Cứ loay hoay với con búp-bê, hôm nay KD lại chơi với con búp-bê của mình. Ẵm từ trong thùng đồ chơi xưa ra thấy nó lem luốc quá, nhớ cô bạn chỉ cách dùng acetone để chùi các vết bẩn, D liền chạy qua nhà hàng xóm xin thuốc rửa móng tay về tẩy uế cho nó, Cô hàng xóm đưa cho một lọ nước rửa móng tay thiệt lớn, cô nói dùng để rửa màu trên móng tay mạnh lắm, màu gì cũng đi hết. D không hiểu gì về các loại nước rửa này vì nhà không có ai sơn móng tay cả, D không lấy về vì sợ nó mạnh quá, chỉ sợ cái "bớt chàm" trên trán búp-bê sau khi chữa khỏi lại chuyển sang cái dấu của bệnh "bạch tạng" thì càng xấu hơn. Nhỏ em KD nói: "Ẵm búp-bê lên xe em chở tới bệnh viện". Hai chị em phá lên cười vì nhớ lại lần cô em mới qua Úc, James dẫn mẹ với dì đi phố chơi. Ngang qua "bệnh viện búp-bê" thấy một bà già dẫn cô cháu nhỏ, miệng méo xệch, nước mắt đầm đìa, nách cắp con búp-bê. Rồi lại thấy một bà mẹ ẵm cô bé gục đầu trên vai mẹ, đang thút thít khóc nấc, trên tay cũng không quên ôm con búp-bê bước vô bệnh viện. Hai chị em đứng khựng lại gọi :"James chỗ này chữa bệnh con nít hả?". James cười sặc sụa nói: "Ồ mẹ, chỗ này người ta sửa búp-bê ". James dẫn mẹ và dì vào xem thì được nghe bà già kể: "Hai anh em chơi với nhau, con em không cho thằng anh chơi búp-bê, chúng giằng co với nhau. Thằng anh giựt rời tay con búp-bê ra nên bà phải dẫn tới đây cho người ta sửa". Bà mẹ thì kể: "Không hiểu sao con búp-bê bị rách trán". Nhìn người sửa búp-bê mặc bộ đồ bác sĩ, trên cổ đeo cái ống nghe, tay cầm kìm vặn tay con búp-bê, lấy keo dán cái vết rách lại thật khéo không thấy có tí sẹo nào tài thật. Người mang búp-bê đến cũng phải ngồi chờ đợi như trong bệnh viện vậy, chờ được gọi tên, cho xem dấu sửa, người lớn bằng lòng rồi trả tiền ."Bác sĩ" dán cho một miếng băng lên trán, gói em bé vô cái khăn vuông thật đẹp có in tên của bệnh viện rồi đưa lại cho cô chủ nhỏ ôm về. Bước ra ngoài hai chị em bảo nhau, ở VN chơi mà để búp-bê gãy tay, gãy cẳng thì tự mình hì hục sửa, bể đầu thì tự hơ lửa hàn lấy cho vết rách dính lại, búp-bê hết rách thì mang cục sẹo to tướng. Có đứa bố mẹ mà biết thì lại còn ăn đòn nữa là khác chứ đâu mà phải ẵm đi bác sĩ như thế này. Hai chị em lại được một mẻ cười no. Nhỏ em bảo: "Thôi khỏi chữa, để vậy nhìn cũng xinh rồi".
Nhớ lại ngày còn nhỏ, Cậu đi xa khi về thăm nhà mua cho các cháu một thùng đồ chơi trong có ông già Noel, cây thông, chuông, đèn, thiên thần và một em bé búp-bê. D và đứa em kế chỉ thích con búp-bê biết ngủ, biết thức, hai chị em cứ giành nhau. Mẹ bảo: "Nhà nào cũng chỉ có một em bé thôi, ai lại có đến hai em bé, hai đứa lo chăm sóc em bé đi". Nghe vậy không đứa nào tranh làm của riêng nữa và cứ thế thay phiên nhau, đứa này làm mẹ thì đứa kia làm y tá lo chăm cho em bé.
