Announcement

Collapse
No announcement yet.

TIẾNG VIỆT MẾN YÊU (1)

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • TIẾNG VIỆT MẾN YÊU (1)


    Từ ngày rời trường cũ (RP) về trường ĐHSPGD, KD phải đến trường trên những chuyến xe bus nêm cứng người và người, người ta bảo nêm cứng như hộp cá mòi, đôi khi D có cảm tưởng còn hơn thế nữa.

    Chiều nào cũng vậy, tan trường là ba anh em cùng nhau chờ xe bus trước cổng trường, đến SG cùng xuống cuốc bộ một đoạn đường dài, đoạn đường có hàng cây cổ thụ xoè tán rộng, nhiều bóng mát. D, Lệ Chi và anh cứ lâng lâng đi trên con đường Cộng Hòa êm ả đó.

    Vào buổi chiều nọ, trời Sài Gòn xám xịt màu chì, gió cũng ồn ào từ đâu thổi đến, cuống cuồng lau khô sạch mồ hôi vương trên mình, quét sạch lá vàng khô trên đường, ba anh em cũng cuống quít theo gió với những bước chân thật vội vã. Qua khỏi đoạn đường có trường ĐHKH và trường Bác Ái đến đường Nguyễn Trãi thì những giọt nước rầm rập đua nhau đổ xuống, ba anh em chạy vào quán trú mưa, ăn kem và ngồi nhìn mưa rơi. Giọt nước đầu cơn mưa ném xuống đường nhựa, ném thật mạnh từ trên cao, nó vỡ vụn ra, mảnh vụn tung nhẹ lên thành bong bóng. Không đầy ít tích tắc sau bong bóng bể tan thành nước, nước cuốn nhau trôi trên lòng đường chảy vào ống cống rồi mất hút.

    Cơn mưa lớn và dai đẳng, chưa tạnh dứt thì phố đã lên đèn, ba anh em cũng ra về. Anh và bạn theo đường Nguyễn Trãi đi về hướng Sài Gòn để về nhà, KD như mọi ngày rẽ vô Nguyễn Biểu đi tới đường Trần Hưng Đạo đón xe "lam" qua cầu chữ Y về chợ Rạch Ông. Hôm nay đi một mình trong mưa lất phất, những bụi mưa nhuộm màu đèn đường về đêm vàng úa. D vội vã bước cho mau kẻo lạnh, sợ bị cảm. Bỗng có tiếng xe Honda chạy sát bên mình, người ngồi trên xe nói lớn:

    - Lên anh chở về, mau lên kẻo ướt rồi lạnh.

    Giật mình, mở to đôi mắt nhìn, người đâu lạ hoắc mà nói như thân thiện lắm.

    Chiếc xe Honda cứ rà rà chặn đường D đi, người đo lại quát:

    - Lên xe, ướt hết rồi, lên mau kẻo lạnh.

    "Ôi ! Lạy Chúa, Chúa ơi cứu con". D hoảng hồn chạy loanh quanh tìm cách trốn, lách qua người lái xe, cố chạy quanh quẹo để người ta khó đuổi được mình. Nhìn quanh trên đường chẳng có một bóng người, những dẫy nhà hai bên đường đều đóng kín cửa, trời cứ thản nhiên phun những bụi vàng héo hắt. D nhìn thấy từ phía xa có ánh đèn sáng yếu ớt từ trong nhà chiếu ra sân, lại có một chiếc xe tải chở hàng đậu chắn gần phía trước. D cố tìm cách chạy tới, chiếc Honda cũng cố ép D vào bên hông chiếc xe vận tải hòng túm được D. Nó ép D sát vào hông xe, D chui tọt xuống gầm xe, bò vội vào căn nhà đang mở cửa. Vừa bước vô, thấy mấy ông bợm trợn đang ngồi nhậu, nói năng ồn ào, tục tĩu, túm lại hỏi thăm D. Miệng D cứng đờ, toàn thân run bần bật, D bật khóc và nghĩ "Chúa ơi! Có bao giờ con tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa không? Sao toàn những ông trông ngầu đời thế này?". Một bà chạy ra cho D một ly nước, dắt D vào ngồi trên ghế. Một lúc sau D mới hoàn hồn kể lại chuyện xuýt bị người lạ bắt lên xe chở đi. Đám dân nhậu ồn ào nhốn nháo, tranh nhau nói:

    - DM ! Lại mấy thằng đi bắt "bò lạc" rồi, DM nó!

