Announcement

Collapse
No announcement yet.

Chạy đâu cho thoát - Nguyễn Thị Thanh Dương

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Chạy đâu cho thoát - Nguyễn Thị Thanh Dương


    Có lúc giận nhau, lúc muộn phiền,

    Vợ chồng là nợ cũng là duyên,

    Chạy đâu cho thoát, tìm đâu nữa?

    Đàn bà nào thì cũng… như em.

    Tình cờ anh Tư Chuột gặp anh Ba, một người bạn cũ ở cây xăng, Anh Ba ngắm nghía anh Tư Chuột rồi thốt lên:

    – Chà, lâu mới gặp, từ ngày lấy vợ trông khác hẳn ra.

    Tư Chuột giật mình, không biết mặt mũi mình có biểu hiện điều gì khác thường hay anh Ba chỉ nói một cách chân tình.

    – Trông mày có da có thịt chẳng bù ngày xưa như thằng ốm đói. Chắc vợ mày mát tay lắm?

    Tư Chuột cười, nửa nạc nửa mỡ:

    – Đời làm chồng cũng có vui có buồn bạn ơi…

    Đổ xăng xong, Tư Chuột chào tạm biệt bạn lái xe về nhà. Hôm qua hai vợ chồng mới cãi nhau một trận, chuyện bé xé ra to, chỉ toàn là những nguyên nhân vớ vẩn. Con vợ anh thì nói dai, nói dài, anh hiền thì hiền nhưng cục tính chịu không nổi, thế là to chuyện.

    Cãi nhau xong là tới màn hòa bình thân ái và lần sau lại cãi nhau tiếp, làm như đó là những gia vị chua cay, mặn ngọt của cuộc sống, không có không được.

    Vẫn biết rằng hết giận lại thương, mà sao mỗi lần cãi nhau anh Tư Chuột thấy ghét cái bản mặt của vợ quá. Nó giận mặt nó chảy ra như cục bột người ta ủ cho nở để làm bánh, nước mắt nước mũi sụt sùi, miệng thì không ngớt kể tội anh, nào là không thương vợ, không lịch sự với vợ, không chiều vợ.

    Tư Chuột phải quát lên:

    – Cô nói nhiều quá, hơn cả cái radio nữa , mà đài người ta còn ngừng nghỉ để quảng cáo, còn cô thì không, cứ xa xả bất tận…

    Những lúc như thế anh bực mình tự trách mình sao cách đây 3 năm anh lại yêu nó, mê nó quá trời. Cái đôi mắt nhạt nhòe tùm lum nước mắt đó mỗi lần nhìn anh là anh cảm động bối rối. Cái miệng nói dai như đỉa đói đó anh đã từng ao ước được đặt lên một nụ hôn rồi có chết cũng đành. Còn cái tên Nguyễn Thị Bông của nó, hồi chưa cưới về, anh thấy đơn giản dễ thương, bây giờ những lúc giận hờn nhau chưa có cái tên nào quê mùa thô kệch đến thế.

    Khi chưa tỏ tình anh chỉ sợ thất bại chua cay, cuộc đời không có nó thì sẽ vô nghĩa, vậy mà anh được nó đáp lại tình yêu, cưới nó, sống với nhau mấy năm nay, cuộc đời anh có ý nghĩa gì đâu.

    Nó bước vào đời anh và làm đảo lộn mọi thứ trong cuộc sống của anh bấy lâu. Hồi chưa cưới nó hiền lành dễ thương, ăn nói nhỏ nhẹ, những ngày đầu sống chung nó đúng là người tình trong mộng, anh nói gì nó nghe nấy ngoan ngoãn như một cô em bé bỏng, mỗi tuần anh mang cái chi phiếu lãnh lương về, nó lịch sự chẳng cần nhìn xem là bao nhiêu, và nói:

    – Anh cứ để trong tủ cho em.

    Nên anh vẫn tiêu xài thoải mái như thuở còn độc thân, cà phê thuốc lá, bia bọt lai rai…

    Khi còn là người yêu, nó đã nói bằng tấm lòng thông cảm bao la:

    – Tiền bạc không thành vấn đề, miễn là mình thương nhau, cùng lo xây dựng hạnh phúc gia đình.

    Anh sung sướng đã gặp người vợ lý tưởng. Nhưng cưới nhau xong, chỉ sau một thời gian ngắn thì “người vợ lý tưởng” của anh đã biến mất. Cuối tuần anh chưa kịp đưa cái cheque lương ra thì nó hỏi huỵch toẹt:

    – Cheque đâu?

    Rồi nó nhìn con số, hỏi tiếp:

    – Sao lâu quá chưa được lên lương? Anh sắp được phỏng vấn xét lên lương nữa chưa?

    Hoặc có lần nó hỏi:

    – Hãng anh có tiền thưởng mỗi ba tháng không?

    Nó cũng làm hãng xưởng như anh nên rành lắm ba cái vụ này, anh khó mà qua mặt được nó. Rồi nó bắt anh dẹp bỏ checking account, không xài check book nữa Mỗi tuần nó phát cho anh 10 đồng để tiêu xài…tùy ý thích (dĩ nhiên là trong phạm vi 10 đồng). Nó nói mình phải để dành tiền mai mốt down mua nhà, sinh con, mỗi tuần mình chừa ít tiền mặt đủ đi chợ, tiêu dùng, còn bao nhiêu gửi vào ngân hàng, nếu để sổ check, anh cao hứng xài bừa, không ai kiểm soát được.

