại đôi tôi nhận lệnh rời khỏi Lâm Đồng để di chuyển về Phan Thiết, tăng phái cho Tiểu khu Bình Thuận, hành quân phối hợp với một đơn vị thiết kỵ của Hoa Kỳ vừa mới đến Việt Nam, giải tỏa mật khu Lê Hồng Phong.

    Kể từ ngày ấy, trên bảng tên may trên nắp áo lính, ngay phía dưới tên tôi, có thêu một chữ nhỏ: Jacqueline, màu vàng. Mấy thằng lính bảo sao tôi lại có tên con gái. Tôi giả vờ: Tại vì tao ái mộ bà vợ của Tổng Thống Kennedy.

    Sáng ngày mai gia đình chúng tôi phải rời nông trại GAULTIER thơ mộng này để trở về Nauy. Vợ chồng anh chủ nhà cùng mấy cô con gái của tôi đang rượt bắt mấy con gà Tây. Anh muốn đãi chúng tôi một bũa ăn Tây truyền thống. Tôi đi lang thang khắp nơi trong khu nông trại, như để cố tìm ra những dấu tích của nàng.

    Buổi chiều, khi bà xã và mấy đứa con đang ngồi ở phòng khách, say mê theo dõi một cuốn phim trên truyền hình, tôi một mình lặng lẽ ra vườn cam, rồi vào khu nghĩa địa.

    Tôi ngồi trước mộ nàng rất lâu, hình dung lại hình ảnh của nàng trong những ngày cùng tôi trên đồn điền trà ở bên cây cầu Đại Ngà và tung tăng khắp nơi ở bờ hồ, thác Prenn và trong rừng thông Đà Lạt.

    Một cơn gió xào xạc, mấy chiếc lá vàng trên tàng cây chầm chậm rơi xuống mộ nàng.

    Tôi đưa tay sờ tấm ảnh nàng trên mộ bia, nói thì thầm trong gió :

    Et la chanson que tu me chantais

    Toujours, toujours je l'entendrai. !

    Và bài hát mà em đã hát cho anh nghe

    Mãi mãi, mãi mãi, anh vẫn còn đang nghe đây

    Vương Quốc Nauy, mùa hè 2004

    Comment


    • #3



      Forget-Me-Not

      Các bạn mến,

      Cái địa danh Bờsa và Thôn Đại Nga có cây cầu Đại Nga là hai địa danh nổi nhất ở tỉnh Lâm Đồng thời đó. Bờsa thuộc quận Bờsa ở dưới chân đèo Bảo Lộc, Cầu Đại Nga thuộc quận Bờ lao (B' Lao - Bảo Lộc). Trên quốc lộ 20, đường liên tỉnh bị đặt mìn giật xập cầu rồi đắp ụ, nhiều nhất là hai nơi này. Tuyến đường Đà Lạt - Sài Gòn chỉ dài 300 Km nhưng rất nguy hiểm. Những xe qua lại phải đi thành từng đoàn có xe bọc thép hộ tống, đến Định Quán tức "Cây số 113" xe mới di chuyển tự do.

      Quận Bảo Lộc quê D là nơi bình an nhất nước VN thời đó. Trong trận Mậu Thân, Bảo Lộc vẫn bình an, không biết chiến tranh là gì. Thời đó học sinh đã được cảnh báo nên chỉ đi trai hè nhiều nhất là qua dốc Lê Minh Sanh đến cầu Đại Ròn để lên đồi Thu Vân.

      Qua khỏi những thôn có dân cư ở là những đồn điền trà, bên kia cầu Đại Nga là đồn điền Soutien. Sát đồn điền Soutien là đồn điền Tứ Qúy, trong có mật khu "Tứ Qúy". Lính chuyển về Lâm Đồng chỉ đi hành quân ở hai nơi này, Tứ Qúy và BờSa, mỗi sáng sớm lính phải đi dò mìn, gỡ mìn, phá ụ, phần nhiều cũng mọc lên ở hai nơi này trên quốc lộ 20 trước giờ đoàn xe liên tỉnh khởi hành.

      Cầu Đại Nga và đồn điền Soutien bây giờ người dân ngoài Bắc, ngoài Trung vô ở đông lắm. Cái tên Soutien cũng được người dân đổi thành Suối Tiên, Cái suối dưới chân đồi Soutien rất thơ mộng, bây giờ thành khu du lịch Suối Tiên. Trong đồi Suối Tiền đó có một ngôi nhà thờ làm theo kiểu nhà sàn của người dân tộc rất đẹp.