    Họ nói với D:

    - Ngồi nghỉ cho phẻ rồi qua kiêu đàn em dẫn em dìa.

    Vài phút sau một chàng thanh niên dong dỏng người, hoạt bát, nhanh nhẹn đến. Anh nói:

    - Rồi chưa, theo anh. Anh đưa về tới nhà, đừng lo.

    D tưởng chàng sẽ lấy xe chở D về, nhưng không chàng bảo:

    - Qua bên bển gần xịt, anh dẫn em dìa bộ cho tụi nó thấy mặt.

    Ngoài trời mưa đã tạnh hẳn, chàng nắm chặt tay D đi ngoài đường, thoạt đầu bước đi một đoạn còn thấy chiếc Honda lòng vòng, lảng vảng đi theo.

    Chàng quát lớn, chỉ vào ngực:

    - DM! Nhìn kỹ xem thằng này là ai rồi cút ngay đi.

    Khi lên cầu chiếc Honda đã mất dạng từ lúc nào. Nắm tay D đi, anh chàng ngầu đời nói chuyện thật hoạt bát, lịch thiệp, không giống như khi D thấy anh làm dữ. Gió trên cầu thổi mạnh làm tóc D cứ bay tứ tung, hai tà áo dài cuốn vào chân chàng hiệp sĩ, chàng gỡ chiếc mũ len đang đội trên đầu chụp vô đầu D và bảo:

    - Em lạnh lắm rồi, để anh lấy áo ra cho em mặc vô cho ấm.

    - Không sao D không lạnh, sắp về tới nhà rồi. Anh đừng làm thế, cám ơn anh đưa D về.

    - Anh biết em lạnh vì bàn tay em anh nắm chặt mà vẫn còn run.

    - D sợ.

    - Chưa hết sợ sao? Bây giờ có anh rồi, anh sẽ đưa em tới nhà an toàn.

    - Lát nữa D sẽ nói anh rể D chở anh về.

    Chàng hiệp sĩ cười lớn:

    - Em khờ ghê, anh còn sợ ai ở khu này? Đúng ra em phải lo khi chở anh về rồi thì anh rể em có về nhà bình yên không?

    D im lặng đi theo chàng.

    Nhìn ra xa hai bên cầu, giòng sông tối thui và trên cầu chỉ có D với chàng hiệp sĩ. Thỉnh thoảng mới có một chuyến xe ‘’Lam’’ chở đầy khách đi về hướng Phạm Thế Hiển, gió vẫn còn thổi nhưng nhẹ hơn. Qua khỏi cầu, khu chợ Rạch Ông cũng vắng hoe, mấy người bán bắp nướng, bánh chuối nướng, hột vịt lộn ... hôm nay cũng đã dọn về hết, chỉ còn mỗi xe hủ tíu mì của chú A Sỏn héo hắt như đang ngái ngủ buồn thiu ngay đầu chợ. Đã đến nhà rồi, khung cửa sắt đã đóng kín, chợ búa đã ngủ yên, chàng hiệp sĩ chờ người ra mở cửa, khi D bước vô nhà an toàn chàng mới quay về.

    Hôm đó đến 12 giờ khuya rồi mà D vẫn không thể ngủ được, cái cảnh hồi chiều cứ quay cuồng trong óc, sợ quá. D thì thầm cảm ơn Trời đã cho D gặp được những người nhìn bặm trợn ngoài mặt nhưng tâm hồn lại rất lương thiện. Suốt đêm D cứ nghĩ về họ, nghĩ đến cách ăn nói của người đường phố. Trước kia D thường không có thiện cảm và suy nghĩ không tốt với những người hay dùng chữ Đan Mạch (DM) đệm trước và sau mỗi câu nói. Kể từ đây thì khác rồi, mỗi khi nghe những từ này D chỉ thấy tiếng Việt thật tức cười. Không biết xuất phát từ đâu mà lại có những từ không đẹp này, vậy mà nhiều người vẫn thích dùng nó đệm cho câu nói của mình? Phải chăng người ta cố tình dùng nó để tạo thêm cái oai cho mình hay chỉ là những thói quen mà người ta ghiền nó như ghiền thuốc lá, cà phê hay phim ảnh, chắc muốn sửa cũng không được. Ôi! tiếng nước Việt của D, chính D cũng chưa hiểu hết.

    Thân ái

    KimDung

  • #2
    Các bạn mến,

    Hồi đó Tuyết Lan cũng suýt bị bắt cóc. Khi Tuyết Lan vừa từ xe đò bước xuống thì bị dí dao, Tuyết Lan vội vàng bước ngược trở lên vào cái xe đò mà Tuyết lan vừa mới bước xuống.