    Tư Chuột buồn bã than:

    – Em à, hồi xưa má anh còn sống, anh ở với má, lãnh lương về biếu má ít tiền má còn không lấy, nói thôi con để dành mà xài. Còn em, người dưng nước lã bỗng nhảy vô đời anh với danh xưng “Người vợ” và bóc lột anh tới tận xương tủy.

    Nó khẳng định:

    – Má khác, em khác. Mỗi người có một lý lẽ riêng.

    Chưa hết, nó còn kiếm đâu ra khu apartment rẻ tiền. Hồi độc thân Tư Chuột xài sang, ở khu apartment đẹp, khang trang, nay lấy vợ, anh phải…xuống cấp ở khu chộn rộn lu bu để tiết kiệm hơn trăm đồng mỗi tháng.

    Từ đây Tư Chuột biết là đời mình đã có chủ, ban đầu anh phản đối chuyện nó đưa anh 10 đồng một tuần, thì nó lý giải:

    – Mọi thứ khác như ăn ở em… bao hết rồi, còn đòi gì nữa?

    – Nhưng 10 đồng không đủ cho anh uống cà phê!

    Thì nó nạt:

    – Mắc mớ gì anh phải ra tiệm uống ly cà phê cộng tiền típ thành 3-4 đồng. Để em ra chợ mua một hộp cà phê thượng hạng pha cho anh được mấy gallon tha hồ mà uống cả ngày.

    Anh cố trình bày:

    – Em ơi, uống cà phê phải nhâm nhi từng giọt và nghe nhạc mới sảng khoái tâm hồn…

    Nó cũng trình bày:

    – Anh ơi, nhà mình cũng có nhạc nè, và có cả em nữa nè… không đủ sao?

    Thế là anh đành chấp nhận 10 đồng còn hơn là uống cà phê với nhạc và… em ở nhà.

    Nó còn chủ trương hai vợ chồng không nên ăn nhà hàng, dơ thấy mồ, hồi mới đến Mỹ em làm phụ bếp nên rành lắm, mỡ màng, bột ngọt, hàn the… người ta xài thoải mái, miễn là ăn ngon và đẹp mắt, khách hàng bịnh ráng chịu. Cái bảng dán trong nhà bếp mỗi lần nhân viên đi vệ sinh nhớ rửa tay, nhưng dường như để cho nhân viên vệ sinh của thành phố đến kiểm soát thì đúng hơn, vì chẳng ai có thì giờ nhớ tới điều nhắc nhở vệ sinh tối thiểu ấy, cứ việc làm đồ ăn, bưng đồ ăn cho khách mà chưa thấy ai thưa kiện bị đau ốm hay chết chóc gì cả.

    Nó ra tay trổ tài làm món nọ, nấu món kia cho Tư Chuột vừa miệng để quên đi cái thói quen đi ăn nhà hàng từ thuở độc thân. Anh đã vô tròng dần dần cái luật lệ của nó hồi nào không hay, trước kia anh sống thoải mái, phóng khoáng, ở phòng đẹp, ăn xài sang, lãnh lương check nào là bay luôn check đó, cuộc sống hoang đàng chưa ngừng nghỉ bao giờ cho tới khi anh lấy nó.

    Bây giờ anh đã kinh ngạc khi nhìn thấy món tiền trong bank của hai vợ chồng kha khá, dù nhiều lúc bực mình anh cũng phải công nhận nó tính toán hay thật, chẳng cần tốt nghiệp trường đại học kinh tế, tài chánh nào mà nó biết tính toán, biết cách chi tiêu đâu ra đấy, có của ăn của để.

    Anh Tư Chuột bước vào nhà, lòng dịu lại muốn làm lành với vợ, nhưng vừa thấy mặt anh nó làm mặt lạnh quay đi, anh đến gần, nó… né ra như sợ đụng phải lửa.

    Cái điệu giận hờn này thì tối nay chắc cũng giống tối qua, hai người nằm quay lưng vào nhau, lạnh lùng xa cách như hai quốc gia chung một biên giới nhưng không có hòa bình.

    Anh cụt hứng, cơn giận anh trở về vị trí cũ, anh vào bếp thấy nồi phở đang hầm trên bếp chắc là chưa xong. Cuối tuần nào nó cũng nấu món “ăn chơi”, không phở thì cơm tấm, bún riêu thay phiên nhau cho đỡ ngán. Nó nói trống không:

    – Chưa có phở đâu.

    Nghe câu nói trống không anh Tư Chuột càng sôi gan, không thèm đáp lại, dù chỉ là một câu nói trống không “khinh người” như nó. Tư Chuột lấy rổ quần áo dơ đem ra xe để đi giặt, mặc kệ nó mặt sưng mày xỉa ngồi nhà canh nồi phở, mà chưa chắc lát nữa anh thèm ăn, cho nó ế luôn.

    Anh đi giặt đồ và tận hưởng chút hạnh phúc riêng tư, nghĩa là anh quẳng đồ vào máy giặt, trả công cho chủ vài đồng để họ sấy giùm. Trong thời gian đó anh sang quán cà phê bên cạnh, ở đó có một mối tình cảm ỡm ờ, lơ lửng….