Lớn dần theo thời gian, con búp-bê được cất vào trong rương từ lúc nào không biết. Biến cố 1975, ngày di tản theo lời kể của chị (lúc đó D ở Sài Gòn, không phải chạy loạn), chị và Mẹ chuẩn bị cho cuộc di tản và chỉ đem theo vàng, gạo và một ít quần áo cho mấy thằng em nhỏ, còn bao nhiêu bỏ lại hết trong căn nhà thân yêu đầy kỷ niệm. Chị kể lúc đó cái gì cũng tiếc, mẹ và chị dọn hết vào hai cái rương lớn, một cái đựng giấy tờ quan trọng, mớ đồ chơi, ít quần áo tốt, cái kia đựng hết chăn, mền và mùng, mẹ cất dưới hầm trú ẩn bọm đạn trong nhà dưới gian phòng ngủ của mấy đứa con gái. Tất cả chén dĩa cổ mẹ chứa vào cái thùng nhựa, đồ hộp như cá thịt mẹ cũng để vô thùng rồi cho thả xuống giếng nước ăn bên hông nhà.
Sau hơn nửa năm di tản, trở về căn nhà cũ, đã ra tiêu điều và hoang xơ, Trong nhà đồ đạc bị dọn sạch hết, kể cả những cánh cửa và tôn dưới khu nhà máy trà cũng bị rỡ đi. Lúc đó bố phải kiếm ván đóng làm cửa, rồi tiếp tục rỡ tôn của khu nhà máy bán lấy tiền mua gạo cho bày con ngơ ngáo. Dưới cái hầm tránh đạn ngày xưa vẫn còn nguyên hai cái rương chứa đồ đạc. Vậy là chị em D vẫn còn nguyên những món đồ chơi mà tụi D rất quí khi còn bé, bố mẹ còn đủ mền đắp cho con khi đêm về, đủ mùng để tránh muỗi ngừa sốt rét cho bầy con. Thời gian đầu sau khi trở về ai cũng ngao ngán, ban ngày thì ngồi ngáp không biết làm gì mà sống, tối về thì leo vô mùng sớm vì nhà không có điện, không có dầu thắp đèn. Muỗi nhiều lắm, mấy cánh cửa lưới chắn muỗi cũng bị rỡ đi hết rồi. Mẹ và Nội thì lo, bố vẫn vui vẻ ôm mền mùng đi chia cho vài người trong làng không còn gì hết khi di tản về.
Trong lúc này, thú vị nhất là những món đồ cất dưới đáy giếng vẫn còn. Chén bát thì không kể mà phải kể đến thùng lương thực, những đồ ăn đóng hộp như cá, thịt, trái cây, tôm sấy .v.v. vẫn còn trong tình trạng tốt, ăn được trong vài tháng. Trong bữa ăn có lúc mở trúng hộp sausage bố cười bảo: "Ăn đi các con, lại thịt Mỹ rồi, hôm nay ngon hơn trước kia rồi", cả nhà cười ran. Nhớ lại trước kia khi đồ ăn no đủ thỏa thuê, có lúc việc nhà quá nhiều chị bếp phải phụ mẹ ướp trà, đóng gói trà, chị chỉ mở đồ hộp ra chiên cho cả nhà ăn. Khi đi học về vô bàn cơm mà thấy dĩa sausage chiên đứa nào cũng xị mặt càu nhàu rồi muốn ứa nước mắt, thế là bố đặt cho món này là món "càu nhàu".
Trong cái buổi giao thời ấy, bữa đói bữa no. Con búp-bê lại được cất vào góc tủ, chỉ thỉnh thoảng ẵm nó ra ngắm ngía mỗi lúc rảnh rỗi rồi lại cất vào.
Ngày qua Úc D nhường nó lại cho em, mười năm sau khi em gái KD sang Úc, KD lại được đoàn tụ với con búp-bê, từ đó hai chị em lại có dịp chơi chung con búp-bê của thời thơ ấu. Búp-bê ngày đó kỹ thuật còn dở lắm, nó chỉ lạ hơn những con búp-bê khác cùng thời ở đôi mắt, biết nhắm mắt khi đặt nằm xuống, biết mở mắt khi ẵm lên. Đôi mắt có lông mi cong cong, mắt có tròng con ngươi nhìn thật linh động và thân mình thì mềm mềm. Khi ngủ nó vẫn giang tay ra, hôm nay khi cho em bé ngủ KD phải lấy cái áo lạnh của KD úm vào, bó tay em lại để em ngủ khỏi giật mình.