    KD đã chui qua gầm xe mà thoát được, nghĩ lại có còn rùng mình không KD?

    Thân ái

    Hiền


    Comment


    • #3
      BÀN VỀ VĂN HOÁ CHỬI ...

      [justify]Nhân loại không mấy người không chửi mắng hoặc bị chửi mắng. Chửi mắng, rủa sả là thứ ngôn ngữ không thiếu trong cuộc sống, trong văn chương của mọi dân tộc. Chửi là la mắng, là nói những lời thô tục, cay độc để làm nhục người khác. Đó là theo từ điển tiếng Việt thông dụng. Chửi cho bõ tức. Khi stress quá mức, con người ta có xu hướng chửi đổng lên, hoặc chửi thề, nói tục. Nhưng, xét cho cùng, chửi thề, nói tục, liệu có nên chăng? Ở ngoại quốc, các nhà tâm lý học cũng dùng phương pháp phân tích "chửi" để tìm hiểu thêm về học sinh nào đó học kém và thiếu đạo đức: về tâm lý và cá tính, về hoàn cảnh gia đình, hoặc về sinh hoạt bạn bè ... Từ đó rút ra những điều cần thiết để giúp đỡ các em thành đạt trong học tập.

      Nói tục chửi thề là hiện tượng khi nói người ta thường hay đệm vào những câu tục tĩu, những từ “cấm” có ý nghĩa như một câu chửi tới người nghe. Khi tán gẫu, người ta thường hay mang những câu chuyện tục để gây tiếng cười cũng là một biểu hiện của nói tục chửi thề.

      Chửi thề đã từng xuất hiện trong văn chương. Trong thơ Trần Tế Xương thơ chửi thề là sự chửi cả chế độ thối nát, của tình đời đen bạc.

      Đùa Ông Hàn

      Hàn lâm tu soạn kém gì ai?

      Ðủ cả vung nồi, cả cóng chai

      Ví phỏng quyển thi ông được chấm

      Ðù cha, đù mẹ đứa riêng ai …


      Vịnh khoa thi Hương

      Nhà nước ba năm mở một khoa,

      Trường Nam thi lẫn với trường Hà.

      Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ,

      Ậm oẹ quan trường miệng thét loa.

      Lọng cắm rợp trời, quan Sứ đến,

      Váy lê quét đất, mụ đầm ra.

      Nhân tài đất Bắc nào ai đó?

      Ngoảnh cổ mà trông cảnh nước nhà!


      Hỏng Thi Khoa Quý Mão (1903)



      Trách mình phận hẩm lại duyên ôi!

      Ðỗ suốt hai trường hỏng một tôi

      Tế đổ làm Cao mà chó thế

      Kiện trông ra Tiệp hỡi trời ơi!

      Mong gì nhà nước còn thi nữa

      Biết rõ anh em chẳng chắc rồi

      Mũ áo biển cờ, làng có đất

      Ô hay hương vận mãi chưa hồi!


      Cao Bá Quát trước giờ chết cũng chửi thề rất “đã”:

      “Ba hồi trống giục mồ cha kiếp

      Một nhát gươm đưa bỏ mẹ đời”.



      Nhưng, phải nói, thi nhân xưa, ức chế lắm họ mới thi thoảng văng vài câu chửi thề.Trần Tế Xương làm bao nhiêu bài thơ, nhưng những từ ông chửi tục chỉ đếm trên đầu ngón tay. Cao Bá Quát cũng chỉ đến khi sắp chết, hận đời, hận chế độ thối nát mới cất giọng hào sảng “chửi đổng thế gian”. Còn chúng ta?
      [/justify]

      =================================

      Mong giải thích được phần nào câu hỏi tự nhủ ở cuối bài của tác giả.