    Như tất cả những người đàn ông trên cõi đời này, anh ngồi mơ màng bên khói thuốc lá, bên mùi cà phê thơm và ngắm các em nhân viên trong quán xinh tươi để tạm quên đi con vợ nhà. Đây là cái thú vui cuối tuần của anh, vì đời còn gì vui nữa đâu từ khi anh lấy vợ.

    Trong quán cà phê có một cô em rất dễ thương, chẳng hiểu sao cô có vẻ cảm tình với anh, mỗi lần anh đến đây cô đều tiếp đãi tận tình, ưu tiên. Vì anh đẹp trai hay vì anh ngồi trầm ngâm bên ly cà phê hàng giờ để đợi quần áo sấy khô, cô hàng cà phê tưởng anh ngồi…trồng cây si nên cô cảm động?

    Tư Chuột và cô thường chuyện trò qua lại, những lúc vắng khách cô còn ngồi cùng bàn với anh. Chuyện tâm tình ở quán cà phê rồi cũng bay đi theo khói thuốc lá, theo dòng đời.

    Anh nghĩ thế nên cứ tặng nhau những nụ cười, những lời nói đẹp, lãng mạn tuyệt vời cho vừa lòng nhau. Anh thấy mình trẻ ra, lòng tự ái anh được vuốt ve. Con vợ ở nhà hành anh bao nhiêu, ra quán cà phê anh được cô em chiều chuộng bấy nhiêu. Dần dần anh thấy mến cô, những khi hờn giận vợ, anh tiếc rẻ nếu như còn độc thân thì anh sẽ chọn cô, sẽ cưới cô làm vợ. Dưới mắt cô em cà phê anh vẫn là một anh chàng độc thân bay bướm.

    Tuần trước anh bị một phen hú vía. Hôm đó là ngày thứ bảy, hai vợ chồng anh đi chợ Việt Nam, anh đẩy xe chợ theo chân vợ như một cái đuôi, anh có thích thú gì chuyện chợ búa đâu, nhưng nó bắt anh đi cho có đôi có cặp, cho mọi người thấy hai vợ chồng hạnh phúc.

    Đến dãy bán gia vị, trong lúc vợ anh đang mải tìm mấy gói nấu bún bò Huế thì anh đứng ngáp ruồi nhìn ông đi qua bà đi lại. Bỗng anh giật mình khi thấy bóng dáng cô em cà phê vừa lướt qua, may quá, cô không quẹo vào dãy này, nhưng anh cũng phải chuồn thôi, kẻo đụng độ tay ba thì con vợ anh sẽ ghen lên làm bể tung cả chợ và người tình cà phê kia sẽ đau khổ biết chừng nào!

    Thừa lúc vợ không để ý, anh “bỏ của chạy lấy người”, nghĩa là anh bỏ xe, bỏ vợ đi như chạy, như bị ma đuổi ra khỏi chợ, mắt anh không dám liếc dọc liếc ngang, chỉ sợ gặp cô em cà phê, gọi anh lại thì cũng chết. Ra tới bãi parking, chui tọt vào xe anh mới hoàn hồn, ngồi thở phào thoải mái, mặc dù anh biết rằng chốc nữa vợ ra sẽ giận dữ lắm.

    Đúng như anh nghĩ, vợ anh đã xồng xộc đẩy xe chợ ra, chưa kịp bỏ đồ vào xe, nó nhào ra la anh trước:

    – Tại sao anh bỏ ra đây làm em kiếm anh khắp chợ mỏi cả chân?

    Anh vờ nhăn nhó:

    – Nhức đầu quá em ơi, anh cảm thấy choáng váng nên phải chạy ra đây ngồi nãy giờ mới tỉnh. Ôi, mà em lo gì, anh có là con nít đi lạc đâu mà em phải kiếm.

    Nó tin lời anh, không la lối nữa, sau khi hì hục chất đồ vào xe, nó còn âu yếm bảo anh:

    – Anh chắc còn mệt, ngồi qua bên kia để em lái xe cho.

    Hôm ấy anh thầm cám ơn hai người đàn bà, cô em cà phê đã không nhìn thấy anh và vợ đã tin lời nói dối của anh.

    Tư Chuột vừa ngồi vô bàn, như thường lệ cô em cà phê bưng ra một tách cà phê đen. Cô thủ thỉ:

    – Sao hôm nay anh ra trễ vậy?

    Trời, cô đếm từng giờ để gặp anh sao? Anh cảm động quá:

    – Sáng nay anh đi đổ xăng và rửa xe xong là tới đây gặp em nè.

    Giọng cô nũng nịu:

    – Anh ơi, nếu anh thật lòng thương em thì…

    – Ờ…ờ … anh cũng thật lòng thương em mà.

    – Thì mình phải tính tới đi anh, không lẽ mỗi tuần mình chỉ gặp nhau một lần thôi sao?

    Tim anh đập loạn xạ, không phải vì sung sướng khi được người đẹp tha thiết muốn chuyện lâu dài, mà vì anh sợ, anh đang bị dồn vào ngõ cụt, mối tình cà phê lơ lửng theo tháng ngày sắp đến hồi hạ màn.

    Anh tìm cớ thối lui:

    – Nhưng em ơi, anh chỉ là một công nhân quèn lương không đủ sống nên chưa dám nghĩ gì.