      D có rất nhiều những kỷ niệm ở thành phố Đà Lạt với những nơi tác giả nhắc đến vào thời mấy đứa học trò đi lang thang ra đồi cù chơi "u u", ra vườn Bích Câu chơi đập phá bụi Mắc Cỡ, ra Cam Ly cưỡi ngựa, đến hồ Sương Mai hái hoa "xin đừng quên tôi" (Forget-Me-Not), đào bắt dế, rồi ra chợ Hoà Bình mua khoai gieo về ăn. Chẳng có kỷ niệm nào lãng mạng như của ông tác giả này.


      Đồi Domaine de Marie đẹp lắm, có rất nhiều thông, nếu cố đi hết khu vực đó sẽ bị "sụi bánh chè". Leo dốc thì phải vật lộn với gió, lúc bị gió đẩy lên đồi, có lúc gió lại đẩy ngược xuống dốc, cố gắng leo lên tới nhà thờ Domain là người bơ phờ xờ xạc, nhưng rất vui. D thích nhất là đi quanh đồi, lượm đầy một giỏ trái thông khô rụng về làm quà lưu niệm. Sau này D nghe mấy em nói trong thành phố Đà Lạt hiếm thông lắm, kể cả đồi Domaine de Marie cũng chẳng còn trái thông khô nào mà lượm.

      Trong bài viết D thấy mọi sự đều thay đổi chỉ có bài thơ là vẫn còn nguyên vẹn.

      Les feuilles mortes se ramassent à la pelle

      Les souvenirs et les regrets aussi

      Mais mon amour silensieux et fidèle

      Sourit toujours et remercie la vie

      Thân Ái

      KimDung

      Comment


      • #4
        Đến Bảo Lộc để sống chậm hơn ....


        Nhiều người vẫn xem Bảo Lộc là một điểm dừng chân hơn là một điểm đến. Nhưng hãy thử một lần quan sát thật chậm, bạn sẽ có những trải nghiệm rất khác về một thành phố tưởng chừng như rất hưu quạnh này.


        Bảo Lộc chìm trong sương mù cũng đẹp huyền ảo chẳng kém gì người anh em Đà Lạt.

        Nằm ở độ cao 800m so với mực nước biển, Bảo Lộc không nóng như Sài Gòn, cũng không lạnh như Đà Lạt. Thành phố ôn hòa này quanh năm xanh mát với nhiệt độ trung bình vào khoảng 21- 23oC. Ít nắng, nhiều mưa và sương mù bao phủ nhiều ngày trong năm – những đặc điểm về thời tiết khiến cho thành phố Bảo Lộc trở nên nên thơ và lãng mạn không kém xứ Đà Lạt mộng mơ.


        Thành phố Bảo Lộc thường là điểm dừng chân của du khách khi đi từ phía Nam và các tỉnh Đông Nam Bộ đến Đà Lạt.

        Bên cạnh những nét đặc trưng về khí hậu và thời tiết, sự đa dạng của địa hình với núi cao, đồi dốc và thung lũng đã góp phần kiến tạo nên những cảnh đẹp thật sự thiên nhiên nằm rải rác khắp cao nguyên Bảo Lộc.

        Từ dòng thác Dambri ngày đêm tuôn trào…

        Cho dù bạn không biết gì về du lịch Bảo Lộc, chắc hẳn bạn cũng đã từng nghe qua cái tên thác Dambri. Hay nói cách khác, chưa đến Dambri thì xem như bạn chưa từng đến Bảo Lộc. Với độ cao 60m, đây được xem như là một trong những thác nước hùng vĩ bậc nhất của Cao và Tây Nguyên.

        Khu du lịch thác Dambri là một quần thể du lịch bao gồm khu vui chơi, hồ, thác và rừng nguyên sinh rộng hàng ngàn hecta. Khu du lịch này cách trung tâm thành phố Bảo Lộc khoảng 18km về hướng Tây. Đường khá dễ đi, nên bạn có thể đi xe máy hoặc taxi đến thác. Ngoài ra, hãng trà Tâm Châu mỗi sáng và chiều đều cho xe đưa rước nhân viên ra vào khu du lịch thác Dambri, bạn có thể xin đi nhờ mà chẳng phải mất đồng nào.



        Thác nước Dambri hùng vĩ có độ cao bậc nhất tỉnh Lâm Đồng.



        Thang máy cao 50m bên cạnh thác được xây dựng với mục đích giúp người già, trẻ em và người có sức khỏe yếu có cơ hội chiêm ngưỡng vẻ đẹp của dòng thác. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng thang máy hiện đại này đã làm mất đi vẻ đẹp hoang sơ của thác Dambri.

