Announcement

Collapse
No announcement yet.

LÚA THẦN NÔNG NHIỆM MẦU – IR-8

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • LÚA THẦN NÔNG NHIỆM MẦU – IR-8

    BƯỚC NGOẶC LỊCH SỬ LÚA GẠO THẾ GIỚI


    LÚA THẦN NÔNG NHIỆM MẦU – IR8

    [justify]

    Giống lúa cải tiến (Improved rice) là thuật ngữ để chỉ các giống được lai tạo theo phương pháp thủ công truyền thống, sau đó đựơc chọn ra dòng thuần ổn định để làm giống. Sau này để phân biệt với các giống lúa ưu thế lai F1 (hybrid), nên giống lúa cải tiến còn được gọi là lúa thuần (pure line) (cần phân biệt với các giống lúa thuần địa phương hay lúa mùa). Từ giữa những năm 1960s về trước toàn bộ vùng nhiệt đới Châu Á được trồng bằng những giống lúa thuần địa phương hay lúa mùa thuộc loài lúa Châu Á nhiệt đới O. Sativa var. indica.

    Các giống lúa mùa có nhiều nhược điểm như:

    -Có thời gian sinh trưởng dài (5-8 tháng), có tính cảm quang mạnh chỉ trồng được trong những tháng trong năm có thời gian chiếu sáng (ngày ngắn đêm dài) và mỗi năm chỉ sản xuất được một vụ. (ra hoa trong điều kiện ngày ngắn như ở miền Nam sau ngày thu phân 23/9)

    -Có thân cao (1,2-2 m), kiểu lá rũ, hiệu quả quang hợp kém, khi chín dể đổ ngã và cho năng suất thấp.

    -Phản ứng với phân bón hóa học kém, không thích nghi với điều kiện thâm canh tăng năng suất và trồng nhiều vụ trong năm. (cây lúa không sử dụng nhiều phân bón hóa học)

    [/justify]



    Trước tình trạng dân số thế giới tăng nhanh nhưng năng suất lúa mùa chỉ đạt ở đỉnh trần ở khoảng 2-2,5 tấn /ha, các nhà khoa học trồng lúa thế giới tìm cách lai tạo ra các giống lúa cải tiến (Improved rice) nhằm để tăng vụ và tăng năng cây lúa để bảo đảm an ninh lương thực khi dân số Châu Á ngày càng tăng.

    Đến năm 1950, các nhà khoa học về cây lúa đã có ý tưởng và đầu tư vào nghiên cứu để lai tạo ra một giống lúa lai giữa loài indica cao cây với loài japonica thấp cây nhằm tạo ra những giống lúa có năng suất cao hơn, lá thẳng và thấp cây hơn để cải thiện năng suất lúa ở vùng nhiệt đới.

    Tuy nhiên một rào cản lớn là giữa hai loài không thể cùng sống chung trong môi trường nhiệt đới hay ôn đới để có những pha sinh sản trùng nhau để chọn ra cây bố và mẹ nhằm thực hiện lai tạo theo kiểu cấy phấn nhân tạo theo phương pháp truyền thống.

    Các nhà nông học Trung Quốc là những người đầu tiên làm thay đổi kiến trúc di truyền của cây lúa thông thường. Vào năm 1955, Trung Quốc lai tạo thành công một giống lúa bán lùn nhờ vào mẫu lúa O. Sativa indica ở Đài Loan mang gen bán lùn (sd-1) lai với một giống lúa thuần cao cây.Tuy nhiên năng suất gia tăng không đáng kể.

    Viện Nghiên Cứu Lúa Gạo Quốc tế (International Rice Research Institute,IRRI) được thành lập năm 1959 ở Los Banos, Philippines và chính thức hoạt động từ năm 1960. Sau khi thành lập các nhà khoa học IRRI tập trung vào nghiên cứu lai tạo các giống lúa cải tiến và sản phẩm thành công để mở màn cuộc cách mạng xanh trên cây lúa ở Châu Á - đó là sự ra đời của giống lúa IR-8 vào năm 1966.


    Giống lúa IR-8 là sản phẩm của tổ hợp lai giữa hai giống lúa Dee-Geo-woo-gen (là giống japonica của Trung Quốc) và Peta (giống indica của Indonesia) đã được thực hiện tại IRRI vào năm 1962. Năm 1966, một trong những dòng của tổ hợp này đã trở thành một cây trồng mới mang tính lịch sử đó là giống IR-8.