    – Anh đừng lo, tiền bạc không thành vấn đề, miễn là chúng mình thương nhau lo xây dựng hạnh phúc gia đình.

    Tư Chuột giật bắn người, câu nói này nghe quen quen, anh đã nghe rồi, từ miệng Nguyễn Thị Bông lúc hai người đang tìm hiểu, chưa cưới nhau.

    Cách đây 3 năm anh đã nói câu này với Nguyễn thị Bông, với tất cả chân tình để mong nó thông cảm, chịu lấy anh. Và hôm nay anh cũng nói ý đó để mong cô em cà phê chê anh, chán anh, cô rút lui cho được việc, để anh có cái thú đau thương của mối tình dang dở, có cớ hờn trách cô, nhưng ai ngờ cô lại nói y chang câu vợ anh đã nói.

    Anh hồi hộp hỏi cô em cà phê:

    – Em có họ hàng gần xa gì với Nguyễn Thị Bông không?

    Cô cà phê ngạc nhiên hỏi lại:

    – Nguyễn thị Bông nào? Tại sao anh lại lôi cô Nguyễn Thị Bông vào đây?

    Anh thở ra nhẹ nhỏm:

    – À, hồi nào tới giờ anh thấy em giống như chị Nguyễn Thị Bông, là vợ của thằng bạn anh ấy mà, bây giờ anh chợt nhớ ra nên hỏi em vậy thôi.

    Cô cà phê âu yếm mắng yêu anh :

    – Vô duyên, người ta đang bàn chuyện tình cảm mà hỏi câu lãng xẹt. Anh có muốn tính tới chuyện chúng mình không nào?

    Anh mắc nghẹn chưa biết trả lời sao thì lúc đó trời cứu anh, có vài người khách vào, cô phải ra bán hàng. Anh nhìn đồng hồ đã hơn một tiếng qua rồi, chắc đống quần áo ở tiệm đã sấy xong, anh liền ra quầy trả tiền cô em cà phê và để lại một câu chẳng liên quan gì đến câu hỏi lúc nãy của cô cà phê:

    – Anh về nghe. Trời coi bộ muốn mưa rồi.

    Anh biết chẳng bao giờ anh tới đây nữa, vì anh không thể trả lời câu hỏi của cô. Và cũng nhân dịp này anh khám phá ra một chân lý: “Đàn bà nào cũng giống nhau”. Bằng cớ là cô em cà phê đã nói câu y chang vợ anh đã nói, hiền dịu, tử tế biết bao, rồi bây giờ vợ anh đã thay đổi nhanh như con tắc kè đổi màu. Dù anh có còn độc thân, có cưới cô em cà phê chăng nữa, chẳng sớm thì muộn, cô lại “quản lý” toàn diện cuộc đời anh như vợ anh bây giờ. Chạy đâu cho thoát?

    Vợ anh “quản lý” hiệu quả trông thấy, tuy đời anh bị mất tự do nhưng tiền bạc có dư, cơm nóng canh ngon đầy đủ, anh không phải lêu lổng đi ăn hết nhà hàng này đến nhà hàng khác như ngày còn độc thân, và nhất là vợ thương anh thật lòng. Tất cả những vụ cãi nhau, chung quy nó đều hờn trách anh không quan tâm đến nó, không yêu thương nó nhiều như nó đã yêu thương anh. Thôi thì anh cứ an phận trong vòng tay vợ cho chắc anh, tiếc rẻ gì mối tình qua đường trong quán cà phê!

    Lát nữa về tới nhà anh sẽ làm huề với vợ, sẽ ăn tô phở ngon lành. Nghĩ tới đó, Tư Chuột vừa lái xe vừa reo lên một cách sung sướng:

    – Nguyễn Thị Bông, anh đang về với em đây. Em vẫn là người vợ lý tưởng của đời anh.


  • #2


    Tác giả chọn cái tên Tư chuột cho nhân vật trong truyện dí dỏm thiệt

    Cái chuyện tình cảm ỡ ờ của anh Tư Chuột với cô hàng càphê thì không đáng trách :

    Bao năm Kiều vẫn là Kiều

    Đàn ông "ăn vụng" là điều tất nhiên .

    Nhưng cái đáng trách là cái tội trá hình . Tư chuột có vợ rồi mà không chịu nói, dấu nhẹm đi để trò chuyện ngày này qua ngày kia lừa dối tình cảm người khác. Tư chuột phải nên biết rằng ông bà mình thường nói:

    Ăn sao cho được mà mời

    Thương sao cho được vợ/chồng người mà thương?.

    Nếu Tư chuột nói cho cô hàng cà phê biết anh có vợ thì D nghĩ cái lòng mến của 2 người dành cho nhau sẽ đi vào hướng khác dễ sử trí hơn nhiều. D nghĩ vậy vì ở Mỹ lúc này có nhiều cô bưng cà phê bố mẹ cố gắng chạy cho sang Mỹ du học, nghèo lắm phải tự kiếm sống chứ không sướng như con mấy đại gia đâu. Ngoài việc kiếm sống còn muốn lân la làm quen người này người kia để may ra kiếm cơ hội chạy thoát được ngục tù trên quê hương mình. D không nghĩ cô bưng cà phê nào cũng khéo nói để lấy chồng thiên hạ đâu, họ khéo nói chỉ vì nghề của họ muốn lấy khách về cho chủ để họ khỏi bị đuổi việc thôi.