      KP
      https://drive.google.com/file/d/1N-m...ew?usp=sharing

      Comment


      • #4
        Các bạn mến,

        Có lẽ cái nghiệp của KD là chỉ loanh quanh gần nhà, khi đi ra xa là gặp nạn. Sau cái ngày đó KD đổi lối về, D không nhớ xuống bến xe nào mà chỉ nhớ phải đi xa hơn, phải qua nhà thờ chợ quán mới đến đường Trần Hưng Đạo. Có một hôm đang đi gần tới bến xe thì nghe tiếng chân người chạy thình thịch phía sau, rồi có người cản D lại, họ hỏi thăm rồi mời D vào đoàn hát cải lương. D từ chối vì không biết ca cải lương. Hôm sau trên đường về lại có hai anh ở trường dạy ca kịch cải lương Trần Hữu Trang trên đường Trần Hưng Đạo chờ đón D. Họ muốn mời D tập vai gì đó? Trong vở tuồng gì đó? Mà D không nhớ vì D ít để ý đến cải lương. D xin lỗi và từ chối lia lịa vì mình không mê cải lương lắm nên đâu biết ca. Họ nằn nì là cứ tập sẽ ca được, D lại từ chối vì là Bắc kỳ nếu tập cho D hát ả đào thì may ra D hát được, họ đành thôi.

        Hiền ơi! Thú thật là bây giờ mỗi khi đi ngoài đường vắng D run lắm, mắt trước mắt sau cứ ba chân bốn cẳng chạy, chạy, và chạy.

        Khi D có dịp nhìn lại chiếc xe vận tải, vẫn thắc mắc tự hỏi ngày đó mình đã chui vô khúc nào của xe mà lại bò ra được không hề hấn gì? Chắc có Thiên Thần bản mệnh đẩy D xuống rồi lôi D ra.

        Cuộc đời của D đã có mấy lần chui vào gầm xe rồi, "Quá tam ba bận" chỉ một lần nữa là khỏi chui ra được nữa đâu H ơi.

        KD cám ơn aKhang nhiều, anh đã bỏ công nghiên cứu "bàn về văn hoá chửi", tâm lý của người hay dùng từ đệm và có nên dùng nó hay chăng? Từ đó KD được hiểu thêm. Qua những bài thơ được aK giới thiệu và những bài D đọc của cụ Tú Xương D thấy dù bông đùa, cay cú, phẫn nộ hay nói đổng người ta cứ đem hai tiếng cha mẹ ra nói.

        Trong bài Thương Vợ thì "Cha mẹ thói đời ăn ở bạc".

        Trong bài Người Ăn Xin thì "Cha thằng nào có, tiếc không cho".

        Tới đây KD lại nhớ ngày xưa còn bé, ở mỗi cuối học kỳ mỗi khi thầy phát Thông Tín Bạ là đứa nào cũng phải giữ khư khư vì sợ bạn biết tên cha mẹ mình. Công ơn sinh thành dưỡng dục cao vời vợi là thế, "Con dại cái mang" là thế đó.

        Những người quen miệng nói thêm chữ đệm phần lớn cũng do ảnh hưởng hoàn cảnh sống của họ. Ở quê D có cô gái rất xinh, được mọi người gọi là Hoa ‘’Đèo’’ vì mỗi khi nói bất cứ điều gì cô cũng ‘’đèo’’. Từ nhỏ cô đã sống trong gia đình có bố tối ngày say sỉn, mẹ mang họ ‘’đèo’’ liên tục nên ít người dám chơi với cô. Sau 1975, cô Hoa là người tháo vát, bương chải, cô thường giúp đỡ dẫn dắt những cô gái nhà lành ngu ngơ đi buôn chui kiếm tiền nuôi bố phải đi cải tạo. Mỗi khi chị em đi bộ qua khỏi trạm gác, cô là người đi ra ngoắc xe ở đầu đèo Bảo Lộc cho chị em lên, người ta vẫn tiếp tục gọi cô là Hoa Đèo. Bây giờ cô Hoa Đèo và cô Hoa đứng đầu đèo vẫn là cô Hoa Đèo. Ai hiểu sao cũng được, cô tốt bụng nên có nhiều bạn bè. Thỉnh thoảng cô than thở: "Tớ cố sửa nhưng rồi lại cứ quên".

        Thân ái

        KimDung

        Comment


        • #5
          Tiếng Việt mình rất phong phú và khó học lắm đó KD ơi.Cũng may cô đó tên Hoa chứ không phải tên Hương , tên "Hương ngoài đèo " ( heo ngoài đường) thì nghe có lý hơn phải không? Mình có cô em tên Hương cứ bị người ta chọc nên nó ghét lắm. Một chuyện vui nhỏ của tiếng Việt mến yêu nè.

          Anh Ba hỏi chị Tư hàng xóm " chị Tư ơi , chị có bận gì hông tui qua chơi?"

          Chị Tư trả lời: " Tui hổng bận gì hết"

          Anh ba mới nói " Trời chị hổng bận gì hết sao tui dám dzô?".