Em bé ngủ cái môi cứ cong doe lên để hở miệng ra không khép lại được. D nhớ ngày đó mẹ nói: "Đứa nào mà bú cái titi hay nút ngón tay cái cả ngày là bị sún răng, bị cong môi, hở miệng như vậy nhìn xấu lắm". Thế là khi hai chị em D ra ngoài xóm chơi thấy đứa con nít nào nút ngón tay là giật phăng tay nó ra, ngó xem có cong môi không. Đứa bé khóc oà lên, mà khi nó khóc thì lẽ dĩ nhiên là môi nó phải cong rồi, thấy thế lại được đà: "Ê lêu lêu, cong môi". Nó càng khóc to, liền rút cái titi trên miệng búp-bê ra cho cả xóm xem con búp-bê bị cong môi. Các bà mẹ được dịp dọa con, đứa nào nút ngón tay là bị con nít cả xóm trêu: "Ê lêu lêu cong môi ", nhờ thế nhiều đứa trẻ ra đường không dám nút ngón tay nữa.
Ẵm búp-bê biết mở mắt, nhắm mắt, ra đường sẽ được làm đại ca, bắt nạt con nít trong xóm, ra đủ điều kiện có lợi cho mình rồi mới cho mỗi đứa ẵm một tí, vì đứa nào cũng muốn ẵm em bé biết thức, biết ngủ. Bị mẹ lôi cổ về, lần sau ra đường chơi chỉ được ẵm búp-bê mở mắt cười cả ngày như những bạn khác, không còn dịp bắt nạt bạn nữa, đứa nào muốn ẵm em bé cứ vào nhà xin là mẹ cho ẵm một tí, chắc nhờ vậy mà cho tới bây giờ con búp-bê mới còn đầy đủ chân tay, chỉ dính bã chè đầy mặt, đầy chân tay thôi.
Lúc thức thấy cái miệng nó như đang muốn nói, nhìn thật dễ thương. KD may cho nó cái áo mới thay vào cái áo cộc lốc này, may xong không thay vô được vì áo đã bị dính vào hai cánh tay, còn quần thì bị dính vào hai chân rồi, KD đúng là "nhanh ẩu đoảng", "thấy dzậy mà không phải dzậy" đâu Dung.
Búp-bê không ngồi được vì phần ngực và mông làm bằng bông gòn, bẻ xuống nó lại bật lên. Muốn mở mắt thì phải cho nó dựa vào ghế thay vì dựa vào vai mẹ. Thấy tay chân lấm lem những vết đen, đỏ, D lấy mang vào chân nó đôi giầy móc bằng len trong giờ học đan móc của cô Vân dạy. KD tìm thấy cái lắc tay của KD lúc nhỏ đeo cho nó, ẵm đi tung tăng ra vườn một lúc, giầy rớt mất một chiếc lúc nào không hay, tìm mãi không thấy, thôi đành chịu vậy.
Búp-bê cứ nằm là nhắm mắt ngủ giấc thật bình an. Búp-bê đứng là thức, mở mắt nhìn D. Đôi mắt đẹp mở tròn xoe, đôi lúc ngây thơ chớp chớp theo sự nhún nhảy của người đang ẵm nó. Ngắm nhìn con búp-bê sao thấy dễ thương ghê, ngắm cái nét đơn sơ của nó mãi không chán nhất là cái đôi mắt chỉ biết nhìn và vui vẻ, chưa biết khóc khi vắng người thân, chưa biết lườm khi giận, chưa biết cau có khi gặp những điều không như ý. D thích đôi mắt của nó như thích đôi mắt nữ tài tử nổi tiếng của thế kỷ XX là Audrey Hepburn và những lời nói rất đẹp của bà:
"Sắc đẹp của người đàn bà được biểu hiện qua đôi mắt."
"Để có đôi mắt đẹp và quyến rũ, bạn hãy luôn nhìn vào những điều tốt của tha nhân."
Con búp-bê của D đó, của bao nhiêu kỷ niệm, con búp-bê đã bao lần nối nhịp hoà bình cho hai chị em, vì ai cũng thích nó.
ThânÁi
KimDung
Comment