    Có thể anh mến cô vì cô nói chuyện dễ nghe. còn cô mến anh vì thấy anh có tư cách, hiền, có tinh thần trách nhiệm chăng?. Khi biết anh có vợ thì cái mến của 2 người lúc này sẽ trở thành bạn thân, hay tình anh em, dù chưa đủ tin nhau để giải bày tâm sự, thì cũng có chỗ ra nói chuyện trời đất mua vui, cho bớt căng thẳng để chờ vợ.

    Bao giờ mưa thuận gió hòa

    Thay lông đổi cánh lại ra Phượng Hoàng.

    Câu chuyện mới đến đoạn anh biết sửa mình," hạ nhiệt" trở về với vợ nhưng chưa tới hồi kết thúc vì khi trở về thái độ trỏng trỏng , ngó lơ anh chồng có còn hay mất của người vợ mới là quan trọng. Chuyện gì xảy ra cũng bởi cả 2 chỉ có điều người ít người nhiều mà thôi.

    Theo D thì sau cơn thịnh nộ, ăn nói bừa bãi thì nên suy nghĩ, xét mình lại để kềm tự ái vì tự ái sẽ sinh ra ích kỷ, phải kềm cái tính ích kỷ của mình lại đừng để nó bùng phát mạnh vì ích kỷ qúa mức cho phép, nó sẽ làm cho căn bệnh tự kỷ có sẵn trong người mình xuất hiện (con người ai cũng có 1 ít tự kỷ để bảo vệ mình). Một khi mình không còn kiểm soát được cung cách hành sử của mình với xã hội là mình đang mắc chứng bệnh tự kỷ rồi đó.

    Dưới đây là những chia sẻ của KD

    - Giận thì giận nhưng không bỏ những thói quen thường ngày mình hay làm cho chồng hoặc vợ :

    Anh Cừ trước khi đi làm hay tìm Dung để nói"anh đi làm", khi giận anh anh vẫn tìm D để báo là anh đi nhưng không báo bằng lời mà cầm chiếc chìa khóa xe gõ gõ vào cửa phòng nơi đang có cục bột bánh baoKD trong đó, hay ra vườn tìm gõ vào tấm tôn hàng rào nơi có cô mặt bự KD ở đó .

    Còn KD thì cứ lẳng lặng vác cái mặt bự hơn thường ngày ra đóng cổng, hôm nay không thèm mở cổng. Chiều về vẫn dọn cơm lên bàn nói anh ăn mà mình lỉnh đi chỗ khác không thèm ăn chung .

    Chỉ 1 ngày bị câm thôi là ngày hôm sau bớt giận ngay vì thấy người kia vẫn để ý đến mình.

    - không nấu thức ăn rồi bỏ hết trong tủ lạnh cho chồng tự lấy, không bê 1 tô cơm ngồi vắt vẻo ăn rồi nói chuyện với con cái hay con chó cưng nuôi trong nhà một cách rôm rả, mà không thèm nói với vợ/chồng. Lúc đó tự ái bùng lên nhất là ở đàn ông, thế nào cũng có thượng cẳng tay, hạ cẳng chân, c`on nếu không có bạo động bên ngoài thì sẽ có bạo động trong lòng trong đầu sẽ nghĩ "công sức của tao mày nắm hết rồi, cô coi tôi như kẻ nô lệ, tôi sẽ ra đi tay trắng, đời muốn ra sao thì ra". KD đã thấy cảnh này xảy ra ở nhiều nơi rồi .

    - sau cơn thịnh nộ, ngồi suy nghĩ lại những lời nói của người bạn đời trong cơn nóng giận xem họ muốn gì ở mình vì chỉ lúc nóng đó mới là lúc họ nói thực lòng nhất, rồi dựa vào đó mà thay đổi mình cho hai người đến gần nhau hơn.

    D không dám im lặng lâu qúa, sợ sẽ làm mình nhức đầu, xấu xí, mau già

    Gái đẹp phải biết làm duyên

    Vợ đẹp phải biết chiều chồng yêu con .

    Mình là đàn bà nên làm cả hai, mình sẽ được tất cả. (nói nhỏ thôi nhé. hi.hi.) .

    THân Ái

    KImDung

    Comment


    • #3
      Ai cũng ao ước có được một người bạn đời toàn hảo trong khi chính mình đôi khi cũng có "vấn đề''. Vì vậy cuộc sống chung chỉ có thể bền vững khi người ta nhận thức được những thiếu sót của mình, chấp nhận được những khác biệt của nhau và quan trọng nhất là người ta cần có nhau. Không có những điều kiện này thì bất kỳ một kết nối nào cũng có thể tiềm ẩn những trắc trở dù cho họ đã là những người tưởng chừng không thể tồn tại nếu không có nhau. Nội dung của câu chuyện có lẽ chỉ là như thế, còn sự xuất hiện của cô hàng cà phê cũng chỉ là một thứ gia vị để làm rõ thêm cho chủ đề của bài viết đó mà thôi.

      Comment


      • #4
        Câu chuyện càng đọc càng thấy vui, biểu hiện của nhiều mặt trong xã hội, cái tên Tư Chuột sao giống qúa.