          Chị Tư " Anh Ba naỳ thiệt ác hôn, tui nói hổng bận là hổng có bận làm gì hết, chứ còn tui có bận đồ đàng hoàng mà".

          Comment


          • #6
            Ngọc Lan ơi à, từ đây sẽ có nhiều anh Ba ĐHSPKTTĐ áp dụng tiếng Việt tuyệt vời để "hỏi thăm" các chị Tư khắp 5 châu đó, hihi.

            Thân ái

            Hiền

            Comment


            • #7
              Về "Câu chửi của họ Cao"

              Cao Bá Quát trước giờ chết cũng chửi thề rất “đã”:

              “Ba hồi trống giục mồ cha kiếp

              Một nhát gươm đưa bỏ mẹ đời”

              Có giai thoại về cái chết của Cao bá Quát là do vua Tự Đức giết vì quá hay chữ và ngạo mạn,nhiều lần phạm thượng với vua giữa quần thần.

              Câu thơ đúng, theo giai thoại này như sau:

              Trước khi thọ hình, Cao Bá Quát còn bình tĩnh ứng khẩu:

              ''Ba hồi trống giục đù cha kiếp

              Một nhát gươm đưa đéo mẹ thời''

              (Thời chính là tên của vua Tự Đức và 2 câu này là dạng câu đối đối ý đối từ; ex: Đù cha-đéo mẹ/kiếp-thời)

              Tuy nhiên theo chính sử, Cao Bá Quát bị Đội Xuất Đinh Thế Quang bắn chết ngoài sa trường tại vùng Yên Sơn chứ không hề bị bắt thì lấy đâu có thì giờ để mà đối, mà đáp; mấy câu đối trên do hậu thế bịa ra ghi lại mà thôi.

              Hậu sinh nói càn,xin các huynh muội miễn chấp.

              TuanTon

              Comment


              • #8
                NL mến, câu chuyện vui, ngoài chữ bận còn nhiều chữ bị lộn lắm đó NL.

                Tuấn ơi, Nhà thơ lớn Cao Bá Quát "xuất khẩu thành thơ". Chị Dung nghĩ ông cay cú nói hai câu này khi ông biết mình bị kết tội chết vì phạm trường qui. Nhưng sau được vua Thiệu Trị tha chết mà chỉ bị giam thôi.

                Các bạn mến, hôm nay D nói chuyện với người Hải Phòng anh kể:

                - ĐM ngày xưa đi bộ đội, đánh nhau với tàu cộng trên vùng Cao Bắc Lạng, phải đèo cái balô nặng mấy chục cân leo đèo vượt vượt dốc cực khổ, mà chẳng được cái Đ gì.

                Chữ Đ (huyền) ở đầu câu và D (sắc) ở cuối câu là đệm , KD học được 2 chữ đèo ở giữa : một chữ là cái đèo, một chữ đèo còn lại có nghĩa là chở, lai hay cõng một cái gì trên mình. Như vậy một chữ ''đeo'' thôi mà có tới ba nghĩa phải không các bạn?

                Thân ái

                KimDung

                Comment


                • #9
                  Các bạn và Kd ơi!

                  Từ lâu rồi H đã biết đèo là chở, là lai là cõng một cái gì trên người rồi đó.

                  Cái xe đạp hồi đó của gia đình H đèo được 4 người lận , nhờ có thêm một chỗ ngồi cho con nít ở phía trước yên xe, nó gắn trên cái đòn xe đạp.

                  Sáng nào ông xã cũng đèo 3 mẹ con H để đem hai con đi nhà trẻ hay sang gửi bà nội.

                  Đứa lớn 2 tuổi ngồi phía trước, còn H ngồi ở yên sau ôm đứa 1 tuổi, trong khi mặt bác tài mặt cứ phơi phới như hoa, cộng thêm bà vợ phía sau miệng cười toe toét, đứa lớn bi bô luôn miệng, trong khi đứa nhỏ thì mắt tròn xoe nhìn ngắm quang cảnh 2 bên đường.

                  Cái cảnh đèo 1 vợ hai con ấy trở thành quen thuộc trong xóm, hôm nào không thấy bóng dáng cái xe đạp đèo 4 , là có vài bác hàng xóm ghé sang thăm hỏi:

                  " Hai đứa hôm nay không đi nhà trẻ à, sáng nay không thấy chú đèo cô và hai cháu

                  ngang qua nhà tôi".

                  nên H chỉ biết hihi các bạn à.