    Giống lúa IR-8 được xem là giống lúa cải tiến thành công đầu tiên trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

    IR-8 yêu cầu sử dụng nhiều phân bón và thuốc trừ sâu, nhưng sản xuất đem lại sản lượng cao hơn đáng kể so với các giống mùa truyền thống. Sau khi IRRI phóng thích giống lúa IR-8, cây lúa Châu Á bước sang giai đoạn nhảy vọt mới, mở màng cuộc “Cách mạng xanh” ở Châu Á.

    Là nơi tọa lạc của IRRI, Philippines là nước nhanh chóng nhất tiếp cận các giống lúa cải tiến. Sản xuất lúa gạo hàng năm tại Philippines đã tăng từ 3,7 đến 7,7 triệu tấn trong hai thập kỷ liên tục kể từ năm 1970, điều mà trước đó hàng trăm năm không có được.

    Lúa Thần Nông và Viện Đại Học Cần Thơ (VDHCT) & 1966-1968




    Theo lời kể của KS Trần Đăng Hồng ....

    Viện Đại Học Cần Thơ được chính thức thành lập năm 1966, và Giáo Sư Phạm Hoàng Hộ là Viện Trưởng đầu tiên. Vì là trung tâm của đồng bằng sông Cửu Long trù phú, Viện ĐHCT phải có Đại Học Nông Nghiệp xứng danh với vị trí kinh tế nông nghiệp hàng đầu của đất nước. GS Phạm Hoàng Hộ tham khảo ý kiến với GS Tôn Thất Trình, bấy giờ là Giám Đốc Trường Cao Đẳng Nông Nghiệp Sài Gòn, và nhờ GS Trình giúp thực hiện một thí nghiệm lúa tại ĐH Cần Thơ.

    Tôi vốn là sinh viên được GS Trình hướng dẩn luận án kỹ sư, và sau khi ra trường về dạy NLS Cần Thơ, tôi vẫn còn tiếp tục liên lạc với GS để học những kiến thức chuyên môn rất thâm uyên của Thầy. GS Trình giới thiệu tôi với GS Viện Trưởng Hộ và thuyết phục rằng tôi có khả năng làm thí nghiệm lúa cho ĐHCT.

    Đó là năm 1966, ĐHCT khai giảng với 3 phân khoa chính là Khoa Học, Luật Khoa và Văn Khoa. Trường Cao Đẳng Nông Nghiệp Cần Thơ chưa có, chỉ mới bổ dụng 2 nhân viên đầu tiên là cụ Kỹ Sư Phan Lương Báu làm Giám Đốc, và kỹ sư trẻ Phạm Văn Kim làm phụ tá, để nghiên cứu việc thành lập trường. Trường chưa có cơ sở gì cả. Vì vậy, việc nghiên cứu thí nghiệm lúa phải mượn cơ sở của trường Trung Học NLS Cần Thơ. Như thế, một sự hợp tác được thành hình giữa các Trường Nông Nghiệp Sài Gòn, Viện Đại Học Cần Thơ và Trường NLS Cần Thơ.. Vốn là giáo sư của Trường NLS Cần Thơ, tôi được phép lấy cơ sở của NLS CT để làm thí nghiệm lúa cho Viện ĐHCT dưới sự yểm trợ chuyên môn của GS Trình.

    GS Trình giao cho tôi hạt giống lúa IR-8 mà GS vừa nhận được từ Viện Nghiên Cứu Lúa Gạo Quốc Tế (IRRI, International Rice Research Institute) ở Los Banos, Philippines, một số tài liệu rất mới, và sách chuyên khoa lúa để cho tôi đọc. GS cùng tôi hoạch định chương trình làm thí nghiệm với kỹ thuật mới, nói đúng hơn là làm trình diển giống mới với kỹ thuật mới. Đồng thời, GS Hộ chỉ thị xuống anh Pham Văn Kim phải yểm trợ tài chính dồi dào và mau lẹ khi tôi yêu cầu. Anh Phạm Văn Kim tuyển dụng cho tôi 2 nhân viên, cô Trần Thị Thịnh (Huấn sự nông chính) và một lao công thường trực là anh Trần Nhựt Tân để giúp tôi.

    Cánh đồng thí nghiệm là khu đất trống, khoảng 1 ha, đầy lau sậy, bên cạnh lộ Cần Thơ - Long Xuyên, và lộ 20, nguyên là chổ cho đàn trâu Murat của trường gậm cỏ. Trong khu đất này có một sân bóng rổ, nền tráng xi măng.