        Tư Chuột đã bỏ quán càphê lâu lắm rồi. một ngày đẹp trời nọ anh yêu vợ, vâng lời vợ theo đi chợ cho ra vẻ "hạnh phúc" vì ta cần có vợ mà. Mua hàng song đang vui vẻ ì ạch sách túi ra xe với vợ, đi qua chỗ quẹo để ra xe thì hỡi ơi!!! e..m...Càphê!!!. 3 mặt nhìn nhau miệng há hốc, anh kêu lên

        -Trời, chỉ 1 tiếng rồi im bặt, trong đầu nghĩ: "chạy đâu cho thoát " vì mình quên nói vợ mua nhà đi nơi khác (ai bảo cho chừa cái tội thiếu thật thà )

        Cô em càphê mắt nổ đom đóm, trong đầu hoa hoè hoa sói nhảy loạn xạ, kiếm cái ghế băng ngồi, cô bưng mặt khóc 1 lúc sau hoàn hồn lại cô tự nhủ mình can đảm lên mình con nhà nghèo mà, cơ cực đã bao lần úp lên đầu mình mà mình vẫn vượt qua. cô mỉm cười nói với chính mình "hôm nay ngoài chợ có hoa mười giờ nở". Cô nghĩ trong đầu: Đàn ông lê la ngoài quán càphê ông nào cũng vậy " chạy đâu cho thoát ".

        Cô về quyết tâm làm việc và tập trung vào học cho ra nghề, những giờ rảnh cô ra nhập nhóm SV, có người cùng trình độ dễ tin hơn.

        Thân Ái

        KimDung

        Comment


        • #5
          Hihi ... hôm nay vô đây đọc câu chuyện tiếu lâm của KD mà P mắc cười muốn bể cái bụng của mình luôn ! :cuoilan::cuoilan: hichic

          Các bạn mến , qua câu chuyện của tác giả cũng như chuyện thêm thắt của Dung , P thấy đó đều là những câu chuyện vui nhưng rất có ý nghĩa sâu sắc , nhưng với tinh thần vui vẻ đang chờ những hình ảnh họp mặt sắp tới của các bạn ở Cali nên P vào đây láp záp cho vui chứ cũng không biết chia sẻ như thế nào về chuyện này vì mình đang ở cỏi ... trên ! nên không biết caphe ngoài đường ở ... cõi dưới ngon như thế nào , vì không biết nên P không dám bàn sâu bàn xa , mà chỉ dám bàn về cái tựa mà thôi nhen , hihi

          Thoạt nhiên lúc thấy câu '' chạy đâu cho thoát '' , P tưởng mình sắp được đọc một câu chuyện nói về nhân quả chi đó , vì '' chạy đâu cho thoát '' thường đi kèm với '' lưới trời lồng lộng '' đó mà ! ( giống phim tập Hongkong không các bạn ? ) :cuoilan:

          Đọc một hơi tới nửa chuyện P mới hiểu ra , ah , không phải lưới trời mà là lưới .... tình ( mình xin sorry trước với các bạn ở đây nhé , giờ này 60 U rùi mà còn nói ... vớ vẩn , hichic , vì cái tựa đề khiến mình nghĩ thế , hichic ) . Thú thật với các bạn , đọc tới đoạn anh Tư của chị Bông gặp cô hàng caphe mình cũng hồi hộp lắm , cho nên khi thấy anh Tư cuối cùng rất sáng lòng mà thoát khỏi lưới của cô hàng caphe ( mặc dù có thể cô đó rất ngoan hiền ) , làm mình phấn khởi vô cùng , nhưng cũng hơi thắc mắc là , đã thoát rồi còn nói chạy đâu cho thoát nghĩa là sao ?

          Trên chỉ là câu chuyện vui P không serious về chuyện này lắm và P nghĩ cho vui thôi nhen nếu mình chịu uống caphe ở nhà sẽ có lợi nhiều hơn , ai đâu xa lạ mình không biết , chứ với các Anh các bạn trên diễn đàn , P đoán các Anh hay uống caphe ngồi canh tin tặc trên diễn đàn hoài nên rất ... khỏe ! chờ tặc nào quăng quảng cáo thì delete liền , cái này mới đúng là ... ê tin tặc ! Chạy đâu cho thoát ... tay ta !!! Haha ...:cuoilan::cuoilan:

          Chúc các bạn vui

          PL


          Comment


          • #6
            Đọc chuyện này mình thấy vui ,là anh Tư chuột về với vợ .

            Vợ chồng nào dù có yêu nhau và hoàn hảo cách gì ,có ai dám nói là không bao giờ có

            lúc bất đồng giận nhau ?

            Nhưng mà nếu giận vợ mà tìm đến cô hàng cafe thì không nên , rủi 2 vợ chồng không khéo xử thì hỏng.

            Đọc chuyện này vui ,Kim Dung chế biến cũng thưjc tế , tại vì ở gần thì chắc chắn ngày nào đó cả ba cũng sẽ gặp. Tốt nhất là ông chồng nên thật thà .

            Là cô hàng cà phê cũng đừng dễ tin mấy ông khách mà phải buồn. Mấy ông có tán vờ vịt nghe cho vui thôi và xạo lại và chờ xem .