                  Thân ái

                  Hiền

                  Comment


                  • #10
                    Còn đây là cảnh mỗi sáng ở quê D nè

                    Đèo nhau, dô ta

                    Ta cùng đèo nhau, dô ta

                    Vượt bao triền dốc, dô ta

                    Đèo nhau lên rừng, dô tà là hò dô ta dô ta

                    Đèo cao, dô ta

                    Thì mặc đèo cao, dô ta

                    Nhưng lòng ta quyết, dô ta

                    Còn cao hơn đèo, dô tà là hò dô ta dô ta.:blush:

                    Thân ái

                    KimDung

                    Comment


                    • #11
                      Bạn đọc thương mến.

                      KD rất hạnh phúc và luôn trân qủi những tấm chân tình các bạn dành cho D. Các bạn không những đã đọc bài của KD mà còn góp cho KD những comments thật qúi giá. Hôm nay KD lại được bạn đọc góp cho những câu "bâng quơ" thuộc vùng, miền các bạn thường dùng đặt trước 1 câu nói, chúng được xử dụng như là1 thói quen mà ngay chính bạn cũng không hiểu nghĩa là gì và xuất xứ từ đâu? mà chỉ nghe các vị già làng nói và truyền lại cho đến bây giờ.

                      Một người bạn sống tại Đà Nẵng hay dùng câu "bạ cha ơi"

                      Ex: bạ cha ơi hắn đẹp qúa.

                      Một người bạn khác người xứ Quảng Bình nói người dân ở đó thường hay dùng câu " ma cô lại".

                      Ex: ma cô lại cháu Lan đi đâu nợ ?.

                      Lần đầu tiên KD được nghe những câu đó, KD hỏi có nghĩa là gì vậy? Được trả lời : "đã bảo rồi, có nghĩa là không biết", chį em chỉ phá lên cười .KD lại hỏi "con nít có được nói với người lớn như vậy không?" " không biết rõ, thường chỉ thấy người lớn nói với mình và tụi mình nói với nhau" rồi chị lại bảo "tiếng của mấy người nhà quê, hỏi thêm sẽ bị rầy rà", Thế là chỉ nói theo phản xạ tự nhiên mà chưa hiểu được hết

                      Ôi ! Tiếng nước tôi, tôi cần phải học ở mọi người nhiều lắm. Cám ơn các bạn thật nhiều.

                      Thân ái

                      KimDung

                      Comment


                      • #12
                        Cho đến bây giờ các học giả của Việt Nam vẫn chưa hoàn tất được một cuốn tự điển tiếng Việt đầy đủ những ''địa phương ngữ''. Cũng may là tiếng Việt lại khá thuần nhất - dân trong nước có thể dễ dàng hiểu nhau chỉ trừ một số trường hợp cá biệt, một phần vì chủng tộc - ít pha trộn, một phần vì lịch sử - phải hợp tác với nhau để chống ngoại xâm, một phần vì địa lý - diện tích đất nước không lớn lắm. Tuy vậy đề tài này vẫn có tầm vóc khá lớn, viết mãi cũng không hết vì sự phát triển của xã hội khiến cho ngôn ngữ luôn phát triển và đổi mới. Ai có cơ hội đi thăm hay làm việc ở nhiều nơi khác nhau trong nước sẽ có được kiến thức ngữ học dồi dào để hiểu rõ hơn đồng bào của mình.

                        Comment


                        • #13
                          KD đọc truyện, có một nhà văn viết những mẩu đối thoại dễ thương, đại loại như:

                          _ Ế lèo ơi! Ông cũng biết mình gìa rồi cơ à?

                          _ Ế lèo ơi! Ông thách nhà giàu húp tương đấy à?

                          _ Ế lèo ơi! Gìa cả rồi..

                          "Ế lèo ơi!" là một cụm từ hô thán hình như không có trong từ điển tiếng Việt , nhưng lại là tiếng nói cửa miệng của người làng Nghĩa Mỹ này. Những cô gái Nghĩa Mỹ khi nói "Ế lèo ơi!", thế nào môi cũng bĩu ra, vừa thân tình, vừa có một chút mỉa mai, pha trộn một chút bông đùa, dễ thương đến lạ lùng. Ông nhớ tới cái bĩu môi thời thanh xuân của bà. Ông muốn được một lần nhìn lại.

                          Tiếng Việt mến yêu, có những ÁI NGỮ dễ thương chi lạ, KD đang muốn lắng nghe và muốn được chia sẻ.

                          Thân ái

                          KimDung

                          Comment

                          Working...
                          X