    Sau khi phát sạch lau sậy, các nhóm học viên NLS thực hành nông trại dùng máy cày, máy xới Kubota, cày xới nhuyển đất, rồi đấp bờ bao quanh. Bây giờ mới tới phần việc làm đám mạ, theo kỹ thuật mới. Các anh chị lớp huấn sự, kịểm sự góp phần vào việc này cùng với chị Thịnh, anh lao công Tân và tôi. Rồi tới ngày cấy, cũng áp dụng kỹ thuật mới, cấy lúa thẳng hàng, rất đẹp mắt. Chi Thịnh và anh Tân lúc nào cũng ở ngoài đồng từ sáng sớm đến chiều tối, và báo cáo cho tôi tức khắc những gì bất thường xảy ra. Nhờ chăm sóc kỹ, phân bón, thuốc trừ sâu đúng theo kỹ thuật mới, đám lúa IR8 tươi đẹp vô cùng, đánh vào mắt người qua lại trên hai con lộ sầm uất kế bên.

    Khi lúa sắp trổ thì chuột trong khu gia cư chung quanh trường xuất hiện. Nhờ thủ tục nhanh chóng, Viện ĐHCT xuất tiền mua tôn kẻm bao chung quanh khu ruộng, và đánh bả mồi thuốc độc ở bên ngoài và bên trong tường tôn kẻm, nên không có một con chuột nào chui vào được khu ruộng mà còn sống sót. Đến lúc lúa chin, chim thành phố bay đến phá hại, chúng tôi phải treo khắp cánh đồng giấy màu vàng có ánh lấp lóe, vì chim sợ màu vàng, và đặt bù nhìn khắp cánh đồng. Anh Tân và chị Thịnh thay phiên trực ngoài ruộng.

    Quang cảnh phấp phới giấy vàng trên cánh đồng lúa tốt xanh tươi và nặng triểu hạt vàng, gây chú ý của người qua lại. Nhiều người hiếu kỳ, kể cả nông dân và người ngoại quốc qua lại trên hai con lộ, dừng chân quan sát. Có người vào trường xin xem cánh đồng và hỏi thăm tên giống lúa, lúc đó còn mang tên xa lạ IR8.

    Gần đến ngày gặt, tôi báo cáo lên GS Tôn Thất Trình ở Sài Gòn, cụ Giám Đốc Phan Lương Báu và GS Viện Trưởng Phạm Hoàng Hộ của ĐHCT. Các vị quyết định tổ chức một cuộc hôi thảo giới thiệu giống lúa mới tại hội trường NLS vào ngày thâu hoạch.

    Sáng sớm hôm ấy, các phái đoàn của Nha Nông Nghiệp Sài Gòn, trường CĐNN Sài Gòn, cùng GS Tôn Thất Trình và một vị Giáo Sư về Lúa thuộc ĐH Davis, California, xuống Cần Thơ. Ty Nông Nghiệp Cần Thơ cùng mấy chục nông dân tiến bộ của tỉnh đến tham dự. Đăc biệt hơn nữa, viên Cố Vấn Nông Nghiệp Hoa Kỳ ở Miền Tây dùng trực thăng đưa một số nông dân ở các tỉnh lân cận đến quan sát và tham dự. Chúng tôi cho gặt một phần đám lúa, cân đo năng xuất, cho biết là năng xuất 5 tấn lúa/ha, phá kỷ lục về năng xuất vào thời đó (thời đó chỉ 3 tấn/ha). Cuộc hội thảo trở thành một đại hội trình diển giống lúa mới. GS Phạm Hoàng Hộ và GS Trình rất hài lòng với kết quả thí nghiệm này.

    Chính nhờ kết quả trình diển thành công giống lúa IR-8 đã biến đổi sự nghiệp của tôi. GS Viện Trưởng Phạm Hoàng Hộ tuyển dụng tôi vào làm ở Trường Cao Đẳng Nông Nghiệp Cần Thơ, lúc đó chỉ mới có 4 nhân viên là cụ Phan Lương Báu (Giám đốc), anh Phạm Văn Kim (phụ tá hành chánh, hiện nay PGS DHCT), anh Nguyễn Phi Long (phụ tá học vụ, nay là Hiệu Phó Đại Học Cửu Long, Vĩnh Long) và tôi (phụ trách thí nghiệm và nông trại). Vừa qua ĐHCT được một tháng, thì GS Tôn Thất Trình được mời ra làm Bộ Trưởng Bộ Canh Nông. GS Trình xin GS Hộ cho tôi được biệt phái qua Bộ Canh Nông để giúp GS một thời gian, và GS Trình giao tôi nhiệm vụ thiết lập Trung Tâm Quốc Gia Huấn Luyện Lúa Gạo tại Sài Gòn, với cơ sở thực hành ở Hiệp Hòa (Biên Hòa). Tháng 10/1967, GS Bộ Trưởng Tôn Thát Trình đặt tên giống lúa mới IR8 là Thần Nông 8. Với chức vụ Quản Đốc cho môt trung tâm huấn luyện mới thành lập, phải mất 3 tháng tôi mới mở được khóa huấn luyện đầu tiên giảng day canh tác lúa Thần Nông cho 30 vị Trưởng Ngành Túc Mể và Khuyến Nông trên toàn quốc. Cũng trong thời gian này, tôi được hân hạnh hướng dẩn cấy lúa Thần Nông 8 trong một lể Hạ Điền (26/3/1968) tại nông xã kiểu mẩu Phước Thới, Long Xuyên. Nhờ công lao phát huy tiềm năng của lúa Thần Nông 8 tại trường NLS Cần Thơ, và huấn luyện chuyên viên ngành Túc Mể và Khuyến Nông của Bộ Canh Nông về kỹ thuật canh tác mới cho lúa Thần Nông, trước khi trở lại Viện Đại Học Cần Thơ, tôi được tưởng thưởng một Nông Nghiệp Bội Tinh. Có lẻ tôi là người trẻ nhất (lúc đó mới 27 tuổi) mà không phải nhân viên của Bộ Canh Nông lại được cái vinh dự này.