        … đến những bờ hồ không gợn sóng

        Không mạnh mẽ ào ạt như dòng thác, những bờ hồ êm ả dịu dàng của Bảo Lộc luôn biết cách làm cho tâm hồn con người ta trở nên nhẹ nhàng hơn. Hãy bắt đầu một buổi sáng yên bình với những bước chân lơ đãng bên bờ hồ Bảo Lộc hay tìm cảm giác thư thái ở hồ Nam Phương sau một ngày mệt nhoài với những cung đường dã ngoạn.



        Hồ Bảo Lộc trong xanh chẳng gợn sóng từ lâu đã trở thành một trong những biểu tượng của thành phố này.


        Chiều trên hồ Nam Phương.

        “Máu” hơn một tí, bạn có thể đi xe máy dọc theo quốc lộ 55 khoảng 30km để chiêm ngưỡng mây nước đất trời xanh biếc của hồ Hàm Thuận (thuộc xã Đa Mi, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận).


        Hồ Hàm Thuận có diện tích đến 1.800 hecta, được bao quanh bởi rừng núi nương rẫy, giữa hồ lại có những “đảo” nhỏ xanh biếc tạo nên một vẻ đẹp quyến rũ và thanh bình.

        Từ một tu viện tĩnh mịch đầy chất thiền…

        Nếu muốn trải nỗi lòng ở một nơi tín ngưỡng tôn giáo mà ngại đi xa, bạn có thể ghé qua nhà thờ Bảo Lộc hay chùa Phước Huệ ở ngay trung tâm thành phố với những nét kiến trúc khá độc đáo.

        Còn nếu muốn thật sự tĩnh tâm nơi thiền tịnh, bạn hãy đến Tu viện Bát Nhã, nằm giữa một vùng đồi mênh mông trà và thông xanh mát. Chầm chậm bước qua những bậc thang đá phủ rêu xanh để đến với một không gian trầm mặc, khí trời trong lành, quan cảnh xanh tươi, tiếng suối róc rách.

        Không gian tuy động mà tĩnh này như muốn đánh thức tất cả các giác quan của bất cứ ai trót tìm đến. Tâm hồn vướng bụi trần của con người dường như cũng được lọc sạch để tận hưởng.



        Nhà thờ Bảo Lộc.


        Tu viện Bát Nhã. Những bậc thang đá phủ rêu xanh sẽ đưa bạn đến một con suối nhân tạo hoang sơ.



        Suối và thác nhân tạo bên trong tu viện.

        … đến những đồi trà xanh ngút ngàn

        Cây trà có một lịch sử khá lâu đời ở Bảo Lộc. Dù trong nông nghiệp, kinh tế hay du lịch, trà luôn góp một phần không nhỏ trong sự phát triển của thành phố này. Chính vì lẽ đó, đâu đâu trên những con đường quanh co, những ngọn đồi nhấp nhô hay ngay cả ven quốc lộ, bạn cũng có thể nhìn thấy những vườn trà xanh tươi mơn mởn.



        Những người nông dân nối nhau ra đồng trà.


        Người nông dân hái trà trong sương sớm với những chiếc áo mưa đủ sắc màu khiến cho vườn trà rực lên một vẻ đẹp bình dị.

        Và trước khi rời khỏi thành phố Bảo Lộc, bạn đừng quên ghé vào quán trà Trâm Anh nằm ngay trên quốc lộ 20. Điểm đặc biệt của trà quán này là bất kỳ người khách nào bước vào cũng sẽ được mời một ly trà hoặc cà phê miễn phí. Tất nhiên, sau khi được thưởng thức trà thơm cà phê ngon, hiếm ai không chọn vài sản phẩm mang về làm quà - một hình thức kinh doanh lạ và hiệu quả, đẹp lòng chủ, vừa lòng khách.


        Ngay cả khi "tham lam" gọi cả cà phê lẫn trà, bạn cũng sẽ nhận được nụ cười thân thiện.