            Không có mục gì ,đọc chuyện tình lăng nhăng cười tủm tỉm ,cám ơn anh Hùng và các bạn .

            Comment


            • #7


              Anh Hùng chọn một đề tài thực tế trong xã hội. D nghĩ sẽ có nhiều đóng góp vui của các bạn.

              Dung thấy comment của KV rất nên được áp dụng trong thực tế.

              Cô hàng càfê mà D thêm vào trong chuyện chế là KD của 40 năm về trước đó, tuy câu chuyện xảy ra trong bối cảnh khác, nhưng tâm trạng cũng giống như nhau. Bây giờ hoàn cảnh sống đã khác rồi, viết lại để mọi người đọc cho vui chứ ngày đó buồn chết.

              Sau 1975 nước VN xuất hiện ra nhiều lớp người nghèo mới, vì người nhà phải đi cải tạo, đánh tư sản, đi kinh tế mới. v.v. Nhà KD cũng ở trong tầng lớp người nghèo mới này, chị em D làm đủ mọi việc để kiếm cơm : bán hàng noel, bán cơm chay ....

              Chị Thục Cát của KD, có chồng đi cải tạo, nhà chị ở ngay mặt chợ Rạch Ông. Gia đình chồng chị ở ĐàLạt, trước kia làm nghề trồng hoa, sau 1975 hoa không còn người mua, ở Đà-Lạt lúc bấy giờ không biết làm gì sống. Chị và cô em chồng là chị Linh Lan bàn nhau về Sài-Gòn mở qúan nước. Chị em Dung chỉ ra phụ chị trong những ngày hè, hay những ngày rảnh. Ngày đó quán không có tên nhưng vì toàn những cô gái Đà-Lạt bán nên được mọi người đặt cho cái tên " quán nước Đà-Lạt ". Quán đắt hàng lắm vì thời đó mấy ông chủ "mánh mung" tụ tập hàng ngày để bàn chuyện vượt biên. trong số những đàn ông đó có anh tên Lĩnh lân la kết thân với Linh Lan, rồi hứa đem chị đi vượt biên.

              Rồi 1 buổi sáng nọ D và chị Quyên ra phụ quán cho chị Cát và Linh Lan về Đà-Lạt thăm mẹ. Quán vừa mở cửa thì anh Lĩnh đến, anh Lĩnh ngày nào cũng có mặt sớm hơn mọi người. D vừa bê ra cho anh 1 ly sinh tố dâu, chưa kịp rời bàn thì có 1 cô khách nhìn rất thanh lịch bước vào trong quán, cô đi thẳng đến bàn anh Lĩnh và D đang ở đó. Cô nhìn đăm vào mặt anh Lĩnh với đôi mắt bốc lửa, cô chỉ nhìn mà không nói với anh Lĩnh câu gì. Bất ngờ cô quay sang chụp lấy tay D, bóp chặt, cô nói, nói và nói đủ điều, D đâu hiểu cái gì, sợ qúa, toàn thân run rẩy, ù cả 2 tai, 2 chân muốn chạy mà không chạy được, cô cứ nhỏ nhẹ rót vào tai D đủ điều nhiếc móc, D chỉ nghe được không trọn nửa câu ".....gái bán quán,....trời đánh, chuyên nghề phá gia cang người ta ". Chị Quyên từ trong bếp chạy ra, vừa thấy chị cô thả D ra chắc vì cô thấy mặt D non choẹt mà còn ngợt ra như bị mắc nghẹn. Cô liền quay qua săm săm dạy dỗ chị nhiều hơn chắc vì cô thấy chị cứng cỏi hơn D nên nghĩ đây mới là tình địch.

              May qúa chú Coỏn bán xe hủ tíếu ngay bên, chạy qua quán gọi ly càphê đá, thấy cô nhùng nhằng với chị chú nói:

              -2 con nhỏ này mới ra bán thế chị nó, muốn đòi nợ thì chờ chị nó về, mới sáng mà làm dzậy ai bán được hàng. Rồi chú kéo cô ra khỏi quán. Chắc nhờ chú Coỏn nói cô mới thấy bị ghen lộn, cô không chống cự mà đi luôn.

              Xong chuyện, nhìn quanh chỉ còn thấy 2 chị em, anh Lĩnh đã Lỉnh đâu mất từ lúc nào không biết? Hai chị em hoàn hồn lúc đó mới tức tưởi khóc. Buồn lắm chứ, Có người đàn bà thanh lịch đến dạy dỗ không ồn ào, dùng lời nhỏ nhẹ mà như cắt thịt ra. Tuy rằng biết mình bị đánh ghen lộn, nhưng nghĩ đến chị Linh Lan thì thấy như chính mình bị xúc phạm nên tủi thân lắm. chị Cát và Linh lan mở qúan chỉ với mục đích kiếm tiền nuôi chồng cải tạo, nuôi con nhỏ và nuôi cha mẹ già, chứ đâu còn mục đích gì khác.

              Bị ám ảnh qúa, và thấy chị Linh Lan buồn, chỉ vài tháng sau chị Cát đóng cửa quán nước, 2 chị em lại dắt díu nhau đi buôn chui

              Xanh kia thăm thẳm tầng trên

              Vì ai gây dựng cho nên nỗi này (Kiều)

              Bây giờ mỗi khi nhắc lại quãng đời chật vật đó, cả nhà hay chọc quê D : ở tuổi đôi mươi người ta có "tiếng sét ái tình" còn KD thì có "mối tình Trời đánh". Chị Q thì bị chọc là : tuổi thanh xuân cũng bị trời đánh bay lên núi Qui Hoà, ở đó tu luôn và làm việc cho các bệnh nhân trong trại phong Qui Hoà.