    Bức tranh nông nghiệp đã thay đổi

    Cho đến nay, hiện trạng sản xuất lúa gạo của nước ta đã đổi thay rất nhiều. Mặc dù lúa vẫn là cây trồng chủ yếu của nông nghiệp Việt Nam, có vị trí hết sức quan trọng bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, đóng góp khá lớn vào kim ngạch xuất khẩu nông sản (chiếm khoảng 25%) nhưng diện tích trồng lúa lại đang thu hẹp dần. Tính riêng về diện tích trồng lúa so với tổng diện tích gieo trồng chung cả nước năm 1991 chiếm tới 70%, đến năm 2001 còn 60%. Tuy nhiên, nhờ các tiến bộ khoa học được áp dụng, khả năng thâm canh của nông dân được nâng cao, cho nên năng suất, sản lượng lúa vẫn tăng.

    Năm 2001, diện tích lúa giảm 182 nghìn ha. Nhiều vùng đã chuyển đất một vụ lúa mùa, năng suất thấp, bấp bênh sang nuôi trồng thủy sản, trồng cây ăn quả, cây công nghiệp. Từ năm 2002 đến nay, diện tích trồng lúa liên tục giảm, nhường diện tích đất gieo trồng các loại cây khác hiệu quả hơn. Ðiển hình là năm 2005, diện tích lúa giảm 340 nghìn ha.

    Tuy nhiên, trong 5 năm gần đây, mỗi năm sản lượng lúa vẫn tăng trung bình 700 nghìn tấn. Công cuộc chuyển dịch cơ cấu, trong đó việc quan trọng là giảm diện tích lúa chuyển sang các cây trồng khác cho lợi nhuận cao đang làm bức tranh nông nghiệp nước ta đổi thay từng ngày. Có thể nhận định công cuộc chuyển dịch cơ cấu kinh tế đã đi từ chiều rộng đến chiều sâu. Giá trị trên một ha đất canh tác tăng từ 17 triệu đồng/ha lên 24 triệu đồng/ha, bình quân cả nước sau năm năm (2000-2005). Riêng đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long đạt gần 40 triệu đồng/ha. Các sản phẩm nông nghiệp phong phú, đa dạng, thể hiện sự phát triển toàn diện của ngành nông nghiệp. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông - lâm sản năm 2005 đạt 5,8 tỷ USD, tăng 29% so với năm trước, gấp hai lần kim ngạch năm 2001. Trong số các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của nước ta, gạo vẫn chiếm vị trí quan trọng hàng đầu. Khi thị trường xuất khẩu nông-lâm sản mở rộng sang hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ thì hạt gạo Việt Nam cũng đã có mặt hơn 40 nước.

    Ngày nay Viện Lúa Gạo Miền Nam cùng với Nguyên Tử Lực Đà Lạt đã gây tạo những giống lúa lai theo phương pháp lai giống đột biến (mutation breeding) như VND 95-20, VND-99-1 và VN121. Các giống lúa lai này có đặc điểm cho tăng năng suất, chống hạn, chất lượng gạo tốt hơn, chống bịnh tật và sâu bọ (rice mutants developed to give increased yield, improved quality, resistance to disease and pests), để đối phó với sự thay đổi khí hậu toàn cầu. Những hạt giống lúa lai nảy, đương nhiên, đã được lưu trữ và bảo quản trong Ngân Hàng Di Tử Lúa Gạo Thế Giới.

    Hạt gạo Việt Nam đã và đang góp phần đưa vị thế Việt Nam ngày càng cao trên thế giới.


    Rice Science for a Better World !
    https://drive.google.com/file/d/1N-m...ew?usp=sharing
Working...
X