        Bảo Lộc đã trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, từ một quận của Đồng Nai Thượng trở thành tỉnh lỵ của Lâm Đồng cũ rồi thị xã Bảo Lộc và cuối cùng định hình với cái tên thành phố Bảo Lộc. Vậy mà, thiên nhiên lẫn con người nơi đây vẫn luôn giữ được vẻ đẹp thanh bình và gần gũi như những cư dân Mạ đầu tiên của xứ B’Lao xưa

        Nói đến Bảo Lộc mà không nhắc đến trường trung học Nông Lâm Súc Bảo Lộc thì thật thiếu sót ! Trường được thành lập năm 1955 và đặt tên là trường Quốc Gia Nông Lâm Mục và đào tạo hai cấp bậc cao đẳng và trung đẳng từ năm 1955-1963. Theo thầy Đặng Quan Điện, nguyên Giám Đốc Nha Học Vụ Nông Lâm Súc, thầy là người đã khai sinh ra ngành giáo dục trung học kỹ thuật Nông Lâm Súc kể từ năm 1963, từ năm đó trường đã được đổi tên là trường Trung Hoc Nông Lâm Súc Bảo Lộc, và trực thuộc Nha Học Vụ Nông Lâm Súc, Bộ Quốc Gia Giáo Dục. Hiện nay Trường đã được đổi tên là trường Trung Học Kỹ Thuật và Dạy Nghề của tỉnh Lâm Đồng.


        Chuyến Du Lịch Bảo Lộc & Đà Lạt 1996

        Nhớ về những chuyến đi Bảo Lộc, trong tôi vẫn còn đọng lại cảm giác yên bình của một phố núi hiền hòa - thích an bình sống chậm.

        Phố núi cao phố núi đầy sương,

        Phố núi cây xanh trời thấp thật buồn.

        Anh khách lạ đi lên đi xuống,

        May mà có em đời còn dễ thương
        ...

        https://drive.google.com/file/d/1N-m...ew?usp=sharing

        Comment


        • #5
          Các bạn mến,

          Dung có vài cảm nghĩ sau khi đọc " Đến Bảo Lộc để sống chậm hơn..." của anh Khang:

          Từ xưa Bảo Lộc là 1 quận lỵ nhỏ, người dân sống êm đềm, không tất tưởi vì chiến tranh, không ồn ào giành dựt, BảoLộc quê Dung nhìn quanh chỉ trùng trùng điệp điệp những đồi cây công nghiệp và khí hậu ôn hoà do thiên nhiên ưu đãi, với nghề trồng cây công nghiệp người dân có vẻ nhàn hơn nông dân trồng cây nông nghiệp, dân BảoLộc sống ấm êm như con tằm nằm trong kén .

          Bảo Lộc lúc này cũng phát triển chậm hơn các nơi khác trong nước. Những hồ, suối, thác, rừng vẫn thinh lặng chưa bị con người khai thác vắt cạn kiệt rút hết hồn, rừng núi có lẽ vẫn còn trong tình trạng khá nguyên sinh.

          Về Bảo Lộc vài ngày để sống với những người dân tử tế không giành giật với ai, họ sống thành chòm xóm, quanh quẩn toàn là người thân quen, 1 qủa mít chín khi bổ ra thì cả xóm được ăn cơ mà.

          Thời tiết cũng làm cho mình trở nên như vậy. Có lần D dẫn mấy người bạn từ Úc về Bảo Lộc, trước khi lên Bảo Lộc , mọi nguoi vẽ ra 1 chương trình du lịch sống động lắm nhưng khi tới Bảo Lộc rồi thì cứ ngủ vùi từ 9 giờ tối đến 11 giờ trưa mới thức dậy, suốt mấy ngày như vậy. Chương trình du lịch phải bỏ bớt vài điểm. Khí hậu, môi trường sống và nghề nghiệp cũng phần nào ảnh hưởng tới phong cách của con người. Bây giờ đọc trên báo chí thấy con người VN khác lắm rồi không biết người dân Bảo Lộc có còn tử tế như xưa?

          Thác Dambri thật hoang dại hùng vĩ, ngày xưa mỗi khi tới đó phải chuẩn bị đi từ lúc trời còn mù sương, cho tới khi trời đổ sương mù là lo đi về để kịp tới nhà trước khi trời choạng vạng tối. Leo đồi vượt thác khi trở về dứa nào đứa nấy ướt như con chuột lột, run cầm cập vì bụi nước dưới lòng thác phà vào cơ thể chưa kể đến sương mù. Đến Dambri chỉ tham quan thôi thì vẫn chưa biết gì về Dambri đâu, hãy đến và giỡn đùa với Dambri nhé các bạn

          Cám ơn a K đã cho D thấy Bảo Lộc ngày nay, D cám ơn a thật nhiều.

          Người Bảo Lộc hình như D chưa được nghe ai than thở đến bệnh mất ngủ.

          Thân Ái

          KimDung

          Comment


          • #6
            Về Bảo Lộc để sống chậm và cũng để có cái dáng tròn tròn phải không KD?:cuoilan:

            Thân ái

            Hiền

            Comment

            Working...
            X