              Khi D đọc truyện và xem phim tàu thường hay thấy có sự báo thù từ đời này tới đời kia . khi đọc chuyện và xem phim VN thì thấy những người sống nghề ca hát, bán quán, ở đợ hay bị coi rẻ, trong đầu D không có tư tưởng đó vì nó đã lỗi thời rồi



              Đọc chuyện "chạy đâu cho thoát", KD thấy tác giả rất "dí dỏm sâu sắc". "dí dỏm sâu sắc " ở chỗ nào?, nếu KD chỉ nói xuông, để cho mọi người tự hiểu thì e rằng lại có vài cụm mây mù lởn vởn đó đây, nên KD xin được nêu rõ cái dídỏm mà sâu sắc từ nhận định của KD:

              Trong những mối tình bâng quơ, người VN mình hay gọi là Mèo Chuột .

              Ở đây tác giả cho anh Tư một điểm son rõ rệt mà ai cũng nhìn thấy là việc anh trở về với vợ.

              Rồi Tác giả chọn cho anh cái tên chuột, với hàm ý đằng sau,( không rõ lắm nếu ta không để ý ), anh là người có lỗi, đi giăng lưới tình người khác. Cô bán càphê không bị gọi là mèo mà vẫn được gọi là cô em càphê

              Viết truyện kiểu này, đọc và suy nghĩ thấy vui, ai muốn hiểu sao cũng đúng tác giả tài thiệt chứ?

              KD thích chia sẻ những kinh nghiệm hoặc những suy nghĩ của mình khi được đọc truyện chung với các bạn cho vui. Vì mình đã ở tuổi "lục thập nhi nhĩ thuận" rồi. Cám ơn các bạn nhiều.

              Thân Ái

              KimDung

              Comment


              • #8
                Hôm nay D đọc lại câu chuyện mà vẫn mỉm cười vì thấy từ nội dung bài, đến cách đặt tên, tác giả nữ này ngầm ý bênh phe nữ qúa. D bèn bấm đt xin ý kiến Hiền (vì H lúc này có nhiều việc, bận không vô dđ được). H nói để H vô đọc trước đã. Sau đó H gọi cho D và cho ý kiến:

                " Kết bài tác giả đã cho anh Tư Chuột điểm son, mà lại quên đổi tên cho anh ấy, như vậy cái tên xấu xí cứ theo anh ấy suốt đời, tội nghiệp qúa. Hay mình nói anh Hùng liên lạc với Tác gỉa để xin đổi tên cho anh ấy chứ".

                LP thì chỉ đọc ý kiến của D để cười no, mà không bàn vào nội dung bài vì bài thực tế nên cũng tế nhị lắm. Lúc đầu D cũng đắn đo mãi, muốn nói rồi lại thôi, nhưng khi nhìn cái hoa hồng trắng trên đầu bài, D không e dè nữa mà cứ tự nhiên góp ý vui trong tình yêu thương bạn bè.

                Hiền và Kim Vân có vẻ nâng đỡ quan tâm đến anh Tư Chuột lắm đấy, sau khi biết anh đã U turn về mái nhà xưa, nghĩa là anh đã phục thiện. Vì có 2 ý kiến thông cảm nên D phải nghĩ lại câu chuyện chế của KD:

                Anh đi vắng hoài, hôm nay gío lớn, nhìn ra ngoài trời, cành cây tùng bên hồ bơi đã gục xuống, quay vào trong nhà, trên bàn, cơm phở gì cũng lạnh tanh, chị Bông thấy cô đơn, chị cầu mong có anh ở nhà với chị lắm.

                Vừa nghe tiếng động ngoài cửa, nhìn ra thấy anh chị vội mừng rỡ chạy ra đón anh bằng câu dân ca ví dặm của người dân xứ Nghệ:

                Anh ơi !!! Khoan vội bực mình,

                Em xin kể lại phân minh cho anh tỏ tường

                Anh cứ nhủ rằng em không thương

                Em lo lường thì rất cặn kẽ

                Chính vì thương anh nên em bàn với mẹ

                Phải ngăn anh không đi chuyến ngược Lường

                Giận thì giận, mà thương thì thương

                Giận thì giận, mà thương thì thương

                Anh sai đường em không chịu nổi

                anh ơi anh xin anh đừng có giận vội

                Trước tiên anh phải tự trách mình

                Anh cứ nhủ rằng em không thương

                Giận thì giận mà thương thì thương

                Giận anh cứ giận, mà thương em càng thương.

                Bài này KD phải nhờ đến cô bạn Xuân Lan diễn tả giùm nhé XL.

                Thân Ái

                KimDung

                Comment


                • #9
                  Đô Lương là một huyện nhỏ tách ra từ huyện Anh Sơn tỉnh Nghệ An. Sông Lường là đoạn sông ngắn chảy qua vùng thị trấn của Đô Lương, nơi đây có bến sông Lường được nhắc đến trong câu dân ca ở trên.

                  Comment

                  Working...
                  X